Theo tương truyền, Pháp trường Cổ Mễ ở khu làng Cổ Mễ là một
nơi để xử tử nhiều người vào thời Nhà Nguyễn. Và theo sử sách, tại khu vực làng
Cổ Mễ này có 7 vị Thánh tử đạo Bắc Ninh bị giết vào năm 1838 và 1839. Nhưng người
viết bài này đã nhiều lần tìm kiếm và cầu nguyện, với ước mong tìm biết chút ít
về tung tích địa điểm quan trọng này, để tri ân các tiền nhân đã dày công gìn
giữ đức tin cho mình. Bởi vì các ngài đã minh chứng đức tin vào Chúa bằng máu
đào của mình ở nơi đây. Sau nhiều lần tìm tòi, người viết xin mô phỏng và tổng
hợp lại những gì mình biết dưới đây. Hy vọng những điều mô phỏng tái hiện đôi
nét về địa điểm pháp trường Cổ Mễ, nơi đã xảy ra hai biến cố quan trọng liên
quan đến 7 chứng nhân đức tin của giáo phận khi xưa.
Vị trí và những đặc điểm:
Hiện nay người viết tạm thời tìm thấy hai nguồn tài liệu nói
về địa điểm pháp trường Cổ Mễ này:
Tài liệu thứ nhất: theo cuốn “Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh”
trong trang 18 có mô tả như sau: “Pháp trường là một bãi rộng ở làng Cổ Mễ, dưới
chân một ngọn đồi nhỏ, bên bờ sông Cầu, ở ngoài thành Bắc Ninh.”[1] Địa điểm
này thuộc phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Địa điểm
Pháp trường này cách nơi giam giữ (thành cổ Bắc Ninh) “khoảng 2km, có thể gần địa
điểm hiện nay là Đền Bà Chúa Kho.”[2]
Tài liệu thứ hai: trong cuốn “Dòng Máu Anh Hùng” của cha Vũ
Thành cho biết thêm về khu vực xử tử cha Tự, lúc đó: “đồi Xài Bông là nơi thường
được dùng để hành quyết các tội nhân, nhưng đặc biệt cha Tự không phải chết ở
đó, họ dẫn cha về phía bên phải đồi”[3] và họ hành quyết ngài ở đó.
Về quả đồi nhỏ ở làng Cổ Mễ. Làng Cổ Mễ hiện có một ngọn đồi
rõ nhất với nhiều tên gọi khác nhau như: đồi Cổ Mễ, Núi Kho, hay có thể còn được
gọi là đồi Xài Bông[4] chăng? Với dòng thời gian gần hai thế kỷ với biết bao thay
đổi, nên có thể ngọn đồi này được dân chúng gọi với những tên gọi khác nhau như
vậy.
Bảy vị Thánh tử đạo Bắc Ninh tuy bị bắt trong cùng một thời gian
từ ngày 29 tháng 6 năm 1838 đến đầu tháng 7 năm 1838, và bị giam chung với nhau
ở tại thành Bắc Ninh (tức thành cổ Bắc Ninh ngày nay). Nhưng các ngài bị xử tử
hai đợt khác nhau:
Lần xử thứ nhất này có hai vị bị xử chém đầu là cha Phêrô
Nguyễn Văn Tự và cụ trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh. Bản án “trảm quyết” (chém đầu)
của cha Tự và cụ trùm Cảnh do vua Minh Mệnh ra ngày 2/9/1838:
“Đạo trưởng Nguyễn Văn Tự và Đạo mục Hoàng Lương Cảnh phải
trảm quyết tức khắc, còn các tên Hà Trọng Mậu, Bùi Văn Úy, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn
Văn Mới và Nguyễn Văn Vinh phải giam giữ cẩn thận và khuyên dụ bỏ đạo, nếu
không nghe thì bị xử giảo.”
Trên đường ra pháp trường Cổ Mễ lính xếp hàng đi hai bên,
cha Tự và cụ trùm Cảnh đi ở giữa, tay nâng niu tượng Chuộc Tội, hai vị vừa đi vừa
đọc kinh. Khi ấy giáo hữu và người ngoại hiếu kỳ nên đi xem rất đông. Người ta
thấy vẻ vui mừng hoan hỉ tỏ lộ trên vẻ mặt tuấn tú của cha Tự thật là đẹp, đến
nỗi một người lương kêu to lên: “kìa xem, ông đó đẹp trai biết bao! Sao họ nỡ
tâm giết một người như vậy?”[5] Nhưng không có quan tòa nào trả lời câu hỏi của
người lương dân này.
