HỌC VIỆN MỤC VỤ TGPSG & ĐỒNG XANH THƠ SÀI
GÒN
THI CA & SỨ VỤ NĂM 2023
THI CA TRONG TRẢI NGHIỆM VÀ BIỂU ĐẠT ĐỜI SỐNG
TÂM LINH
Thérèse Tiếng Vọng
Một làn mát dịu gió mênh mang
Nắng sớm ban mai lướt nhẹ nhàng
Hoa lá xôn xao mừng Ánh Sáng
Tình Trời lan tỏa phúc bình an
Sớm hơn thường lệ, các tham dự viên và thành viên Đồng Xanh Thơ Sài Gòn
(ĐXTSG) đã có mặt lúc 7 giờ sáng ngày 11/11/2023, tại Trung Tâm Mục Vụ TGPSG, để
tham dự chương trình Thi ca và Sứ vụ năm 2023, lần thứ 3, nhân ngày giỗ 83 năm
của Nhà Thơ Hàn Mạc Tử (1940- 2023), với chuyên đề: “Thi Ca Trong Trải
Nghiệm và Biểu Đạt Đời Sống Tâm Linh”.
Nội dung của chủ đề lần này chạm vào một phần nhỏ những “nút thắt” tâm
linh mà Thánh Gioan Thánh Giá đã khơi gợi trong Lời phi lộ, của tác phẩm Khúc
Linh Ca:
“Ai có thể diễn tả được những gì Ngài làm cho các linh hồn khát
khao?
Chắc chắn là không ai giải thích nổi, ngay cả những linh hồn nhận lãnh
được cảm nghiệm ấy, cũng không thể giải thích nổi.
Đó là lý do khiến các linh hồn ấy phải dùng hình ảnh, những so sánh hoặc
những cái tương tự để phô diễn những điều họ đã cảm nghiệm, và diễn đạt những cảm
nghiệm tâm linh phong phú bằng những dụ ngôn bí ẩn và mầu nhiệm, hơn là bằng những
lý luận tách bạch rõ ràng.”
Vâng, chỉ có Thần Khí và “Chính Thần Khí nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta”
(x. Rm 8,26).
Thành phần tham dự hội thảo chuyên đề hôm nay gồm có:
Lm. Vinh Sơn Nguyễn Hoàng Lê Nguyên, Trưởng Ban Văn hóa Giáo phận Sài
Gòn; Lm. Phêrô Khắc Đỗ, Phó xứ Chợ Quán, cha đồng hành ĐXTSG; Thầy Phêrô Đỗ Tiến
Thành (MC- Dẫn chương trình).
Các hội đoàn gồm Báo Công giáo và Dân tộc, Ban Truyền thông TGPSG, nhóm
Cựu Giáo Chức và thân hữu, nhóm bạn trẻ Gx Chợ Quán, nhóm bạn trẻ yêu thơ, các
học viên Học Viện Mục vụ, thành viên ĐXTSG và thân hữu.
Đúng 8 giờ, cha Vinh Sơn, Trưởng Ban Văn hóa TGPSG đã khai mạc buổi hội
thảo với lời cầu nguyện đầy tâm tình chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa đã cho mọi
người gặp gỡ nhau hôm nay, để lắng nghe tiếng thơ trong đời sống tâm linh. Ước
mong các văn nghệ sĩ Công giáo biết sử dụng những ân sủng Thiên Chúa ban để làm
rạng danh Ngài trong sứ vụ của mình.
