Xuất hành

“Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này từ biệt Chúa Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, một cho ông Elia.” Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Chúa Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.” (Lc 9, 28-36)

Trình thuật của Luca về cuộc hiển dung của Chúa Giêsu là bản văn duy nhất trong các sách Tin Mừng sử dụng từ xuất hành: “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (9, 31). Theo văn mạch, cuộc xuất hành Chúa Giêsu sắp hoàn thành chính là cuộc thương khó và cái chết đau đớn của ngài trên thập giá. Phải chăng đích điểm cuộc xuất hành của Chúa Giêsu chỉ là cái chết? Và phải chăng đích điểm mà ngài dẫn nhân loại đi tới cũng chỉ là cái chết? Nếu thế thì sứ điệp Tin Mừng còn có nghĩa gì với con người hôm nay? và tại sao lại phải đi theo Chúa Giêsu? Một vài ghi nhận về mặt chú giải sẽ giúp hiểu rõ hơn ý nghĩa cuộc xuất hành của Chúa Giêsu và của tất cả những ai đặt niềm tin nơi Ngài.

Trước hết là sự hiện diện của Môsê và Elia. Ai cũng biết Môsê là vị lãnh đạo cuộc xuất hành đưa dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, và những nhà thần học giải phóng đã thường quy chiếu về cuộc xuất hành này để nói đến cuộc giải phóng về chính trị, kinh tế và xã hội. Thế còn Elia thì sao? Vị tiên tri này có quan hệ gì với cuộc xuất hành mà có mặt ở đây? Trong lịch sử Israel, tiên tri Elia sống vào thời điểm mà xét về địa lý thì dân Israel đã định cư trong Đất Hứa rồi, nghĩa là đã có cuộc sống tự do chứ không còn phải sống trong cảnh nô lệ như khi còn ở Ai Cập. Tuy nhiên về mặt tinh thần, họ lại quay trở về miền đất nô lệ xưa vì họ đã quên Thiên Chúa của giao ước, và vì thế, đang phải chịu đựng sự thống trị của một vị vua độc tài và tàn bạo như cha ông họ đã phải chịu đựng bên Ai Cập. Chính vì thế, sự có mặt của Elia trong cuộc hiển dung của Chúa Giêsu làm nổi bật ý nghĩa của một cuộc xuất hành đích thực. Cuộc xuất hành Môsê đã thực hiện để dẫn dân ra khỏi đất Ai Cập và ra khỏi tình trạng nô lệ về kinh tế chính trị là chuyện đã qua rồi. Dân Chúa còn cần đến một cuộc xuất hành khác, cuộc xuất hành dẫn con người trở về với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa và sống theo giao ước đó cho trọn vẹn. Vậy ai sẽ là người thực hiện cuộc xuất hành đó?

Ngoài sự hiện diện của hai nhân vật Môsê và Elia, còn cần quan tâm đến những chi tiết về thời gian. Luca xác định thời điểm của cuộc hiển dung là “khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy,” nhưng Mátthêu và Máccô thì nói dứt khoát: sáu ngày sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin và đón nhận lời hứa trở thành đá nền của Giáo hội (Mt 17, 1-8; Mc 9, 2-8). Sự xác định thời gian này gọi về sự kiện Môsê lên núi Xinai: “Bấy giờ mây bao phủ núi. Vinh quang Đức Chúa ngự trên núi Xinai và mây bao phủ núi sáu ngày. Đến ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Người gọi ông Môsê... Ông Môsê vào giữa đám mây và đi lên núi” (Xh 24, 15-17). Aharon, Nađáp, và Avihu đã tháp tùng Môsê giống như Phêrô, Gioan, và Giacôbê tháp tùng Chúa Giêsu. Và cũng như khuôn mặt Môsê rạng ngời ánh sáng sau cuộc gặp gỡ, dung nhan Chúa Giêsu cũng rạng ngời ánh sáng thần linh. Trong biến cố Xinai, Thiên Chúa tự giới thiệu Người: “Ta là YHWH” để mở đầu Thập Điều mà Người ban bố, còn trong biến cố Chúa Giêsu hiển dung, các môn đệ nghe tiếng phán tự trời cao: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.” Như thế, Chúa Giêsu chính là Lề Luật (Torah) sống, là hiện thân của giao ước mà lề luật phải hướng tới. Hiển nhiên với Mátthêu, Chúa Giêsu được giới thiệu như Môsê mới, Đấng đến để thiết lập Giao Ước Mới và dẫn nhân loại đi vào cuộc xuất hành mới.

