TÔNG THƯ
ADMIRABILE SIGNUM
(DẤU CHỈ TUYỆT VỜI)
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ
VỀ Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA MÁNG CỎ

1. Máng cỏ rất được dân Ki-tô giáo yêu thích, là dấu chỉ tuyệt vời luôn gây kinh ngạc sững sờ và khơi lên niềm thán phục. Diễn lại biến cố Đức Giê-su ra đời thì cũng có giá trị như đơn sơ và vui mừng loan báo mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể. Quả thật, xuất phát từ những trang Kinh Thánh, máng cỏ cũng hệt như một cuốn Tin Mừng sống. Chiêm ngắm cảnh Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi bước vào hành trình thiêng liêng, đi theo sức lôi kéo của Đấng đã hạ mình xuống làm người để gặp gỡ từng con người. Và chúng ta khám phá ra rằng Người yêu thương chúng ta tới độ nên một với chúng ta để chúng ta cũng có thể nên một với Người.

Viết lá thư này, tôi muốn củng cố truyền thống tốt đẹp nơi các gia đình chúng tôi vẫn chuẩn bị máng cỏ những ngày trước Giáng Sinh, cũng như tục lệ trưng bày máng cỏ tại các sở làm, trường học, bệnh viện, trại giam, quảng trường… Đây đúng là một hoạt động thực hành tưởng tượng nhiều sáng tạo, dùng đủ thứ chất liệu làm nên những tuyệt tác nho nhỏ xinh xinh. Chúng tôi học được việc này từ bé : ba má cùng với ông bà nội ngoại truyền lại thói quen vui thích này, bên trong có gói ghém một nền đạo đức bình dân phong phú. Tôi ước mong thực hành này đừng bao giờ mai một ; mà ngược lại, hy vọng những nơi đã dẹp bỏ sẽ tái khám phá và phục hồi.

2. Nguồn gốc cảnh trưng bày máng cỏ gặp thấy trong Tin Mừng là chính, vì có một số chi tiết về Đức Giê-su giáng sinh tại Bê-lem. Tác giả Tin Mừng Lu-ca kể đơn sơ rằng Đức Ma-ri-a “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Bé Giê-su được đặt trong máng cỏ, tiếng La-tinh gọi là praesepium, từ đó ra tiếng Ý là presepe.

Lúc vào trần gian, Con Thiên Chúa tìm được chỗ cho mình nơi súc vật đến ăn. Nắm rơm là chỗ đặt lưng đầu tiên cho Đấng sẽ tự mặc khải mình là “bánh từ trời xuống” (Ga 6,41). Đây là một biểu tượng mà thánh Au-gút-ti-nô cùng với các Giáo Phụ khác đã nắm được ; ngài viết : “Được đặt nằm trong máng cỏ, Người đã nên lương thực nuôi chúng ta” (Serm.189,4). Thực ra, máng cỏ chất chứa nhiều mầu nhiệm về cuộc sống của Đức Giê-su, và làm cho chúng ta cảm thấy những mầu nhiệm ấy gần gũi với cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Nhưng hãy trở lại ngay với nguồn gốc cảnh máng cỏ theo như chúng tôi hiểu. Chúng ta hướng tâm trí về Ghét-trô, Thung Lũng Rê-a-ti-na. Thánh Phan-xi-cô đã dừng chân tại đây. Hầu chắc ngài đang trên đường về từ Rô-ma, vì ngày 23/11/1223, ngài đã được Đức Giáo Hoàng Hô-nô-ri-ô III phê chuẩn bản Luật Dòng. Ngài từng sang Đất Thánh, nên những hang động ở Ghét-trô này đặc biệt khiến ngài nhớ cảnh Bê-lem. Rồi có lẽ ở Rô-ma, trong Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, Poverello (Người Nghèo Hèn Mọn thành Át-xi-di (1)) đã bị đánh động bởi bức tranh khảm mô tả cảnh Đức Giê-su Giáng Sinh, bức tranh ở ngay cạnh nơi giữ những mảnh ván mà một truyền thống cổ nói là ván máng cỏ.

