XEM PHIM THỜI COVID: HÒM BIA GIAO ƯỚC BỊ THẤT LẠC
Tác giả: Xuân Thọ Ngọc Điệp - Vi Hữu
WGPSG (09.7.2021) -- ‘Indiana Jones và những kẻ chiếm đoạt Hòm
Bia Giao Ước (Indiana Jones and the raiders of the lost ark)’ là
một bộ phim nổi tiếng, được phát hành cách nay đúng 40 năm (1981).
Phim đã được Xuân Thọ Ngọc
Điệp - tác giả bài viết dưới đây - xem kỹ lại để thưởng thức và đem ra phê
bình, rồi nộp bài phê bình này qua email cho giáo sư của mình, sau khi trải qua
một khóa học phê bình phim ảnh online kéo dài từ ngày 14 đến 18-6-2021 do tổ chức
Signis Á châu thực hiện.
Tham gia khóa học online quốc tế bằng tiếng Anh này có 64 học
viên của nhiều nước tại Á châu, trong đó có 26 học viên Việt Nam. Các học viên
- trong 5 ngày của khóa học - đã dùng phần mềm Zoom để nghe thuyết
trình, nhận được những tài liệu nghiên cứu, rồi nộp 2 bài làm mỗi ngày. Một trong
hai bài làm của ngày sau cùng là bài thưởng thức và phê bình phim (chọn một
phim mình thích rồi thưởng thức và phê bình theo những tiêu chuẩn đã được hướng
dẫn).
Một câu chuyện hấp dẫn
Bộ phim ‘Indiana
Jones và những kẻ chiếm đoạt Hòm Bia Giao Ước’ - mà học viên Xuân
Thọ Ngọc Điệp muốn thưởng thức và phê bình - kể về một câu chuyện xảy ra vào
năm 1936, khi một nhà khảo cổ học, cũng là nhà thám hiểm Indiana Jones, được
chính phủ Hoa Kỳ thuê để đi tìm Hòm Bia Giao Ước trước khi Hòm Bia Thánh này bị
Đức quốc xã của Adolf Hitler chiếm đoạt nhằm sở hữu sức mạnh khủng khiếp của
nó.
Đây là một câu chuyện giả tưởng rất hấp dẫn, được thực hiện
theo thể loại hành động phiêu lưu và kinh dị. Điều cần lưu ý là bộ phim này đề
cập đến một biểu tượng rất quan trọng của Kinh thánh Cựu ước, đó là Hòm Bia
Giao Ước.
Hòm Bia Giao Ước:
Thiên Chúa hiện diện
Theo sách Điển ngữ Thần học Thánh Kinh, Hòm Bia Giao Ước là
một trong những dấu hiệu hữu hình tỏ bày sự hiện diện của Thiên Chúa
nơi dân Israel. Đó là một cái Hòm (rương) nhỏ hình khối, khổ 125x75x75cm,
trong đó cất giữ hai bia đá khắc 10 điều răn Đức Chúa Trời (Đnl 10,1-5).
Cái Hòm này, được bọc một tấm biển bằng vàng, và trên nắp Hòm có tượng hai
thiên thần hộ giá, là ngai tòa hay bệ rồng của Đức Giavê (Tv 132,7; 1
Sb 28,2). Như vậy, Đức Giavê - Đấng “ngự trên các thần hộ giá”
(1 Sm 4,4; Tv 80,2) - đã giữ Lời của Ngài dưới bệ chân mình.
Hòm Bia Giáo Ước được làm từ thời ông Môsê trong hành trình đi trong sa mạc Sinai. Hòm cư ngụ trong Lều Trại, được xem như thánh điện di động, đồng hành với Israel từ núi Sinai cho đến khi vào Đất Hứa rồi ngự trị cố định trong Đền Thờ Giêrusalem. Khi ở trong đền thờ cố định này, Hòm Bia mất đi sự quan trọng của nó. Người ta không còn nói về nó trong các bản văn nữa; và nó biến mất từ thời kỳ lưu đày.
