WHĐ (14.01.2024) – Ấn bản tiếng Anh Thông điệp “Ut unum sint – Để tất cả nên một – về việc dấn thân đại kết” với Thư của Đức Giáo hoàng Phanxicô được xuất bản nhân dịp mừng 100 năm Sinh Nhật thánh Gioan Phaolô II, 18.5.1920-2020; Mừng 25 năm ban hành Thông điệp Ut Unum Sint, 25.5.1995-2020; và Mừng 60 năm Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất các Kitô hữu, 5.6.1960-2020. Sau đây là bản dịch tiếng Việt của Giuse Phan Văn Phi, O.Cist. về ấn bản này.


MỤC LỤC

THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ GỬI ĐẾN ĐỨC HỒNG Y KURT KOCH NHÂN DỊP MỪNG 25 NĂM BAN HÀNH THÔNG ĐIỆP UT UNUM SINT. 1

MỪNG KỶ NIỆM 25 NĂM THÔNG ĐIỆP UT UNUM SINT, MỘT CƠ HỘI MỤC VỤ ĐỘC ĐÁO.. 3

MỪNG 25 NĂM THÔNG ĐIỆP UT UNUM SINT, MỘT THÔNG ĐIỆP MANG TÍNH NGÔN SỨ.. 4

     Vị Giáo hoàng của hiệp nhất 4

     Bị cáo buộc vì thuyết tương đối 4

     Đối thoại: một ưu tiên cho phép những khám phá bất ngờ.. 5

     Biểu hiện của chân lý có thể có nhiều hình thức khác nhau. 5

     Cuộc đối thoại của học thuyết cũng là cuộc đối thoại của tình yêu. 6

     Tính ưu việt của việc cầu nguyện: sự hội tụ những điều thiết yếu. 6

     Dấn thân chung đối với tự do, công bằng, hòa bình. 6

     Thay đổi ngôn ngữ: từ việc kết án sang thái độ tha thứ cho nhau. 6

     Tính ưu việt của Giáo hoàng: một sự phục vụ yêu thương. 7

     Giáo hội trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất 7

CÁC MỐI TƯƠNG QUAN SÂU SẮC HỖ TRỢ CON ĐƯỜNG ĐẠI KẾT. 8


THÔNG ĐIỆP UT UNUM SINT. 12

DẪN NHẬP. 12

CHƯƠNG I - VIỆC DẤN THÂN ĐẠI KẾT CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO.. 15

     Kế hoạch của Thiên Chúa và sự hiệp thông. 15

     Con đường đại kết: con đường của Giáo hội 16

     Canh tân và hoán cải 21

     Tầm quan trọng căn bản của Giáo lý. 23

     Tính ưu việt của lời cầu nguyện. 25

     Đối thoại đại kết 30

     Những cơ cấu đối thoại địa phương. 31

     Việc đối thoại như một cuộc kiểm điểm lương tâm.. 32

     Đối thoại để giải quyết những bất đồng. 33

     Thực thi sự cộng tác. 36

CHƯƠNG II - NHỮNG THÀNH QUẢ CỦA VIỆC ĐỐI THOẠI 36

     Tái khám phá tình huynh đệ. 36

     Tình liên đới trong việc phục vụ nhân loại 38

     Tiếp cận nhau qua Lời Chúa và qua sự thờ phượng thiêng liêng. 39

     Đánh giá cao những thiện hảo nơi các Kitô hữu khác. 40

     Sự tiến triển của hiệp thông. 41

     Đối thoại với các Giáo hội Đông phương. 42

     Tiếp tục liên lạc tiếp xúc. 43

     Các Giáo hội Anh Em.. 45

     Những tiến bộ trong đối thoại 48

     Những mối tương quan với các Giáo hội kỳ cựu Đông phương. 50

     Đối thoại với các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác ở Tây phương. 51

     Những mối tương quan với các Giáo hội khác. 55

     Những thành tựu của sự hợp tác. 56

CHƯƠNG III - CON ĐƯỜNG CÒN BAO XA? (QUANTA EST NOBIS VIA?) 58

     Tiếp tục và tăng cường sự Đối thoại 58

     Đón nhận những thành quả đã đạt được. 60

     Tiếp tục đại kết thiêng liêng và làm chứng cho sự thánh thiện. 61

     Đóng góp của Giáo hội Công giáo cho cuộc tìm kiếm sự hiệp nhất Kitô giáo. 63

     Sứ vụ hiệp nhất của Giám mục Rôma. 64

     Sự hiệp thông của tất cả các Giáo hội riêng biệt với Giáo hội Rôma: một điều kiện cần thiết cho sự hiệp nhất 69

     Sự hiệp nhất trọn vẹn và việc loan báo Tin Mừng. 69

LỜI HUẤN DỤ


THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ GỬI ĐẾN ĐỨC HỒNG Y KURT KOCH NHÂN DỊP MỪNG 25 NĂM BAN HÀNH THÔNG ĐIỆP UT UNUM SINT

Gửi tới người Anh em thân mến của tôi,
Đức Hồng y Kurt Koch,
Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Sự Hiệp nhất các Kitô hữu

Ngày mai đánh dấu mừng kỷ niệm 25 năm Thông điệp “Ut Unum Sint – Để Tất Cả Nên Một của thánh Gioan Phaolô II. Với cái nhìn chăm chú tới chân trời của Năm Thánh 2000, thánh Gioan Phaolô II đã mong muốn rằng, trong hành trình hướng tới thiên niên kỷ thứ ba, Giáo hội ghi nhớ lời cầu nguyện chân thành của vị Tôn Sư và cũng là Đức Chúa của mình rằng, “để tất cả nên một” (x. Ga 17,21). Vì lý do này, thánh Gioan Phaolô II đã ban hành Thông điệp để xác nhận rằng việc dấn thân đại kết của Giáo hội Công giáo là “irreversibili - không thể đảo ngược” (Thông điệp Ut Unum Sint, số 3). Ngài đã công bố Thông điệp dịp lễ trọng Chúa Thăng Thiên, đặt Thông điệp này dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng kiến tạo sự hiệp nhất trong đa dạng. Đây cũng chính là bối cảnh phụng vụ và linh đạo, mà một lần nữa, Giáo hội đang cử hành và tiếp tục đề nghị sứ vụ đại kết này với toàn thể Dân Chúa.

Công Đồng Vaticanô II đã nhìn nhận rằng, phong trào tái lập sự hiệp nhất giữa tất cả các Kitô hữu “được nảy sinh do ơn Chúa Thánh Thần” (sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 1). Công đồng cũng dạy rằng: “Chính Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất trong Giáo hội, là Đấng phân phát các ân sủng và các tác vụ khác nhau” (sđd., số 2). Thông điệp Ut Unum Sint đã tái khẳng định rằng: “Sự đa dạng hợp pháp không hề chống lại sự hiệp nhất của Giáo hội, trái lại, còn gia tăng vẻ đẹp rạng ngời của Giáo hội, và góp phần rất lớn lao trong việc hoàn thành sứ vụ của Giáo hội nữa” (số 50). Thật vậy, “chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khơi dậy sự khác biệt trong đa dạng, đồng thời, mang lại sự hiệp nhất, chính Người là Đấng mang lại sự hài hòa cho Giáo hội”, bởi vì, như thánh Basiliô Cả đã nói rằng: “Chính Người là sự hòa hợp” (Bài giảng trong Vương cung thánh đường Chúa Thánh Thần, tại Istanbul, ngày 29.11.2014).    

Vào ngày kỷ niệm này, tôi dâng lời tạ ơn Chúa vì cuộc hành trình mà Chúa đã cho phép chúng ta bước đi như những Kitô hữu trong cuộc tìm kiếm sự hiệp thông trọn vẹn. Tôi cũng chia sẻ sự thiếu kiên nhẫn lành mạnh của những người đôi khi nghĩ rằng, chúng ta có thể làm, và nên làm nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta không được thiếu đức tin và lòng biết ơn: nhiều việc đã được thực hiện trong những thập niên qua, để chữa lành các vết thương đã kéo dài hàng thế kỷ và hàng thiên niên kỷ. Sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau được gia tăng, giúp vượt qua những định kiến đã đâm rễ rất sâu. Các cuộc đối thoại thần học và bác ái được phát triển, cũng như các hình thức hợp tác khác nhau trong sự đối thoại sinh động, ở cả các cấp độ mục vụ và văn hóa. Vào lúc này, những suy tư của tôi hướng về các Anh Em yêu dấu của tôi, các vị lãnh đạo các Giáo hội và các cộng đồng Kitô giáo khác nhau, và tới tất cả các anh chị em của chúng ta có cùng các truyền thống Kitô giáo với nhau, là những người bạn đồng hành của chúng ta trên hành trình này. Giống như các môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta có thể trải nghiệm sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh đang đi bên cạnh chúng ta và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta. Chúng ta có thể nhận ra Người trong việc bẻ bánh, chúng ta mong chờ đến ngày chúng ta sẽ được cùng chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể chung với nhau.

Tôi xin gửi lời cám ơn tới tất cả những người đã hoạt động, và còn đang tiếp tục hoạt động trong Hội đồng Giáo hoàng về hiệp nhất các Kitô hữu, để ý thức về mục tiêu không thể đảo ngược này vẫn còn đang sinh động trong Giáo hội. Tôi đặc biệt vui mừng chào đón hai sáng kiến gần đây của Hội đồng. Trước tiên là Bản Ecumenical Vademecum – Cẩm nang Đại kết dành cho các vị Giám mục, sẽ được công bố vào mùa thu này, như một sự khích lệ và hướng dẫn cho việc thực hiện các trách nhiệm thực hành đại kết của các ngài. Thật vậy, phục vụ cho sự hiệp nhất chính là một khía cạnh thiết yếu trong sứ vụ của từng vị Giám mục, bởi “ngài là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất” trong Giáo hội địa phương của mình (Hiến chế Lumen Gentium, số 23; Bộ Giáo luật điều 383 §3; Bộ Giáo luật Đông phương, điều 902-908). Sáng kiến thứ hai là việc phát hành tạp chí Acta Œcumenica – Các hoạt động Đại kết, bằng cách đổi mới các Thông tin của Hội đồng, nhằm hỗ trợ tất cả những người hoạt động trong lãnh vực đại kết.    

Trên con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn, điều quan trọng là phải ghi nhớ những tiến bộ đã đạt được, nhưng điều không kém phần quan trọng, đó là đặt lại câu hỏi giúp định hướng về viễn tượng đại kết, như Thông điệp Ut Unum Sint đã nêu lên rằng: “Quanta est nobis qua? – Con đường còn bao xa?” (số 77). Một điều chắc chắn: sự hiệp nhất không phải là thành quả những hoạt động của riêng chúng ta, nhưng chính là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, “sự hiệp nhất sẽ không đến như một phép màu sau cùng. Hay nói đúng hơn, tiến trình hiệp nhất vẫn còn đang trên hành trình của nó; Và Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện điều đó trên hành trình đại kết.” (Bài giảng Kinh Chiều tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, 25.01.2014). Với một sự xác tín mạnh mẽ, chúng ta hãy nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn các bước đi của chúng ta, và để cho mọi người có thể lắng nghe lời kêu gọi hoạt động vì tinh thần đại kết với một sức sống mới. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn linh hứng cho những cử chỉ ngôn sứ mới mẻ và củng cố tình bác ái huynh đệ giữa các môn đệ Đức Kitô “để thế gian tin” (Ga 17,21), và để ngợi khen Cha của chúng ta ở trên trời.

PHANXICÔ

Từ Vatican, ngày 24 tháng 5 năm 2020

 

MỪNG KỶ NIỆM 25 NĂM THÔNG ĐIỆP UT UNUM SINT, MỘT CƠ HỘI MỤC VỤ ĐỘC ĐÁO

Đức cha Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề đại kết và đối thoại liên tôn trực thuộc HĐGM Hoa Kỳ đã vinh danh kỷ niệm 25 năm của Thông điệp Ut Unum Sint, với lời kêu gọi xây dựng những cây cầu, bằng cách tiếp tục tiếp cận với tình yêu thương của chúng ta đối với tất cả các Kitô hữu khác.

Đức Giám mục Joseph Bambera của Scranton, Hoa Kỳ, đã nói: Kỷ niệm 25 năm ban hành Thông điệp Ut Unum Sint sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng, con đường đại kết chính là con đường của Giáo hội, và tất cả mọi người Công giáo được kêu gọi tán thành một sự dấn thân mạnh mẽ để xây dựng sự hiệp nhất các Kitô hữu.

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ hai, 26.5.2020, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Hoa Kỳ về các vấn đề đại kết và liên tôn giáo đã nhắc lại rằng, thánh Gioan Phaolô II, một người đã nỗ lực không mệt mỏi, cố gắng xây dựng mối tương quan đại kết - một công việc vẫn được tiếp tục thực hiện bởi các đấng kế vị ngài.

Đức cha Bambera viết: Chúng ta vui mừng vì cả Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô đều đã tiếp tục thúc đẩy sứ mạng duy nhất này giữa Giáo hội Công giáo với các cộng đồng Kitô hữu khác. Chúng ta mừng kỷ niệm rất nhiều cuộc hội thảo thần học đã được khám phá trong các cuộc đối thoại đại kết trong suốt 25 năm qua, khi chúng ta cùng nhau tìm cách phát triển gần gũi nhau hơn.

Đức cha Bambera lưu ý rằng, trong thời gian của đại dịch Covid-19, mọi người tìm kiếm nơi ẩn náu và sự hiệp nhất trong cộng đồng đức tin của họ. Ngài bày tỏ hy vọng rằng, lễ kỷ niệm Thông điệp Ut Unum Sint, có thể phục vụ như một cơ hội mục vụ độc đáo, để xây lên những cây cầu, bằng cách tiếp tục tiếp cận với tình yêu thương đối với tất cả các anh chị em của chúng ta trong Đức Kitô.

 

MỪNG 25 NĂM THÔNG ĐIỆP UT UNUM SINT, MỘT THÔNG ĐIỆP MANG TÍNH NGÔN SỨ

Sergio Centofanti, Vatican News.

“Tin vào Đức Kitô nghĩa là khao khát sự hiệp nhất”

Lời kêu gọi nồng nhiệt đối với tất cả các Kitô hữu để đáp lại lời cầu nguyện của Đức Giêsu về sự hiệp nhất các môn đệ của Người: Thông điệp của thánh Gioan Phaolô II giúp chúng ta xem xét thực tiễn của các cộng đồng Kitô hữu hôm nay trong việc canh tân dấn thân đại kết.

Thông điệp “Ut Unum Sint” của thánh Gioan Phaolô II – về việc dấn thân đại kết – được ban hành ngày 25 tháng 5 năm 1995. Sau 25 năm, Thông điệp này vẫn còn nguên tính mới mẻ và tính ngôn sứ của nó.

Thông điệp này, với một viễn tượng hướng về tương lai, đã chỉ ra một mục tiêu xem như vẫn còn rất xa: đó chính là sự hiệp nhất các Kitô hữu. Đó là khát vọng của chính Đức Giêsu, Đấng trước cuộc khổ nạn, đã cầu nguyện với Chúa Cha, để các môn đệ của Người được nên một.

Vị Giáo hoàng của hiệp nhất

Về phương diện cá nhân, thánh Gioan Phaolô II đã cảm nhận được khao khát mãnh liệt của Đức Giêsu và biến khao khát đó trở thành của riêng mình. Đại kết trở thành một trong những ưu tiên trong triều Giáo hoàng của ngài, bởi vì sự chia rẽ của các Kitô hữu là một điều ô nhục ảnh hưởng đến công trình của Đức Giêsu.

Thánh Gioan Phaolô II đã viết: “Tin vào Đức Kitô nghĩa là khao khát sự hiệp nhất”. Đó là một hành động của sự vâng phục mở rộng viễn tượng của tâm trí. Nhưng chính vị Giáo hoàng của tinh thần hiệp nhất đã phải chịu đựng nỗi đau khôn tả của việc ly giáo. Một số anh chị em đã không hiểu được động lực hướng về tương lai này.

Thông điệp này xuất hiện chỉ 7 năm sau lễ tấn phong Giám mục bất hợp pháp được chủ sự bởi Tổng Giám mục Marcel Lefebvre, người mà vào năm 1988 đã chính thức tuyệt thông với Rôma.

Bị cáo buộc vì thuyết tương đối

Vị Giám mục người Pháp theo chủ nghĩa bảo thủ đã cáo buộc vị Giáo hoàng người Ba Lan và Công đồng Vaticanô II về cái mà ông gọi là “chủ nghĩa đại kết ngụy tạo”, đồng thời cho rằng tất cả đã phá hủy đức tin chân chính và khiến “Giáo hội bị hủy hoại và người Công giáo đi đến chỗ bội giáo”.

Tổng Giám mục ly khai Lefebvre tuyên bố rằng, chính Đấng Quan Phòng đã trao cho vị Giám mục này nhiệm vụ chống lại “một Rôma cấp tiến, đã bị tiêm nhiễm bởi chủ nghĩa cấp tiến”, ngõ hầu “một lần nữa, Rôma có thể trở nên Công giáo và tái khám phá Truyền thống 2000 năm của nó”.

Theo quan điểm của vị Giám mục, “một quan niệm của Tin lành” về Thánh lễ và các Bí tích đã được giới thiệu.

Tổng Giám mục Lefebvre qua đời vào năm 1991. Các môn sinh của vị Giám mục này đã công kích Thông điệp của thánh Gioan Phaolô II, bởi vì họ cho rằng, Thông điệp này không chỉ dẫn đến “thuyết tương đối giáo điều” mà trên thực tế, còn bao hàm chính điều này nữa [de facto]. Theo như thánh Gioan Phaolô II đã đề cập trong Tông thư ‘Ecclesia Dei’ [Giáo hội của Thiên Chúa] đây là một quan điểm dựa trên “một khái niệm không hoàn chỉnh và mâu thuẫn với Truyền thống”: đó là một khái niệm không hoàn chỉnh [incomplete]. Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng, khái niệm này không cho rằng Truyền thống đang tồn tại và phát triển khi nó được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà không được cố định vào một ngày giờ lịch sử đã được định trước; và mâu thuẫn, bởi vì Giáo hội Truyền thống thì không bao giờ có thể tách rời khỏi sự hiệp thông với Giáo hoàng và với các vị mục tử trên khắp thế giới.

Đối thoại: một ưu tiên cho phép những khám phá bất ngờ

Thông điệp nhìn về phía trước với lòng can đảm. Nó biểu lộ rằng đối thoại là một ưu tiên và là một bước cần thiết để khám phá sự phong phú của người khác. Nó xem xét tất cả các bước tiến tới sự hiệp nhất với các Giáo hội và các cộng đồng Kitô giáo khác nhau, khởi đi từ việc dỡ bỏ vạ tuyệt thông giữa Rôma và Giáo hội Chính thống Constantinople, và Tuyên bố chung về Kitô học với các Giáo hội kỳ cựu Đông phương.

Nó phác thảo một lộ trình tiến về phía trước cho phép “những khả năng bất ngờ” trong sự nhận thức rằng “sự đa dạng hợp pháp không có gì đối nghịch với sự hiệp nhất của Giáo hội”.

Theo Thông điệp, “các cuộc bút chiến và tranh luận bất khoan nhượng, đã đưa ra những khẳng định không tương thích với những gì thực sự là kết quả của hai cách nhìn khác nhau về cùng một thực tại”.

Đó là một con đường có thể giúp chúng ta “tái khám phá sự phong phú không thể hiểu được của chân lý” và sự hiện diện của các yếu tố của sự thừa nhận “vượt ra ngoài ranh giới hữu hình của Giáo hội Công giáo”.

Biểu hiện của chân lý có thể có nhiều hình thức khác nhau

Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng, tinh thần đại kết không phải là vấn đề của việc “thay đổi kho tàng đức tin” và “thay đổi ý nghĩa của các tín điều”.

Thay vào đó, “biểu hiện của chân lý có thể có nhiều hình thức khác nhau” bởi vì “giáo lý cần phải được trình bày theo cách nào dễ hiểu đối với những người mà chính Thiên Chúa đã chỉ định”, trong bất kỳ nền văn hóa nào họ thuộc về, tránh bất kỳ hình thức nào của “xu hướng độc quyền sắc tộc hoặc định kiến chủng tộc, và từ bất kỳ sự kiêu hãnh quốc gia chủ nghĩa nào”.

Cuộc đối thoại của học thuyết cũng là cuộc đối thoại của tình yêu

Thông điệp cho thấy sự cần thiết cần phải có “cách thức và phương pháp trong việc giải thích đức tin Công giáo”, vốn không phải là “một trở ngại để đối thoại với anh chị em của chúng ta”, đồng thời nhìn nhận rằng “có một hệ thống phân cấp trong những sự thật” về Giáo huấn Công giáo.

Thánh Gioan Phaolô II nói, Giáo hội được Đức Kitô quy tụ để “không ngừng canh tân”, vốn có thể “đòi hỏi việc xem xét lại sự xác quyết và thái độ”. Theo ngài, việc đối thoại, “không chỉ dành riêng cho các vấn đề về giáo thuyết mà còn mời gọi sự tham gia của mọi người” bởi vì “nó cũng là một cuộc đối thoại yêu thương”. Chính từ sự yêu thương mà “lòng khát khao về tinh thần hiệp nhất được phát sinh”. Đó là một lộ trình đòi hỏi “những nỗ lực kiên nhẫn và can đảm. Trong quá trình này, người ta không được đặt bất kỳ gánh nặng nào vượt quá mức cần thiết”.

Tính ưu việt của việc cầu nguyện: sự hội tụ những điều thiết yếu

Vị thánh Giáo hoàng người Ba Lan giải thích, trong tinh thần đại kết, vị trí cao quý thuộc về lời cầu nguyện chung. Các Kitô hữu, cùng nhau cầu nguyện, có thể khám phá ra rằng, những điều hiệp nhất họ với nhau thì mạnh mẽ hơn nhiều so với những điều gây chia rẽ họ.

Sự canh tân phụng vụ được thực hiện bởi Giáo hội Công giáo và các cộng đồng Giáo hội khác đã cho phép sự hội tụ những gì là thiết yếu, và cùng nhau, ngày càng nhiều hơn, họ có thể quy hướng về Chúa Cha với tất cả tâm hồn. Đôi khi, dường như chúng ta trở nên gần gũi hơn, để cuối cùng, có thể chứng kiến thực tại này “dù chưa có sự hiệp thông trọn vẹn”, vị Giáo hoàng người Ba Lan nói: “Cách đây một thế kỷ trước, ai có thể hình dung ra được một điều như thế?”.

Dấn thân chung đối với tự do, công bằng, hòa bình

Trong số các bước tiến trên con đường đại kết, Thông điệp chỉ ra sự cộng tác ngày càng gia tăng của các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác nhau trong sự dấn thân của họ đối với “tự do, công lý, hòa bình và tương lai của thế giới”. “Tiếng nói hiệp nhất của các Kitô hữu có tác động mạnh mẽ hơn bất kỳ tiếng nói đơn lẻ nào” bằng cách thể hiện “sự tôn trọng quyền lợi và nhu cầu của mọi người, đặc biệt là người nghèo, những người thấp cổ bé họng và những người không có khả năng tự vệ”.

Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh, Đối với các Kitô hữu, đó không chỉ là vấn đề về hoạt động nhân đạo, mà là việc đáp lại những lời của Đức Giêsu, như chúng ta đã đọc trong Tin Mừng Mátthêu rằng: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…” (Mt 25,35tt).

Thay đổi ngôn ngữ: từ việc kết án sang thái độ tha thứ cho nhau

Thánh Gioan Phaolô II kêu gọi sự thay đổi ngôn ngữ và thái độ: chúng ta cần phải tránh cách tiếp cận gây hấn và đối nghịch của sự tương khắc, của “chủ nghĩa thất bại có xu hướng nhìn nhận mọi thứ theo cách tiêu cực”, của “thái độ kiên quyết không mang tính Tin Mừng trong việc lên án ‘đối phương’, của một sự miệt thị nảy sinh từ thái độ kiêu căng tự phụ không lành mạnh”.

Thay vào đó, điều cần thiết là “phải làm mọi thứ có thể, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, hầu phá vỡ bức tường của sự chia rẽ và thiếu sự tin tưởng, vượt qua những trở ngại và định kiến”, loại bỏ những lời nói và biểu cảm gây tổn thương, lựa chọn con đường của sự khiêm tốn, hiền hòa, huynh đệ và quảng đại. Vì vậy, theo thời gian, chúng ta đã đạt đến điểm chúng ta đã không còn nói về những kẻ dị giáo hay kẻ thù của đức tin”, mà là “những anh chị em Kitô hữu khác”, hoặc “những người đã lãnh nhận phép Rửa tội khác”.

Thánh Gioan Phaolô II lưu ý rằng: “Sự mở rộng về ngôn từ này, là dấu chỉ cho thấy một sự thay đổi đáng kể về thái độ”. Đó là một cuộc hành trình của sự hoán cải thông qua một lộ trình cần thiết của sự sám hối về những lỗi lầm đã phạm. Và thánh Gioan Phaolô II đã kêu gọi sự tha thứ vì những lỗi lầm của các con cái Giáo hội.

Tính ưu việt của Giáo hoàng: một sự phục vụ yêu thương

Thánh Gioan Phaolô đã đưa ra lời kêu gọi tới các cộng đồng Kitô giáo khác nhau nhằm “giúp tìm cách thực hiện tính ưu việt (quyền tối thượng) của Giáo hoàng, trong khi không từ bỏ những điều thiết yếu cho sứ vụ truyền giáo của mình, vốn mở ra một tình huống mới”, như là “một sự phục vụ yêu thương”.

Giáo hội trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất

Thông điệp Ut Unum Sint chính là một sự tổng hợp tuyệt vời cuộc hành trình của Giáo hội trong suốt 2000 năm lịch sử. Đó là một ánh sáng chỉ đường tiến về phía trước, tiếp tục trên cùng một hành trình như những người đã đi trước chúng ta.

Nó cho thấy tính cách sống động của Truyền thống, mà – như Hiến chế Dei Verbum nói – truy nguyên nguồn gốc từ các Tông đồ và sự tiến bộ trong Giáo hội nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Và chính nhờ Thần Khí mà sự hiểu biết về đức tin ngày càng gia tăng.

Trong cuộc hành trình này – Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói, trích lời của thánh Cyprianô – anh em phải học cách làm hòa với nhau trước khi dâng của lễ, bởi vì “Thiên không chấp nhận của lễ của một người gieo rắc sự bất hòa”. Thay vào đó, “của lễ tốt đẹp hơn” để dâng lên Thiên Chúa đó là “sự bình an, tình huynh đệ hài hòa và trở nên một dân trong sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Đây là lời mời gọi sau cùng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: cầu xin Thiên Chúa ban ân sủng hầu giúp tất cả chúng ta “dâng lên Người hy lễ sự hiệp nhất này”.

 

CÁC MỐI TƯƠNG QUAN SÂU SẮC HỖ TRỢ CON ĐƯỜNG ĐẠI KẾT

Massimiliano Menichetti,
Vatican News,
05.06.2020.

Nhân kỷ niệm 60 năm bắt đầu hành trình đại kết mà thánh Gioan XXIII mong muốn, Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất các Kitô hữu đã nhấn mạnh một hành trình phong phú về “sự phát triển và tiến bộ”.

Đức Hồng y nhắc lại lời của Đức Giáo hoàng rằng: Thật là một niềm vui lớn lao và sự dấn thân đại kết không ngừng cho một hành trình không thể đảo ngược được. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn của truyền thông Vatican, Đức Hồng y Kurt Koch nhớ lại việc thành lập Văn phòng Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, do thánh Gioan XXIII ban hành vào ngày 5.6.1960, và trở thành Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất các Kitô hữu vào ngày 26.8.1988. Theo Đức Hồng y, ba trụ cột đặc biệt ủng hộ phong trào đại kết, đó là: đối thoại bác ái, đối thoại trong sự thật, và sự gắn bó sâu sắc mật thiết của tất cả các tín hữu với lời cầu nguyện thượng tế của Đức Giêsu rằng: “Để tất cả nên một”. Một chân trời của phong trào đại kết, đã được hưởng “sự liên tục và kết hợp tuyệt vời” giữa tất cả các vị Giáo hoàng.

Thưa Đức Hồng y, bối cảnh đại kết cách đây 60 năm so với hiện nay đã khác nhiều. Vậy tình hình đại kết và những thách đố nào cho đại kết ngày hôm nay?

Vào năm 1960, phong trào đại kết chính thức được hình thành trong Giáo hội Công giáo, nhưng vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi. Trong 60 năm qua, nhiều cuộc gặp gỡ và đối thoại đã diễn ra, đem lại nhiều thành quả tích cực. Tuy nhiên, mục đích thực sự của phong trào đại kết, cụ thể là việc tái lập sự hiệp nhất của Giáo hội, vẫn chưa đạt được. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu sự đồng thuận thực sự vững chắc về mục tiêu của đại kết. Cần phải có một thỏa thuận về sự cần thiết của sự hiệp nhất, hiện chưa có một thỏa thuận nào về hình thức cụ thể. Chúng ta cần một viễn tượng chung, đó là điều cần thiết cho sự hiệp nhất của Giáo hội. Các bước tiếp theo chỉ có thể được thực hiện nếu chúng ta có một mục tiêu rõ ràng trong tâm trí.

Con đường đại kết thường được định nghĩa là “trao đổi những hồng ân”. 60 năm qua, Giáo hội Công giáo đã được thay đổi như thế nào trong sự dấn thân này? Giáo hội đã trao cho các Kitô hữu khác những hồng ân nào?

Đằng sau định nghĩa này là sự xác tín rằng, mỗi Giáo hội có thể đóng góp cách cụ thể cho việc tái lập sự hiệp nhất. Trước hết, Giáo hội Công giáo đã học được tính trọng tâm của Lời Chúa trong đời sống Giáo hội, trong các cử hành phụng vụ và những suy tư thần học, ngang qua các Giáo hội Tin Lành, sinh ra trong thời Cải Cách. Chúng ta cũng ý thức rằng đức tin đến từ việc lắng nghe Lời Chúa, và Tin Mừng Đức Giêsu Kitô phải là trọng tâm của Giáo hội. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, từ các Giáo hội Chính thống, chúng ta có thể học được rất nhiều về tính công nghị trong đời sống Giáo hội và tính hiệp đoàn của các Giám mục. Về phần mình, Giáo hội Công giáo có thể cung cấp tính phổ quát của Giáo hội như một hồng ân đặc biệt cho công cuộc đối thoại đại kết. Vì Giáo hội Công giáo sống trong mối tương quan giữa sự hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ và tính đa dạng của các Giáo hội địa phương, vì thế, Giáo hội có thể cho thấy rằng, ngay cả trong đại kết, sự hiệp nhất và đa dạng không hề đối lập nhau, nhưng hỗ tương cho nhau.

Đại kết hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả các Kitô hữu. Vậy những điều cụ thể nào đã được thực hiện?

Mọi nỗ lực và hoạt động đại kết phải phục vụ cho mục đích tái lập sự hiệp nhất các Kitô hũu; cần phải tiếp tục thực hiện để đạt được mục tiêu này. Điều này đặc biệt đúng đối với cuộc đối thoại của đức ái, nghĩa là quan tâm duy trì tương quan thân thiện giữa các Giáo hội khác nhau. Cuộc đối thoại này đã cho phép vượt qua nhiều định kiến trong quá khứ và tăng cường hiểu biết nhau tốt hơn. Điều quan trọng không kém chính là đối thoại trong sự thật, hoặc phân tích thần học về các vấn đề gây tranh cãi đã đưa đến sự chia rẽ trong suốt lịch sử của Giáo hội. Trong những cuộc đối thoại này đã cho thấy những gì hiệp nhất chúng ta lại với nhau thì lớn hơn những gì chia rẽ chúng ta. Cuối cùng, đại kết thiêng liêng phải được đề cập như một khía cạnh cơ bản, nghĩa là sự tuân thủ sâu sắc và phù hợp của tất cả các tín hữu với lời cầu nguyện thượng tế của Đức Giêsu rằng: “Để tất cả nên một”. Lời cầu nguyện này giúp chúng ta ý thức rằng, sự hiệp nhất của Giáo hội tương hợp với thánh ý Chúa.

