Đền Thờ thánh Phêrô – Bàn thờ Tuyên xưng đức tin, Chúa nhật 12.04.2020
SỨ ĐIỆP PHỤC SINH URBI ET ORBI CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NĂM 2020:
CHÚA KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA TÔI, ĐÃ SỐNG LẠI!
Anh chị em thân mến, chúc mừng lễ Phục sinh!
Hôm nay lời loan báo của Giáo Hội vang lên trên toàn
thế giới: “Chúa Giêsu Kitô đã sống lại!” – “Ngài đã sống lại thật!”
Như ngọn lửa mới, Tin mừng này đã thắp sáng trong đêm:
đêm của một thế giới đã phải khốn đốn bởi những thách đố thời đại và nay lại bị
đè bẹp bởi cơn đại dịch đang thách thức nghiêm trọng cả gia đình nhân loại
chúng ta. Trong đêm nay, Giáo Hội cất tiếng reo vang: “Chúa Kitô, niềm hy vọng
của tôi, đã sống lại!” (Ca tiếp liên).
Đây là một sự “lây nhiễm” khác, được truyền đi từ tâm
hồn này đến tâm hồn khác – vì tâm hồn mỗi người đều đón chờ Tin Mừng này. Đây
là sự lây nhiễm niềm hy vọng: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại!”
Đây không phải là câu thần chú làm các vấn đề biến tan đi. Không, sự phục sinh
của Chúa Kitô không phải là như thế. Ngược lại, đây là chiến thắng của tình yêu
trên gốc rễ của sự ác, một chiến thắng không “vượt trên” đau khổ và cái chết,
nhưng băng qua chúng, mở ra một con đường xuyên vực thẳm, chuyển xấu thành tốt:
đó là dấu ấn độc đáo của quyền năng Thiên Chúa.
Chúa Phục sinh cũng là Đấng bị đóng đinh chứ không
phải là ai khác. Thân thể vinh quang của Người mang lấy những vết thương không
thể xóa nhòa. Những vết thương này đã trở thành những khe gió mang lại niềm hy
vọng. Chúng ta hãy hướng nhìn Người để Người chữa lành các thương tích của nhân
loại khổ đau.
Hôm nay, tâm trí tôi trước hết nghĩ đến những người bị
ảnh hưởng trực tiếp bởi virus corona: các bệnh nhân, những người đã chết và các
gia đình đang khóc thương vì mất mát người thân, thậm chí đôi khi không thể
chia tay nhau lần cuối. Xin Chúa của sự sống đón nhận vào nước Chúa những người
đã ra đi và ban ơn an ủi và niềm hy vọng cho những ai vẫn còn trong cơn thử
thách, đặc biệt là những người già cả và những người cô độc. Xin cho những ai
trong tình trạng đặc biệt dễ bị lây nhiễm như những người làm việc trong viện
dưỡng lão hoặc sống trong các doanh trại và nhà tù, không bao giờ thiếu thốn sự
an ủi và trợ giúp cần thiết của Chúa.
Đối với nhiều người, đây là một lễ Phục sinh đơn độc,
phải sống giữa cảnh tang tóc với biết bao vấn đề mà cơn đại dịch gây ra, từ đau
khổ về thể xác đến khó khăn về kinh tế. Căn bệnh này không chỉ tước khỏi chúng
ta tình tương thân tương ái mà còn tước mất khả năng đích thân mỗi người đón nhận
niềm an ủi tuôn chảy từ các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Hòa giải.
Tại nhiều quốc gia, các tín hữu đã không thể tiếp cận các bí tích này, nhưng
Chúa không để chúng ta đơn côi! Luôn hiệp nhất với nhau trong kinh nguyện,
chúng ta tin chắc rằng bàn tay Chúa luôn đặt trên chúng ta (x. Tv 138, 5) và Người
mạnh mẽ lặp lại với chúng ta: Đừng sợ, “Thầy đã sống lại và luôn ở cùng con!”