Hòm Bia Giao Ước:
Thiên Chúa hành động
Như vậy, Hòm Bia Giao Ước cụ thể hóa sự hiện diện hữu hiệu của Thiên Chúa trong suốt thời kỳ Xuất Hành và tiến về miền Đất hứa. Sự di chuyển Hòm Bia kèm theo bài chiến ca (Ds 10,35; 1 Sm 4,5) khiến cho Hòm Bia trở thành biểu tượng của cuộc thánh chiến, phần nào đó xác nhận Giavê là “vị chiến binh anh dũng” (Xh 15,3) đã thực hiện Lời Hứa của Ngài: giúp Dân Chúa vượt qua sông Giođan, chiếm thành Giêricô, chống lại dân Philitinh. Từ câu chuyện chiến tranh này, Hòm Bia mang đặc tính thiêng liêng, vừa đáng sợ vừa nhân hậu. Hòm Bia là “vinh quang của Israel” (1 Sm 4,22), là sự hiện diện của Đức Chúa chí thánh giữa Dân Ngài, đòi hỏi sự thánh thiện nơi những ai muốn lại gần (1 Sm 6,19; 2Sm 6,1-11; theo nghi thức tư tế). Hòm Bia biểu lộ sự tự do của Thiên Chúa, Đấng không để cho dân chúng dính bén trong khi tiếp tục can thiệp bằng các ơn huệ của Ngài (1Sm 4-6).
Hòm Bia Giao Ước chứa
đựng Lời Chúa
Từ khởi đầu, Hòm Bia cũng là nơi cư ngụ của Lời Chúa. Trước hết vì nó chứa đựng hai tấm bia đá khắc 10 điều răn, nên nó lưu truyền trong Israel “lời chứng” mà chính Thiên Chúa đã viết, đó là sự mặc khải cho thấy Chúa thực hiện ý định của Ngài (Xh 31,18) và Israel đáp lại Lời của Chúa (Đnl 31,26-27).
Trong suốt thời gian đi trong sa mạc, khi ông Môsê muốn hỏi
ý Giavê (Xh 25,22) hay muốn cầu xin một điều có lợi cho Israel (Ds 14), Môsê đến
trước Hòm Bia, ở đó Giavê “trò chuyện với ông như với người thân cận” (Xh
33,7-11; Ds 12,4-8).
Cuối cùng, sau thời Môsê, thì đứng “trước” Hòm Bia là những
tôi trung muốn đến gặp Chúa, hoặc để nghe Lời Chúa như Samuen (1 Sm
3), hoặc để cầu xin Ngài như bà Anna (1Sm 1,9) hay vua Đavít (2 Sm
7,18).
Hòm Bia Giao Ước với
hy vọng của Israel và Tân Ước
Hòm Bia Giao Ước đã biến mất từ thời lưu đày. Tiên tri
Giêrêmia, sau năm 587, đã kêu gọi không nên tiếc nuối Hòm Bia bị mất, vì
Thành Giêrusalem mới, vốn trở thành trung tâm của các dân tộc, sẽ là
Ngai Tòa của Giavê (Gr 3,16-17), và với Giao ước mới, thì lề luật sẽ được
ghi trong tâm hồn (31,31-34). Tiên tri Êdêkien đã sử dụng bức tranh Hòm
Bia, ngai bệ di động của Giavê, để chỉ rằng “vinh quang” rời khỏi
Đền Thờ bị ô uế nhằm trở về với những người bị lưu
đày: Thiên Chúa từ nay trở đi sẽ hiện diện nơi Những Kẻ Còn
Lại, tức Cộng đoàn thánh (Ed 9-11).
Dường như Do thái giáo đã hy vọng Hòm Bia Giáo Ước sẽ
tái xuất hiện vào thời sau hết (2 Mcb 2,4-8), là điều đã được đề cập đến
trong sách Khải Huyền (Kh 11,19). Và quả thực như thế, Tân Ước cho thấy
Hòm Bia Giao Ước đã tìm thấy sự hoàn thành của nó trong Đức Kitô, Lời của
Thiên Chúa cư ngụ giữa con người (Gn 1,14; Cl 2,9), hoạt động cứu độ con
người (1Tx 2,13), hướng dẫn (Ga 8,12) và trở thành nguồn ơn tha thứ cho con người
(Rm3,25; cf 1Ga 2,2; 4,10).
