Chúa Giêsu đã làm mẫu cho mối tương quan này bằng cách hy sinh chính mình trên Thập Giá vì chúng ta. Tất cả chúng ta đều trải nghiệm điều này trong các mối tương quan giữa con người với nhau. Chẳng hạn, vợ chồng hy sinh vì lợi ích của nhau, cha mẹ sẵn sàng mất ngủ để chăm sóc con cái, và những người bạn thân nhất của chúng ta sẽ bỏ dở mọi việc họ đang làm để đón chúng ta tại sân bay. Đây là tình yêu đầy ý nghĩa: tình yêu hy sinh.

Tìm kiếm tình yêu là tìm kiếm Thiên Chúa, và theo một nghĩa nào đó, là tìm kiếm sự trọn hảo. Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài để con người có thể trở nên giống Ngài, hiệp nhất với Ngài và chia sẻ niềm vui vĩnh cửu của Ngài. Ngài đã tạo lập vũ trụ vì lợi ích của con người, ban cho chúng ta sức mạnh để chia sẻ việc thực hiện kế hoạch của Ngài: “Thiên Chúa đã muốn công trình tạo dựng là như một quà tặng dành cho con người, như một gia sản được gởi gắm và ủy thác cho con người… Thiên Chúa không những ban cho các thụ tạo được hiện hữu, nhưng còn ban cho chúng phẩm giá để chúng hoạt động, để chúng nên nguyên nhân và nguyên lý cho nhau, và như vậy để chúng cộng tác vào việc hoàn thành kế hoạch của Ngài” (GLHTCG, 1992, số 299, 306). Thiên Chúa giao phó cho chúng ta trách nhiệm “làm chủ trái đất và thống trị nó” trong khi trải nghiệm cả điều thiện và điều ác, để chúng ta có thể nhận biết liệu mình muốn sống đời Kitô hữu, phấn đấu cho Nước Chúa hay sống tội lỗi mà không ăn năn, dẫn đến sự xa cách vĩnh viễn với Ngài: “Đối với con người, Thiên Chúa còn ban cho dư đầy khả năng để tham dự một cách tự do vào sự quan phòng của Ngài, khi trao cho họ trách nhiệm làm chủ trái đất và thống trị nó. Như vậy, Thiên Chúa cho con người trở nên những nguyên nhân thông minh và tự do để hoàn thành công trình tạo dựng, và thực hiện sự hài hoà của công trình ấy hầu mưu ích cho chính mình và cho tha nhân. Con người, những cộng tác viên, thường là vô ý thức, của thánh ý Thiên Chúa, có thể tham gia một cách ý thức vào kế hoạch của Thiên Chúa bằng hành động, bằng kinh nguyện, và cả bằng các đau khổ của mình. Như vậy, họ trở thành “những cộng sự viên của Thiên Chúa” (1 Cr 3,9) và của Nước Ngài cách trọn vẹn” (GLHTCG, số 307).

Hơn nữa, nhờ lòng thương xót của Ngài, Thiên Chúa gặp gỡ mỗi người “ở nơi họ ở” và hướng dẫn họ qua lề luật của Ngài để sống theo ý muốn của Ngài. Để suy ngẫm về phương cách Thiên Chúa mang lại điều tốt lành thậm chí từ điều ác, chúng ta có thể xem xét cách Ngài làm cho lề luật của Ngài trở nên rõ ràng một cách đầy đủ thông qua những hậu quả đau đớn từ những hành động xấu xa của chúng ta - ngay cả đối với những người không biết đến lề luật của Ngài qua mặt chữ. Khi chúng ta chống lại điều tốt lành mà Thiên Chúa đã hoạch định cho chúng ta, hoặc khi chúng ta lạm dụng nó, chúng ta sẽ gặp phải đau khổ. Theo một cách nào đó, đau khổ có thể là người phân xử cho ý muốn của Thiên Chúa.

Đau khổ dẫn chúng ta từ tội lỗi đến sự cứu rỗi bằng bốn cách: 1) Dạy chúng ta biết yêu bản thân đúng cách bằng cách tạo ra những vòng lặp nhân quả làm cho thói xấu của chúng ta trở nên khó chịu và dẫn đưa chúng ta đến nhân đức; 2) Hướng dẫn tâm hồn chúng ta về lại với Thiên Chúa; 3) Thể hiện tình yêu thương với người lân cận; 4) Cứu độ những người sẵn sàng chịu đau khổ vì lợi ích của người khác. Theo cách này, một cách nghịch lý là Thiên Chúa sử dụng đau khổ để tăng cường khả năng yêu thương và đưa chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu. Một khi nhận ra điều này, chúng ta sẽ nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và đau khổ không phải là một lời nguyền mà là một chiếc la bàn giúp chúng ta tìm đường về với Thiên Chúa.

