THÔNG ĐIỆP
TRÊN ĐỈNH HÀO QUANG
(IN PRAECLARA SUMMORUM)
Gửi quí thầy cô và các sinh viên
Các Viện Văn học và Văn hóa trong
thế giới Công giáo
Nhân dịp kỉ niệm 600 năm giỗ đại
thi hào
Dante Alighieri (1321-1921)
Các con yêu quý, lời
chào sức khỏe và Phép lành Tông toà
1. Bằng danh tiếng và vinh quang lừng lẫy, nhiều thiên tài
đã tôn vinh Đạo Công giáo trong các lãnh vực, đặc biệt là trong văn chương và mỹ
thuật. Với những tác phẩm bất hủ bởi tài năng tinh tế, họ đã đóng góp công lao
to lớn cho nền văn minh và Giáo hội. Chiếm một vị trí vô cùng đặc biệt giữa họ
là thi hào Dante Alighieri, người mà chúng ta sắp kỉ niệm 600 năm ngày giỗ.
ĐẠO CÔNG GIÁO TRONG DANTE
Vinh quang chung của nhân loại, Dante trước hết
thuộc về Giáo hội
2. Có lẽ chưa bao giờ, như ngày nay, sự vĩ đại lạ lùng của
con người này lại trở nên sáng tỏ như vậy. Không chỉ nước Ý, nơi tự hào vì đã
sinh ra ông, mà tất cả các quốc gia văn minh, thông qua các ủy ban đặc biệt của
các học giả, cũng đang chuẩn bị để long trọng tưởng nhớ ông. Điều đó làm cho
thiên tài kiệt xuất này, vốn là niềm tự hào và thăng hoa của nhân loại, được cả
thế giới tôn vinh.
3. Trong bản hợp xướng tuyệt vời khắp nơi đồng thanh tương ứng
này, chúng tôi không thể vắng mặt, nhưng đúng hơn là có trách nhiệm chủ trì. Vì
điều đó trước hết thuộc về Giáo hội, vốn là mẹ của ông, quyền được gọi ông là
Alighieri.
4. Do đó, vào đầu triều đại Giáo hoàng của chúng tôi, qua
văn thư gửi cho Đức Tổng Giám mục Ravenna, chúng tôi đã xúc tiến việc trùng tu
ngôi đền nơi ông Alighieri an nghỉ. Giờ đây, gần các buổi kỉ niệm bách chu
niên, chúng tôi thấy thật là thích hợp để ngỏ lời với tất cả anh chị em, những
người con yêu dấu. Anh chị em là những người đã trau dồi chữ nghĩa dưới sự hướng
dẫn đầy tình mẫu tử của Giáo hội. Chúng tôi xin ngỏ lời để chứng tỏ tốt hơn một
lần nữa về sự kết hợp mật thiết giữa thi hào Dante với Ngai toà Phêrô này. Và
chớ gì những lời ca ngợi dành cho danh xưng cao cả ấy ngày càng vươn xa để tôn
vinh đức tin Công giáo.
5. Trước hết, vì Thi hào của chúng ta trong suốt cuộc đời đã
tuyên xưng Đạo Công giáo một cách mẫu mực. Chắc chắn ông mong ước việc tưởng niệm
được thực hiện long trọng dưới sự chủ trì của Giáo hội, như sắp được thực hiện.
Nếu việc tưởng niệm kết thúc ở nhà thờ Thánh Phanxicô ở Ravenna, nơi ông an nghỉ,
thì tất nhiên, việc đó bắt đầu ở thành Phirenxê, trong nhà thờ thánh Giovan quê
hương xinh đẹp của ông. Trong những năm cuối đời, khi sống lưu vong, với nỗi nhớ
da diết về quê hương, ông đã khao khát và mong mỏi được đội vòng nguyệt quế thi
sĩ trên chính thềm giếng nơi ông đã được rửa tội khi còn là một đứa trẻ.