Hòm Bia Giao Ước
trong bộ phim giả tưởng của đạo diễn Steven Spielberg
Trong phần cuối của bộ phim ‘Indiana Jones và những kẻ chiếm đoạt Hòm Bia Giao Ước’, khi
nhân vật phản diện Belloq tiến hành nghi thức mở Hòm Bia Giao Ước bằng lời gọi
hồn của một thượng tế, Hòm Bia Giao Ước đã mở ra, cho thấy bên trong chất chứa
đầy cát vụn - có lẽ đó là những gì còn sót lại của hai bia đá khắc Mười Điều
Răn. Khi nhà thám hiểm Jones - đang bị trói cùng với Marion - cảnh báo cô nàng
Marion hãy nhắm chặt mắt lại, thì có những hình dáng như các linh hồn bay lên từ
chiếc Hòm, dần dần lộ diện là những ‘Thiên thần chết chóc’. Rồi những ngọn
lửa xuất hiện phía trên chiếc Hòm bị mở, bắn ra hàng loạt tia năng lượng xuyên
thủng bọn lính Quốc xã và giết chết tất cả ngay tại chỗ. Dưới sức nóng khủng
khiếp, nhân vật Dietrich ngay lập tức bị biến thành cái xác ướp; tất cả da thịt
của Toht cũng bị tan chảy khỏi hộp sọ của y, còn đầu của Belloq thì nổ tung.
Trước khi nắp của chiếc Hòm tự đóng lại, cả một bể lửa lan rộng, nhấn chìm và
làm bốc hơi toàn bộ những người tận mắt chứng kiến vụ việc trong một cơn gió lốc,
ngoại trừ Marion và Jones. Khi Jones và Marion mở mắt ra, họ thấy toàn bộ khu vực
đã bị xóa sổ và đám dây trói họ cũng bị đốt cháy. Cặp đôi vui mừng ôm nhau vì
đã thoát nạn.
Nhưng những hình ảnh trên đây chỉ là những điều tưởng tượng
của những người làm phim. Còn những người Công giáo đã tìm hiểu về Hòm Bia Giao
Ước thì hiểu rằng: Hòm Bia Thánh không rùng rợn như vậy mà đã tìm thấy sự hoàn
thành tuyệt hảo của nó nơi bản thân Đức Kitô - là Lời của Thiên Chúa cư ngụ giữa
con người, thương xót cứu độ con người, hướng dẫn họ và trở thành
nguồn ơn tha thứ đích thực cho họ.
Khi xem phim này, các Kitô hữu có thể nhớ đến một lời trong
Kinh cầu Đức Bà: ‘Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy’. Cùng với Mẹ Maria, mỗi
người Công giáo cũng phải trở thành Hòm Bia Giao Ước, nơi chất chứa và chuyển tải
tình thương của Chúa cho con người.
Dù sao đi nữa, hình ảnh mãnh liệt của Hòm Bia Giao Ước trong
phim của đạo diễn Steven Spielberg cũng gợi cho người xem nhớ đến thời kỳ dân
Israel luôn kiệu Hòm Bia Thánh cùng đi với họ để bảo vệ họ trong suốt hành
trình chiến đấu cam go hầu về tới được Đất Hứa. Và chính vì thế, phim này cũng
làm cho người Công Giáo nhớ đến hình ảnh siêu việt thánh thiêng của một Thiên
Chúa toàn năng - trước Tôn Nhan Ngài, con người phải biết khiêm tốn thờ lạy
kính tôn và hoàn toàn cậy dựa vào Ngài trong hành trình đức tin của mình.