Trong những ngày này, chúng ta mừng 25 năm Thông điệp “Ut Unum Sint – Để Tất Cả Nên Một” do thánh Gioan Phaolô II ban hành 25.5.1995. Phải chăng Thông điệp này rất quan trọng cho hành trình đại kết?

Tầm quan trọng của nó chủ yếu nằm ở chỗ, lần đầu tiên trong lịch sử, một Giáo hoàng đã viết một Thông điệp về đại kết. Với Thông điệp này, 30 năm sau khi kết thúc Công đồng, thánh Gioan Phaolô II đã nhắc lại rằng, Giáo hội Công giáo dấn thân một cách không thể đảo ngược trong hành trình đại kết (UUS, số 3), và tất cả các thành viên của Giáo hội đều được yêu cầu dấn thân vào phong trào đại kết vì đức tin. Một sáng kiến đáng ngạc nhiên khác của vị thánh Giáo hoàng dường như đặc biệt đáng chú ý đối với tôi. Một đằng, ngài ý thức được rằng, sứ vụ Phêrô là một trong những trở ngại lớn cho việc tái lập sự hiệp nhất; đằng khác, ngài xác tín sứ vụ Giám mục Rôma cũng có tầm quan trọng trong việc kiến tạo sự hiệp nhất của Giáo hội, thánh Gioan Phaolô II đã mời toàn thể cộng đồng đại kết tham gia vào một cuộc đối thoại huynh đệ, kiên nhẫn về tính ưu việt của Giám mục Rôma, với mục đích tìm kiếm một hình thức thực thi về tính ưu việt “mở ra một tình huống mới, nhưng không từ bỏ bất kỳ điều cốt yếu nào trong sứ vụ của Phêrô” , chính xác hơn là Giám mục Roma “sẽ có thể thực hiện một sự yêu thương phục vụ được cả hai bên đều công nhận” (UUS, số 95-96). Theo tôi, đây là một sáng kiến đầy hứa hẹn, chính Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc lại tư tưởng này trong nhiều dịp khác nhau.

Từ khi thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất các Kitô hữu, các vị Giáo hoàng đã nỗ lực rất nhiều cho hoạt động đại kết. Theo Đức Hồng y, mỗi vị có những điểm nổi bật nào?

Trước hết, chúng ta phải biết ơn tất cả các Giáo hoàng vì luôn theo sát Công đồng, đã thể hiện một tấm lòng rộng mở đối với công cuộc đại kết, và giữa các vị luôn có tính liên tục và gắn kết tuyệt vời. Thánh Gioan XXIII đã nhận thức rõ ràng việc tái lập sự hiệp nhất các Kitô hữu chính là nền tảng cho việc canh tân của Giáo hội Công giáo. Thánh Phaolô VI đã góp phần quan trọng trong việc thông qua Sắc lệnh Đại kết Unitatis Redintegratio của Công đồng. Ngài là một vị giáo hoàng của những cử chỉ đại kết vĩ đại, đặc biệt đối với Chính thống giáo và Anh giáo, và là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Hội đồng Giáo hội Đại kết các Giáo hội. Thánh Gioan Phaolô II tin rằng, thiên niên kỷ thứ ba sẽ phải đối diện với nhiệm vụ to lớn là tái lập sự hiệp nhất đã mất, ngài nhìn nhận chứng tá của các vị tử đạo của các Giáo hội chính là hồng ân cho sự hiệp nhất. Đối với Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, đại kết ở một mức độ sâu sắc, chính là một vấn nạn của đức tin, chính vì thế, là một nhiệm vụ chính yếu của người kế vị thánh Phêrô. Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, điều cơ bản là cộng đồng các Giáo hội khác nhau, cùng nhau bước đi trên con đường hiệp nhất, vì sự hiệp nhất được phát triển khi họ cùng nhau bước đi. Ngài cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của công cuộc đại kết bằng máu [các thánh tử đạo].

Để đánh dấu việc kỷ niệm này, Hội đồng Giáo hoàng sẽ cho công bố cuốn Cẩm nang Đại kết [Vademecum Ecumenico] dành cho các giám mục. Tại sao Hội đồng Giáo hoàng lại cho công bố văn kiện này?

Sứ vụ ủy thác cho giám mục là phục vụ hiệp nhất trong giáo phận của ngài và hiệp nhất giữa các giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Nhưng sứ vụ này cũng có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc đại kết. Nghĩa là sứ vụ đại kết của giám mục phải hướng đến cả những người đã được rửa tội nhưng không phải tín hữu Công giáo. Do đó, trong các giáo hội địa phương, các giám mục có trách nhiệm chính cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Cuốn Cẩm nang Đại kết nhằm mục đích giúp các giám mục hiểu rõ trách nhiệm đại kết của mình một cách chi tiết hơn và để áp dụng vào thực tiễn.

Một sáng kiến khác của Hội đồng Giáo hoàng là sẽ cho công bố tạp chí Hoạt động Đại kết [Acta Œcumenica]. Mục đích của tạp chí này là gì?

Ngày nay, nhiều tín hữu có cảm tưởng rằng, đại kết đã đi đến chỗ bế tắc. Suy nghĩ này phần lớn là do thực tế mọi người không có được thông tin đầy đủ về sự phát triển và tiến bộ của đại kết. Do đó, điều quan trọng là các kết quả đại kết quan trọng hơn cả đã được đón nhận. Điều này đặc biệt đúng với các tài liệu được chuẩn bị và xuất bản bởi các ủy ban đại kết. Như đã biết, các tài liệu ít được đọc sẽ không đem lại hiệu quả nhiều. Tạp chí Acta Œcumenica nhằm tạo điều kiện cho sự tiếp nhận này, chủ yếu cung cấp thông tin về dấn thân đại kết của Đức Giáo hoàng Phanxicô, và về các hoạt động đại kết của Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất các Kitô hữu, và giới thiệu các tài liệu chính của các cuộc đối thoại đại kết. Tạp chí nhằm mục đích hỗ trợ đào tạo đại kết, một khía cạnh quan trọng căn bản cho tương lai.

Đại kết được thực hiện trong các cuộc gặp gỡ và đối thoại. Khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động này?

Đại kết phát triển mạnh qua các cuộc đối thoại và gặp gỡ trực tiếp, nhân vị. Bây giờ điều này không dễ thực hiện do những hạn chế của đại dịch virus corona. Thực tế, chúng ta không thể đón tiếp các vị khách của các Giáo hội khác đến thăm Rôma hoặc đi đến gặp đại diện của các Giáo hội khác. Đối thoại đại kết gặp khó khăn lớn khi thực hiện từ xa, thông qua “văn phòng tại nhà – home office”. Mặt khác, hoàn cảnh khó khăn của thời điểm này góp phần đưa các Giáo hội Kitô giáo, tất cả cùng ở trên một con thuyền, gần gũi nhau hơn. Điều này thật rõ ràng, chẳng hạn, khi Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi tất cả các Giáo hội Kitô giáo hiệp nhất với ngài trong lời Kinh Lạy Cha vào ngày 25.3.2020, để cầu nguyện cho đại dịch mau chấm dứt. Đối với thư mà tôi gửi lời mời của Đức Giáo hoàng đến các vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô giáo, hầu hết các vị đều hồi đáp rất nhanh, bày tỏ lòng biết ơn đối với sáng kiến này. Điều này cho tôi thấy mối quan hệ đại kết đã trở nên sâu sắc biết bao trong thời gian này. Nhưng dĩ nhiên, chúng ta sẽ rất hạnh phúc, khi một lần nữa, chúng ta có thể có những cuộc gặp mặt và đối thoại trực tiếp, với những người đối thoại của chúng ta.

Thưa Đức Hồng y, trên thực tế, ngài cũng sẽ sớm tổ chức một dịp kỷ niệm, vào ngày 1 tháng 7 năm 2010, ngài đã được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về sự Hiệp nhất các Kitô hữu. Đức Hồng y nghĩ gì về sứ vụ này ạ?

Tôi hết sức kinh ngạc bởi tốc độ mà thời gian đã trôi đi nhanh quá. Tôi thấy công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng rất đẹp và phong phú. Tôi biết ơn Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, vì đã giao phó cho tôi nhiệm vụ này, và Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khích lệ tôi. Trong những năm qua, tôi đã có thể tham gia và đóng góp cho các sự kiện khác nhau, và nhiều sáng kiến đại kết của hai vị giáo hoàng. Tôi đã học được rất nhiều và có kinh nghiệm này: trong công việc đại kết những điều nhận được thì lớn hơn những điều có thể trao ban. Tôi nhận thức được rằng, về căn bản, chỉ có một tác nhân đại kết, đó chính là Chúa Thánh Thần; chúng ta chỉ là công cụ của Chúa Thánh Thần mà thôi, với ít nhiều những yếu đuối của bản thân. Do đó, nhìn lại 10 năm qua, tôi không nghĩ rằng những kết quả đạt được là do bản thân tôi. Lễ kỷ niệm khiêm tốn này chính là một dịp thuận tiện để tạ ơn Chúa Thánh Thần, và nguyện xin Người tiếp tục đồng hành trong công cuộc đại kết, giúp chúng ta thực hiện từng bước tích cực, đưa chúng ta đến gần hơn với sự hiệp nhất của Giáo hội.

Dịch từ bản tiếng Ý: Koch: profonde relazioni sorreggono il cammino dell’ecumenismo. By Massimiliano Menichetti, Vatican News, 05 giugno 2020, 07:00.
https://www.vaticannews.va/it/vaticano/news/2020-06/koch-profonde-relazioni-sorreggono-il-cammino-dell-ecumenismo.html

 

THÔNG ĐIỆP UT UNUM SINT

DẪN NHẬP

1. Ut unum sint! Để tất cả nên một! Lời kêu gọi hiệp nhất các Kitô hữu mà Công đồng đại kết Vaticanô II đã tái đề xuất với một quyết tâm như thế, càng âm vang với sức sống mãnh liệt hơn bao giờ hết trong tâm hồn các tín hữu, đặc biệt là năm 2000, là Năm Thánh thiêng liêng đối với họ, kỷ niệm Con Thiên Chúa Nhập thể, Đấng đã trở nên người phàm để cứu độ thế nhân.

Chứng tá can đảm của nhiều vị tử đạo trong thế kỷ của chúng ta, bao gồm các thành viên của Giáo hội và cộng đồng Giáo hội khác không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, mang lại sức sống mới cho lời kêu gọi của Công đồng, và nhắc nhở chúng ta về bổn phận lắng nghe, và đưa vào thực hành lời giáo huấn của Công đồng. Những anh chị em này của chúng ta, hiệp nhất trong sự quảng đại hiến dâng cuộc đời cho Nước Thiên Chúa, là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy mọi yếu tố chia rẽ đều có thể vượt qua và lướt thắng bằng việc tự hiến mình trọn vẹn vì Tin Mừng.

Đức Kitô mời gọi tất cả các môn đệ của Người tiến tới sự hiệp nhất. Mong muốn tha thiết của tôi ngày hôm nay là được lặp lại lời mời gọi ấy, và một lần nữa với quyết tâm. Tôi sẽ nhắc đến điều mà tôi đã có dịp nhấn mạnh tại hí trường Côlôseô ở Rôma, khi kết thúc buổi suy niệm Đàng Thánh Giá, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, năm 1994, được hướng dẫn bởi Hiền Huynh đáng kính của tôi là Đức Thượng phụ đại kết Barthôlômêô, của Constantinople. Trong dịp đó, tôi đã quả quyết rằng, những người tin vào Đức Kitô, được hiệp nhất theo bước chân của các vị tử đạo, không thể bị chia rẽ nhau mãi được. Nếu họ muốn thật sự chiến đấu một cách có hiệu quả, chống lại khuynh hướng của thế gian, là làm cho Mầu nhiệm Cứu chuộc ra vô ích, thì họ phải cùng nhau tuyên xưng chân lý của Thập giá[1]. Thập giá! Trào lưu chống Kitô giáo muốn chối bỏ giá trị và làm tiêu tan ý nghĩa của Thập giá. Trào lưu đó không chấp nhận việc con người coi Thập giá là nguồn phát sinh sự sống mới của mình, và nó chủ trương rằng, Thập giá không thể mở ra được cho nhân loại tương lai và hy vọng. Người ta nói rằng, con người chỉ là một hữu thể thuộc về trần thế, vì thế, con người phải sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu.

2. Ai cũng thấy rằng tất cả những điều đó tạo nên một thách đố với các tín hữu. Họ không thể nào không nêu lên thách đố này. Thật vậy, làm sao họ có thể từ chối làm mọi thứ có thể, cùng với ơn Chúa trợ giúp, để phá vỡ bức tường gây chia rẽ và mất lòng tin, để vượt qua những trở ngại và định kiến cản trở việc loan báo Tin Mừng cứu độ bằng Thập giá của Đức Giêsu, Đấng Cứu chuộc duy nhất của nhân loại?

Tôi cảm tạ Chúa, Đấng đã khuyến khích chúng ta tiến bộ trên con đường hiệp nhất và hiệp thông giữa các Kitô hữu, một con đường khó khăn nhưng đầy niềm vui. Những cuộc đối thoại thần học liên tôn đã tạo ra kết quả tích cực và hữu hình: điều này khuyến khích chúng ta tiến lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những khác biệt về giáo lý cần được giải quyết, các Kitô hữu không thể coi nhẹ sức nặng của những hiểu lầm xưa nay mà họ đã lãnh nhận từ quá khứ, và những hiểu lầm và định kiến đối với nhauRất thường khi sự ù lì, lãnh đạm và thiếu hiểu biết lẫn nhau làm cho tình trạng này càng tồi tệ hơn. Vì thế, việc dấn thân đại kết phải được đặt trên sự hoán cải các tâm hồn và trên lời cầu nguyện, những điều đó cũng đưa tới sự cần thiết phải thanh tẩy ký ức trong quá khứ. Với hồng ân Chúa Thánh Thần, các môn đệ của Chúa, được truyền cảm hứng bởi tình yêu, bởi quyền năng của chân lý, và bởi một mong muốn chân thành để tha thứ và hòa giải lẫn nhau, được mời gọi cùng nhau kiểm tra lại quá khứ đớn đau của họ, và những tổn thương mà quá khứ đáng tiếc vẫn tiếp tục gây ra cho đến tận ngày nay. Tất cả cùng nhau, được mời gọi bởi sức mới mẻ của Tin Mừng, để cùng nhìn nhận với sự khách quan, chân thành, và toàn diện, về những sai lầm đã phạm, và những yếu tố phụ thuộc đã góp phần gây ra những mối chia rẽ đáng buồn giữa họ. Điều cần thiết là phải có một cái nhìn rõ ràng, thanh thản và chân thực, cái nhìn được khơi dậy bởi lòng Chúa xót thương, có khả năng giải phóng tinh thần và truyền cảm hứng cho mọi người, một sự sẵn sàng canh tân loan báo Tin Mừng, dành cho mọi người thuộc mọi dân tộc, mọi quốc gia.

3. Tại Công đồng Vaticanô II, Giáo hội Công giáo đã cam kết dấn thân một cách không thể đảo ngược [irreversibili], để bước vào hành trình tìm kiếm sự đại kết, do đó, Giáo hội lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Linh, Đấng dạy mọi người chăm chú đọc ra “những dấu chỉ thời đại”. Những trải nghiệm mà Giáo hội đã sống trong những năm này, và vẫn còn tiếp tục soi sáng cho Giáo hội sâu sắc hơn nữa về căn tính và sứ vụ của mình trong lịch sử. Giáo hội Công giáo nhìn nhận và xưng thú những yếu đuối của các con cái mình, ý thức được rằng, tội lỗi của họ là biết bao sự phản bội và trở ngại cho việc thực hiện ý muốn của Đấng Cứu Độ. Bởi vì Giáo hội cảm thấy mình liên tục được kêu gọi canh tân theo tinh thần Tin Mừng, nên Giáo hội không ngừng thực thi việc sám hối. Đồng thời, Giáo hội nhìn nhận và tôn vinh quyền năng của Chúa nhiều hơn nữa, Đấng sau khi đã ban cho Giáo hội tràn đầy hồng ân thánh thiện, đang lôi kéo Giáo hội, và làm cho Giáo hội nên đồng hình đồng dạng với cuộc khổ nạn và phục sinh của Người.

Được giáo huấn bởi nhiều biến cố trong lịch sử của mình, Giáo hội có bổn phận tự giải thoát khỏi mọi sự nâng đỡ thuần túy nhân loại, để sống sâu sắc các Mối Phúc trong Tin Mừng. Ý thức rằng “chân lý không đòi buộc điều gì khác ngoài sức mạnh của chính chân lý, một sức mạnh thấm nhập tâm trí một cách vừa êm dịu vừa mãnh liệt”[2], Giáo hội chẳng yêu cầu gì cho chính mình, nếu đó không phải là được tự do loan báo Tin Mừng. Thật vậy, quyền bính của Giáo hội được thực thi để phục vụ cho chân lý và đức ái.

Bản thân tôi dự định thúc đẩy mọi sáng kiến phù hợp nhằm làm cho chứng tá của toàn thể Cộng đồng Công giáo có thể được hiểu biết trong sự thuần khiết và tính chặt chẽ nguyên vẹn của nó, đặc biệt là để hướng tới cuộc hẹn gặp đang chờ đợi Giáo hội trước ngưỡng cửa Thiên niên kỷ mới. Theo quan điểm mà Giáo hội, đó sẽ là một dịp đặc biệt, để cầu xin Chúa gia tăng sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu cho đến khi họ đạt được sự hiệp thông trọn vẹn[3]. Thông điệp này được trình bày ý nghĩa như là một đóng góp cho mục tiêu cao cả này. Bởi tính cách cốt yếu là mục vụ của nó, Thông điệp ước mong góp phần khuyến khích những nỗ lực của tất cả những người hoạt động vì sự hiệp nhất.

4. Đây là một nhiệm vụ cụ thể của Giám mục Rôma với tư cách là người kế vị Tông đồ Phêrô. Tôi chu toàn nghĩa vụ ấy với niềm xác tín sâu sắc là để vâng theo ý Chúa, và với ý thức rõ ràng về sự yếu đuối của chính bản thân tôi. Thật vậy, nếu chính Đức Kitô đã ủy thác cho Phêrô sứ vụ đặc biệt này trong Giáo hội, và khuyên Phêrô củng cố anh em mình, thì Người cũng nói rõ cho Phêrô biết về sự yếu đuối của con người và sự cần thiết đặc biệt trong việc hoán cải của Phêrô: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32). Chính trong sự yếu đuối của con người Phêrô, được biểu lộ đầy đủ sự kiện là để chu toàn sứ vụ đặc biệt của mình trong Giáo hội, Giáo hoàng hoàn toàn phụ thuộc vào ân sủng và vào lời cầu nguyện của chính Đức Kitô: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,32). Việc hoán cải của Phêrô và của những người kế vị Phêrô tìm được điểm tựa trong chính lời cầu nguyện của Đấng Cứu Thế, và Giáo hội liên tục dự phần vào lời cầu khẩn này. Trong thời đại kết của chúng ta, được ghi dấu bởi Công đồng Vaticanô II, Giám mục Rôma chu toàn cách đặc biệt sứ vụ nhắc nhớ lại đòi hỏi sự hiệp thông trọn vẹn giữa các môn đệ của Đức Kitô.

Chính Giám mục Rôma phải nhiệt thành thực hiện lời cầu nguyện của Đức Kitô cho sự hoán cải, đó là điều không thể thiếu để “Phêrô” có thể phục vụ anh em mình. Tôi tha thiết mời gọi các tín hữu của Giáo hội Công giáo và tất cả các Kitô hữu, hãy hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện này. Ước mong mọi người cùng cầu nguyện với tôi trong việc hoán cải này!

Chúng ta biết rằng, trong cuộc lữ hành trần thế của mình, Giáo hội đã phải chịu, và tiếp tục còn phải chịu sự chống đối và bách hại. Nhưng niềm hy vọng nâng đỡ Giáo hội thì không hề bị chuyển lay, cũng như niềm vui phát sinh từ niềm hy vọng này thì không thể nào bị phá hủy được. Trong thực tế, tảng đá vững chắc và vĩnh cửu mà Giáo hội được thành lập chính là Đức Giêsu Kitô, vị Chúa của Giáo hội.

CHƯƠNG I - VIỆC DẤN THÂN ĐẠI KẾT CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Kế hoạch của Thiên Chúa và sự hiệp thông

5. Cùng với tất cả các môn đệ Đức Kitô, Giáo hội Công giáo được thiết lập trên kế hoạch của Thiên Chúa về việc dấn thân đại kết để tập hợp tất cả các Kitô hữu bước vào sự hiệp nhất. Thật vậy, “Giáo hội không phải là một thực tại khép kín với chính mình. Thay vào đó, Giáo hội mãi mở ra cho nỗ lực truyền giáo và đại kết, vì Giáo hội được sai đến thế giới để loan báo và làm chứng, để hiện thực hóa và rao truyền mầu nhiệm hiệp thông, là chính mầu nhiệm làm nên Giáo hội, và để quy tụ tất cả mọi người và mọi sự nơi Đức Kitô, để ban cho tất cả mọi người một ‘bí tích hiệp nhất không thể tách rời’”[4].

Ngay trong Cựu Ước, khi gợi lại tình trạng của Dân Thiên Chúa thời bấy giờ, ngôn sứ Êdêkiel đã dùng tới biểu tượng đơn giản, là hai miếng gỗ tách rời nhau, sau đó được ráp lại với nhau, để diễn tả ý Thiên Chúa muốn “quy tụ từ khắp nơi” những phần tử của dân Người bị phân tán: “Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Bấy giờ, các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Đấng thánh hóa Israel” (x. Ed 37,16-28). Về phần mình, trước tình cảnh của dân Chúa vào thời của mình, tác giả Tin Mừng Gioan nhìn thấy nơi cái chết của Đức Giêsu, trở thành nguyên lý hiệp nhất giữa các con cái Thiên Chúa. “Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51-52). Thật vậy, như Thư gửi tín hữu Êphêxô đã giải thích: “Để phá đổ bức tường ngăn cách… nhờ thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét”, từ những gì bị phân tán, Người đã làm cho họ nên một (x. Ep 2,14-16).

6. Thiên Chúa đã muốn cho tất cả nhân loại đã bị phân tán được hiệp nhất lại với nhau. Vì thế, Người đã sai Con của Người đến, để chịu chết và sống lại vì chúng ta, để Con của Người ban cho chúng ta Thánh Thần tình yêu. Vào đêm trước ngày tự hiến mình trên Thập giá, chính Đức Giêsu đã cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ và cho tất cả những ai tin vào Người, để tất cả nên một, đó là một sự hiệp thông sống động. Từ đó nảy sinh không những bổn phận mà còn cả trách nhiệm trước Thiên Chúa và kế hoạch của Người, đối với những người nam và người nữ, nhờ bí tích thanh tẩy đã trở nên Thân thể Đức Kitô, một Thân thể cần phải hiện diện trọn vẹn sự hòa giải và hiệp thông. Làm sao có thể chia rẽ nhau mãi được, nếu nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta đã được dìm trong cái chết của Chúa, nghĩa là trong chính tác động mà nhờ đó, nơi Con của Người, Thiên Chúa đã phá đổ những hàng rào chia rẽ? “Sự phân rẽ này vừa trái ngược tỏ tường với ý muốn của Đức Kitô, vừa là cớ vấp phạm cho thế giới, và gây tổn hại cho sứ mạng rất cao cả là loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”[5].

Con đường đại kết: con đường của Giáo hội

7. “Vị Chúa của các thời đại, Đấng luôn khôn ngoan và kiên nhẫn thực hiện kế hoạch ân sủng của Người đối với chúng ta là những kẻ tội lỗi, trong những thời gian gần đây, đã bắt đầu tràn đổ cách sung mãn hơn, trên những Kitô hữu đang chia rẽ nhau, tâm tình sám hối và khát vọng hiệp nhất. Rất nhiều người đã được đánh động bởi ân sủng này, và nơi những người anh em xa cách của chúng ta, nhờ ơn Thánh Thần tác động, đã làm nảy sinh một phong trào càng ngày càng rộng lớn, nhằm tái lập sự hiệp nhất giữa tất cả các Kitô hữu. Tham dự vào phong trào này nhắm tới sự hiệp nhất và được gọi là phong trào đại kết, có những người kêu cầu Thiên Chúa Ba Ngôi và tuyên xưng Đức Kitô là Chúa, và là Đấng Cứu Độ, không những là các Kitô hữu, với tư cách cá nhân, mà còn là các Kitô hữu quy tụ thành từng nhóm, trong những nhóm đó, họ đã nghe loan báo Tin Mừng, những nhóm mà họ gọi là Giáo hội của mình và Giáo hội của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hầu như tất cả, dù là với những cách khác nhau, đều ước vọng có một Giáo hội của Thiên Chúa duy nhất và hữu hình, một Giáo hội thực sự phổ quát và được sai đi khắp thế gian, để hoán cải thế gian, trở về với Tin Mừng, để được cứu độ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha”[6].

8. Lời tuyên bố trên đây của sắc lệnh về hiệp nhất Unitatis Redintegratio phải được đọc trong bối cảnh toàn thể giáo huấn của Công đồng Vaticanô II. Công đồng bày tỏ quyết tâm của Giáo hội dấn thân trong nỗ lực đại kết cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, và trình bày nỗ lực ấy với niềm xác tín mạnh mẽ: “Công đồng thiêng liêng này khuyến khích tất cả các tín hữu Công giáo nhận ra các dấu chỉ thời đại và tham gia tích cực vào công cuộc đại kết”[7].

Khi chỉ ra các nguyên tắc đại kết của Công giáo, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio nhắc lại trên tất cả các giáo huấn về Giáo hội được quy định trong Hiến chế Lumen Gentium, trong chương nói về Dân Thiên Chúa[8]. Đồng thời Sắc lệnh cũng để ý tới điều mà Công đồng xác quyết trong Tuyên ngôn Dignitatis Humanae về tự do Tôn giáo[9].

Trong niềm hy vọng, Giáo hội Công giáo coi việc dấn thân đại kết như một mệnh lệnh của lương tâm Kitô giáo, được đức tin soi sáng và đức ái hướng dẫn. Cả ở đây nữa, người ta có thể dùng lời thánh Phaolô nói với các tín hữu đầu tiên của Rôma: “Tình yêu của Thiên Chúa được tràn đổ trong lòng chúng ta nhờ Thánh Thần”; “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng” (Rm 5,5). Đó là niềm hy vọng về sự hiệp nhất của các Kitô hữu, một niềm hy vọng bắt nguồn từ sự hiệp nhất của Ba Ngôi, Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

9. Khi tới giờ chịu khổ hình, Đức Giêsu đã cầu nguyện “để tất cả nên một” (Ga 17,21). Sự hiệp nhất mà Chúa đã ban cho Giáo hội của Người, và trong đó Người muốn tất cả được quy tụ lại với nhau, không phải là một điều gì đó được thêm vào, nhưng ở trọng tâm trong sứ vụ của Đức Kitô. Và sự hiệp nhất ấy cũng không phải là một số thuộc tính thứ cấp nơi Cộng đồng các môn đệ của Chúa. Thay vào đó, nó thuộc về bản chất của Cộng đồng này. Thiên Chúa muốn có Giáo hội, bởi vì Người muốn có sự hiệp nhất, và hiệp nhất là một biểu hiện của toàn bộ chiều sâu trong tình yêu agape của Người.

Quả thực, sự hiệp nhất này được Thánh Thần ban tặng không chỉ là việc tập hợp các cá nhân bên cạnh nhau. Nhưng đó là sự hiệp nhất được tạo nên bởi sự liên kết của việc tuyên xưng đức tin của các Bí tích và sự hiệp thông phẩm trật[10].

Các tín hữu là một bởi vì, trong thần khí, họ hiệp thông với Chúa Con, và trong Chúa Con họ hiệp thông với Chúa Cha: Sự hiệp thông của chúng ta là “hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3). Như vậy, đối với Giáo hội Công giáo, sự hiệp thông giữa các Kitô hữu không gì khác hơn là việc bày tỏ nơi họ ân sủng mà Thiên Chúa dùng để làm cho họ dự phần vào mối hiệp thông riêng của Người, tức là sự sống vĩnh cửu. Như thế, những lời Đức Giêsu cầu nguyện “để tất cả nên một” chính là lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha, để kế hoạch của Chúa Cha được thực hiện trọn vẹn, ngõ hầu làm sáng tỏ “Mầu Nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật” (Ep 3,9). Tin vào Đức Kitô có nghĩa là khát khao sự hiệp nhất; khát khao sự hiệp nhất có nghĩa là khát khao Giáo hội; khát khao Giáo hội có nghĩa là khát khao sự hiệp thông ân sủng tương ứng với kế hoạch của Chúa Cha từ muôn đời. Đó là ý nghĩa lời cầu nguyện của Đức Kitô: “Ut unum sint - Để tất cả nên một”.

10. Trong tình trạng thiếu sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu và về sự tự tin để tìm kiếm sự hiệp thông trọn vẹn, các tín hữu Công giáo cảm thấy bị chất vấn sâu sắc bởi Đức Chúa của Giáo hội. Công đồng Vaticanô II đã củng cố sự dấn thân của họ nhờ một khoa Giáo hội học trong sáng và cởi mở đối với mọi giá trị mang tính Giáo hội nơi các Kitô hữu khác. Các tín hữu Công giáo đề cập đến vấn đề đại kết trong tinh thần đức tin.

Công đồng nói rằng: “Giáo hội Đức Kitô hiện diện trong Giáo hội Công giáo, được cai quản bởi Đấng kế vị thánh Phêrô và các Giám mục hiệp thông với ngài”, và Công đồng cũng nhìn nhận rằng “ở ngoài toàn bộ cơ cấu mà Giáo hội thiết lập nên, người ta gặp thấy nhiều yếu tố của việc thánh hóa và của chân lý, với tư cách là những ân huệ riêng cho Giáo hội Đức Kitô, các yếu tố ấy đưa tới sự hiệp nhất Công giáo”[11]. Do đó, những Giáo hội và những Cộng đồng tách biệt với Giáo hội Công giáo, dù chúng ta nghĩ là có những thiếu sót, vẫn không hề mất đi ý nghĩa và giá trị trong mầu nhiệm cứu độ. Quả thực, Thần Khí Đức Kitô không từ chối dùng những Giáo hội và những Cộng đồng ấy như phương thế cứu độ, mà sức mạnh phát xuất từ sự sung mãn của ân sủng và chân lý được ủy thác cho Giáo hội Công giáo[12].

11. Do đó, Giáo hội Công giáo xác quyết rằng, qua hai ngàn năm lịch sử, Giáo hội đã được gìn giữ trong sự hiệp nhất với tất cả những điều thiện hảo mà Thiên Chúa muốn ban cho Giáo hội của Người, mặc dù có những khhủng hoảng thường nặng nề lay chuyển Giáo hội, những sự thiếu trung thành của một số thừa tác viên, và những lỗi lầm mà các phần tử Giáo hội vấp phải hằng ngày. Giáo hội Công giáo biết rằng, nhờ ơn hỗ trợ đến với mình từ Thần Khí, những yếu đuối tầm thường, tội lỗi, và đôi khi những phản bội của một số con cái mình không thể tiêu diệt điều mà Thiên Chúa đã đặt để trong Giáo hội theo ý định ân sủng của Người. Ngay cả “quyền lực tử thần cũng không thắng nổi” (Mt 16,18). Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo không quên rằng trong nội bộ mình nhiều người đã làm lu mờ đi ý định của Thiên Chúa. Khi gợi lại sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, sắc lệnh về đại kết vẫn biết tới “lỗi lầm của những người thuộc các bên liên hệ”[13], bằng cách nhìn nhận rằng không thể chỉ quy trách nhiệm “cho người khác”. Nhờ ơn Chúa, điều thuộc về cơ cấu của Giáo hội Đức Kitô không vì thế mà bị hủy diệt, cũng như mối hiệp thông vẫn có với các Giáo hội và các Cộng đồng Giáo hội khác.