Dante nợ Đạo Công giáo về văn hoá, về nền tảng
học thuyết và vẻ đẹp tinh tế
6. Ông ra đời trong một thời kỳ có nhiều nghiên cứu triết học
và thần học phát triển mạnh mẽ. Đó là nhờ các tiến sĩ bậc thầy uyên bác, đã sưu
tầm những tác phẩm hay nhất của người xưa và lưu truyền lại cho hậu thế sau khi
đã minh họa chúng theo phương pháp của họ. Thi hào Dante, giữa những luồng tư
tưởng khác nhau, đã trở thành môn đệ của Hoàng tử trường phái Kinh Viện là
thánh Tôma Aquinas; và nhờ tâm trí thiên thần của mình, ông đã kín múc gần
như tất cả kiến thức triết học và thần học của Ngài. Trong khi đó, ông cũng
không bỏ qua bất kỳ nhánh hiểu biết nhân văn nào và uống một cách rộng rãi từ
các nguồn Sách Thánh và các Giáo Phụ. Như thế, khi lãnh hội hầu hết mọi
nguồn tri thức, và được nuôi dưỡng đặc biệt bởi sự khôn ngoan Kitô giáo, ông bắt
tay vào viết lách. Từ chính thế giới tôn giáo ấy, ông có lý để biến chủ đề bao
la và khao khát tột cùng thành những áng thơ trác tuyệt.
7. Trong sự kiện này, người ta phải ngưỡng mộ sự uyên bác
phi thường và thiên tài nhạy bén của ông. Nhưng người ta cũng phải thừa nhận rằng
ông đã lấy một nguồn cảm hứng vô cùng mạnh mẽ từ chính đức tin thần thánh và do
đó, ông có thể tô điểm cho thi phẩm bất hủ của mình bằng ánh sáng thiên hình vạn
trạng của những chân lý được Thiên Chúa mạc khải. Điều đó không hề kém tất cả
những vẻ huy hoàng của nghệ thuật.
Tín điều Công giáo trong tác phẩm của Dante
8. Thực vậy, tất cả Thần Khúc của ông, xứng đáng mang danh
hiệu thần thánh. Ngay cả trong các hư cấu mang tính biểu tượng và trong ký ức về
đời sống của con người trên trái đất, Thần Khúc không nhằm mục đích sâu xa nào
khác hơn là để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng công chính và quan phòng tất cả.
Nghĩa là tôn vinh Đấng điều khiển thế giới trong thời gian và vĩnh cửu, ban thưởng
và sửa phạt con người, trong tư cách nhân và cộng đồng, tùy theo trách nhiệm của
họ. Vì vậy thi phẩm này phù hợp với mạc khải thánh. Trong Thần Khúc người
ta thấy sáng lên Một Thiên Chúa-Ba Ngôi hiển trị, thấy công trình cứu chuộc
nhân loại do Ngôi Lời Thiên Chúa làm người thực hiện, thấy lòng cực tốt và quảng
đại của Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Thiên Đàng, và thấy vinh quang tột bậc của
các thánh, các thiên thần cũng như của con người. Nó đối lập với nơi ở của
những linh hồn, một khi thời kỳ đền tội đã mãn báo trước cho tội nhân, họ thấy
thiên đàng mở ra trước mặt họ. Và nó nổi lên một trí óc cực kỳ khôn ngoan
đã bài trí tất cả những điều này và những tín điều Công giáo khác trong suốt
thi phẩm.
9. Tiến bộ của khoa học thiên văn sau đó chứng minh rằng
quan niệm về thế giới ấy không có cơ sở, và rằng những hình cầu của người xưa
không tồn tại, khi người ta tìm ra bản chất, số lượng và hàng chuỗi các ngôi
sao cũng như các hành tinh hoàn toàn khác với người xưa quan niệm. Dẫu vậy,
nguyên lý nền tảng vẫn không thất bại. Nghĩa là vũ trụ, bất kể trật tự trong nó
như thế nào, vẫn là công trình của Đấng Tạo hoá và của Đấng quan phòng là Thiên
Chúa toàn năng. Ngài là Đấng điều khiển tất cả, và vinh quang của Ngài tỏa sáng
nhiều hay ít tuỳ nơi; trái đất mà chúng ta đang sống đây, dù không phải là
trung tâm của vũ trụ như người ta đã từng tin, nhưng nó luôn là nơi hạnh phúc của
tổ tiên chúng ta, và sau này nó chứng kiến sự sa ngã khốn khổ của họ. Điều này
đánh dấu sự mất đi tình trạng hạnh phúc sau này được phục hồi bởi máu Chúa
Giêsu Kitô là ơn cứu rỗi đời đời cho loài người.