Những chi tiết thời gian trong Tin Mừng Matthêu còn mang ý nghĩa xa hơn. Các nhà chú giải đã cho thấy sự sắp xếp hai biến cố – Phêrô tuyên tín và Chúa Giêsu hiển dung – tương ứng với hai ngày lễ lớn trong lịch Do Thái. Theo đó, việc tuyên tín của Phêrô đã xảy ra vào ngày Yom Kippur tức là Ngày Xá Tội; sau đó là năm ngày chay tịnh rồi cử hành Sukkoth tức là Lễ Lều (liên tưởng đến việc Phêrô đề nghị làm ba lều). Trong Ngày Xá Tội, tư tế chuẩn bị hai con dê. Một con được sát tế để làm lễ tạ tội cho dân. Sau đó, Aharon đặt hai tay lên đầu con dê còn sống, xưng thú trên con vật mọi lỗi lầm của con cái Israel, rồi thả nó vào sa mạc. Con dê sẽ mang mọi lỗi lầm của dân vào hoang địa (x. Lv 16, 15-22). Cũng trong ngày hôm đó, tư tế sẽ vào nơi cực thánh trong Đền Thờ để làm lễ xá tội. Còn Lễ Lều được cử hành vào ngày mười lăm tháng bảy, khi dân đã thu hoa lợi ruộng đất, và lễ sẽ được cử hành trong bảy ngày. Gọi là Lễ Lều vì trong dịp này, dân chúng ở trong những lều làm bằng cành cây, nhớ lại thời kỳ được Chúa đưa ra khỏi Ai Cập và trải qua hành trình dài trong sa mạc, sống trong những lều cây. Ý nghĩa chính của ngày lễ là niềm hân hoan tạ ơn Đức Chúa đã ban hoa mầu ruộng đất trong miền đất mới, miền đất của tự do (x. Lv 23, 33-36. 39-43). Sự nối kết giữa Đền Tội và Tạ ơn về Đất Hứa giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa cái chết đền tội của Chúa Giêsu và miền đất vinh quang mà Ngài bước vào và dẫn nhân loại tới.

Tất cả những chi tiết trên được trình bày làm nổi bật đích điểm của cuộc xuất hành mới, và con đường mà Chúa Giêsu đi qua để thực hiện cuộc xuất hành này. Tác giả thư Do Thái đã làm nổi bật ý nghĩa này khi viết: “Thưa anh em, nhờ máu Chúa Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (10, 19-20).

Cuộc xuất hành của Chúa Giêsu là cuộc xuất hành trọn vẹn, và đích điểm mà Ngài dẫn nhân loại tới là cõi tự do đích thực và tuyệt đối.  Cuộc xuất hành của Chúa Giêsu không dừng lại ở Giêrusalem nhưng là cung thánh của Thiên Chúa. Đất Hứa mà Chúa Giêsu đạt tới và dẫn chúng ta tới là tình trạng được “ngự bên hữu Thiên Chúa” (x. Mc 12, 36; Cv 2, 33; Rom 8, 34). Con người khao khát tự do và hạnh phúc nhưng tất cả những thứ hạnh phúc và tự do đạt được trong lịch sử chỉ là những giai đoạn tạm thời, và không có gì có thể thoả mãn tuyệt đối khát vọng hạnh phúc và tự do của con người. Chính vì thế, không chỉ những người nghèo và những dân tộc nghèo mới khao khát tự do nhưng ngay cả những người sống trong những đất nước được coi là tiến bộ nhất vẫn đòi hỏi tự do, và kỳ lạ thay, nhiều khi chính những người sống trong những xã hội giầu có lại là những người thiếu hạnh phúc nhất! Cơn khát hạnh phúc và tự do nơi con người là cơn khát của những hữu thể đã được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa;” vì thế, cơn khát đó chỉ được thoả mãn khi con người được “ở bên hữu Thiên Chúa,” “ở với Chúa,” “nên giống như Chúa.” Như thế, đích điểm của cuộc xuất hành mới là chính Phục Sinh chứ không chỉ là bất cứ thiên đàng trần thế nào.

