“Chạy đua” trong Kinh Thánh: ý
nghĩa cho đời sống Kitô hữu.
Lawrence B.
Porter, STL, PhD.
Lm. Phaolô Nguyễn
Minh Chính dịch từ hprweb.com
Chạy đua là một
trong những môn thể thao phổ biến nhất. Thế nhưng ngày nay có bao nhiêu người
biết được rằng chạy bộ đã có một chỗ đứng có ý nghĩa trong Kinh Thánh? Nhiều
người khá quen thuộc với quy chiếu của Thánh Phaolô về bộ môn chạy trong thư 1
Côrintô (9,24–27):
Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy
đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải.
Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải
kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại
chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế,
chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không
khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người
khác, chính tôi lại bị loại.
Sách chú giải Jerome Biblical Commentary giải
thích đoạn này của Thánh Phaolô:
Côrintô rất nổi tiếng về vận động hội ở Isthmia
được tổ chức cứ hai năm một lần. Nội dung thi đấu đã gợi ý cho Phaolô sử dụng để
làm ví dụ. Chẳng hạn, ngài nói “triều thiên hay hư nát” là nói đến những giải
thưởng trong các vận động hội ở Hy Lạp không phải là tiền bạc hay những quà tặng
quý giá mà là những mũ triều thiên danh dự, biểu tượng chiến thắng cao nhất:
vòng nguyệt quế cho những người chiến thắng vận động hội Pythia ở Delphi; vòng
ôliu cho người chiến thắng Olympics ở Athens; và vòng lá thông cho người chiến
thắng ở vận động hội Sthmia ở Côrintô.[1]
Mục từ “athletics” trong tự điển Oxford Classical Dictionary làm
sáng tỏ hơn nữa ẩn dụ thể thao của Thánh Phaolô: “Người Hy Lạp quan tâm nhiều đến
các môn thi đấu thể thao cá nhân hơn là đồng đội, và những cuộc tranh tài rất
phổ thông và được tổ chức nhiều”.[2] Chạy là môn thể thao chính trong những vận
động hội lớn, và có nhiều hình thức: môn chạy stadium là khoảng 200 mét, môn chạy diaulos gấp hai lần môn stadium, và chạy đường dài có thể gấp
24 lần chiều dài của môn stadium.
Phaolô so sánh
hình ảnh đời sống Kitô hữu với người tập luyện chạy đua là một ví dụ hay vì nó
giúp chúng ta về tầm quan trọng của thực hành đạo đức hằng ngày như cầu nguyện
và có lẽ là ăn chay, thực hành bác ái hay thống hối.
Tuy nhiên, ta
cũng lưu ý rằng hình ảnh mà Thánh Phaolô sử dụng trong thư 1 Côrintô không phải
là quy chiếu duy nhất về môn thể thao này. Trong thư 2 Timôthê, ngài nói: “Tôi đã chạy hết chặng đường đua” (4,7).
Hơn nữa, Thánh Phaolô không phải là tác giả Tân Ước duy nhất sử dụng hình ảnh
chạy đua làm biểu tượng cho đời sống Kitô hữu. Trong thư Do Thái, chúng ta được
dạy bảo rằng: “Như thế, phần chúng ta, được
ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh
nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành
cho ta” (12,1).
Nhưng lưu ý cũng
quan trọng không kém là hình ảnh chạy đua như là biểu tượng cho đời sống thiêng
liêng không chỉ có trong Tân Ước mà cả Cựu Ước nữa. Trong sách Gióp 9, 25 ta
nghe thấy lời than vãn: “Ngày đời tôi
trôi nhanh hơn kẻ chạy đua”. Trong Thánh 119, ta đọc thấy: “Được Chúa thương mở lòng mở trí, con chạy
theo đường mệnh lệnh của Ngài”. Và trong sách Châm Ngôn có câu: “Còn chính nhân được chạy đi vui sướng hò reo”
(29,6).