Sau đây là bài viết của khán giả Xuân Thọ Ngọc Điệp, đã xem phim này không chỉ để giải trí thoáng qua, nhưng muốn thưởng thức bộ phim với sự phê bình nhạy bén cần thiết và đúng cách, hầu chắt lọc được sứ điệp thực sự đáng giá của bộ phim.
THƯỞNG THỨC VÀ PHÊ BÌNH PHIM
TÊN PHIM
Tên bộ phim là ‘Indiana Jones and the raiders of the lost
ark: Indiana Jones và những kẻ chiếm đoạt Hòm Bia Giao Ước’. Có nhiều nơi dịch
là ‘Indiana Jones và chiếc rương thánh tích’.
CÁC GIẢI THƯỞNG
Bộ phim đã được đề cử 9 hạng mục ở giải Oscar và đã
giành được bốn trong số đó: Hòa âm hay nhất, Dựng phim xuất sắc nhất, Hiệu ứng
hình ảnh xuất sắc nhất và Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất (Norman Reynold,
Leslie Dilley và Michael D. Ford).
Bộ phim cũng nhận được giải Thành tựu đặc biệt cho Biên tập
Âm thanh. Nó cũng đã giành được nhiều giải thưởng khác nhau, bao gồm 'Giải
Grammy cho nhạc nền hay nhất' và giải People's Choice Awards cho
Phim hay nhất. Ngoài ra, Spielberg cũng được đề cử giải Quả cầu vàng cho Đạo
diễn xuất sắc nhất.
THỂ LOẠI PHIM
Dựa theo bối cảnh, phim này có pha trộn giữa nhiều thể loại:
- Phim Phiêu lưu (Adventure film): vì bộ phim kể về chuyến du hành
mạo hiểm đi tìm chiếc Hòm Thánh của nhân vật Jones. Anh đã vượt qua muôn ngàn
thử thách cực kỳ nguy hiểm và kỳ bí. Ngay những phút đầu của phim đã giới thiệu
Jones với những màn thử thách lớn lao tại hang động với những thế lực siêu
nhiên, bí hiểm khi Jones cùng đồng bạn vào hang để lấy tượng thần. Sau khi được
giao nhiệm vụ đi tìm chiếc Hòm Thánh, Jones đã du hành đến vùng đất Nepal xa
xôi tìm kiếm Marion để lấy chiếc huy hiệu. Kế tiếp, hai người đã phiêu du đến
sa mạc Ai Cập, gặp bao nhiêu gian truân, rồi quay hướng về Luân Đôn trên một
chiếc tàu lênh đênh giữa biển cả, nhưng ngay sau đó lại phải quay ngược trở lại
một hòn đảo ở biển Aegea, chứng kiến sự kiện phi thường của Hòm Bia Thánh tại
đây, cuối cùng mới hoàn tất sứ mạng ở Washington D.C.
- Phim Kinh dị (Horror Film) Phim mang tính chất viễn tưởng,
và có những tình tiết kinh dị không có thật. Mở đầu của phim đã cho thấy Jones
chiến đấu với thế lực vô hình nào đó rất bí ẩn bởi những phẩm vật thánh
thiêng. Cách bố trí bối cảnh rùng rợn, âm thanh ghê sợ, ánh sáng huyền ảo
bên trong hang động, những chuyển động và sự tấn công kỳ bí trong hang động, những
xác chết bí ẩn, và cái chết đầy ghê rợn của người bạn phản bội Jones. Giữa cuộc
hành trình tìm chiếc rương thần, Jones lại đối đầu với những nguy hiểm kỳ lạ
bên trong ngôi mộ thánh, nơi chứa chiếc rương thần: hơn 7000 con rắn trong mộ,
bối cảnh những xác chết kinh dị xuất hiện bất ngờ bên trong ngôi mộ và ánh sáng
u ám, huyền ảo…
Sự ghê rợn được diễn tả qua tình tiết những linh hồn bay lên
từ chiếc rương và sau đó dần lộ diện là những Thiên thần chết chóc. Những
ngọn lửa dần hình thành phía trên chiếc rương bị mở, rồi chúng bắn ra hàng loạt
