Một trong những điều làm người ta nản lòng nhất khi họ đang cố thăng tiến trên đường thiêng liêng là khi họ cứ mắc đi mắc lại một tội. Chúng ta rất hối tiếc, chúng ta nghĩ mình sẽ không bao giờ lặp lại nó. Và chúng ta lặp lại nó thật. Chúng ta cảm thấy tội lỗi, hối hận và xấu hổ.

Lúc đó chúng ta dễ muốn từ bỏ. Chúng ta cảm thấy nản lòng và nói với mình rằng đó không hẳn là tội, hay nếu nó là tội thì nó cũng không nghiêm trọng.

Dưới đây là 12 điều nên nhớ khi bạn cứ mắc đi mắc lại một tội.

1. Sự hoàn hảo là công cuộc cả đời

Bạn có nghĩ rằng bạn sẽ trở thành một vị thánh chỉ sau một đêm? Đó là một vấn đề đối với người Mỹ chúng ta. Chúng ta thích những giải pháp đơn giản, nhanh chóng và không đau đớn. Thánh GH Gioan Phaolô II nói rằng: Đức trong sạch là công cuộc cả đời”. Không có gì vĩ đại lại đến một cách đơn giản. Trở thành một vị thánh cũng giống như trở thành vận động viên Olympic hay một nghệ sĩ piano biểu diễn hoà nhạc vậy. Nó không diễn ra nhanh chóng.

2. Đừng quá khó khăn với bản thân mình

Phải, hãy đặt ra những tiêu chuẩn cao. Đừng dễ dãi với bản thân mình, nhưng cũng đừng quá khó khăn. Nếu bạn vẫn tiếp tục cố gắng thì bạn đã làm đúng. Một câu nói nghe sáo rỗng, nhưng rất chính xác: Bạn ngã xuống bao nhiêu lần không quan trọng. Quan trọng là bạn đứng lên bao nhiêu lần. Miễn là bạn vẫn còn đi trên con đường đó và đứng dậy khi vấp ngã, bạn vấp ngã bao nhiêu lần không quan trọng.

3. Nhìn nhận khách quan vấn đề của bạn

Cảm giác tội lỗi và xấu hổ bạn cảm thấy không hẳn là dấu chỉ chính xác rằng tội lỗi của bạn nghiêm trọng đến đâu. Chúng ta có xu hướng cảm thấy tội lỗi và xấu hổ hơn vì những tội lỗi xác thịt vì chúng rất nguy hiểm và có vẻ dơ bẩn. Việc bạn ít cầu nguyện, thiếu tôn trọng người khác có thể còn nghiêm trọng hơn cái tội khiến bạn cảm thấy vô cùng xấu hổ. Lòng kiêu hãnh và sự ngạo mạn của bạn có thể là một trở ngại trên đường thiêng liêng lớn hơn những tội lỗi của xác thịt. Tôi không có ý bảo rằng: tội lỗi xác thịt không nghiêm trọng, nhưng cảm giác tội lỗi và xấu hổ chúng gây ra đôi khi làm bạn mất đi ý thức về những tội khác mà bạn không thấy xấu hổ. Hãy tự hỏi lương tâm mình một cách khách quan, và đừng đắm chìm trong cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Thay vào đó, hãy xốc lại bản thân mình, đến với toà giải tội và tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa.

4. Phân biệt rõ tội trọng và tội nhẹ

Để là tội trọng thì nó phải là một vấn đề nghiêm trọng. Nghĩa là nó phải là một tội lỗi nghiêm trọng mà về bản chất nó tách rời bạn khỏi tình yêu của Chúa. Thứ đến, bạn phải biết rằng nó là một tội trọng và nó phải có sự tự do quyết định. Bạn phải nói rằng: Tôi biết đó là tội trọng, nhưng tôi vẫn cứ phạm. Khi bạn vấp ngã, hãy nhớ lấy điều đó. Nếu bạn phạm phải một tội trọng, hãy thật lòng ăn năn sám hối mà đến với Chúa ngay lập tức. Nếu bạn làm điều đó với ý định sẽ đến toà giải tội ngay khi có thể, bạn đang trên đường trở về với Chúa.

5. Những tội “theo thói quen” đôi lúc có nguồn gốc tâm lý

Điều này không có nghĩa là bạn không chịu trách nhiệm, nhưng ít nhất cảm giác tội lỗi của bạn có thể vơi bớt phần nào. Nếu bạn gặp vấn đề vì mê mẩn một thứ gì đó và không thể nào vượt qua một tội cụ thể nào đó, hãy tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Các bác sĩ chuyên khoa và cố vấn tâm lý có thể giúp bạn tìm ra cội rễ gây ra sự mê mẩn đó. Nếu bạn không thể ngừng phạm một tội cụ thể nào đó, rất có thể bạn đã “nghiện”. Một số người thậm chí không nhận ra, nếu không thì cũng phủ nhận nó. Hãy suy nghĩ vấn đề thấu đáo. Có lẽ bạn cần thêm sự giúp đỡ. Điều đó là bình thường thôi. Bạn cũng đâu ngại phải đến gặp nha sĩ khi bị sâu răng đâu. Đừng ngại đến gặp một linh mục khi linh hồn bạn có sâu.

