TÌM HIỂU
TRUYỀN THỐNG CỬ HÀNH TUẦN THÁNH Ở MỘT SỐ THÀNH PHỐ CỦA TÂY BAN NHA
Hồng Thủy - Vatican News
Vatican News (05.4.2023) – Tây Ban Nha được biết đến đặc biệt với truyền thống cử hành Tuần Thánh.
Có một số khác biệt lớn giữa các vùng của Tây Ban Nha trong việc cử hành này:
trong khi sự kiện được tổ chức cách hoàng tráng nhất ở vùng Andalusia, đặc biệt
là ở Jerez de la Frontera, Granada, Málaga và Sevilla, thì ở vùng Castile và
Leon sự kiện được cử hành đơn sơ hơn, như tại Zamora, Leon và Valladolid.
Sự hoàng tráng ở Andalusia càng được gia tăng bởi
những hình ảnh nghệ thuật thánh có giá trị được thực hiện bởi bàn tay của những
người có trí tưởng tượng phong phú; bởi chi tiết về trang phục của đám rước và
đồ hoá trang của các nhân vật; bởi những cách khác nhau mà người Tây Ban Nha
bày tỏ đức tin của họ.
Áo choàng sám hối
Một đặc điểm chung ở Tây Ban Nha là một số người
tham gia đám rước mặc áo choàng sám hối. Trang phục này bao gồm một chiếc áo
dài, một chiếc mũ trùm đầu có chóp hình nón dùng để che khuôn mặt của người mặc,
và đôi khi là một chiếc áo choàng. Màu sắc và hình thức chính xác của những chiếc
áo choàng này phụ thuộc vào đám rước cụ thể. Những chiếc áo choàng được sử dụng
rộng rãi trong thời trung cổ cho những người sám hối, những người có thể chứng
minh sự đền tội của họ trong khi vẫn che giấu danh tính của họ. Những người này
mang theo những ngọn nến trong lễ rước hoặc những cây thánh giá bằng gỗ đẽo
thô, có thể đi chân trần trên đường phố và ở một số nơi có thể mang xiềng xích ở
chân để đền tội.
Kiệu Cuộc Thương Khó
Một đặc điểm chung khác là mỗi huynh đoàn đều
mang theo những chiếc “kiệu” lộng lẫy, với những tác phẩm điêu khắc mô tả những
cảnh khác nhau trong các sách Phúc Âm về Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô hoặc Những
Sự Thương Khó của Đức Trinh Nữ Maria. Nhiều chiếc kiệu là tác phẩm nghệ thuật
do các nghệ sĩ Tây Ban Nha như Gregorio Fernandez, Juan de Mesa, Martínez
Montañés hoặc Mariano Benlliure tạo ra. Một số huynh đoàn đã sở hữu và bảo quản
những chiệc kiệu này trong nhiều thế kỷ.
Sevilla
Trong Tuần Thánh, thành phố Sevilla mặc trang phục
đẹp nhất của mình, như chúng ta có thể nói: không chỉ có các biểu ngữ treo trên
các ban công ở trung tâm thành phố, mà toàn bộ người dân ăn mặc lịch sự, như một
dấu hiệu tôn trọng Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô. Trong những ngày này, thành phố
về cơ bản có hai nhóm: hàng ngàn người tham gia vào các đám rước và những người
chiêm ngắm và ủng hộ họ từ hai bên đường. Họ hiện diện lịch sự và trang nhã,
giúp tạo ra một bầu không khí nghiêm trang nhưng dễ chịu, chu đáo và đồng thời
rất tự do.
Chắc chắn các đám rước ở thành phố Sevilla là những
đám rước tạo nên bức chân dung mang tính biểu tượng nhất trên toàn thế giới.
Không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì hàng ngàn thành viên của các huynh đoàn diễu
hành qua các đường phố của Sevilla mỗi Tuần Thánh.
Phần lớn người dân Sevilla - những những người
biết rõ những con hẻm ở trung tâm thị trấn của họ - dành cả ngày (và đêm!) di
chuyển từ đám rước này sang đám rước khác, để chiêm ngưỡng những chiếc kiệu các
tín hữu vác trên vai, để chào một người bạn là hối nhân và sau đó chào một người
bạn khác của một huynh đoàn khác. Trong khi chờ đợi, họ gặp gỡ những người bạn
và người quen khác trên phố, dừng lại ở một quán bar để uống bia hoặc ăn nhẹ,
trong khi vẫn duy trì một hành vi rất chừng mực, không ồn ào và cường điệu vốn
có của các sự kiện phổ biến khác.
