Ngày 24.08.2022
NHỮNG ĐIỀU TỐT NHẤT VẪN CÒN Ở PHÍA TRƯỚC
Bài đọc trước bài giáo lý được trích từ chương 8 của Thư Rôma:
Thật vậy, chúng ta biết rằng : cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng : chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con , nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, trong niềm hy vọng, chúng ta đã được cứu độ. (Rm 8,22-24)
Bài giáo lý cuối cùng về tuổi già của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta vừa mừng lễ Mẹ của Chúa Giêsu lên trời. Mầu nhiệm này soi sáng sự thành toàn của ân sủng đã định hình nên đích đến của Mẹ Maria, và cũng soi sáng điểm đến của chúng ta. Với hình ảnh Đức Trinh Nữ được lên trời này, tôi muốn kết thúc loạt bài giáo lý về tuổi già. Ở Tây phương, chúng ta chiêm ngắm Mẹ được đưa lên trời được bao phủ bởi ánh sáng rạng ngời; ở Đông phương, Mẹ được miêu tả là đang nằm ngủ, được các Tông đồ vây quanh để cầu nguyện, trong khi Chúa Phục sinh ôm Mẹ trên tay như một đứa trẻ.
Thần học luôn luôn suy tư về mối liên hệ của “sự lên trời” độc đáo này với cái chết, vốn không được tín điều xác định. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng hơn là làm rõ ràng mối tương quan giữa mầu nhiệm này với sự phục sinh của Chúa Con, Đấng sẽ mở ra con đường phát sinh sự sống cho tất cả chúng ta. Nơi hành động thiêng liêng về sự hội ngộ của Đức Maria với Chúa Kitô Phục Sinh, không chỉ đơn giản là vượt qua sự thối rửa bình thường của thân xác, nhưng là tiền dự vào sự lên trời của thân xác trong sự sống của Thiên Chúa. Thật vậy được tiền dự vào số phận phục sinh dành cho chúng ta: bởi vì theo đức tin Kitô giáo, Đấng Phục sinh là trưởng tử của đàn em đông đúc. Chúa Phục Sinh đã đi trước, đã phục sinh trước, rồi đến chúng ta. Đây là đích đến của chúng ta: phục sinh.
Chúng ta có thể nói – như lời Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô – rằng nó giống như sinh ra lần thứ hai (x. Ga 3: 3-8). Nếu lần đầu tiên được sinh ra trên mặt đất này, thì lần thứ hai là sinh ra lên trời. Không phải ngẫu nhiên mà tông đồ Phao-lô, trong đoạn sách thánh được đọc ở phần đầu, nói về sự đau đớn của việc sinh nở (x. Rm 8,22). Cũng giống như, khi chúng ta ra khỏi lòng mẹ thì cũng là chính chúng ta, cùng một người khi còn trong bụng mẹ, vì vậy, sau khi chết, chúng ta được sinh ra trên trời, vào nơi của Thiên Chúa, thì đó vẫn là chúng ta, những người đã bước đi trên trái đất này. Tương tự như những gì đã xảy ra với Chúa Giêsu: Đấng Phục sinh luôn là Chúa Giêsu: Người không đánh mất nhân tính, kinh nghiệm và thậm chí cả thân xác của Người, bởi vì nếu không có nó, Người sẽ không còn là Người nữa.
Chúng ta được kể lại qua kinh nghiệm của các môn đệ, những người được Chúa hiện ra trong bốn mươi ngày sau khi phục sinh. Chúa cho thấy những vết thương đã đóng ấn sự hiến tế của Người; nhưng chúng không còn xấu xí của sự nhục nhã đau đớn, giờ đây chúng là minh chứng không thể phai mờ cho tình yêu đến cùng của Người. Chúa Giê-su phục sinh với thân xác của Người sống trong sự thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi! Nơi đó Người không mất đi trí nhớ, Người không từ bỏ lịch sử của chính mình, Người không loại bỏ những mối tương quan mà Người đã sống trên trái đất. Người đã hứa với các bạn của Người rằng: “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,3). Người sẽ đến, không phải đến lần cuối cho tất cả, nhưng người sẽ đến mỗi lần cho mỗi người chúng ta. Người sẽ tìm kiếm chúng ta để dẫn chúng ta đến với Người. Với ý nghĩa này, cái chết là một bước đến gặp Chúa Giêsu, Đấng đang đợi tôi để dẫn tôi đến với Người.