Đức mến là một nhân đức đối thần được Thiên Chúa truyền vào chúng ta. Tình yêu là một khả năng được hình thành khi sử dụng và mất đi khi không sử dụng, giống như bất cứ khả năng nào khác của con người. Tình yêu đó không phải là một loại hàng hóa bị hao mòn khi sử dụng. Những thói quen đạo đức làm tăng thêm tình yêu của chúng ta, và mọi tội lỗi đều là thất bại trong tình yêu. Tuy nhiên, Thiên Chúa ban cho chúng ta món quà Bí tích Hòa giải như một phương tiện để khôi phục lại sự trọn vẹn của tình yêu vốn có được nhờ sự kết hợp với Thiên Chúa qua bí tích, đó là mẫu mực tuyệt vời về sự quân bình giữa công lý và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Sự quân bình giữa công lý và lòng thương xót của Thiên Chúa rất quan trọng đối với lý do thúc đẩy sự tăng trưởng và tiến triển tâm linh nơi con người. Nhiều người khó hiểu làm thế nào Thiên Chúa có thể vừa hoàn toàn công bằng lại vừa hoàn toàn nhân từ. Họ coi lòng thương xót trọn hảo của Thiên Chúa như là sự dung túng hoàn toàn, và sự công bằng trọn hảo giống như việc cầm giữ mọi tội lỗi nhằm chống lại chúng ta vô thời hạn. Tuy nhiên, hãy coi xem, sự tha thứ của Thiên Chúa sẽ trở nên bất lực thế nào nếu chúng ta không ăn năn; khi đó chúng ta sẽ ít có khả năng thay đổi cách sống của mình và bằng một cách nào đó, tình trạng đó sẽ làm phát sinh thêm nhiều sai lầm. Tương tự như vậy, nếu chúng ta cứ tiếp tục phạm tội, thì ngay cả sau khi chúng ta đã ăn năn, lý do thúc đẩy ăn năn và sửa đổi lối sống của mình cũng sẽ giảm sút. Thiên Chúa hoàn toàn thương xót bằng cách tha thứ cho chúng ta khi chúng ta hòa giải với Ngài qua bí tích, và Ngài hoàn toàn công bằng khi buộc chúng ta phải chịu trách nhiệm về những tội lỗi chưa xưng ra. Sự kết hợp giữa lòng thương xót và công lý này, do Giáo hội cai quản qua Bí tích Hòa giải, thể hiện tình yêu mạnh mẽ của Thiên Chúa dành cho chúng ta và mang lại cho chúng ta động lực để lớn lên trong tình yêu thiêng liêng của Ngài, không dung túng tội lỗi cũng như không lên án chúng ta về những lỗi lầm trong quá khứ.

Cái chết cũng dẫn dắt và thúc đẩy chúng ta yêu thương theo cách Thiên Chúa yêu thương. Nếu cuộc sống không kết thúc, nó sẽ không cho chúng ta cơ hội được ở với Thiên Chúa trên thiên đàng, và nếu chúng ta không được Thiên Chúa công bằng và nhân hậu xét xử thì động lực hy sinh vì lợi ích của người khác sẽ giảm sút. Con người được thúc đẩy để cải thiện bản thân về mặt đạo đức bởi mục tiêu cuối cùng là đạt được thiên đàng. Bước đầu tiên để đạt được mục tiêu này là chết trong tình trạng ân sủng, không mắc tội trọng. Tội trọng là thiếu tình yêu thương, do không giúp đỡ người khác hoặc tìm cách lợi dụng họ cho lợi ích của chúng ta. Học cách yêu thương là học sống theo ý Chúa.

Tin Mừng Mátthêu bao gồm ba định nghĩa bổ sung cho nhau về con đường dẫn tới Thiên đàng, mỗi định nghĩa liên quan đến việc yêu mến Thiên Chúa và người lân cận.

1) Trong Mátthêu chương 5, Chúa Giêsu ban cho chúng ta các Mối Phúc Thật, những đức tính cần thiết để có được sự hòa hợp và hạnh phúc.

2) Trong Mátthêu chương 19, người thanh niên giàu có hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để có được sự sống đời đời. Ngài bảo anh ta trước tiên hãy tuân theo Mười Điều Răn, sau đó hãy giao của cải thế gian của mình cho người khác vì lòng yêu mến Chúa.

3) Cuối cùng, trong Mátthêu chương 25, Chúa Giêsu kể cho chúng ta dụ ngôn về Sự phán xét cuối cùng, nơi đó Ngài dạy rằng yếu tố quyết định sự phán xét của chúng ta là liệu chúng ta có quan tâm đến những người anh em nhỏ bé nhất của mình hay không.

Nếu chúng ta sống theo những phương cách yêu thương này trong cuộc sống và hòa giải với Chúa bằng việc lãnh nhận bí tích giải tội khi chúng ta phạm tội, chúng ta sẽ xây dựng được tình yêu thương, yêu thương là tiền tài trên thiên đàng. Theo lời Thánh Phaolô, tình yêu không bao giờ thất bại. Tình yêu là một khả năng không thể bị đánh cắp và tình yêu là thứ duy nhất chúng ta mang theo khi chết.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách trọn hảo. Cùng với lòng thương xót, Ngài ban cho chúng ta vô số cơ hội để làm hòa với Ngài và những người lân cận, nhưng Ngài cũng hoàn toàn công bằng nên tình yêu vẫn là một hành vi hy sinh của ý chí. Để được kết hợp với Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta phải chọn hiến thân vì tình yêu Chúa.

Ảnh: Mignard, P. (1664). Thiên Chúa Cha [dầu trên vải], lấy từ Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Từ: catholicexchange.com