tia năng lượng xuyên thủng bọn lính Quốc xã và giết chết tất cả chúng ngay tại
chỗ. Dưới sức nóng khủng khiếp, Dietrich ngay lập tức bị biến thành cái xác ướp;
tất cả da thịt của Toht bị tan chảy khỏi hộp sọ của y, còn đầu của Belloq thì nổ
tung. Âm thanh rùng rợn và kỳ bí, tempo âm nhạc dồn dập tạo cho người xem cảm
giác sợ hãi, bất ngờ và hoảng hốt, kinh hoàng…
- Phim Hành động (Action Film): Phim nói lên sự chiến đấu giữa cái
thiện và cái ác. Jones đại diện cho cái thiện, người anh hùng cứu thế giới
thoát khỏi âm mưu của Phát xít Đức muốn tăng sức mạnh vô hạn để thống trị thế
giới khi chiếm được chiếc Hòm Thánh. Trong cả suốt hành trình, liên tục những
cuộc đấu súng cực kỳ căng thẳng giữa hai thế lực này. Đầu tiên là sự chiến đấu
bằng vũ khí tại hang động với bọn phát xít khi Jones tìm được tượng thần và anh
đã may mắn thoát khỏi bọn chúng. Trong hành trình tìm Hòm Bia Giao Ước, anh
liên tục phải chiến đấu bằng vũ khí và tay không để giải cứu Marion, và chiến đấu
nhiều lần để thoát khỏi sự sát hại của bọn phát xít. Cao trào là cuộc chiến khốc
liệt để giành lại chiếc Hòm Thánh từ tay bọn phát xít trong hồi 3 của phim. Rất
nhiều kỹ xảo điện ảnh cực kỳ mãn nhãn được thực hiện: cuộc chiến đấu khi anh
truy đuổi và giành được chiếc xe tải chở Hòm Bia Giao Ước của bọn phát xít, chiếc
xe của bọn phát xít lăn xuống vực sâu…
CHỦ ĐỀ
Mục tiêu của bộ phim nói đến sự anh hùng, ý chí kiên cường của
người đại diện cho chính nghĩa, dám can đảm vượt qua những thử thách cam go nhất,
nguy hiểm nhất để giành lại chính nghĩa, chống lại cái Ác. Bộ phim đề cập đến
Hòm Bia Giao Ước, đại diện cho những biểu tượng thánh thiêng bậc nhất của người
Do Thái; đồng thời cũng nhắc đến phe đối lập là Phát xít Đức, với tư tưởng diệt
chủng. Như vậy, bộ phim cũng muốn lên án một đế chế tàn độc, và qua đó đã nhấn
mạnh rằng: điều Ác không bao giờ chiến thắng điều Thiện.
ĐÁNH GIÁ
Chủ đề này muốn hướng tới tư tưởng tích cực, tuy nhiên, có
những cảnh khá bạo lực và tàn nhẫn khi phải chiến đấu giành lại chính nghĩa, đặc
biệt là các cuộc đấu súng và đoạn Jones chiến đấu giành lại chiếc xe tải chở
rương thánh.
Những lý thuyết được
áp dụng trong phim
Phim mang lý thuyết biểu hiện của Đức (German
expressionism) khi thể hiện những hình ảnh ghê rợn trong những tình tiết kỳ
bí. Sự lo âu, sợ hãi khi các nhân vật trong phim đối diện với thế lực mạnh mẽ của
chiếc rương thần và những chi tiết đụng độ giữa hai phe đối lập, sự thắng bại
và những nguy hiểm tạo cho người xem cảm giác lo âu sợ hãi.
Diễn tiến của câu
chuyện
1. Kịch bản: Kịch
bản không chỉ nói về hành trình của một anh hùng, mà còn cho thấy cao trào của
từng hồi trong phim. Có lúc tưởng chừng đã giải quyết, nhưng lại thêm những thử
thách mới. Có lúc tưởng chừng đã thua cuộc, nhưng lại mở ra những cơ hội chiến
thắng mới. Nhờ đó, người xem trải nghiệm những tình huống khá bất ngờ và thú vị.
