Lời Chúa: Ga 8, 51-59
Khi
ấy, Đức Giêsu nói với người Do thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân
giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Người Do thái liền nói: “Bây giờ,
chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng
vậy; thế mà ông lại nói: ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết’.
Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham sao? Người đã chết,
các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?” Đức Giêsu đáp: “Nếu tôi
tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính
là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết
Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi
cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông
Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi.
Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Người Do thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà
đã thấy ông Abraham!” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có
ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức
Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.
Suy niệm:
Bài Tin
Mừng hôm nay kết thúc bằng việc Đức Giêsu bị ném đá.
Nhưng Ngài đã ẩn mình đi và ra khỏi
Đền thờ (c. 59).
Ném đá là hình phạt của người Do
thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng.
Đức Giêsu
đã làm gì để bị coi là mắc tội phạm thượng,
nghĩa là tội coi thường quyền tối
thượng của Thiên Chúa?
Trước hết Đức Giêsu đặt mình lên
trên tổ phụ đáng kính Abraham.
Ngài biết ông Abraham vui sướng
mừng rỡ
vì hy vọng được thấy ngày của Ngài,
thấy những việc Ngài làm đây (c. 56).
Abraham mừng vì chính Đức Giêsu,
chứ không phải cá nhân mình,
mới là Đấng đem phúc lành cho mọi
dân tộc trên thế giới.
Dù chưa tới năm mươi tuổi, Đức
Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham.
“Trước khi có Abraham, thì tôi,
Tôi Hằng Hữu” (c. 58).
Ta là
Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa
cho ông Môsê
khi ông hỏi tên của Ngài bên bụi
cây bốc cháy (Xh 3, 14).
Đức Giêsu cũng muốn trả lời câu hỏi
về mình (c. 53) bằng lối nói đó.
Vì trước khi được sinh ra ở đời làm
người, thì Ngài đã hiện hữu rồi.
Ngài là một với Ngôi Lời vĩnh cửu
của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18),
bởi đó Ngài có trước Abraham, người
đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm.
Chính khẳng định bị coi là phạm
thượng này đã khiến Ngài bị ném đá.
Đức Giêsu
thường bị coi là ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy.
Thật ra Ngài chẳng tự tôn vinh
mình.
Chúa Cha mới là Đấng tôn vinh Ngài
qua cái chết tủi nhục (c. 54).
Đức Giêsu cũng chẳng coi thường
Thiên Chúa bao giờ.
Ngài gọi Thiên Chúa là Cha một cách
thân thương,
và nhìn nhận: “Chúa Cha cao trọng
hơn Thầy” (Ga 14, 28).
Có một sự
phân biệt rất rõ giữa Chúa Cha và Đức Giêsu:
Chúa Cha là người sai đi; Đức Giêsu
là Con, là người được sai đi.
Đức Giêsu chỉ làm điều Ngài thấy
Cha làm (Ga 5, 19-20; 8, 28-29),
và nói điều Ngài nghe Cha nói (Ga
8, 26. 40; 12, 49-50).
Triệt để vâng phục và tùy thuộc là
nét đặc trưng của Đức Giêsu.
Trong Tin Mừng Gioan, bao lần ta
gặp cụm từ không tự mình.
Đức Giêsu không tự mình nói, cũng
chẳng tự mình làm.
Ngài đòi chúng ta tuân giữ lời Ngài
(c. 51)
chỉ vì chính Ngài cũng đã tuân giữ
lời của Thiên Chúa (c. 55).
Trong
tuần lễ này, tại nhà thờ các ảnh tượng có thể được che lại.
Khi bị ném đá, Đức Giêsu đã tránh
đi vì giờ của Ngài chưa đến.
Đức Giêsu vẫn cương trực nói điều
phải nói và làm điều phải làm.
Chúng ta xin có được sự cương trực
đó khi phải làm chứng cho Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu
nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.