ỦY BAN LOAN BÁO TIN MỪNG – HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
72/12 Trần Quốc Toản - Võ Thị Sáu - Quận 3 - Tp.HCM - Việt Nam
Email: evangelization@cbc-vietnam.org; Đt: 0905.505.022

GỢI Ý SUY NIỆM CHẦU THÁNH THỂ - NĂM 2025
Cùng nhau loan báo Tin Mừng

ĐỀ TÀI 2 - THIÊN CHÚA - ĐẤNG LÀM CHỦ SỨ VỤ
Tháng 01/2025

A. Lời Chúa Lc 10,1-2; Mc 6,7-13; Lc 12:49-53.

B. Ơn xin trong giờ chầu – xin cho con biết thi hành sứ vụ Chúa trao theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.

C. Gợi ý suy niệm

1. “Hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”

“Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,1-2).

- Sau một thời gian được Đức Giêsu quy tụ và được chia sẻ cuộc sống cũng như sứ mệnh của Thầy, các môn đệ được chính Đức Giêsu chỉ định và sai phái đi loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu ví những người chưa được nghe Tin Mừng như cánh đồng lúa chín, và chủ mùa gặt chính là Chúa Cha: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Một lần nữa Đức Giêsu giúp các môn đệ hiểu Thiên Chúa mới là chủ của sứ vụ. Chính Đức Giêsu cũng được sai đến trần gian để làm sứ vụ cho Chúa Cha. Trong Lời Nguyện Hiến Tế, chính Đức Giêsu đã thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.” (Ga 17, 25-26).

- Trong tư cách người môn đệ, người thợ gặt của Chúa, tôi có nhận ra những cánh đồng lúa chín đang đợi được gặt hái không? Phải chăng những cánh đồng lúa đó chính là những tâm hồn đang khao khát đức tin và tình yêu thương, những con người đang luống cuống vì không tìm được hướng đi và cùng đích của đời mình.

Câu hỏi gợi ý suy tư: Những cánh đồng lúa đó ở đâu vậy? Tôi có nhận ra những dấu chỉ khao khát Tin Mừng nơi những người quanh tôi không? Tôi đã là một thợ gặt lành nghề và có nghe được lời mời gọi của Chủ Mùa Gặt mời tôi bước xuống những cánh đồng ấy không? Điều gì đang “cột trói” hoặc ngăn cản đôi chân của tôi đến nỗi không còn khả năng bước đi và đem lúa về?

Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp

2. “Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế”

Khi ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy ; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng ; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và không nghe anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ.” Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh (Mc 6, 7-13).

- Câu chuyện trong đoạn Tin Mừng này cho thấy các môn đệ không chỉ được sai đi để loan báo Tin Mừng nhưng còn có thể làm được những dấu lạ: trừ quỷ, chữa bệnh để chứng thực lời giảng của các ông. Vì các ông đã được ban cho quyền trên các thần ô uế để đủ sức mạnh khử trừ tà thần. Nói cách khác, chính sức mạnh của Đức Giêsu được thể hiện nơi các môn đệ của mình trong khi họ thi hành sứ mệnh Thầy trao.

- Đức Giêsu chỉ thị cho các môn đệ không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy. Điều này cho thấy hành trang người truyền giáo cần thanh thoát nhẹ nhàng, không cậy dựa vào những điều bên ngoài mà cậy dựa vào chính Chúa, Đấng làm chủ sứ mệnh của mình. Chính vì thế, Đức Giêsu còn căn dặn các môn đệ vào nhà nào hãy ở yên đấy cho tới lúc rời đi, đừng đi từ nhà này đến nhà kia, vì như thế sẽ tránh được những chia trí không cần thiết.

- Đối với những nơi người ta không đón nhận và không nghe lời giảng của các môn đệ thì sao, Đức Giêsu nói, hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ. Hành vi này là lời cảnh báo nghiêm túc đối với những người khước từ sứ điệp và đường lối của Tin Mừng. Thật vậy, khước từ Tin Mừng nghĩa là khước từ sự sống đời đời, khước từ ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Đây cũng là lời nhắc nhở các môn đệ đừng nản lòng khi lời giảng của mình không được đón nhận bởi một số đối tượng nhất định. Hãy cứ thi hành sứ mệnh loan báo của mình với sự vâng phục, còn kết quả thì cứ phó thác trong tay Chúa.

Câu hỏi gợi ý suy tư: Còn chúng ta, những môn đệ của Đức Giêsu trong thế kỷ 21 thì thế nào? Dù mỗi chúng ta, dù đang sống trong bậc sống hay đảm nhận trách nhiệm nào đi nữa, cũng sẽ không thể loan báo và làm chứng cho Tin Mừng nếu chưa được Ngài trao quyền trên các thần ô uế và sự dữ.

- Tôi tìm thấy quyền trên các thần ô uế và tìm được sức mạnh để đẩy lui bóng tối của sự dữ ở đâu? Nếu không ở trong cầu nguyện liệu tôi có tìm được quyền và sức mạnh đó không?