2. Cấu trúc: Phim
thể hiện rõ nét cấu trúc ba hồi của thể loại phim phiêu lưu:
Hồi 1
- Giới thiệu nhân vật: Người anh hùng Jones từ đầu phim
được giới thiệu là một nhà thám hiểm và khảo cổ học. Sau đó, trở về đời thường,
anh là một giảng viên đại học.
- Giới thiệu sứ mạng: Sau khi thảo luận với các nhân viên chính
quyền và biết bọn phát xít Đức đang có trong tay những thứ có thể chiếm được
chiếc Hòm Thánh với mục đích làm cho chúng trở nên bất khả chiến bại, Jones được cơ
quan Tình báo Hoa Kỳ uỷ thác nhiệm vụ tìm kiếm chiếc Hòm Thánh đó. Sau một
chút do dự ban đầu, Jones đã chấp nhận ra đi với sứ mạng này nhờ sự động viên của
một đồng nghiệp.
- Lên đường: Ngưỡng cửa đầu tiên của cuộc hành trình là Nepal
nơi anh gặp người bạn Sahlla - đã cố vấn và giúp đỡ anh tìm ra manh mối của chiếc
Hòm Thánh.
Hồi 2
- Đồng minh và kẻ thù: Jones bắt đầu đối diện và chiến đấu với thế
lực thù nghịch tại quán bar của cô nàng Marion, người sở hữu chiếc huy hiệu là
manh mối đầu tiên trong cuộc tìm kiếm chiếc Hòm Thánh. Sau đó anh lại đối đầu với
đối thủ tại quán rượu và được người bạn giải cứu. Kế đến là việc giải cứu
Marion khỏi tay bọn phát xít nhưng không thành.
- Tiến sâu vào nơi nguy hiểm: Jones đột nhập vào chính nơi bọn
phát xít Đức đang đào mộ để tìm Hòm Thánh ở Ai Cập. Nơi đây, anh và người bạn
Sahlla giả dạng thành những người thợ đào bới hầm mộ và đã tìm ra được vị trí
ngôi mộ, nơi cất giữ Hòm Bia.
- Thử thách lớn: Sau khi phát hiện ra nơi chứa chiếc Hòm Thánh,
Jones cùng các bạn bí mật đưa chiếc Hòm ra khỏi mộ. Không lâu sau, Belloq, Toht
cùng sĩ quan phát xít Dietrich phát hiện ra hành tung của nhóm Jones và tiến
hành bao vây chiếc Giếng thần, đoạt lấy chiếc Hòm khỏi tay Jones, đồng thời nhốt
anh và Marion ở lại trong hầm mộ. Cả hai nỗ lực thoát khỏi hầm mộ và tiến
đến một phi trường địa phương, nơi Jones có màn đấu tay đôi với một tên thợ
máy và giành chiến thắng, qua đó phá hủy chiếc phi cơ có thân cánh liền khối mà
bọn Phát xít dùng để vận chuyển chiếc Hòm tới Berlin, Đức. Quân Quốc xã
trong tâm trạng hoảng loạn đã đưa chiếc Hòm lên xe tải chạy trốn, nhưng Jones
liền cưỡi ngựa truy đuổi đến cùng: anh cướp được chiếc xe tải có chiếc Hòm
Thánh.
- Nhận được phần thưởng xứng đáng: Anh đã đánh bại bọn phát xít
và thu xếp để vận chuyển chiếc rương đến Luân Đôn bằng tàu hơi nước
có tên Bantu Wind.
Hồi 3
- Những thử thách bất ngờ: Jones và Marion nghỉ ngơi trên chiếc
thuyền Bantu Wind, tưởng rằng mình đã trở về bình an. Nhưng ngay ngày hôm
sau, một con tàu U-boat của bọn Quốc xã chặn đường đi của Bantu
Wind. Belloq, Toht và Dietrich đoạt lại chiếc Hòm và bắt giữ Marion, nhưng
không tìm thấy Jones. Nhà khảo cổ này đã bí mật nhảy lên chiếc tàu U-boat và
theo chân kẻ thù đến biển Aegea.
