Việc
đình chỉ Thánh lễ thời covid-19 và việc chối Chúa trong bộ phim 'Im Lặng'
Lm.
James Martin, SJ / Lm. Vi Hữu chuyển ngữ
WGPSG -- Các Thánh lễ cộng đồng đã bị đình
chỉ, nghĩa là Thánh lễ vẫn được cử hành - ngay cả cho chúng ta - nhưng chúng ta
sẽ không có mặt ở đó. Chúng ta chỉ tham dự riêng rẽ qua màn hình trực tuyến.
Đây là sự mất mát đáng buồn nhất cho các tín hữu
Công giáo, vì tham dự thánh lễ cộng đồng là một trong những niềm hạnh phúc lớn
lao và là nghĩa vụ ân tình của ta đối với Chúa và với nhau. Tuy nhiên, hy sinh
nghĩa vụ thánh thiêng này lại chính là cái giá phải trả để có thể chu toàn
trách nhiệm đối với nhau trong đại dịch covid-19. Vì trách nhiệm xã hội và
trách nhiệm đạo đức, chúng ta cần phải thuận tình tuân theo những đề xuất
hợp lý đó của Nhà chức trách.
Trong tình huống này, có nhiều người liên tưởng đến sự hy sinh lạ lùng của các nhà truyền giáo Dòng Tên trong phim ‘Im Lặng’ của đạo diễn Martin Scorsese: Chấp nhận vâng lời Chúa để chối Chúa mà cứu mạng sống các tín hữu!
Dưới đây là 5 câu hỏi đầy bức xúc thường được đặt
ra sau khi khán giả xem xong bộ phim ‘Im Lặng’ - một bộ phim đầy ấn tượng về
các nhà truyền giáo ở Nhật Bản trong thời kỳ cấm cách đạo Chúa. Và các câu
trả lời là của linh mục James Martin, S.J. - người đồng hành với đạo diễn
của bộ phim ‘Im Lặng’.
- Tại sao linh mục Rodrigues nhiệt tình đi truyền
giáo mà rốt cuộc lại chối bỏ đạo Chúa?
- Sau khi chối đạo, linh mục Rodrigues có còn tin
Chúa nữa không?
- Kichijiro có phải là một nhân vật khôi hài không?
- Tại sao Thiên Chúa lại im lặng trước bao đau khổ
của những kẻ sẵn sàng chết vì Ngài?
- Tại sao các nhà truyền giáo lại phải đi đến những
nơi khốn khổ đó?
Bộ
phim ‘Im Lặng’ ra mắt năm 2016 của đạo diễn Martin
Scorsese - kể lại chuyện các linh mục dòng Tên truyền giáo tại Nhật
Bản vào thế kỷ 17 - đã được công chiếu trên toàn thế giới. Sau khi phim
được phát hành, nhiều người đã gửi cho tôi (Lm James Martin, S.J.) vô số thắc
mắc về phim này vì họ biết tôi là một trong những chuyên gia tư vấn cho bộ
phim. Và trên đây là 5 thắc mắc được nhiều người đặt ra nhất.
1.
Tại sao linh mục Rodrigues nhiệt tình đi truyền giáo mà rốt cuộc lại
chối bỏ đạo Chúa?
Trước
hết, bỏ đạo có nghĩa là từ bỏ đức tin của mình. Trong phim “Im Lặng”, trước khi
linh mục Rodrigues đến Nhật Bản, cũng đã từng có một linh mục tên là Ferreira
(do tài tử Liam Neeson thủ vai) đã bị tra tấn, rồi bị nhà chức trách Nhật Bản
đe doạ rằng: Nếu Ferreira không chối bỏ đạo Chúa, thì các Kitô hữu Nhật Bản -
trong đó có những giáo dân thân yêu của ngài - sẽ bị tra tấn dã man đến chết.
Như đã thấy từ đầu phim, linh mục Ferreira đã quyết định chối đạo để khỏi phải
nhìn thấy những người thân quen của mình chịu đau khổ. Cha Giám tỉnh dòng Tên
của Ferreira đã nói với hai linh mục trẻ tuổi Rodrigues và Garupe rằng: “Vì
chúng ta mà cha Ferreira đã không còn được gọi là ‘Kitô hữu’ nữa (đã
mất)!”