Thực vậy, những yếu tố của việc thánh hóa và của chân lý có trong các Cộng đồng Kitô giáo, ở những mức độ khác nhau, đặt cơ sở khách quan cho mối hiệp thông hiện có, dù là bất toàn, giữa các Cộng đồng ấy và Giáo hội Công giáo.

Trong chừng mực mà các yếu tố trên đây có nơi các Cộng đồng Kitô giáo, thì Giáo hội Đức Kitô hiện diện tích cực trong các Cộng đồng ấy. Vì vậy Công đồng Vaticanô II nói đến một sự hiệp thông thực thụ, dù là bất toàn. Hiến chế Ánh sáng muôn dân nhấn mạnh rằng Giáo hội Công giáo “thấy mình hiệp nhất vì nhiều lý do”[14] với những Cộng đồng ấy, nhờ một sự hiệp nhất chắc chắn và thực thụ trong Thánh Thần.

12. Cũng hiến chế ấy đã diễn đạt dài về “các yếu tố của việc thánh hóa và của chân lý”, bằng nhiều cách, đang tồn tại và tác động bên ngoài các ranh giới hữu hình của Giáo hội Công giáo: “Thực vậy, có nhiều người cung kính lấy Kinh Thánh làm mẫu mực cho lòng tin và đời sống, giữ đạo cách nhiệt tình, thành thực, hết lòng tin kính Chúa Cha toàn năng, và Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa. Được Bí tích thanh tẩy ghi ấn, họ kết hợp với Đức Kitô, họ còn công nhận và lãnh một số Bí tích khác trong Giáo hội, hoặc trong các Cộng đồng Giáo hội của họ. Nhiều người trong họ còn có chức Giám mục, họ vẫn cử hành bí tích Thánh Thể và tôn kính Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa. Họ cũng hiệp thông trong lời cầu nguyện và các việc lành thiêng liêng khác; hơn nữa, họ thực sự kết hợp trong Chúa Thánh Thần, Đấng cũng dùng ân huệ và thánh sủng tác động trong họ nhờ thần lực thánh hóa của Người, và đã củng cố một số người trong họ đi đến chỗ đổ máu tử đạo. Vì thế Thánh Thần thúc giục hết thảy các môn đệ Đức Kitô ước muốn và hành động để tất cả được an bình và hiệp nhất trong một đoàn chiên dưới quyền một chủ chăn duy nhất theo cách thức Đức Kitô đã ấn định”[15].

Riêng về các Giáo hội Chính thống, sắc lệnh Công đồng về đại kết đã có thể tuyên bố rằng “nhờ việc cử hành Thánh Thể trong mỗi Giáo hội ấy, Giáo hội của Thiên Chúa được xây dựng và phát triển”[16]. Nhìn nhận tất cả những điều đó là đáp lại một đòi hỏi của chân lý.

13. Cũng văn kiện ấy làm nổi bật lên cách thận trọng những hệ lụy về giáo lý của tình trạng đó. Về những phần tử của các Cộng đồng này sắc lệnh tuyên bố: “Được công chính hóa nhờ đức tin khi chịu phép rửa tội, họ đã được tháp nhập vào Đức Kitô, và vì thế có quyền mang danh Kitô hữu và được con cái của Giáo hội Công giáo nhìn nhận cách hợp lý là anh em trong Đức Kitô”[17].

Khi gợi lên nhiều điều thiện hảo hiện có trong các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác, sắc lệnh nói thêm: “Tất cả đã phát sinh từ Đức Kitô và dẫn đưa về chính Người, thì đương nhiên cũng thuộc về quyền Giáo hội duy nhất của Người. Các anh em ly khai với chúng ta cũng cử hành nhiều lễ nghi phụng vụ của Kitô giáo. Những lễ nghi ấy chắc chắn có thể thực sự phát sinh đời sống ơn thánh và phải được công nhận là đường đưa đến sự hiệp thông vào ơn cứu rỗi, tuy cách thức có khác nhau tùy hoàn cảnh của mỗi Giáo hội hay Cộng đồng”[18].

Đó là những văn bản đại kết có giá trị quan trọng bậc nhất. Ngoài những ranh giới của Cộng đồng Công giáo, không phải là chẳng còn gì thuộc về Giáo hội nữa. Nhiều yếu tố có giá trị lớn lao, mà trong Giáo hội Công giáo là thành phần của những phương tiện cứu rỗi và của những ơn huệ làm nên Giáo hội, cũng thấy có trong những Cộng đồng Kitô giáo khác.

14. Tự chúng, tất cả những yếu tố nói trên làm nên một lời kêu gọi về hiệp nhất để chúng tìm thấy nơi sự hiệp nhất này mức độ sung mãn của chúng. Không phải là chuyện gom góp tất cả những kho tàng phong phú bị phân tán trong các Cộng đồng Kitô giáo để đạt tới một Giáo hội mà Thiên Chúa muốn cho tương lai. Theo Truyền thống lớn lao được các Giáo phụ Đông phương và Tây phương chứng thực, Giáo hội Công giáo tin rằng, trong biến cố ngày lễ Ngũ Tuần, Thiên Chúa đã bày tỏ Giáo hội ra trong thực thể cánh chung của nó, Giáo hội mà Người đã chuẩn bị “từ thời Abel, người công chính”[19]. Giáo hội đã được trao ban. Vì thế, mà chúng ta đã ở vào thời cuối cùng. Những yếu tố của Giáo hội đã được trao ban này đang hiện hữu, được liên kết lại trong tất cả mức độ sung mãn của chúng trong Giáo hội Công giáo và không có được sức sung mãn đó, trong những Cộng đồng khác[20], nơi mà một số phương tiện của mầu nhiệm Kitô đôi khi đã được làm sáng tỏ hơn. Công cuộc đại kết nhằm xúc tiến mối hiệp thông từng phần hiện có giữa các Kitô hữu, để đạt tới hiệp thông trọn vẹn trong chân lý và tình yêu.

Canh tân và hoán cải

15. Đi từ những nguyên tắc và bổn phận khẩn thiết cho lương tâm Kitô giáo đến hoạt động cho hành trình đại kết hướng về hiệp nhất, Công đồng Vaticanô II đã làm nổi bật nhất là sự cần thiết của việc hoán cải tâm hồn. “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần”, lời loan báo của Đức Kitô được tiếp theo ngay bằng lời kêu gọi “Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15) mà Đức Giêsu dùng để khai mạc sứ vụ của Người, hai câu ấy xác định nhân tố thiết yếu của một sự khởi đầu mới: bổn phận căn bản của việc loan báo Tin Mừng, ở mọi chặng đường cứu độ của Giáo hội. Việc ấy đặc biệt liên hệ tới quá trình hành động của Công đồng Vaticanô II, Công đồng đã ghi vào số những điều phải canh tân, bổn phận phải hiệp nhất các Kitô hữu chia ly. “Không có đại kết theo đúng nghĩa của danh từ ấy mà không có sự hoán cải nội tâm”[21].

Công đồng kêu gọi hoán cải cá nhân cũng như hoán cải Cộng đồng. Khát vọng của bất kỳ Cộng đồng Kitô hữu nào muốn hiệp nhất cũng đều đi song song cùng lòng trung thành với Tin Mừng. Khi nói đến những người sống ơn gọi Kitô hữu, Công đồng đề cập tới việc hoán cải nội tâm, tới canh tân tinh thần[22].

Do đó, mỗi người phải hoán cải triệt để hơn vì Tin Mừng, và không bao giờ đánh mất kế hoạch của Thiên Chúa, họ cần phải thay đổi cách nhìn về mọi thứ. Nhờ công cuộc đại kết, việc chiêm ngắm “những kỳ công của Thiên Chúa” (mirabilia Dei), đã được làm phong phú bởi những chân trời mới, nơi Thiên Chúa khơi dậy tác động của ân sủng: việc nhận thức rằng Chúa Thánh Thần hành động trong các Cộng đồng Kitô hữu khác, khám phá ra những gương mẫu về sự thánh thiện, kinh nghiệm về sự phong phú to lớn hiện diện trong sự hiệp thông của các thánh, và tiếp xúc với các chiều kích bất ngờ của việc dấn thân Kitô giáo. Theo một cách tương ứng, có một ý thức gia tăng về sự cần thiết phải sám hối: ý thức về một số những việc loại trừ nhau làm tổn thương tình bác ái huynh đệ, về một số những sự chối từ tha thứ, về tính kiêu căng, sự đóng kín trong việc lên án “kẻ khác” một cách thiếu tinh thần truyền giáo, một sự coi thường sinh ra từ một giả định không lành mạnh. Do đó, toàn bộ cuộc sống của các Kitô hữu được đánh dấu bằng một mối quan tâm đối với tinh thần đại kết và họ được kêu gọi để cho ưu tư ấy biến đổi mình.

16. Trong giáo huấn của Công đồng Vaticanô II có mối liên hệ rõ ràng giữa đổi mới, hoán cải và cải cách. Công đồng khẳng định: “Trên đường lữ hành, Giáo hội được Đức Kitô mời gọi đi tới cải cách luôn luôn, như Giáo hội vẫn cần phải có, xét theo là một tổ chức có phần nhân loại và trần thế; vậy nếu… xảy ra việc… một số sự việc không được tuân giữ cho cẩn thận, thì khi thời gian thuận lợi, phải tiến hành việc sửa đổi cần thiết”[23]. Không một Cộng đồng Kitô nào được miễn trừ khỏi lời kêu gọi này.

Bằng cách tham gia vào cuộc đối thoại thẳng thắn, dưới ánh sáng của Truyền thống Tông đồ, các Cộng đồng giúp nhau, cùng nhau nhìn nhận bản thân. Điều này khiến họ phải tự hỏi, liệu họ có thực sự diễn tả một cách trọn vẹn tất cả những điều mà Chúa Thánh Thần đã truyền qua các Tông đồ hay không[24]. Đối với Giáo Hội Công Giáo, tôi đã thường xuyên nhắc lại những nghĩa vụ và những quan điểm đó, như vào dịp kỷ niệm nước Nga được lãnh nhận phép rửa[25], hoặc dịp ghi nhớ 11 thế kỷ, công cuộc loan báo Tin Mừng của thánh Cyrillô và thánh Mêthôđiô[26]. Mới đây, tôi đã phê chuẩn bản “Phương hướng áp dụng những nguyên tắc và những chuẩn mực về hiệp nhất”, và đã được Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu ban hành, đã áp dụng vào lãnh vực mục vụ những nghĩa vụ và những quan điểm nêu trên [27].

17. Về các Kitô hữu khác, những văn kiện chính của Ủy ban Đức tin và Cơ chế[28] cùng các tuyên ngôn của nhiều cuộc đối thoại song phương, đã đề nghị với các cộng đồng Kitô hữu những công cụ hữu ích để nhận biết những gì cần thiết cho phong trào đại kết, và cho việc hoán cải mà phong trào này truyền cảm hứng. Những nghiên cứu này rất quan trọng từ hai quan điểm: chúng chứng minh sự tiến bộ đáng chú ý đã đạt được, và chúng là nguồn hy vọng, khi chúng thể hiện một nền tảng chắc chắn cho việc nghiên cứu cần phải tiếp tục đào sâu thêm.

Trong tình hình hiện nay của Dân tộc Kitô giáo, việc đào sâu sự hiệp thông trong việc cải cách thường xuyên, được thực hiện theo ánh sáng của truyền thống tông đồ, hẳn là một trong những nét đặc trưng quan trọng nhất của phong trào đại kết. Mặt khác, đây cũng là bảo đảm thiết yếu cho tương lai của phong trào này. Các tín hữu trong Giáo hội Công giáo không thể không biết rằng đà vươn tới Đại kết của Công đồng Vaticanô II là một trong những kết quả từ những việc Giáo hội đã hết sức làm để tự xét mình theo ánh sáng Tin Mừng và Truyền thống vĩ đại. Thánh Gioan XXIII, vị tiền nhiệm của tôi, đã thấu hiểu điều ấy, nên ngay khi triệu tập Công đồng, ngài đã từ chối tách bạch giữa việc canh tân với việc mở ra cho công cuộc đại kết[29]. Và khi kết thúc Công đồng, thánh Phaolô VI đã long trọng dâng hiến ơn kêu gọi hiệp nhất của Công đồng, bằng cách nối lại cuộc đối thoại yêu thương với các Giáo hội đang hiệp thông với Đức Thượng phụ tại Constantinople, và cùng ngài thực hiện một cử chỉ cụ thể đầy ý nghĩa, là “vất vào quên lãng” và làm “tan biến khỏi ký ức và khỏi lòng của Giáo hội” những vụ tuyệt thông trong quá khứ. Điều đáng nhắc lại rằng việc thành lập một cơ quan đặc biệt về các vấn đề đại kết trùng hợp trùng hợp với việc vạch ra con đường chuẩn bị Công đồng Vaticanô II[30] và qua cơ quan này, những ý kiến và đánh giá của các Cộng đồng Kitô khác đã có vị trí trong những phiên thảo luận quan trọng về Mặc Khải, về Giáo hội, về bản chất của Đại kết, và về tự do tôn giáo.

Tầm quan trọng căn bản của Giáo lý

18. Khi lặp lại ý tưởng mà thánh Gioan XXIII đã bày tỏ trong lễ khai mạc Công đồng[31], Sắc lệnh về đại kết làm nổi bật phương cách trình bày giáo lý trong các yếu tố của việc cải cách thường xuyên[32]. Trong bất kỳ bối cảnh này, không có vấn đề biến đổi kho tàng đức tin, thay đổi ý nghĩa các tín điều, loại bỏ những lời thiết yếu, thích nghi chân lý theo các sở thích của một thời đại hay bãi bỏ một số điều trong Kinh Tin Kính với lý do giả tạo là ngày nay không ai hiểu nữa. Sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn chỉ có thể thực hiện trong việc cùng nhau gắn bó với toàn thể nội dung mặc khải của đức tin. Trong vấn đề đức tin, sự thỏa hiệp là mâu thuẫn với Thiên Chúa, Đấng là Sự Thật. Trong nhiệm thể Chúa Kitô, Đấng là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), ai có thể cho là hợp pháp sự hòa giải đạt được nhờ việc hy sinh chân lý? Tuyên ngôn về tự do tôn giáo Dignitatis Humanae của Công đồng nhìn nhận rằng việc tìm kiếm chân lý thuộc về phẩm giá con người, “nhất là trong những điều liên quan tới Thiên Chúa và Giáo hội của Người”[33] và liên quan tới sự gắn bó với những đòi hỏi của Người. Do đó, việc “hiện hữu bên nhau” mà phản bội chân lý thì sẽ nghịch lại với bản tính Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta được hiệp thông với Người, và nghịch lại yêu cầu của chân lý vốn ở sâu trong mọi trái tim của mỗi con người.

19. Tuy nhiên, giáo lý phải được trình bày cách nào dễ hiểu đối với những người mà chính Thiên Chúa đã chỉ định giáo lý ấy cho. Trong Thông điệp Slavorum Apstoli (Tông đồ của người Slavô), tôi đã nhắc lại rằng, chính vì lý do này mà thánh Cryillô và thánh Mêthôđiô đã cố gắng diễn dịch các ý niệm Kinh Thánh, và những khái niệm thần học Hy Lạp vào trong bối cảnh tư tưởng và kinh nghiệm lịch sử rất khác biệt. Các ngài muốn rằng, Lời Chúa “được làm cho trở nên dễ chấp nhận tùy theo phương tiện diễn tả riêng của từng nền văn minh”[34]. Các ngài hiểu rằng không thể “áp đặt trên các dân tộc mà mình rao giảng tính ưu việt không thể chối cãi của tiếng Hy Lạp và của nền văn hóa Byzantine, cũng như những tập quán và cách xử sự của xã hội tiên tiến hơn, trong đó các ngài được đào tạo”[35]. Các ngài đưa ra thực hành “sự hiệp thông hoàn hảo trong yêu thương, đã giữ cho Giáo hội khỏi mọi hình thức cá nhân chủ nghĩa” và “độc chiếm chủ nghĩa sắc tộc”, hoặc định kiến chủng tộc, và từ bất kỳ sự kiêu hãnh quốc gia chủ nghĩa nào”[36]. Cũng với tinh thần đó, tôi đã không ngần ngại nói với các Thổ dân Úc rằng: “Không được để cho anh chị em trở thành dân tộc bị phân mảnh… Đức Giêsu kêu gọi anh chị em đón nhận Lời Chúa và các giá trị của Lời Chúa vào trong nền văn hóa riêng của anh chị em”[37]. Bởi vì tự bản chất, mọi chủ đề của đức tin được dành cho toàn thể nhân loại; các chủ đề ấy phải được diễn dịch trong mọi nền văn hóa. Quả thật, yếu tố xác định sự hiệp thông trong chân lý và cảm thức về chân lý. Diễn tả chân lý có thể có nhiều hình thức. Và sự đổi mới các hình thức diễn tả trở nên cần thiết vì mục đích truyền tải đến mọi người hôm nay sứ điệp Tin Mừng theo ý nghĩa bất biến của nó[38].

“Sự đổi mới này mang một tầm quan trọng đại kết đặc biệt”[39]. Và đây không chỉ là vấn đề đổi mới cách diễn tả đức tin, mà còn là cách sống đúng với đức tin. Vậy chúng ta có thể tự hỏi: ai phải làm việc ấy? Công đồng trả lời rõ ràng cho câu hỏi này: Việc đó “liên quan tới toàn thể Giáo hội, giáo dân cũng như mục tử,… mỗi người, tùy khả năng riêng, hoặc trong đời sống Kitô hữu hằng ngày, hoặc trong những nghiên cứu thần học lịch sử”[40].

20. Tất cả điều này là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa cơ bản đối với hoạt động đại kết. Do đó, hoàn toàn rõ ràng rằng đại kết, phong trào cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu, không chỉ là một loại “phụ lục - appendix” được thêm vào các sinh hoạt truyền thống của Giáo hội. Thay vào đó, đại kết là một phần đời sống và hoạt động của Giáo hội, và  vì thế, đại kết phải thấm nhập vào toàn thể cuộc sống và mọi hoạt động của Giáo hội và như là hoa trái được sinh ra bởi một cây khỏe mạnh và hưng thịnh phát triển đến tầm vóc viên mãn của nó.

Đây là những gì thánh Gioan XXIII tin tưởng vào sự hiệp nhất của Giáo hội và cách mà ngài tìm kiếm sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Nói về các Kitô hữu khác, về đại gia đình Kitô hữu, ngài nhận định: “Những gì hiệp nhất chúng ta với nhau thì lớn hơn nhiều so với những gì chia rẽ chúng ta”. Về phần mình, Công đồng Vaticanô II khuyên chúng ta rằng: “Tất cả các Kitô hữu hãy nhớ rằng, khi nỗ lực sống trọn vẹn theo Tin Mừng, họ sẽ cổ vũ, hơn nữa, họ sẽ càng thực hành sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu một cách tốt đẹp hơn. Thật vậy, khi càng kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì họ lại càng dễ dàng thắt chặt tình huynh đệ với nhau hơn”[41].

Tính ưu việt của lời cầu nguyện

21. “Sự hoán cải của con tim và sự thánh thiện của cuộc sống, cùng với lời cầu nguyện công khai và riêng tư cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, phải được coi như linh hồn của mọi phong trào đại kết và rất xứng đáng được gọi là “Đại kết thiêng liêng”[42].

Chúng ta đang tiến trên đường dẫn tới hoán cải con tim, theo nhịp với tình yêu dâng lên Thiên Chúa và đồng thời đến với anh em, tới mọi anh em, cũng như đến với mọi người không hiệp thông trọn vẹn với chúng ta. Từ tình yêu sinh ra ước muốn hiệp nhất, ngay cả nơi những người vẫn không biết đến nhu cầu hiệp nhất. Tình yêu là tác nhân tạo nên sự hiệp thông giữa người với người, giữa Cộng đồng với Cộng đồng. Nếu chúng ta yêu thương nhau, chúng ta hướng tới việc hiểu sâu sắc hơn về sự hiệp thông, và đưa sự hiệp thông tới mức hoàn thiện. Tình yêu được hiến dâng cho Thiên Chúa như là nguồn hiệp thông hoàn hảo, sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mà chúng ta có thể rút ra từ nguồn đó để xây dựng sự hiệp thông giữa các cá nhân và Cộng đồng, hoặc tái lập sự hiệp thông giữa các Kitô hữu vẫn còn bị chia rẽ. Tình yêu là nguồn suối lớn mang lại sự sống và tiếp thêm sức mạnh cho cuộc hành trình tiến tới sự hiệp nhất.

Tình yêu này tìm thấy biểu hiện đầy đủ nhất của nó trong lời cầu nguyện chung. Khi những anh em không cùng sống trong sự hiệp thông trọn vẹn mà họp nhau cầu nguyện, Công đồng Vaticanô II xác định, sự cầu nguyện của họ như linh hồn của mọi phong trào đại kết. Cầu nguyện là “phương cách rất hữu hiệu để cầu xin ơn hiệp nhất”, “là một biểu hiện chân thực những mối dây liên kết giữa người Công giáo với các anh em ly khai”[43]. Ngay cả khi chúng ta không cầu nguyện cụ thể cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, mà theo những ý nguyện khác, như xin ơn hòa bình chẳng hạn, thì việc cầu nguyện, tự nó cũng trở nên sự diễn tả và củng cố sự hiệp nhất. Việc cầu nguyện chung của các Kitô hữu thỉnh cầu Đức Kitô đến viếng thăm Cộng đồng những người đang khấn xin Người: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20).

22. Khi các Kitô hữu cầu nguyện chung với nhau, mục tiêu hiệp nhất dường như gần hơn. Lịch sử lâu đời của các Kitô hữu còn ghi dấu nhiều đổ vỡ như được xây lại, hướng về Nguồn hiệp nhất của mình là Đức Giêsu Kitô. “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Đức Kitô thực sự hiện diện trong sự hiệp thông của lời cầu nguyện; Người cầu nguyện “trong chúng ta”, “với chúng ta” và “cho chúng ta”. Chính Người hướng dẫn việc cầu nguyện của chúng ta, trong Thánh Thần là Đấng An Ủi mà Người đã hứa và đã ban xuống cho Giáo hội, ngay trong Nhà Tiệc Ly tại Giêrusalem, khi Người thiết lập Giáo hội trong sự hiệp nhất nguyên thủy.

Dọc theo con đường đại kết dẫn đến sự hiệp nhất, niềm tự hào về nơi chốn chắc chắn thuộc về lời cầu nguyện chung, sự kết hiệp cầu nguyện của những người quy tụ quanh chính Đức Kitô. Bất chấp sự chia rẽ của họ, nếu các Kitô hữu có thể trở nên hiệp nhất hơn bao giờ hết trong lời cầu nguyện chung quanh Đức Kitô, họ sẽ phát triển trong nhận thức về việc làm thế nào để bớt chia rẽ họ hơn so với những gì kết hợp họ với nhau. Nếu họ gặp nhau thường xuyên và chuyên cần hơn, trước mặt Đức Kitô trong lời cầu nguyện, họ sẽ có thể có được can đảm để đối mặt với tất cả thực tế đau đớn của con người trong sự chia rẽ của mình, và họ sẽ lại gặp nhau trong cộng đồng của Giáo hội mà Đức Kitô không ngừng xây dựng trong Chúa Thánh Thần, bất chấp mọi yếu đuối và giới hạn của con người.

23. Cuối cùng, sự thông công trong cầu nguyện khiến mọi người nhìn vào Giáo hội và Kitô giáo theo một cách mới. Thực tế không được quên rằng Đức Kitô đã cầu nguyện với Chúa Cha ban ơn hiệp nhất cho các môn đệ, để sự hiệp nhất của họ có thể làm chứng cho sứ vụ của mình, và để thế gian có thể tin rằng Chúa Cha đã sai Người (x. Ga 17,21). Có thể nói rằng phong trào đại kết, theo một nghĩa nào đó, được sinh ra từ kinh nghiệm tiêu cực của mỗi người, khi loan báo Tin Mừng duy nhất, đã cứ cho mình là thuộc Giáo hội riêng của mình hoặc Cộng đồng Giáo hội của mình. Đây là một mâu thuẫn không thể giấu được những người lắng nghe sứ điệp cứu rỗi, và thực tế đây là một trở ngại cho việc đón nhận Tin Mừng. Đáng tiếc, trở ngại nghiêm trọng này đã không được khắc phục. Đúng là chúng ta chưa hiệp thông trọn vẹn. Tuy nhiên, bất chấp sự chia rẽ của chúng ta, chúng ta đang trên đường hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn, sự hiệp nhất đó đã đánh dấu Giáo hội Tông truyền ngay từ ban đầu, sự hiệp nhất mà chúng ta thành tâm tìm kiếm. Lời cầu nguyện chung của chúng ta, được cảm hứng từ đức tin, là bằng chứng về điều này. Trong lời cầu nguyện đó, chúng ta quy tụ lại với nhau nhân danh Đức Kitô là Đấng duy nhất. Người chính là sự hiệp nhất của chúng ta.

Lời cầu nguyện “đại kết” phục vụ cho sứ vụ và tính khả tín của Kitô giáo. Vì thế, cầu nguyện phải đặc biệt hiện diện trong đời sống Giáo hội và trong các sinh hoạt nhằm mục đích cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu. Như thể chúng ta liên tục cần phải quay lại và họp nhau trong nhà Tiệc ly vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, mặc dù sự hiện diện của chúng ta ở nơi đó sẽ không hoàn hảo cho đến khi những trở ngại cho sự hiệp thông Giáo hội hoàn toàn được khắc phục, và tất cả các Kitô hữu có thể tập hợp lại với nhau cử hành bí tích Thánh Thể[44].

24. Thật là một niềm vui khi thấy rằng nhiều cuộc gặp gỡ đại kết hầu như luôn luôn bao gồm và thực sự đạt đến đỉnh điểm trong việc cầu nguyện. Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, cử hành trong tháng Giêng hàng năm, hay ở một số nước vào lễ Ngũ Tuần, đã trở thành truyền thống phổ biến và vững bền. Nhưng cũng có nhiều dịp khác trong năm khi các Kitô hữu được hướng dẫn để cầu nguyện chung với nhau. Trong bối cảnh này, tôi muốn đề cập đến trải nghiệm đặc biệt về những cuộc hành hương của Giáo hoàng đến các Giáo hội khác nhau, ở các châu lục và quốc gia khác nhau thuộc phong trào đại kết [oikoumene] ngày nay. Tôi rất ý thức rằng đó là Công đồng Vaticanô II đã hướng dẫn Giáo hoàng thực thi sứ vụ tông đồ của mình theo cách đặc biệt này. Thậm chí có thể nói xa hơn. Công đồng đã biến những chuyến viếng thăm này của Giáo hoàng thành một trách nhiệm cụ thể trong việc thực hiện vai trò của Giám mục Rôma trong việc phục vụ sự hiệp thông[45]. Các chuyến viếng thăm của tôi hầu như luôn bao gồm một cuộc gặp gỡ đại kết và cầu nguyện chung với các anh chị em của chúng ta, những người đang tìm kiếm sự hiệp nhất trong Đức Kitô và trong Giáo hội của Người. Với cảm xúc sâu sắc, tôi đặc biệt nhớ tới việc cầu nguyện chung với Đức Giáo chủ cộng đồng Anh giáo, trong nhà thờ chính tòa Canterbury ngày 29 tháng 5 năm 1982, trong ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ này, tôi nhận ra “một chứng từ hùng hồn của những năm dài chúng ta cùng có chung một di sản, và cũng những năm buồn sầu vì chia rẽ tiếp theo”[46]; tôi cũng không thể quên những cuộc gặp gỡ trong các nước Bắc Âu và bán đảo Scandinavia (từ 1 đến 10 tháng 6 năm 1989), tại Mỹ châu hay Phi châu, hay buổi cầu nguyện ở Văn phòng Hội đồng đại kết các Giáo hội (12 tháng  6 năm 1984), cơ quan có mục đích kêu gọi các Giáo hội và Cộng đồng, là thành viên của Hội đồng, đi tới “đích hiệp nhất hữu hình trong một đức tin và một sự Hiệp thông vào lễ Tạ ơn, được diễn tả trong phụng tự và đời sống chung trong Đức Kitô”[47]. Và làm sao tôi có thể quên được khi tôi tham dự phụng vụ Thánh Thể thuộc về Giáo hội của Saint George, tại Tòa Thượng phụ đại kết (30 tháng 11 năm 1979), và việc cử hành thánh lễ trong Vương cung thánh đường thánh Phêrô, nhân cuộc viếng thăm Rôma của người Anh em đáng kính của tôi, là Đức Thượng phụ Dimitrios I (ngày 6 tháng 12 năm 1987). Trong dịp này, tại bàn thờ Tuyên tín, chúng tôi cùng đọc Kinh Tin Kính Nicea - Constantinopoli, theo nguyên bản tiếng Hy Lạp. Thật khó mà diễn tả bằng một vài từ ngữ về những nét đặc thù độc đáo của mỗi dịp cầu nguyện này. Vì những lệ thuộc hoàn cảnh đến từ quá khứ, cách này hay cách khác, còn đè nặng trên những cuộc gặp gỡ, nhưng các cuộc gặp gỡ này đều có một sức thuyết phục riêng và duy nhất. Tất cả đã trở thành một phần trong ký ức của Giáo hội, khi mà Giáo hội được chính Đấng An Ủi hướng dẫn, để tìm kiếm sự hiệp nhất trọn vẹn của tất cả các tín hữu trong Đức Kitô.

25. Không chỉ có Giáo hoàng đã trở thành một người hành hương. Mà trong những năm gần đây, có nhiều vị Đại diện đáng kính của các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác đã đến thăm tôi tại Rôma, và tôi đã có thể cùng họ tham dự buổi cầu nguyện, cả ở nơi công cộng cũng như tại tư gia. Tôi đã nhắc lại sự hiện diện của Đức Thượng phụ đại kết Dimitrios I. Tôi cũng muốn nhớ lại cuộc gặp gỡ cầu nguyện, trong vương cung thánh đường thánh Phêrô, đã hiệp nhất tôi với các vị Tổng Giám mục thuộc Giáo hội Lutherô, Giáo chủ Thụy Điển và Phần Lan, để cử hành buổi Phụng vụ Kinh chiều vào dịp kỷ niệm 6 năm phong hiển thánh cho thánh nữ Brigitta (5 tháng 10 năm 1991). Đây chỉ là một ví dụ, bởi vì ý thức về nghĩa vụ cầu nguyện cho sự hiệp nhất đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của Giáo hội. Không có một sự kiện quan trọng và ý nghĩa nào mà lại không được thêm phong phú nhờ sự hiện chung với nhau và lời cầu nguyện của các Kitô hữu. Tôi không thể đưa ra một danh sách đầy đủ các cuộc gặp gỡ như vậy, mặc dù mỗi cuộc gặp đều đáng để được đề cập tới. Quả thật, Chúa đã nắm lấy tay chúng ta và Người đang hướng dẫn chúng ta. Những trao đổi và cầu nguyện chung đó đã viết ra hết trang này tới trang khác trong cuốn “Sách Hiệp nhất” của chúng ta, một cuốn sách mà chúng ta phải luôn luôn lật từng trang để đọc đi đọc lại, để từ đó rút ra nguồn cảm hứng và hy vọng mới.

26. Sự cầu nguyện, cộng đồng cầu nguyện, bao giờ cũng cho chúng ta tìm được chân lý Tin Mừng của lời này: “Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,9), lời thưa, Abba! Cha ơi! được kêu cầu bởi chính Đức Giêsu, Đấng là Con Một duy nhất, đồng bản thể với Chúa Cha. Và chân lý khác: “Vì anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23,8). Lời cầu nguyện “đại kết” biểu lộ chiều kích căn bản của tình huynh đệ trong Đức Kitô, Đấng đã chịu chết để quy tụ mọi con cái Thiên Chúa đang bị tản lạc về, để một khi trở thành “những người con trong Con” (x. Ep 1,5), chúng ta sẽ phản ánh đầy đủ thực tại khôn dò của tâm tình hiền phụ của Thiên Chúa, và đồng thời, phản ánh chân lý về tính nhân loại của từng người và của tất cả mọi người.