Nhưng các quy chiếu
về việc chạy trong Cựu Ước không hẳn là hoạt động thể thao. Những người chạy
trong Cựu Ước thường là những người đưa tin hay binh lính. Chẳng hạn, trong 2
Samuen 18,19, ta đọc thấy: “Akhimaát, con
ông Xađốc, nói: ‘Xin cho phép tôi chạy đi báo tin mừng cho đức vua là Đức Chúa
đã phân xử để đức vua thoát khỏi tay các kẻ thù của đức vua’”. Sách
Giêrêmia 51,31 mô tả những người chạy tiếp sức để đưa tin thành Babylon thất thủ:
“Phu trạm chạy đón phu trạm, sứ giả đón sứ
giả, dồn dập báo cho vua Babylon: thành của nó thất thủ hoàn toàn”. Sách
Giôen 2,7: “Chúng chạy xông tới như những
chiến binh”. Điều Giôen nói ở đây nhắc chúng ta rằng các chiến binh thời
xưa không được chuyển vận mà phải đi, thậm chí phải chạy đến nơi cần họ. Và thật
sự một nhóm chiến binh chạy cùng nhau có thể là dấu hiệu xấu, dấu hiệu chạy rút
lui khỏi một cuộc bại trận như trong 2 Samuen 18,24–25: “Vua Đavít đang ngồi giữa hai cửa thành. Người lính canh đi tới sân thượng
cửa thành, trên tường thành. Anh ngước mặt lên nhìn thì thấy một người đang chạy
một mình. Người lính canh kêu lên và báo tin cho vua. Vua nói: "Nếu nó chỉ
có một mình, tức là nó có tin mừng để báo”.
Cuối cùng, ta
cũng nên lưu ý rằng Tân Ước còn thuật lại cho chúng ta một cuộc chạy đua quan
trọng, cuộc chạy đua giữa Thánh Phaolô và Gioan đến mộ Đức Giêsu ở chương gần
cuối Tin Mừng Gioan 20,1–8:
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời
còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền
chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói:
"Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở
đâu." Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng
môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy
những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến
nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức
Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một
nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và
đã tin.
Thật thú vị là
trong lịch sử chú giải cũng như giảng thuyết Kitô giáo rất ít khi đề cập đến đoạn
này. Chẳng hạn, không tìm thấy quy chiếu về đoạn này trong các tác phẩm của
Thánh Ambrôsiô hay Augustinô, hay trong các tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô hay
Bernarđô thành Clairvaux. Rất có thể là các nhà chú giải Kinh Thánh hay
giảng thuyết nhìn đoạn này chỉ như là một chứng cứ lịch sử rằng Phêrô lớn tuổi
hơn Gioan và không có thể hình tốt để chạy đua với Gioan. Tuy nhiên, tôi đã tìm
thấy vài giải thích thần học và thiêng liêng về cuộc đua này của Phêrô và
Gioan.
Đức giáo hoàng
Grêgôriô I được sinh ra trong một gia đình quý tộc Roma và từ khi còn trẻ đã
tham gia điều hành công việc cùng với cha mình. Nhưng sau cái chết của cha,
Grêgôriô đã trở thành tu sĩ và chẳng bao lâu sau được Đức giáo hoàng Pêlagiô
phong làm phó tế thành Roma. Và khi Pêlagiô qua đời năm 590 thì chính Grêgôriô
trở thành giáo hoàng. Năm 604, Đức giáo hoàng Grêgôriô xuất bản một cuốn sách mục
vụ, gồm các bài giảng về các Tin Mừng. Bài giảng 22 là về đoạn Tin Mừng Gioan
20,1–9. Ở đây, Đức giáo hoàng Grêgôriô đã có một chú giải rất sáng tạo về cuộc
đua giữa Phêrô và Gioan:
Này bạn, cuộc chạy đua này có ý nghĩa gì?
Có thể nào ta tin rằng trình thuật rất thâm sâu của tác giả tin mừng lại thiếu
đi ý nghĩa mầu nhiệm chăng? Chắc chắn rằng không. Người ta đã không nói rằng
Gioan đến trước nhưng không vào trừ phi có một ý nghĩa mầu nhiệm cho sự do dự của
ông. Vậy thì Gioan mang ý nghĩa gì nếu không phải là hội đường, và Phêrô là gì
nếu không phải là giáo hội?