Lời
đe dọa của chính quyền - buộc một người phải chối đạo để tránh cho nhiều người
khác khỏi bị tra tấn đến chết - là điều hiếm thấy. Thông thường, trong lịch sử
Kitô giáo, chính đương sự bị đưa ra tra tấn và chết vì niềm tin của chính mình.
Rồi
cũng giống như cha Ferreira, sau bao nhiêu gian khổ mới đến được Nhật Bản, và
trốn chui trốn lủi để truyền giáo, cuối cùng hai linh mục trẻ tuổi Rodrigues và
Garupe cũng đã bị bắt và phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan: chọn
dẵm đạp lên ảnh Chúa để giáo dân của họ được tự do, hoặc cương quyết từ chối
động tác này để rồi giáo dân của mình bị hành hình đau đớn khủng khiếp. Đó là
một lựa chọn gần như bất khả thi. Như vậy, cả hai linh mục ấy buộc phải
"suy tính" trong một tình huống phức tạp, và không dễ tìm được cách
giải quyết thích đáng. Cha Rodrigues và cha Garupe đến từ một thế giới ‘đen
trắng rạch ròi’, thế mà phải đưa ra những quyết định đau đớn trong một thế giới
màu xám - đen và trắng lẫn lộn nhau, rất khó phân định.
Một
số nhà phê bình dường như không hiểu được những khó khăn vốn có của sự lựa chọn
này. "Tại sao các linh mục dòng Tên ấy không đạp lên ảnh của Chúa Giêsu
ngay lập tức để cứu các bổn đạo bớt phải đau đớn ngay từ đầu?"- một nhà
báo hỏi tôi. Phóng viên này đã quên mất một điểm then chốt. Toàn bộ cuộc
đời của các linh mục dòng Tên là dành cho Chúa Giêsu, Đấng mà họ kết hiệp
thường xuyên qua việc suy niệm Tin Mừng, lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện và
thi hành sứ vụ, đặc biệt qua kinh nghiệm linh thao là một loạt các suy niệm về
Chúa Giêsu. Cha Rodrigues đã nhiều lần cả tiếng nói chuyện với Chúa Giêsu,
cầu nguyện với Chúa và thường hay tưởng tượng nét mặt thân yêu của Chúa. Chúa
Giêsu là trung tâm đời sống của các linh mục dòng Tên. Muốn các tu sĩ dòng
Tên dẹp bỏ ngay lập tức mối quan hệ thần thiêng đó - để chối đạo tức thời - là
điều hoàn toàn phi thực tế.
Chỉ
đến phút cuối, sau những trải nghiệm đau thương, bao gồm việc bị tra tấn và
chứng kiến các tín hữu bị hành hình, rồi sau những giờ phút cầu nguyện vật vã,
và đặc biệt, sau khi nghe được giọng nói của Chúa, cha Rodrigues mới quyết định
dẵm lên ảnh Chúa.
Cha
đã dẵm lên ảnh Chúa, không đơn giản chỉ vì muốn cứu mạng sống của các tín hữu
Nhật Bản, mà còn vì - khi cầu nguyện - cha biết được chính Chúa Giêsu dạy
phải làm như thế. Như vậy, khác với những lời của các nhà phê bình phim ảnh,
phim này hoàn toàn không có ý đề cao việc chối đạo, mà là đề cao ý Chúa.
Nhiều
khán giả Kitô hữu có vẻ đã hoang mang khi thấy trong phim, chính Chúa Giêsu dạy
cha Rodrigues dẵm lên ảnh thánh. Vâng, chính Chúa Giêsu đã yêu cầu linh mục này
làm như thế mà cứu các bổn đạo!