Lời cầu nguyện “đại kết”, lời cầu nguyện của anh chị em, diễn tả điều ấy. Vì họ đã chia rẽ, bây giờ họ đoàn kết trong Đức Kitô với niềm hy vọng mạnh mẽ hơn, phó thác cho Người tương lai của đại kết và hiệp thông. Về việc này, có thể trưng dẫn cách rất hợp thời giáo huấn của Công đồng: “Khi Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha “để tất cả nên một, như chúng ta là một” (Ga 17,21-22), thì Người đã mở ra những viễn tượng mà trí khôn loài người không thể đạt tới, và Chúa đã gợi ý rằng, có một sự tương tự nào đó giữa sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa và sự đoàn kết của con cái Thiên Chúa, trong chân lý và tình yêu”[48].

Việc hoán cải của con tim là điều kiện thiết yếu cho mọi cuộc tìm kiếm đích thực cho sự hiệp nhất, phát sinh từ lời cầu nguyện, đưa cuộc tìm kiếm ấy tới hiện thực: “Chính từ sự canh tân tinh thần, sự từ bỏ chính mình, và sự chan hòa bác ái yêu thương, mà những ước vọng hiệp nhất được phát sinh và chín mùi. Do vậy, ta phải cầu khẩn Chúa Thánh Thần để xin Người ban ơn chân thành xả kỷ, ơn khiêm tốn và khoan dung để phục vụ, ơn quảng đại trong tình huynh đệ đối với tha nhân”[49].

27. Cầu nguyện cho sự hiệp nhất không phải là vấn đề chỉ dành riêng cho những người thực sự trải nghiệm sự thiếu hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Trong cuộc đối thoại cá nhân sâu sắc mà mỗi chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện với Chúa, mối quan tâm về sự hiệp nhất không thể vắng bóng được. Thực tế, chỉ bằng cách này, mối quan tâm đó mới hoàn toàn trở thành một phần của thực tế cuộc sống của chúng ta và của những sự dấn thân mà chúng ta đã thực hiện trong Giáo hội. Đó là để tái khẳng định bổn phận này mà tôi đã đặt ra trước tín hữu của Giáo hội Công giáo một mô hình mà tôi cho là mẫu mực, mẫu mực của nữ đan sĩ dòng Xitô Nhặt phép, Chân phước Maria Gabriella Hiệp nhất, người mà tôi đã phong chân phước vào ngày 25 tháng 1 năm 1983[50]. Nữ đan sĩ Maria Gabriella được kêu mời bước vào một ơn gọi tách biệt khỏi thế gian, đã hiến cả cuộc đời cho việc suy niệm và cầu nguyện, được chú tâm vào Tin Mừng Gioan, chương 17, và đã dâng cuộc đời mình cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Đây thực sự là nền tảng của mọi lời cầu nguyện: sự dâng hiến trọn vẹn và vô điều kiện của cuộc sống của một người cho Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Tấm gương của Chị Maria Gabriella mang tính giáo dục; nó giúp chúng ta hiểu rằng, không có thời điểm, tình huống hay nơi chốn nào dành riêng để cầu nguyện cho hiệp nhất cả. Lời cầu nguyện của Đức Kitô dâng lên Chúa Cha được như một gương mẫu cho mọi người, mọi thời và ở mọi nơi.

Đối thoại đại kết

28. Nếu cầu nguyện là “linh hồn” của canh tân đại kết và khao khát sự hiệp nhất, thì tất cả những gì Công đồng định nghĩa là “đối thoại” đều đặt cơ sở trên cầu nguyện và nhận được từ đó một sự đỡ nâng. Định nghĩa này chắc chắn không phải là không có liên hệ đến lối suy nghĩ cá nhân ngày nay. Năng lực “đối thoại” bắt nguồn ngay từ bản chất và phẩm giá của con người. Như quan điểm triết học cho thấy, cách tiếp cận này được liên kết với chân lý Kitô giáo liên quan đến con người như được Công đồng bày tỏ: Quả thật, con người là “thụ tạo duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ”; vì thế, con người không thể “hoàn toàn tìm thấy bản thân ngoại trừ khi chân thành trao ban chính mình”[51]. Đối thoại là một bước không thể thiếu trên con đường hướng tới việc con người hoàn thiện chính mình, hoàn thiện cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng nhân loại. Mặc dù khái niệm “đối thoại” có thể ưu tiên cho chiều kích nhận thức (dia-logos), nhưng tất cả các cuộc đối thoại đều bao hàm một chiều kích toàn cầu, mang tính hiện sinh. Nó liên quan đến chủ thể con người trong toàn bộ của mình; đối thoại giữa các Cộng đồng liên quan một cách đặc biệt về tư cách chủ thể của mỗi Cộng đồng đó.

Chân lý về đối thoại, từng được thánh Phaolô VI diễn tả sâu sắc trong Thông điệp Ecelesiam Suam[52], cũng được Công đồng nêu lên trong hoạt động giảng dạy và đại kết của mình. Đối thoại không chỉ đơn giản là một cuộc trao đổi ý tưởng. Theo một cách nào đó, đối thoại luôn luôn là một sự “trao đổi hồng ân”[53].

29. Vì thế, sắc lệnh của Công đồng về đại kết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “mọi nỗ lực loại bỏ những lời nói, những xét đoán, những hành vi không phù hợp, trong công bình hay không đúng sự thật về các anh em ly khai, làm cho mối tương giao với nhau trở nên khó khăn hơn”[54]. Sắc lệnh này đề cập đến vấn đề theo quan điểm của Giáo hội Công giáo và trình bày những tiêu chuẩn Giáo hội phải áp dụng đối với các Kitô hữu khác. Trong tất cả những điều ấy, dĩ nhiên phải có sự hỗ tương. Nơi theo những tiêu chuẩn này là một bổn phận của từng bên muốn đối thoại và là một điều tiên quyết để mở đầu cuộc đối thoại. Phải đi từ một lập trường đối đầu và xung khắc, đến một lập trường mà bên này bên kia nhận nhau như người cùng hội cùng thuyền. Khi ta bắt đầu đối thoại với nhau, mỗi bên phải giả thiết trước một ý muốn hòa giải nơi người đối thoại với mình, ý muốn hiệp nhất trong sự thật. Để thực hiện điều này, phải làm biến tan đi những biểu hiện thù địch lẫn nhau. Chỉ có như vậy, cuộc đối thoại mới giúp vượt qua sự chia rẽ và đưa chúng ta đến gần hơn với sự hiệp nhất.

30. Có thể nói, với ý thức biết ơn sâu sắc đối với Thánh Thần Chân lý, chúng ta có thể khẳng định rằng Công đồng Vaticanô II đã là thời cơ đầy ân phúc, trong đó đã quy tụ những điều kiện thiết yếu cho việc Giáo hội Công giáo tham gia vào cuộc đối thoại đại kết. Đồng thời, sự hiện diện của nhiều quan sát viên từ các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác nhau, sự tham gia sâu sắc của họ vào các sự kiện của Công đồng, nhiều cuộc gặp gỡ và lời cầu nguyện chung mà Công đồng đưa ra đã đóng góp để thực hiện cụ thể những điều kiện để cùng nhau đối thoại. Trong Công đồng, các đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác đã trải nghiệm sự sẵn sàng của hàng Giám mục Công giáo trên toàn thế giới, và đặc biệt là Tòa thánh, để tham gia đối thoại.

Những cơ cấu đối thoại địa phương

31. Việc dấn thân của Giáo hội về đối thoại đại kết, như đã xuất hiện rõ ràng từ Công đồng, không phải chỉ là trách nhiệm của Tòa thánh, mà cũng là nhiệm vụ của các Giáo hội địa phương hoặc các cá nhân. Các ủy ban đặc biệt để bồi dưỡng tinh thần đại kết và hoạt động đại kết đã được thành lập bởi các Hội đồng Giám mục và các Thượng hội đồng của các Giáo hội Công giáo Đông phương. Các cấu trúc phù hợp tương tự như các cấu trúc này đang hoạt động trong các Giáo phận riêng lẻ. Những sáng kiến này là một dấu chỉ của sự dấn thân cụ thể và rộng rãi của Giáo hội Công giáo trong việc áp dụng các hướng dẫn của Công đồng về phong trào đại kết: đây là một khía cạnh thiết yếu của phong trào đại kết[55]. Đối thoại không chỉ được thực hiện; nó đã trở thành một nhu cầu hoàn toàn rõ ràngmột trong những ưu tiên của Giáo hội. Do đó, “phương pháp” đối thoại đã được cải thiện, chính điều này đã giúp tinh thần đối thoại phát triển. Trong bối cảnh này, phải đề cập đến vấn đề đầu tiên là “đối thoại giữa các chuyên gia có thẩm quyền từ các Giáo hội và Cộng đồng khác nhau. Trong các cuộc gặp gỡ của họ, được tổ chức theo tinh thần tôn giáo, mỗi người giải thích việc giảng dạy về sự Hiệp thông của mình sâu sắc hơn và đưa ra rõ ràng tính năng đặc biệt của nó”[56]. Hơn nữa, sẽ rất hữu ích cho tất cả các tín hữu làm quen với phương pháp làm cho đối thoại có thể đạt được.

32. Cũng như Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo của Công đồng khẳng định: “Chân lý phải được tìm kiếm theo cách phù hợp với phẩm giá của con người và bản chất xã hội của con người. Trong quá trình này, mọi người giải thích cho nhau chân lý mà họ đã phát hiện ra, hoặc nghĩ rằng họ đã phát hiện ra, để hỗ trợ nhau trong quá trình tìm kiếm chân lý. Hơn nữa, một khi chân lý được biết đến, mỗi người phải kiên quyết gắn bó với chân lý ấy bằng cả niềm xác tín cá nhân của mình”[57].

Đối thoại đại kết có một tầm quan trọng thiết yếu. “Qua đối thoại này, mọi người tiếp thu một kiến thức phù hợp với chân lý và một đánh giá đúng mức về Giáo lý và cuộc sống của từng Cộng đồng; những Cộng đồng này cũng đi tới một sự cộng tác rộng rãi hơn, trong mọi việc nhằm công ích theo yêu sách của mọi lương tâm Kitô giáo, và họ tập họp lại để cầu nguyện chung, ở những nơi được phép. Sau cùng, tất cả mọi người xét mình về lòng trung thành đối với ý muốn của Đức Kitô về Giáo hội, và hăm hở bắt tay ngay vào việc canh tân và cải tạo”[58].

Việc đối thoại như một cuộc kiểm điểm lương tâm

33. Đúng theo ý hướng của Công đồng, cuộc đối thoại hiệp nhất mang tính cách một việc cùng nhau tìm kiếm chân lý, đặc biệt trong những gì liên quan tới Giáo hội. Quả vậy, chân lý đào tạo các lương tâm và hướng dẫn hành động của lương tâm nhằm tới hiệp nhất. Đồng thời, chân lý đòi lương tâm và hành động của anh em Kitô hữu ly khai phải đối diện với lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho sự hiệp nhất. Có một động lực giữa cầu nguyện và đối thoại, một sự cầu nguyện sâu sắc và sáng suốt hơn sẽ làm cho cuộc đối thoại đạt tới kết quả dồi dào hơn. Nếu một mặt, cầu nguyện là điều kiện cho đối thoại, thì mặt khác, cầu nguyện là hoa quả của đối thoại, một cách luôn luôn hoàn bị hơn.

34. Nhờ đối thoại đại kết, chúng ta có thể nói đến một sự trưởng thành lớn hơn trong lời cầu nguyện đại kết chung của chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện cho nhau.

Việc này được trở nên có thể tùy theo mức độ mà cuộc đối thoại cũng đồng thời làm trọn vai trò kiểm điểm lương tâm. Về việc này, làm sao chúng ta lại không nhớ tới những lời trong Thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1,8-9). Thánh Gioan còn đi xa hơn nữa khi thánh nhân khẳng định rằng: “Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1Ga 1,10). Một lời kêu gọi triệt để như vậy giúp chúng ta nhìn nhận kiếp sống tội nhân của ta, cũng phải là một trong những nét đặc sắc của tinh thần mà trong đó chúng ta đang đi tới cuộc đối thoại đại kết. Nếu cuộc đối thoại này không trở nên một cuộc kiểm điểm lương tâm, cách nào đó, là một “đối thoại lương tâm”, thì liệu chúng ta có thể cậy trông đến lời bảo đảm mà cũng lá thư này thông báo cho chúng ta không? “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1Ga 2,1-2). Tất cả tội lỗi thế gian đã được mang lấy trong hy tế cứu độ của Đức Kitô, và như thế, cả các tội chúng ta đã phạm đến sự hiệp nhất các Kitô hữu nữa. Tội của các Kitô hữu, của mục tử cũng không kém tội của tín hữu. Dù sau biết bao tội lỗi mang lại những chia rẽ trong lịch sử, sự hiệp nhất các Kitô hữu vẫn có thể thực hiện được, miễn là chúng ta phải khiêm nhường ý thức mình đã phạm tội chống lại sự hiệp nhất và xác tín về sự cần thiết phải hoán cải. Không chỉ có những tội cá nhân phải được thứ tha và thắng vượt, mà cả những tội xã hội, có thể nói là cả những “cơ chế” tội lỗi, đã đưa đến và có thể đưa đến sự phân ly và củng cố phân ly.

35. Một lần nữa Công đồng lại giúp đỡ chúng ta. Có thể nói toàn bộ Sắc lệnh về đại kết được thấm nhuần tinh thần hoán cải[59]. Trong văn kiện này, đối thoại đại kết mang một tính cách đặc thù; nó trở thành “đối thoại của hoán cải” và như vậy, theo thành ngữ của thánh Phaolô VI, trở thành “đối thoại của ơn cứu thoát”[60]. Cuộc đối thoại không thể diễn tiến chỉ theo chiều hướng vận hành ở hàng ngang, giới hạn ở việc gặp gỡ, trao đổi quan điểm hay những hồng ân riêng cho từng Cộng đồng. Đối thoại cũng còn và nhất là vươn tới chiều dọc, hướng về Đấng Cứu Độ trần gian và là Chúa của lịch sử, Người là chính sự Giao Hòa của chúng ta. Chiều kích hướng thượng của đối thoại đứng trong sự nhìn nhận chung và đối với nhau thân phận của chúng ta là những người nam cũng như nữ đã phạm tội. Chính cuộc đối thoại mở ra cho những anh em trong các Cộng đồng chưa được hoàn toàn hiệp thông với nhau một không gian nội tâm, nơi đó Đức Kitô là Đấng hiệp nhất Giáo hội có thể hành động hữu hiệu với tất cả quyền năng của Thánh Thần an ủi.

Đối thoại để giải quyết những bất đồng

36. Đối thoại cũng là một dụng cụ tự nhiên để đối chiếu những quan điểm dị biệt và nhất là để xét duyệt những bất đồng gây cản trở cho việc hiệp thông trọn vẹn giữa các Kitô hữu. Sắc lệnh về đại kết trước tiên chủ ý mô tả những trạng thái nội tâm theo đó phải đề cập những hoán cải về giáo lý: “Trong đối thoại đại kết, các nhà thần học Công giáo, gắn bó với Giáo lý của Giáo hội, còn phải tiến hành trong tình yêu chân lý, bác ái và khiêm nhường, trong khi cùng với các anh em ly khai tiến hành việc nghiên cứu các mầu nhiệm của Chúa[61].

Tình yêu chân lý là chiều kích sâu xa nhất trong việc tìm kiếm đích thực sự hiệp thông trọn vẹn giữa các Kitô hữu. Không có tình yêu này, thì không thể đề cập những khó khăn khách quan trong phạm vi thần học, văn hóa, tâm lý và xã hội mà gặp thấy trong khi xét duyệt những bất đồng. Tinh thần bác ái và khiêm nhường phải gắn liền với chiều kích nội tâm và cá nhân: bác ái với người cùng đối thoại, khiêm nhường trước chân lý mà ta phát hiện và có thể đòi ta duyệt lại một số khẳng định hay một số thái độ.

Trong những gì liên quan tới việc nghiên cứu những bất đồng, Công đồng yêu cầu phải trình bày rõ ràng toàn bộ Giáo lý. Đồng thời Công đồng đòi hỏi, trong việc trình bày Giáo lý Công giáo, phải làm cho cách thế và phương pháp trình bày không được gây trở ngại cho cuộc đối thoại với các anh em ly khai[62]. Chắc chắn là có thể làm chứng về đức tin của mình và giải thích Giáo lý về đức tin ấy, bằng một cách chính đáng, thẳng thắn và dễ hiểu, mà vẫn đồng thời quan tâm đến nhiều loại tâm trí và kinh nghiệm lịch sử cụ thể của người khác.

Dĩ nhiên, việc hiệp thông toàn vẹn phải được thực hiện bằng việc chấp nhận tâm lý toàn bộ mà Chúa Thánh Thần dẫn đưa các môn đệ Đức Kitô tới. Cho nên phải tuyệt đối tránh mọi hình thức chủ trương rút bớt hay “chủ trương đồng hợp” dễ dãi. Những vấn đề nghiêm trọng phải được giải quyết, vì nếu không được giải quyết, thì vào những thời điểm khác, chúng lại xuất hiện dưới cùng một hình thức hay dưới một bộ khác.

37. Sắc lệnh Unitatis Redintegratio (Tái lập sự hiệp nhất) cũng xác định một tiêu chuẩn phải giữ khi người Công giáo phải trình bày và so sánh các Giáo lý: “Họ phải nhớ rằng có một thứ tự hay một “phẩm trật” các chân lý của Giáo lý Công giáo, vì tương quan khác nhau của các chân lý ấy với nền tảng đức tin Kitô giáo. Và như là vạch ra một con đường thúc giục tất cả mọi người Công giáo, trong sự thi đua huynh đệ, đi tới sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc hơn và trình bày trong sáng hơn những kho báu khôn dò của Đức Kitô”[63].

38. Trong việc đối thoại, ta không thể tránh đụng chạm tới vấn đề các kiểu nói khác nhau được dùng để diễn tả Giáo lý trong nhiều Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội, điều này từng sinh ra nhiều hậu quả đối với nghĩa vụ đại kết.

Trước tiên, về những kiểu diễn đạt Giáo lý khác biệt với công thức quen dùng trong Cộng đồng mà ta là thành phần, ta nên phân biệt xem có phải là những lời ấy không bao hàm cũng một nội dung chăng, như đã nhận thấy chẳng hạn trong các tuyên ngôn chung mới đây, được ký giữa một bên là các vị tiền nhiệm của tôi hay chính tôi, một bên là các Đấng Thượng phụ của các Giáo hội mà từ bao thế kỷ đã có với chúng ta một tranh luận về Kitô học. Về những gì liên hệ đến việc công thức hóa các chân lý mặc khải, Tuyên ngôn Mysterium Ecelesiae (Mầu nhiệm Giáo hội) khẳng định: “Những chân lý mà Giáo hội thực sự nghĩ mình giảng dạy qua những công thức tín lý, chắc chắn khác biệt với những quan niệm đổi thay riêng cho từng thời đại nhất định; nhưng không loại trừ việc những chân lý ấy cũng được tùy thời công thức hóa, ngay cả bởi quyền giáo huấn, bằng những lời riêng mang dấu vết các quan niệm như thế. Sau khi suy xét mọi mặt, ta phải nói rằng những công thức [formulas] tín lý của Quyền Giáo huấn ngay từ ban đầu đã xứng hợp để thông truyền chân lý mặc khải và vẫn không thay đổi, những công thức này luôn thông truyền chân lý ấy cho những người sẽ giải thích chúng một cách đúng đắn”[64]. Về đề tài này, đối thoại đại kết, khi kích thích các bên liên hệ chất vấn nhau, thấu hiểu nhau, giải thích lẫn cho nhau, sẽ cho phép ta có được nhiều khám phá bất ngờ. Những cuộc bút chiến và cuộc tranh luận bất khoan nhượng đã đưa ra những khẳng định không tương thích với những điều thực sự chỉ là kết quả của hai cách nhìn khác nhau về cùng một thực tại. Ngày nay chúng ta cần tìm ra công thức, bằng cách nắm bắt toàn bộ thực tại, sẽ cho phép chúng ta vượt qua những bài đọc cục bộ và loại đi những giải thích sai lầm.

Một trong những lợi thế của phong trào đại kết là nó giúp các Cộng đồng Kitô giáo khám phá ra phong phú có không thể chối cãi của chân lý. Ở đây cũng vậy, mọi thứ mà Thánh Linh mang lại trong “những người khác” có thể phục vụ cho việc xây dựng tất cả các Cộng đồng[65], và theo một nghĩa nào đó, hướng dẫn họ trong mầu nhiệm của Đức Kitô. Đại kết một cách chân thực chính là một ân huệ để phục vụ chân lý.

39. Cuối cùng, cuộc đối thoại đặt ra trước những người tham gia những bất đồng thực sự và liên quan đến các vấn đề đức tin. Trên hết, những bất đồng này cần phải đối diện với tinh thần bác ái huynh đệ chân thành, tôn trọng yêu cầu của lương tâm của chính mình và của lương tâm phía người đối thoại, với sự khiêm nhường thẳm sâu và yêu mến sự thật. Việc xem xét những bất đồng như vậy có hai điểm tham khảo thiết yếu: Kinh thánh và Truyền thống vĩ đại của Giáo hội. Người Công giáo còn có sự giúp đỡ của các Huấn quyền luôn sinh động của Giáo hội.

Thực thi sự cộng tác

40. Mối liên hệ giữa các Kitô hữu không chỉ nhằm mục đích hiểu biết lẫn nhau, cầu nguyện chung và đối thoại với nhau. Những liên lạc ấy còn tiên liệu và yêu cầu ngay từ bây giờ tất cả mọi hình thức hợp tác thực tế có thể có ở mọi cấp độ: mục vụ, văn hóa và xã hội, cũng như việc làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng[66].

“Sự cộng tác giữa tất cả các Kitô hữu thể hiện một cách sinh động mối hiệp thông vốn đã liên kết với họ với nhau, và nó đặt ra một cách rõ ràng hơn các đặc điểm của Đức Kitô, Người Tôi Trung”[67]. Sự cộng tác này dựa trên đức tin chung của chúng ta không những chứa đầy sự hiệp thông huynh đệ, mà còn là một biểu hiện của chính Đức Kitô.

Hơn nữa, sự cộng tác tác đại kết là một trường học thực sự của đại kết, một con đường năng động để hiệp nhất. Sự hiệp nhất hành động dẫn đến sự hiệp nhất trọn vẹn của đức tin: “Nhờ sự hợp tác như vậy, tất cả những người tin vào Đức Kitô có thể dễ dàng học cách họ có thể hiểu nhau hơn và quý trọng nhau hơn, và con đường đến sự hiệp nhất của Kitô hữu có thể được tạo ra một cách trơn tru”[68].

Trong con mắt của thế giới, sự cộng tác giữa các Kitô hữu trở thành một hình thức làm chứng Kitô giáo cách phổ biến, và trở nên phương tiện loan báo Tin Mừng vì lợi ích của tất cả những người liên quan.

CHƯƠNG II - NHỮNG THÀNH QUẢ CỦA VIỆC ĐỐI THOẠI

Tái khám phá tình huynh đệ

41. Những gì đã được nói ở trên về cuộc đối thoại đại kết kể từ khi kết thúc Công đồng truyền cảm hứng cho chúng ta để tạ ơn Thánh Thần Chân lý mà Đức Kitô đã hứa ban cho các Tông đồ và Giáo hội (x. Ga 14,26). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, những nỗ lực nhân danh sự hiệp nhất Kitô giáo đã chiếm tỷ lệ lớn như vậy và trở nên rộng lớn. Đây thực sự là hồng ân bao la Thiên Chúa ban cho chúng ta và chúng ta phải cảm tạ tri ân. Từ sự sung mãn của Đức Kitô, ta nhận “hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). Nhận biết những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta, đó là điều kiện chuẩn bị để chúng ta đón nhận những hồng ân cần thiết hơn, để đưa tới chỗ hoàn tất hoạt động đại kết vì sự hiệp nhất.

Một cái nhìn tổng thể trong 30 năm qua, cho phép chúng ta đánh giá cao hơn vì nhiều thành quả của việc cùng nhau trở về với Tin Mừng, mà Thánh Thần của Thiên Chúa đã mang lại ngang qua phong trào đại kết.

42. Chẳng hạn, theo tinh thần của Bài Giảng trên Núi, các Kitô hữu của một Giáo hội từ nay không còn coi những Kitô hữu khác như những thù địch hay xa lạ, mà coi họ là anh chị em mình. Một mặt, ngay từ ngữ “anh em ly khai”, thói quen bây giờ cũng có khuynh hướng muốn thay bằng những từ thích hợp hơn, để gợi lên sự hiệp thông sâu xa gắn liền với ấn tích thanh tẩy, mà Chúa Thánh Thần hằng nuôi dưỡng, mặc dù có những chia ly mang tính lịch sử và giáo luật. Hôm nay chúng ta nói về “các Kitô hữu khác”, “những người khác đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội” và “Kitô hữu thuộc các Cộng đồng khác”. Nhưng “Bản hướng dẫn việc áp dụng những nguyên tắc và quy luật về Đại kết”gọi những Cộng đồng của các Kitô hữu ấy là “những Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo”[69]. Việc mở rộng vốn từ vựng này cho thấy sự thay đổi đáng kể về thái độ. Có một cảm thức được gia tăng rằng, tất cả chúng ta đều thuộc về Đức Kitô. Cá nhân tôi đã nhiều lần có thể quan sát điều này trong những cuộc cử hành đại kết, một phần quan trọng của các chuyến viếng thăm tông du của tôi đến nhiều nơi trên thế giới, và những lần gặp gỡ và cử hành đại kết diễn ra tại Rôma. “Tình huynh đệ đại đồng” của Kitô hữu đã trở nên niềm xác tín vững vàng về đại kết. Để rơi vào quên lãng những vụ tuyệt thông trong quá khứ, những Cộng đồng đã một thời tranh chấp, ngày nay lại giúp đỡ nhau trong nhiều trường hợp: đôi khi người ta cho nhau mượn nơi thờ phượng; người ta tặng những học bổng để đào tạo thừa tác viên cho những Cộng đồng thiếu phương tiện; phương pháp tiếp cận được thực hiện giúp chính quyền dân sự bảo vệ cho các Kitô hữu khác đang bị đàn áp bất công; và sự vu khống mà một số nhóm đã từng là nạn nhân.

Nói một cách dễ hiểu, các Kitô hữu đã được trở về với tình bác ái huynh đệ bao bọc tất cả môn đệ Đức Kitô. Nếu như vì những cuộc nổi dậy chính trị bạo động mà xảy ra một sự xung đột hay tinh thần báo thù nào đó trong những tình huống cụ thể, thì quyền bính các bên liên hệ thường đã quan tâm làm nổi bật lên “Luật mới” của tinh thần yêu đương. Thật không may, tinh thần này đã không thể biến đổi mọi tình huống nơi xung đột tàn khốc đẫm máu. Trong những trường hợp như vậy, những người đã dấn thân cho Đại kết thường được yêu cầu đưa ra những lựa chọn thực sự là anh hùng.

Cần phải khẳng định lại về vấn đề này rằng việc nhận ra tình huynh đệ không phải là kết quả của lòng nhân ái độ lượng hay tinh thần gia tộc mơ hồ nào đó. Tình huynh đệ này bắt nguồn từ việc nhìn nhận sự hiệp nhất của Bí tích Rửa tội, và bổn phận tiếp theo để tôn vinh Thiên Chúa qua công trình của Người. Bản chỉ dẫn để áp dụng các nguyên tắc và quy luật về Đại kết ước mong mọi phía cùng chính thức nhìn nhận Bí Tích Thanh Tẩy của nhau[70]. Đây là một điều vượt xa một cử chỉ lịch sự của đại kết; nó tạo thành một khẳng định có tính Giáo hội học căn bản.

Thật phù hợp để nhắc lại rằng, vai trò cơ bản của Bí tích Rửa tội trong việc xây dựng Giáo hội rõ ràng đã được đưa ra nhờ vào các cuộc đối thoại đa phương[71].

Tình liên đới trong việc phục vụ nhân loại

43. Điều xảy ra ngày càng thường xuyên là các nhà lãnh đạo của Cộng đồng Kitô giáo đã cùng nhau đứng lên nhân danh Đức Kitô, về những vấn đề quan trọng liên quan đến ơn gọi của con người, đến tự do, công lý, hòa bình và tương lai của thế giới. Làm như thế, các vị đã “hành động chung” cho một trong những chức năng nòng cốt của sứ vụ Kitô giáo: là, thật là rõ ràng, và kinh nghiệm đã chứng minh, trong một số trường hợp, tiếng nói chung của các Kitô hữu có nhiều ảnh hưởng hơn là một tiếng nói lẻ loi. Theo cách này, họ “thông truyền” một trong những nhiệm vụ cấu thành sứ vụ của Kitô hữu: đó là một cách ý thức thực tiễn để nhắc nhớ cho xã hội nhận biết thánh ý Thiên Chúa, cảnh báo chính quyền và đồng bào của họ phải cẩn trọng, chống lại những bước đi dẫn tới chà đạp các quyền con người. Rõ ràng, như kinh nghiệm cho thấy, trong một số trường hợp, tiếng nói của sự hiệp nhất các Kitô hữu thì có tác động lớn hơn bất kỳ tiếng nói đơn lẻ nào khác.

Các nhà lãnh đạo của Cộng đồng cũng không phải là những người duy nhất tham gia vào việc dấn thân cho hiệp nhất. Nhiều Kitô hữu từ tất cả các Cộng đồng, vì đức tin của họ, cùng tham gia vào các dự án táo bạo nhằm thay đổi thế giới, bằng cách thể hiện sự tôn trọng nhân quyền và nhu cầu của mọi người, đặc biệt là những người nghèo, những người thấp cổ bé họng, và những người không có khả năng tự vệ. Trong Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến vần đề xã hội), tôi rất vui lòng lưu ý sự hợp tác này, nhấn mạnh rằng Giáo hội Công giáo không thể miễn trừ tham gia vào những nỗ lực này[72]. Trong thực tế, các Kitô hữu đã từng hành động cách độc lập, giờ đây đã cùng nhau dấn thân để phục vụ đại cuộc, để lòng thương xót của Thiên Chúa có thể chiến thắng.

Cách suy nghĩ và hành động này đã là của Tin Mừng. Do đó, tái khẳng định những gì tôi đã viết trong Thông điệp đầu tiên Redemptor Hominis (Đấng Cứu Chuộc Nhân loại), tôi đã có dịp “nhấn mạnh vào điểm này và khuyến khích mọi nỗ lực theo hướng này, ở tất cả các cấp độ mà chúng ta gặp gỡ các anh em Kitô hữu khác”[73] và tôi đã tạ ơn Thiên Chúa “vì những việc Người đã thực hiện trong các Giáo hội, các Cộng đồng Giáo hội khác, và Người thực hiện thông qua họ” cũng như thông qua Giáo hội Công giáo[74]. Hôm nay tôi thấy hài lòng rằng mạng lưới hợp tác đại kết vốn đã rộng lớn không ngừng phát triển. Cũng nhờ vào ảnh hưởng của Hội đồng đại kết của các Giáo hội thế giới, nhiều điều đang được thực hiện trong lĩnh vực này.

Tiếp cận nhau qua Lời Chúa và qua sự thờ phượng thiêng liêng

44. Tiến bộ đáng kể trong hợp tác đại kết cũng đã được thực hiện trong một lãnh vực khác, đó là lãnh vực Lời Chúa. Tôi đang suy nghĩ trên tất cả tầm quan trọng đối với các nhóm ngôn ngữ khác nhau, đó là bản dịch Kinh Thánh đại kết. Sau khi Công đồng Vaticanô II công bố Hiến chế Dei Verbum, Giáo hội Công giáo không thể không hân hoan đón nhận việc làm ấy[75]. Bản dịch đại kết này là công trình của các chuyên viên, đã cung cấp cách tổng quát một cơ sở chắc chắn cho việc cầu nguyện và sinh hoạt mục vụ của các môn đệ Đức Kitô. Bất cứ ai nhớ lại các cuộc tranh luận nặng nề về Kinh Thánh đã có ảnh hưởng như thế nào đối với những sự chia rẽ, đặc biệt là ở phương Tây, mới có thể đánh giá cao bước tiến quan trọng mà bản dịch Kinh Thánh đại kết này thể hiện.

