TÌM HIỂU CÁC TÔNG ĐỒ
D.D. Emmons
WGPNT (25.10.2021) - Có lẽ chúng ta không
còn là Kitô hữu khi loại bỏ các tông đồ. Không có những con người trung thành
và can đảm này, chúng ta sẽ không biết Tin mừng và Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta. Mười hai tông đồ đầu tiên cùng với Phaolô và Mátthia là nền móng cho đức
tin của chúng ta. Chính các ngài đã loan truyền sứ điệp của Đức Giêsu, chia sẻ
câu chuyện phục sinh cho hầu hết phần thế giới được biết đến vào thế kỷ I (Rôma lúc bấy giờ được xem là tận cùng trái đất).
Sau lễ Ngũ tuần, các ngài kiên quyết dấn thân vì Đức Kitô, đến độ sẵn sàng chịu
đau khổ và hi sinh mạng sống; thật vậy, hầu hết các ngài đã chịu tử đạo.
Về tầm quan trọng của các tông đồ, chúng ta
lại ít biết về một vài vị trong số họ, và những gì chúng ta thực sự biết phần lớn
dựa trên truyền thống hoặc truyền thuyết. Chúng ta có thể phỏng đoán một số điều
về các tông đồ nhưng tất cả đều dựa trên văn hóa Do Thái. Chẳng hạn, vị Thầy (Giêsu) luôn lớn tuổi hơn môn đệ, nên các
tông đồ có lẽ dưới 30 tuổi và một vài vị có thể đang tuổi niên thiếu. Là những
người trẻ và ngư dân, có lẽ họ có sức khỏe tốt, là điều cần thiết để theo Đức
Giêsu khắp miền Galilê. Hầu hết họ đều ít học, có lẽ ngoại trừ Mátthêu người
thu thuế. Họ ít đi đây đi đó, chất phác, sống và lao động tại địa phương. Thánh
Josemaría Escrivá đã viết về các Tông đồ như sau: “Các tông đồ chỉ là những người
đánh cá... Họ ít học; thậm chí không được thông minh lắm, nếu chúng ta nhìn
cách họ phản ứng trước những điều siêu nhiên... Họ nghèo và kém hiểu biết”. Thế
nhưng, Đức Giêsu đã kêu gọi họ trở thành chứng nhân của Ngài cho toàn thể nhân
loại.
Nêu
tên các tông đồ
Trong các lớp giáo lý cho người dự tòng trưởng
thành, có lúc người hướng dẫn yêu cầu học viên nêu tên các tông đồ đầu tiên.
Thông thường, có người sẽ trả lời: “Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan”, rồi ngập ngừng
“và Phaolô”. Nhiều học viên, và các Kitô hữu khác, phải chật vật để kể tên nhóm
Mười hai và thường nghĩ rằng các tác giả Tin mừng đều là các tông đồ.
Các tông đồ gồm: Phêrô, Anrê, Giacôbê Tiền,
Gioan, Philípphê, Batôlômêô (Nathanaen), Tôma, Mátthêu (Lêvi), Giacôbê Hậu,
Giuđa (Tađêô), Simon và Giuđa, cộng thêm Mátthia và Phaolô là hai vị không thuộc
nhóm Mười hai. Ba Tin mừng Nhất lãm, cùng với sách Công vụ Tông đồ, xác nhận việc
tuyển chọn nhóm Mười hai tông đồ đầu tiên. Một số tên gọi có khác nhau đôi chút
nhưng cùng chỉ một người. Theo Tin mừng thánh Mátthêu, thì Anrê, Phêrô, cùng với
Giacôbê và Gioan, tiếp theo là Philípphê là những tông đồ đầu tiên được chọn. Họ
đều là ngư dân; trên thực tế, hầu hết nhóm Mười hai cũng vậy. Họ có một đức
tính đặc biệt nơi mọi ngư dân năng nổ, đó là đức kiên nhẫn; họ giăng câu hay
quăng lưới và chờ đợi. Đức tính này sẽ hữu ích khi Đức Kitô kêu gọi họ trở
thành những kẻ lưới người. Sau khi chọn năm vị đầu tiên này, Đức Giêsu tiếp tục
gọi Mátthêu, một người thu thuế, và sau đó là Batôlômêô. Tin mừng không đề cập
cụ thể việc Đức Giêsu gọi từng tông đồ còn lại, mặc dù họ được nêu tên cùng với
nhóm tông đồ ở một số nơi trong Tin mừng.