- Sức mạnh thần thiêng của chiếc Hòm: Quân Quốc xã đưa Jones và
Marion tới khu vực nơi chiếc Hòm sẽ được mở. Chúng trói chặt họ vào một chiếc cột
đứng để chứng kiến sức mạnh phi thường của chúng. Trong bộ trang phục Thượng tế
của Israel, Belloq tiến hành nghi thức mở chiếc Hòm Giao Ước bằng lời gọi
hồn của một tư tế Do Thái. Thế rồi, chiếc Hòm mở ra, chứa đầy cát bên
trong – chúng có lẽ là những gì còn sót lại của hai bia đá ghi Mười điều
răn. Khi Jones cảnh báo Marion hãy nhắm chặt mắt lại, những ‘hình dạng linh hồn’
bay lên từ chiếc rương và sau đó dần lộ diện là những ‘Thiên thần chết
chóc’. Kế đó, những ngọn lửa dần hình thành phía trên chiếc Hòm bị mở, bắn
ra hàng loạt tia năng lượng xuyên thủng bọn lính Quốc xã và giết chết tất cả
chúng ngay tại chỗ. Dưới sức nóng khủng khiếp, Dietrich ngay lập tức bị biến
thành cái xác ướp; tất cả da thịt của Toht bị tan chảy khỏi hộp sọ của y, còn đầu
của Belloq thì nổ tung. Tiếp đó là cả một bể lửa nhấn chìm và làm bốc hơi toàn
bộ những người tận mắt chứng kiến vụ việc trong một cơn gió lốc, ngoại trừ
Marion và Jones, trước khi nắp của chiếc Hòm tự đóng lại. Khi Jones và Marion mở
mắt ra, họ thấy toàn bộ khu vực đã bị xóa sổ và đám dây trói họ cũng bị đốt
cháy, cặp đôi vui mừng ôm nhau vì đã thoát nạn.
- Hoàn thành sứ mạng: Trở lại Washington, D.C., các đặc
vụ thuộc Cơ quan Tình báo nói với Jones và Marcus Brody rằng chính phủ Hoa
Kỳ đã trả cho họ một khoản tiền hậu hĩnh vì đã bảo vệ toàn vẹn chiếc Hòm.
Các đặc vụ cũng cho biết chiếc Hòm hiện đang nằm ở một nơi an toàn và được bảo
vệ nghiêm ngặt. Nó sẽ được "những chuyên gia hàng đầu" tiến hành
nghiên cứu và giám sát.
Kỹ thuật làm phim
- Thiết kế Bối cảnh: Bối cảnh của phim được bố trí khá thuyết phục
người xem. Có những cảnh thật được dựng lại rất công phu và rất thật như: chiếc
tàu U-boa của thời thế chiến thứ II, 7000 con rắn trong ngôi mộ thánh,
quán bar của Marion và giếng linh hồn tại Elstree Studios. Riêng trong phân cảnh
Jones đối diện với những con rắn trong Giếng Linh hồn, có một cảnh được chỉnh sửa
khi anh đối diện với con rắn hổ mang: đây là cảnh được phản chiếu qua gương,
nhưng trên màn ảnh, người xem vẫn có cảm giác rất thực. Trang phục của các
nhân vật chính đến các diễn viên quần chúng rất phù hợp với thời điểm diễn ra
câu chuyện và đúng với văn hóa vùng miền nơi đó: trang phục của quần chúng
Nepal, của những người Do Thái, những người lính phát xít…
- Kỹ thuật Ánh sáng: Đạo diễn sử dụng khá nhiều kỹ thuật ánh sáng
cho phim với kỹ thuật cực kỳ chuẩn cho mỗi phân cảnh. Đặc biệt là kỹ thuật
Keylighting gần như chủ đạo trong phim, tạo nên kịch tính rất rõ cho các cảnh
quay rùng rợn, nguy hiểm của phim. Sự kết hợp hài hòa với các kỹ thuật Fill
lighting cho những khung cảnh lãng mạn và êm đềm, tạo ra nhịp độ cân bằng cho
những lúc căng thẳng và giải tỏa chúng.