45. Tương ứng với việc canh tân phụng vụ được thực hiện bởi Giáo hội Công giáo, một số Cộng đồng Giáo hội khác cũng đã nỗ lực để làm mới lại việc thờ phượng của họ. Một số Cộng đồng Giáo hội, trên cơ sở một khuyến nghị được thể hiện ở cấp độ đại kết[76], cũng bỏ đi thói quen chỉ cử hành phụng vụ bữa Tiệc ly trong một số dịp hiếm hoi, và nay đã đón nhận việc cử hành các ngày Chúa nhật. Mặt khác nữa, khi so sánh các chu kỳ bài đọc phụng vụ được sử dụng bởi các Cộng đồng Kitô giáo khác nhau ở phương Tây, về cơ bản chúng đều giống nhau. Vẫn ở cấp độ đại kết[77], sự nổi bật rất đặc biệt đã được trao cho phụng vụ và các dấu chỉ phụng vụ ( như hình ảnh, biểu tượng, lễ phục, ánh sáng, trầm hương, cử chỉ). Hơn nữa, trong các học viện thần học, nơi đào tạo các thừa tác viên tương lai, các khóa học về lịch sử và ý nghĩa của phụng vụ, bắt đầu trở thành một phần của chương trình giảng dạy, để đáp ứng nhu cầu mới cần được khám phá.

Đây là những dấu chỉ của sự hội tụ liên quan đến các khía cạnh khác nhau của đời sống bí tích. Chắc chắn, do những bất đồng trong các vấn đề đức tin, chúng ta chưa thể cùng nhau cử hành cùng một Phụng vụ Thánh Thể. Tuy nhiên, chúng ta có một mong muốn cháy bỏng là tham gia để cử hành một Lễ Tạ Ơn duy nhất của Chúa, và chính mong muốn này đã là một lời cầu nguyện ca ngợi chung, một lời cầu xin duy nhất. Cùng nhau chúng ta hướng về Cha chúng ta, và chúng ta làm việc ấy mỗi ngày thêm “một lòng một ý”. Đôi khi dường như chúng ta gần hơn để cuối cùng có thể ghi dấu ấn sự hiệp thông thực sự này, “dù chưa trọn vẹn”. Một thế kỷ trước, ai có thể tưởng tượng được một điều như thế?

46. Trong bối cảnh này, quả là lý do để vui mừng khi các thừa tác viên Công giáo, trong một số trường hợp đặc biệt, có thể cử hành Bí Tích Thánh Thể, hòa giải, xức dầu bệnh nhân cho những Kitô hữu khác chưa hiệp thông trọn vẹn cùng Giáo hội Công giáo, nhưng thiết tha mong được nhận lãnh các Bí Tích ấy, và họ đã tự ý kêu cầu và cũng chia sẻ đức tin mà Giáo hội Công giáo tuyên xưng trong các Bí Tích này. Ngược lại, trong những trường hợp cụ thể, và trong hoàn cảnh cụ thể, người Công giáo cũng có thể yêu cầu những bí tích tương tự từ các thừa tác viên của các Giáo hội khác, trong đó các bí tích này là thành sự, hợp luật. Các điều kiện để tiếp nhận đối ứng như vậy đã được đặt ra trong các định mức cụ thể; vì mục đích tiếp tục đại kết, các chuẩn mực này cần phải được tôn trọng[78].

Đánh giá cao những thiện hảo nơi các Kitô hữu khác

47. Đối thoại không chỉ xoay quanh về mặt giáo lý, mà còn liên hệ đến con người toàn diện: đây là sự đối thoại yêu thương. Công đồng đã tuyên bố: “Người Công giáo cần phải vui mừng nhìn nhận, tôn trọng những giá trị thật sự mang tính Kitô giáo, xuất phát từ cùng một gia sản chung, được tìm thấy nơi các anh em ly khai. Nhìn nhận những kho tàng phong phú của Đức Kitô, và những hoạt động của quyền năng của Chúa trong đời sống của những ai đang làm chứng về Đức Kitô, đôi khi thậm chí là đổ máu của họ nữa, vì Thiên Chúa là Đấng đáng được chúc tụng và ngợi khen trong những việc Người làm”[79].

48. Các mối liên hệ mà các thành viên của Giáo hội Công giáo đã thiết lập với các Kitô hữu khác kể từ khi Công đồng cho phép chúng ta khám phá những điều Thiên Chúa đang thực hiện nơi những anh em thuộc các Giáo hội và các Cộng đồng Giáo hội khác. Sự tiếp xúc trực tiếp này, ở nhiều cấp độ khác nhau, với các mục tử và với các thành viên của các Cộng đồng này, đã khiến chúng ta nhận thức được các chứng tá mà các Kitô hữu khác đã thực hiện cho Thiên Chúa và cho Đức Kitô. Do đó, một lĩnh vực mới rộng lớn đã mở ra cho toàn bộ trải nghiệm đại kết, đồng thời là thách thức lớn của thời đại chúng ta. Không phải thế kỷ hai mươi là thời gian của một chứng từ vĩ đại đi tới chỗ “đổ máu” hay sao? Và không phải nhân chứng này cũng liên quan đến các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác nhau mang danh hiệu Đức Kitô chịu tử nạn và phục sinh hay sao?

Chứng từ chung về sự thánh thiện, như lòng trung thành với Đức Chúa duy nhất, có một tiềm năng đại kết vô cùng phong phú trong ân sủng. Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh rằng, những điều thiện hảo hiện có nơi các Kitô hữu khác có thể góp phần vào việc xây dựng các tín hữu Công giáo: “Cũng đừng quên rằng những gì ơn Chúa Thánh Thần thực hiện nơi các anh em ly khai, đều có thể góp phần xây dựng cho chính chúng ta. Bất cứ điều gì thực sự mang tính Kitô giáo, đều không bao giờ đối lập với đức tin chân thật, trái lại, luôn có thể giúp nhận thức trọn vẹn hơn vào chính mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo hội”[80]. Đối thoại đại kết, như một cuộc đối thoại thực sự của sự cứu rỗi, chắc chắn sẽ khuyến khích quá trình này, đã khởi đầu tốt đẹp, để tiến tới sự hiệp thông thực sự và trọn vẹn.

Sự tiến triển của hiệp thông

49. Một kết quả có giá trị của các mối liên hệ giữa các Kitô hữu và đối thoại thần học mà họ tham gia là sự tăng trưởng của sự hiệp thông. Cả hai liên hệ và đối thoại đã làm cho các Kitô hữu nhận thức được các yếu tố của đức tin mà họ cùng có chung. Điều này đã phục vụ để củng cố hơn nữa sự dấn thân của họ trong mối hiệp nhất trọn vẹn. Trong tất cả những điều này, Công đồng Vaticanô II vẫn là một nguồn động lực và định hướng mạnh mẽ.

Hiến chế Tín lý Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân) kết hợp Giáo lý liên quan đến Giáo hội Công giáo với việc tìm biết những yếu tố cứu độ ở trong các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác[81]. Đây không phải là việc ý thức về yếu tố tĩnh, thể hiện cách thụ động trong các Giáo hội và các Cộng đồng ấy. Với tính cách là các thiện hảo của Giáo hội Đức Kitô, thì tự bản chất, những thiện hảo ấy làm tiến tới sự tái lập sự hiệp nhất. Do đó, việc tìm kiếm sự hiệp nhất Kitô giáo không phải là vấn đề lựa chọn hay phương tiện, mà là một nghĩa vụ bắt nguồn từ chính bản chất của cộng đồng Kitô giáo.

Cùng một cách ấy, những đối thoại thần học song phương với các Cộng đồng Kitô chính đều xuất phát từ sự nhìn nhận mức độ hiệp thông đã có được để rồi dần dần thảo luận những bất đồng hiện có nơi từng Cộng đồng. Chúa đã cho các Kitô hữu thời nay được khả năng làm giảm bớt đi những tranh cãi đã có từ lâu đời. Theo cách tương tự, các cuộc đối thoại thần học song phương được thực hiện với các Cộng đồng Kitô giáo lớn bắt đầu từ sự nhìn nhận mức độ hiệp thông đã có, để tiếp tục thảo luận về bất đồng cụ thể từng Cộng đồng. Chúa đã ban cho các Kitô hữu trong thời đại chúng ta có khả năng làm giảm bớt đi những tranh cãi đã có từ lâu đời.

Đối thoại với các Giáo hội Đông phương

50. Về vấn đề này, trước tiên phải nhìn nhận, với lòng biết ơn đặc biệt đối với Chúa Quan phòng, rằng mối liên kết của chúng ta với các Giáo hội Đông phương, đã bị suy yếu trong suốt nhiều thế kỷ, nay đã được củng cố thông qua Công đồng Vaticanô II. Các quan sát viên từ các Giáo hội này có mặt tại Công đồng, cùng với đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội Tây phương, đã công khai bày tỏ, tại thời điểm rất long trọng đối với Giáo hội Công giáo, họ sẵn sàng tìm cách tái lập sự hiệp thông.

Về phần mình, Công đồng đã coi các Giáo hội Đông phương với sự khách quan và tình cảm sâu sắc, nhấn mạnh bản chất Giáo hội của họ và sự ràng buộc thực sự của sự hiệp thông liên kết họ với Giáo hội Công giáo. Sắc lệnh về Hiệp nhất tuyên bố: “Nhờ việc cử hành Thánh Thể trong từng Giáo hội ấy, mà Giáo hội Thiên Chúa được xây dựng và tăng trưởng”. Sau đó thêm rằng: “Mặc dù các Giáo hội này tách biệt với chúng ta, nhưng họ có các bí tích thực sự, trên hết - bởi việc tiếp nối sự tông truyền - chức tư tế và Bí tích Thánh Thể, nhờ đó họ vẫn được kết hợp với chúng ta trong một mối liên hệ rất gần gũi”[82].

Đối với các Giáo hội Đông phương, người ta còn nhìn nhận truyền thống lâu đời về phụng vụ và thiêng liêng, tính cách đặc thù của việc phát triển mang tính lịch sử, các kỷ luật vẫn được tuân theo từ thời sơ khai và được các thánh Giáo phụ cũng như nhiều Công đồng Đại kết, và cách thức riêng để diễn tả Giáo lý. Tất cả những điều trên đây, với niềm xác tín rằng sự đa dạng hợp pháp không trái ngược với sự hiệp nhất của Giáo hội, trái lại nó gia tăng giá trị và góp phần rất lớn cho việc hoàn thành sứ mạng của Giáo hội nữa.

Công đồng Vaticanô II muốn đặt nền tảng đối thoại trên sự hiệp thông hiện có và kéo chú ý tới thực tại phong phú của các Giáo hội Đông phương. “Thánh Công đồng khuyến dụ mọi người, đặc biệt là những ai muốn hoạt động tái lập sự hiệp thông trọn vẹn như hằng được mong ước giữa các Giáo hội Đông phương và Giáo hội Công giáo, hãy nhận định chính xác về hoàn cảnh cá biệt đã khai sinh và phát triển các Giáo hội Đông phương và về đặc tính của mối liên lạc đã có giữa Giáo hội ấy với Tòa Thánh tại Rôma trước thời kỳ phân ly, cũng như hãy tạo cho mình một quan niệm chính đáng về tất cả những điểm nêu trên”[83].

51. Chiều hướng trên của Công đồng đã trở nên phong phú do những tương quan huynh đệ được phát triển nhờ đối thoại trong bác ái và nhờ tranh luận mang tính giáo lý, trong khuôn khổ của Ủy ban Quốc tế hỗn hợp để đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống. Chiều hướng ấy còn phong phú thành quả trong những liên lạc với các Giáo hội Đông phương cổ kính.

Đây là một quá trình chậm và vất vả, nhưng là nguồn vui lớn: nó cũng thật là phấn khởi, vì cho ta dần dần tìm lại được tình huynh đệ.

Tiếp tục liên lạc tiếp xúc

52. Trong những điều liên quan đến Giáo hội Công giáo và Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople, quá trình chúng ta vừa tham chiếu, đã được bắt đầu khuyến khích nhờ sự cởi mở đối với nhau, đã được chứng tỏ bởi một bên là thánh Gioan XXIII và thánh Phaolô VI, một bên là Đức Thượng phụ Athenagoras I và các đấng kế vị ngài. Sự thay đổi có tính lịch sử đã được thực hiện ấy biểu lộ bằng một hành vi Giáo hội, nhờ đó “chúng ta đã xóa khỏi ký ức và môi trường các Giáo hội”[84] kỷ niệm về những vạ tuyệt thông, cách đây 900 năm, tức là vào năm 1054, từng là biểu tượng của sự ly khai giữa Rôma và Constantinopoli. Sự kiện Giáo hội có tầm mức đại kết lớn đó xảy ra vào những ngày cuối Công đồng, ngày 7 tháng 12 năm 1965. Kỳ họp khoáng đại Công đồng đã kết thúc như thế, bằng một hành vi long trọng đồng thời là một sự thanh tẩy ký ức lịch sử, một sự tha thứ cho nhau và là sự dấn thân liên đới cho việc tìm kiếm sự hiệp thông.

Cử chỉ này đã có được do sự gặp gỡ giữa thánh Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras I tại Giêrusalem vào tháng Giêng năm 1964, trong dịp thánh Phaolô VI hành hương Thánh Địa. Vào dịp này, ngài cũng đã gặp Đức Thượng phụ Biển Đức, thuộc Chính thống tại Giêrusalem. Tiếp về sau, thánh Phaolô VI đã tới thăm Đức Thượng phụ Athenagoras I ở Phanar (Istanbul) ngày 15 tháng 7 năm 1967, và tới tháng 10 năm ấy, Đức Thượng phụ được đón tiếp long trọng tại Rôma. Những cuộc gặp nhau trong cầu nguyện chỉ cho chúng ta thấy con đường phải theo để Giáo hội Đông phương và Giáo hội Tây phương xích lại gần nhau hơn, và tái lập sự hiệp nhất vẫn có giữa hai Giáo hội suốt thiên niên kỷ đầu tiên.

Sau khi thánh Phaolô VI qua đời và sau triều Giáo hoàng ngắn ngủi của Đức Gioan Phaolô I, khi sứ vụ Giám mục Rôma được giao phó cho tôi, tôi đã suy xét rằng, một trong những bổn phận đầu tiên trong sự phục vụ của tôi trong chức Giáo hoàng là nối lại những tiếp xúc cá nhân với Đức Thượng phụ Athenagoras I tại Tòa Constantinopoli. Trong khi tôi viếng thăm Phanar, ngày 29 tháng 11 năm 1979, Đức Thượng phụ và tôi đã có thể quyết định khai mạc cuộc đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống đang hiệp thông theo pháp luật cùng Tòa Constantinopole. Về việc này, tôi thấy là quan trọng để thêm rằng, vào lúc ấy, những chuẩn bị cho việc triệu tập Công đồng sắp tới của Giáo hội Chính thống đang được tiến hành. Việc tìm một sự hài hòa chung cũng đóng góp cho sự sống và sinh lực của Giáo hội ấy, và việc này chiếu theo vai trò các Giáo hội ấy được mời gọi để giữ trong tiến trình đi tới hiệp nhất. Đức Thượng phụ đại kết đã muốn thăm tôi sau khi tôi đã thăm ngài, và vào tháng 12 năm 1987, tôi được hân hoan đón tiếp ngài tại Rôma với tình quý mến chân thành và với sự long trọng thích hợp. Trong bầu không khí huynh đệ mang tính Giáo hội này, nên nhắc đến tục lệ, được lập từ nhiều năm nay, là đón tiếp tại Rôma vào dịp lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô Tông đồ một phái đoàn của Đức Thượng phụ, cũng như cử một phái đoàn của Tòa Thánh tới Phanar để cử hành đại lễ thánh Anrê.

53. Những tiếp xúc đều đặn này còn cho phép ta trao đổi trực tiếp những tin tức và ý kiến nhằm tới sự điều hợp huynh đệ. Mặt khác, việc chúng ta hiệp nhau để cùng cầu nguyện lại cho ta quen sống bên nhau, và thúc đẩy ta cùng nhau đón nhận ý Chúa đối với Giáo hội của Người và đưa ra thực thi.

Suốt chặng đường chúng ta đã đi từ Công đồng Vaticanô II, phải nhắc lại ít là hai biến cố nổi bật khác thường và có tầm quan trọng lớn về đại kết trong quan hệ giữa Đông phương và Tây phương: trước hết là năm Toàn xá 1984, được công bố để mừng một ngàn một trăm năm công việc rao giảng Tin Mừng của thánh Cyrillô và thánh Metholô và trong dịp đó tôi đã được hân hạnh tuyên dương hai vị thánh Tông đồ của dân Slave, sứ giả đức tin, cùng là bổn mạng của Âu châu. Năm 1964, trong thời kỳ họp Công đồng, Đức Phaolô VI đã tuyên dương Thánh Biển Đức làm bổn mạng Âu châu. Liên kết hai vị anh em Thessalonica với vị sáng lập vĩ đại của phong trào đan tu Tây phương là gián điệp làm nổi bật truyền thống Giáo hội văn hóa, rất nhiều ý nghĩa của hai ngàn năm Kitô giáo đã từng ghi dấu ấn trên lịch sử Âu châu. Cũng không phải là thừa khi nhắc lại rằng thánh Cyrillô và thánh Metholô xuất thân từ các miền thuộc Giáo hội Byzantin thời ấy, thời mà Giáo hội Byzantin còn hiệp thông với Rôma. Khi tuyên bố các ngài là Bổn mạng của Âu châu như thánh Biển Đức, không những chúng tôi muốn chứng tỏ chân lý lịch sử về Kitô giáo trên lục địa Âu châu, mà còn gợi ý một chủ đề quan trọng để đối thoại giữa Đông phương và Tây phương, cuộc đối thoại mang bao hy vọng thời hậu Công đồng. Cũng như với thánh Biển Đức, Âu châu gặp lại căn tính thiêng liêng của mình nơi thánh Cyrillô và thánh Mêthôđiô. Trong khi kết thúc ngàn năm thứ hai kể từ ngày Đức Kitô Giáng sinh, các thánh ấy phải được tôn kính cùng với nhau như bổn mạng của quá khứ, và như những vị thánh mà các Giáo hội và quốc gia tại lục địa Âu châu đã ký thác tương lai của mình.

54. Một biến cố khác tôi muốn nhắc lại là cuộc cử hành mừng một ngàn năm nước Nga được rửa tội (988-1988). Giáo hội Công giáo, và đặc biệt là Tông Tòa đã muốn được tham dự vào những cử hành mừng kỷ niệm ấy, và đã tìm dịp nhấn mạnh sự kiện về phép Rửa tội mà thánh Vladimir lãnh nhận tại Kiev đã là biến cố trọng tâm đối với việc Loan báo Tin Mừng thế giới. Những quốc gia lớn người Slave ở Đông Âu đã nhờ thánh nhân mà đón nhận đức tin, cũng như các dân tộc sống bên kia dãy núi Oural mãi tới tận Alaska.

Chính trong viễn tượng này mà diễn từ tôi đã dùng nhiều lần “Giáo hội phải thở bằng hai lá phổi” có được ý nghĩa sâu xa nhất. Trong ngàn năm thứ nhất của lịch sử Kitô giáo, diễn ngữ này gợi lên nhất là cái nhị nguyên Byzantium - Rôma; từ ngày nước Nga nhận lãnh Bí Tích Thanh Tẩy, diễn ngữ ấy mang tầm mức lớn hơn; việc loan báo Tin Mừng mở rộng thêm tới độ diễn ngữ ấy ám chỉ về toàn thể Giáo hội. Sau đó khi thấy rằng biến cố cứu độ này, đã xảy đến trên những bờ sông Dnieper, trở ngược lên một thời đại lúc mà Giáo hội Đông phương và Tây phương chưa chia rẽ nhau, người ta hiểu rõ ràng rằng viễn tượng theo đó ta phải tìm sự hiệp thông trọn vẹn là viễn tượng một hiệp nhất trong dị biệt chính đáng. Đó là điều tôi mạnh mẽ khẳng định trong Thông điệp Slavorum Apostoli[85] dâng tặng thánh Cyrillô và thánh Mêthôđiô, và trong Tông thư Euntes in Mundum[86] gửi đến các tín hữu của Giáo hội Công giáo để kỷ niệm 1000 năm lãnh nhận Bí tích Rửa tội của nước Nga tại Kievan.

Các Giáo hội Anh Em

55. Trong cuộc khảo sát lịch sử của mình, sắc lệnh Unitatis Redintegratio của Công đồng đã ghi nhớ sự hiệp nhất, bất chấp tất cả, đã được trải nghiệm trong thiên niên kỷ đầu tiên, và theo một nghĩa nào đó, giờ đây đóng vai trò như một kiểu mẫu. “Thượng hội đồng thiêng liêng nhất này vui lòng nhắc nhở tất cả... rằng ở Đông phương đang phát triển nhiều Giáo hội riêng biệt hoặc địa phương; trong số đó, đứng đầu là các Giáo hội có Thượng phụ, mà trong đó có nhiều Giáo hội hãnh diện vì đã được chính các Tông đồ thiết lập”[87]. Con đường Giáo hội đã khởi đi từ Giêrusalem vào ngày lễ Ngũ Tuần và tất cả sự phát triển sơ khai trong oikoumene (đại kết) thời đó được tập trung nơi Phêrô và nhóm Mười Một (x. Cv 2,14). Các cấu trúc Giáo hội ở Đông phương và Tây phương được thành hình từ di sản các Tông đồ như thế. Sự hiệp nhất của Giáo hội trong thiên niên kỷ đầu tiên được duy trì trong cùng các cấu trúc đó thông qua các Giám mục, những người kế vị các Tông đồ, trong sự hiệp thông với Giám mục Rôma. Nếu hôm nay, vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, chúng ta đang tìm cách tái lập sự hiệp thông trọn vẹn, thì chúng ta phải quy chiếu về sự hiệp nhất đã được thiết lập theo cấu trúc đó.

Sắc lệnh về đại kết đề cao giá trị một phương diện đặc trưng khác, nhờ đó các Giáo hội riêng biệt vẫn tồn tại trong hiệp nhất, tức là “mối bận tâm duy trì những tương quan huynh đệ trong sự hiệp thông về đức tin và đức ái, là những tương quan phải có giữa các Giáo hội địa phương như những anh em với nhau”[88].

56. Sau Công đồng Vaticanô II, khi đã gắn bó với truyền thống ấy, đã từng có thói quen dùng danh xưng “Giáo hội anh em” đối với những Giáo hội riêng biệt, hoặc địa phương, quy tụ chung quanh Giám mục của mình. Ngoài ra, việc dỡ bỏ các vạ tuyệt thông đối với nhau, bằng cách loại bỏ các trở ngại thuộc lãnh vực Giáo luật và tâm lý đau đớn, là một bước rất quan trọng trên con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn.

Các cấu trúc của sự hiệp nhất tồn tại trước thời phân ly là một di sản những kinh nghiệm hướng dẫn con đường chung của chúng ta hướng tới việc tái lập sự hiệp thông trọn vẹn. Rõ ràng, trong thiên niên kỷ thứ hai, Chúa đã không ngừng ban cho Giáo hội của Người những hoa trái ân sủng và tăng trưởng dồi dào. Tuy nhiên, thật không may, sự ghẻ lạnh dần dần và lẫn nhau giữa các Giáo hội phương Tây và phương Đông đã tước đi những lợi ích của việc trao đổi và hợp tác lẫn nhau. Với ân sủng của Thiên Chúa, một nỗ lực lớn phải được thực hiện để thiết lập lại sự hiệp thông trọn vẹn giữa các Giáo hội, là nguồn của biết bao điều thiện hảo cho Giáo hội của Đức Kitô. Nỗ lực này đòi hỏi tất cả thiện chí của chúng ta, lời cầu nguyện khiêm tốn và sự hợp tác kiên định không bao giờ được nản lòng. Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta rằng: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2). Lời khuyên nhủ của thánh Tông đồ liên hệ đến chúng ta và hợp thời biết mấy! Danh xưng truyền thống các “Giáo hội anh em” phải luôn đồng hành với chúng ta trên hành trình này.

57. Theo niềm hy vọng của thánh Phaolô VI, mục đích được tuyên bố của chúng ta là tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn trong sự đa dạng hợp pháp: “Thiên Chúa đã ban ơn cho chúng ta nhận được trong đức tin những gì các Tông đồ đã nhìn thấy, hiểu và tuyên bố với chúng ta. Qua Bí Tích Rửa tội, chúng ta “chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28). Nhờ kế vị tông đồ, chúng ta được kết hợp chặt chẽ hơn bởi chức tư tế và Bí tích Thánh Thể. Bởi cùng nhau tham dự vào các ơn Thiên Chúa ban cho Giáo hội, chúng ta được hiệp thông với Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần… Trong mỗi Giáo hội địa phương đều có hoạt động huyền nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, và đó chẳng là lý do tỏ bày một truyền thống tốt đẹp, theo đó, các Giáo hội địa phương mong muốn được gọi là Giáo hội anh em hay sao? (x. sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 14). Trong nhiều thế kỷ, chúng ta đã sống chung với Giáo hội anh em, khi cùng nhau thực hiện những Công đồng chung để bảo vệ kho tàng đức tin chống lại mọi mọi thứ băng hoại. Và bây giờ, sau một thời gian dài chia rẽ và hiểu lầm lẫn nhau, Chúa cho phép chúng ta khám phá chính mình là Giáo hội anh em, bất chấp những trở ngại đã từng xảy ra giữa chúng ta”[89]. Nếu ngày nay, trước thềm Ngàn năm thứ ba, chúng ta tìm cách tái lập sự hiệp thông trọn vẹn, thì chỉ là đưa ra thi hành một thực tại mà chúng ta phải vươn tới và phải quy chiếu tới. Nếu hôm nay, trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba, chúng ta đang tìm cách tái lập sự hiệp thông trọn vẹn, đó là để hoàn thành thực tại mà chúng ta phải làm, và chính vì thực tại này mà chúng ta phải đề cập đến.

Liên hệ với truyền thống vẻ vang này là hiệu quả nhất cho Giáo hội. Như Công đồng chỉ ra rằng: “Các Giáo hội Đông phương, ngay từ khởi đầu, đã có được một kho tàng cống hiến cho Giáo hội Tây phương nhiều yếu tố về phụng vụ, truyền thống tu đức và luật pháp”[90].

Từ “kho tàng” này phát sinh nhiều “truyền thống tu đức phong phú, tiêu biểu nhất là đời sống đan tu, vì tại đây, nền tu đức đan tu đã phát triển ngay từ thời vinh quang của các thánh Giáo phụ, và về sau đã mở rộng sang nhiều nước Tây phương”[91]. Như tôi đã có dịp lưu ý mới đây trong Tông thư Orientale Lumen, các Giáo hội Đông phương đã hết lòng quảng đại sống đời dấn thân, như đời sống đan tu còn chứng tỏ, “bắt đầu bằng việc rao giảng Tin Mừng, là việc phục vụ cao nhất mà người Kitô hữu có thể trao tặng cho các anh em mình, để rồi kéo dài qua nhiều hình thức phục vụ tinh thần và vật chất khác. Thật vậy, có thể nói rằng, đời sống đan tu, từ thời cổ đại và ở nhiều thời điểm khác nhau, trong thời đại tiếp theo, đã là dụng cụ rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc”[92].

Công đồng chẳng cần làm rõ hơn tất cả những điều làm cho các Giáo hội Đông phương và Tây phương được nên giống như nhau. Am hợp với chân lý lịch sử, Công đồng không ngần ngại khẳng định: “Không đáng ngạc nhiên khi thấy có vài khía cạnh của mầu nhiệm mặc khải, đôi khi được một bên hiểu đúng và trình bày sáng sủa hơn bên kia, thành thử những định mức thần học khác nhau ấy phải được coi là thường bổ túc cho nhau hơn là đối nghịch nhau”[93]. Việc trao đổi các hồng ân giữa các Giáo hội, trong sự bổ túc cho nhau, làm cho hiệp thông trở nên phong phú.

58. Từ việc tái khẳng định một sự hiệp thông đức tin đã có, Công đồng Vaticanô II đã rút ra những thành quả mục vụ hữu ích cho đời sống cụ thể của các Kitô hữu, và thúc đẩy tinh thần hiệp nhất. Vì những liên hệ Bí Tích rất chặt chẽ đang có giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống giáo, sắc lệnh Orientalium Ecclessiarum (các Giáo hội Đông phương) đã tuyên bố: “Việc thực hành mục vụ chứng tỏ rằng, đối với những vấn đề liên quan đến các anh em Đông phương, người ta có thể và phải xét tới hoàn cảnh cá biệt của từng người, trong đó có những hoàn cảnh không phương hại đến sự hiệp nhất của Giáo hội, cũng không đem tới những hiểm nguy phải tránh, nhưng chỉ thấy sự cần thiết của ơn cứu rỗi, và lợi ích thiêng liêng của các linh hồn thúc bách. Chính vì thế, Giáo hội Công giáo, trước mọi hoàn cảnh thời gian, nơi chốn, và nhân sự, thường đã và đang còn chủ trương một phương thức hành động mềm dẻo và đề ra những phương thế cứu rỗi và biểu dương tình bác ái nơi các tín hữu cho hết mọi người, qua việc tham dự các Bí tích cũng như các cuộc cử hành phụng tự khác, và các đồ vật thánh”[94].

Với kinh nghiệm có được qua những năm hậu Công đồng, hướng đi thần học và mục vụ đã được lặp lại bởi hai điều khoản trong Giáo luật[95]. Hướng đi ấy được minh nhiên hóa về quan điểm mục vụ, qua bản “Hướng dẫn áp dụng những nguyên tắc và quy luật về đại kết”[96].

Trong vấn đề tối quan trọng và tế nhị này, các mục tử cần phải cẩn thận dạy cho giáo dân, để họ biết rõ ràng những lý do chính xác của những việc tham dự như thế vào phụng vụ, cũng như những kỷ luật hiện hữu về vấn đề này.

Chúng ta không bao giờ được quên chiều kích Giáo hội học trong việc tham dự các Bí tích, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể.

Những tiến bộ trong đối thoại

59. Kể từ khi thành lập năm 1979, Ủy ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống đã làm việc ổn định, hướng nghiên cứu của mình đến các lãnh vực được quyết định theo thỏa thuận chung, với mục đích tái lập sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai Giáo hội. Sự hiệp thông này được thành lập dựa trên sự hiệp nhất của đức tin, trong tính liên tục về kinh nghiệm và truyền thống của Giáo hội xa xưa, sẽ được biểu lộ trọn vẹn trong việc đồng cử hành Bí tích Thánh Thể chung. Với tinh thần tích cực, và trên cơ sở những gì chúng ta có chung, Ủy ban hỗn hợp đã có thể đạt được tiến bộ đáng kể, và khi tôi có thể tuyên bố kết hợp với Anh em đáng kính của tôi, Đức Dimitrios I, Thượng phụ đại kết, Ủy ban đã đạt tới việc diễn tả “những điều mà Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống có thể cùng nhau tuyên xưng, như một đức tin chung, trong mầu nhiệm Giáo hội và trong sự liên kết giữa Đức tin và Bí tích”[97]. Ủy ban đã có thể nhận xét và khẳng định rằng, “trong các Giáo hội chúng ta, việc kế vị các Tông đồ là căn bản cho sự thánh hóa và hiệp nhất của Dân Chúa”[98]. Đó là những điểm quy chiếu quan trọng để theo đuổi cuộc đối thoại. Nhưng còn hơn thế nữa, những khẳng định chung ấy tạo nên một nền tảng làm cho người Công giáo và người Chính thống có khả năng, ngay từ bây giờ, trong thời đại ta, đưa ra một chứng từ chung, trung thành và cố kết, để loan báo và tôn vinh Danh Chúa.