Đức
Giêsu ban ơn cho các tông đồ
Ba năm sống với Đức Giêsu, nghe giảng và chứng
kiến các phép lạ Ngài làm; các tông đồ đã sẵn sàng cho một sứ mạng lớn lao. Đức
Giêsu đã ban cho các tông đồ những ân huệ thần linh, bao gồm ơn tha tội, khả
năng chữa lành và việc biến bánh rượu thành Mình Máu Ngài. Không một người thường
nào có thể trao cho người khác những khả năng đến từ Thiên Chúa. Một tuyển thủ
bóng chày xuất sắc của đội bóng lớn có thể trình diễn và giải thích cách anh ta
ném bóng, nhưng không thể làm cho người khác thấm nhuần tài nghệ riêng của
mình. Một giáo lý viên có thể bàn luận cách cầu nguyện, nhưng sự thành tâm phải
đến từ bản thân người cầu nguyện. Tuy nhiên, Đức Giêsu là Đấng thần thiêng, còn
ban cho các tông đồ những lời lẽ cần thiết để công bố Tin mừng.
Ban đầu Đức Giêsu giới hạn Nhóm Mười hai giảng
dạy nơi người Do Thái mà thôi: “... đừng đi về phía các dân ngoại... hãy đến với
các con chiên lạc nhà Ítraen” (Mt 10,5–6). Hai năm sau, Ngài đưa ra lệnh truyền
quan trọng khi bảo các tông đồ đi đến các nơi ngoài đất Do Thái “làm cho muôn
dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy
ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19–20).
Sau khi công bố lệnh truyền quan trọng và
ngay trước khi về với Chúa Cha, Đức Giêsu truyền cho các tông đồ ở lại
Giêrusalem, chờ đợi “điều Chúa Cha đã hứa, điều mà anh em đã nghe Thầy
nói tới” (Cv 1,4). Tóm lại, họ chưa thể thực thi sứ mạng cho đến khi nhận lãnh
Thánh Thần. Những người trở lại đầu tiên đều là người Do Thái; các tông đồ đã
không khởi sự rao giảng cho những người ngoài Do Thái trong khoảng 10 năm sau
đó. Họ sẽ được những người khác như Banaba và Timôthê hỗ trợ để hoàn tất công
việc linh thánh này.
Những
con người bất toàn
Họ là những con người bất toàn, đầy khiếm
khuyết như được kể trong các sách Tin mừng: đôi lúc họ nghi ngờ, khước từ thậm
chí phản bội Đức Giêsu; họ chậm hiểu và thắc mắc về một số việc Ngài làm. Giuđa
phản bội Ngài và sau đó ra ngoài treo cổ tự vẫn. Phêrô thì chối Chúa ba lần. Trừ
Gioan, tất cả đã bỏ rơi Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn. Tôma khước từ câu chuyện
Đức Kitô sống lại, và hầu hết các ông đều không tin các phụ nữ vào buổi sáng phục
sinh rằng Ngài đã sống lại. Philípphê tỏ ra kém tin khi hỏi làm sao Đức Giêsu
có thể cho 5000 người ăn với chỉ vài con cá. Chỉ sau biến cố phục sinh các tông
đồ mới được ban đầy đức tin vững vàng và trọn vẹn vào Đức Giêsu.