Làm
sao chúng ta có thể hiểu được điều ấy về mặt thần học? Có lẽ chỉ hiểu được khi
ta nhìn vào kinh nghiệm của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn, như đã được ghi lại
trong Phúc Âm. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu nội tâm dữ dội
mới hiểu được ý Chúa Cha khi cầu nguyện: "Cha ơi, nếu Cha muốn, xin hãy
cho con khỏi uống chén này!" Ngài không muốn chết. Nhưng rồi Ngài cầu
nguyện thêm: "Nhưng không phải theo ý Con, nhưng xin theo ý Cha!" (Lc
22,42). Chúa Giêsu làm một điều mà mọi người thân của Ngài đều phản đối. Ngay
cả Phêrô cũng không muốn Chúa Giêsu phải chịu khổ: “Xin Thiên Chúa thương đừng
để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16,22). Các tông đồ không muốn Chúa Giêsu chịu
đau khổ, càng không muốn Chúa phải vác thập giá. Với họ, việc vác thập giá
chẳng có ý nghĩa gì cả!
Tuy
nhiên, Chúa Giêsu chấp nhận làm công việc xem ra vô nghĩa đó vì đây là điều
Chúa Cha yêu cầu. Việc làm này của Ngài, bề ngoài xem ra chẳng có liên quan gì
đến Chúa Cha. Tương tự như thế, hành động của linh mục Rodrigues bên ngoài xem
ra chẳng có ý nghĩa gì trong mối quan hệ giữa Rodrigues với Chúa Kitô. Nhưng
nói cho cùng, không có gì khó hiểu ở đây cả: linh mục này đạp lên ảnh Chúa, đơn
giản chỉ vì Chúa đã yêu cầu như thế. Và đối với những người nói rằng Chúa Kitô
sẽ không bao giờ đòi hỏi một điều phi lý như vậy, thì xin hãy tự hỏi: các môn
đệ đã cảm thấy như thế nào khi Chúa Giêsu bảo họ phải chịu đau khổ và phải
chết? Sao lại phải làm một điều vô nghĩa như thế?
Một
số cuộc thảo luận xung quanh bộ phim này thậm chí có thể phản ánh các cuộc
tranh luận đang diễn ra bên trong Giáo hội hôm nay về việc Đức Giáo hoàng
Phanxicô nhấn mạnh đến "sự phân biện" đối với những người phải đối
mặt với những tình huống phức tạp, trong đó lối tiếp cận ‘đen trắng rành rọt’
dường như không thích hợp. Một người bạn dòng Tên cảm thấy câu hỏi thiết yếu mà
bộ phim đặt ra là: Liệu chúng ta có tin rằng Thiên Chúa vẫn làm việc qua lương
tâm của mỗi người, và Ngài giúp họ nhận ra được con đường đúng đắn nhất trong
các tình huống phức tạp, ở đó các quy tắc bình thường dường như không phù hợp
với thực tế của tình huống đặc biệt ấy?
Trong
sách Linh Thao, Thánh Ignatio có nói đến ba mức độ khiêm tốn.
Mức
độ thứ nhất là khi người ta không làm gì sai trái về mặt luân lý. Nghĩa là, họ
đang có một cuộc sống lành mạnh.
Mức
độ thứ hai là khi một người, đứng trước những lựa chọn - ví dụ giữa giàu có và
nghèo đói, hay giữa danh dự và nhục nhã - anh ta cảm thấy hoàn toàn tự do để
chấp nhận bất cứ điều gì Chúa muốn, không vướng víu vào bất kỳ bên nào hay cái
nào. Hễ Chúa muốn cái gì thì tôi chọn cái ấy, bất kể là giàu có hay nghèo đói,
danh dự hay nhục nhã.
Mức
độ khiêm nhường thứ ba, cao nhất, là khi một người có thể chọn điều xem ra đáng
hổ thẹn, nhưng lại đưa họ đến gần Chúa hơn, như sách Linh Thao viết: "Tôi
muốn được xem như một kẻ ngu dốt bất tài vì Đức Kitô, Đấng đã từng bị xem như
thế". Đó là một người chấp nhận bị người khác hiểu lầm, giống như Đức Kitô
đã từng bị hiểu lầm.
Và
đấy là những gì linh mục Rodrigues đã chọn: đã chấp nhận sự hiểu lầm từ các
Kitô hữu châu Âu, từ các bề trên dòng Tên của ngài, và thậm chí từ những người
xem phim hiện đại.
2.
Sau khi chối đạo, linh mục Rodrigues có còn tin Chúa nữa không?
