TÌM HIỂU CUỘC ĐỜI ĐÍCH THỰC CỦA CHÂN PHƯỚC CARLO
ACUTIS
Tác giả: Lm. Roger Landry
WGPNT (11.10.2021) - Carlo Acutis được tuyên phong Chân phước vào thứ Bảy ngày 10
tháng 10 [năm 2020] tại Assisi, tức là 14 năm sau khi anh qua đời vì bệnh bạch
cầu cấp tính năm 2006 và được Giáo hội mừng lễ lần đầu tiên ngày 12.10.2021.
Thời gian từ lúc anh Carlo bước vào đời sống
vĩnh hằng cho đến khi được tôn kính trên bàn thờ chỉ ngắn ngủi gần bằng 15 năm
dương thế của anh. Tuy nhiên, trong quãng đời ngắn ngủi đó, Carlo không chỉ cảm
nghiệm “[sự] sống dồi dào” (Ga 10,10) mà Đức Kitô đã mang đến thế gian, mà anh
còn trở nên một người thầy cho cha mẹ, bạn bè, người nghèo và bây giờ là toàn
thể Giáo hội.
Có lẽ, anh đã là người nổi tiếng nhất khi
qua đời lúc 15 tuổi. Tuy lễ phong chân phước cho Cha Piô Năm Dấu, Mẹ Têrêsa
Calcutta, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Hồng y John Henry Newman lớn
hơn đoàn người tham dự lễ phong chân phước ở Assisi do hạn chế vì đại dịch,
nhưng không có vị thánh nào vừa nhắc đến lại có được 15 ngày chuẩn bị và tôn
kính, hay một đêm canh thức cầu nguyện như anh Carlo. Những vị thánh kia đều
khá nổi tiếng khi còn sống, trong khi ít ai ở ngoài vùng Milan và Assisi biết đến
Carlo.
Nhưng ngày nay, chỉ 29 năm sau ngày anh
chào đời, Chân phước Carlo có lẽ được rất nhiều người biết đến, hơn cả những vị
thánh vĩ đại kia vào lúc các ngài 29 tuổi. Và đây chỉ là khởi đầu của Chân phước
Carlo. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dành ba đoạn trong Tông huấn năm 2019 về người
trẻ Christus Vivit để viết
về anh Carlo và ngày nay đã có hàng nghìn bài báo và hàng trăm trang web kể về
cuộc đời của Carlo.
Khi lần đầu tìm hiểu về Carlo, tôi đã ấn tượng
về lòng khao khát Chúa từ nhỏ của anh: Carlo lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày từ
khi còn nhỏ; rước lễ lần đầu sớm hơn một năm và sau đó tham dự Thánh lễ hàng
ngày; chăm sóc người vô gia cư mỗi đêm; thường xuyên đi đến Assisi; yêu mến các
thánh; đã học máy tính để thiết kế các trang web nhằm lan tỏa tình yêu của anh
đối với Thánh Thể và Đức Maria cũng như nói về các thiên thần và bốn vấn đề sau
hết của con người. Thành thật mà nói, tôi đã hình dung rằng anh phải xuất thân
từ một gia đình giống như gia đình của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu chẳng hạn.
Thay vào đó, anh Carlo xuất thân từ một gia
đình rất lơ là với việc đạo, như người mẹ Antonia hay nói của anh đã khiêm tốn
cho biết trong các buổi phỏng vấn. Cho đến khi sinh Carlo, bà Antonia chỉ đến
nhà thờ ba lần trong đời là ngày rửa tội, thêm sức và kết hôn. Nhờ những câu hỏi
và lòng nhiệt thành của Carlo cuối cùng người mẹ đã sống đức tin nghiêm túc
hơn, và bà Antonia chỉ là một trong số nhiều người đã hoán cải đời sống. Trong
khi đó, ông bà của Carlo sống đức tin và anh thì theo học các trường Công giáo,
nên có vẻ như khá chắc chắn rằng Chúa đã tác động đến Chân phước Carlo giống
như Ngài đã làm với vị ngôn sứ trẻ Samuel.
Một
số điều làm tôi ấn tượng về cuộc đời của Carlo.