Trước lễ Ngũ tuần, họ sợ hãi chạy trốn; giờ
đây họ sẵn sàng ca tụng danh Ngài đến tận cùng trái đất, mặc dù điều đó khiến họ
bị căm ghét, đánh đập và cầm tù. Hầu hết, họ đi từng người từ Giêrusalem đến Ấn
Độ, qua Ba Tư, rồi Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi, Ukraina, Ai Cập, Syria, khắp Địa
Trung Hải và Trung Đông. Đây chưa phải là danh sách đầy đủ các quốc gia, nhưng
nếu tính thêm nỗ lực của thánh Phaolô, người đã thực hiện hành trình truyền
giáo hơn 10.000 dặm, bao gồm cả châu Âu, thì các tông đồ đã làm cho Kitô giáo
loan truyền hầu khắp thế giới được biết đến vào thời đó. Ngoại trừ các
thành phố như Giêrusalem, Antiôkhia và Rôma, họ thi hành sứ vụ nơi các cộng đồng
Kitô giáo nhỏ bé nơi họ đã bỏ cả mạng sống mình trong nhiều trường hợp. Kinh
thánh chỉ kể về cái chết của hai tông đồ: thánh Giacôbê Tiền, người bị giết bởi
vua Hêrôđê; và Giuđa, người đã treo cổ tự vẫn. Theo truyền thống và truyền thuyết,
chúng ta biết Phêrô đã bị đóng đinh ngược ở Rôma; và gần đó vào cùng ngày,
Phaolô bị chém đầu. Anrê bị đóng đinh vào thập giá hình chữ X, Batôlômêô bị lột
da sống, Mátthêu bị ném đá và sau đó chém đầu, còn Tôma bị đâm bằng giáo cho đến
chết. Tất cả các tông đồ đều chịu tử đạo chỉ trừ Gioan đã chết cách tự nhiên.
Chẳng bao lâu sau, Kitô giáo không còn là sản
phẩm phụ của Do Thái giáo mà đã phát triển thành một Giáo hội phổ quát. Các
tông đồ đã phải đi những chuyến hành trình dài và nguy hiểm, tiếp xúc với nhiều
nền văn hóa khác nhau, và biết rằng mình vẫn bị người Rôma và nhiều người Do
Thái muốn bách hại. Nhưng hầu như bất cứ nơi nào họ đến, họ thu hút những người
tìm hiểu về Đức Kitô phục sinh, về sứ điệp tình yêu của Ngài, về sự sống đời đời.
Những con người thánh thiện này vẫn là hình mẫu cho chúng ta.
GẶP GỠ CÁC TÔNG ĐỒ
Thánh
Phêrô
Phêrô chối Đức Giêsu ba lần vào đêm Ngài bị
bắt, “trước khi gà gáy hai lần”, đúng như lời Đức Giêsu đã báo trước (Mc
14,30). Tuy nhiên, ngay sau lần chối từ đau thương nầy, Đấng Cứu Độ đầy thương
xót đã tha thứ cho Phêrô và cắt đặt ông làm người đứng đầu Giáo hội trên trần
gian. Phêrô trở thành thủ lãnh các tông đồ, và nhờ ơn Thánh Thần, là người đầu
tiên rao giảng Tin mừng cho người Do Thái. Bất cứ nơi nào trong Tân ước kể tên
12 môn đệ đầu tiên, Phêrô luôn được nêu tên đầu tiên.
Trong Tin mừng theo thánh Luca, Đức Giêsu
trước tiên gặp Phêrô, Giacôbê và Gioan tại hồ Ghennêxarét, nơi họ thả lưới suốt
đêm nhưng không bắt được gì. Đức Giêsu đề nghị họ thả lưới thêm một lần nữa.
Phêrô phàn nàn vì mẻ lưới trước nhưng rồi cũng đồng ý làm theo. Bất ngờ, họ bắt
được rất nhiều cá đến nỗi lưới không thể chứa hết. Phêrô xấp mình trước Đức
Giêsu và thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Đức Giêsu bảo
ông đừng sợ, rồi nói với ba người ngư phủ: “‘Từ nay các anh sẽ thu phục người
ta’... rồi họ bỏ tất cả mà đi theo Người” (Lc 5,8–11).
