CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY A
Bài 04: Ý NGHĨA CỦA NƯỚC
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân
WGPSG (15.03.2023) - Phụng vụ Mùa Chay năm A dành cho các anh chị em dự tòng một lộ trình thiêng liêng, chuẩn bị cho việc lãnh nhận các bí tích khai tâm vào đêm Phục Sinh. Lộ trình này hướng tới Đức Giê-su là Nước hằng sống (Chúa nhật III), Người là Ánh Sáng cứu độ (Chúa nhật IV) và là Sự Sống đời đời (Chúa nhật V). Vì thế chủ đề của Tin Mừng Chúa nhật III là ĐỨC GIÊ-SU LÀ NƯỚC HẰNG SỐNG.
Tin Mừng Gio-an kể lại cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Đức Giê-su với người
phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp (Ga 4). Từ lời xin nước uống để giải khát
(Ga 4,7), Đức Giê-su dẫn đưa người phụ nữ đến với nước hằng sống là chính Người
(Ga 4,10-14) để rồi chị và dân làng của chị đã tin nhận Đức Giê-su là Đấng
Mê-si-a và là Đấng cứu độ trần gian (Ga 4,25-26.42).
Trong bài hôm nay, kính mời quý ông bà anh chị em cùng tìm hiểu ý nghĩa
của NƯỚC THEO KINH THÁNH.
Thưa quý ông bà anh chị em,
Nước được đề cập đến
rất nhiều trong các thần thoại, trong Kinh Thánh và trong văn chương Do-thái.
Có ba đặc điểm quan trọng nhất của nước, đó là:
- Nước là sức mạnh (ví dụ, chuyện Lụt
Hồng Thuỷ trong Sử Thi Gilgamesh)
- Nước là nguồn sự sống (các sinh vật
phát xuất từ sông, suối, ao, hồ)
- Nước là nguồn thanh tẩy (nước sông, nước suối, nước hồ).
1. “NƯỚC” THEO THẦN THOẠI VÀ VĂN CHƯƠNG NGOẠI GIÁO
Chúng ta biết, Ba-by-lon thuộc vùng Lưỡng
Hà Địa (Mesopotamia), là trung tâm của các tôn giáo đa thần với nhiều câu chuyện
thần thoại về việc sáng tạo, mà câu chuyện phổ biến nhất đó là vũ trụ trước khi
được tạo thành chỉ là cảnh hỗn mang với biển nước mênh mông.
Theo đó, nước được coi là sự hiển thánh, nước có sức mạnh thần thiêng,
siêu phàm. Và sức mạnh lớn lao nhất của nước, đó là sức mạnh sáng tạo và huỷ diệt,
tức là sức mạnh đem lại sự sống và gây ra sự chết.
Còn ở Ai-cập, sông Nin được coi là dòng sông thánh
thiêng và là nguồn nước đem lại sự sống. Vì vậy, sông Nin được coi là một vị thần
; nước sông Nin biểu tượng cho sự sáng tạo, sự sống và sự chết. Nước lụt hàng
năm của sông Nin là biểu tượng cho sự tái sinh và sự tái tạo.
Đối với người Ai-cập, nước hiện hữu trước cả khi có hoàn vũ này, và nhờ
nước lụt của sông Nin mà mặt đất nên tốt tươi màu mỡ. Sông Nin, đối với người
Ai-cập, không chỉ hiểu là sông nằm trên mặt đất, mà còn bao hàm cả khối nước
mênh mông bao trùm cả trời và đất nữa. Nước được gọi là vị thần Nun vĩ đại làm
nên hoàn vũ này.
Còn theo thần thoại U-ga-rít thì biển hoặc
nước biển là nơi cư ngụ của những yếu tố vũ trụ và hiện thân của những yếu tố
chống lại Thiên Chúa hoặc các thần. Mặt khác, nước cũng tượng trưng cho sự
phong nhiêu, dư dật, sự sinh sản và màu mỡ. Nước định ranh giới cho trái đất.