Sau
khi chối đạo, Rodrigues không còn có thể sống đời linh mục nữa, phải sống âm
thầm ở Nhật như một người Nhật Bản có gia đình. Ở cảnh cuối của bộ phim, đạo
diễn Scorsese cho khán giả xem tang lễ của Rodrigues. Trong nghi thức lễ tang,
người vợ Nhật của Rodrigues đã bỏ vào tay chồng mình chiếc thánh giá mà trước
đó, một trong những người bạn Kitô hữu Nhật Bản đã tặng cho vị linh mục này khi
đang truyền giáo. Khi đọc lần đầu tiên kịch bản của cảnh cuối này, tôi đã rất
xúc động với hình ảnh cho thấy Scorsese đã "giữ thật chặt" đức tin
của mình cho đến khi xuống mộ.
Người
vợ của Rodrigues hẳn đã hiểu rõ: cây thánh giá này có giá trị vô cùng lớn đối
với chồng bà, hiểu rằng đức tin của Rodrigues là vô cùng quan trọng đối với
ông. Với những khán giả còn nghi ngờ niềm tin của Rodrigues sau khi chối đạo,
xin vui lòng tự hỏi: Rodrigues còn giữ thánh giá này làm gì nếu ông không còn
tin nữa - nhất là khi vật thánh này sẽ là mối nguy lớn cho bản thân ông và gia
đình, nếu bị phát giác.
Thật
vô lý khi cho rằng một linh mục dòng Tên có thể bất ngờ không còn tin Chúa
Giêsu, Đấng mà ông đã tin tưởng yêu mến suốt quãng đời rất dài, thậm chí là đã
từng chịu mọi gian khổ để rao giảng về Ngài. Một lần nữa, tôi muốn phân biệt
việc ‘giữ đức tin’ với việc ‘công khai chối đạo’. Ngay cả linh mục Ferreira -
được tài tử Liam Neeson thủ vai rất tinh tế - có vẻ như cũng không hề thoải mái
khi nói với Rodrigues về việc công khai chối đạo của mình. Trong phim, lời nói
của Ferreira thì diễn tả sự chối đạo, nhưng khuôn mặt của Ferreira thì lại cho
thấy ông vẫn đang bị dằn vặt với quyết định ấy của mình.
Nhưng
có một cách dễ dàng nhất để thấy rằng Rodrigues vẫn tin tưởng vào Chúa, đó là -
vào cuối phim - mặc dù đã công khai chối đạo, Rodrigues vẫn cầu nguyện. Ông đã
nói với Chúa: “Cho đến tận hôm nay, tất cả những gì con làm,
mọi thứ con đã làm, đều là để nói về Chúa. Chính trong im lặng mà con nghe thấy
tiếng Ngài”. Nếu không còn tin Chúa, Rodrigues đã không nói chuyện với Chúa
nữa.
3.
Kichijiro có phải là một nhân vật khôi hài không?
Tôi
nghe nói rằng: khuôn mặt của Kichijiro - là anh chàng hướng dẫn viên Nhật Bản
đầu tiên của Rodrigues và Garupe, rồi sau đó thành bạn của Rodrigues - đã mang
lại những tiếng cười thú vị trong rạp chiếu phim. Kichijiro đã từng nhận mình
là một kẻ tội lỗi. Anh chối đạo nhiều lần và đã hèn nhát khai nộp Rodrigues cho
nhà chức trách Nhật Bản.
Đặc
biệt, Kichijiro đã nhiều lần đến với linh mục Rodrigues để xưng tội, và tận
cuối bộ phim, sau khi Rodrigues đã chối đạo rồi, anh vẫn tìm kiếm vị ‘cựu linh
mục’ này để tha thiết xin xưng tội.
Khán
giả đã bật lên tiếng cười khi thấy Kichijiro nhiều lần tái phạm tội chối đạo,
rồi cũng nhiều lần vội vã cắm cúi đi xin xưng tội ngay sau đó. Tôi thấy, con
người là như thế! Trong chúng ta, ai đã không từng phải chiến đấu với một thứ
tội nào đó, một cái tội dai dẳng thường xuyên quay trở lại ám ảnh chúng ta? Ai
đã không từng cảm thấy xấu hổ về việc mình cứ phải xưng tội nhiều lần về cùng
một thứ tội hay phạm? Ai đã không từng rất nhiều lần mong ước nhận được sự tha
thứ của Chúa?