Phêrô tỏ ra thiếu lòng tin và thậm chí nhiều
lần tranh luận với Đức Giêsu. Ông cho thấy một lòng tin kém cỏi khi cố đi trên
mặt nước mà đến cùng Đức Giêsu; chỉ cần Phêrô chú ý đến Đấng Cứu Độ thì ông
không sao, nhưng một khi rời mắt khỏi Đức Giêsu, thì ông bắt đầu chìm (x. Mt
14,28–33). Phêrô cãi lời Đức Giêsu khi Ngài bảo rằng sẽ bị người Do Thái giết,
và một lần khác khi muốn rửa chân cho ông. Cùng với Giacôbê và Gioan, Phêrô ngủ
quên khi Đức Kitô lo âu khắc khoải trong vườn dầu. Nhưng đối lại tất cả những
khiếm khuyết nhân loại này, Đức Giêsu nhìn thấy Phêrô là người lãnh đạo Giáo hội
bằng việc trở thành giáo hoàng đầu tiên. Không chỉ rao giảng cho người Do Thái,
Phêrô còn làm cho người ngoại đầu tiên trở lại: ông Cornêliô, viên đại đội trưởng
(xem Cv 10).
Thánh
Tôma
Thánh Tôma được ghi nhớ như là vị tông đồ
đã nghi ngờ khi nghe tin Đức Kitô phục sinh hiện ra với các tông đồ khác trong
phòng Tiệc ly. Tôma vẫn không bị thuyết phục cho đến khi ông đặt bàn tay vào vết
thương của Đức Kitô. Sự hoài nghi ban đầu của ông có thể hiểu được vì Đức Kitô
đã bị đóng đinh và được đặt trong ngôi mộ kín có niêm phong. Theo thánh Giáo
hoàng Grêgôriô Cả, không phải ngẫu nhiên mà Tôma vắng mặt khi Đức Kitô hiện ra
với các tông đồ khác: “Với một cách kỳ diệu, lòng thương xót của Thiên Chúa đã
an bài cho người môn đệ không tin này, khi chạm vào các vết thương trên thân thể
Thầy của mình, sẽ chữa lành vết thương hoài nghi của chúng ta. Sự hoài nghi của
Tôma đã tác động đến đức tin của chúng ta nhiều hơn là bởi đức tin của các
môn đệ khác. Vì Tôma chạm vào Đức Kitô và bị chinh phục để tin, mọi ngờ vực đều
được gạt qua một bên và đức tin của chúng ta được củng cố. Vì vậy, người môn đệ
hoài nghi, sau đó cảm nhận được vết thương của Đức Kitô, trở thành nhân chứng
cho thực tại phục sinh”. Tôma là chứng nhân cho chúng ta, đôi mắt và đôi tay của
ngài cũng là đôi mắt, đôi tay của chúng ta, chúng ta không còn nghi ngờ... Đức
Kitô đang sống.
Thánh
Giacôbê và Gioan
Hai anh em Giacôbê và Gioan cùng với Phêrô
là những tông đồ duy nhất đồng hành với Đức Giêsu trong ba biến cố đặc biệt: con
gái ông Giaia sống lại, biến hình trên núi Tabo, tại vườn Giếtsêmani vào
đêm trước cuộc khổ nạn. Theo đó, ba vị được coi là nhóm thân cận, gần gũi nhất
với Đức Giêsu. Giacôbê được biết đến với tên Giacôbê Tiền, đơn giản chỉ để phân
biệt ngài với một tông đồ khác cũng tên Giacôbê. Giacôbê Tiền là vị tông
đồ đầu tiên đổ máu vì Đức Giêsu, khi bị sát hại theo lệnh vua Hêrôđê Agríppa
vào năm 44, để làm “đẹp lòng người Do Thái” (Cv 12,3). Gioan
là vị tông đồ duy nhất đứng bên thánh giá khi Đức Giêsu chịu đóng
đinh; những người khác đều đã bỏ chạy. Từ thánh giá, Đức Giêsu đã trao Đức
Maria, mẹ Ngài cho Gioan chăm sóc, để cho thấy sự gắn kết độc nhất giữa Đức
Giêsu và Gioan.
