SỨ ĐIỆP CHUNG
Trong hơn một năm, tất cả chúng ta đều đã trải qua những tác
động tàn khốc của đại dịch toàn cầu - tất cả chúng ta, dù nghèo hay giàu, khỏe
mạnh hay ốm đau. Một số được bảo vệ tốt hơn và số khác thì dễ bị tổn thương hơn
những người còn lại, nhưng sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đồng nghĩa với
việc chúng ta phải phụ thuộc lẫn nhau trong nỗ lực giữ an toàn. Chúng ta nhận
ra rằng, khi đối mặt với thảm họa mang tính toàn cầu này, không ai được an toàn
cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn, và rằng hành động của chúng ta thực sự
ảnh hưởng đến nhau, và tất cả những gì chúng ta làm ngày hôm nay sẽ có ảnh hưởng
đến những gì xảy ra vào ngày mai.
Đây không phải là những bài học mới, nhưng chúng ta đã phải
đối mặt với chúng một lần nữa. Mong rằng chúng ta đừng lãng phí giây phút này.
Chúng ta phải quyết định loại thế giới mà chúng ta muốn để lại cho các thế hệ
tương lai. Thiên Chúa yêu cầu chúng ta: ‘Hãy chọn sự sống, để anh em và con cái
anh em được sống’ (Đnl 30:19). Chúng ta phải chọn cách sống khác biệt; chúng ta
phải lựa chọn sự sống.
Tháng 9 được nhiều tín hữu Ki-tô giáo tổ chức kỉ niệm Mùa
Sáng tạo, là cơ hội để cầu nguyện và chăm sóc cho công trình tạo dựng của Thiên
Chúa. Khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị gặp nhau vào tháng 11 tại Glasgow
để thảo luận về tương lai của hành tinh chúng ta, chúng ta cầu nguyện cho họ và
cân nhắc những lựa chọn mà tất cả chúng ta phải đưa ra. Do đó, với tư cách là
những nhà lãnh đạo của các Giáo hội, chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người, bất kể
niềm tin hay thế giới quan của họ, hãy nỗ lực lắng nghe tiếng kêu của trái đất
và tiếng kêu của người nghèo, xem xét lại hành vi của mình và cam kết thực hiện
hy sinh có ý nghĩa vì lợi ích của trái đất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng
ta.
Tầm quan trọng của
tính bền vững
Trong truyền thống Ki-tô giáo của chúng ta, Kinh thánh và các vị thánh cung cấp những khía cạnh làm sáng tỏ, để hiểu được cả những thực tế của hiện tại và lời hứa về một điều gì đó lớn hơn những gì chúng ta có thể nhìn nhận ra trong lúc này. Khái niệm về cương vị quản lý - hay về trách nhiệm cá nhân và tập thể đối với những gì Thiên Chúa trao ban - là một điểm khởi đầu quan trọng cho sự bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường. Trong Tân Ước, chúng ta đọc thấy người phú hộ giàu có và khờ khạo, tích trữ nhiều thóc gạo trong khi quên đi sự hữu hạn của mình (Lc 12,13-21). Chúng ta biết được đứa con hoang đàng sớm đòi nhận lấy gia nghiệp, chỉ để tiêu xài hoang phí và cuối cùng thì lâm vào cảnh đói khát (Lc 15,11-32). Chúng ta được cảnh báo không nên chọn những giải pháp mang tính ngắn hạn và dễ dàng, tức là xây nhà trên cát, thay vì xây ngôi nhà chung của chúng ta trên nền đá cho để có đủ sức chống chọi với bão tố (Mt 7,24-27). Những câu chuyện này mời gọi chúng ta có một cái nhìn rộng hơn và nhận ra vị trí của mình trong câu chuyện chung của nhân loại.
