“CHÚA ĐỊNH ĐOẠT”
Margarita-Maria Lưu Thùy Diệp
WHĐ (07.6.2022) - Nhiều người thắc mắc nếu Chúa định đoạt mọi sự trong cuộc đời
chúng ta như vẫn nghe nói, thì đâu là tự do của chúng ta khi hành
động và đâu là trách nhiệm của chúng ta khi phạm tội? Ngoài ra, tại
sao phải sống cố gắng nếu Chúa đã định cho chúng ta phải lên thiên
đàng hay xuống hỏa ngục?
Khi trước, lúc
chưa có tương quan mật thiết với Chúa, tôi không nhận ra được sự quan
phòng yêu thương của Người trong cuộc đời mình. Nhưng giờ đây, tôi thấy
không gì xảy ra cho mình lại là tình cờ, mà như có sự an bài yêu
thương của Chúa, ngay cả khi xảy ra sự dữ gây đau khổ cho tôi. Tôi vẫn cảm
thấy mình được tự do để đáp lại lời mời gọi thuận theo sự an bài
đó hay không. Tôi nghĩ rằng mỗi lần tôi không đi theo sự an bài đó thì
tựa như tôi không đi theo sự chỉ dẫn của máy định vị khi lái xe. Lúc
đó, máy định vị phải tính lại để đưa tôi trở về con đường dẫn đến đích
tôi đã định trước. Cũng thế, khi tôi không đáp lại lời mời gọi của Chúa
và đi chệch hướng so với kế hoạch Chúa đã dự tính cho tôi, Chúa cũng
sẽ tính toán lại và mời gọi tôi trở lại con đường Chúa đã định cho
tôi theo một hướng mới. Và bao nhiêu lần tôi đi lạc, là bấy nhiêu lần Chúa
lại mời gọi tôi trở về con đường phải theo. Vì vậy, con đường tôi đi
thẳng tắp hay khúc khuỷu nhiều hay ít, đó là do cách tôi đáp lại
những lời mời gọi này chứ không phải do Chúa tiền định cho tôi.
Thật vậy, Chúa
là Đấng toàn tri, Chúa thấy mọi sự cùng một lúc nên thấy được cả
cuộc đời của mỗi người, nhưng không có nghĩa là Chúa tiền định mọi
sự trong cuộc đời mình, mặc dù mỗi người chúng ta đều được sinh ra
trong một kế hoạch yêu thương của Chúa dành cho riêng mình, ngay cả khi
chúng ta có là hoa trái của một sự dữ. Tuy không ngăn chận được sự
dữ nhưng Chúa không chịu thua trước nó, nên ngay khi sự dữ xảy ra
khiến một người phải sinh ra một cách bất đắc dĩ, vì đã thấy trước,
nên Chúa đã có kế hoạch yêu thương dành cho người ấy phù hợp với
hoàn cảnh đáng thương của họ, và không một ai bị Chúa bỏ rơi dù họ
được sinh ra trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vả lại, giờ đây tôi nghiệm
ra sự bất hạnh không hệ tại ở hoàn cảnh, nhưng ở tình trạng thiếu
tình yêu. Đôi khi chính trong những hoàn cảnh oái oăm nhất, người ta
lại được biết đến những cung bậc cao nhất của tình yêu, trong khi có
người lại sống trong cảnh giàu sang phú quý nhưng hoàn toàn thiếu vắng
tình yêu. Ai là người hạnh phúc hơn ai đây?
Khi chúng ta
không dựa trên tiêu chuẩn duy nhất của Chúa là tình yêu để nhìn mọi
sự việc và cảm nhận hạnh phúc, nhưng chỉ dựa trên những tiêu chuẩn
của thế gian như quyền thế, giàu sang, tài năng, thành công, và nhất
là được mọi sự như ý mình, để đánh giá hạnh phúc, thì chúng ta
không bao giờ hiểu được Thiên Chúa và đường lối yêu thương của Người.
Lúc đó, vị Thiên Chúa chúng ta tin chỉ là Đấng mà chúng ta “suy bụng
ta ra bụng... Chúa” để phóng rọi ra và câu “Chúa định đoạt” sẽ có ý
nghĩa xấu. Thật vậy, thường chúng ta chỉ nói “Thôi, Chúa đã định
đoạt rồi” sau khi xảy ra một việc không được như mình mong muốn dựa
trên tiêu chuẩn loài người, nhưng chúng ta đành phải chấp nhận vì
không làm gì khác hơn được. Trong hoàn cảnh đó mà nói “Chúa định
đoạt”, chúng ta có mảy may nào tin vào Thiên Chúa quan phòng không, hay
là chỉ chấp nhận một cách miễn cưỡng và cay đắng cái mà chúng ta
cho là “định mệnh” Chúa đã vạch sẵn cho mình và mình không cãi lại
được?
Nhưng nếu chúng
ta tin vào tình yêu thương của Đấng quan phòng, khi xảy ra một sự việc
mà trước mắt mình thấy như không được tốt đẹp, chúng ta vẫn tin rằng
điều đang xảy ra là điều tốt nhất mà Chúa có thể an bài cho mình ở
đây và lúc này, trong khi Chúa còn phải tôn trọng tự do của mọi người,
hay vì Chúa thấy điều ấy sẽ dẫn đến một lợi ích lớn hơn cho chúng
ta sau này. Lúc đó, câu “Chúa đã định đoạt” mà chúng ta thốt ra với
tâm tình biết ơn và thái độ đón nhận sẽ rất có ý nghĩa. Hoặc khi
không biết phải quyết định như thế nào cho tương lai, chúng ta phó
thác đường đời cho Chúa và nói: “Thôi, để Chúa định đoạt”. Như thế,
chúng ta dùng tự do của mình để trao quyền cho Chúa định đoạt đời
mình nên Chúa không hề xâm phạm tự do của chúng ta. Lúc đó, chúng ta
luôn muốn tìm thánh ý Chúa và đáp lại lời mời gọi của Người trong
từng giây phút của cuộc đời, con đường của chúng ta khó bị chệch
hướng và ngày càng thăng hoa.
Vậy, tùy theo sự
hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa và tương quan của chúng ta đối
với Người mà câu “Chúa định đoạt” có nghĩa tích cực hay tiêu cực và
làm cho người khác hiểu đúng hay sai về Thiên Chúa của chúng ta. Ước chi
từ nay chúng ta chỉ nói lên câu này với lòng tin yêu vào Thiên Chúa
quan phòng!