Năm nay, từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Chúa Nhật Phục
sinh có khoảng 70 đám rước. Những đám rước này tạo nên cuộc sống của thành phố
trong những ngày đó. Đặc biệt có những đám rước theo truyền thống “madrugá”,
nghĩa là rước từ nửa đêm thứ Năm Tuần Thánh đến sáng thứ Sáu Tuần Thánh.
Malaga
Các cử hành tôn giáo của Tuần Thánh ở Málaga nổi
tiếng khắp cả nước. Các cuộc rước bắt đầu vào Chúa Nhật Lễ Lá và tiếp tục cho đến
Chúa nhật Phục sinh với sự kiện ấn tượng và long trọng nhất vào Thứ Năm Tuần
Thánh và Thứ Sáu Tuần Thánh.
Trong số những đặc điểm nổi tiếng nhất của cử
hành Tuần lễ Phục sinh ở Malaga là những chiếc kiệu lớn, được trang trí công
phu, một số nặng hơn 5 tấn và được hơn 250 người khiêng, tạo thành đoàn rước đi
qua các con đường, với những hối nhân mặc áo choàng tím, mũ nhọn, và các phụ nữ
mặc đồ đen, tay cầm nến đi theo sau.
Tuần Thánh tại Malaga cũng nổi tiếng với việc trả
tự do cho một tù nhân, một truyền thống có từ thời vua Carlos III, khi các tù
nhân ở Malaga, vì phản đối việc đình chỉ các cuộc rước trong Tuần lễ Phục sinh
do dịch bệnh, đã nổi loạn và phá cửa nhà tù để khiêng tượng Chúa Giêsu Nazareno
trên vai đi ra các đường phố. Khi bức tượng được trả lại về nhà thờ, tất cả các
tù nhân trở về phòng giam của họ. Sự kiện này đến tai quốc vương, ông đã ban đặc
ân thả một tù nhân hàng năm.
Sự kiện này diễn ra vào Thứ Tư Phục Sinh và hành
động ân xá truyền thống là một trong những khoảnh khắc đặc biệt nhất của lễ hội.
Diễn ra lúc 8 giờ rưỡi tối, gần quảng trường Plaza de la Aduana: sắc lệnh phóng
thích được đọc cho tù nhân nghe trong một nghi lễ long trọng. Quỳ trước bức tượng,
tù nhân nhận chúc lành từ tượng Chúa Kitô - bức tượng có một cánh tay có khớp nối.
Sau đó, người tù đi cùng đoàn diễu hành trên đường đi qua thành phố.
Một trong những sự kiện cũng nổi bật của Tuần
Thánh ở Malaga là việc di chuyển tượng Chúa Kitô Chết lành từ bến cảng đến nhà
thờ Thánh Đaminh. Tượng này còn được gọi là Chúa Kitô của Mena, để vinh danh
tác giả của bức tượng gốc. Tượng Chúa được quân đội hộ tống với những cử chỉ đồng
bộ hoàn hảo thu hút sự chú ý của những người tham dự.
Valladolid
Các cuộc rước là sự kiện nổi bật nhất trong Tuần
Thánh ở Valladolid, và một trong những điều khiến nhiều du khách ngạc nhiên
chính là sự trang nghiêm và trang trọng của các cuộc rước. Sự thinh lặng của
chúng chỉ bị gián đoạn đôi chút bởi tiếng xiềng xích của các hối nhân. Các cuộc
rước được đặc trưng bởi sự xúc động và nghiêm trang, với rất nhiều huynh đoàn
và hối nhân diễu hành qua các đường phố của thành phố mang theo những pho tượng
có giá trị nghệ thuật và lịch sử to lớn, được sáng tác bởi các nhà điêu khắc
theo trường phái Baroque quan trọng của Tây Ban Nha.
Các đám rước Thứ Sáu Tuần Thánh ở Valladolid được
coi là một màn trình diễn điêu khắc tôn giáo tinh tế, phong phú của vùng
Castile. Nhiều du khách ngạc nhiên trước vẻ đẹp và độ chi tiết của những hình ảnh,
thể hiện những cảnh trong Cuộc Thương khó của Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria.
