Văn hóa trong phụng vụ

Cứ mỗi độ xuân về, có biết bao lễ hội truyền thống được tổ chức, từ miền núi cho tới đồng bằng, từ thành thị cho tới thôn quê. Tỷ lệ thuận với sự phát triển của xã hội, những lễ hội càng ngày càng được tổ chức ở quy mô lớn hơn. Những năm trở lại đây, hầu như năm nào báo chí cũng đề cập tới cách tổ chức lễ hội với những nhận định và phê phán về tình trạng lễ hội bị lợi dụng và biến dạng. Những hình ảnh phản cảm được các nhà đài nhà báo trưng ra: nào là động vật hoang dã được xẻ thịt treo đầy dọc hai bên lối vào Chùa Hương, nào là cảnh chen lấn xô bồ bát nháo tại các đền, các phủ; nào là cảnh “cướp lộc, cướp ấn” tại Đền Trần Nam Định vào ngày rằm tháng Giêng; nào là nạn sư giả, cò mồi, lừa đảo... Những vấn đề này, năm nào cũng được nhắc tới, nhưng xem ra vẫn đâu lại hoàn đấy. Tín ngưỡng dân gian đang bị mất đi tính chất thiêng liêng nhường chỗ cho một thứ lễ hội bát nháo, vô tổ chức, nhuốm màu mê tín dị đoan và tính chất trần tục.

Chúng ta tôn trọng các truyền thống tín ngưỡng dân gian, nhưng chắc chắn những người có thiện chí đều không chấp thuận và ủng hộ một thứ tín ngưỡng bị lạm dụng biến dạng như đang tồn tại ở nhiều địa phương hiện nay.

Là những tín hữu công giáo, trông người lại nghĩ đến ta, thiển nghĩ đây là dịp để chúng ta suy tư về cách tổ chức và tham dự các nghi lễ phụng tự, để qua đó diễn tả đời sống đức tin và tạo nên một nét văn hóa cần thiết trong phụng vụ.

Cử hành phụng vụ là một hình thức tuyên xưng đức tin của Giáo Hội. “Lex orandi, Lex credendi”, cầu nguyện thế nào thì tin như vậy, cách thức cầu nguyện thể hiện đức tin. Một đức tin trọn vẹn phải được thể hiện ở bốn chiều kích: “Tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, ý thức cử hành đức tin trong các nghi lễ phụng vụ, thực hành đức tin trong cuộc sống hằng ngày , để có thể thông truyền đức tin cho con cháu và tất cả mọi người” (Trích Kinh Năm Đức Tin của HĐGM). Như thế, một người tham dự thánh lễ hoặc các buổi cầu nguyện cách sốt sắng cho thấy người đó có đức tin trưởng thành, và ngược lại, một cách thức tham dự phụng vụ hời hợt, thiếu nghiêm túc là hậu quả của một đức tin chắp vá, sơ sài.

Đời sống cầu nguyện là một thực hành quan trọng đối với các tín hữu. Thánh Gioan Maria Vianey đã so sánh, cầu nguyện cần thiết đối với người tín hữu giống như mưa cần thiết cho đất đai, để nhờ đó mà cây cối có thể sống và đâm chồi nảy lộc. Đối với tín hữu công giáo, việc cầu nguyện không chỉ được thực hiện một năm một dịp giống như phần lớn các lễ hội được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch, mà đó là một phần cuộc sống của những người tin Chúa. Nhờ cầu nguyện mà các tín hữu tìm được nghị lực và sức mạnh để vươn lên giữa biết bao bão tố cam go của cuộc đời.

Trong cử hành phụng vụ, mặc dù mỗi người đều có những tâm sự riêng với Chúa, nhưng tình hiệp thông và tính cộng đoàn được thể hiện rất rõ nét. Mọi người tham dự cùng chung một tâm tình thờ lạy và tôn vinh Chúa. Cộng đoàn tham dự phụng vụ diễn tả một hình ảnh rất sinh động về Giáo Hội. Qua đó, Giáo Hội Kitô giáo được trình bày như một cộng đoàn của những người tin, chuyên tâm tỉnh thức cầu nguyện ca tụng Chúa, như những người cầm đèn cháy sáng chờ đợi Chúa đến. Chính trong khi cử hành phụng vụ mà chúng ta phác họa lại hình ảnh lý tưởng của cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Giêrusalem: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năm tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Nơi cộng đoàn phụng vụ, không có sự phân biệt giàu nghèo sang hèn, mọi người đều bình đẳng, như họ được bình đẳng trong gia đình của những con cái Thiên Chúa. Tình hiệp thông trong phụng vụ không chỉ nối kết những người đang hiện diện trong một ngôi thánh đường, mà còn liên kết vói tất cả những anh chị em cùng một đức tin trên toàn thế giới. Rộng hơn nữa, khi tham dự lễ nghi phụng vụ, cộng đoàn tín hữu còn hiệp thông với phụng vụ thiên quốc tại thành Giêrusalem trên trời, “nơi đó, Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, là nhà tạm đích thực” (PV 8).