Các nguồn tài liệu Phan-xi-cô kể chuyện đã xảy ra tại Ghét-trô, từng chi tiết. Mười lăm ngày trước Lễ Giáng Sinh, Phan-xi-cô gọi một người đàn ông trong vùng, tên là Gio-an, xin ông giúp ngài thực hiện một ước mong : “Tôi muốn dựng lại cảnh Hài Nhi sinh tại Bê-lem và, cách nào đó, muốn thấy bằng mắt thịt mình nỗi cùng cực Hài Nhi đã gặp phải, vì những thứ bé sơ sinh nào cũng cần thì Hài Nhi lại không có, khi được đặt trong một cái máng, và khi phải nằm trên rơm, giữa con bò với con lừa con” [1]. Vừa nghe nói, người bạn trung thành lập tức đi chuẩn bị tất cả những gì cần thiết tại nơi đã chỉ định, như vị Thánh ước mong. Ngày 25.12, anh em tu sĩ từ nhiều nơi đổ về Ghét-trô rất đông ; các ông các bà cũng từ các nông trại trong vùng kéo đến, đem theo hoa và đuốc để thắp sáng đêm thánh này. Phan-xi-cô tới, ngài thấy cái máng có rơm, thấy con bò với con lừa con. Những người đã kéo đến tỏ ra vui không tả nổi, vui như chưa bao giờ, trước cảnh Giáng Sinh ! Rồi linh mục long trọng dâng lễ tạ ơn trên máng cỏ và cho thấy mối liên hệ giữa cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa với bí tích Thánh Thể. Lần này ở Ghét-trô không có bức tượng nhỏ nào : cảnh máng cỏ đã được nhận thức rõ ràng, hình dung chi tiết, và được sống bởi tất cả những ai hiện diện [2].

Truyền thống của chúng ta đã được khai sinh như thế đấy : mọi người quây quần quanh hang đá và đầy vui mừng ; không còn một khoảng cách nào nữa giữa biến cố đang diễn ra và tất cả những ai đã trở thành người thông phần vào mầu nhiệm.

Người đầu tiên viết tiểu sử thánh Phan-xi-cô là Tô-ma thành Trê-la-nô nhắc lại rằng : đêm ấy, thêm vào cảnh tượng đơn sơ nhưng đầy xúc động là ơn thị kiến lạ lùng : một trong những người hiện diện đã nhìn thấy chính Chúa Giê-su Hài Đồng nằm trong máng cỏ. Từ máng cỏ Giáng Sinh năm 1223 đó “trở về nhà mình, ai cũng tràn ngập một niềm vui khôn tả” [3].

3. Thánh Phan-xi-cô đã dùng nét đơn sơ của một dấu chỉ mà thực hiện việc lớn lao là loan báo Tin Mừng. Lời dạy của ngài đã thấm vào lòng các Ki-tô hữu, và mãi đến thời đại chúng ta, lời dạy ấy vẫn thực sự là một cách thức đơn sơ để trình bày lại vẻ đẹp của đức tin chúng ta đang sống. Đàng khác, chính nơi đã thực hiện máng cỏ đầu tiên vẫn đang biểu thị và khơi lên những tâm tình này. Ghét-trô đã trở thành nơi nương náu cho linh hồn muốn ẩn thân trên núi đá để được bao bọc trong lặng lẽ âm thầm.

