Lời Chúa:
Lc 11, 42-46
Khi ấy, Đức Giêsu
nói với những người Pharisêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu!
Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao
lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Phải làm các điều này mà không
được bỏ qua các điều kia. Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người
thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công
cộng. Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta
giẫm lên mà không hay.”
Một người trong số
các nhà thông luật lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả
chúng tôi nữa!” Ðức Giêsu nói: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông
luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn
chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm
nay, Đức Giêsu trách các nhà lãnh đạo.
Họ là những người
Pharisêu, những nhà thông luật.
Họ được dân chúng kính
nể vì học thức, vì chức vụ, vì đời sống đạo đức.
Nhưng họ cũng có những
khiếm khuyết cần sửa đổi.
Đức Giêsu ba lần nói
“Khốn cho” đối với người Pharisêu (cc. 42-44).
Khốn cho thứ nhất
vì họ quá chú tâm giữ những điều lặt vặt, phụ thuộc,
mà xao lãng cái chính
yếu và quan trọng.
Họ nộp thuế 10% về những
thứ rau cỏ ngoài vườn để tỏ lòng đạo đức.
Tiền thuế này được dùng
để giúp đỡ các tư tế và các thầy Lêvi.
Nhưng tiếc là họ không
để ý đến sự công bình đối với tha nhân,
và lòng yêu mến đối với
Thiên Chúa (c. 42).
Tương quan hai chiều của
họ bị tổn thương.
Việc nộp thuế, dâng cúng
cho nhiều cũng không sao kéo lại được.
Đức Giêsu đòi giữ cả
hai, nhất là những bổn phận chính yếu:
“Các điều này phải làm
mà các điều kia cũng không được bỏ.”
Khốn cho thứ hai vì
họ thích tiếng khen từ người đời.
Không yêu mến Thiên
Chúa, nhưng họ lại yêu mến ghế đầu nơi hội đường,
và yêu thích được chào
hỏi nơi công cộng (c. 43).
Địa vị, tiếng tăm là
điều họ tha thiết tìm kiếm.
Mọi việc họ làm đều nhằm
tôn vinh cho cái tôi.
Chính vì thế một đời
sống bề ngoài có vẻ sống cho Chúa,
kỳ thực lại là một tìm
kiếm hư danh cho chính mình.
Khốn cho thứ ba gắn
liền với sự giả hình trên đây.
Đức Giêsu ví họ với mồ
mả người chết chôn dưới đất.
Vì không có gì làm dấu,
nên chẳng ai biết đó là mồ mả để tránh.
Nhiều người giẫm lên nên
bị ô nhơ mà không hay.
Nghe Đức Giêsu nói, một
nhà thông luật cảm thấy bị xúc phạm.
Đức Giêsu cũng sẽ nói ba
lần Khốn cho đối với các vị này.
Họ là những nhà chuyên
môn giải thích luật và là thầy dạy dân chúng.
Khốn cho đầu tiên
vì họ đã làm cho luật trở nên một gánh quá nặng.
Những giải thích của họ
làm sinh ra bao cấm đoán và đòi buộc
vượt xa những gì chính
bản văn lề luật đòi hỏi.
Thí dụ trong ngày sabát,
có 39 loại công việc không được phép làm.
Luật thay vì là nguồn vui,
nguồn hạnh phúc, thì lại trở nên ách nặng nề.
Nhiệm vụ của người thông
luật không phải chỉ là dạy luật,
mà còn là giúp người
khác giữ luật.
Với thái độ đứng ngoài,
không muốn động vào,
không muốn trợ giúp, dù
bằng một ngón tay (c. 46),
người thông luật sẽ
không làm cho người ta cảm thấy tình yêu Thiên Chúa.
Những lời Khốn
cho của Đức Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ
vẫn còn nguyên giá trị
cho Hội Thánh của các Kitô hữu hôm nay.
Để có thể xây dựng một
Hội Thánh Việt Nam cho kỷ nguyên mới,
chúng ta cần tránh những
lỗi của người xưa.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới đề cao
quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ
âm thầm.
Giữa một thế giới say mê
thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu
thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy
phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng
tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy
hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi
người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình
yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu
chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của
thế giới.
Xin dạy chúng con biết
yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống
cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận
lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin
vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng
con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.