60. Gần đây, Ủy ban hỗn hợp Quốc tế đã có một bước tiến đáng kể liên quan đến vấn đề rất nhạy cảm về phương pháp cần tuân thủ trong việc tái lập sự hiệp thông trọn vẹn giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống, một vấn đề thường xuyên được đặt ra giữa các mối liên hệ Công giáo và Chính thống. Ủy ban đã đặt những căn bản Giáo lý tích cực giải quyết vấn đề, dựa trên Giáo lý của hai Giáo hội anh em. Cũng trong bối cảnh này, đã rõ ràng thấy phương pháp phải theo để đi tới hiệp thông trọn vẹn là đối thoại chân lý, được nuôi dưỡng và nâng đỡ bằng đối thoại bác ái. Giáo luật nhận cho các Giáo hội Công giáo Đông phương được tự tổ chức và điều khiển việc tông đồ, cũng như việc dấn thân hữu hiệu của các Giáo hội này trong việc đối thoại bác ái và đối thoại thần học sẽ ủng hộ không những cho sự tương kính huynh đệ giữa người Chính thống và người Công giáo cùng sống trên một lãnh thổ, mà còn ủng hộ hành động chung kiếm tìm sự hiệp nhất[99]. Một bước tiến đã được thực hiện. Sự dấn thân cần phải được tiếp tục. Đã có những dấu hiệu giảm bớt sự căng thẳng, điều này làm cho việc tìm kiếm sự hiệp nhất trở nên hiệu quả hơn.

Về những Giáo hội Đông phương hiệp thông với Giáo hội Công giáo, Công đồng đã tỏ bày phán đoán như sau: “Tạ ơn Thiên Chúa vì nhiều tín hữu Đông phương, con cái Giáo hội Công giáo đang sống hiệp thông trọn vẹn với các anh em thuộc truyền thống Tây phương… Thánh Công đồng tuyên bố rằng: toàn bộ di sản tu đức và phụng vụ, kỷ luật và thần học trong các truyền thống ấy, thuộc về đặc tính Công giáo và Tông truyền trọn vẹn của Giáo hội”[100]. Trong tinh thần của sắc lệnh về đại kết, các Giáo phụ Công giáo Đông phương chắc chắn sẽ tham gia tích cực trong đối thoại bác ái và thần học, ở cấp địa phương cũng như cấp toàn cầu, góp phần hiểu biết nhau và năng động tìm kiếm sự hiệp nhất hoàn toàn[101].

61. Trong viễn tượng này, Giáo hội Công giáo không mong muốn gì khác hơn là hiệp thông hoàn toàn giữa Đông phương và Tây phương. Trong việc này, Giáo hội Công giáo cảm hứng theo kinh nghiệm từ ngàn năm thứ nhất. Trong thời đại ấy, “sự triển khai các kinh nghiệm khác nhau về sự sống Giáo hội không ngăn trở người Kitô hữu, qua những quan hệ hỗ tương, có thể tiếp tục được vững tâm cảm thấy mình ở nhà mình dù là trong bất kỳ Giáo hội nào, bởi vì từ tất cả các Giáo hội, dù ngôn ngữ, âm điệu rất khác nhau, nhưng vẫn dâng lời ca ngợi Chúa Cha duy nhất, nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần: tất cả các Giáo hội đều sum họp cử hành Bí Tích Thánh Thể, là trái tim, là khuôn mẫu cho Cộng đồng, không những trong các điều thuộc tu đức hay đời sống luân lý, mà còn cho cơ chế Giáo hội, trong nhiều loại tác vụ mà nhiều kiểu phục vụ, dưới quyền chủ tọa của Đức Giám mục, kế vị các Tông đồ. Những Công đồng đầu tiên đã lập nên một chứng từ hùng hồn về sự hiệp nhất bền chặt trong sự đa dạng”[102]. Làm sao tái lập được sự hiệp nhất này sau cả ngàn năm qua? Đó là nghĩa vụ lớn lao mà Giáo hội Công giáo phải lo hoàn thành và nghĩa vụ ấy cũng thuộc về Giáo hội Chính thống nữa. Từ đó, ta mới hiểu tất cả tính thời sự của đối thoại, được ánh sáng và quyền năng Chúa Thánh Thần đỡ nâng.

Những mối tương quan với các Giáo hội kỳ cựu Đông phương

62. Từ Công đồng Vaticanô II, dưới nhiều dạng và với một nhịp độ khác nhau, Giáo hội Công giáo đã nối lại những quan hệ anh em với các Giáo hội kỳ cựu Đông phương từng phản bác các định thức tín lý của Công đồng Êphêxô và Caxêđônia. Tất cả các Giáo hội này đã gửi quan sát viên đại diện đến Công đồng Vaticanô II: các vị Thượng phụ của các Giáo hội ấy đã trân trọng thăm chúng tôi và Giám mục Rôma đã có thể nói chuyện với các vị ấy như với những người anh em, mà sau thời gian dài xa cách, đã vui vẻ gặp nhau.

Việc lặp lại những quan hệ anh em với các Giáo hội kỳ cựu Đông phương, nhân chứng của Đức tin Kitô giáo trong những hoàn cảnh thường là thù địch và bi thảm, là một dấu chỉ cụ thể của phương cách mà Đức Kitô quy tụ chúng ta, mặc dù còn những rào cản về mặt lịch sử, chính trị, xã hội và văn hóa. Và chính vấn đề Kitô học mà ta có thể tuyên bố với các Đức Thượng phụ của một số Giáo hội ấy lòng tin chung của ta vào Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật và người thật. Đức Phaolô VI đáng kính nhớ đã ký các tuyên ngôn theo chiều hướng ấy, cùng với Đức Shenouda III, Đức Giáo hoàng và Đức Thượng phụ Chính thống Copte[103] và cùng với Đức Thượng phụ Chính thống Syria tại Antiôkia, Đức Giacôbê III[104]. Bản thân tôi đã có thể xác nhận thỏa thuận về Kitô học này và dựa trên đó để phát triển cuộc đối thoại với Đức Thượng phụ Shenouda[105] và vì sự hợp tác mục vụ với Đức Thượng phụ Syria tại Antiôkia, Đức Mar Inhaxiô Zakka I Iwas[106].

Cùng với Đức Thượng phụ đáng kính của Giáo hội Êthiôpia, Abouna Paulos, khi ngài tới thăm tôi tại Rôma ngày 11 tháng 6 năm 1993, chúng tôi đã nhấn mạnh đến sự hiệp thông sâu sắc giữa hai Giáo hội: “chúng ta cùng chia sẻ một đức tin từ các thánh tông đồ, cùng những Bí Tích và cùng một thừa tác, bén rẽ sâu trong việc kế vị các tông đồ… Hơn nữa, ngày hôm nay chúng ta có thể khẳng định rằng, chúng ta có một đức tin vào Đức Kitô, mặc dù trong một thời gian dài, đây là nguồn đã chia rẽ giữa chúng ta với nhau”[107].

Gần đây, Chúa ban cho tôi niềm vui lớn lao khi được ký một tuyên ngôn về Kitô học chung với Đức Thượng phụ Assyria ở Đông phương, Đức Mar Dinkha IV, ngài đã vì việc này mà đến Rôma thăm tôi vào tháng 11 năm 1994. Quan tâm đến các dị biệt về định thức thần học, chúng tôi đã có thể cùng nhau tuyên xưng một đức tin vào Đức Kitô[108]. Tôi muốn nói lên niềm vui mà những việc ấy mang lại cho tôi, bằng cách mượn lời Đức Trinh Nữ Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46).

63. Còn những tranh luận truyền thống về Kitô học, các cuộc tiếp xúc đại kết đã làm cho có thể có những soi sáng thiết yếu, làm cho ta cùng tuyên xưng đức tin vốn là đức tin chung của chúng ta. Một lần nữa, ta phải nhận định rằng những điều đạt được ấy chắc chắn là một thành quả của việc nghiên cứu thần học và đối thoại huynh đệ. Và còn nữa, chúng ta gặp được nơi đây niềm phấn khởi vì điều ấy cho ta thấy rằng con đường đã đi là con đường tốt và ta có thể có lý hy vọng cùng tìm ra một giải đáp cho những vấn đề còn tranh luận.

Đối thoại với các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác ở Tây phương

64. Trong phạm vi rộng lớn của việc tái lập sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, sắc lệnh về đại kết cũng xem xét những quan hệ với các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội Tây phương. Ước mong lặp lại bầu khí huynh đệ Kitô hữu và đối thoại, Công đồng đặt ra những chỉ dẫn trong khuôn khổ hay suy xét có tính tổng quát, một có tính lịch sử và tâm lý, một mang tính thần học và giáo lý. Một mặt, văn kiện nhấn mạnh: “Các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội đã ly khai với Tông tòa Rôma, trong thời khủng hoảng trầm trọng nhất, phát sinh ở Tây phương từ cuối thời trung cổ hoặc mãi về sau này, vẫn còn liên kết với Giáo hội Công giáo bằng một mối dây thân thích và một sự liên lạc đặc biệt, vì lớp dân Kitô giáo ấy đã sống hiệp thông với Giáo hội rất lâu trong những thế kỷ trước”[109]. Đằng khác, người ta cũng nhận định với một thực tế như trên: “Phải nhìn nhận rằng có nhiều dị biệt quan trọng giữa các Giáo hội và Cộng đồng ấy với Giáo hội Công giáo, chẳng những về phương diện lịch sử, xã hội, tâm lý, văn hóa, và nhất là về cách giải thích chân lý mặc khải”[110].

65. Mặc dù có những sự khác biệt, nhưng chính các yếu tố có chung cội nguồn là Tây phương, đã hướng dẫn sự phát triển Giáo hội Công giáo và các Giáo hội khác, cũng như các Cộng đồng xuất phát từ phong trào Cải cách. Do đó, các Giáo hội này chia sẻ thực tế rằng chúng mang tính cách “Tây phương”. “Tính đa dạng” của chúng được nêu trên đây, mặc dù có tầm quan trọng, không loại trừ những ảnh hưởng hỗ tương, cũng như tính bổ sung cho nhau.

Phong trào đại kết thực sự bắt đầu hưng thịnh trong các Giáo hội và các Cộng đồng Giáo hội Tin Lành Cải cách. Cũng trong khoảng thời gian đó, vào tháng 1 năm 1920, tòa Thượng phụ Đại kết bày tỏ hy vọng rằng, một số hình thức hợp tác giữa các Cộng đồng Kitô giáo có thể được tổ chức. Thực tế này cho thấy rằng, hậu quả của bối cảnh văn hóa không phải là yếu tố quyết định. Trái lại, điều cần thiết chính là vấn đề về đức tin. Lời cầu nguyện của Đức Kitô, là Chủ tể, là Đấng Cứu Chuộc và là vị Tôn Sư của chúng ta, nói với mọi người theo cùng một cách, dù ở Đông phương hay ở Tây phương. Lời cầu ngyện đó trở thành một mệnh lệnh đòi hỏi chúng ta phải bỏ đi mọi chia rẽ đau thương để tìm và để tìm kiếm và tái lập sự hiệp nhất.

66. Công đồng Vaticanô II không chủ ý “mô tả” Kitô giáo sau thời kỳ cải cách, vì “các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội ấy chẳng những khác biệt đáng kể với chúng ta, mà còn khác biệt với nhau” … và như thế là vì sự dị biệt về nguồn gốc, về Giáo lý và đời sống tu đức”[111]. Hơn nữa, Sắc lệnh đại kết nhận thấy rằng phong trào đại kết và “ước muốn hòa bình với Giáo hội Công giáo chưa được đề cao khắp nơi”[112]. Nhưng dẫu thế, Công đồng vẫn đề nghị đối thoại.

Sắc lệnh Công đồng tìm cách “nhấn mạnh một vài điểm có thể và phải là nền tảng và yếu tố thúc đẩy cuộc đối thoại ấy”[113]. “Chúng tôi đặc biệt nghĩ đến những Kitô hữu đang công khai tuyên xưng Đức Kitô là Chúa và là Thiên Chúa, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, để làm vinh danh Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[114].

Những anh em này tỏ ra yêu mến và tôn kính nhiều đối với Kinh Thánh: “Nhờ cầu khẩn Thánh Thần, họ tìm Thiên Chúa ngay trong Sách Thánh, Đấng như nói với họ trong Đức Kitô mà các ngôn sứ đã loan báo từ trước, và là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể vì chúng ta. Trong Kinh Thánh, họ chiêm ngưỡng cuộc đời Đức Kitô và những gì Thầy Chí Thánh đã dạy và đã sống để cứu rỗi loài người, nhất là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người… Họ khẳng định uy quyền thiêng liêng của Sách Thánh”[115].

Nhưng đồng thời, “họ cảm nghĩ khác chúng ta về sự liên quan giữa Kinh Thánh và Giáo hội; theo đức tin Công giáo, trong Giáo hội, quyền giáo huấn đích thực đặc biệt có thẩm quyền trong việc giải thích và rao giảng Lời Chúa đã được ghi chép”[116]. Mặc dù vậy, “trong việc đối thoại đại kết, Lời Chúa là dụng cụ tuyệt hảo mà bàn tay uy quyền của Thiên Chúa dùng để đạt tới sự hiệp nhất mà Đấng Cứu Thế tỏ bày cho mọi người”[117].

Hơn nữa, Bí Tích Thánh Tẩy chung cho chúng ta biểu trưng “mối dây hiệp nhất của tất cả những kẻ được tái sinh”[118]. Những liên can thần học, mục vụ và đại kết trong Bí Tích Rửa Tội chung, thật là nhiều và quan trọng. Mặc dù Bí tích này “mới chỉ là bắt đầu và khơi điểm”, nhưng đã “hướng tới một lời tuyên xưng đức tin trọn vẹn, một sự kết hiệp vào mầu nhiệm cứu rỗi như chính Đức Kitô đã muốn, và sau cùng, hướng tới một tham gia trọn vẹn vào sự hiệp thông Thánh Thể”[119].

67. Vào thời điểm cải cách, nhiều bất đồng Giáo lý và lịch sử đã phát sinh về Giáo hội, về các Bí Tích và thừa tác vụ. Cho nên Công đồng đòi hỏi “phải dùng Giáo lý về Bữa tiệc của Chúa, về các Bí Tích, về phụng tự cũng như về các thừa tác vụ của Giáo hội, làm cho đối tượng đối thoại”[120].

Sắc lệnh Unitatis Redintegratis nêu lên rằng những Cộng đồng phát xuất từ cải cách “không hiệp nhất trọn vẹn với chúng ta như phép Rửa tội đòi hỏi” và nhận xét rằng “vì thiếu Bí Tích Truyền Chức, các Cộng đồng ấy không còn giữ được bản chất đích thực và nguyên vẹn của Mầu nhiệm Thánh Thể” dù “trong Tiệc Thánh, họ tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa, họ tuyên xưng rằng sự sống chỉ có ý nghĩa nhờ hiệp thông với Đức Kitô, và họ mong chờ ngày trở lại vinh quang của Người”[121].

68. Sắc lệnh không quên đời sống tu đức hay những kết luận luân lý: “Đời sống Kitô hữu của các anh em ấy được nuôi dưỡng bằng đức tin vào Đức Kitô, được duy trì bằng ân sủng của Bí Tích Rửa Tội và nhờ nghe Lời Chúa. Đời sống ấy biểu lộ trong kinh nguyện riêng, trong việc suy niệm Lời Chúa, trong đời sống gia đình Kitô giáo, bằng việc phụng tự của Cộng đồng tụ họp để ngợi khen Thiên Chúa. Lại nữa, đôi khi trong các nghi lễ phụng tự của họ, cũng thấy có những yếu tố nổi bật, thuộc nền phụng vụ cổ kính chung”[122].

Mặt khác, văn kiện Cộng đồng không giới hạn ở phương diện thiêng liêng, luân lý và văn hóa, nhưng còn trân trọng lòng yêu mến thiết tha đức công bình và bác ái chân thực đối với tha nhân vẫn có nơi các anh em ấy; văn kiện Công đồng cũng không quên những sáng kiến mà họ đã có thể giúp cảnh sống xã hội nên nhân đạo hơn và để tái lập hòa bình. Tất cả những việc ấy được thực hiện do ý muốn chân thành gắn bó với Lời Đức Kitô như nguồn mạch sự sống Kitô giáo.

Như thế, văn bản làm nổi bật một vấn đề, trong lãnh vực đạo đức và luân lý, đã trở nên cấp bách trong thời đại ta: “Trong các Kitô hữu, nhiều người không luôn luôn hiểu Tin Mừng cùng một cách như người Công giáo”[123]. Trong lãnh vực bao la này, có nhiều khả năng lớn để đối thoại về những nguyên tắc luân lý của Tin Mừng và về việc áp dụng những nguyên tắc ấy.

69. Những ước mong và lời mời gọi của Công đồng Vaticanô II đã được hưởng ứng, và dần dần, chúng ta đã thấy mở rộng đối thoại thần học song phương giữa nhiều Giáo hội và các Cộng đồng Kitô hữu khác nhau trong thế giới Tây phương.

Hơn nữa, liên quan đến đối thoại đa phương, ngay từ năm 1964 đã được sắp đặt một quá trình thiết lập của “Nhóm làm việc hỗn hợp” cùng với “Hội đồng Đại kết” của các Giáo hội và từ 1968, nhiều nhà thần học đến nhóm họp, như thành viên chuyên biệt, tại Phân bộ Thần học của Hội đồng, là Ủy ban “Đức tin và Cơ chế”.

Cuộc đối thoại đã và vẫn còn phong phú nhiều hứa hẹn. Những chủ đề do Công đồng gợi ý như tài liệu đối thoại, đã được đề cập hay chẳng bao lâu nữa cũng sẽ được đề cập tới. Trong nhiều cuộc đối thoại song phương, việc suy tư được diễn tiến một cách hăng hái đáng khen ngợi từ mọi Cộng đồng đại kết, đã tập trung vào nhiều vấn đề được tranh luận, như Bí tích Rửa tội, Bí tích Mình Thánh, Bí tích Truyền Chức, tính Bí tích và thẩm quyền của Giáo hội, sự kế vị các Tông đồ. Như vậy là người ta đã phác thảo những viễn tượng chưa từng hy vọng có được giải đáp, và đồng thời người ta đã hiểu cần phải giải cứu một số điểm cách sâu sát hơn.

70. Việc nghiên cứu, khó khăn và tế nhị, đụng chạm tới những vấn đề đức tin và sự tôn trọng lương tâm của từng người, đã được theo sát và nâng đỡ bằng lời cầu nguyện của Giáo hội Công giáo và các Giáo hội cũng như Cộng đồng Giáo hội khác. Cầu nguyện cho hiệp nhất, đã ăn sâu vào và lan tỏa trong cơ thể Giáo hội, chứng tỏ rằng người Kitô hữu nào cũng quan tâm tới tầm quan trọng của vấn đề đại kết. Việc tìm hiệp nhất trọn vẹn đòi một sự tranh luận về đức tin giữa những tín hữu đã nhận mình thuộc về một Chúa duy nhất; vì thế, cầu nguyện là một nguồn ánh sáng soi dọi trên chân lý cần được tiếp nhận toàn vẹn.

Hơn nữa, không phải là phó mặc cho một nhóm chuyên viên, nhưng việc tìm về hiệp nhất liên quan tới mọi người đã phải chịu Phép Rửa Tội, nhờ lời cầu nguyện. Tất cả chúng ta, không phân biệt vai trò trong Giáo hội và trình độ văn hóa, đều phải nghĩ tới việc tích cực góp phần một cách mầu nhiệm và sâu xa.

Những mối tương quan với các Giáo hội khác

71. Chúng ta cũng phải tạ ơn Chúa Quan phòng vì tất cả các sự kiện chứng thực để tiến lên trên con đường hiệp nhất. Bên cạnh đối thoại thần học, nên đề cập đến các hình thức gặp gỡ khác, việc cầu nguyện chung với nhau và sự hợp tác thực tế. Thánh Phaolô VI đã khuyến khích mạnh mẽ tiến trình này, bằng việc ngài thăm văn phòng Hội đồng Đại kết các Giáo hội tại Geneva ngày 10 tháng 6 năm 1969, và bằng nhiều cuộc gặp gỡ với đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác. Những liên hệ như vậy giúp ích rất nhiều để cải thiện việc hiểu biết lẫn nhau và làm tăng gia tình huynh đệ Kitô giáo.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I, trong thời gian ngắn ngủi trên ngôi Giáo hoàng của mình, đã bày tỏ mong muốn tiếp tục đi trên con đường này[124]. Chúa đã ban cho tôi được hành động theo chiều hướng ấy. Ngoài những lần gặp gỡ đại kết quan trọng tại Rôma, một phần đáng kể những cuộc viếng thăm mục vụ của tôi được cống hiến cho chứng từ ủng hộ sự hiệp nhất các Kitô hữu. Một số trong những cuộc hành trình của tôi còn biểu lộ sự “ưu tiên” đại kết, đặc biệt là ở các quốc gia, nơi mà cộng đồng Công giáo chỉ là thiểu số so với các cộng đồng hậu Tin Lành Cải cách, hoặc những nơi, mà các giáo phái này lại là phần lớn trong số những người tin vào Đức Kitô trong một xã hội nhất định.

72. Điều này đáng kể nhất là đối với các nước Âu châu, nơi phát sinh những chia rẽ, và đối với Bắc Mỹ. Về điểm này, không muốn đánh giá thấp những cuộc viếng thăm khác, phải quan tâm đặc biệt tới những lần viếng thăm trên lục địa Âu châu mà đã đưa tôi tới Đức quốc hai lần, vào tháng 11 năm 1980 và tháng 4, tháng 5 năm 1987; cuộc viếng thăm trong Vương quốc Anh (bao gồm nước Anh, Scốt-len và xứ Galles) vào tháng 5, tháng 6 năm 1982; ở Thụy Sĩ tháng 6 năm 1984; trong các nước Bắc Âu và Scanđinavi (Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và đảo quốc Ai-len) những nơi tôi đã tới vào tháng 6 năm 1989. Trong bầu không khí vui mừng, tôn trọng lẫn nhau, trong tình liên đới Kitô giáo và sự cầu nguyện, tôi đã gặp rất nhiều anh chị em, tất cả đều nỗ lực cam kết trung thành với Tin Mừng. Nhìn thấy tất cả điều này đã cho tôi một nguồn khích lệ lớn. Chúng tôi đã trải nghiệm sự hiện diện của Chúa giữa chúng tôi.

Về việc này, tôi muốn đề cập đến một cuộc gặp gỡ được đức ái huynh đệ hướng dẫn, và được ghi dấu ấn đức tin rõ ràng sâu sắc, đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi. Tôi nghĩ tới những cử hành Thánh Lễ mà tôi chủ tế, tại Phần Lan và Thụy Điển, trong dịp viếng thăm các nước Bắc Âu và Scanđinavi. Lúc hiệp lễ, các vị Giám mục Lutherô đã đến trước chủ tế. Các ngài muốn dùng một cử chỉ được quyết định chung trước, tỏ bày lòng ước mong tới lúc mà chúng ta, Công giáo cũng như Tin lành Lutherô, có thể chia sẻ cùng một Thánh Thể, và các vị đã muốn nhận phép lành của chủ tế. Với tình thương mến tôi đã chúc lành cho các vị. Cũng cử chỉ ấy, rất phong phú ý nghĩa, được lặp lại tại Rôma, trong Thánh lễ tôi chủ tế tại công trường Farnèse, dịp kỷ niệm sáu trăm năm tuyên phong thánh Brigitta, ngày 6 tháng 10 năm 1991.

Tôi đã có thể nhận ra những tình cảm tương tự ở bên kia Đại Tây dương, tại Canađa vào tháng 9 năm 1984; đặc biệt vào tháng 9 năm 1987 tại Hoa Kỳ, nơi mà người ta thấy có sự rộng mở lớn cho đại kết. Chẳng hạn, trường hợp cuộc gặp gỡ đại kết ngày 11 tháng 9 năm 1987 ở Columbia, tại phía nam Carolina. Tự nó, thật là quan trọng khi những cuộc gặp gỡ giữa các anh em từ Giáo hội Cải cách và vị Giáo hoàng xảy ra đều đặn. Tôi rất biết ơn các anh em ấy bởi vì đã đã rất thân mật đón tiếp tôi, dù là các vị chức trách trong những Cộng đồng khác nhau hay là các Cộng đồng nói chung. Từ quan điểm này, tôi thấy thật là ý nghĩa việc cử hành đại kết Lời Chúa, diễn ra tại Columbia với chủ đề về gia đình.

73. Cũng còn một lý do để vui mừng lớn là nhận thấy, trong thời kỳ hậu Công đồng và trong từng Giáo hội địa phương, để cổ võ sự hiệp nhất các Kiô hữu, đã có rất nhiều sáng kiến và hành động của các Hội đồng Giám mục, các Giáo phận, các Cộng đồng Giáo xứ, cũng như nhiều trung tâm và phong trào trong Giáo hội.

Những thành tựu của sự hợp tác

74. “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu; nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy” (Mt 7,21). Sự gắn bó và lòng ngay thẳng của ý định và những xác quyết về nguyên tắc được biện minh khi đưa áp dụng vào đời sống cụ thể. Sắc lệnh của Công đồng về đại kết cho ta nhận thấy rằng nơi các anh em Kitô hữu khác, “đức tin vào Đức Kitô trổ sinh hoa trái trong những lời ngợi khen và cảm tạ vì các ơn lành đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, thêm vào đó là ý thức mạnh mẽ về đức công bình và tình yêu chân thành đối với tha nhân”[125].

Những nhận định vừa phác thảo trên đây là một vùng đất phì nhiêu không những cho đối thoại mà còn cho sự hợp tác hoạt động: “đức tin hoạt động cũng làm phát sinh nhiều tổ chức nhằm nâng đỡ sự cùng khổ tinh thần và thể xác, giáo dục tuổi trẻ, cải tiến những hoàn cảnh xã hội của cuộc sống cho thành nhân đạo hơn và củng cố nền hòa bình thế giới”[126].

Đời sống xã hội và văn hóa cho ta một lãnh vực rộng lớn để hợp tác đại kết. Các Kitô hữu càng gặp nhau hơn để bảo vệ phẩm giá con người, để phát huy lợi ích của hòa bình, áp dụng Tin Mừng vào lãnh vực xã hội, làm hiện diện tinh thần Kitô giáo trong khoa học và nghệ thuật. Họ càng gặp nhau nhiều hơn, khi phải đến cứu trợ những người cùng kổ và mang phương dược cứu chữa các nỗi thống khổ của thời đại, là nạn đói, thiên tai và bất công của xã hội.

75. Sự hợp tác này được cảm hứng từ chính Tin Mừng, đối với người Kitô hữu, không bao giờ chỉ thuần túy là hành động nhân đạo, nó có lý do tồn tại từ Lời Chúa: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn” (Mt 25,35) - Như đã nhấn mạnh, sự hợp tác của các Kitô hữu biểu lộ rõ ràng mức độ hiệp thông đã sẵn có nơi họ[127].

Trước mắt thế gian, hành động có kết hợp của các Kitô hữu trong một xã hội mang một giá trị phản ánh chứng từ Kitô giáo được cùng nhau làm nhân danh Chúa. Nó cũng có chiều kích loan báo Tin Mừng vì nó bày tỏ chân dung Đức Kitô.

Sự tồn tại những bất đồng giáo lý đã giới hạn sự hợp tác và ảnh hưởng cách tiêu cực tới hành động hợp tác. Sự hiệp thông đức Tin từng có nơi các Kitô hữu đưa ra một cơ sở chắc chắn không những cho hành động liên kết nhau trong phạm vi xã hội, mà còn trong lãnh vực Tôn giáo nữa.

Sự hợp tác này sẽ làm dễ dàng việc tìm về hiệp nhất. Sắc lệnh về đại kết cho ta nhận định rằng nhờ hợp tác “những người tin vào Đức Kitô có thể dễ dàng biết được cách thế hiểu nhau hơn, tôn trọng nhau hơn và dọn đường đi tới sự hiệp nhất các Kitô hữu”[128].

76. Trong bối cảnh này làm sao không nhắc tới ích lợi đại kết đối với hòa bình được biểu lộ trong cầu nguyện và hành động, với sự tham gia ngày càng tăng của Kitô hữu và dẫn lý thần học ngày càng sâu sắc? Không thể làm khác được. Ta chẳng tin kính Đức Giêsu Kitô là Vua bình an sao? Các Kitô hữu ngày càng hiệp nhất hơn, họ từ chối bạo lực, mọi hình thức bạo lực, từ chiến tranh đến bất công xã hội.

Chúng ta được gọi tới một sự dấn thân ngày càng chủ động, để thấy rõ hơn rằng những viện dẫn lý do tôn giáo quả không phải là nguyên nhân thực của các xung đột hiện đang xảy ra, kể cả khi nguy cơ khai thác cho những mục đích chính trị và bút chiến chưa được trừ khử.

Năm 1986, tại Assisi, trong Ngày Quốc tế cầu nguyện cho Hòa bình, các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội đã đồng thanh kêu cầu Chúa của Lịch sử ban hòa bình cho thế giới. Ngày ấy, một cách khác biệt nhưng song hành người Do thái và đại diện các Tôn giáo ngoài Kitô giáo đã cầu nguyện cho hòa bình, trong sự kết hợp các tâm tình từng làm rung động những sợi dây dễ cảm nhất của tâm trí con người. Tôi không quên được Ngày cầu nguyện cho hòa bình tại Âu châu và đặc biệt trong vùng Balkan đã đưa tôi đi hành hương trong thành của thánh Phanxicô ngày 9 và 10.1.1993, cũng không quên được Thánh lễ cầu hòa bình cho vùng Balkan, và đặc biệt cho Bosnia-Hercegovina, nơi tôi chủ tế ngày 23.1.1994, trong vương cung thánh đường thánh Phêrô, trong khuôn khổ Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.

Khi chúng ta đưa mắt nhìn khắp thế giới, một niềm hân hoan tràn ngập tâm hồn chúng ta. Quả thật, chúng ta nhận thấy rằng, các Kitô hữu cảm thấy bị thách thức hơn bao giờ hết bởi vấn đề hòa bình. Họ coi đó là mối liên hệ mật thiết giữa việc loan báo Tin Mừng và nước Thiên Chúa trị đến.

CHƯƠNG III - CON ĐƯỜNG CÒN BAO XA? (QUANTA EST NOBIS VIA?)

Tiếp tục và tăng cường sự Đối thoại

77. Bây giờ chúng ta có thể tự hỏi rằng, liệu chúng ta phải đi bao xa nữa cho đến ngày hồng phúc đó khi đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn trong đức tin và chúng ta có thể cùng nhau cử hành Thánh Thể của Chúa trong bình an. Sự hiểu biết lẫn nhau càng lớn hơn và những điểm đồng quy về giáo lý đã đạt được giữa chúng ta, dẫn đến sự tăng trưởng tình cảm và hiệu quả của sự hiệp thông, không thể thỏa mãn lương tâm người Kitô hữu đang tuyên xưng Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Mục đích cuối cùng của phong trào đại kết là tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn hữu hình của tất cả mọi người đã được rửa tội.

Theo quan điểm của mục tiêu này, tất cả các kết quả đạt được cho đến nay mới chỉ là một giai đoạn của hành trình, tuy nhiên đầy hứa hẹn và tích cực.

78. Trong phong trào đại kết, không chỉ có Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống mới sở hữu quan niệm đòi hỏi khắt khe về sự hiệp nhất này của Thiên Chúa. Xu hướng cho sự hiệp nhất như vậy cũng được thể hiện bởi những người khác nữa[129].

Phong trào đại kết ngụ ý rằng các cộng đồng Kitô giáo nên giúp đỡ lẫn nhau để có thể thực sự hiện diện trong họ toàn bộ nội dung và tất cả các yêu cầu của “gia sản được các Tông đồ truyền lại”[130]. Nếu không có điều này thì sẽ không bao giờ có thể đạt tới sự hiệp thông trọn vẹn. Sự giúp đỡ lẫn nhau này trong việc tìm kiếm chân lý là một hình thức cao nhất của đức ái theo Tin Mừng.