Tại sao máng cỏ lại gây sững sờ đến thế và khiến ta xúc động ? Trước hết là vì nó tỏ bày tình thương âu yếm của Thiên Chúa. Người, Đấng đã tạo thành cả vũ trụ mà lại hạ mình xuống phận bé nhỏ mọn hèn của chúng ta. Mỗi lần ban sự sống đã là một mầu nhiệm lớn lao rồi đối với chúng ta, thế mà Người còn khiến chúng ta phải say mê khi thấy rằng Đấng sinh ra bởi Đức Ma-ri-a lại là nguồn mạch mọi sự sống và hằng nâng đỡ phù trì từng cuộc sống. Nơi Đức Giê-su, Chúa Cha đã ban cho chúng ta một người anh đến kiếm tìm chúng ta khi lạc đường mất hướng, một người bạn trung thành lúc nào cũng kề cận chúng ta. Người đã ban cho chúng ta Con của Người, Đấng tha thứ cho chúng ta và giải gỡ chúng ta khỏi tội lỗi.

Việc bài trí máng cỏ trong nhà giúp chúng ta sống lại câu chuyện xưa đã được sống ở Bê-lem. Dĩ nhiên, các sách Tin Mừng vẫn luôn là nguồn mạch giúp chúng ta hiểu biết và suy gẫm về biến cố này. Nhưng việc dựng lại biến cố này nơi một máng cỏ sẽ giúp chúng ta dễ hình dung ra các cảnh tượng, sẽ gia tăng những cảm tình quý mến, sẽ mời gọi chúng ta cảm nhận mình được hòa nhập vào lịch sử cứu độ, như người đương thời với biến cố, một biến cố đang trở thành sống động và hiện thực trong nhiều bối cảnh lịch sử và văn hóa khác nhau.

Một cách đặc biệt, ngay từ cội nguồn Phan-xi-cô, máng cỏ đã là một mời gọi : Hãy “cảm nhận”, hãy “sờ vào” nỗi nghèo khó mà Con Thiên Chúa đã tự chọn cho mình khi nhập thể. Và như thế, một cách hàm ẩn, máng cỏ mời gọi theo bước Người trên con đường khiêm hạ, nghèo khó, lột bỏ chính mình, con đường dẫn từ máng cỏ Bê-lem đến thập giá. Đó là tiếng mời gọi hãy đến gặp Người và đem lòng cảm thương mà phục vụ Người nơi những anh em chị em túng quẫn nhất (x. Mt 25,31-46).

4. Giờ đây, tôi muốn xem lại những dấu chỉ khác nhau của máng cỏ để nắm bắt được ý nghĩa gói ghém trong đó. Trước hết, ta hãy hình dung khung cảnh bầu trời lấp lánh sao giữa đêm đen chìm trong thinh lặng. Không phải chỉ vì muốn trung thành với các trình thuật Tin Mừng mà chúng ta hình dung như thế, nhưng còn vì khung cảnh đó có ý nghĩa của nó. Hãy nghĩ tới biết bao lần đêm tối vây bủa khắp cuộc đời chúng ta. Thế mà, ngay cả những lúc như vậy, Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta một mình, nhưng Người đến, hiện diện, giải đáp những câu hỏi mang tính quyết định liên quan đến ý nghĩa của cuộc đời chúng ta : Tôi là ai ? Tôi từ đâu mà có ? Tại sao tôi lại sinh ra trong thời đại này ? Tại sao tôi yêu ? Tại sao tôi khổ ? Tại sao tôi phải chết ? Để ban lời giải đáp cho những câu hỏi đó, Thiên Chúa đã làm người. Sự gần gũi của Người đem lại ánh sáng cho những nơi tăm tối và soi chiếu cho tất cả những ai đang trải qua bóng đen dày đặc những khổ đau (x. Lc 1,79).