Nước còn được nối kết với nữ thần A-nát, hiện thân cho vẻ đẹp, sức mạnh để cai
trị những nguồn nước thẳm sâu trong lòng đất. Như vậy, A-nát được cho là nguồn
nước, nguồn của sự sống, là tác nhân đem lại sự sống.
2. “NƯỚC” THEO CÁI NHÌN CỦA CỰU ƯỚC
Từ những quan niệm về nước theo Ba-by-lon, Ai-cập và văn chương
U-ga-rít, chúng ta thấy nước mang đậm ý nghĩa thần thoại: nước được coi như một
vị thần, là tác nhân sáng tạo hoàn vũ này, là cội nguồn đem lại sự sống cũng
như gây ra sự huỷ diệt. Và rồi những quan niệm đó đã đi vào trong Kinh Thánh với
những ý nghĩa khác mà chúng ta sẽ bàn đến dưới đây.
“Nước” trong tiếng Híp-ri là danh từ số nhiều: mayim (ma-yim), xuất hiện
khoảng 600 lần. Nước theo quan niệm của người Híp-ri thì rất phong phú, mà ý
nghĩa quan trọng nhất của nước, đó là: sức mạnh và sự linh thiêng. Tuy nhiên,
điểm khác biệt hoàn toàn theo Kinh Thánh, đó là nước không được coi như một vị
thần, cũng không phải là nguồn gốc và căn nguyên làm nên hoàn vũ này. Nước như
bao vật thể khác cũng được Thiên Chúa sáng tạo nên (St 2,4–3,24).
a. Nước trong bối cảnh đời thường
Điều này liên hệ đến biển, sông, suối, giếng: nước ở biển tượng trưng
cho yếu tố căn bản trong trật tự sáng tạo của Thiên Chúa (St 1,10; Kb 3,15).
Thiên Chúa làm chủ trên sóng nước (Tv 93,3tt).
Sức mạnh của nước thể hiện qua biến cố Ít-ra-en vượt qua Biển Đỏ. Đức
Chúa đã điều khiển và chế ngự hoàn toàn sức mạnh và trật tự của thiên nhiên để
cứu dân Người (Xh 15,10.19; Đnl 11,4; Tv 78,13; Is 63,12). Nước vừa mang lại sự
sống khi cứu Ít-ra-en, vừa gây ra sự chết khi tiêu diệt quân Ai-cập (Is
51,9tt).
Nước sông Gio-đan hạ thấp hay ngừng chảy đã giúp dân đi bộ qua sông (Gs
3,1–4,24) hay ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa đã băng qua sông mà vẫn khô chân (2 V
2,6tt). Các dòng nước, những cơn mưa, sương tuyết đem lại sức sống cho con người
và muôn vật (Gs 3,14-17; 1V 1,38; G 5,10; 9,30; Tv 29,3; 147,13-16).
b. Nước trong bối cảnh tôn giáo
Nước được nhân cách hoá như sức mạnh của các thuỷ thần: Ra-háp (Is 30,7)
và con Giao Long (Tv 104,26; Is 27,1). Đây là sức mạnh luôn đối đầu với Thiên
Chúa (Tv 46,4; 65,10; Ed 32,2).
Nước tượng trưng cho sự thánh thiện, nơi thiết lập giao ước, sự chữa
lành, sự thanh tẩy, sự trợ giúp của Chúa, sức sống mới của Chúa: các giếng nước,
dòng nước ở gần nơi thánh, chẳng hạn ở Bơ-e Se-va (St 21,30tt) ; nước sông
Gio-đan chữa lành ông Na-a-man (2 V 5,1-14); các tư tế Lê-vi rảy nước trong ngần
để xá tội cho dân (Ds 19,21; Ed 36,25). Chúa là giếng nước làm cho con người
không phải khát (Gr 2,13; 17,13).
3. “NƯỚC” THEO NHÃN GIỚI TÂN ƯỚC
Tân Ước sử dụng các từ nói về nước khoảng 210 lần.
Theo Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su đã chịu phép rửa trong nước sông Gio-đan để khai mạc sứ vụ
loan báo Nước Trời (Mt 3,13-17; Mc 1,8-11; Lc 3,21-22).
