Lời Chúa: Ga 15, 12-17
Khi ấy, Đức Giêsu
nói với các môn đệ rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương
của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy,
nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là
tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn
hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh
em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất
cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.
Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”
Suy niệm:
Tôn giáo
nào cũng dạy người ta phải yêu nhau.
Từ bi hỷ xả của Phật giáo hay tứ
hải giai huynh đệ của Khổng giáo.
Đức Giêsu đã coi việc yêu thương
nhau là một điều răn, một lệnh truyền.
Nhưng lệnh truyền này có nét mới mẻ:
“Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (c. 12).
Nét mới mẻ và đáng sợ nằm ở chữ như.
Chính chữ này làm nên nét đặc trưng
của Kitô giáo.
Đức Giêsu soi sáng ý nghĩa của chữ như trong câu sau,
khi Ngài nói đến tình yêu của mình
đối với các môn đệ:
“Không ai có tình yêu lớn hơn
tình yêu của người hy sinh mạng
sống vì bạn hữu mình” (c. 13).
Chết cho các bạn của mình là hành
vi lớn nhất của tình yêu.
Thập giá là biểu hiện của tình yêu
lớn nhất, tình yêu hiến mạng.
Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ phải
yêu nhau đến mức đó.
Người Kitô hữu được mời gọi yêu
nhau đến mức đó.
“Như Cha đã yêu Thầy thế
nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy.
Anh em hãy ở lại trong tình yêu của
của Thầy” (c. 9).
Có một dòng suối tình yêu chảy tràn
từ Cha đến Thầy Giêsu,
và từ Thầy Giêsu đến với các môn
đệ.
Ở lại trong tình yêu của Thầy chính
là để cho dòng suối đó tiếp tục chảy,
qua tình yêu giữa các môn đệ với
nhau.
Dòng suối ngừng chảy sẽ trở nên ao
tù nhơ nhớp.
Giữa Thầy
Giêsu và các môn đệ không phải chỉ có tình Thầy trò,
mà còn có tình bạn thân thiết (c.
14).
Một đặc tính của tình bạn là dám
chia sẻ cho nhau những điều riêng tư.
Thầy Giêsu cho các môn đệ biết việc
mình làm,
và biết những gì Thầy đã nghe được
từ nơi cung lòng Cha (c. 15).
Như thế đời sống thầm kín giữa Thầy
với Cha, Thầy đã vén mở.
Thầy Giêsu sống như một người bạn
bên cạnh các môn đệ.
Và Ngài cũng muốn họ sống như những
người bạn bên nhau.
Dám sống cho nhau và dám chết cho
nhau.
Chỉ khi họ sống với nhau như những
người bạn đích thực,
các môn đệ mới thật là bạn của
Giêsu (c. 14).
Tình bạn đối với Giêsu khiến ta có
tình bạn đối với nhau.
Tình bạn ta có đối với nhau minh
chứng về tình bạn ta đang có với Giêsu.
Trong đời
thường, chúng ta ít có cơ hội hy sinh mạng sống cho nhau.
Nhưng chúng ta lại có rất nhiều cơ
hội hy sinh những điều đáng quý khác,
như thời giờ, tiền bạc, sức khỏe,
uy tín, quyền lợi, dự tính, ảnh hưởng…
Những hy sinh này đụng đến cái tôi
của ta và làm ta đau nhói.
Mong các Kitô hữu biết yêu nhau để
người ta biết chúng ta là ai (Ga 13, 35).
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về
người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người
trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người
thiếu thốn.
Lạy
Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù
chẳng có nhu cầu.
Con
hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng
con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy
Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài
nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có
quyền hưởng.
Cha
để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho
nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần
giữ.
Xin
dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.