Nhưng chúng ta đã đi theo hướng ngược lại. Chúng ta đã tối
đa hóa lợi ích của chính mình bằng cái giá phải trả của
các thế hệ tương lai. Bằng cách tập trung tích lũy sự giàu có cho mình,
chúng ta nhận thấy rằng tài sản có tính dài lâu, bao gồm cả nguồn lực trong tự
nhiên, đã bị cạn kiệt vì người ta chạy theo những lợi ích ngắn hạn. Công nghệ
đã mở ra những khả năng mới cho sự tiến bộ nhưng cũng khiến người ta chạy theo
sự giàu có một cách vô tội vạ, và nhiều người trong chúng ta hành xử chẳng mấy
bận tâm đến người khác hoặc giới hạn của trái đất này. Thiên nhiên tuy có khả
năng phục hồi, nhưng cũng rất mỏng manh dễ vỡ. Chúng ta đã và đang chứng kiến hậu
quả của việc chúng ta từ chối bảo vệ và giữ gìn thiên nhiên (Gn 2,15). Bây giờ,
vào lúc này, chúng ta có cơ hội để ăn năn, quay đầu quyết tâm đi về hướng ngược
lại. Chúng ta phải theo đuổi sự quảng dại và công bằng trong cách chúng ta sống,
làm việc và sử dụng tiền, thay vì vụ lợi ích kỷ.
Tác động đối với những
người nghèo
Cuộc khủng hoảng khí hậu hiện tại nói lên nhiều điều về chúng
ta là ai và cách chúng ta nhìn nhận và đối xử với công trình tạo dựng của Thiên
Chúa. Chúng ta đứng trước một công lý khắc nghiệt: mất đa dạng sinh học, suy
thoái môi trường và biến đổi khí hậu là những hậu quả không thể tránh khỏi của
các hành động của chúng ta, vì chúng ta đã tham lam tiêu thụ nhiều tài nguyên của
trái đất hơn mức mà hành tinh này có thể cho phép. Nhưng chúng ta cũng phải đối
mặt với một sự bất công sâu sắc: những người gánh chịu hậu quả thảm khốc nhất của
những lạm dụng này lại là những người nghèo nhất trên hành tinh và ít phải chịu
trách nhiệm nhất trong việc gây ra tấn thảm kịch. Chúng ta phục vụ một Thiên
Chúa đầy công bằng, Đấng yêu thích việc sáng tạo và tạo dựng con người theo
hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng nghe thấy tiếng kêu của những người
nghèo khổ. Theo đó, có một lời kêu gọi bẩm sinh trong chúng ta để xoa dịu những
đau khổ khi chúng ta chứng kiến sự bất công tàn khốc như vậy.
Hôm nay, chúng ta đang phải trả giá. Thời tiết khắc nghiệt và thiên tai trong những
tháng gần đây cho thấy sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên và cái giá to lớn con
người phải trả, qua đó chúng ta nhận biết rằng biến đổi khí hậu không chỉ là
thách thức trong tương lai, mà là vấn đề sinh tồn trước mắt và cấp bách. Lũ lụt, hỏa hoạn và hạn hán trên diện
rộng đe dọa toàn bộ các lục địa. Mực nước biển dâng cao, buộc rất nhiều cộng đồng
phải di cư; lốc xoáy tàn phá toàn nhiều khu vực, hủy hoại cuộc sống và sinh kế
của người dân. Nước trở nên khan hiếm và nguồn cung cấp lương thực không được đảm
bảo, trở thành nguyên nhân gây ra xung đột và khiến cho hàng triệu người phải
di cư. Chúng ta đã thấy điều này ở những nơi mà người ta dựa vào việc canh tác
nông nghiệp với quy mô nhỏ. Ngày nay, chúng ta thấy điều đó ở các nước công
nghiệp phát triển hơn, nơi mà ngay cả cơ sở hạ tầng tinh vi cũng không thể ngăn
chặn hoàn toàn thiên tai khác thường.
Ngày mai còn có thể tồi tệ hơn. Trẻ em và thanh thiếu niên của
hôm nay sẽ phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc trừ khi chúng ta nhận lấy
trách nhiệm, với tư cách là ‘những người cộng tác với Thiên Chúa’ (Gn 2,4–7), để
duy trì thế giới của chúng ta. Chúng ta thường xuyên nghe từ những người trẻ tuổi,
những người hiểu rất rõ rằng tương lai của họ đang bị đe dọa. Vì lợi ích của họ, chúng ta phải lựa chọn cách ăn uống, đi
du lịch, chi tiêu, đầu tư và sống khác biệt đi, không chỉ biết nghĩ đến thú vui
và lợi ích trước mắt mà còn phải nghĩ tới những lợi ích trong tương lai. Chúng
ta cần ăn năn tội lỗi của thế hệ chúng ta. Chúng ta sát cánh cùng các người trẻ
trên khắp thế giới trong lời cầu nguyện kiên định và nỗ lực hành động cho
một tương lai ngày càng phù hợp hơn với những lời hứa của Thiên Chúa.
