TÔNG THƯ
BAN HÀNH DƯỚI DẠNG TỰ SẮC

NORMAS NONNULLAS

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

VỀ MỘT SỐ ĐIỀU CHỈNH CÁC QUY TẮC
LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC BẦU CHỌN GIÁO HOÀNG RÔMA

Với Tông thư De Aliquibus Mutationibus in Normis de Electione Romani Pontificis, ban hành dưới dạng Tự sắc tại Rôma vào ngày 11 tháng 6 năm 2007, năm thứ ba trong triều đại Giáo hoàng của tôi, tôi đã thiết lập một số quy tắc, trong đó bãi bỏ những quy định được nêu trong Số 75 của Tông hiến Universi Dominici Gregis, được vị Tiền nhiệm Chân phước Gioan Phaolô II ban hành vào ngày 22 tháng 2 năm 1996, và tái lập quy tắc truyền thống theo đó luôn luôn cần phải có đa số hai phần ba số phiếu của các Hồng y cử tri hiện diện để việc bầu chọn Giáo hoàng Rôma được hợp lệ.

Do tầm quan trọng của việc đảm bảo toàn bộ cuộc bầu chọn Giáo hoàng Rôma được thực hiện cách tốt nhất có thể ở mọi cấp độ, đặc biệt liên quan đến việc giải thích và thi hành đúng đắn một số quy định, tôi thiết lập và ban hành rằng một số quy tắc của Tông hiến Universi Dominici Gregis, cũng như những sửa đổi mà chính tôi đã đưa ra trong Tông thư vừa nêu, được thay thế bằng các quy tắc sau đây:

Số 35. “Không một Hồng y cử tri nào có thể bị loại trừ khỏi quyền bầu chọn hoặc quyền được bầu chọn trong cuộc bầu chọn Giáo hoàng, vì bất kỳ lý do hay viện dẫn nào, ngoại trừ trường hợp đã được nêu trong Số 40 và 75 của Tông hiến này.”

Số 37. “Hơn nữa, tôi xác định rằng, kể từ thời điểm Tông Tòa trống ngôi hợp pháp, phải đợi đủ 15 ngày trước khi bắt đầu Mật nghị để chờ những vị còn vắng mặt; tuy nhiên, Hồng y đoàn được trao quyền tiến hành sớm hơn nếu thấy rõ ràng tất cả các Hồng y cử tri đều có mặt; các ngài cũng có thể hoãn việc bắt đầu bầu chọn thêm vài ngày vì những lý do nghiêm trọng. Nhưng khi đã trôi qua tối đa 20 ngày kể từ khi Tông Tòa trống ngôi, tất cả các Hồng y cử tri hiện diện bắt buộc phải tiến hành bầu chọn.”

Số 43. “Kể từ thời điểm ấn định để bắt đầu tiến trình bầu chọn cho đến khi công bố công khai vị tân Giáo hoàng đã được bầu, hoặc ít nhất là cho đến khi vị tân Giáo hoàng có quyết định khác, các khu vực trong Nhà trọ Thánh Marta, đặc biệt là Nhà nguyện Sistine và các khu vực dành riêng cho các cử hành phụng vụ, phải được đóng kín đối với những người không có thẩm quyền, theo lệnh của Hồng y Nhiếp chính và với sự hỗ trợ bên ngoài của Phó Nhiếp chính và Phụ tá Quốc vụ khanh, theo các quy định được nêu trong các số tiếp theo.

Trong thời gian này, toàn bộ lãnh thổ Thành Vatican và hoạt động thông thường của các văn phòng trong khu vực phải được điều chỉnh để đảm bảo tính bí mật và tự do cho tiến trình bầu chọn Giáo hoàng. Cụ thể, với sự hỗ trợ của các Giáo sĩ thuộc Văn phòng Quản lý Tông tòa, sẽ có biện pháp bảo đảm không ai tiếp cận các Hồng y cử tri khi các ngài di chuyển từ Nhà trọ Thánh Marta đến Dinh Tông tòa Vatican.”

Số 46 § 1. “Nhằm đáp ứng các nhu cầu cá nhân và công việc chính thức liên quan đến tiến trình bầu chọn, các cá nhân sau đây phải có mặt và được bố trí nơi ở phù hợp trong khu vực được quy định tại Số 43 của Tông hiến này: Thư ký Hồng y đoàn, người đảm nhiệm vai trò Thư ký của hội đồng bầu chọn; Chưởng nghi các Cử hành Phụng vụ Giáo hoàng cùng tám Chưởng nghi và hai Tu sĩ phụ trách Phòng Thánh Giáo hoàng; và một giáo sĩ do Hồng y Niên trưởng hoặc Hồng y thay thế ngài chỉ định, để hỗ trợ ngài trong các nhiệm vụ của mình.”