Cho ai một chén nước lã thôi (Mt 10,42) cũng được dự phần Nước Trời (Mt
25,40). Một giọt nước trong dụ ngôn người phú hộ và La-da-rô cũng xoa dịu cơn bỏng
rát vì lửa thiêu đốt (Lc 16,24).
Nước của cuồng phong, bão tố bị Đức Giê-su khuất phục trở thành yếu tố
thúc đẩy niềm tin của các môn đệ (Mc 6,45tt ; Mt 14,28tt).
Người phụ nữ lấy nước mắt tưới đẫm chân Đức Giê-su và được tha thứ (Lc
7,36tt). Quan Phi-la-tô rửa tay trong nước nói lên sự vô can của ông trong vụ
án Đức Giê-su (Mt 27,24-25).
Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su hứa ban thứ nước thật là sự sống đời đời cho người phụ nữ bên
bờ giếng Gia-cóp (Ga 4,13-14; 6,56; 7,39; 8,37). Uống nước Đức Giê-su ban chính
là tin vào Người (Ga 7,38).
Nước hóa thành rượu tại tiệc cưới Ca-na cho thấy Đức Giê-su chính là Đấng
đem lại niềm vui ơn cứu độ (Ga 2,1-12). Nước có sức chữa lành cho người bại liệt
38 năm (Ga 5,7). Đức Giê-su dùng nước rửa chân cho các môn đệ nhằm dạy các ông
bài học phục vụ trong đức ái (Ga 13,6tt). Nước và máu tuôn chảy từ cạnh sườn Đức
Giê-su chỉ phép thánh tẩy (Ga 19,34). Đức Giê-su được chứng thực bởi Thánh Thần,
nước và máu (Ga 5,7-8).
Thánh Phao-lô nhấn
mạnh phép rửa các Ki-tô hữu lãnh nhận giải thoát họ khỏi tội lỗi để thuộc về Đức
Ki-tô, cùng chịu mai táng với Người để sống lại trong đời sống mới theo Thần
Khí (Rm 6,3-11; 8,5-11; Gl 3,27).
Trở lại với câu chuyện Tin Mừng Chúa nhật tuần này.
Giếng nước của tổ phụ Gia-cóp đã đem lại sự sống cho ông và cho con
cháu, và cho cả người phụ nữ Sa-ma-ri mãi sau này, như chị đã quả quyết: “Chính
Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy”
(Ga 4,12). Nhưng Đức Giê-su đã nói với chị rằng: “Ai uống nước này, sẽ lại
khát, còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ
trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Ga
4,13-14). Thật vậy, Đức Giê-su chính là nguồn nước ban sự sống, thanh tẩy tội lỗi,
hoán cải đời sống, đem lại niềm vui và dẫn đưa đến cuộc sống muôn đời.
Cầu nguyện
Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?
Ban ngày CHÚA gửi tình thương xuống,
con ngâm nga bài thánh nhạc thâu đêm
thành kinh nguyện dâng Chúa Trời nguồn sống.
Con thưa cùng Thiên Chúa,
là núi đá bảo vệ đời con: “Chúa quên con sao đành?
Sao con phải lang thang tiều tuỵ,
bị quân thù áp bức mãi không thôi?”
Xương cốt con gãy rời từng khúc,
bởi đối phương lăng nhục thân này,
khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi:
“Này Thiên Chúa ngươi đâu?”
Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn,
xót xa phận mình mãi làm chi?
Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người,Người là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi. (Tv 42)
Lạy Thiên Chúa hằng sống, chính Chúa là sự sống của con.
Nhờ Đức Ki-tô, Chúa đã ban cho con nước trường sinh để con không bao giờ
phải khát nữa.
Qua dòng nước thánh tẩy, Chúa đã đưa con từ cõi chết tối tăm vào cuộc sống
huy hoàng.
Xin cho con hằng khao khát Chúa là nguồn suối mát trong, để con được
thêm sức trên đường lữ thứ trần gian tiến về quê trời. A-men.
Nguồn: tgpsaigon.net (15.03.2023)