Mẹ của Giacôbê và Gioan đã xin Đức Giêsu
cho hai người con của bà được ngồi một đứa bên hữu và một đứa bên tả trong Nước
Ngài. Đức Giêsu nói với bà: “Các người không biết các người xin gì”. Trước mặt
tất cả các tông đồ, Ngài giải thích rằng quyền hành đều đến từ Chúa Cha, từ
lời kêu gọi thần linh chứ không phải từ tham vọng cá nhân và Ngài nói thêm: “Ai
muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và
ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”(Mt 20,22.26–28).
Thánh
Philípphê và Bartôlômêô
Tại miền Galilê, Đức Giêsu đã kêu gọi
Philípphê làm tông đồ. Đến lượt Philípphê tìm đến Bartôlômêô (hay Nathanaen) và
nói với ông rằng Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp:
đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét.
Sau đó Bartôlômêô nói những lời mà chúng ta
ai cũng biết: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46). Bất chấp sự
khước từ này, Philípphê vẫn dẫn Bartôlômêô đến với Đức Giêsu, để ông quyết tâm
kiểm chứng Đức Giêsu. Nhưng không có gì để kiểm chứng cả bởi vì Bartôlômêô nhận
ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia đích thực, ngài nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con
Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!” (Ga 1,49). Lời tuyên xưng này không khác
gì lời tuyên xưng của Phêrô nhiều tháng sau đó: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên
Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nhờ ơn trên mà cả Bartôlômêô và Phêrô đều nhận ra Đức
Giêsu là Thiên Chúa.
Ít nhất hai lần, qua Philípphê mà Đức Giêsu
giúp các môn đồ hiểu ra vai trò và chân tính của Ngài. Lúc làm phép lạ hóa bánh
ra nhiều trong Tin mừng Gioan, Philípphê lo lắng không biết làm sao cho 5.000
người ăn: “Có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một
chút” (Ga 6,7). Philípphê kinh ngạc khi thấy Đức Giêsu biến ít cá và bánh đủ
cho tất cả mọi người ăn. Sau đó trong Bữa Tiệc ly, Chúa quở trách Philípphê khi
vị tông đồ này hỏi: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là
chúng con mãn nguyện”. Đức Giêsu đáp: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh
Philípphê, anh chưa biết Thầy ư?” (Ga 14,8–9). Tất cả các tông đồ đều xem Đức
Giêsu là thầy, nhưng một số chậm nhận ra Ngài là Đấng cứu độ.
Cũng cần lưu ý rằng không nên nhầm lẫn
Philípphê tông đồ với Philípphê nhà truyền giáo, người đã thành công khi mang sứ
điệp của Đức Giêsu đến miền Samari và làm phép rửa cho một viên thái
giám người Êthióp trên con đường vắng giữa Giêrusalem và Gada (xem Cv 8,27–39).
Thánh
Phaolô
Mặc dù không nằm trong số 12 tông đồ đầu
tiên, nhưng Phaolô được Đức Giêsu chọn là “lợi khí [Ta chọn] để mang danh Ta đến
trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ítraen” (Cv 9,15). Phaolô (ban
đầu được gọi là Saulô) là một trong những người thù ghét Kitô giáo cực đoan nhất
vào thời của ngài. Phaolô là người chứng kiến và ủng hộ việc ném đá thánh
Stêphanô, và ngài đã xuất sắc bắt các Kitô hữu giải về Giêrusalem và nộp họ cho
giới cầm quyền Do Thái để bị bách hại.
Lúc Phaolô đang trên đường
đi Đamát để bắt thêm những người đi theo Đức Kitô. Giữa đường,
ngài đã mặt giáp mặt với Đức Giêsu, bị mù và hoán cải, được đưa vào
thành Đamát và đến một ngôi nhà ở phố gọi là Phố Thẳng. Tại đây, ngài được sáng
mắt trở lại và chịu phép rửa. Từ đó Phaolô trở thành người vĩ đại nhất trong số
những người rao giảng Tin mừng, vị Tông đồ dân ngoại. Ngài thiết lập ít nhất
14 cộng đoàn Kitô hữu và rao giảng cho hàng nghìn người khi đi qua đi
lại Trung Đông và vào đến châu Âu bốn lần khác nhau. Các lá thư gửi đến
các cộng đoàn do ngài đã thiết lập chiếm phần lớn Tân ước.