- Thật vậy, thiếu cầu nguyện người môn đệ không thể đón nhận được quyền và sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Thiếu cầu nguyện, người môn đệ không thể nhận diện để phân biệt được ánh sáng và bóng tối, ô uế và thánh thiện. Thiếu cầu nguyện, người môn đệ không thể đủ tự do và thanh thoát trong hành trình sứ vụ của mình. Thiếu cầu nguyện, người môn đệ thay vì bận tâm làm sao để Tin Mừng được ngấm vào tâm hồn con người thì lại loay hoay với những cây gậy, tiền giắt lưng, áo này áo nọ....

Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp

3. "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên. Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12,49-53).

- Lửa trong Kinh Thánh mang nhiều ý nghĩa. Lửa là chính sự hiện diện của Chúa nơi kinh nghiệm của Môsê khi đối thoại với Chúa tại bụi gai bốc cháy. Lửa, là biểu tượng của sức mạnh Lời Chúa và sứ điệp của Chúa nói với dân của Ngài qua các ngôn sứ như mô tả của tiên Giêrêmia, “Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt” (Gr 20, 9). Lửa cũng là hình ảnh nói về việc Chúa Thánh Thần đến nơi trình thuật của sách Công Vụ Tông Đồ (x. Cv 2, -13). Lời Chúa hôm nay còn diễn tả nỗi thao thức của Đức Giêsu về sứ mệnh của mình khi Ngài gần kết thúc chặng đường rao giảng Tin Mừng và chuẩn bị bước vào cao điểm của công trình cứu độ nơi cuộc thương khó mà Đức Giêsu tiên báo như “một phép rửa nữa” Ngài phải chịu! (x. Mc 10, 38).

- Ngọn lửa mà Đức Giêsu mang đến thế gian cùng với ngài dường như chưa được bùng cháy nơi tâm hồn của chính các tông đồ. Dường như vẫn còn đó bóng tối của những hoài nghi, những bợn nhơ của những toan tính cá nhân và việc tìm giá trị trần thế trong việc bước theo thầy, nên các môn đệ chẳng hiểu và cảm được điều gì khi khi thầy mình loan báo về cuộc thương khó, thậm chí còn kèn cựa và tức tối với nhau về việc ngồi chỗ nhất chỗ nhì trên cái ghế quyền lực sau này nữa.

- Trong suy niệm và cầu nguyện chúng ta được mời gọi đặt mình vào trong nỗi trăn trở của Đức Giêsu để chúng ta hiểu và cảm nhận sâu xa nỗi lòng của Đấng mang sự sống và tình yêu đến cho nhân loại, nhưng lại được đáp trả cách hững hờ, thậm chí một số còn phớt lờ và quay đi, nhưng Đấng ấy vẫn một mực yêu thương đến cùng, và khắc khoải để cho đi tất cả, kể cả sự sống của chính mình.

Câu hỏi gợi ý suy tư: Đâu là sứ điệp mà Đức Giêsu muốn gửi gắm cho các môn đệ và cho mỗi Kitô hữu chúng ta hôm nay? Nhìn vào thực tại cuộc sống của thế giới chúng ta đang sống, cũng như đối diện với thực chất về tình trạng đời sống nội tâm, việc sống đức tin của mỗi Kitô hữu thì dường như nỗi trăn trở của Đức Giêsu vẫn còn đó.

- Mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi nhìn vào chính nội tâm và tự hỏi về thực trạng ngọn lửa nơi lòng mình. Ngọn lửa đức tin và ngọn lửa đức mến mà chúng ta đã đón nhận từ Chúa qua các bí tích và sức sống từ Lời Chúa hôm nay còn cháy nơi tôi chăng? Giả như Đức Giêsu đang ở cạnh tôi lúc này, Ngài sẽ nói gì với tôi? Ngài hài lòng hay còn bận tâm gì về tôi?

- Rồi mỗi người tuỳ vào hoàn cảnh và bậc sống của mình giữa lòng Hội Thánh, có thể là tu sĩ, là giáo sĩ, hay là giáo dân, hãy chân thành và khiêm tốn hỏi Chúa xem, chính tôi chứ không phải ai khác phải có thái độ nào và phải làm gì để đong đầy ước mơ của Đức Giêsu nơi tôi và nơi tôi thuộc về?

Thinh lặng cầu nguyện ít phút, sau đó hát một bài thánh ca thích hợp

Lưu ý:

1. Những gợi ý cầu nguyện này có thể được suy niệm trong một giờ chầu hoặc mỗi giờ suy niệm một gợi ý. Điều quan trọng không phải là “suy niệm hết ý” nhưng là suy niệm sâu và cầu nguyện sốt sắng.

2. Tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, sau mỗi ý suy niệm, người hướng dẫn có thể mời gọi cộng đoàn dâng lời nguyện tự phát hoặc những hình thức khác thích hợp.

3. Các đề tài suy niệm trong năm 2025 có liên hệ mật thiết với nhau để làm nên một tiến trình “cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Vì thế, người hướng dẫn (nếu chọn loạt bài gợi ý này) nên theo đến cùng thì sẽ hữu ích hơn.