Anh đã ý thức cao về ý nghĩa cuộc sống và tìm cách để
sống tốt. Anh tuyên bố: “chương trình sống
của tôi là luôn luôn kết hiệp với Chúa Giêsu”. Trái ngược với chủ nghĩa ái kỷ
đương thời, Carlo nói rằng hạnh phúc đến từ việc luôn “hướng nhìn về Chúa” và bất
hạnh xuất phát từ việc hướng sự chú ý vào bản thân. “Không phải tôi, mà là
Chúa” là câu tâm niệm của Carlo. Anh nói “Hãy tìm Chúa và bạn sẽ tìm thấy ý
nghĩa của cuộc đời”.
Anh sống với một sự khẩn trương nhất định. Carlo nói: “Mỗi phút trôi qua là mất đi mỗi phút để nên giống
Chúa”, và anh khao khát trở nên giống Chúa. Anh chất vấn “Có thể thắng một
nghìn trận chiến thì có ích gì nếu bạn không thể chiến thắng những đam mê hư hỏng
của chính mình? Trận chiến thực sự là chiến đấu với chính mình”. Ngay trước khi
chết, anh đã nói, “Sống lâu chưa hẳn là điều tốt [bởi vì] người ta có thể sống
rất lâu nhưng lại sống tệ”. Anh khiêm tốn thú nhận: “Tôi hạnh phúc khi chết vì
tôi đã không sống một phút giây nào làm những điều mất lòng Chúa”.
Chân phước Carlo có một tình yêu nồng nhiệt đối với
Chúa Giêsu Thánh Thể. Anh đã sống cả đời
yêu mến Thánh Thể, gọi Thánh Thể là “xa lộ lên thiên đàng của tôi”. Anh tham dự
Thánh lễ hàng ngày từ khi lên 7 và dành thời gian mỗi ngày để chầu Thánh Thể.
Anh tin rằng “càng rước lễ chúng ta sẽ càng nên giống Chúa Giêsu”.
Anh có lòng thán phục Thánh Thể, quá say mê các phép lạ Thánh Thể qua các thế kỷ đến nỗi anh đã
cố gắng phiêu lưu đi thăm và ghi lại các phép lạ Thánh Thể để người khác cũng
có thể thán phục như anh. Đối với Carlo thật là vô nghĩa khi có rất đông người
đến xem các trận bóng và các buổi nhạc rock nhưng không có mấy người đến trước
nhà tạm, nơi Thiên Chúa hiện diện và sống giữa chúng ta.
Anh rất yêu mến Đức Maria. Carlo nói: “Đức Trinh Nữ Maria là người nữ duy nhất trong đời
tôi”, và gọi Kinh Mân Côi đọc hàng ngày là “chiếc thang ngắn nhất để lên thiên
đàng” và là “vũ khí lợi hại nhất” sau Thánh Thể “để chiến đấu với ma quỷ”. Giống
như loạt hình ảnh 136 phép lạ Thánh Thể đầy nguồn cảm hứng do Carlo thực
hiện đã được triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới sau này, anh cũng đã lên ý
tưởng cho loạt ảnh 156 lần Đức Mẹ hiện ra, mà bà mẹ đã hoàn thành sau khi anh
qua đời.
Anh yêu mến Giáo hội và các thánh. Carlo nói: “Chỉ trích Giáo hội có nghĩa là chỉ trích chính
chúng ta bởi vì Giáo hội là người phân phát kho tàng ơn cứu rỗi cho chúng ta”.
Chúng ta nhận định về Giáo hội theo những người đã sống theo giáo huấn Giáo hội,
chứ không theo những người chối bỏ Giáo hội. Đó là lý do tại sao Carlo đến gần
các thánh, như thánh Phanxicô Assisi và nhiều vị thánh trẻ vĩ đại khác như
Tarcisius, Aloysius, Đaminh Saviô, Bernadette, và Francisco và Jacinta Marto.