Thánh
Giacôbê Hậu
Giacôbê Hậu là vị thủ lãnh có ảnh
hưởng của giáo đoàn Giêrusalem và có tiếng nói quyết định tại Công đồng
Giêrusalem (năm 50), nơi các tông đồ quyết định loan truyền giáo huấn của Đức
Giêsu cho dân ngoại. Giacôbê đã ủng hộ ý tưởng không bắt dân ngoại phải trở
thành người Do Thái trước khi trở thành Kitô hữu: “Vì vậy, phần tôi, tôi xét là
không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa”
(Cv 15,19).
Giacôbê đã viết một lá thư gửi đến
dân ngoại, cơ bản chỉ ra rằng dân ngoại không cần phải giữ tất cả các luật
lệ về việc kiêng ăn uống của người Do Thái hoặc phải cắt bì trước khi trở
thành Kitô hữu, nhưng trước hết chỉ đòi hỏi những ai đang theo Đức Kitô phải
từ bỏ việc cúng tế ngoại giáo. Những hành động này đã vượt qua trở ngại lớn
trong việc hoán cải và làm phép rửa cho những người ở
mọi quốc gia, chứ không chỉ cho người Do Thái. Thánh Giacôbê Hậu cũng được
xem là tác giả của thư Giacôbê trong Tân ước.
Thánh
Mátthêu
Mátthêu là viên thu thuế cho người Rôma đang
chiếm đóng ở Galilê. Người Do Thái ghét những người thu thuế, vì họ làm việc
cho người Rôma và thường gian lận đối với dân chúng. Đức Giêsu thấy Mátthêu
(Lêvi) “đang ngồi ở trạm thu thuế. Ngài bảo ông: ‘Anh hãy theo tôi!’
Ông đứng dậy đi theo Người” (Mc 2,14).
Trong mắt người Do Thái, Mátthêu là một kẻ
đáng khinh, một kẻ bị ruồng bỏ không hơn gì một tội nhân do công việc
thu thuế của ông, nhưng Đức Giêsu, với tình yêu và lòng thương xót chứa chan,
đã thấu hiểu tấm lòng Mátthêu và kêu gọi ông trở thành một trong các tông đồ.
Mátthêu đã từ bỏ mọi sự để đi theo và tin vào Đức Kitô. Mặc dù không có
nhiều chi tiết về thánh Mátthêu, nhưng có bằng chứng cho thấy ngài đã
đi truyền giáo ở Ấn Độ, và trở thành vị thánh bảo trợ của đất nước này.
Anrê,
Simon, Giuđa và Mátthia
Kinh thánh có ít chi tiết về Anrê, Simon,
Giuđa và Mátthia. Tuy nhiên, mỗi người đều theo Đức Kitô và đi giảng dạy Tin mừng.
Anrê thuộc nhóm tông đồ được chọn đầu tiên và là người trước tiên gọi Đức Giêsu
là Đấng Mêsia; do đó, ngài rất gắn bó với Đức Giêsu. Simon có thể là thành
viên của một nhóm chính trị Do Thái gọi là nhóm Nhiệt thành, những người kiên
quyết với đức tin Do Thái giáo và ghét người Rôma. Đức Giêsu đã chinh
phục được Simon, và vị tông đồ này đã chuyển lòng nhiệt
thành và sức lực của ngài vào sứ điệp của Đức Kitô.
Trong Tin mừng theo thánh Mátthêu và
Máccô, Giuđa được gọi là Tađêô, và theo thánh Luca thì được gọi là
Giuđa. Thánh Gioan cũng gọi ông là Giuđa trong Bữa Tiệc ly: “Ông Giuđa,
không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ
mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?’” (Ga 14,22).