Việc tìm kiếm chân lý được biểu lộ trong nhiều văn kiện khác nhau của các Ủy ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại. Trong những văn bản này, có vấn đề bí tích Rửa tội, bí tích Mình Thánh Chúa, thừa tác vụ và quyền bính, khởi đi từ một sự hiệp nhất căn bản nào đó về giáo lý.

Từ sự hiệp nhất cơ bản, nhưng từng phần này, bây giờ phải chuyển qua hiệp nhất hữu hình, tất yếu và đủ được ghi khắc trong thực tại cụ thể, hầu như các Giáo hội thực hiện đúng dấu chỉ hiệp nhất trọn vẹn trong Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, được biểu lộ trong việc đồng cử hành Bí Tích Thánh Thể.

Hành trình hướng tới sự hiệp nhất hữu hình và trọn vẹn, trong sự hiệp thông của một Giáo hội duy nhất như Đức Kitô muốn, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực kiên nhẫn và can đảm. Trong quá trình này, người ta không được đặt bất kỳ gánh nặng nào vượt quá mức cần thiết (x. Cv 15,28).

79. Ngay từ bây giờ, có thể phân biệt những chủ đề phải nghiên cứu kỹ để đạt tới một thỏa hiệp thực sự trong đức tin: 1) Những tương quan giữa Kinh Thánh, thẩm quyền tối cao trong vấn đề đức tin, và Thánh truyền, giải thích cần có đối với Lời Chúa. 2) Thánh Thể, bí tích Mình và Máu Đức Kitô, lễ dâng để ngợi khen Chúa Cha, tưởng niệm hy sinh và sự hiện diện thực sự của Đức Kitô, sự tràn đổ ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần. 3) Việc truyền chức, như một Bí Tích với ba sứ vụ: chức Giám mục, chức Linh mục và chức Phó tế. 4) Huấn quyền của Giáo hội, được trao cho Đức Giáo hoàng và các Giám mục hiệp thông với ngài, và được hiểu như trách nhiệm và quyền bính nhân danh Đức Kitô, để giáo huấn và bảo vệ đức tin. 5) Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là hình ảnh Giáo hội, là người Mẹ thiêng liêng đang chuyển cầu cho các môn đệ Đức Kitô và cho toàn thể nhân loại.

Trong hành trình can đảm hướng tới sự hiệp nhất này, sự sáng suốt và khôn ngoan của đức tin đòi ta phải tránh thái độ cảm thông và bác ái sai lầm, và sự coi thường các điều Luật của Giáo hội[131]. Ngược lại sự sáng suốt và khôn ngoan ấy khuyên ta tránh xa tính thờ ơ trong việc dấn thân cho sự hiệp nhất, tránh xa sự chống đối theo thành kiến, hoặc bi quan nhìn mọi sự một cách tiêu cực.

Bảo vệ một quan niệm về hiệp nhất có quan tâm đến các yêu cầu của chân lý mặc khải, điều ấy không có nghĩa là phong trào đại kết bị kiềm chế [132]. Ngược lại, điều đó có nghĩa là ngăn chặn nó giải quyết những giải pháp rõ ràng sẽ không dẫn đến kết quả bền bỉ và vững chắc[133]. Nghĩa vụ tôn trọng sự thật là tuyệt đối. Đây không phải là luật của Tin Mừng hay sao?

Đón nhận những thành quả đã đạt được

80. Trong khi tiến hành đối thoại về những chủ đề mới, hoặc mở rộng ở mức độ sâu xa hơn, chúng ta có nhiệm vụ mới phải chu toàn là đón nhận những thành quả đã đạt được. Chúng không thể chỉ dừng lại ở những khẳng định của các Ủy ban song phương, nhưng chúng phải trở thành một di sản chung. Để đi tới điểm này và củng cố những mối dây hiệp thông, phải xem xét nghiêm chỉnh, việc này bao hàm toàn thể dân Chúa, nhiều cách thức khác nhau và chiếu theo những phẩm quyền khác nhau. Quả vậy, đây là những vấn đề thường chạm đến đức tin và đòi một sự đồng tình phổ quát, từ các vị Giám mục tới những tín hữu giáo dân, hết mọi người đã lãnh ơn xức dầu của Chúa Thánh Thần[134]. Chính cùng một Thánh Thần phù trợ quyền giáo huấn và khơi lên cảm thức về đức tin.

Nhằm tiếp nhận những thành quả của đối thoại, phải hướng dẫn một tiến trình phê phán rộng rãi và chính xác, để phân tích các thành quả, và khắt khe minh xác sự phù hợp với truyền thống đức tin mà ta đã nhận từ các Tông đồ và từng sống động trong Cộng đồng các tín hữu quy tụ chung quanh Giám mục của mình, là mục tử hợp pháp.

81. Tiến trình này phải được dẫn đưa một cách khôn ngoan và trong thái độ đức tin sẽ được Chúa Thánh Thần phù trợ. Để mang lại những thành quả tốt, cần làm cho các kết luận được phổ biến một cách xứng hợp, do những vị có thẩm quyền. Những đóng góp mà các thần học gia và các phân khoa thần học được mời gọi cung cấp, bằng cách hoạt động theo ơn đoàn sủng của họ trong Giáo hội, có một tầm quan trọng lớn về điểm này. Hơn nữa, rõ ràng là các ủy ban đại kết có vai trò và trách nhiệm đặc biệt trong vấn đề này.

Tất cả tiến trình được theo dõi và nâng đỡ bởi các Giám mục và bởi Tòa Thánh. Trách nhiệm đưa ra một phán quyết định đoạt, thuộc về quyền Giáo huấn.

Trong tất cả những việc ấy, về mặt thần học cũng rất hữu ích, khi lưu tâm phân biệt kho tàng đức tin và cách thức mà kho tàng ấy được diễn tả như thánh Gioan XXIII đã dạy trong diễn văn khai mạc Công đồng Vaticanô II[135].

Tiếp tục đại kết thiêng liêng và làm chứng cho sự thánh thiện

82. Có thể hiểu được mức độ quan trọng của việc dấn thân đối với phong trào đại kết đưa ra một thách thức sâu sắc đối với các tín hữu Công giáo. Chúa Thánh Linh mời gọi họ thực hiện cuộc kiểm điểm lương tâm một cách nghiêm túc. Giáo hội Công giáo phải đi vào công việc mà người ta gọi là “đối thoại hoán cải”, nơi đặt nền tảng thiêng liêng của đối thoại đại kết. Trong cuộc đối thoại này, được diễn tiến trước mặt Thiên Chúa, mỗi người phải tìm ra những sai lầm của mình, thú nhận tội lỗi của mình, và phó thác mình trong tay Đức Giêsu Kitô, Đấng chuyển cầu cho ta nơi Chúa Cha.

Chắc chắn, sức mạnh cần thiết để đưa tới cùng đích tốt đẹp của chính cuộc hành hương trường kỳ gian khổ của đại kết đã có trong mối quan hệ hoán cải với thánh ý Chúa Cha, và đồng thời là quan hệ sám hối và tuyệt đối tin cậy vào sức mạnh giao hòa của Chân lý là Đức Kitô. Việc “đối thoại hoán cải” của tất cả các Cộng đồng về với Chúa Cha, không khoan nhượng với chính mình, là căn bản của tương quan huynh đệ khác với sự thỏa thuận thân tình hay sự cộng sinh chỉ có bề mặt. Những mối dây hiệp nhất (koinonia) giữa các anh chị em được thắt chặt trước mặt Thiên Chúa và trong Đức Giêsu Kitô.

Chỉ một sự kiện đặt mình trước mặt Thiên Chúa mới có thể cho ta một nền tảng vững vàng cho việc hoán cải của các Kitô Hữu, và cho sự bền bỉ cải cách Giáo hội xét như là cơ chế cùng mang tính nhân loại và trần thế[136]: như vậy là thực hiện xong những điều kiện tiên quyết cho mọi hành động đại kết. Một trong nhiều yếu tố thiết yếu của đối thoại đại kết là sự cố gắng đưa các Cộng đồng Kitô vào một không gian thiêng liêng hoàn toàn nội tâm, nơi Đức Kitô, qua quyền năng Chúa Thánh Thần, sẽ gợi ý cho tất cả, không trừ Cộng đồng nào, phải xét mình trước mặt Chúa Cha, và tự hỏi xem mình có trung thành với ý định của Người về Giáo hội không.

83. Tôi đã nói đến Thánh ý Chúa Cha, đến không gian thiêng liêng nơi mà bất kỳ Cộng đồng nào cũng nghe được lời mời gọi vượt lên trên các chướng ngại đối với hiệp nhất. Thực ra, tất cả các Cộng đồng Kitô đều biết rằng một đòi hỏi như thế, một sự vượt thắng như vậy, nhờ sức mạnh do Chúa Thánh Thần ban, không quá tầm mức của họ đâu. Thực sự, tất cả các Cộng đồng đều có những vị tử đạo vì đức tin Kitô giáo[137]. Mặc dù thảm cảnh chia rẽ, những anh em này vẫn giữ trong mình lòng gắn bó triệt để và tuyệt đối với Đức Kitô và với Chúa Cha, nên đã có thể chấp nhận đổ máu. Nhưng, chẳng phải là chính sự gắn bó này đã can thiệp vào điều mà tôi gọi là “đối thoại hoán cải” sao? Chẳng phải là cuộc đối thoại này bộc lộ sự cần thiết phải đi tới cùng của kinh nghiệm chân lý về sự hiệp nhất trọn vẹn sao.

84. Theo quan điểm đồng quy về Thiên Chúa, Kitô hữu của chúng ta đã có Sổ bộ các vị Tử đạo chung. Sổ bộ ấy gồm cả những vị tử đạo của thế kỷ chúng ta, đông đúc hơn là người ta có thể nghĩ tới, và về mặt chiều sâu, sổ bộ đã chứng tỏ rằng, Thiên Chúa vẫn duy trì nơi những người đã chịu phép Rửa tội mối hiệp thông, trong sự đòi hỏi tối cao của đức tin, được biểu lộ bằng việc hy sinh mạng sống[138]. Nếu người ta có thể chết vì đức tin, điều này chứng tỏ người ta có thể đi tới đích điểm, khi có những hình thức khác của cùng một yêu sách này. Tôi đã vui mừng nhận thấy rằng sự hiệp thông vẫn được duy trì, tuy bất toàn nhưng có thực, và lớn rộng thêm ở nhiều cấp bậc trong đời sống Giáo hội. Tôi nghĩ rằng sự hiệp thông đã hoàn hảo trong điều mà tất cả chúng ta coi như là đỉnh cao của đời sống ân sủng, việc làm chứng tới mức chịu chết, sự hiệp thông đích thực nhất với Đức Kitô, Đấng đã đổ máu mình ra, và trong hy sinh ấy, đã làm cho những người xưa kia ở xa, nay xích lại gần với nhau hơn (x. Ep 2, 13).

Nếu như đối với tất cả các Cộng đồng Kitô hữu, các vị tử đạo là bằng chứng của sức mạnh ân sủng, thì các ngài vẫn không phải là những người duy nhất làm chứng cho sức mạnh ấy. Mặc dù một cách vô hình, sự hiệp thông tuy bất toàn trong các Cộng đồng của chúng ta, nhưng thực đã được vững chắc hàn gắn lại nhờ sự hiệp thông hoàn toàn của các thánh, tức là những vị, đã trung kiên với ân sủng đến giây phút cuối của cuộc đời, đã ở trong sự hiệp thông cùng Đức Kitô vinh quang. Các vị thánh này, từ khắp các Cộng đồng và các Giáo hội mà tới, vì các Giáo hội và Cộng đồng đã mở lối cho các vị ấy đi vào sự hiệp thông của ơn Cứu độ.

Khi nói về di sản chung, chúng ta phải bao hàm trong đó, không những các định chế, nghi thức, phương thế hưởng ơn cứu độ, các truyền thống mà các Cộng đồng vẫn bảo toàn, và qua đó các Cộng đồng được thành hình, nhưng trước hết và trên hết, chính là thực tại của sự thánh thiện[139].

Nhờ vẻ rạng ngời nơi “gia sản của các thánh” thuộc về mọi Cộng đồng, cuộc “đối thoại hoán cải” hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình đã xuất hiện trong ánh sáng của niềm hy vọng. Quả thật, sự hiện diện của các thánh ở khắp mọi nơi, đã cho chúng ta một  bằng chứng về sức mạnh siêu việt của Chúa Thánh Thần. Sự hiện diện của các thánh chính là dấu chỉ và bằng chứng sự chiến thắng của Thiên Chúa trên những thế lực sự ác đang chia rẽ nhân loại. Như lời ca phụng vụ: “Khi tuyên dương công trạng các thánh, Thiên Chúa tuyên dương những ân huệ Người đã ban”[140].

Khi có một ý chí chân thành theo Đức Kitô, thì Chúa Thánh Thần thường đổ tràn ơn của Người xuống, qua nhiều nẻo đường khác với những đường nẻo thông thường. Kinh nghiệm đại kết cho ta hiểu rõ điều ấy hơn. Nếu trong không gian thiêng liêng nội tâm mà tôi đã diễn tả trên, các Cộng đồng biết thực sự “hoán cải”, đi tìm hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình, Thiên Chúa sẽ làm cho các Cộng đồng ấy điều Người đã làm cho các thánh. Người sẽ vượt lên trên những chướng ngại từ quá khứ lưu lại, và sẽ đưa các Cộng đồng đi trên những nẻo đường mà Người muốn hướng tới sự hiệp nhất (koinonia) hữu hình, đồng thời là lời ca ngợi vinh quang Chúa, là phụng sự thánh ý cứu độ của Người.

85. Bởi vì qua lòng nhân hậu vô biên của Người, Thiên Chúa luôn luôn có thể rút ra một điều thiện hảo ngay từ những hoàn cảnh đi ngược với thánh ý của Người, cho nên chúng ta có thể khám phá ra rằng, trong một số hoàn cảnh, Chúa Thánh Thần đã từng làm cho những đối đầu trở nên sự giúp đỡ làm sáng tỏ nhiều phương diện của ơn gọi Kitô hữu, như đã xảy ra trong đời sống các thánh. Mặc dù những ly cách là một sự dữ mà chúng ta phải được chữa khỏi, vẫn có một hiệp thông vào nguồn phong phú của ân sủng, dù sao cũng được thực hiện và có mục đích làm tươi đẹp cho Koinonia (hiệp nhất). Ân sủng của Thiên Chúa sẽ ở trong tất cả những người theo gương các thánh đã hết lòng đi theo những đòi hỏi của ân sủng. Phần chúng ta, sao còn có thể ngần ngại trở về với những nỗi niềm chờ đợi đó của Cha chúng ta? Người luôn ở cùng chúng ta.

Đóng góp của Giáo hội Công giáo cho cuộc tìm kiếm sự hiệp nhất Kitô giáo

86. Hiến chế Lumen Gentium, trong một điều khẳng định căn bản, mà sắc lệnh Unitatis Redintegratio đã lặp lại[141], viết rằng Giáo hội duy nhất của Đức Kitô hiện diện trong Giáo hội Công giáo[142]. Sắc lệnh về đại kết nhấn mạnh đến sự hiện diện của Giáo hội Công giáo về sự viên mãn (plenitudo) của các phương tiện cứu rỗi[143]. Sự hiệp nhất trọn vẹn sẽ được thực hiện, khi tất cả sẽ tham gia vào sự sung mãn của các phương tiện cứu độ mà Đức Kitô trao cho Giáo hội của Người.

87. Trên đường dẫn tới hiệp nhất trọn vẹn, đối thoại đại kết cố gắng gây nên một sự tương trợ huynh đệ, nhờ đó các Cộng đồng quan tâm trao đổi cho nhau những điều mỗi bên cần có, để lớn lên theo ý Thiên Chúa dướng về sự sung mãn trọn vẹn (x.Eph 4, 11-13). Tôi đã nói rằng, với tư cách là Công giáo, chúng ta ý thức đã nhận được nhiều chứng từ, những nghiên cứu và cả phương cách mà các Giáo hội và Cộng đồng khác nhấn mạnh và sống một số thiện hảo chung cho các Kitô hữu. Trong những tiến bộ đạt được ba mươi năm qua, phải đặt vào vị trí cao chính ảnh hưởng huynh đệ hỗ tương. Ở điểm chúng ta đã đạt tới[144], động lực làm phong phú cho nhau đó phải được nghiêm chỉnh cứu xét. Được đặt cơ sở trên sự hiệp thông đang có, nhờ những yếu tố Giáo hội trong các Cộng đồng Kitô, động lực ấy sẽ không kém phần lôi cuốn tới hiệp thông trọn vẹn và hữu hình, là mục tiêu được mong ước trên hành trình chúng ta đang thực hiện. Đó là hình thức đại kết do luật chia sẻ của Tin Mừng. Điều này cho tôi nhắc lại: “Trong mọi sự phải có niềm ưu tư gặp được những gì các anh em khác của chúng ta mong muốn và chờ đợi cách hợp pháp từ nơi chúng ta, bằng cách hiểu biết lối suy tư và sự nhạy cảm của họ… Phải làm cho những ân huệ nơi mỗi người được triển nở, vì lợi ích của tất cả mọi người”[145].

Sứ vụ hiệp nhất của Giám mục Rôma

88. Giữa các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội, Giáo hội Công giáo ý thức là mình đã duy trì sứ vụ của người kế vị thánh tông đồ Phêrô, là Giám mục Rôma, mà Thiên Chúa đã đặt như “thủ lãnh và nền tảng thường trực và hữu hình của sự hiệp nhất”[146] và được Chúa Thánh Thần phù trợ, để tất cả những người khác được hưởng điều thiện hảo thiết yếu này. Theo kiểu nói tuyệt vời của thánh Grêgôriô cả, sứ vụ của tôi là sứ vụ của Servus servorum Dei (đầy tớ của các đầy tớ Thiên Chúa). Định nghĩa này là bảo đảm tốt nhất chống lại nguy cơ tách rời quyền bính (và riêng quyền tối thượng) khỏi sứ vụ, là điều nghịch với ý nghĩa và quyền bính theo Tin Mừng. “Thầy ở giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27), Đức Giêsu Kitô là thủ lãnh Giáo hội đã nói như thế. Mặt khác, như tôi đã có dịp tuyên bố nhân cuộc gặp gỡ quan trọng tại hội đồng đại kết các Giáo hội tại Geneva, ngày 12.6.1984, niềm xác tín của Giáo hội Công giáo rằng mình đã duy trì, bởi muốn trung thành với truyền thống Tông đồ và với đức tin của các Giáo phụ, dấu chỉ hữu hình và sự bảo đảm hiệp nhất trong sứ vụ của Giám mục Rôma, lại gây khó khăn cho phần nhiều các Kitô hữu khác, mà ký ức vẫn còn lưu giữ một số kỷ niệm đau thương. Về điều gì chúng ta phải chịu trách nhiệm, tôi xin được tha thứ, như Vị tiền nhiệm của tôi là thánh Phaolô VI đã làm[147].

89. Tuy nhiên, thật là ý nghĩa và khích lệ, vấn đề quyền tối thượng của Giám mục Rôma hiện nay đã trở nên đối tượng đang được nghiên cứu hoặc đang được dự tính nghiên cứu; và cũng là thật ý nghĩa và khích lệ, vấn đề này hiện làm chủ đề thiết yếu không những trong các cuộc đối thoại thần học mà Giáo hội Công giáo theo đuổi với các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác, mà còn tổng quát hơn trong toàn bộ phong trào đại kết. Mới đây, các tham dự viên khóa năm Đại hội quốc tế của Ủy ban “Đức tin và Quy chế” của Hội đồng hiệp nhất các Giáo hội, họp tại Saint - Jacques de Compostelle, các Vị ấy đã yêu cầu Ủy ban “thực hiện một nghiên cứu mới về vấn đề sứ vụ phổ quát của việc Hiệp nhất các Kitô hữu”[148]. Sau nhiều thế kỷ bút chiến quyết liệt, các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác ngày càng xem xét đến sứ vụ hiệp nhất này với một cái nhìn mới[149].

90. Giám mục Rôma là Giám mục của Giáo hội mang dấu ấn bởi cuộc tử đạo của thánh Phêrô và của thánh Phaolô: “Bởi ý định nhiệm mầu của Chúa Quan Phòng, chính tại Rôma mà Phêrô đã hoàn tất hành trình theo Đức Giêsu và thánh nhân đã biểu lộ một bằng chứng lớn hơn về tình yêu và lòng trung thành. Cũng chính tại Rôma mà thánh Phaolô, vị Tông đồ các dân ngoại, đã nói lên một chứng từ tuyệt cao vời. Như thế, Giáo hội Rôma trở thành Giáo hội của Phêrô và Phaolô”[150].

Trong Tân Ước, bản thân Phêrô có một vị thế trổi vượt. Trong phần thứ nhất của sách Tông đồ Công vụ, Phêrô xuất hiện là thủ lãnh và phát ngôn viên của Tông đồ đoàn, được nhận biết như là: “Phêrô… và nhóm Mười Một” (Cv 2,14; x. 2,37; 5,29). Vị trí dành cho Phêrô có cơ sở trên chính lời của Đức Kitô, như được bảo tàng trong các truyền thống Tin Mừng.

91. Tin Mừng Mátthêu diễn tả và xác định sứ vụ mục tử của Phêrô trong Giáo hội: “Này anh Simon con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực Tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy, dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,17-19). Luca làm nổi bật rằng Đức Kitô căn dặn Phêrô phải củng cố anh em mình, nhưng Người cũng đồng thời cho Phêrô thấy sự yếu đuối của con người và nhu cầu hoán cải của ông (x. Lc 22,31-32). Như thế, từ lỗi yếu đuối phàm nhân của Phêrô, hoàn toàn rõ ràng là sứ vụ đặc thù của ông trong Giáo hội trọn vẹn là hiệu quả của ân sủng; như thể là Thầy chí thánh đặc biệt lo cho Phêrô trở lại, để chuẩn bị ông vào nhiệm vụ mà Người sắp trao cho ông trong Giáo hội, và như thể Người rất yêu sách với Phêrô. Chính vai trò Phêrô, luôn gắn với lời khẳng định thực tế về sự yếu đuối của ông, lại thấy trong Tin Mừng thứ tư rằng: “Simon, con của Gioan, anh có mến Thầy hơn những người này không?... Hãy chăn dắt chiên mẹ của Thầy” (x. Ga 21,15-19). Cũng thật là ý nghĩa, theo Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô: Đức Kitô phục sinh đã hiện ra trước với kê-pha rồi với nhóm Mười Hai (x. 1Cr 15,5).

Cần nhận xét rằng sự yếu đuối của Phêrô và của Phaolô cho thấy Giáo hội được thiết lập trên quyền năng vô biên của ân sủng (x. Mt 16,17; 2Cr 12,7-10). Ngay khi vừa được tấn phong Phêrô đã bị quở trách khá nặng nề, hiếm khi thấy Đức Kitô nghiêm khắc như vậy, Người nói: “Anh cản lối Thầy” (Mt 16,23). Làm sao không thấy, trong lòng từ bi thương xót của Chúa mà Phêrô cần được hưởng, có một dây liên kết với sứ vụ cũng từ lòng thương xót mà ông là người đầu tiên đã cảm nghiệm? Dù thế, ông vẫn chối Chúa ba lần. Tin Mừng Gioan cũng nhấn mạnh rằng Phêrô lãnh trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên để đáp lại ba lần tuyên xưng lòng yêu mến thầy (x. Ga 21, 15-17) tương ứng ba lần chối thầy (x. Ga 13,38). Về phần thánh Luca, trong lời Đức Kitô kể trên mà truyền thống đầu tiên ghi lại để xác định sứ vụ của Phêrô, lại nhấn mạnh sự kiện Phêrô phải củng cố anh em mình, khi Phêrô đã được trở lại (x. Lc 23,31).

 92. Còn về Phaolô, ông có thể kết luận việc mô tả sứ vụ của mình bằng một lời khẳng định gây ngỡ ngàng rằng, sứ vụ đã ban cho ông được tiếp nhận từ miệng Đức Kitô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh; vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”, và sau đó, ông có thể thốt lên rằng: “... Khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,9-10). Đó là một trong những đặc tính căn bản của kinh nghiệm Kitô giáo.

Thừa kế sứ vụ của Phêrô trong Giáo hội, được trở nên phong phú bằng máu đào của hai vị trưởng các tông đồ. Giám mục Rôma thi hành sứ vụ đã có nguồn gốc từ nhiều hình thức qua lòng nhân từ của Thiên Chúa, lòng từ bi hoán cải các linh hồn và thông ban sức mạnh ân sủng, ngay ở điểm mà người môn đệ nhận biết mùi vị cay đắng do sự yếu đuối của mình và nỗi khốn khổ của mình. Quyền bính riêng của sứ vụ này là chỉ để phục vụ ý định từ bi của Thiên Chúa và luôn luôn phải nhìn quyền bính ấy trong viễn tượng này. Quyền của Giám mục Rôma được giải thích theo chiều hướng này.

93. Dựa trên ba lời tuyên xưng về lòng yêu mến của Phêrô, tương ứng với ba lần chối Chúa, đấng kế vị Phêrô cũng biết phận mình là dấu chỉ của lòng thương xót. Sứ vụ của Phêrô chính là sứ vụ của lòng thương xót, phát xuất từ hành động xót thương của Đức Kitô. Toàn bộ bài học Tin Mừng này phải luôn luôn được đọc lại, để việc thi hành sứ vụ của Phêrô không mất đi căn tính và sự nguyên tuyền của nó.

Giáo hội của Thiên Chúa được Đức Kitô kêu gọi để biểu lộ cho một thế giới bị trói buộc bởi những tội lỗi và các ý định xấu xa của mình, bất chấp tất cả, bằng lòng thương xót của Người, Thiên Chúa có thể biến đổi mọi tâm hồn, để trở nên hiệp nhất và cho phép họ đi vào sự hiệp thông với Người.

94. Việc phục vụ cho sự hiệp nhất này, bám rễ sâu trong công trình từ bi của Thiên Chúa, được trao, ngay trong nội bộ Giám mục đoàn, cho một người trong số những người đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần một trách nhiệm, không phải để thi hành quyền lực trên dân, như thủ lãnh các dân nước và những người làm lớn (x. Mt 20,25; Mc 10,42), nhưng để hướng dẫn dân chúng ngõ hầu họ có thể tiến vào những đồng cỏ an bình. Nhiệm vụ này có thể đòi hiến dâng cả tới mạng sống của mình (x. Ga 10,11-18). Sau khi đã trình bày Đức Giêsu là “Mục tử duy nhất, trong sự hiệp nhất với Người, tất cả đều nên một”, thánh Augustinô khuyên dạy: “Mong sao các mục tử chỉ ở trong một mục tử, các vị hãy làm cho người ta nghe thấy tiếng duy nhất của Mục tử; mong sao các con chiên nghe được tiếng Người; theo Mục tử của họ, không phải mục tử này mục tử kia, mà là Mục Tử duy nhất. Và mong sao, nơi Người, các mục tử làm cho người ta nghe được một tiếng nói duy nhất, chứ không phải là những tiếng nói lạc điệu… Tiếng nói ấy, thoát khỏi mọi chia rẽ, sạch khỏi mọi lạc giáo, mong sao các con chiên đều nghe được!”[151]. Sứ vụ của Giám mục Rôma ở giữa đoàn thể các mục tử, hệ tại chính ở việc “canh chừng” (episkopein), như người lính gác, làm sao cho người ta nhờ các mục tử mà nghe được trong các Giáo hội riêng, chính tiếng nói chân thực của Đức Kitô Mục Tử. Như vậy trong từng Giáo hội riêng biệt được trao phó cho ngài sẽ thể hiện Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tất cả các Giáo hội đều ở trong sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình, vì các mục tử hiệp thông với Phêrô, và như thế là ở trong sự hiệp nhất của Đức Kitô.

Nhờ quyền lực và quyền bính mà không có hai quyền này thì chức vụ ấy chỉ là ảo tưởng, Giám mục Rôma phải đảm bảo sự hiệp thông các Giáo hội. Với tước hiệu ấy, Giám mục Rôma là người thứ nhất trong các người phục vụ hiệp nhất. Quyền tối thượng được thực thi ở nhiều mức độ liên quan tới việc canh thức trong việc truyền thông Lời Chúa, trong việc cử hành bí tích và phụng vụ, trong công cuộc truyền giáo, trong kỷ luật, và trong đời sống Kitô hữu. Người kế vị thánh Phêrô phải nhớ đến các yêu sách của Công ích Giáo hội, trong trường hợp có người bị cám dỗ bỏ lơ công ích để tìm lợi lộc riêng. Người kế vị thánh Phêrô có nhiệm vụ bảo ban, canh chừng và đôi khi phải tuyên bố là không phù hợp với sự duy nhất đức tin một ý kiến này hay dư luận khác đang lan tràn. Khi các hoàn cảnh đòi hỏi, người kế vị thánh Phêrô sẽ nhân danh các mục tử hiệp thông với ngài mà lên tiếng. Và, trong các điều kiện thực hiện chính xác, do Công đồng Vaticanô I (năm 1870) trình bày, ngài cũng có thể tuyên bố ex cathedra (từ tòa Phêrô) rằng, một giáo lý nào đó là thuộc kho tàng đức tin[152]. Làm chứng cho chân lý như vậy là ngài phục vụ hiệp nhất.

95. Nhưng tất cả các điều ấy phải luôn luôn được thực hiện trong sự hiệp thông. Khi Giáo hội Công giáo khẳng định rằng chức năng của Giám mục Rôma đáp ứng ý muốn của Đức Kitô, Giáo hội không tách riêng chức năng này ra khỏi sứ vụ đã trao cho toàn thể các Giám mục, vì các ngài cũng là “đại diện và là sứ giả của Đức Kitô”[153]. Giám mục Rôma cũng thuộc về “Giám mục đoàn” và các Giám ngục cũng là anh em của ngài trong sứ vụ.

Bất cứ điều gì liên quan đến sự hiệp nhất của tất cả các cộng đồng Kitô giáo rõ ràng là một phần của mối quan tâm về tính ưu việt. Là Giám mục Rôma, tôi hoàn toàn nhận thức được, như tôi đã tái khẳng định trong Thông điệp này rằng, Đức Kitô khao khát sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình của tất cả những Cộng đồng, trong đó Thần khí Chúa ngự trị nhờ lòng tín trung của Thiên Chúa. Về mặt này, tôi xác tín rằng, tôi có trách nhiệm đặc biệt, nhất là khi tôi thấy khát vọng đại kết của phần lớn các Cộng đồng Kitô giáo và khi tôi nghe được những yêu cầu gửi đến tôi, để tìm ra một phương thức thi hành quyền tối thượng mở rộng cho hoàn cảnh mới, nhưng không từ bỏ điều thiết yếu nào trong sứ vụ của quyền ấy. Trong suốt một thiên niên kỷ, các Kitô hữu vẫn liên kết với nhau bằng “một sự hiệp thông huynh đệ trong đức tin và đời sống bí tích; qua những thỏa thuận chung, Tông tòa Rôma can thiệp, mỗi khi các Giáo hội ấy bất đồng quan điểm với nhau về tín lý hay về kỷ luật”[154]. Như thế, quyền tối thượng được thi hành vì sự hiệp nhất. Khi đàm đạo với Đức Thượng phụ đại kết Dimitrios I, tôi đã ý thức rõ, như tôi đã nói rằng, “vì nhiều lý do khác nhau, và ý muốn trái chiều của người này cũng như người kia, điều lẽ ra phải là việc phục vụ, lại đã biểu lộ dưới một thứ ánh sáng khác biệt. Nhưng... chính vì muốn thực sự vâng theo Đức Kitô mà tôi nhận thấy mình được gọi, với tư cách Giám mục Rôma, để thực thi sứ vụ này... Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ánh sáng của Người, và soi sáng cho tất cả các mục tử cũng như các nhà thần học trong các Giáo hội của chúng ta, để chúng ta có thể tìm ra, dĩ nhiên là cùng nhau tìm ra những kiểu mẫu, trong đó sứ vụ này có thể thực hiện một sự phục vụ trong tình thương mà các bên đều nhìn nhận”[155].