Cũng nên nói đôi lời về những phong cảnh góp phần làm nên máng cỏ. Thường thì đó là cảnh nhà cửa và cung điện cổ xưa đổ nát ; một số trường hợp, những đổ nát này thế chỗ hang đá Bê-lem luôn, thành nơi trú ngụ cho Thánh Gia. Dường như những đổ nát này được cảm hứng từ tập Truyền Thuyết Vàng của tu sĩ Gia-cô-pô đa Va-rát-xê, dòng Đa-minh (tk XIII), trong đó chúng ta đọc thấy một điều dân ngoại vẫn tin : đền Hòa Bình ở Rô-ma sẽ sụp đổ khi một Trinh nữ sinh con. Hơn hết mọi sự, những đổ nát này là dấu chỉ trước mắt về một nhân loại đã sa ngã, về tất cả những gì đang đi đến tan hoang, những gì là hư hỏng và đáng buồn. Toàn cảnh nói lên rằng Đức Giê-su là điểm mới giữa một thế giới cũ, rằng Người đến chữa lành và tái thiết, đem cuộc sống chúng ta và đem cả thế giới về lại với ánh huy hoàng rực rỡ lúc khởi đầu.

5. Hẳn chúng ta phải xúc động biết bao khi đưa núi non, sông suối, chiên cừu với những người chăn vào cảnh máng cỏ ! Làm như thế, chúng ta sẽ nhớ lại điều các ngôn sứ đã báo trước là toàn thể tạo thành sẽ tham gia lễ hội mừng Đấng Mê-si-a ngự đến. Các thiên sứ và ngôi sao chổi là dấu cho thấy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng được mời gọi lên đường đến hang đá mà thờ lạy Chúa.

“Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (Lc 2,15) : Những người chăn chiên được thiên sứ báo tin đã bảo nhau thế. Đoạn mô tả đơn sơ đã dạy chúng ta một bài học tuyệt đẹp : Không như bao người mải vùi đầu vào trăm công ngàn việc khác, mấy người chăn chiên đã nên những người đầu tiên làm chứng cho điều cốt yếu, tức là làm chứng về ơn cứu độ đã được ban. Chính những kẻ hèn mọn nhất và những kẻ nghèo khó nhất lại là những người biết đón nhận biến cố Nhập Thể. Đáp lời Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta nơi Hài Nhi Giê-su, mấy người chăn chiên đã lên đường đến với Người, gặp Người với lòng yêu mến, biết ơn và kinh ngạc. Nhờ Đức Giê-su, Thiên Chúa và con cái Người đã gặp nhau để sinh ra tôn giáo của chúng ta, tạo cho nó một vẻ đẹp độc đáo, và chính cuộc gặp gỡ ấy, chúng ta sẽ thấy đặc biệt hiện rõ khi nhìn xuyên qua máng cỏ.

6. Chúng tôi thường có thói quen đặt vào hang đá máng cỏ của chúng tôi rất nhiều bức tượng tượng trưng nhỏ xíu. Đầu hết là mấy người hành khất và mấy kẻ không biết đến một sự giàu có nào khác ngoài sự giàu tấm lòng. Họ cũng có đủ quyền như bao người khác để có thể đến gần Hài Nhi Giê-su, không ai được phép trục xuất hay xua đuổi họ ra xa cái nôi bất đắc dĩ này ; nó tạm bợ đến thế, nên những người nghèo quanh quẩn với nó mới không thấy lạc lõng tí nào. Hóa ra người nghèo lại là những người được ưu đãi về mầu nhiệm này và thường là những người có điều kiện nhất để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.

Những người nghèo và những người đơn sơ trong hang đá máng cỏ nhắc nhở rằng : Thiên Chúa làm người cho những ai cảm thấy rõ nhất là mình cần tình yêu của Người và đến cầu xin để được Người gần gũi với mình. Đức Giê-su, Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29), đã sinh ra nghèo khó, đã sống một đời giản dị để dạy chúng ta biết nắm giữ cái gì là cốt yếu và sống cái cốt yếu đó. Từ máng cỏ rõ ràng hiện lên thông điệp dạy rằng : chúng ta không thể để cho giàu có và biết bao những mời chào phù du về hạnh phúc nó lừa gạt chúng ta. Cung điện Hê-rô-đê ở hậu cảnh thì kín cổng cao tường và điếc đặc với tin báo niềm vui. Sinh ra trong máng cỏ, chính Thiên Chúa khởi xướng một cuộc cách mạng đích thực duy nhất, cuộc cách mạng đem lại hy vọng và phẩm giá cho những người bị thua thiệt, cho những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội : đó là cuộc cách mạng của tình yêu, cách mạng của lòng trìu mến. Từ máng cỏ, Đức Giê-su, quyền lực dịu hiền, công bố lời kêu mời hãy chia sẻ với những người rốt hết con đường dẫn đến một thế giới nhân bản hơn, huynh đệ hơn, thế giới không ai bị loại bỏ và bị gạt ra ngoài lề.

