Truyền giáo
nhờ ơn thánh
Bài giảng
trong thánh lễ Truyền giáo
Lễ Truyền giáo tại Long Xuyên năm nay kèm theo một đại
hội.
Đại hội mang tên: “Kể chuyện Chúa Giêsu qua gương
thánh Quý và thánh Phụng tại An Giang”. Đây là đại hội truyền giáo.
Để tham gia đại hội này, tôi xin phép kể chuyện của
tôi.
Cách đây mấy ngày, trước ngủ đêm, tôi xin Chúa thương cho
tôi biết, tôi có thể đóng góp gì cho đại hội.
Trong giấc ngủ, tôi chiêm bao thấy: Tôi được tham dự
một thánh lễ. Chủ tế là Thánh Quý.
Ngài bảo tôi báo cho những người tôi gặp: Hãy tìm giấy trắng đẹp, viết trên đó
lời cầu truyền giáo có sẵn trong phụng vụ, rồi đem đến cho Ngài, để Ngài dâng
lên Chúa trong thánh lễ.
Tôi đi hỏi người này, gặp người kia. Họ cố tìm kiếm
giấy trắng đẹp. Nhưng chưa tìm được. Chỉ toàn loại giấy xấu. Tôi lúng túng, đau
lòng. Chính lúc đó, tôi thức dậy.
Trong giây lát, tôi hiểu ý nghĩa giấc mơ. Ý nghĩa đó
là về truyền giáo. Người truyền giáo có 3 việc phải làm:
Một là các phương
tiện để viết Tin Mừng phải như tờ giấy trắng đẹp. Việc làm phải trong sáng.
Lời nói phải trong sáng. Đời sống phải trong sáng.
Hai là Tin Mừng
viết ra phải lấy từ Phúc Âm, từ Hội Thánh. Tin Mừng đó là Đức Giêsu Kitô.
Truyền giáo là truyền sự sống Đức Kitô vào các linh hồn. Chứ không phải là xây
dựng cơ sở, cơ chế hay tư lợi cho riêng mình hoặc cho cộng đoàn mình.
Ba là chính người
truyền giáo phải kết hợp việc mình làm với thánh lễ Chúa Giêsu dâng mình trên
thánh giá.
Nhắn nhủ trên đây là một cách nhắc lại lời thánh
Phaolô: “Anh em hãy hiến dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện đẹp lòng
Chúa. Anh em đừng rập theo thói đời này, nhưng hãy hoán cải con người anh em
bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là
tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,1-2).
Như vậy, người
truyền giáo phải luôn luôn đi tìm ơn thánh. Ơn thánh ở những phương tiện
trong sáng thánh thiện, ở sự kết hợp với Hội Thánh, ở cầu nguyện và lễ tế của
Chúa Giêsu trên thánh giá, ở sự vâng phục thánh ý Chúa.
Cách đây ít năm, gia đình Thánh Phụng có tặng tôi một hột lấy từ xâu chuỗi của Ngài. Nhìn hột
gỗ đơn sơ đó, tôi thấy thánh Phụng của chúng ta đã tìm sức mạnh thiêng liêng ở
kinh Mân Côi, để cùng Đức Mẹ Maria sống vâng phục ý Chúa.
Hai thánh của
chúng ta đã coi ơn thánh là căn bản trong việc truyền giáo, và làm chứng cho
Chúa. Ơn thánh, thánh thiện là hết
sức quan trọng trong truyền giáo.
Lịch sử truyền giáo cho thấy: Người truyền giáo đích
thực phải được đào tạo. Đấng đào tạo họ là chính Chúa Thánh Thần. Người đào tạo
họ thường xuyên bằng những hoán cải và những phẫu thuật thiêng liêng. Nhờ đó,
họ phản chiếu gương mặt của Chúa Giêsu.
Để kết bài chia sẻ này, tôi xin phép nhắc lại lời Chúa
Giêsu đã phán xưa: “Không có Thầy, chúng con chẳng làm gì được”
(Ga 15,5). “Và đây, Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt
28,20).
Long Xuyên, ngày 18 tháng 10 năm 2009