10. Dante đã xây dựng ba tình trạng linh hồn, khi ông hình
dung cuộc phán xét cuối cùng dù là sự trừng phạt những kẻ sa Địa Ngục, hay là sửa
phạt những linh hồn đạo đức, hay là hạnh phúc của các bậc chân phúc. Điều đó hẳn
đã được soi dẫn bởi ánh sáng đức tin.
NHỮNG BÀI HỌC LỚN CỦA THẾ KỶ
11. Thật vậy, chúng tôi chắc chắn rằng những lời dạy mà
Dante đã để lại trong tất cả các tác phẩm của ông, nhưng đặc biệt là trong thi
phẩm bộ ba (Thần Khúc), có thể đóng vai trò như một hướng dẫn hết sức giá trị
cho con người thời đại của chúng ta.
Tôn kính Sách Thánh
12. Trước hết, những người Kitô hữu phải có lòng tôn kính
cao nhất đối với Kinh Thánh và chấp nhận với sự ngoan ngoãn tuyệt đối những gì
hàm chứa trong đó. Đó là những gì thi hào Dante đã minh định: “Mặc dù có nhiều người ghi chép Lời Chúa,
tuy nhiên Đấng duy nhất đã phán Lời là Thiên Chúa, Đấng đã hạ mình bày tỏ với chúng ta sứ điệp về lòng lân tuất của Ngài
qua ngòi bút của nhiều người”[1]. Đó là biểu cảm tuyệt đẹp
và hoàn toàn đúng sự thật! Và những điều sau đây cũng vậy: “Cựu ước và Tân ước, được ban hành cho muôn
đời, như vị Ngôn sứ nói” chứa đựng “những lời dạy thiêng liêng vượt quá lý trí của con người”,
được truyền lại bởi “Chúa Thánh Thần,
Đấng thông qua các Ngôn sứ, các thánh sử ký, cũng như qua Chúa Giêsu Kitô, Con
Thiên Chúa hằng hữu, và các môn đệ của Ngài đã tiết lộ lẽ thật siêu nhiên cần thiết
cho chúng ta”[2].
13. Vì vậy, Dante nói chính xác rằng đời sống vĩnh cửu sẽ đến
sau hành trình trần thế “chúng ta có
giáo lý không thể sai lầm của Chúa Kitô, là Đường, Sự thật và Ánh sáng. Là đường,
bởi vì qua đó, chúng ta đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu mà không gặp trở ngại; Sự thật,
vì không có bất kỳ sai lầm nào; Ánh sáng, vì soi sáng chúng ta trong bóng
tối mê muội trần gian”[3]. Ông
dành sự kính trọng không kém với “những
công đồng chung, nơi mà tất cả các tín hữu tin chắc có Đức Kitô đã tham dự”. Ngoài
những điều này, Dante còn vô cùng quý trọng “các tác phẩm của các bậc tiến sĩ,
của Augustinô và của những người khác”. Về vấn đề này, ông nói: “Ai còn nghi ngờ tất cả những điều được
Thánh Thần trợ giúp, hoặc là do anh ta đã hoàn toàn không thấy hoa trái của
chúng hoặc, nếu anh ta có thấy, anh ta chưa bao giờ nếm thử”[4].
Hiếu kính với Giáo hội và Đức Giáo hoàng
14. Về sự thật, Dante Alighieri dành sự tôn trọng khác thường
đối với thẩm quyền của Giáo hội Công giáo và quyền bính của Đức Giáo hoàng
Roma, đến nỗi theo ý kiến của ông, mọi luật lệ và mọi thể chế của Giáo hội đều
có giá trị bởi chúng được an bài. Do đó, ông có lời khuyên mạnh mẽ đối với
các Kitô hữu: từ khi có hai Giao Ước, và đồng thời có Chủ chăn hướng dẫn, hãy
hài lòng với những phương tiện cứu rỗi này. Vì thế, khi những tệ nạn xảy
ra trong Giáo hội, ông thấy như xảy ra với mình. Trong khi tố cáo và lên án mọi
cuộc nổi loạn của các Kitô hữu đối với Đức Giáo hoàng tối cao sau cuộc di chuyển
Tông Toà từ Rôma [sang Avignon], thì ông đã viết thư cho các Đức Hồng Y người
Ý: “Vì vậy, chúng con, những người
tuyên xưng cùng một Cha và Con: cùng một Thiên Chúa và Con Người, cùng một Đức
Mẹ và Đồng trinh; chúng con, những kẻ được cứu rỗi và để cứu rỗi những kẻ
này đã có lời phán với Đấng đã ba lần bị chất vấn về lòng mến: “Ôi Phêrô, hãy
chăm sóc vườn nho thiêng thánh”; chúng con, những người thuộc về Giáo hội Rôma
(mà sau rất nhiều chiến thắng, Đức Kitô, bằng lời nói và việc làm, đã khẳng định
vương quyền trên toàn thế giới. Đó là Giáo hội mà Phêrô và Phaolô, Tông đồ Dân
ngoại, đã thánh hiến Tông Toà ấy bằng giá máu), chúng con buộc phải cùng với
tiên tri Giêrêmia, than thở không phải cho tương lai mà là cho hiện tại, phải
than khóc một cách đau đớn, vì Giáo hội, như một góa phụ và bị bỏ
rơi; lòng chúng con tan nát khi thấy Mẹ bị sa sút như vậy, chẳng khác nào
thấy vết thương đáng trách của những dị giáo”[5].