Số 47. “Tất cả những người được liệt kê trong các Số 46 và 55 § 2 của Tông hiến này, nếu bằng bất kỳ cách nào hoặc vào bất kỳ thời điểm nào, trực tiếp hoặc gián tiếp, biết được bất cứ điều gì liên quan đến tiến trình bầu chọn Giáo hoàng, đặc biệt là về các cuộc bỏ phiếu, đều buộc phải giữ bí mật tuyệt đối với tất cả những ai không thuộc Hồng y đoàn cử tri: do đó, trước khi cuộc bầu chọn bắt đầu, họ sẽ tuyên thệ theo hình thức và sử dụng công thức được chỉ định trong số tiếp theo.”

Số 48. “Vào thời điểm thích hợp trước khi bắt đầu cuộc bầu chọn, những người được liệt kê trong các Số 46 và 55 § 2 của Tông hiến này, sau khi đã được giải thích rõ ràng về ý nghĩa và phạm vi của lời tuyên thệ mà họ phải thực hiện, sẽ tuyên thệ và ký xác nhận trước sự hiện diện của Hồng y Nhiếp chính, hoặc một Hồng y được ủy nhiệm, cùng với hai Tổng Lục sự Tông Tòa, theo công thức sau:

Tôi, T..., xin hứa và tuyên thệ rằng, trừ khi nhận được một đặc quyền đặc biệt do vị Giáo hoàng mới được bầu hoặc những Đấng kế vị ngài ban cho, tôi sẽ giữ bí mật tuyệt đối và vĩnh viễn với tất cả những ai không thuộc Hồng y đoàn cử tri về mọi vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các lá phiếu đã được bầu và việc kiểm phiếu trong cuộc bầu chọn Giáo hoàng.

Tôi cũng xin hứa và tuyên thệ rằng sẽ không sử dụng bất kỳ thiết bị ghi âm hoặc ghi hình nào có khả năng thu lại bất cứ điều gì xảy ra trong thời gian diễn ra cuộc bầu chọn tại Thành Vatican, đặc biệt là những gì liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tiến trình bầu chọn.

Tôi tuyên bố rằng tôi đưa ra lời thề này với nhận thức đầy đủ, và tôi hiểu rằng việc vi phạm lời thề này sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết, được dành riêng cho Tông Tòa.

Nguyện xin Thiên Chúa và các sách Tin Mừng tôi đặt tay đây, giúp sức cho tôi.”

Số 49. “Khi các nghi thức an táng vị Giáo hoàng băng hà đã được cử hành theo nghi thức quy định, và mọi chuẩn bị cần thiết để đảm bảo việc bầu chọn diễn ra cách hợp lệ, vào ngày đã được ấn định theo quy định của Số 37 trong Tông hiến này để bắt đầu Mật nghị Hồng y, các Hồng y cử tri sẽ tập hợp tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican, hoặc tại một địa điểm khác nếu hoàn cảnh đòi hỏi, để cử hành trọng thể Thánh lễ cầu cho việc bầu chọn Giáo hoàng. Buổi cử hành này nên được tổ chức vào một thời điểm thích hợp vào buổi sáng, để vào buổi chiều có thể thực hiện các quy định của những số tiếp theo trong Tông hiến này.”

Số 50. “Từ Nhà nguyện Pauline của Dinh Tông Tòa, nơi các Hồng y cử tri sẽ tập trung vào một thời điểm thích hợp vào buổi chiều, các vị mặc phẩm phục hồng y và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần bằng bài thánh ca Veni Creator, rồi long trọng tiến vào Nhà nguyện Sistine của Dinh Tông Tòa, nơi sẽ diễn ra việc bầu chọn. Trong đoàn rước còn có Phó Nhiếp chính, Tổng Kiểm toán viên Văn Phòng Quản Lý Tông tòa, và hai thành viên trong đoàn Tổng Lục sự Tông tòa, các Giám định viên Tòa Thượng thẩm Rota, và Các Giáo sĩ thuộc Văn phòng Quản lý Tông tòa.”

Số 51 §2. “Do đó, trách nhiệm chuẩn bị mọi thứ cần thiết trong nội thất Nhà nguyện Sistine và các khu vực liền kề để đảm bảo cuộc bầu chọn diễn ra trật tự và kín đáo sẽ thuộc về Hồng y đoàn, dưới thẩm quyền và trách nhiệm của Hồng y Nhiếp chính, được hỗ trợ bởi Phiên họp Riêng biệt được đề cập trong Số 7 của Tông hiến này, và với sự cộng tác bên ngoài của Phó Nhiếp chính và Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh.”

Số 55 §3. “Nếu xảy ra bất kỳ vi phạm nào đối với quy định này, những người liên quan phải biết rằng họ sẽ chịu vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh.”

Số 62. “Vì các hình thức bầu chọn theo kiểu cảm hứng và qua ủy quyền đã bị bãi bỏ, từ nay việc bầu chọn Giáo hoàng Rôma sẽ chỉ được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu.