Tiếp đến, buổi hội thảo chuyên đề bắt đầu với phần trình bày tham luận của
2 tác giả:
* Đà Lạt Trăng Mờ - Trải Nghiệm Tâm Linh Của Hàn Mạc Tử (Nhật Bình
Nguyên)
* Lời với Chúa - Lời Thơ Như Lời Kinh Trong Đời Sống Tâm Linh (Lm. Phêrô
Khắc Đỗ)
Với phần tham luận đầu tiên, tác giả Bình Nhật Nguyên đã trình bày bài
thơ “Đà Lạt Trăng Mờ” trong cách nhìn nghệ thuật, với việc gợi mở cho cộng đoàn
“nhãn tự” và nét độc đáo của Hàn Mạc Tử, làm tiền đề cơ bản cho việc nắm bắt và
hiểu thơ tâm linh Hàn thi sĩ; song song đó, tác giả nhấn mạnh đến cách nhìn
siêu nhiên, khi dẫn chứng và minh họa những tứ thơ tuyệt diệu và thăng hoa của
Hàn Mạc Tử xuyên qua mầu nhiệm Kitô giáo (các bí tích), thể hiện đậm nét trong
Thánh Lễ, tột đỉnh của Phụng vụ Kitô giáo.
Bình Nhật Nguyên cho biết khi đọc bài “Đà Lạt Trăng Mờ” của Hàn Mạc Tử,
tác giả có cảm tưởng hình như Hàn thi sĩ đã mượn cảnh đẹp đêm trăng bên
ngoài, một sự thinh lặng và cô tịch tự nhiên, để diễn tả cái tình thiêng liêng
bên trong tâm hồn của mình. Đó là một vẻ đẹp vượt lên trên những cảm quan
bình thường – vẻ đẹp tình yêu của linh hồn được biến đổi nên một với Thiên
Chúa.
Vẻ đẹp đó được lắng trong sự thinh lặng siêu nhiên và cô tịch
siêu nhiên.
Thật vậy, với “Đà Lạt Trăng Mờ”, trong thinh lặng siêu nhiên, Hàn Mạc Tử
ngây ngất trong một tình yêu thánh thiêng, ‘Cả trời say, nhuộm một màu
trăng’; sự say đắm đó hoàn toàn vượt khỏi trí hiểu, ‘Và cả
lòng tôi chẳng nói rằng’; vượt khỏi tri giác, ‘Không một tiếng
gì nghe động chạm’; và vượt ra ngoài không gian vũ trụ, ‘Dẫu
là tiếng vỡ của sao băng’.
Ở đây, cái ‘tĩnh’ của tự nhiên thật tự nhiên để nhẹ nhàng thăng hoa và
biến tan vào trong cái ‘tĩnh’ của nội tâm, khiến những mảnh vỡ ‘sao băng’ của ‘vũ
hoàn’ như cùng thinh lặng vào chiều sâu của lặng thinh.
Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng...
Có thể nói, sự thinh lặng và cô tịch siêu nhiên ít nhiều đều ẩn chứa
trong các bài thơ của Hàn thi sĩ. Nhưng có lẽ, “Đà Lạt Trăng Mờ” như là đỉnh
cao của ‘Hàng thông lấp loáng đứng lặng im’ với ‘Cành
lá in như đã lặng chìm’, và những bài thơ khác tựa như những vật trang trí
cho cây thông thinh lặng và cô tịch của Hàn thi sĩ thêm phần rực rỡ.
Theo cách nói của thánh Bonaventura, tác giả Bình Nhật Nguyên đã phân định
bài thơ ‘Đà Lạt trăng mờ’ như là một lộ trình tâm linh lên
cùng Thiên Chúa của Hàn Mạc Tử. Với cấu trúc 4 khổ của bài thơ, tuy không thể
phân định cách rạch ròi, nhưng có thể chia lộ trình tâm linh này thành 4 bước với
2 cấp độ:
- Cấp độ 1: Thinh lặng siêu nhiên
+ Bước 1: Thinh lặng chiêm ngưỡng – khổ thơ thứ 1
+ Bước 2: Thinh lặng lắng nghe – khổ thơ thứ 2
- Cấp độ 2: Cô tịch siêu nhiên
+ Bước 3: Cô tịnh giải thoát – khổ thơ thứ 3
+ Bước 4: Cô tịch kết hiệp – khổ thơ thứ 4
Dựa vào trải nghiệm thinh lặng và cô tịch siêu nhiên của thi nhân, tác
giả đã nhận định Hàn Mạc Tử không phải là một nhà thơ siêu thực, nhưng đúng
hơn, thi nhân là một nhà thơ vừa chiêm niệm, vừa chiêm nghiệm. Bởi vì, đó là những
trải nghiệm tâm linh của một linh hồn kết hiệp thân tình với Thiên Chúa.