Vào ngày này, vào buổi sáng, các thành viên của
các huynh đoàn sẽ ngồi trên lưng ngựa, đi khắp thành phố và công bố một bài
thơ. “Bài giảng Bảy Lời” được đọc tại Quảng trường Lớn.
Vào buổi chiều, hàng ngàn người tham dự Lễ rước
Thương khó, bao gồm 31 tượng, hầu hết có niên đại từ thế kỷ 16 và 17. Tượng cuối
cùng trong đám rước là tượng Đức mẹ Đồng trinh của Angustias, và việc đưa tượng
này trở lại nhà thờ là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất của cuộc rước.
Cộng đoàn hát bài Salve Popular để vinh danh Mẹ.
Zamora
Thành phố Zamora có những cử hành Tuần Thánh lâu
đời nhất ở Tây Ban Nha. Các cuộc rước đền tội sớm nhất có thể đã có từ năm
1179. Tuần Thánh ở Zamora được cử hành bởi 16 hội chị em và huynh đoàn; họ thực
hiện 17 cuộc rước đền tội trên các đường phố của thành phố cổ. Hàng ngàn hối
nhân đi bộ trên đường phố trong khi đám rước có sự tham gia của đông đảo người
dân địa phương và du khách. Zamora tăng số người gấp 5 lần, lên tới 300.000 người
trong lễ hội. Tuy nhiên Tuần Thánh ở Zamora vẫn nổi tiếng với sự trang nghiêm,
khác biệt đáng kể so với các lễ kỷ niệm khác.
Những điểm khác biệt của cử hành này bao gồm
cách dàn dựng thời trung cổ của một số cuộc rước trong đó các huynh đoàn sử dụng
áo choàng của các đan sĩ thay vì chiếc nón của nazareno, đốt đuốc thay vì nến,
hoặc dàn đồng ca nam thay vì ban nhạc diễu hành.
Sự tương phản giữa các cuộc rước vào ban ngày và
ban đêm được đánh dấu bởi sự thinh lặng và suy niệm là đặc điểm của những cuộc
rước vào ban đêm và vào đầu ngày, trong khi âm nhạc và ánh sáng là đặc tính của
các cuộc rước vào ban ngày. Các bài thánh ca Grêgôrianô và hợp xướng nhấn mạnh
vẻ huy hoàng của đám rước và gia tăng cảm xúc của đám đông.
Kể từ năm 1964, thành phố đã có một bảo tàng
dành riêng cho Tuần Thánh, nơi mọi người có thể chiêm ngưỡng hầu hết các pasos -
các chiếc kiệu với các tác phẩm nghệ thuật mô tả các sự kiện quan trọng nhất
trong Cuộc khổ nạn và Cái chết của Chúa Giêsu.
Cuenca
Các đám rước là sự kiện chính của Tuần Thánh ở
Cuenca. Mỗi huynh đoàn tổ chức đám rước riêng của họ. Nói chung, các đám rước
di chuyển qua trung tâm thành phố, từ Nhà thờ quê hương của họ đến Nhà thờ lớn
và Quảng trường Thị trưởng hoặc các khu vực lân cận. Một vài ngoại lệ đối với lộ
trình ‘tiêu chuẩn’ khiến cho mọi cuộc diễu hành trở nên độc đáo.
Một số đám rước quan trọng ở Cuenca là: đám rước
Tha thứ, đám rước Thinh lặng, đám rước Hoà bình và Bác ái, vv. Một trong những
đám rước đặc biệt nhất là đám rước Đường Calvariô. Đám rước này diễn ra vào
sáng sớm ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Nó được đi kèm với các “turbas” nổi tiếng:
đây là những chiếc trống và kèn đi trước tượng Chúa Giêsu. Nó diễn tả sự nhạo
báng mà Chúa Giêsu Kitô phải chịu khi vác thập giá trên đường đến đồi Gôngôta.
Thông qua việc sử dụng một số nhạc cụ, tiếng ồn
chói tai được tạo ra bởi tiếng la hét của những người có mặt và việc sử dụng một
số nhạc cụ khi các chiếc kiệu được rước ngang qua. Hơn 25.000 hối nhân đông kín
những con đường hẻo lánh của thành phố này trong những ngày diễn ra Cuộc Thương
khó.
Nguồn: vaticannews.va/vi