Đây là câu hỏi mà có lẽ một số tông đồ khác cũng quan tâm,
họ vẫn xem Đức Giêsu có thể trở thành một vị vua trần thế, và chưa hiểu tại
sao Đức Giêsu lại đến thế gian hay điều gì sẽ xảy đến với Ngài sau đó. Đức
Giêsu trả lời rằng Ngài sẽ tỏ mình ra cho những ai yêu mến Ngài và
tuân giữ các giới răn “... Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy
sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
Mátthia được chọn để thay thế Giuđa, kẻ phản
bội (Cv 1,15–26). Trong khi các tông đồ ở Giêrusalem chờ đợi Thánh Thần; Phêrô
trong tư cách lãnh đạo có thể đã chọn được người thay thế, nhưng ngài để cho
các tông đồ lựa chọn. Phêrô đưa ra chỉ dẫn rằng bất cứ ai được chọn phải thuộc
nhóm những người đã đi theo Đức Kitô kể từ khi Ngài chịu phép rửa và phải làm
chứng rằng Ngài đã phục sinh. Có hai người được đề cử là Basaba và Mátthia; cuối
cùng Mátthia được chọn qua việc rút thăm. Từ đây, Tân ước không nói gì thêm về
Mátthia.
Giuđa
Ítcariốt
Giống như một số tông đồ khác, chúng ta
không biết Giuđa được chọn khi nào. Ông là người giữ túi tiền của nhóm, phụ
trách về tiền bạc, có lẽ đã nỗ lực làm việc hiệu quả. Giuđa có mặt tại Bêtania
khi Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất, quý giá mà xức cho Đức
Giêsu và ông than phiền việc lãng phí này, tuy nhiên ông phàn nàn “không phải
vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy
cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6). Đức Giêsu quở trách những
lời nhận xét của Giuđa, và ngay sau đó Giuđa đã thông đồng với các thượng tế mà
phản bội Đức Giêsu để lấy 30 đồng bạc.
Trong Bữa Tiệc ly, Đức Giêsu biết dự tính của
Giuđa, và sau khi rửa chân cho các tông đồ, kể cả Giuđa, Ngài tiết lộ có người
sẽ phản bội và xác định đó là Giuđa, khi nói: “Anh làm gì thì làm mau đi!” (Ga
13,27). Ngay trong đêm hôm đó, Giuđa dẫn một toán quân đến và đã chỉ điểm Đức
Giêsu là thủ lĩnh của nhóm. Sau khi Đức Giêsu bị bắt, Giuđa cố trả lại tiền
nhưng người Do Thái từ chối, nên ông đã “ra đi thắt cổ” (Mt 27,5).
Thánh
Maria Mađalêna – Tông đồ của các Tông đồ
Vào tháng 7 năm 2016, Đức Giáo hoàng
Phanxicô đã nâng ngày lễ nhớ buộc hàng năm của thánh nữ Maria Mađalêna lên bậc
lễ kính. Ngoài Đức Mẹ, ngài là người phụ nữ duy nhất được Giáo hội tôn kính như
thế. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã ra huấn thị nói rằng: “Thật là hợp lý để
ngày lễ thánh Mađalêna có cùng bậc lễ với các thánh tông đồ trong lịch phụng vụ
chung của Rôma, cũng như để nhấn mạnh sứ vụ đặc biệt của người phụ nữ
này như một tấm gương và hình mẫu cho các phụ nữ trong Giáo hội”.
Như các tông đồ, Maria Mađalêna thể hiện
lòng yêu mến và dấn thân theo Chúa. Bà và những phụ nữ khác đi khắp Galilê với
Đức Giêsu và “lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,3). Bà
theo Đức Giêsu lên Giêrusalem, và đã hiện diện lúc Chúa chịu đóng đinh, cùng với
Gioan, chứ không bỏ trốn như các tông đồ khác. Vào buổi sáng phục sinh đầu tiên
Tin mừng thuật lại là Đức Giêsu đã gặp bà trước tiên. Ngài sai bà đến với anh
em mình là các tông đồ và nói với họ “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18). Vì vậy, bà
được gọi là Tông đồ của các Tông đồ.
Ban học tập Sao
Biển chuyển ngữ từ Our Sunday Visitor (15/10/2021)
Nguồn: giaophannhatrang.org