Phải chăng trong thời kỳ khởi đầu của phong trào thơ mới, Hàn Mạc Tử đã
kiến tạo cho mình một phong cách khác biệt trong thi ca, khi biểu đạt đời sống
tâm linh với Thiên Chúa; đặc biệt ở các tập thơ ‘Xuân như ý’ (1939) và Thượng
Thanh khí (1940).
Theo thánh Grêgôriô Cả, “Đời sống chiêm niệm và cuộc sống vĩnh cửu không
phải là hai thế giới khác biệt nhau, nhưng là một thực thể duy nhất: Một bên là
bình minh, một bên là chính ngọ. Đời sống chiêm niệm là khởi điểm của niềm vui
vĩnh cửu, một thứ khai vị đưa vào hạnh phúc”.
Cả cộng đoàn rất bất ngờ khi nghe tác giả nhấn mạnh, việc đọc thơ Hàn Mạc
Tử không chỉ để cảm hưởng những vi diệu về nghệ thuật thi ca mà còn sống những
trải nghiệm tâm linh qua lời thơ ấy, bằng cách chất vấn lại mình, khi cảm nhận
sự sinh động của lời thơ ấy trong cuộc sống, nhất là mỗi lúc tham dự Thánh lễ.
Bước 1: Thinh lặng chiêm ngưỡng - khổ thơ thứ 1
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ
Khi phóng bút, ‘Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu’, chắc hẳn
Hàn Mạc Tử đã bị thu hút bởi một Vẻ Đẹp huyền nhiệm nào đó. Vì trong sự yên lặng
của ngoại cảnh kết hợp với sự thinh lặng tâm hồn, đang bắt đầu một điều gì rất
huyền nhiệm như đang cuốn hút thi nhân vào một niềm vui và bình an bất tận.
Hàn Mạc Tử không đơn thuần cảm nhận vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, ‘trong
cảnh thật huyền mơ’, nhưng từ vẻ đẹp của thiên nhiên, nhà thơ nhận ra được
Vẻ Đẹp tuyệt mỹ của Tạo Hóa. Vẻ Đẹp của mọi vẻ đẹp, mới làm các thụ tạo của
Ngài trở thành những vẻ đẹp kỳ diệu đến thế.
Thánh Augustinô xác tín điều này bằng những lời rất mạnh mẽ: “Ai đã làm
ra những cảnh đẹp thiên biến vạn hoá ấy, nếu không phải là Đấng Toàn Mỹ không
bao giờ đổi thay.”
Vì thế, câu ‘Trời mơ trong cảnh thực Huyền mơ’ không những vừa thi vị độc
đáo mà còn xác tín niềm tin của Thi sĩ. ‘Trăng sao’ không chỉ nói đến các tinh
tú, mà còn hàm nghĩa nói đến tất cả mọi người trên thế gian này, đang được hưởng
những phước lành cùng muôn vàn ân sủng. Vì thế, Hàn Mạc Tử, ‘Trăng sao’, không
chỉ say ngắm, ‘đắm đuối’, trước vẻ đẹp thơ mộng đầy huyền bí của thiên nhiên,
‘trong sương nhạt’, mà thi nhân còn ngây ngất trong tình yêu bao la của Thiên
Chúa, một tình yêu thánh thiêng khác xa và vượt hẳn mọi tình yêu phàm nhân.