Đấng Phục sinh đang sống trong thế giới của Thiên Chúa, nơi có một chỗ dành cho tất cả mọi người, nơi hình thành một đất mới và xây nên thành thánh trên trời, nơi cư ngụ vĩnh viễn của con người. Chúng ta không thể tưởng tượng được sự biến đổi của thân xác phải chết này của chúng ta, nhưng chúng ta chắc chắn rằng nó sẽ giữ cho khuôn mặt của chúng ta nhận biết được và sẽ cho phép chúng ta vẫn là những con người trong nước của Thiên Chúa. Nó sẽ cho phép chúng ta tham dự, với cảm xúc tuyệt vời, vào sự sung mãn vĩnh viễn của hành động tạo dựng của Thiên Chúa, nơi đó chúng ta sẽ tự mình sống những cuộc phiêu lưu không ngừng.
Khi Chúa Giê-su nói về Nước Thiên Chúa, Người mô tả nó như một tiệc cưới, một bữa tiệc mà Người đợi chúng ta với những người bạn. Việc làm cho ngôi nhà trở nên hoàn hảo là sự bất ngờ của điều thu gặt được lớn hơn những gì đã gieo. Việc nghiêm túc tuân giữ những lời Phúc Âm về Nước Trời giúp chúng ta có khả năng nhạy bén để tận hưởng tình yêu năng động và sáng tạo của Thiên Chúa, đồng thời đưa chúng ta hòa hợp với điểm đích chưa từng biết đến của cuộc sống mà chúng ta gieo.
Anh chị em cùng thời quý mến, tôi nói với những anh chị em lớn tuổi, ở tuổi già của chúng ta, tầm quan trọng của nhiều “chi tiết” tạo nên cuộc sống - một sự ân cần, một nụ cười, một cử chỉ, một công việc được trân trọng, một điều bất ngờ, một niềm vui hiếu khách, một mối dây chung thủy - sẽ trở nên sắc nét hơn. Những điều thiết yếu của cuộc sống, điều chúng ta yêu quý nhất khi sắp ra đi, dường như trở nên hết sức rõ ràng đối với chúng ta. Đây: sự khôn ngoan này của tuổi già là nơi “sắp sinh nở” của chúng ta, soi sáng cuộc sống của trẻ em, người trẻ, người lớn, toàn thể cộng đoàn. Những người già chúng ta phải trở nên như thế cho người khác, ánh sáng cho người khác. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta được nhìn thấy như một hạt giống sẽ phải bị chôn vùi để cho hoa và quả của nó được sinh ra. Nó sẽ sinh ra, cùng với tất cả phần còn lại của thế giới. Không phải là không lo buồn và đau đớn, nhưng sẽ sinh ra (x. Ga 16, 21-23). Và sự sống của thân xác sống lại sẽ sống động gấp trăm ngàn lần sự sống mà chúng ta đã nếm trải trên trái đất này (x. Mc 10,28-31).
Anh chị em thân mến, không phải ngẫu nhiên mà Chúa Phục Sinh, trong khi đợi các Tông đồ bên bờ hồ, Người đã nướng cá (x. Ga 21,9) rồi trao cho các ông. Cử chỉ yêu thương chu đáo này khiến chúng ta nhận ra điều gì đang chờ đợi chúng ta khi chúng ta đi qua bến bờ bên kia. Vâng, anh chị em thân mến, đặc biệt là anh chị em lớn tuổi, điều tốt đẹp nhất của cuộc sống vẫn còn đợi ở phía trước. Xin Mẹ của Chúa và Mẹ của chúng ta, người đã đi trước chúng ta trong Thiên Đàng, mang lại cho chúng ta cảm giác bồn chồn của sự chờ đợi. Anh chị em lớn tuổi thân mến, chúng ta để ý, Người đang đợi chúng ta, chỉ cần một bước và sau đó là tiệc mừng.
Cuối buổi tiếp kiến, ĐTC đọc kinh Lạy Cha và ban phép lành cho tất cả mọi người.
Nguồn: vaticannews.va/vi/