Vậy con đường nào dẫn đến đích điểm đó? Trong các sách Tin Mừng, có hai chỗ nói đến việc con người được ở bên hữu Thiên Chúa. Trước hết là trình thuật về Cuộc Phán Xét Chung (Mt 25, 31-46) trong đó “Con Người ngự lên ngai vinh hiển của Người,” và “Người phán cùng những kẻ ở bên hữu Người rằng: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hường Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa.” Những kẻ được Cha chúc phúc chính là những người đã yêu thương và phục vụ cho những anh em bé nhỏ nhất.  Ngoài ra, trong câu truyện về hai người con ông Dêbêđê đến xin được ngồi bên hữu và bên tả Chúa Giêsu khi Ngài được vinh quang (Mc 10, 35-40), Chúa Giêsu trả lời: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được Phép Rửa Thầy sắp chịu không?”

Dựa trên hai trình thuật này, con đường dành cho những ai muốn tham gia vào cuộc xuất hành mới của Chúa Giêsu là Phép Rửa, Chén, và Tình Yêu. Cả ba yếu tố này đều được tập trung trong cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế, đồng thời soi sáng con đường của những ai muốn thực sự bước theo Chúa Giêsu. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô là một minh hoạ tuyệt vời cho ý nghĩa này. Khi Chúa Giêsu loan báo về sự chết và phục sinh của ngài – tức là cuộc xuất hành của ngài – Phêrô đã lên tiếng ngăn cản vì ông nuôi dưởng ý tưởng hoàn toàn khác về xuất hành, một cuộc xuất hành không kinh qua thập giá. Ngay lập tức, Chúa Giêsu khiển trách Phêrô rất nặng lời: “Satan, hãy lui ra đằng sau Thầy” (Mt 16, 23). Như vậy, khi Phêrô đề nghị thầy thực hiện cuộc xuất hành không cần thập giá, ông đã đóng vai trò của Satan. Ngày nay cũng thế, cần phải cảnh giác trước những lý thuyết và lời rao giảng nghe thật hấp dẫn nhưng thực ra là không trung thành với con đường Giêsu. Đức Bênêđitô XVI nhấn mạnh: “Bất cứ ai chỉ nhìn Chúa Giêsu như người biện hộ cho một tôn giáo cởi mở hơn, cho nền luân lý thoải mái hơn, hoặc những cơ cấu chính trị tốt đẹp hơn... thì người đó đã giảm thiểu việc theo Chúa vào việc chấp nhận một ý tưởng hay chương trình nào đó.” Chính vì thế, sau lời tuyên tín của Phêrô, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Bất cứ ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình mà theo Thầy” (Mc 8, 34).

Nói tóm lại, cuộc xuất hành của người Kitô hữu đòi hỏi hoán cải, và hoán cải là vượt lên trên sự tự mãn để dám giao phó trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa. Hoán cải như thế hàm nghĩa phải chết đi cho chính mình nhưng cái chết đó là tiền đề tất yếu của phục sinh. Sau khi trích dẫn lời Thánh Vịnh viết rằng “đóng đinh xác thịt con bằng những cây đinh của lòng kính sợ Chúa” (119, 120), thánh Augustino giải thích: những cây đinh này là đòi hỏi của sự công chính. Với những cây đinh này, lòng kính sợ Chúa đóng đinh xác thịt chúng ta và làm cho ta nên hiến lễ dâng lên Thiên Chúa.