15. Vì vậy, ông định nghĩa Giáo hội Roma là “người Mẹ sùng đạo
nhất” hay “Tân nương của Đấng chịu đóng đinh”, và Phêrô như một thẩm phán không
thể sai lầm về chân lý được Thiên Chúa mạc khải, mà tất cả mọi người phải tuyệt
đối phục tùng trong các vấn đề đức tin và ứng xử vì mục đích cứu rỗi đời đời. Vì
vậy, mặc dù ông tin rằng phẩm giá của Hoàng đế trực tiếp đến từ Chúa, tuy nhiên
ông tuyên bố rằng “sự thật này không
được hiểu một cách chặt chẽ đến mức Hoàng tử La Mã không tuân phục một số trường
hợp đối với Giáo hoàng La Mã, vì hạnh phúc trần thế theo một cách nào đó là thứ
yếu trước hạnh phúc vĩnh cửu”[6]. Đó
là nguyên tắc thực sự xuất sắc khôn ngoan, nếu được tuân thủ một cách trung
thành, thậm chí thời nay, nó sẽ mang lại nhiều hoa trái thịnh vượng cho các Quốc
gia.
16. Tuy nhiên, người ta sẽ nói rằng, ông đã có những lời lẽ
cay đắng chống lại các vị Giáo hoàng tối cao trong thời đại của ông. Đúng
là Dante đã có những lời rất nặng nề và xúc phạm đến các Giáo hoàng cùng thời với
ông; nhưng khi ấy ông đang nhắm mục tiêu vào những người không cùng quan điểm
chính trị và những người, ông nghĩ, thông đồng với đảng phái trục xuất ông khỏi
quê hương mình.
17. Dù sao, chúng ta phải thông cảm cho một người bị bầm dập
bởi số phận bất hạnh như vậy. Từ trái tim bị tổn thương, đôi khi ông buông ra một
số phán xét dường như thái quá; thì càng có lý hơn vì sự thường tâm
trí người ta có khuynh hướng giải thích mọi thứ tồi tệ về kẻ thù của họ, nó đã
khiến ông tức giận về những hành động xấu xa của họ.
18. Vì bản tính con người vốn yếu đuối mà “ngay cả những tâm hồn thánh thiện cũng
không tránh khỏi những vướng bụi trần gian làm cho nhơ uế”[7]. Thế nên, ai có thể phủ nhận
vào thời điểm đó không có những điều đáng trách đối với hàng giáo phẩm? Một tâm
hồn hết sức tận tụy với Giáo hội, như Dante hẳn đã rất khó chịu, khi chúng ta
biết rằng ngay cả những người trổi trang về sự thánh thiện khi đó cũng đã tố
cáo họ một cách nghiêm trọng không?
19. Dù đúng hay sai, ông đã lao vào những hành động kịch liệt
của mình, chống lại những người của Giáo hội. Tuy nhiên, sự kính trọng dành cho
Giáo hội và sự tôn kính đối với Chìa khoá Thiêng thánh không bao giờ phai nhạt
trong ông; vì thế mà trong tác phẩm chính trị của ông, đã có ý bảo vệ quan điểm
của riêng mình “với lòng tôn kính mà
một người con ngoan đạo phải có đối với cha mình, hiếu thảo đối với mẹ mình, hiếu
thảo đối với Chúa Kitô, hiếu thảo đối với Giáo hội, hiếu thảo đối với Đấng Chủ
chăn, hiếu thảo đối với tất cả những người tuyên xưng tôn Đạo Kitô, vì bảo vệ
chân lý”[8].