Vào
cuối phim, anh chàng rất yếu đuối này dường như cũng muốn giúp Rodrigues quay
trở lại với sứ vụ linh mục của mình khi tìm đến xin xưng tội với Rodrigues.
Trong một cảnh rất cảm động, do sự nài nỉ của Kichijiro, Rodrigues đã nghiêng
đầu mình trên đầu của Kichijiro, như thể là đang cầu nguyện cho hắn. Và xem ra
cũng rất giống như đang xá tội cho hắn!
Cảnh
cuối cùng về Kichijiro có thể được coi là huyền nhiệm nhất: Một viên chức Nhật
Bản chú ý đến chiếc dây Kichijiro đang đeo quanh cổ và giật đứt nó.
Viên chức này mở chiếc túi nhỏ gắn liền với sợi dây và trông thấy một tấm
ảnh đạo, nên nhanh chóng bắt Kichijiro đi, có lẽ là dẫn đi xử tử.
Tôi
phải xem đến ba lần mới nhận ra điều lạ lùng này: Kichijiro cuối cùng đã trở thành
vị tử đạo truyền thống của Kitô giáo, có thể được mọi người Công giáo công
nhận để đưa lên bàn thờ mà tôn kính, vì hắn quả thật đã chết vì đạo Chúa. Nhưng
thật mỉa mai khi anh chàng "yếu đuối" ấy lại vô tình trở thành một vị
anh hùng, trong khi người đàn ông "mạnh mẽ hơn", là Rodrigues, đã từng
chịu bao nhiêu khổ cực khi đi truyền giáo, đã "tử vì đạo" theo một
cách khác, lại sẽ không bao giờ được tôn kính, thậm chí có thể bị khinh miệt
mãi mãi vì đã dẵm đạp lên ảnh Chúa (dù là để làm theo ý Chúa mà cứu sống nhiều
người). Đây quả là một huyền nhiệm khó hiểu về sự hy sinh và tử đạo.
4.
Tại sao Thiên Chúa im lặng?
Đây
có lẽ là câu hỏi khó nhất; và vì thế, không có gì ngạc nhiên khi cả Endo và
Scorsese đều lấy cụm từ này làm tựa đề cho cuốn sách và bộ phim của mình (Bộ
phim “Im Lặng” của đạo diễn Scorsese đã được thực hiện theo nội dung cuốn tiểu
thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Endo).
Rất
nhiều lần, linh mục Rodrigues đã rên rỉ than van về sự im lặng của
Chúa. Điều này có thể hiểu theo hai nghĩa:
-
Một là, linh mục Rodrigues không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa khi cầu
nguyện. Cha cảm nhận rõ rệt sự vắng mặt này khi run rẩy ngập ngừng trước quyết
định giẫm lên ảnh thánh (Khi vừa giẫm lên ảnh Chúa để mong cứu các bổn đạo,
linh mục Rodrigues ngay sau đó đã đổ người xuống đất, ôm chặt lấy ảnh thánh mà
khóc nức nở. Ôi, cha Rodrigues đâu muốn làm như thế! Chúa ở đâu? Sao Chúa lại
im lặng?).
-
Hai là, linh mục Rodrigues cảm thấy rằng Thiên Chúa im lặng khi không giúp đỡ
những người đang bị tra tấn dã man đến chết. Cảnh hai linh mục dòng Tên vô cùng
đau khổ khi núp trong bụi cây từ xa, kinh hoàng nhìn các Kitô hữu Nhật Bản bị
đóng đinh trên biển. Họ mong có một biến cố gì đó xảy ra để giúp các tín hữu
khỏi bị giết chết (nhưng hoàn toàn vô vọng, vì Chúa cứ… im lặng?)