6. Đánh giá đúng tầm quan trọng của tác vụ trừ tà

Nếu bạn bị mắc kẹt với một tội cụ thể nào đó, có thể bạn đã bị một linh hồn xấu xa nào đó cám dỗ. Linh hồn xấu xa ở đây không nhất thiết là ma quỷ. Nó có thể là một linh hồn xấu xa do con người gây ra, một ký ức đau buồn, một mối quan hệ tồi tệ trong quá khứ hay một yếu tố xấu xa và tà ác nào đó do con người gây ra mà bạn không biết. Nếu bạn cảm thấy vấn đề của mình có dấu hiệu của một linh hồn xấu xa, hãy sử dụng liệu pháp đơn giản là ăn chay và cầu nguyện. Nếu cần thiết hãy hỏi một linh mục xin một lời cầu nguyện để thanh trừ chúng khi bạn xưng tội. Tuy nhiên nhớ cẩn thận vì không phải tất cả mọi linh mục đều hiểu biết về tác vụ này. Bạn có thể phải tìm cho đúng người.

7. Hiểu cơn cám dỗ vận hành thế nào

Đầu tiên là một ý nghĩ rằng bạn có thể làm một việc gì đó. Rồi sau đó là cơn khao khát trỗi dậy. Rồi sau đó nữa là một khao khát mãnh liệt hơn và bạn phải đấu tranh với chính mình. Lúc đó là đã quá muộn rồi. Hãy chống lại cơn cám dỗ ngay từ khi ý nghĩ đó đến với bạn. Hãy nhớ đến tác vụ trừ tà và thực hiện cho chính bản thân mình. Hãy đẩy lui Satan, thậm chí nói lớn thành tiếng rằng: Hãy biến đi, Satan."

8. Sử dụng các vật dụng thiêng liêng

Mặt dây chuyền trừ tà của Thánh Biển Đức, áo dòng, chuỗi Mân côi, Sách Thánh, tất cả đều là vũ khí trong cuộc chiến tâm hồn. Hãy học cách sử dụng chúng hiệu quả.

9. Cầu nguyện để được nhìn thấy bản chất của tội

Bạn sẽ không thể nào bỏ được tội đó chừng nào bạn chưa cảm thấy thật sự ghê tởm nó. Tưởng tượng bạn nghiện bánh mì phô mai thịt nướng. Bạn chỉ thật sự bỏ thói quen đó nếu bạn đi đến chỗ, mỗi khi bạn nhìn thấy cái bánh mì phô mai thịt nướng thôi bạn đã thốt lên: Làm sao mà mình có thể nuốt cái bánh mì dính nhớp nhúa, với một tảng thịt đầy dầu mỡ ở giữa, xịt đầy cái thứ sốt cà chua gớm ghiếc đó được?. Vì thế, hãy cầu nguyện xin cho những ham muốn của bạn được thanh tẩy và bạn sẽ cảm thấy cuốn hút bởi những gì là tốt đẹp và chân thật.

10. Tìm đến một vị linh mục có kinh nghiệm nơi toà giải tội

Người hối nhân nên tìm đến linh mục giải tội quen biết để vị ấy thấy được những bước tiến bộ. Nếu cha xứ của bạn không làm được thì hãy tìm một linh mục phù hợp và trân trọng vị ấy. Vị ấy sẽ giúp bạn vượt qua những tội vẫn luôn bám riết lấy bạn.

11. Đừng bỏ cuộc

Dù bạn làm gì cũng đừng bỏ cuộc. Đừng nói với chính mình rằng tội đó không phải là một tội. Điều đó sẽ đem đến sự huỷ diệt. Thay vào đó hãy đối mặt với tội đó và tiếp tục chiến đấu. Đó là một cuộc chiến đấu chính nghĩa. Đừng bỏ cuộc!

12. Hãy nhớ rằng Chúa luôn đứng về phía bạn

Rất nhiều người Công giáo có cái ý nghĩ kỳ lạ rằng, Thiên Chúa lúc nào cũng rình chờ xem chừng nào người ta phạm tội để vả họ một cái. Tin tôi đi, Thiên Chúa hoàn toàn trái ngược lại cái tưởng tượng đó. Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ (Ga 3, 17). Sao bạn không cố ghi vào tiềm thức của mình rằng, Chúa luôn tìm mọi cơ hội để tha thứ cho bạn, thay vì mọi cơ hội để trách phạt bạn? Người không muốn bất kỳ ai phải hư mất. Can đảm lên.

Fr. Dwight Longenecker

Tác giả: Tuấn Anh

Dịch từ http://www.patheos.com

Nguồn: giaophanlongxuyen.org