20. Do đó, khi đặt toàn bộ cấu trúc thi phẩm dựa trên những
nguyên tắc tôn giáo vững chắc này, không có gì ngạc nhiên nếu người ta bắt gặp
trong đó một kho tàng giáo lý Công giáo đích thực; nghĩa là, không chỉ có
hoa trái của triết học và thần học Kitô giáo, nhưng còn có bản toát yếu các quy
luật thiêng liêng cần phải duy trì để tổ chức và quản lý các Quốc gia; thực
vậy, ngay cả khi biện minh vì quê hương hoặc làm hài lòng các lãnh chúa, Dante
Alighieri không phải là một người tuyên bố rằng nhà nước có thể coi thường công
lý và uy quyền của Thiên Chúa, bởi vì ông biết rõ rằng việc duy trì các quyền
này là nền tảng chính của các quốc gia.
Ý NGHĨA THỜI SỰ CỦA TÁC PHẨM
Hiệu quả hộ giáo
21. Do đó, không thể nói tác phẩm của Thi hào đơn giản để giải
trí; nhưng người đọc rút ra từ đó không ít lợi ích, khi hoàn thiện sở
thích nghệ thuật của mình và tự thắp lên lòng nhiệt thành đối với đức hạnh. Miễn
là người ta không có thành kiến và mở lòng ra với sự thật. Thật vậy, trong
khi không hiếm số lượng các nhà thơ Công giáo vĩ đại kết hợp tính hữu dụng với
giải trí, thì ở Dante, điều hết sức đặc biệt là, trong khi cuốn hút độc giả bởi
những hình ảnh thiên hình vạn trạng, với màu sắc cực kỳ sống động, với những biểu
đạt và tư tưởng vĩ đại, ông lôi cuốn họ đến yêu mến đức khôn ngoan Kitô
giáo; không ai là không biết rằng ông công khai tuyên bố sáng tác thi phẩm
để chuẩn bị cho mọi người nguồn sinh dưỡng thiêng liêng. Thực vậy, chúng
tôi biết rằng một số người, thậm chí gần đây, dù xa rời Chúa Giêsu Kitô, nhưng
không chối bỏ Ngài, khi nghiên cứu Thần Khúc với lòng say mê, nhờ ân sủng
thiêng liêng, họ đi từ ngưỡng mộ chân lý đức tin Công giáo đến lòng nhiệt thành
phó thác trong vòng tay của Giáo hội.
22. Những gì chúng tôi vừa trình bày cho thấy thật phù hợp để
thu hút sự chú ý của toàn thế giới Công giáo trong dịp kỷ niệm bách chu niên
này. Mỗi người hãy nuôi lòng nhiệt thành để bảo tồn đức tin mà hơn bao giờ hết
Dante Alighieri đã toả sáng như một người phò văn hóa và nghệ thuật. Thực
vậy, ở ông không chỉ đáng ngưỡng mộ bởi đỉnh cao thiên tài khéo léo, nhưng còn
bởi sự rộng lớn của chủ đề mà tôn giáo thần thánh đã trao tặng cho hồn thơ
ông. Ông đã được ban cho một tài năng tuyệt vời như vậy, lại được tinh luyện
trong quá trình nghiên cứu lâu dài các kiệt tác kinh điển cổ đại. Ông đã thu
hút nhạy bén hơn, như đã nói, từ các tác phẩm của các bậc Tiến sĩ và các Giáo
phụ, chắp cánh cho tư tưởng của ông vươn cao và vươn xa tới những chân trời rộng
lớn hơn những giới hạn của tự nhiên. Vì vậy, mặc dù cách xa chúng ta nhiều
thế kỷ, hồn thơ ông vẫn còn tươi mới như là thi sĩ trong thời đại chúng
ta; và chắc chắn là hiện đại hơn nhiều so với các thi sĩ gần đây, những
người đào bới lại thế giới cổ đại vốn đã bị Chúa Kitô loại bỏ khi Ngài khải
hoàn trên Thập giá. Dante Alighieri hít bầu khí sùng đạo mà chính chúng ta
cũng hít thở; đức tin của ông cũng có những tâm tình như vậy, và với cùng
một tấm màn che được vén mở “sự thật
từ trời đã đến với chúng ta và làm cho chúng ta thăng hoa”.