Phụng vụ còn là môi trường thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng. Trong một bài thuyết trình tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới tháng 10-2012 vừa qua, Đức cha Franz-Peter Tebartz-van Elst, đến từ Đức, đã diễn tả mục đích truyền giảng Tin Mừng của phụng vụ. Theo ngài, việc tái truyền giảng Tin Mừng “phụ thuộc phần lớn vào khả năng làm cho Phụng vụ trở thành suối nguồn của đời sống thiêng liêng”. Bởi vì “Phụng vụ loan báo Tin Mừng trong khi cử hành”“Phụng vụ giáo dục Đức tin thông qua các dấu chỉ của trực giác” (Bài tham luận ngày 20-10-2012). Kinh nghiệm cụ thể trong xã hội Việt Nam hôm nay cho thấy, có nhiều người xin gia nhập Giáo Hội sau khi đã tham dự các buổi phụng vụ trong nhà thờ, đặc biệt đối với những thánh lễ hôn phối hoặc an táng, là những dịp thường xuyên có anh chị em không cùng tôn giáo tham dự. Những bài đọc Lời Chúa, kèm theo lời chia sẻ sâu sắc và phù hợp bối cảnh của vị chủ tế, sẽ dễ dàng đi vào lòng người trong không gian thánh thiêng của phụng vụ, giúp họ đón nhận chân lý Tin Mừng và trở nên môn đệ Chúa Kitô.

Nếu được chuẩn bị chu đáo, phụng vụ sẽ là một không gian và dịp thuận tiện để diễn tả vẻ đẹp của đức tin. Cách trang trí nhà thờ, những bài thánh ca, âm thanh và ánh sáng, y phục phụng vụ… tất cả những yếu tố này làm thành vẻ đẹp thánh thiêng giúp người tham dự nâng tâm hồn lên gặp gỡ Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ: “Chúng ta phải làm sao để phụng vụ trở nên hấp dẫn hơn, đẹp đẽ hơn và có sức lôi kéo mọi người hơn. Tôi kêu mời anh chị em hãy làm cho phụng vụ được cử hành với cái nhìn quy hướng về Thiên Chúa, trong niềm hiệp thông với các thánh, với một Giáo Hội sống động ở mọi nơi mọi lúc, nhờ đó phụng vụ có thể diễn tả vẻ đẹp kỳ diệu và hoàn hảo nhất của Thiên Chúa, Đấng đã trở nên bạn hữu của con người” (Huấn đức tại Đan viện Xitô Heiligenkreuz, Áo Quốc, ngày 9-9-2007).

Ngày nay, người ta nói đến nhiều loại hình văn hóa khác nhau: văn hóa giao thông, văn hóa học đường, văn hóa ẩm thực, văn hóa du lịch, văn hóa ứng xử… Thiết tưởng cũng phải lưu ý đến một văn hóa mang tên “Văn hóa phụng vụ”, như một yếu tố cần thiết cho đời sống đức tin. Sẽ thiếu văn hóa phụng vụ nếu những người tham dự mang những bộ trang phục không phù hợp với không gian thánh đường. Một số người có thói quen đi muộn, về sớm. Những người khác lại thích ngồi bên ngoài nhà thờ, thậm chí ngồi tận gốc cây bên kia đường phố đối diện với nhà thờ, hoặc ngồi vắt vẻo trên chiếc xe gắn máy. Trong xã hội văn minh phát triển hiện nay, việc sử dụng điện thoại thiếu cẩn trọng cũng là một lý do làm mất đi sự tôn nghiêm của phụng vụ và làm ảnh hưởng người xung quanh.

Chú trọng đến việc cử hành phụng vụ, đó là một trong những mục đích của Năm Đức Tin, như Đức Thánh Cha nhắn nhủ chúng ta: “Năm Đức Tin này sẽ là một cơ hội thuận lợi để tăng cường việc cử hành đức Tin trong phụng vụ, nhất là trong phép Thánh Thể, vốn là “chóp đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội hướng tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào sức mạnh của Giáo Hội” (Tự sắc Năm Đức tin, số 9).

Cần có một phụng vụ mang đậm nét văn hóa, đó là lời mọi gọi dành cho mọi người, giáo sĩ cũng như giáo dân, để chúng ta sống đức tin một cách cụ thể và hữu hiệu hơn.