96. Đây là một công việc to lớn mà chúng ta không thể từ bỏ và tôi không có thể một mình đảm nhiệm cho tốt được. Sự hiệp thông đích thực, dù còn bất toàn, đang hiện hữu giữa chúng ta, lại chẳng có thể thúc đẩy những vị có trách nhiệm trong Giáo hội và các nhà thần học trong Giáo hội, cùng tôi lập thành một cuộc đối thoại huynh đệ và kiên trì về vấn đề này, trong đó chúng ta có thể lắng nghe nhau, vượt qua mọi thứ bút chiến vô bổ, mà chỉ mang trong tâm trí mình ý muốn của Đức Kitô, mong cho Giáo hội của Người, để ta nghe tiếng Người đang vang lên: “để tất cả nên một… hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21).

Sự hiệp thông của tất cả các Giáo hội riêng biệt với Giáo hội Rôma: một điều kiện cần thiết cho sự hiệp nhất

97. Giáo hội Công giáo, trong praxis (thực hành) cũng như các bản văn chính thức chủ trương rằng sự hiệp thông các Giáo hội riêng biệt với Giáo hội Rôma, hiệp thông các Giám mục của họ với Giám mục Rôma, là điều kiện thiết yếu, theo ý định của Thiên Chúa, của sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình. Quả vậy, phải làm sao cho sự hiệp thông trọn vẹn, mà Bí tích Thánh Thể là biểu hiện nhiệm tích tối cao, được bày tỏ một cách hữu hình trong một thừa tác vụ mà các Giám mục nhìn nhận nhau hiệp nhất trong Đức Kitô và tất cả các tín hữu thấy đức tin của mình được vững mạnh. Phần thứ nhất của sách Công vụ Tông đồ giới thiệu Thánh Phêrô như người nói nhân danh Tông đồ đoàn, và như người phục vụ sự hiệp nhất Cộng đồng, mà vẫn tôn trọng quyền của Giacôbê là thủ lãnh Giáo đoàn Giêrusalem. Vai trò này của Phêrô vẫn cần thiết trong Giáo hội, để Giáo hội, vẫn dưới quyền một Thủ lãnh duy nhất là Đức Giêsu Kitô, được hữu hình ở trong thế giới như một sự hiệp thông tất cả các môn đệ Chúa.

Chẳng phải là từ một sứ vụ như loại này mà nhiều người dấn thân trong phong trào đại kết ngày nay đang nói lên sự cần thiết phải có sao? Đứng đầu trong chân lý và tình yêu thương, để cho con thuyền - một biểu tượng đẹp mà Hội đồng hiệp nhất các Giáo hội đã chọn làm huy hiệu - khỏi bị lắc lư lênh đênh vì bão tố và để một ngày kia cập bến bình an.

Sự hiệp nhất trọn vẹn và việc loan báo Tin Mừng

98. Phong trào đại kết trong thế kỷ chúng ta, hơn là cố gắng của những thế kỷ trước nhưng cũng không vì thế mà đánh giá thấp tầm quan trọng, đã được đánh dấu bằng viễn tượng truyền giáo. Trong câu Tin Mừng Gioan, đã là nguồn cảm hứng cho Người và là tôn chỉ hành động - “để tất cả nên một trong chúng ta… hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21) - người ta đã nhấn mạnh “hầu cho thế gian tin”, đến mức gặp phải nguy cơ đôi khi quên rằng, trong tư tưởng của tác giả Tin Mừng, sự hiệp nhất chính là để cho vinh danh Chúa Cha. Dù sao, cũng hiển nhiên là sự chia rẽ giữa người Kitô hữu là mâu thuẫn với chân lý mà họ có nhiệm vụ phải loan truyền, và sự chia rẽ đã làm chứng từ của họ bị biến chất trầm trọng. Thánh Phaolô VI, vị tiền nhiệm của tôi, đã hiểu rõ điều ấy khi ngài viết trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi rằng: “Hỡi các nhà loan báo Tin Mừng, chúng ta phải tặng cho các Kitô hữu, không phải hình ảnh những người chia rẽ và phân ly với những tranh cãi không xây dựng, mà là hình ảnh những người đã trưởng thành trong đức tin, đủ khả năng gặp gỡ nhau, vượt lên trên những căng thẳng có thực, nhờ cuộc nghiên cứu chân lý một cách cùng chung sức chân thành và vô vị lợi. Vâng, số phận của việc loan báo Tin Mừng chắc hẳn gắn liền với chứng tá hiệp nhất mà Giáo hội đã thực hiện,… Về điểm này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến dấu chỉ hiệp nhất giữa các Kitô hữu, như là con đường và là dụng cụ cho việc loan báo Tin Mừng. Sự chia rẽ của người Kitô hữu là một tình trạng nghiêm trọng thực sự đã làm hoen ố chính công trình của Đức Kitô”[156].

Quả thật, làm sao có thể loan báo Tin Mừng được khi không đồng thời dấn thân hoạt động cho việc hòa giải các Kitô hữu? Nếu quả thực Giáo hội, theo ơn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và với Lời Chúa hứa về tính bất diệt của nó, đã và đang rao giảng Tin Mừng cho mọi dân nước, thì cũng thực sự Giáo hội phải đối phó với bấy nhiêu khó khăn do chia rẽ gây ra. Đứng trước những nhà truyền giáo bất hòa với nhau, dù họ đều nêu lên rằng, họ cùng thuộc về Đức Kitô, những người chưa tin làm sao đón nhận được sứ điệp chân chính? Những người ấy lại chẳng cho rằng, chính Tin Mừng là một yếu tố gây chia rẽ trong khi Tin Mừng được trình bày như luật căn bản yêu thương sao?

99. Đối với tôi là Giám mục Rôma, khi tôi khẳng định rằng, việc dấn thân đại kết là “một trong những ưu tiên mục vụ” của triều đại Giáo hoàng này[157], tôi nghĩ tới trở ngại quan trọng do chia rẽ gây ra cho việc loan báo Tin Mừng. Một Cộng đồng Kitô hữu tin vào Đức Kitô và với sự nhiệt tâm vì Tin Mừng, họ ước mong cho nhân loại được cứu độ, thì không thể nào lại khép lòng mình trước lời mời gọi của Chúa Thánh Thần, Đấng đang hướng dẫn tất cả mọi người Kitô hữu sống hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình. Đây là một trong những mệnh lệnh của tình bác ái phải noi theo, không thể do dự. Đại kết không chỉ là một vấn đề đối nội trong các cộng đồng Kitô hữu. Đại kết liên hệ tới tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô, gây trở ngại cho tình yêu này là xúc phạm tới ý định của Thiên Chúa Cha muốn quy tụ mọi người trong Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô VI đã viết cho Đức Thượng phụ đại kết Athenagoras I: “Ước mong Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta vào đường lối hòa giải, để sự hiệp nhất giữa các Giáo hội của chúng ta trở nên dấu chỉ luôn luôn ngời sáng niềm hy vọng và sức bồi dưỡng giữa lòng toàn thể nhân loại”[158].

LỜI HUẤN DỤ

100. Trong Tông thư gần đây gửi các Giám mục, các giáo sĩ và tín hữu của Giáo hội Công giáo để chỉ ra con đường phải đi theo để cử hành Đại năm thánh 2000, tôi đã viết rằng: “Sự chuẩn bị tốt nhất cho thiên niên kỷ mới chỉ có thể là bày tỏ trong một sự dấn thân đổi mới để áp dụng, một cách trung thành nhất có thể, những Giáo huấn của Công đồng Vaticanô II đối với cuộc sống của mỗi cá nhân và của toàn Giáo hội”[159]. Công đồng này là sự khởi đầu tuyệt vời của Mùa Vọng mới, vì đây là cuộc hành trình đưa chúng ta đến ngưỡng của thiên niên kỷ thứ ba. Vì sự quan trọng mà Công đồng đã dành cho công cuộc tái tạo sự hiệp nhất các Kitô hữu vào thời đại ân sủng đại kết của chúng ta, tôi thấy như là cần thiết phải nói lại những xác tín căn bản mà Công đồng đã khắc ghi trong lương tâm Giáo hội Công giáo, và nhắc lại chúng, nhờ ánh sáng các tiến bộ đạt được từ đó tới nay, hướng về sự hiệp thông trọn vẹn tất cả những người đã chịu phép Rửa.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong nỗ lực này, và Người đang dẫn dắt Giáo hội thực hiện trọn vẹn kế hoạch của Chúa Cha, phù hợp với ý muốn của Đức Kitô. Điều này sẽ được bày tỏ với sự khẩn thiết chân thành trong lời cầu nguyện, theo Tin Mừng thứ tư, Người đã thốt ra ngay lúc Người bước vào mầu nhiệm cứu độ của Lễ Vượt Qua của mình. Cũng như Người đã thực hiện khi đó, ngày hôm nay cũng vậy, Đức Kitô còn kêu gọi mọi người đổi mới dấn thân thực hiện để được hiệp thông trọn vẹn và hữu hình.

101. Vậy chúng tôi khuyến dụ Chư Huynh trong hàng Giám mục, hãy hết sức quan tâm tới việc dấn thân này. Hai khoản Giáo luật bao gồm một số trách nhiệm của Giám mục là thúc đẩy sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu, bằng cách hỗ trợ tất cả các hoạt động hoặc sáng kiến được thực hiện cho mục đích này, trong nhận thức rằng, Giáo hội có nghĩa vụ này từ ý muốn của chính Đức Kitô[160]. Đây là một phần của nhiệm vụ giám mục và đây là nhiệm vụ bắt nguồn trực tiếp từ sự trung thành với Đức Kitô là Mục Tử của Giáo hội. Thật vậy, tất cả các tín hữu cũng được Chúa Thánh Thần mời gọi làm mọi cách có thể để củng cố mối liên kết hiệp thông giữa tất cả các Kitô hữu và tăng cường hợp tác giữa các các môn đệ Đức Kitô: “Quan tâm đến việc tái lập sự hiệp nhất bao hàm toàn thể Giáo hội, tín hữu cũng như chủ chăn, liên hệ tới mỗi người tùy theo khả năng riêng của mình”[161].

102. Quyền năng Chúa Thánh Thần làm tăng trưởng và xây dựng Giáo hội suốt các thế kỷ. Khi Giáo hội hướng ánh mắt sang thiên niên kỷ mới, Giáo hội cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn củng cố sự hiệp nhất Giáo hội và làm cho sự hiệp nhất đó tiến tới hiệp thông trọn vẹn với các Kitô hữu khác.

Làm sao để Giáo hội có được ân sủng này? – Thưa, trước hết ngang qua việc cầu nguyện. Cầu nguyện phải luôn luôn quan tâm đến sự khao khát ơn hiệp nhất, và đó là một trong những hình thức cơ bản của tình yêu của chúng ta đối với Đức Kitô và đối với Chúa Cha giàu lòng thương xót. Trong hành trình này mà chúng ta đang thực hiện với các Kitô hữu khác để cầu nguyện trong thiên niên kỷ mới phải chiếm vị trí đầu tiên.

Làm thế nào để đạt tới? – Thưa, bằng lời tạ ơn, vì chúng ta không tới gặp gỡ nhau với đôi bàn tay không: “Thần khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn… Người cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng kêu van khôn tả” (Rm 8,26) để chuẩn bị cho chúng ta xin với Chúa Cha những gì chúng ta cần.

Làm thế nào để đạt tới? – Thưa, bằng niềm hy vọng nơi Chúa Thánh Thần, Người biết đẩy xa khỏi chúng ta những bóng ma quá khứ và những kỷ niệm đau đớn của việc phân ly: Người sẽ ban cho chúng ta sự sáng suốt, sức mạnh và can đảm để tiến hành những trao đổi cần thiết, làm cho sự dấn thân của chúng ta bao giờ cũng đích thực.

Và nếu chúng ta phải tự hỏi xem tất cả việc này có thể thực hiện được không, thì câu trả lời vẫn luôn là có. Đó là cùng một câu trả lời mà Đức Maria đã nghe tại Nadarét, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể thực hiện.

Tôi nhớ đến những lời thánh Cyprianô dùng để chú giải Kinh Lạy Cha, Kinh nguyện của mọi Kitô hữu: “Thiên Chúa không chấp nhận sự hy sinh của một người gieo rắc bất hòa, nhưng ra lệnh rằng anh ta phải rời khỏi bàn thờ để trước tiên anh ta được hòa giải, để Thiên Chúa có thể chấp nhận lời cầu nguyện trong bình an. Lễ hy sinh lớn nhất con người có thể dâng lên Thiên Chúa, đó là sự an bình của chúng ta, đó là tình huynh đệ thuận hòa, đó là các dân tộc sum họp lại nhờ sự hiệp nhất nơi Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần”[162].

Vào buổi bình minh của thiên niên kỷ mới, với lòng nhiệt tình canh tân, với một ý thức sâu sắc hơn, làm sao chúng ta lại không khẩn cầu Chúa ban ân sủng, để chuẩn bị cho chúng ta cùng nhau hiến dâng hy lễ hiệp nhất này?

103. Tôi, Gioan Phaolô II, đầy tớ thấp hèn của các đầy tớ Thiên Chúa (servus servorum Dei), tôi xin phép mượn những lời của thánh Tông đồ Phaolô, mà cuộc tử đạo của ngài được gắn liền với cuộc tử đạo của thánh Tông đồ Phêrô, và đã cho Tông Tòa này tại Rôma chính ánh vinh quang chứng từ của ngài, và tôi xin nói với anh chị em, các tín hữu trong Giáo hội Công giáo, và các anh chị em thuộc các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội khác rằng: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em. Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện. Mọi người thuộc dân thánh ở đây gửi lời chào anh em. Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Đức Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần! (2Cr 13,11-13).

Ban hành tại Rôma, gần đền thờ thánh Phêrô, ngày 25.5.1995, Lễ Chúa Thăng Thiên, năm thứ 17 triều Giáo hoàng của tôi.

GIOAN PHAOLÔ II

Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
Chuyển ngữ từ: vatican.va

JOHN PAUL II
Encyclical Letter
UT UNUM SINT
That All May be One
On commitment to Ecumenism
On the occasion of the 25th anniversary of “Ut unum sint” May 25th 1995 – 2020
and the 60th anniversary of the Pontifical Council for Promoting Christian Unity June 5th 1960 – 2020
Papal English texts copyright © 2020
by Libreria Editrice Vaticana, 00120 Città del Vaticano, Tel. 06.698.81032 - Fax 06.698.84716, Email: commerciale.lev@spc.va
Edited by Joseph Phi Phan, O.Cist.
Used by permission. All rights reserved.
Made and printed in Vietnam.



[1] x. Diễn từ sau khi đi Đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (1.4.1994), số 3. AAS 87 (1995), tr. 88.

[2] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Tuyên ngôn về tự do tôn giáo, Dignitatis Humanae, số 1.

[3] x. Tông thư Tertio Millennio Adveniente [Ngàn Năm thứ Ba Đang đến], (10.11.1994), số 16, AAS 87 (1995), tr. 15.

[4] BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, thư gửi các Giám mục Giáo hội Công giáo về một số phương diện của Giáo hội được hiểu như hiệp thông, Communionis Notio (Ý niệm về hiệp thông) (28.5.1992), số 4: AAS 85 (1993), tr. 840.

[5] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh về đại kết Unitatis Redintegratio (Tái lập sự hiệp nhất), số 1.

[6] Sđd.

[7] Sđd., số 4.

[8] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Ánh Sáng Muôn dân, số 14.

[9] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Tuyên ngôn, Dignitatis Humanae, số 1 và số 2.

[10] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Hiến chế Ánh Sáng muôn dân, số 14.

[11] Sđd., số 8.

[12] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh, Unitatis Redintegratio, số 3.

[13] Sđd.

[14] Số 15.

[15] Sđd.

[16] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II Sắc lệnh, Unitatis Redintegratio, số 15.

[17] Sđd., số 3.

[18] Sđd.

[19] Thánh Grêgôriô Cả, Bài giảng về Tin Mừng 19, số 1: PL76, 1154; trích lại trong CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Hiến chế Ánh Sáng muôn dân, số 2.

[20] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 4.

[21] Sđd., số 7.

[22] x. Sđd.

[23] Sđd., số 6.

[24] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Hiến chế về Mặc khải Verbum Dei, số 7.

[25] x. Tông thư Euntes in Mundum - Đi vào thế giới (25.1.1988), AAS 80 (1988) tr. 935-956.

[26] x. Thông điệp Các tông đồ của người Slavô (2.6.1985): AAS 77 (1985) tr. 779-813.

[27] x. Bản hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc và quy luật về đại kết (25.3.1993): AAS 85 (1993), tr. 1039-1119.

[28] x. Đặc biệt tài liệu của Lima, Thanh Tẩy, Thánh Thể, Thừa tác vụ (1.1982); nghiên cứu của NHÓM LÀM VIỆC CHUNG GIỮA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ CÁC GIÁO HỘI ANH EM, Tuyên xưng “Một” Đức tin (1991), Văn kiện, số 153 của Ủy ban Đức tin và Cơ chế, tại Geneva, 1991.

[29] x. Diễn văn khai mạc Công đồng Đại kết Vaticanô II (11.10.1962): AAS số 54 (1962), tr. 793.

[30] Nói về Văn phòng Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, được thiết lập bởi Tự sắc Superno Dei Nutu của Đức Gioan XXIII (5.6.1960), số 9: AAS 52 (1960), tr. 436, và được xác nhận bởi các tài liệu sau: Tự sắc Appropinquante Concilo (6.8.1962), ch. III, a.7,2,1: AAS 54 (1962), tr. 614; x. THÁNH PHAOLÔ VI, Tông huấn Regimini Ecclesiae Universae (15.8.1967), số 92-94: AAS 59 (1967), tr. 918-919. Hiện nay cơ quan này được gọi là HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG CỔ VÕ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU; x. THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Pastor Bonus (28.6.1988), V, Art. 135-138: AAS 80 (1988), tr. 895-896.

[31] x. Diễn văn khai mạc CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II (11.10.1962): AAS số 54 (1962), tr. 792.

[32] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 6.

[33] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, số 1.

[34] Thông điệp Slavorum Apostoli [Các tông đồ của người Slavô], (2.6.1985), số 11: AAS 77 (1985), tr. 792.

[35] Sđd., số 13: 1oc.cit., tr. 794.

[36] Sđd., số11: 1oc.cit., tr. 792.

[37] Diễn văn dành cho các nhóm dân bản địa (29.11.1986), số 12: AAS 79 (1987), tr. 977.

[38] x. THÁNH VINCENT OF LERINS, Commonitorium Primum, 23: PL 50, 667-668.

[39] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 6.

[40] Sđd., số 5.

[41] Sđd., số 7.

[42] Sđd., số 8.

[43] Sđd.

[44] x. Sđd., số 4.

[45] x. THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba đang tới (10.11.1994), số 24, AAS 87 (1995), tr. 19-20.

[46] Diễn văn tại nhà thờ chính tòa Cantorbery (29.5.1982), số 5, AAS 74 (1982), tr. 922.

[47] Hội đồng đại kết các Giáo hội, Điều lệ, Constitution and Rules, III, 1.

[48] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 24.

[49] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 7.

[50] Maria Sagheddu, sinh tại Dorgali (Sardinia) ngày 17.3.1914. Khi được 21 tuổi chị gia nhập nữ đan viện Xitô Nhặt Phép tại Grottaferrata. Nhờ hoạt động tông đồ của Viện phụ Phaolô Couturier, khi biết được sự cần thiết của việc cầu nguyện và những hy lễ thiêng liêng cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, vào năm 1936, nhân một tuần Bát Nhật cầu cho sự hiệp nhất, chị đã quyết định hiến dâng đời sống vì sự hiệp nhất này. Sau một cơn bệnh nặng, chị Maria Gabriella qua đời ngày 23.4.1939.

[51] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 24.

[52] x. AAS 56 (1964), tr. 609-659.

[53] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Hiến chế Ánh Sáng Muôn dân, số 13.

[54] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 4.

[55] x. Bộ Giáo luật, điều 755; Bộ Giáo luật các Giáo hội Đông phương, điều 902-904.

[56] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 4.

[57] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, số 3.

[58] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 4.

[59] x. Sđd., số 4.

[60] Thông điệp Ecclesiam Suam - Giáo hội của Người (6.8.1964), III: AAS 56 (1964), tr. 642.

[61] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 11.

[62] x. Sđd.

[63] Sđd.; x. BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tuyên ngôn về giáo lý Công giáo liên quan đến Giáo hội, Mầu nhiệm Giáo hội (24.6.1973), số 4: AAS 65 (1973), tr. 402.

[64] BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tuyên ngôn về giáo lý Công giáo liên quan đến Giáo hội, Mầu nhiệm Giáo hội, số 5: AAS 65 (1973), tr. 403.

[65] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 4.

[66] x. Tuyên ngôn Kitô luận chung giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Assyri Đông phương; L’Osservatore Romano, 12.11.1994, tr. 1.

[67] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 12.

[68] Sđd.

[69] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG CỔ VÕ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU, Bản hướng dẫn áp dụng những nguyên tắc và quy luật về đại kết (25-3-1993), số 5: AAS 85 (1993), tr. 1040.

[70] Sđd., số 94: 1oc.cit., tr. 1078.

[71] x. Ủy ban “Đức tin và Cơ chế” của hội đồng đại kết các Giáo hội, Thanh Tẩy, Thánh Thể, Thừa tác vụ (1.1982).

[72] x. Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis - Quan tâm đến vấn đề xã hội (30.12.1987), số 32: AAS 80 (1988) tr. 556.

[73] Diễn văn dành cho các Hồng y và Giáo triều Rôma (28.6.1985), số 10: AAS 77 (1985), tr. 1158; x. Thông điệp Redemptor Hominis - Đấng cứu chuộc loài người (4.3.1979), số 11: AAS 71 (1979), tr. 277-278.

[74] Diễn văn dành cho các Hồng y và Giáo triều Rôma (28.6.1985), số 10: AAS 77 (1985), tr. 1158.

[75] x. Văn phòng Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu và Ủy ban chuyên biệt về Giao ước Kinh Thánh phổ quát, hướng dẫn liên quan đến cộng tác liên tôn trong việc dịch Kinh Thánh, tư liệu đính kèm (1968).

[76] x. Ủy ban “Đức tin và Cơ chế” của Hội đồng đại kết các Giáo hội, Thanh Tẩy, Thánh Thể, Thừa tác vụ (1.1982).

[77] Ví dụ, trong các phiên họp sau cùng của Hội đồng đại kết các Giáo hội tại Vancouver năm 1983, tại Canberra năm 1991, và hội nghị của “Đức tin và Cơ chế” tại Santiago de Compostela năm 1993.

[78] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 8 và 15; x. Bộ Giáo luật, điều 844; Bộ Giáo luật các Giáo hội Đông phương, điều 671; HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG CỔ VÕ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU, Bản hướng dẫn áp dụng những nguyên tắc và quy luật về đại kết (1993), số 122-125, số 129-131, số 123 và 132: AAS 85 (1993), tr. 1086-1087, 1088-1089, 1087 và 1089.

[79] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 4.

[80] Sđd.

[81] x. Số 15.

[82] Số 15.

[83] Sđd., số 14.

[84] x. Tuyên bố chung của Đức Giáo hoàng Phaolô VI và của Đức Thượng Phụ Constantinople Athenagoras I (7.12.1965): Tomos agapis, Vatican - Phanar (1958- 1970), Rome-Istanbul, 1971, tr. 280-281.

[85] x. AAS 77 (1985), tr. 779-813.

[86] x. AAS 80 (1988), tr. 935-956; x. Sứ điệp Magnum Baptismi Donum (14.2.1988): AAS 80 (1988), tr. 988-997.

[87] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 14.

[88] Sđd.

[89] Tông chiếu Anno Ineunte (25.7.1967): Tomos Agapis, Vatican - Phanar (1958-1970), Rome-Istanbul, 1971, tr. 388-391.

[90] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 14.

[91] Sđd., số 15.

[92] Số 14: L’Osservatore Romano – báo Quan sát viên Rôma, ngày 2-3.5.1995, tr. 3.

[93] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 17.

[94] Số 26.

[95] x. Bộ Giáo luật, điều 844, 2 và 3. Bộ Giáo luật Các Giáo hội Đông phương, điều 671, 2 và 3.

[96] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG CỔ VÕ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU, Bản hướng dẫn áp dụng những nguyên tắc và quy luật về đại kết, số 122-128.

[97] Tuyên bố của thánh Gioan Phaolô II và Đức Thượng Phụ đại kết Dimitros I. (7.12.1987): AAS 80 (1988), tr. 253.

[98] Ủy ban quốc tế hỗn hợp về đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống, Tài liệu Bí tích truyền chức trong cơ cấu bí tích của Giáo hội, đặc biệt tầm quan trọng của việc kế vị tông đồ để thánh hóa và hiệp nhất dân Chúa (26.6.1988), số 1: Service d’information 68 (1988), tr. 195.

[99] x. THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Thư gửi các Giám mục lục địa Âu châu về những tương quan giữa những người Công giáo và những người Chính thống trong tình hình mới của trung và đông Âu (31.5.1991), số 6: AAS 84 (1992), tr. 168.

[100] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 17.

[101] x. Tông thư Orientale Lumen - Ánh sáng Đông phương  (2.5.1995), số 24: L’Osservatore Romano, 2-3.5.1995, tr. 5.

[102] Sđd., số 18: 1oc.cit., tr. 4.

[103] x. Công bố chung của Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Shenouda III, Giáo chủ Alexandria và Thượng phụ ngai tòa Máccô tại Alexandria (10.5.1973): AAS 65 (1973), tr. 299-301.

[104] x. Công bố chung của Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Mar Ignatius Jacoub III, Thượng phụ Giáo hội Antiokia của người Syria và của toàn Đông phương (27.10.1971): AAS 63 (1971), tr. 814-815.

[105] x. Diễn văn dành cho các đại biểu Giáo hội Chính thống Coptic (2.6.1979): AAS 71 (1979), tr. 1000-1001.

[106] x. Công bố chung của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Moran Mar Ignace Zakka I Iwas, Thượng phụ Syri Chính thống Antiokia và toàn Đông phương (23.6.1984): Insegnamenti VII, 1 (1984), tr. 1902-1906.

[107] Diễn văn với Đức Abouna Paulos, Thượng phụ Giáo hội Chính thống Êthiôpia (11.6.1993): L’Osservatore Romano, 11-12.6.1993, tr. 4.

[108] x. Công bố Kitô luận chung giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Assyria Đông phương: L’Osservatore Romano, 12.11.1994, tr. 1.

[109] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 19.

[110] Sđd.

[111] Sđd., số 19.

[112] x. Sđd.

[113] Sđd.

[114] Sđd., số 20.

[115] Sđd., số 21.

[116] Sđd.

[117] Sđd.

[118] Sđd. Số 22.

[119] Sđd.

[120] Sđd., số 22; x. s20.

[121] Sđd., số 22.

[122] Sđd., số 23.

[123] Sđd.

[124] x. Sứ điệp truyền thanh Urbi et Orbi (27.8.1978): AAS 70 (1978), tr. 695-696.

[125] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, s23.

[126] Sđd.

[127] x. Sđd., số 12.

[128] Sđd.

[129] Công việc ổn định của Ủy ban Đức tin và Cơ chế đã dẫn đến một viễn tượng tương đương được thông qua bởi Hội nghị khóa VII của Hội đồng Thế giới đại kết các Giáo hội trong Tuyên bố Canberra (7-20.2.1991); x. Dấu hiệu của Thần Khí, phúc trình chính thức, Hội nghị VII, WCC, tại Geneva, 1991, tr. 235-258. Viễn tượng này đã được tái khẳng định bởi Hội đồng Thế giới về Đức tin và Cơ chế tại Santiago de Compostela (3-14.8.1993); x. Information Service, 85 (1994), tr. 18-37.

[130] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, s14.

[131] x. Sđd., số 4 và 11.

[132] x. Diễn từ dành cho các Hồng y và Giáo triều Rôma (28.6.1985), số 6: AAS 77 (1985), tr. 1153.

[133] x. Sđd.

[134] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Hiến chế Ánh sáng muôn dân, s12.

[135] x. AAS 54 (1962), tr. 792.

[136] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, s6.

[137] x. Sđd., s4; THÁNH PHAOLÔ VI, Bài giảng lễ Phong thánh cho các thánh tử đạo Ouganda (18.10.1964): AAS 56 (1964), tr. 906.

[138] x. THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Ngàn năm thứ Ba Đang tới (10.11.1994), s37: AAS 87 (1995), tr. 29-30.

[139] x. THÁNH PHAOLÔ VI, Diễn văn tại thánh đường Namugongo, Ouganda (2.8.1969): AAS 61 (1969), tr. 590-591.

[140] x. Sách lễ Rôma, Kinh Tiền tụng lễ các thánh I: Sanctorum “coronando merita tua dona coronans”.

[141] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, s4.

[142] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Hiến chế Ánh sáng Muôn dân, s8.

[143] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, s3.

[144] Sau tài liệu gọi là Lima của Ủy ban “Đức tin và Cơ chế” về Thanh Tẩy, Thánh Thể, Thừa tác vụ (1.1982), và trong tinh thần chuyên môn của khóa họp thứ 7 Hội đồng đại kết các Giáo hội về “Sự hiệp nhất của Giáo hội như Koinonia: Ân sủng và yêu sách” (Canberra, 7-20.2.1991) x. Istina 36 (1991), tr. 389-391.

[145] Diễn văn dành cho các Hồng y và Giáo triều Rôma (28.6.1985), s4: AAS 77 (1985), tr. 1151-1152.

[146] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Hiến chế Ánh sáng muôn dân, s23.

[147] x. Diễn văn trước Hội đồng đại kết các Giáo hội (12.6.1984) s2: Insegnameti VII,1 (1984), tr. 1686.

[148] Hội nghị Thế giới “Đức tin và cơ chế”. Phúc trình khóa II, tại Santiago de Compostela (14.8.1993): Confessing the one faith to God’s Glory, s31, 2: Faith and order Paper, s166, COE, Geneva, 1994, tr. 243.

[149] Chỉ nêu lên vài ví dụ: Ủy ban Quốc tế Anglican-Roman, Phúc trình sau cùng (9.1981); Ủy ban quốc tế hỗn hợp về đối thoại giữa các môn đệ Đức Kitô và Giáo hội Công giáo, Phúc trình 1981; Ủy ban hỗn hợp quốc gia Công giáo - Lutherô, Tài liệu Thừa tác vụ trong Giáo hội (13.3.1981); vấn đề đã được thấy rõ trong khuôn khổ cuộc nghiên cứu do Ủy ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống.

[150] Diễn văn dành cho các Hồng y và Giáo triều Rôma (28.6.1985), s3: AAS 77 (1985), tr. 1150.

[151] Bài Giảng XLVI, 30: CCL 41, 557.

[152] x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ I, Hiến chế về Giáo hội Chúa Kitô Pastor Aeternus: DS, s3074.

[153] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Hiến chế Ánh sáng Muôn dân, s27.

[154] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, s14.

[155] Bài giảng tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của Đức Dimitrios I, Tổng Giám mục Constantinople và Thượng phụ đại kết (6.12.1987), s3: AAS 80 (1988), tr. 714.

[156] Tông huấn Evangelii Nuntiandi (8.12.1975), s77: AAS 68 (1976), tr. 69; x. CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, s1; Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ hiệp nhất các Kitô hữu, Bản hướng dẫn áp dụng những nguyên tắc và quy luật về đại kết (25.3.1993), s205-209: AAS 85 (1993), tr. 1112-1114.

[157] Diễn văn dành cho các Hồng y và Giáo triều Rôma (28.6.1985), s4: AAS 77 (1985), tr. 1151.

[158] Thư đề ngày 13.1.1970: Tomos Agapis, Vatican-Phanar (1958-1970), Roma-Istanbul, 1971, tr. 610-611.

[159] Tông thư Ngàn năm thứ Ba Đang tới (10.11.1994), s20: AAS 87 (1995), tr. 17.

[160] x. Bộ Giáo luật, điều 755; Bộ Giáo luật các Giáo hội Đông phương, điều 902.

[161] CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, s5.

[162] Về Kinh Lạy Cha, s23: CSEL 3, 284-285.