Trong đời sống tâm linh, điều mà Hàn Mạc Tử gọi là ‘Ý Thơ’ chính là mệnh
lệnh của Chúa, là quyết định khôn ngoan của Ngài, là đường lối thánh chỉ của
Chúa, mà mỗi người chúng ta tìm kiếm chứ không phải là lợi lộc tiền tài. Cho
nên Ý Chúa – ‘Ý Thơ’ – sẽ được mỗi người nhận ra trong đức tin theo từng hoàn cảnh
sống của mình.
Đi sâu vào trải nghiệm tâm linh, tác giả Bình Nhật Nguyên đặt ra câu hỏi
“Phải chăng mỗi chúng ta đều có những ‘phút thiêng liêng đã khởi đầu’ như
Hàn thi sĩ?”
Trong trình thuật Tin Mừng, khoảnh khắc Đức Maria đón nhận ý Chúa ‘Như
đón từ xa một ý thơ’ và đáp tiếng ‘Xin Vâng’ với Ngài, trong khung cảnh
Truyền Tin của ngôi làng Nazarét, chính là ‘Đây phút thiêng liêng’ diễm ngời của
Mẹ, ‘đã khởi đầu’ cho công trình cứu độ của Thiên Chúa. (x. Lc 1, 26-38).
Với thánh Phêrô, có lẽ ‘Đây phút thiêng liêng’ là lúc thánh nhân bắt gặp
được ánh mắt bao dung và thương xót của Đức Giêsu khi ông bội tình chối Thầy ba
lần nơi dinh Cai Pha. Thánh Phêrô đã đón nhận Lòng Thương Xót ấy ‘Như đón từ
xa một ý thơ’, để từ đó ‘đã khởi đầu’ một niềm tin ‘đá tảng’ cho Hội thánh
của Chúa (x. Lc22,54-62).
Với thánh Phaolô, phải chăng ‘Đây phút thiêng liêng’ là cú ngã ngựa trên
đường Đamát, để đón nhận một sứ vụ mới ‘Như đón từ xa một ý thơ’; từ đó
‘đã khởi đầu’ một sự xác tín ‘không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên
Chúa trong Đức Kitô’. (x Cv 9, 3-7; 22, 3-16 và 26,13-15)
Để minh họa rõ hơn khổ thơ 1 qua hình ảnh bí tích, Bình Nhật Nguyên đề cập
đến một số dẫn chứng:
Với Hoàng Đế Napoléon, ‘Đây phút thiêng liêng’ in đậm trong cuộc đời
chính là khi ông lần đầu đón nhận Thánh Thể ‘Như đón từ xa một ý thơ’ và
ông đã cảm nhận điều khôn tả ấy xuyên suốt cuộc sống: ‘Giây phút mà tôi thấy hạnh
phúc nhất chính là lúc tôi Rước lễ lần đầu’.
“Huyền thoại” Ronaldo, người từng hai lần vô địch thế giới cùng đội tuyển
Brazil, đã chia sẻ trải nghiệm ‘Đây phút thiêng liêng’ của mình khi đón nhận đức
tin Công giáo ở tuổi 46 như sau: “Đây là giây phút quan trọng trong cuộc đời
tôi, hôm nay là ngày rất đặc biệt, tôi đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.”
Với các Tiến chức, có lẽ ‘Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu’ là khi phủ
phục trước Bàn thánh để xóa mình nên của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa.
Khung cảnh trang nghiêm và thinh lặng ấy quả là “Trời mơ trong cảnh thực huyền
mơ!”, khi cả triều thần Thiên quốc và cả Hội thánh đang cùng suy chiêm
và hiệp nguyện cho Tiến chức như ‘Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt’, để ‘đón
từ xa một ý thơ’ của một sứ vụ mới – Thừa tác viên của Thiên Chúa.