(x. Sách Lễ Rôma, Ca Nhập Lễ, Thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh).
Xin Chúa Giêsu, là Lễ Vượt Qua của chúng ta, ban sức
mạnh và hy vọng cho y bác sĩ ở khắp nơi, họ đã biểu lộ chứng tá về sự chăm sóc
và yêu thương tha nhân, với mọi nỗ lực và thậm chí không hiếm khi hy sinh cả đến
sức khỏe bản thân. Xin gởi đến các y bác sĩ và những ai cần mẫn làm việc để bảo
đảm các dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống xã hội, cũng như các lực lượng bảo vệ
trị an và quân đội tại nhiều quốc gia đang góp phần giảm bớt khó khăn và khổ đau
của dân chúng, tình cảm quý mến cùng lòng biết ơn của chúng ta.
Trong những tuần lễ này, cuộc sống của hàng triệu
người đột ngột thay đổi. Đối với nhiều người, việc phải ở nhà là cơ hội để ngẫm
nghĩ, để dừng nhịp sống cuồng loạn, để sống bên người thân yêu và để vui hưởng cuộc
sống xum vầy. Tuy nhiên, đối với nhiều người, đây cũng là thời gian đầy lo âu
trước một tương lai bấp bênh, với nguy cơ mất việc và những hậu quả khác của
cuộc khủng hoảng hiện tại. Tôi cổ võ các nhà lãnh đạo chính trị tích cực hành
động vì lợi ích chung, cung cấp các phương tiện và nguồn lực cần thiết giúp mọi
người sống một cuộc sống có phẩm giá và thuận lợi để rồi, khi hoàn cảnh cho
phép, trở lại với các sinh hoạt thường nhật.
Đây không phải là thời gian sống thờ ơ, bởi vì cả thế
giới đang đau khổ và cần phải đoàn kết để đương đầu với đại dịch. Xin Chúa
Giêsu Phục sinh ban hy vọng cho tất cả những người nghèo khổ, cho những ai sống
ở các vùng ngoại vi, cho dân tị nạn và người vô gia cư. Xin cho những anh chị
em yếu thế nhất này, đang sống ở các thành phố và vùng ven khắp nơi trên thế
giới, không bị lẻ loi. Chúng ta đừng để họ thiếu thốn các nhu yếu phẩm (hiện
nay lại càng không dễ kiếm vì nhiều hoạt động đã bị ngưng trệ) cũng như thuốc
men và nhất là khả năng được chăm sóc sức khỏe thích đáng. Trước tình cảnh này,
ước gì ngay cả các biện pháp trừng phạt quốc tế cũng được nới lỏng vì chúng khiến
cho các quốc gia bị trừng phạt gặp khó khăn trong việc cung cấp cho công dân
của họ các hỗ trợ thích đáng, và cũng ước gì mọi quốc gia, nhất là các nước
nghèo, được tạo điều kiện để đối phó với những nhu cầu lớn nhất lúc này qua
việc giảm bớt, thậm chí tha hết, các khoản nợ đang đè nặng lên ngân sách của họ.
Đây không phải là thời gian để sống ích kỷ, bởi vì
thách thức mà chúng ta đang đối mặt làm chúng ta hợp nhất, không phân biệt
người này kẻ nọ. Trong số nhiều khu vực trên thế giới bị virus corona tấn công,
cách riêng tôi nghĩ đến Âu châu. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, lục địa này
đã có thể hồi sinh, và nhờ tinh thần liên đới cụ thể, đã có thể vượt qua những
hận thù trong quá khứ. Điều cấp bách hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong hoàn
cảnh hiện tại, là đừng khơi lại những hận thù đó, nhưng tất cả các nước đều
nhận ra mình cùng thuộc về một gia đình và hỗ trợ lẫn nhau. Liên minh Âu châu
hiện đang phải đối phó với một thách thức mang tính thời đại, không những ảnh
hưởng đến tương lai của Âu châu mà còn của cả thế giới. Chúng ta đừng đánh mất một
cơ hội nữa chứng tỏ tình đoàn kết và đưa ra các giải pháp sáng tạo. Bằng không,
chỉ là sự ích kỷ mưu toan lợi ích riêng cũng như là cơn cám dỗ trở lại quá khứ,
có nguy cơ trở thành thử thách ngặt nghèo cho sự chung sống hòa bình và sự phát
triển của các thế hệ tương lai.