Do đó, tôi quyết định rằng để cuộc bầu chọn Giáo hoàng Rôma hợp lệ, ứng viên phải nhận được ít nhất hai phần ba số phiếu, được tính dựa trên tổng số Hồng y cử tri có mặt và bỏ phiếu.”

Số 64. “Tiến trình bỏ phiếu được tiến hành qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, có thể gọi là giai đoạn tiền kiểm phiếu, bao gồm: 1) Chuẩn bị và phân phát các phiếu bầu do các Chưởng nghi thực hiện – lúc này đã được cho phép trở lại cùng với Thư ký Hồng y đoàn và Chưởng nghi các Cử hành Phụng vụ Giáo hoàng – mỗi Hồng y cử tri được nhận ít nhất hai hoặc ba phiếu bầu; 2) Bốc thăm trong số tất cả các Hồng y cử tri để chọn ba vị Kiểm phiếu, ba vị có nhiệm vụ thu phiếu bầu của các Hồng y đau ốm, gọi tắt là vị Infirmarii, và ba vị Kiểm soát; việc bốc thăm này được Hồng y Phó tế trẻ nhất thực hiện công khai, người sẽ lần lượt rút chín tên, để đảm nhận các nhiệm vụ này; 3) Nếu trong việc bốc thăm để chọn vị Kiểm phiếu, vị Infirmarii và vị Kiểm soát mà rút trúng tên của các Hồng y cử tri vì lý do đau bệnh hoặc lý do khác không thể thực hiện nhiệm vụ, thì sẽ tiếp tục rút thăm để thay thế bằng những vị không bị trở ngại. Ba vị đầu tiên được rút thăm sẽ làm Kiểm phiếu, ba vị kế tiếp làm Infirmarii và ba vị cuối cùng làm Kiểm soát.”

Số 70 § 2. “Các vị Kiểm phiếu cộng tất cả các phiếu mà mỗi ứng viên đã nhận được, và nếu không ai đạt được ít nhất hai phần ba số phiếu trong lần bỏ phiếu đó, thì chưa bầu chọn được Giáo hoàng. Tuy nhiên, nếu có người đạt được ít nhất hai phần ba số phiếu, thì việc bầu chọn Giáo hoàng Rôma đã diễn ra một cách hợp pháp.”

Số 75. “Nếu sau các vòng bỏ phiếu được đề cập trong các Số 72, 73 và 74 của Tông hiến nêu trên mà việc bầu chọn vẫn không có kết quả, sẽ dành một ngày để cầu nguyện, suy niệm và đối thoại; trong các vòng bỏ phiếu tiếp theo, theo cách thức được quy định trong Số 74 của Tông hiến này, chỉ tên của hai vị nhận được nhiều phiếu nhất trong vòng bỏ phiếu trước đó sẽ có quyền được bầu chọn. Không thể bỏ yêu cầu rằng, trong các vòng bỏ phiếu này, để một cuộc bầu chọn hợp lệ diễn ra, phải đạt được đa số ít nhất hai phần ba số phiếu của các Hồng y hiện diện và bỏ phiếu. Trong các vòng bỏ phiếu này, hai ứng viên có tên không có quyền bầu chọn.”

Số 87. "Khi cuộc bầu chọn đã được thực hiện theo giáo luật, vị Hồng y trẻ nhất thuộc đẳng Phó tế triệu tập vào phòng bầu chọn vị Thư ký Hồng y đoàn, vị Chưởng nghi các Cử hành Phụng vụ Giáo hoàng và hai vị Chưởng nghi. Lúc này, vị Hồng y Niên trưởng hoặc Hồng y cử tri cao niên nhất, theo thứ tự ưu tiên trong truyền thống Giáo hội, nhân danh toàn thể Hồng y cử tri, hỏi sự ưng thuận của người được bầu bằng những lời sau: Ngài có chấp nhận cuộc bầu chọn theo giáo luật đặt ngài làm Giáo hoàng không? Và ngay khi nhận được sự chấp thuận, vị Hồng y hỏi tiếp: Ngài muốn được gọi bằng tông hiệu nào? Sau đó, vị Chưởng nghi các Cử hành Phụng vụ Giáo hoàng, với vai trò công chứng viên, và có sự chứng kiến của hai vị Chưởng nghi, soạn thảo một văn bản chứng nhận sự chấp nhận của vị tân Giáo hoàng và tông hiệu mà ngài đã chọn."

Tôi truyền rằng tất cả những gì tôi đã quy định trong Tông thư ban hành dưới dạng Tự sắc này phải được tuân giữ đầy đủ, bất chấp mọi điều trái ngược.

Văn kiện này có hiệu lực ngay lập tức khi được công bố trên L’Osservatore Romano.

Ban hành tại Rôma, tại Đền thờ Thánh Phêrô, ngày 22 tháng 02 năm 2013, năm thứ tám triều Giáo hoàng của tôi.

BÊNÊĐICTÔ XVI

Bản dịch Việt ngữ của Tâm Bùi
và Phêrô Lê Minh Hải, OFM

Bản gốc: vatican.va