Sự
im lặng của Chúa theo nghĩa thứ nhất: Có
rất nhiều ví dụ về những Kitô hữu đạo đức cảm thấy Chúa thật xa vắng. Một ví dụ
gần đây nhất chính là Thánh Têrêsa Calcutta, đã trải qua một "đêm
tối" trong suốt nhiều thập kỷ, trải dài cho đến cuối cuộc đời. Cuốn sách
“Im Lặng” của nhà văn Endo đã được viết trước khi những trải nghiệm tăm tối của
Mẹ Têrêsa về sự im lặng của Thiên Chúa được công bố. Nhưng Endo đã biết những
trải nghiệm đau đớn của các vị thánh khác về sự im lặng của Thiên Chúa, ví
dụ, Thánh Gioan Thánh Giá. Tương tự như Thánh Têrêsa Calcutta, linh mục
Rodrigues đã rất nhiều lần đau đớn vì không nghe được tiếng Chúa khi cầu
nguyện, khác với trước đó khi cha đã từng nghe được tiếng Chúa nói với mình.
Tuy
nhiên, khi kết thúc bộ phim, Rodrigues nói rằng Chúa vẫn ở trong "mọi
sự" (cách nói của Dòng Tên là "tìm thấy Chúa trong mọi sự.")
"Chính trong im lặng mà con đã nghe được tiếng Chúa", cha nói. Bên
cạnh việc nghe được tiếng Chúa Kitô yêu cầu cha giẫm lên ảnh thánh, cha còn
nhận ra rằng Chúa luôn ở với mình, ngay cả khi không nói gì với cha khi cha cầu
nguyện. Cha nhận ra rằng, dù không nói gì với cha trong nội tâm, Thiên Chúa vẫn
nói với cha qua những sự việc bên ngoài.
Sự
im lặng của Chúa theo nghĩa thứ hai: Thiên
Chúa im lặng khi không giúp đỡ những người đang bị tra tấn dã man đến
chết. Đây là điều khó trả lời hơn, cũng là vấn nạn muôn thuở về đau
khổ và sự dữ. "Tại sao lại có đau khổ?" Sẽ không có một câu trả lời
nào có thể làm thỏa mãn tâm hồn những người đang phải trải qua những đau khổ
sâu xa, cho dù họ có đạo đức đến mấy đi nữa.
Tuy
nhiên, ba quan điểm Kitô giáo về đau khổ có thể được coi là hữu ích.
Thứ
nhất, Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu, Đấng đã trải qua đau khổ, hiểu được đau khổ
và gần gũi với người đau khổ. Thứ hai, trong cái nhìn sâu sắc đó, một số nhà
thần học đã nói về một vị Thiên Chúa cùng chịu đau khổ với những người đau khổ.
Thứ ba, Kitô hữu tin rằng đau khổ không bao giờ là tiếng nói sau cùng. Luôn
luôn có hy vọng về sự Phục Sinh, về cuộc sống mới không chỉ dành cho người đau
khổ mà cho toàn thể nhân loại.
Vậy
Chúa ở đâu khi những Kitô hữu Nhật Bản đang bị tra tấn và bị đóng đinh? Tôi dám
nghĩ rằng: Chúa đang cùng với họ, cận kề họ, bên cạnh họ và nhìn họ chằm chằm
với nỗi đau khổ giống như hai linh mục Rodrigues và Garupe đang đau đớn nhìn
những tín hữu thân thiết của mình bị đóng đinh trên bờ biển.
5.
Tại sao các nhà truyền giáo lại đến đó và ở đó?
Rất
nhiều nhà phê bình đã đặt câu hỏi này với sự chê trách: Đến đó và ở đó làm gì
để rồi cuối cùng thất bại đến mức một kẻ giảng đạo lại trở thành kẻ công
khai chối đạo?
Lịch
sử các nhà truyền đạo Kitô ở Nhật Bản - và cả ở những nơi khác - là một vấn đề
phức tạp. Hãy nhớ rằng, khi nói về ‘các nhà truyền đạo Kitô’, chúng ta đang nói
về một lịch sử hơn 2000 năm, bắt đầu từ Thánh Phaolô và diễn ra ở hầu hết các
quốc gia trên thế giới. Thêm vào đó, sự đa dạng của quê hương các nhà truyền
giáo càng làm tăng nét phức tạp của lịch sử. Ngay cả khi chúng ta chỉ đơn giản
xem xét thời đại của bộ phim là thế kỷ 17: đó chính là lúc hầu hết các quốc gia
Châu Âu đều đã gửi các nhà truyền đạo Kitô ra nước ngoài. Hơn nữa, chúng ta còn
phải kể đến nhiều cách tiếp cận khác nhau của nhiều dòng tu Công giáo đang hoạt
động trong lĩnh vực truyền giáo: Dòng Phan Sinh, Dòng Tên, Dòng Đa Minh, v.v...