Thường thì trẻ em –mà cả người lớn cũng vậy nữa !– thích bỏ thêm vào hang đá máng cỏ những bức tượng bé xíu khác xem ra chẳng ăn nhập gì với các trình thuật trong Tin Mừng. Mà dẫu thế, ở đây, óc tưởng tượng lại muốn nói lên rằng : Thế giới mới mà Đức Giê-su đã khai trương có chỗ cho tất cả những gì liên quan đến con người và cho từng thụ tạo. Từ anh chăn chiên đến chú thợ rèn, từ bác làm bánh mì đến các nhạc công, từ các bà đội vò nước đến những em bé đang chơi đùa… : nhất nhất đều mô tả sự thánh thiện hằng ngày, mô tả niềm vui được làm những việc đời thường một cách phi thường khi có Đức Giê-su thông chia cho chúng ta sức sống thần linh của Người.

7. Mỗi lần thêm một chút, máng cỏ dẫn chúng ta đến hang đá để gặp thấy tượng Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Đức Ma-ri-a là người mẹ chiêm ngắm bé thơ của mình và cho hết những ai đến viếng thăm bé được thấy bé. Bức tượng nhỏ mang khuôn hình Mẹ lại giúp chúng ta suy nghĩ về mầu nhiệm lớn đã cuốn hút người nữ mới chớm độ xuân thì này khi Thiên Chúa đến gõ cửa con tim vô nhiễm. Trong cuộc truyền tin, thiên sứ xin Đức Ma-ri-a làm Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đã đáp lại, vâng phục hoàn toàn. “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Những lời này của Mẹ làm chứng cho chúng ta tất cả là trong đức tin, Mẹ đã phó thác dường nào cho ý muốn của Thiên Chúa. Thưa “xin vâng” như thế, Đức Ma-ri-a đã nên Mẹ của Con Thiên Chúa mà không mất, ngược lại, còn thánh hiến sự trinh khiết của mình nhờ Người. Chúng ta gặp nơi Mẹ vị Thiên Chúa Thánh Mẫu không những không giữ Con mình cho riêng mình, mà còn xin mọi người vâng nghe lời Người và đem ra thực hành (x. Ga 2,5).

Bên cạnh Đức Ma-ri-a là thánh Giu-se trong thái độ che chở Hài Nhi và Mẹ Người. Thông thường, người ta vẽ hình đắp tượng ngài có cây gậy trong tay, đôi khi cầm thêm cây đèn. Thánh Giu-se thể hiện vai trò rất quan trọng trong cuộc đời Đức Giê-su và Đức Ma-ri-a. Ngài không bao giờ biết mệt trong việc canh giữ chở che gia đình mình. Thiên Chúa báo cho ngài mối nguy Hê-rô-đê ; không chút do dự, ngài lên đường di cư sang Ai-cập (x. Mt 2,13-15). Qua cơn nguy hiểm, ngài đem gia đình về Na-da-rét. Nơi đây, ngài sẽ là nhà giáo dục đầu tiên của Đức Giê-su tuổi ấu thơ và thời niên thiếu. Thánh Giu-se ủ ấp trong lòng mầu nhiệm vĩ đại bao phủ lên Đức Giê-su và Hiền thê Ma-ri-a của ngài ; là người công chính, ngài luôn luôn tin tưởng vào thánh ý Thiên Chúa và đem ra thực hành.