Tính cấp thiết phải hợp
tác với nhau
Trong cơn đại dịch, chúng ta đã biết được mức độ dễ bị tổn
thương của chúng ta ra sao. Các hệ thống xã hội của chúng ta bị xáo trộn và
chúng ta nhận thấy rằng chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ. Chúng ta phải thừa
nhận rằng cách chúng ta sử dụng tiền của và tổ chức
xã hội đã không mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Chúng ta thấy mình yếu đuối và lo âu, chìm nghỉm trong hàng loạt cuộc khủng hoảng;
sức khỏe, môi trường, thực phẩm, kinh tế và xã hội, tất cả đều có mối liên hệ
chặt chẽ với nhau.
Những cuộc khủng hoảng này cho chúng ta một sự lựa chọn.
Chúng ta có một vị trí duy nhất: Hoặc là giải quyết vấn đề một cách thiển cận
và trục lợi hoặc nắm bắt điều này như một cơ hội để hoán cải và chuyển đổi. Nếu
chúng ta coi nhân loại như một gia đình và cùng nhau hướng tới một tương lai dựa
trên lợi ích chung, chúng ta sẽ sống khác biệt so với trước. Cùng với nhau,
chúng ta có thể chia sẻ tầm nhìn về cuộc sống nơi mà mọi người cùng triển nở.
Cùng với nhau, chúng ta có thể lựa chọn hành động với tình yêu thương, công lý
và lòng thương xót. Cùng với nhau, chúng ta có thể hướng tới một xã hội công bằng
và tốt đẹp hơn, một xã hội đặt những người dễ bị tổn thương nhất ở vị trí
trung tâm.
Nhưng điều này đòi hỏi phải thực hiện những thay đổi. Mỗi cá
nhân phải chịu trách nhiệm về cách chúng ta sử dụng các nguồn lực của mình. Con
đường này đòi hỏi sự cộng tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa tất cả các giáo hội
trong cam kết chăm sóc cho công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Cùng với nhau, với
tư cách là các cộng đồng, các giáo hội, các thành phố và các quốc gia, chúng ta
phải thay đổi lộ trình và khám phá những cách thức làm việc mới cùng nhau để
phá bỏ những rào cản lâu đời giữa các dân tộc, ngừng tranh giành tài nguyên và
bắt đầu hợp tác với nhau.
Đối với những người có trách nhiệm sâu rộng hơn - lãnh đạo
chính quyền, điều hành công ty, quản lý nhân viên hoặc quỹ đầu tư - chúng tôi đề
nghị: hãy chọn những lợi nhuận mà ở đó con người là trung tâm; hy sinh những lợi
ích trước mắt để bảo vệ tương lai của tất cả chúng ta;
trở thành những nhà lãnh đạo trong quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế
công bằng và bền vững. ‘Ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều.’ (Lc 12,48)
Đây là lần đầu tiên ba người chúng tôi cảm thấy buộc phải
cùng nhau lên tiếng về sự cấp thiết của tính bền vững của môi trường, tác động
của nó đối với tình trạng nghèo đói dai dẳng và tầm quan trọng của việc hợp tác
toàn cầu. Cùng với nhau, thay mặt cho các cộng đoàn của chúng tôi, chúng tôi
kêu gọi trái tim và khối óc của mọi Ki-tô hữu, mọi người tin và mọi người thiện
chí. Chúng tôi cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của chúng ta, những người sẽ ngồi
lại với nhau tại Glasgow để quyết định tương lai của trái đất và loài người
chúng ta. Một lần nữa, chúng ta nhớ lại lời Kinh thánh: ‘Hãy chọn sự sống, để
anh em và con cái anh em được sống’ (Đnl 30:19). Lựa chọn sự sống có nghĩa là lựa
chọn hy sinh và tự kiềm chế.
Tất cả chúng ta - dù là ai và ở bất kỳ nơi đâu - đều có thể
đóng góp một phần vào việc thay đổi phản ứng chung của chúng ta trước mối đe dọa
chưa từng có của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.
Chăm sóc thiên nhiên, công trình tạo dựng của Thiên Chúa là
một nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi sự đáp trả tận tâm. Đây là một thời điểm quan trọng. Tương lai của con cái chúng ta
và tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta phụ thuộc vào đó.
Ngày 1 tháng 9 năm 2021
Thượng phụ Constantinople Bartholomew
Giáo hoàng Phanxicô
Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby
Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ theo vatican.va