Trong một số trường hợp, các linh mục và tu sĩ truyền giáo đã cùng đi với
đại diện quyền lực của thực dân và đã bị coi như là các phụ tá của các nhà hoạt
động chính trị này (cho dù cái nhìn đó thường không đúng).
Các
nhà truyền giáo đã đến những vùng đất mới này để đem lại những gì họ coi là quà
tặng vô giá cho những người mà họ sẽ gặp: đó là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.
Chúng
ta hãy nhìn vào trường hợp của hai linh mục Rodrigues và Garupe. Cả hai đều đến
Nhật Bản để loan truyền Phúc Âm. Họ được gửi đến từ Bồ Đào Nha, không chỉ đơn
giản là tìm Cha Ferreira, mà còn ở lại Nhật Bản nữa. Họ mang đến cho dân tộc ấy
một điều quý báu nhất: Đó chính là Chúa Giêsu. Có ngạo mạn không khi nói rằng
họ đang mang đến một món quà? Vài người có thể nghĩ như vậy, nhưng tôi thì
không. Hãy nghĩ về những nhà truyền giáo như là các thầy thuốc muốn mang thuốc
đến với những người mà họ biết là đang rất cần những thang thuốc này. Và họ đã
làm như vậy, cho dù rất nguy hiểm cho chính mạng sống của họ.
Trong
thực tế, các nhà truyền giáo Dòng Tên đã hy sinh vô vị lợi cho các dân tộc mà
họ đang phục vụ - chịu đựng những khó khăn khủng khiếp về thể xác, nghiên cứu
ngôn ngữ địa phương (thậm chí còn soạn từ điển cho những ngôn ngữ đó, mà hiện
vẫn đang được sử dụng), ăn những thực phẩm xa lạ và làm việc vất vả như những
người mà họ phục vụ (xem nhật ký của Thánh Jean de Brébeuf -một trong những vị
tử đạo ở Bắc Mỹ- và lời khuyên của ngài với các anh em dòng Tên rằng họ cần
phải chèo thuyền vất vả như người Huron để không bị xem là lười biếng). Điều đó
được gọi là "hội nhập văn hoá", một sự yêu thương gắn bó chính mình
vào nền văn hoá địa phương.
Các
linh mục dòng Tên đã làm như thế vì tình yêu. Vì yêu Chúa và các dân tộc mà họ
đã tận tâm phục vụ. Nếu bạn nghi ngờ động lực của họ, thì tôi xin hỏi điều này:
Bạn có sẵn lòng bỏ lại đằng sau tất cả những gì bạn biết - bỏ quê hương, ngôn
ngữ, gia đình, bạn bè, thực phẩm, văn hoá, truyền thống của bạn - để đi đến tận
cùng thế giới với bao nhiêu nguy hiểm đợi chờ, mong tặng một món quà cho một
nhóm người mà bạn chưa bao giờ gặp, một nhóm người mà nhiều người ở nước bạn
nghĩ là không xứng đáng được tặng món quà ấy vì biết rằng bạn có thể bị tra tấn
và giết chết? Đối với tôi, đấy là hành động của một tình yêu vĩ đại.
Như
vậy cuối cùng, phim "Im lặng" chính là phim nói về tình yêu. Trước
hết, đó là tình yêu của hai linh mục trẻ Rodrigues và Garupe đối với
người thầy cũ của mình là Cha Ferreira. Đó là tình yêu của ba linh mục dòng Tên
đối với dân tộc Nhật Bản. Và tình yêu mãnh liệt của Cha Rodrigues đối với Chúa Giêsu
Kitô.
Trên
tất cả, đó chính là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho linh mục Rodrigues, dành
cho anh em Dòng Tên, dành cho dân tộc Nhật Bản và cho toàn thể nhân loại. Khi
hiểu được tình yêu này, bạn sẽ hiểu được nội dung của phim "Im lặng".
Trích Sách Nhịp Sống Tin Mừng
Nguồn: WGPSG