8. Trái tim máng cỏ bắt đầu đập khi, Giáng Sinh đến, chúng ta đem tượng Hài Nhi Giê-su đặt vào. Thiên Chúa hiện diện như thế đó, nơi một bé thơ, mong chúng ta đón lấy trong vòng tay. Bên trong nỗi yếu đuối mong manh, Người che sâu giấu kín quyền năng Người tạo thành mọi sự và biến đổi mọi loài. Tưởng chừng như không thể mà lại đúng là thế này : Nơi Giê-su, Thiên Chúa đã là một em bé, và trong thân phận bé bỏng này, Người đã muốn mặc khải tình yêu cao vời Người đang bày tỏ nơi nụ cười chúm chím và đôi tay Người dang rộng cho muôn người.

Sự ra đời của một em bé khơi lên niềm vui và gây sững sờ vì đặt chúng ta trước mầu nhiệm lớn lao của sự sống. Có thấy đôi mắt rạng ngời của cặp vợ chồng trẻ trước đứa con vừa sinh, chúng ta mới hiểu được tâm tình của Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se : nhìn Bé Giê-su, các ngài nhận thức được Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc sống của các ngài.

“Sự sống quả thật đã được tỏ bày” (1 Ga 1,2) : Tông đồ Gio-an tóm lược mầu nhiệm Nhập Thể như thế. Máng cỏ cho chúng ta nhìn thấy, cho chúng ta sờ vào biến cố có một không hai, biến cố lạ lùng đã thay đổi dòng chảy của lịch sử, và việc đánh số các năm, trước và sau Đức Ki-tô Giáng Sinh, cũng được xếp đặt thứ tự tính từ biến cố đó.

Thiên Chúa có lối hành động khiến chúng ta gần như ngây người ra, vì xem chừng không thể nào Người lại từ bỏ vinh quang của mình để trở nên một con người như chúng ta. Bất ngờ biết bao khi thấy Thiên Chúa lại nhận lấy cho mình chính những sinh hoạt thông thường của chúng ta : cũng ngủ, cũng bú mẹ, cũng khóc, cũng chơi đùa, y hệt mọi đứa trẻ ! Như vẫn thế, Thiên Chúa khiến chúng ta chưng hửng, không thể nào dự kiến gì về Người, và Người liên tục ở ngoài những dự án của chúng ta. Vậy đang khi cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã vào trần gian như thế nào, máng cỏ thúc đẩy chúng ta suy nghĩ về cuộc sống mình, cuộc sống đã được lồng vào cuộc sống của Thiên Chúa. Máng cỏ kêu mời chúng ta làm môn đệ của Người nếu muốn đạt tới ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống.

9. Gần lễ Hiển Linh, ba bức tượng nhỏ các Vua và cũng là các nhà Chiêm Tinh được đặt vào cảnh máng cỏ. Quan sát ngôi sao, các bậc thông thái và quyền quý giàu sang bên Phương Đông đã lên đường tiến về Bê-lem để được biết Đức Giê-su và dâng lên Người vàng, nhũ hương và một dược làm của lễ. Những món quà này cũng mang ý nghĩa ẩn dụ : vàng tôn vinh vương quyền của Đức Giê-su ; nhũ hương tôn vinh thần tính của Người ; một dược tôn vinh nhân tính thánh của Người, nhân tính sẽ biết đến sự chết và mai táng.

Nhìn ngắm cảnh tượng này nơi máng cỏ, chúng ta được mời gọi suy nghĩ về trách nhiệm của mọi Ki-tô hữu là phải làm người loan báo Tin Mừng. Mỗi chúng ta trở thành người đem Tin Vui tới tất cả những ai mình gặp gỡ, dùng những hành động cảm thương cụ thể mà làm chứng về niềm vui đã được gặp Đức Giê-su và tình yêu của Người.