Bước 2: Thinh lặng lắng nghe – khổ thơ thứ 2
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu…
Trong cuốn “Thoughts in Solitude” (Hoa Trái Thinh Lặng), Thomas Merton
viết, “Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo! Lắng
nghe và đáp trả là việc của con; nhờ đó, con được cứu độ. Vì thế, đời con phải
lặng thinh!”.
Hàn Mạc Tử đã thinh lặng để có thể lắng nghe được Lời Thiên Chúa, mà
trong ngôn ngữ thi ca, Hàn thi sĩ đã dùng một mỹ từ để diễn tả Lời của Ngài –
‘Ý Thơ’.
Cho nên với khả năng mà Thiên Chúa ban cho, Hàn Mạc Tử không dừng lại ở
việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những công trình Thiên Chúa sáng tạo, nhưng thi
nhân muốn đi sâu vào cội nguồn của các vẻ đẹp, khi thinh lặng để lắng nghe Lời
của Ngài nhắn gửi trong các vẻ đẹp đó, sự thinh lặng tâm linh cần thiết để Hàn
thi sĩ có thể ‘Đón từ xa một Ý Thơ’.
Vậy ‘Nước hồ reo’ mà Hàn Mạc Tử muốn nói trong mạch thơ này, phải
chăng ‘Nước’ là Nước Hằng Sống, là chính Chúa Giêsu Kitô, như lời Ngài đã nói
cùng người phụ nữ Samari bên giếng nước Giacóp. Hàn Mạc Tử đã cảm được, đã nghe
được tiếng lòng của Thiên Chúa ‘Nước hồ reo’ là Ngài mong muốn chúng ta được kết
hợp nên một với Ngài.
A. Simpson viết, “Cầu nguyện là sợi dây liên kết con người với
Chúa, mạnh mẽ nhất là một lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực thẳm
bất xứng’ của chính nó!”.
Theo đó, chính trong sự thinh lặng chiêm nghiệm, Hàn Mạc Tử đã ‘chìm vào
vực thẳm bất xứng’, cảm thấy mình chỉ là một phàm nhân yếu đuối, bấp bênh và mỏng
dòn, ‘tơ liễu’; hoàn toàn bất xứng trước tình yêu cao cả của Thiên Chúa, vì đã
không giữ được họa ảnh vẻ đẹp của Ngài. Chắc hẳn khi cảm nghiệm được lòng
thương xót vô bờ của Thiên Chúa, tâm hồn thi sĩ đã chao nghiêng dòng chảy ăn
năn và tràn ra những nhịp lòng sám hối như ‘tơ liễu run trong Gió’.
Trong “Quan niệm thơ” gửi Trọng Miên, Hàn Mạc Tử nhận thấy con người là
những thọ tạo giới hạn và bất toàn; cho nên con người không thể nào giải thích
được tình yêu bởi vì bản thân họ vẫn luôn khao khát và tìm kiếm một tình yêu trọn
hảo.
Vì thế, thi sĩ tìm đến Thiên Chúa – Đấng ấy là Đức Chúa Trời. Vậy ‘Trời’
– Thiên Chúa, đã giải nghĩa yêu như thế nào cho Hàn Mạc Tử?
Tác giả Bình Nhật Nguyên đặt nghi vấn và tìm được trong Kinh Thánh có ít
nhất là hai khoảnh khắc thinh lặng mà Đức Giêsu đã giải thích tình yêu một cách
sinh động và rõ ràng.
Sự thinh lặng thứ nhất ‘để xem Trời giải nghĩa yêu’ chính là câu chuyện
người phụ nữ ngoại tình trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan (x. Ga 8,
2-11).
Tất cả những người lên án đều tuyên bố những lời tốt lành vì bảo vệ Lề
Luật, nhưng tay họ thì lăm lăm những viên đá sôi sục sự dã tâm và khinh miệt kẻ
xấu số. Họ nôn nóng đòi Đức Giêsu trả lời, nhưng Ngài thinh lặng và thong thả lấy
tay vẽ xuống đất. Ngài muốn mỗi người hãy thinh lặng tự xét lòng mình trước khi
lên án người khác ‘Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều’. Đức Giêsu không ra phán quyết,
nhưng Ngài minh giải cho họ hiểu thể nào là tình yêu khi bảo, “Ai trong các ông
sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Đó chính là câu giải thích tình
yêu của Trời, ‘Và để xem Trời giải nghĩa yêu’.