Ta đừng ngạc nhiên khi thấy rằng hội đường được
cho là vị tông đồ trẻ và giáo hội là vị tông đồ lớn tuổi hơn, vì mặc dù hội đường
xuất hiện trước Giáo hội các dân ngoại trong việc thờ lạy Thiên Chúa, nhưng
theo sự tính toán của thế gian thì số đông các dân ngoại đã có trước hội đường,
như Thánh Phaolô đã chứng nhận rằng loài xuất hiện trước không phải là loài có
thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó (1 Cr 15,46).
Và vì thế Giáo hội các Dân ngoại được biểu trưng bằng người lớn tuổi hơn là
Phêrô và hội đường của người Do Thái là Gioan, người nhỏ tuổi hơn.”[3]
Tuy nhiên, tôi lại
thích giải thích của Thánh Grêgôriô Palamas. Grêgôriô sinh tại Constantinople
vào năm 1296, ngài trở thành tu sĩ của tu viện Núi Athos, nhưng sau này làm
Giám mục Thêxalônica vào năm 1347. Năm 2009, nhà xuất bản Mount Thabor ở
Waymart, Pennsylvania, xuất bản 63 bài giảng còn lại của Grêgôriô, bản dịch của
Christopher Veniamin. Tôi trích đoạn sau đây từ bài giảng số 5, Palamas
chú thích về Gioan 20,3–6:
Trước đây, Phêrô có một bà mẹ vợ (cf. Mc
1,29–31, Lc 4,38–39), nhưng ngài không tụt hậu sau Gioan khiết tịnh khi cả hai
cùng chạy đến ngôi mộ nơi sự sống bắt đầu (cf. Ga 20,3–6). Một cách nào đó, ông
còn vượt qua Gioan vì được Chúa chỉ định làm thủ lĩnh các thủ lĩnh (cf. Mt
16,18–19; Ga 21,15–17).
Chính Palamas là
một tu sĩ độc thân, bắt đầu bằng ghi nhận rằng Phêrô đã lập gia đình. Nhưng rồi
tiếp tục đưa ra tước vị đặc biệt của Phêrô trong số mười hai tông đồ, điều mà
chúng ta gọi là quyền tối thượng của Thánh Phêrô, gợi ý rằng tại sao ông Gioan
mặc dù đến mộ trước nhưng không vào mà đợi cho thánh Phêrô đến và để Phêrô đi
trước mình. Có một bài học quan trọng ở đây dành cho tất cả Kitô hữu: không
Kitô hữu nào chạy một mình, Chúa cũng không mời gọi chúng ta tiến về phía trước
một mình, nhưng mỗi người chúng ta là thành phần của một cộng đoàn đức tin.
Chính Đức Giêsu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cộng đoàn trong đức tin khi
nói rằng: “Nơi đâu có hai ba người hội họp
lại thì ở đấy có Ta”. Nhưng trong cộng đoàn đức tin ấy có trật tự và thậm
chí có phẩm trật. Trong tác phẩm sớm nhất của Kitô giáo, Thánh Phaolô khuyên nhủ
các tín hữu ở Thêxalônica rằng: “Xin anh
em hãy quý trọng những ai đang vất vả vì anh em, để lãnh đạo anh em nhân danh
Chúa và khuyên bảo anh em” (1 Tx 5,12). Như vậy, trong khi ta có thể có những
bước tiến dài trong đời sống cầu nguyện hay nghiên cứu, thì cũng nên tôn trọng
quyền bính trong Giáo Hội, ngay cả khi giống như Phêrô đã từng chối Đức Giêsu
trước đây, Giáo Hội cũng không phải lúc nào cũng luôn sống theo ơn gọi cao quý
của mình như mong đợi.
Nguồn: gpquinhon.org
[1] Jerome
Biblical Commentary (Prentic Hall, 1968), tr. 268
[2] Oxford
Classical Dictionary (Clarendon Press, 1979), tr. 142
[3] Gregory
the Great: Forty Gospel Homilies, David Hurst dịch thuật, (Kalamazoo, MI:
Cistercian Publications, 1990), tr. 165