Các nhà Chiêm Tinh dạy chúng ta rằng người ta có thể đi từ rất xa đến gặp Đức Ki-tô. Các ngài là những người giàu sang, những nhà hiền triết ở nước ngoài, khao khát về vô biên, đi ngàn dặm xa và nguy hiểm mới đến được Bê-lem (x. Mt 2,1-12). Trước vị Ấu Vương, nỗi vui dạt dào tràn ngập cõi lòng. Các ngài không lấy làm chướng tai gai mắt vì cảnh nghèo nơi đây ; không chút ngần ngại, các ngài quỳ gối thờ lạy Người. Trước mặt Người, các ngài hiểu rằng : Thiên Chúa lấy thượng trí khôn ngoan mà điều chỉnh sự vận hành của các vì tinh tú thế nào, thì cũng như thế, Người dẫn dắt dòng chảy của lịch sử khi hạ bệ kẻ quyền hành và cất nhắc người phận nhỏ. Hẳn là khi trở về Đất Nước mình, các ngài đã kể lại cuộc gặp gỡ đầy ngạc nhiên với Đấng Mê-si-a và khai mở chuyến đi của Tin Mừng giữa chư dân.

10. Trước máng cỏ, tâm trí dễ dàng về lại thời thơ ấu, thuở chúng tôi háo hức mong đến lúc được bắt đầu dựng hang đá. Những kỷ niệm này đưa chúng tôi đến chỗ mỗi ngày mỗi ý thức hơn về món quà to lớn chúng tôi đã được ban tặng do việc truyền thụ đức tin. Đồng thời, những kỷ niệm ấy cũng khiến chúng tôi cảm thấy có bổn phận phải và niềm vui được làm cho con cháu mình cũng trải nghiệm y như thế. Quan trọng không phải là làm máng cỏ ra sao. Có thể là năm nào cũng như năm nào, mà cũng có thể thay đổi cho mỗi năm mỗi khác. Điều đáng kể là máng cỏ nói gì với cuộc sống chúng ta. Ở bất cứ đâu và mang bất cứ hình dáng nào, máng cỏ cũng kể chuyện tình yêu của Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa đã trở thành bé thơ để nói với chúng ta rằng Người gần gũi biết bao với tất cả những ai là người, cho dẫu thân phận họ có như thế nào đi chăng nữa.

Anh chị em thân mến, máng cỏ nằm trong tiến trình truyền đạt đức tin, một tiến trình êm ái, nhưng đòi hỏi. Từ khi chúng ta còn thơ ấu, rồi đến mỗi độ tuổi trong đời, máng cỏ đều dạy chúng ta chiêm ngắm Đức Giê-su, cảm nhận tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, cảm nhận và tin rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta ở cùng Người, ai ai cũng là con và cũng là anh chị em, nhờ Hài Nhi Con Thiên Chúa và cũng là Con Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Máng cỏ cũng dạy chúng ta cảm nhận rằng hạnh phúc là ở chỗ được học biết như thế. Dưới mái trường của thánh Phan-xi-cô, chúng ta hãy mở lòng ra đón lấy ơn phúc đơn sơ này ; từ nỗi sững sờ kinh ngạc, hãy để trào lên lời kinh khiêm tốn : kinh “cám ơn” dâng về Thiên Chúa, Đấng đã muốn chia sẻ hết với chúng ta để không bao giờ bỏ mặc chúng ta một mình.

Ban bố tại Ghét-trô, trong Đền Thánh Máng Cỏ,
ngày 1 tháng 12 năm 2019,
năm thứ bảy triều đại Giáo Hoàng.

PHAN-XI-CÔ

Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
dịch từ nguyên bản tiếng Ý
Ngày 14 tháng 12 năm 2019

Nguồn: ktcgkpv.org

(1) Ghi chú của người dịch.


[1] Tô-ma thành Trê-la-nô, Cuộc Sống Đầu Tiên, số 84 : Nguồn tài liệu Phan-xi-cô (FF), số 468.

[2] X. Sđd, số 85 : FF, số 469.

[3] Sđd, số 86 : FF, số 470.