Và trước sự giải nghĩa tình yêu một cách cụ thể và trong sáng của Đức
Giêsu, của Thiên Chúa, của Trời. Mọi mưu toan, mọi khinh bỉ, mọi tức giận đều dịu
dàng lắng xuống. Và trong thinh lặng, họ đã cảm nhận được thế nào là tình yêu
khi, ‘Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi’.
Cuối cùng sự thinh lặng đã giúp người phụ nữ lầm lỗi cảm nhận được thế
nào là Tình Yêu, khi nghe Trời giải nghĩa yêu, “Tôi cũng vậy, tôi không lên án
chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.
Sự thinh lặng thứ hai ‘để xem Trời giải nghĩa yêu’ chính là cuộc Vượt
Qua của Đức Giêsu.
Giờ phút mà Ngài bị xử án, bị đem đi đóng đinh và bị giết chết. Trước sự
hùng hổ đầy căm phẩn của giới lãnh đạo tôn giáo và những người hùa theo, Đức
Giêsu không phản kháng, Ngài không biện hộ, không tranh luận. Họ muốn ‘xem Trời
giải nghĩa yêu’, nhưng ‘Trời’ đáp lại bằng sự thinh lặng. Và cuối cùng, trên thập
giá, đỉnh cao của sự thinh lặng, Đức Giêsu đã ‘giải nghĩa yêu’ một cách tuyệt vời: “Lạy
Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm” (Lc
23,34).
Như thế khi viết, ‘Và để xem Trời giải nghĩa yêu’ phải chăng Hàn Mạc Tử
muốn nói lên điều này: Hãy thinh lặng để lắng nghe Thiên Chúa hướng dẫn chúng
ta cách sống yêu thương, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu, thì duy nhất chỉ có
Ngài mới chỉ cho chúng ta cách sống thế nào là đúng đắn nhất để giải nghĩa được
tình yêu. Yêu là quy hướng tất cả mọi sự về Thiên Chúa. Con người đau khổ bởi
vì con người quy hướng mọi sự về mình.
Tác giả Bình Nhật Nguyên tiếp tục minh họa đời sống tâm linh của ý thơ
Hàn Mạc Tử khi dẫn giải đi sâu vào Thánh lễ.
Thật vậy, khi tham dự Thánh Lễ là người tín hữu đứng trước một huyền nhiệm
của Hy tế Cứu độ. Mỗi lần cử hành Hy tế này là mỗi ‘Giây phút thiêng
liêng đã khởi đầu’ mà mọi tâm hồn đều phải kính cẩn nghiêng mình trước
mầu nhiệm ‘Trời mơ’ với các thần thánh, và cùng chiêm ngưỡng
Tình yêu hiến tế ấy với cả vũ trụ và toàn thể Hội thánh như ‘trăng sao đắm
đuối trong sương nhạt’.
Tất cả như thinh lặng để nghe tiếng lòng thống hối mong manh của mình
như ‘tơ liễu run trong gió’, để tận sâu thẳm hồn mình chạm được
Lời Hằng Sống ‘nghe dưới đáy nước hồ reo’ và để nghe Lời Tình
của Trời cao đang vang vọng và tỏ lộ lòng yêu thương ‘đắm đuối’ với con người,
bằng cách ‘giải nghĩa yêu’ qua sự gieo Lời, công bố Lời và
sinh Lời trong tâm hồn tín hữu trong phần phụng vụ Lời Chúa.