Anh đã có một lòng bác ái hăng say. Carlo bênh vực những bạn cùng lớp bị bắt nạt, mời đến nhà những
đứa trẻ đau khổ vì cha mẹ ly hôn hoặc vì các vấn đề gia đình, kèm các bạn cùng
lớp đang gặp khó khăn với bài tập về nhà hoặc các vấn đề máy tính, kiên nhẫn giải
cứu bạn bè đang thử ma túy hoặc nghiện phim ảnh khiêu dâm, dành thời gian giúp
đỡ người già trong công việc, “săn” rác trong công viên hoặc trên bãi biển để
làm đẹp thế giới, mang đồ ăn thức uống nóng cho người vô gia cư và dùng tiền
túi của mình để mua túi ngủ hoặc quần áo ấm cho họ. Anh nói “Cuộc sống là một
món quà bởi vì chừng nào chúng ta còn sống, chúng ta có thể gia tăng mức độ yêu
thương của mình”.
Lòng bác ái vĩ đại nhất của anh là cố gắng chia sẻ đức
tin. Từ năm 11 tuổi, anh đã dạy giáo lý và
tìm cách thôi thúc những bạn trẻ hơn mình chọn lựa cố gắng sống thánh thiện. Để
làm cho đức tin cụ thể, Carlo lập một “Bộ kit nên thánh” cho các bạn bao gồm
chín bước mà chính anh đã thực hành: yêu Chúa hết lòng; mỗi ngày cố gắng đi lễ
và rước lễ, lần chuỗi Mân Côi, đọc một đoạn Kinh thánh và viếng Chúa Giêsu
trong nhà tạm mỗi ngày; đi xưng tội mỗi tuần một lần; giúp đỡ người khác thường
xuyên nhất có thể; và cậy dựa vào thiên thần bản mệnh như người bạn tốt nhất.
Anh lôi kéo mọi người đến với đức tin bằng gương sáng
và tình bạn hơn là bằng lời nói. Mẹ anh
nói: “sống gần người giống như Carlo đồng nghĩa với việc không có một đức tin
trung lập”. Lòng nhiệt thành đã khiến anh sử dụng kỹ năng máy tính để nỗ lực
thiết kế các trang web không chỉ về Thánh Thể và các lần hiện ra của Đức Maria
mà còn loạt 170 hình ảnh về những điều sau cùng của con người và loạt 131
hình ảnh về thiên thần và ma quỷ trong cuộc đời các thánh.
Bất kể những điều tốt đẹp trên đây, lòng
tôn kính Carlo gặp những nguy hiểm đang phát triển nhanh chóng. Giống như Chân
phước Pier Giorgio Frassati, Carlo có thể khốn đốn vì hình vẽ hí họa thời
nay tuy có ý nghĩa nhưng lại hời hợt. Một số bức hí họa giản lược Frassati từ một
“con người của Tám mối phúc thật” và của lòng bác ái anh hùng thành một “gã
thánh thiện” thích leo núi và hút ống điếu. Tương tự, một số bức hí họa cơ bản
đề cao Chân phước Carlo như một game thủ PlayStation, một người mê truyện
tranh, một tài năng máy tính mặc quần jean và giày sneaker. Khi cố gắng làm cho
sự thánh thiện trở nên “ngầu”, các bức hí họa đã trần tục hóa sự thánh thiện bằng
việc chú ý vào những gì phụ thuộc hơn là chính yếu.
Tuy nhiên, giống như Thánh Phanxicô yêu quý
của anh, Chân phước Carlo là một “người tạo ảnh hưởng cho Chúa” không phải bởi
tính trần thế đời này mà bởi tính cách triệt để bình thường của anh về đời sau.
Câu nói châm biếm nổi tiếng nhất của Carlo là “Mọi người đều sinh ra là bản gốc,
nhưng nhiều người lại chết như những bản sao”, và không may là một số người
đang cố gắng biến anh thành nhạt nhẽo, không có chiều sâu, hiển nhiên nghĩ rằng
chiều sâu trong bản gốc là hình ảnh Thiên Chúa của Carlo sẽ đẩy người trẻ ra
thay vì thu hút họ nhiều hơn.
Tuy nhiên, thế giới và Giáo hội cần điều
chân thật.
ĐCV Sao Biển
chuyển ngữ từ denvercatholic.org (05.01.2021)
Nguồn: giaophannhatrang.org