Đây không phải là thời gian cho sự chia rẽ. Xin Chúa
Kitô là hòa bình của chúng ta soi sáng những người có trách nhiệm trong các
cuộc xung đột, để họ can đảm chấp thuận lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và tức thời
trên mọi miền thế giới. Đây không phải là thời gian tiếp tục sản xuất và kinh
doanh vũ khí, tiêu pha những khoản tiền khổng lồ cho khí giới mà lẽ ra phải
được sử dụng để chăm sóc và cứu sống con người. Ngược lại, ước chi đây là thời
điểm cuối cùng kết thúc cuộc chiến kéo dài gây đổ máu tại Syria thân yêu, tại cuộc
xung đột ở Yemen và căng thẳng ở Iraq cũng như tại Li Băng. Mong sao đây là lúc
người Israel và Palestine nối lại cuộc đàm phán để tìm ra những giải pháp ổn
định và lâu dài cho phép cả hai được sống trong hòa bình. Xin cho những đau khổ
của dân cư khu vực phía đông Ukraine được chấm dứt. Cầu mong cho các tội ác tấn
công khủng bố giết hại bao dân lành vô tội ở các quốc gia Phi châu được chặn
đứng.
Đây không phải là thời gian cho sự lãng quên. Ước chi
cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đương đầu không khiến chúng ta quên đi bao tình
trạng nguy ngập khác gây đau khổ cho nhiều người. Cầu xin Đấng là Chúa của sự
sống ở bên những người dân ở Á Châu và Phi Châu đang trải qua các cuộc khủng
hoảng nhân đạo nghiêm trọng, như ở Tỉnh Cabo Delgado phía bắc Mozambique. Xin
Chúa sưởi ấm trái tim của bao người tị nạn phải di dời vì chiến tranh, hạn hán
và nạn đói. Xin Chúa bảo vệ những người di cư và tị nạn, trong số đó có nhiều
đứa trẻ đang sống trong những điều kiện không thể chịu đựng nổi, đặc biệt là tại
Libia và dọc biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Và tôi cũng không quên nhắc
đến hòn đảo Lesbo. Tại Venezuela, xin Chúa cho các bên đạt được các giải pháp
cụ thể và tức thời ngõ hầu cho phép sự trợ giúp quốc tế đến được với dân chúng
đang đau khổ vì tình trạng chính trị, kinh tế xã hội và y tế nghiêm trọng.
Anh chị em thân mến,
Sự thờ ơ, ích kỷ, chia rẽ và quên lãng thực sự không
phải là những từ chúng ta muốn nghe vào lúc này. Chúng ta muốn loại bỏ những từ
này mãi mãi! Dường như chúng thắng thế khi nỗi sợ hãi và cái chết lấn át chúng
ta, nghĩa là khi chúng ta không để Chúa Giêsu chiến thắng trong tâm hồn và cuộc
đời của chúng ta. Xin Chúa Kitô, Đấng đã đánh bại sự chết và mở ra cho chúng ta
con đường cứu rỗi muôn đời, xua tan bóng tối đang bao trùm nhân loại đáng
thương này và dẫn đưa chúng ta vào ngày vinh quang không bao giờ tàn lụi của
Người.
Bằng những suy tư này, tôi cầu chúc tất cả anh chị em lễ Phục sinh an lành.
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng chuyển ngữ
WHĐ (14.04.2020)