Cộng đoàn hoàn toàn bất ngờ về những ý tưởng chiêm nghiệm thật sâu sắc
này của Bình Nhật Nguyên. Qua đó, giúp cộng đoàn ý thức hơn về những trải nghiệm
tâm linh cá vị và những cảm nghiệm về sự biểu đạt thi ca của Hàn Mạc Tử mà bao
lâu nay hình như chỉ mới dừng lại ở bên ngoài chưa đi vào được ‘nội cấm’ của
tâm hồn Hàn thi sĩ.
Bước 3: Cô tịch giải thoát – khổ thơ thứ 3
Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được!
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm
Trong cuốn ‘Hoa trái thinh lặng’, đan sĩ Thomas Merton (1912-1968) đã viết
về sự cô tịch như sau: “Đời sống cô tịch là đời sống trong đó, chúng ta hướng
sự chú ý của mình về phía Thiên Chúa và vui mừng chỉ trong sự trợ giúp đến từ
Ngài”. Vì thế, ước muốn cô tịch chỉ có thể là một ơn gọi đến từ Thiên Chúa.
Khi viết, ‘Hàng thông lấp loáng đứng trong im’, phải chăng
Hàn Mạc Tử có ý nói rằng, để có thể sống cô tịch với Thiên Chúa, điều trước
tiên, tất cả mọi hoạt động của giác quan thể lý như thị giác, thính giác, khứu
giác, vị giác và cả xúc giác, đó là những ‘Hàng thông lấp loáng’, cần
phải ngưng nghỉ hoàn toàn ‘đứng trong im’, nhằm giúp chúng ta giải
thoát mình khỏi những ràng buộc và không bị những hoạt động này ngăn trở việc
chúng ta toàn tâm toàn ý quy hướng về Thiên Chúa, để cảm nếm được niềm vui và
bình an khi được ở bên Ngài.
Bước tiếp theo của sự cô tịch giải thoát mà Hàn Mạc Tử muốn chia sẻ với
chúng ta đó là ngưng nghỉ cả những hoạt động của não bộ, bao gồm cảm xúc, ý
nghĩ, trí hiểu, suy tưởng… Đó là những ‘cành lá’ rườm rà che khuất ánh mặt trời,
góp phần vào việc cản trở chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa.
Phải chăng khi viết, ‘Cành lá in như đã lặng chìm’, Hàn Mạc
Tử đã trải nghiệm sự cô tịch giải thoát, đã trút bỏ hết mọi cảm quan cũng như mọi
tư tưởng mà thi nhân cảm thấy nó cồng kềnh và nặng nề, nó nghèo nàn và lạc hậu
trước phúc hạnh có được Thiên Chúa.
Chỉ có sự kết hợp hoàn hảo mới đem lại bình an trong tâm hồn. Vậy thì, bổn
phận của chúng ta là phải phế bỏ những bức tường ngăn cách ấy đi để Thiên Chúa
tỏ mình, mạc khải kín nhiệm với chúng ta.
Nếu trong sự ‘Mặc khải’ của Thiên Chúa, thánh Phaolô đã không ý thức được
không gian và thời gian mà có lẽ là ở trong hiện tại vĩnh cửu, thì trong sự ‘Thần
cảm’ với Thiên Chúa, Hàn Mạc Tử cũng không biết đó là giấc mơ hay một thực tại
vĩnh cửu.
Nhưng trước hết, Hàn Mạc Tử là một thi sĩ đi tìm Ánh Sáng Chân Lý, nên
tác giả đã tiếp lời: chính Ánh Sáng Chân Lý làm bừng lên trong tâm hồn thi sĩ
những tứ thơ trác tuyệt tràn ngập niềm vui và bình an, mà lắm lúc chúng ta
không cảm nhận được hết ý nghĩa của lời thơ nên gọi là siêu thực.