- Kỹ thuật Âm thanh: Nhạc nền của bộ phim đã được nhà soạn nhạc nổi
tiếng John Williams sáng tác và được Dàn
nhạc Giao hưởng London biểu diễn. Các tình tiết trong phim được kết hợp rất
tuyệt vời với âm nhạc. Chủ đề âm nhạc rùng rợn của thời tận thế xen kẽ với tính
cách thánh thiêng phi thường của chiếc Hòm Giao Ước cũng xuất hiện thường xuyên
trong bản nhạc và được phối hợp rất phù hợp với từng hành động và từng chi tiết
xảy ra trong phim. Giai điệu lãng mạn phù hợp với sự xuất hiện của nhân vật
Marion và giữa cô với Jones. Bản nhạc trong phim đã nhận được một đề cử giải
Oscar cho nhạc phim hay nhất.
- Kỹ xảo: Các kỹ xảo được dùng trong phim đều rất tinh vi kỹ lưỡng,
khó tìm thấy những sai sót. Phân cảnh Jones ngồi trên chiếc xe tải chở rương
thánh và hất văng những chiếc xe của đối thủ, được xử lý khá hợp lý và hoàn hảo.
Tuy nhiên, cảnh Jones và đồng bạn đào hố trong đêm, bối cảnh được dựng khá thật,
nhưng chưa thuyết phục người xem cách tốt nhất.
- Diễn viên: Các diễn viên thể hiện vai diễn khá xuất sắc
trong vai diễn của mình. Đặc biệt nhân vật Jones, với sắc thái khá kiên cường,
đã diễn khá tròn vai trong các cuộc chiến đấu của mình. Vai diễn Marion cũng
phù hợp cho một cô gái mạnh mẽ, can đảm, sẵn sàng tham gia cuộc phiêu
lưu, nhưng không kém phần lãng mạn trong cách thể hiện tình cảm. Các vai còn lại
cũng rất phù hợp, diễn tả đúng biểu cảm và tính cách nhân vật trong vai diễn của
mình: sự lạnh lùng tàn độc của phát xít, sự trung tín của những người bạn…
- Các yếu tố địa phương vùng miền: Trang phục của các dân tộc xuất
hiện trong phim rất phù hợp: trang phục người Trung Đông tại Nepal, trang phục
những người lính phát xít, trang phục Tây phương thời đó, và trang phục của các
thủy thủ trên con tàu cướp biển miền Phi châu. Cách giao tiếp giữa bọn phát xít
và các thủy thủ trên tàu cũng đầy mầu sắc phân biệt chủng tộc của tư tưởng phát
xít thời đó. Nổi bật hơn hết là các tập tục trong các lễ phục, nghi thức cũng
như niềm tin của người Do Thái vào chiếc Hòm Giao Ước của họ.
- Cảm nhận cá nhân: Theo tôi (Xuân Thọ Ngọc Điệp), đây là bộ
phim xuất sắc cả về kịch bản lẫn đạo diễn và diễn viên, với các kỹ thuật, kỹ xảo
và trang phục, âm nhạc điêu luyện… Tất cả đã đem đến cho người xem những thước
phim tuyệt vời với cảm giác chân thực nhất, và với nhịp độ khá thú vị của hết bất
ngờ này đến bất ngờ khác, làm cho người xem bị cuốn hút vào chuyến hành trình
phiêu lưu rất kỳ thú. Đặc biệt trong thời dịch bệnh Covid, hình ảnh Hòm Bia
Giao Ước giúp tôi cảm nhận được sự hiện diện và đồng hành đầy uy dũng của Thiên
Chúa toàn năng trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của cả nhân loại hiện nay... Bộ
phim có thể là một nâng đỡ ủi an cho hành trình đức tin của thời kỳ phải chiến
đấu với dịch bệnh.
Nguồn: tgpsaigon.net