23. Đây là vinh quang vĩ đại của ông: được làm một Thi sĩ Công
giáo và đã tấu lên với hầu hết mọi cung giọng thần thánh những lý tưởng Kitô
giáo, những điều mà ông đã say mê chiêm ngưỡng trong tất cả vẻ đẹp và sự huy
hoàng, thấu hiểu và đã sống. Do đó, những ai dám phủ nhận công lao này của
Dante và giản lược tất cả bản chất tôn giáo của Thần Khúc xuống một thứ ý thức
hệ mơ hồ không có cơ sở chân lý, thì chắc chắn họ không nhận ra được ở trong
Thi Hào đâu là nét đặc trưng và nền tảng của tất cả các giá trị khác của ông.
Học hỏi Dante là phương cách đi tới tính tự nhiên
của giáo dục hiện thời
24. Vì vậy, nếu Dante mắc nợ đức tin Công giáo quá nhiều về
danh tiếng và sự vĩ đại của mình, thì chỉ cần ví dụ này, đủ làm cho những người
khác im lặng. Điều đó cho thấy thật sai lầm khi người ta cho rằng tâm trí thần
phục Thiên Chúa thì đôi cánh của thiên tài bị kìm kẹp; trong khi thực ra chính
Ngài thúc đẩy và nâng nó lên. Điều đó cho thấy những ai muốn loại trừ mọi ý tưởng
tôn giáo ra khỏi hệ thống giáo dục sẽ gây ra tác hại khôn lường cho sự tiến bộ
của văn hóa và văn minh.
25. Thật vậy, hệ thống giáo dục chính thức ngày nay thật
đáng trách khi giáo dục cho thanh thiếu niên hiếu học như thể Thiên Chúa không
tồn tại và không có một chút ám chỉ nào đến siêu nhiên. Mặc dù ở đâu đó
“Thần Khúc” không bị đẩy ra khỏi các trường công lập và thậm chí là được tính
trong số những sách cần đọc thêm. Tuy nhiên, nó thường không dẫn đưa giới trẻ đến
với nguồn dinh dưỡng quan trọng, chỉ bởi vì nguyên tắc “trường thế tục”. Điều
đó là do thiếu sót của các nhà nghiên cứu, mà họ không sẵn sàng hướng tới chân
lý của đức tin như cần phải có.
26. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho dịp kỉ niệm bách chu niên
này để mọi nơi giảng dạy văn học tôn vinh Dante xứng đáng là một minh sư về
giáo lý Kitô cho các sinh viên, vì ông đã sáng tác thi phẩm, không có mục đích
nào khác hơn là “để giải thoát con
người khỏi tình trạng khốn khổ”, nghĩa là khỏi tội lỗi, và “dẫn họ đến trạng thái hạnh phúc”, nghĩa
là, ân sủng thiêng liêng.
27. Còn anh chị em, những người con yêu quý, anh chị em may
mắn được trau dồi văn chương và các nghệ thuật vẻ đẹp dưới Huấn quyền của Giáo
hội. Hãy yêu mến và trân trọng Thi Hào này, như anh chị em đang làm. Đó là người
mà chúng tôi không ngần ngại khẳng định là danh ca và sứ giả hùng hồn nhất của
tư tưởng Kitô giáo. Càng cống hiến hết mình cho Thi Hào này với lòng yêu mến,
thì ánh sáng chân lý càng soi sáng tâm hồn mình, và anh chị em sẽ càng vững
vàng trung thành và tận tụy với Đức tin thánh thiện.
28. Như dấu chỉ những ân huệ trời cao và như một bằng chứng
về lòng hiền phụ, với tâm tình yêu mến, xin gửi đến tất cả anh chị em, những
người con yêu quý, Phép lành Tông toà.
Ban hành tại Rôma, tại đền thờ thánh Phêrô, ngày 30 tháng 4 năm 1921, trong năm thứ bảy triều đại Giáo hoàng của chúng tôi.
Biển Đức XV
Lm. Giuse Trần Văn Đỉnh
chuyển ngữ
Theo bản tiếng Ý: vatican.va
Các tiểu mục theo bản tiếng
Pháp: vatican.va