Đến nơi, họ cho hai vị quỳ xuống những tấm chiếu đã trải sẵn.
Họ tháo gông cho hai vị rồi trói chặt
hai tay ra đằng sau. Theo tiếng trống lệnh, lý hình thi hành việc chém đầu hai
chứng nhân. Chém xong họ liền tung đầu hai vị lên cho mọi người trông thấy. Vì
“theo tục lệ thời đó, đầu tội nhân phải được tung cao 3 lần cho mọi người xem
thấy.”[6] Ngay sau khi các ngài bị chém, tức khắc nhiều người trong đạo cũng
như ngoài đạo chen lấn xô nhau chạy vào để thấm máu các ngài[7]:
Đầu của cha Tự: “Lý hình vung kiếm chém mạnh, nhưng đầu vẫn
chưa rơi khỏi cổ, anh ta phải chém mạnh lần thứ hai đầu mới rơi khỏi cổ.”[8]
Bên cha Tự: “Lý hình vừa làm xong nhiệm vụ, thì cả người
lương lẫn người giáo chạy xúm đến để thấm máu và tranh dành tất cả những gì của
cha Tự. Người ta chen lấn nhau đến nỗi một số người ngã trên vũng máu và làm
cho cả đám người thấm máu của vị tử đạo.”[9]
Phía bên cụ trùm Cảnh: “Một hồi chiêng vang dội, lý hình
vung gươm chém và đầu cụ Cảnh rơi khỏi thân xác. Các người lương giáo xô nhau
ra thấm máu và xô xé lấy những gì thuộc về cụ đến nỗi các quan cũng không thể
ngăn nổi.”[10]
Lần xử thứ hai vào ngày 19-12-1839:
Năm vị thánh bị xử giảo[11]
là Phanxicô Hà Trọng Mậu, Augustinô Nguyễn Văn Mới, Đaminh Bùi Văn Úy, Stêphanô
Nguyễn Văn Vinh và Tôma Nguyễn Văn Đệ. Bản án xử giảo 5 vị chứng nhân này đã có
chung với bản án của cha Tự và cụ trùm Cảnh cùng ngày 2/9/1838. Suốt thời gian
hơn một năm các quan “khuyên dụ” 5 vị này bỏ đạo, nhưng không ai bỏ đạo, nên bản
án được viết tiếp: “Bọn gian ác theo Gia-tô tả đạo, mặc dầu đã khuyên răn sửa
phạt, vẫn ngoan cố không chịu bước qua thập giá, nay chúng bị xử giảo.“[12]
Ngày 19/12/1839 trên đường ra pháp trường, thầy Phan-xi-cô
Hà Trọng Mậu dẫn đầu anh em. Năm chứng nhân trẻ này bị dẫn đến pháp trường Cổ Mễ
trước sự hiếu kỳ của đám đông chen lấn nhau. Họ “xì xào với nhau là các vị này
bị giết oan!”[13]. Chắc hẳn họ đã thấy 5 vị này sống tốt, chẳng có tội tình gì.
Còn “các chứng nhân tươi cười nói với mọi người: anh em chúng tôi đang tiến về
Thiên Đàng đây.” Tiếp đó “5 vị bị trói vào 5 cái cọc đã chôn sẵn, rồi cùng một
lúc lý hình xiết cổ các ngài bằng dây thừng cho đến lúc tắt thở.”[14]
JB. Lâm Văn Trung
Nguồn: Gp. Bắc Ninh
[1] Tòa giám mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 18.
[2] Tài liệu đang dẫn, tr 18.
[3] Vũ Thành, Lm, Dòng Máu Anh Hùng, tr 202
[4] X. Dòng Máu Anh Hùng, tr 202
[5] Vũ Thành, lm, Dòng Máu Anh Hùng, tr 202.
[6] Tài liệu đang dẫn.
[7] Tòa giám mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh,18-19
[8] Vũ Thành, lm, Dòng Máu Anh Hùng, tr 202.
[9] Tài liệu đã dẫn, tr 202.
[10] Tài liệu đã dẫn, tr 204.
[11] Xử giảo: bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây xiết chặt cho đến chết mới thôi.
[12] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 34
[13] X. Tài liệu đang dẫn, tr 34.
[14] Tài liệu đang dẫn, tr 34.