Vậy phải chăng ‘Sông Ngân Hà’ mà thi nhân nói ở đây chính là Ánh Sáng
Chân Lý đang bừng lên giữa ‘màn đêm’ linh hồn thi nhân. Và lúc này đây, Thiên
Chúa sẽ mở bức màn đức tin để linh hồn nhận biết nguồn sáng ‘Sông Ngân hà’
chính là Thiên Chúa.
Và trải nghiệm tâm linh của Hàn Mạc Tử cũng không khác với trải nghiệm về
Thiên Chúa của thánh Augustino:
“Lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa và hằng mới, con đã yêu mến Chúa quá
muộn... Chúa ở trong con mà con lại cứ chạy ra ngoài tìm Chúa ... Chúa đã dựng
nên con cho Chúa và lòng con chỉ tìm thấy bình an khi được yên nghỉ trong Chúa”.
Tác giả Bình Nhật Nguyên lại tiếp tục minh họa khổ thơ thứ 3 bằng dẫn chứng
Thánh Lễ - Hy tế Cứu độ trong cử hành Phụng vụ Thánh Thể.
Thật vậy, khi Thừa tác viên của Giáo Hội xin Chúa Thánh Thần thánh hóa
bánh rượu để trở nên Mình Máu Thánh, lúc này chính là ‘Đây phút thiêng
liêng đã khởi đầu’. Tất cả Thiên thần, các Thánh và mọi tín hữu đều quỳ lạy
và chiêm ngắm mầu nhiệm cao quang của Bí tích Thánh Thể như ‘Hàng thông
lấp loáng đứng trong im’ và thời gian không gian như dừng lại, cả giác
quan thể xác và quan năng linh hồn tựa ‘Cành lá in như đã lặng chìm’; để
rồi qua ánh mắt thể lý chỉ là một màn tối của ‘Hư thực làm sao phân biệt
được’ và chỉ trong ánh mắt đức tin mới có thể cảm nhận Ánh Sáng của ‘Sông
Ngân Hà nổi giữa màn đêm’. Một dấu lạ xảy ra mỗi ngày giữa chúng ta mà mấy
khi chúng ta cảm nghiệm cho thấu được.
Tác giả Bình Nhật Nguyên dùng hình ảnh minh họa giây phút Thánh Pio Năm
dấu đưa cao và chiêm ngắm Mình Thánh Chúa để làm rõ hơn những ý tưởng vừa giải
thích. Điều này làm các tham dự viên thật sự sửng sốt và gây ấn tượng rất mạnh
cho cộng đoàn để cảm hiểu trải nghiệm tâm linh của Hàn Mạc Tử ở khổ thơ thứ 3
này.
Bước 4: Cô tịch kết hiệp –
khổ thơ thứ 4
Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng…
Nếu André Frossard (1915-1995), văn sĩ Công Giáo Pháp nổi tiếng, bị đảo
lộn vì luồng ánh sáng thiêng liêng chiếu dọi vào hồn mình và xâm chiếm linh hồn
văn sĩ bằng một sức mạnh có thể làm vỡ tung trái tim và khiến văn sĩ không bao
giờ quên được kỷ niệm êm đẹp độc nhất vô nhị này; thì Hàn Mạc Tử cũng đã say
sưa diễn tả Nguồn Sáng của ‘Sông Ngân Hà’ làm choáng váng linh hồn ông bằng những
ngôn từ rất thơ, ‘Cả trời say’.
Nếu luồng sáng thiêng liêng, luồng sáng giáo huấn khiến André Frossard
quả quyết tuyên xưng rằng, đối với tôi, chỉ duy nhất THIÊN CHÚA hiện hữu thật sự.
Thì luồng sáng thiêng liêng đó cũng đã giáo huấn và tỏ bày sự thật cho Hàn Mạc
Tử khi ông chắp bút, ‘nhuộm một màu Trăng’. Đó chính là “Vẻ đẹp của
tình yêu Thiên Chúa.
Người ta thấy rằng khi một thực tại thiêng liêng được mặc khải cho một
linh hồn, nó thường tạo ra hai tình cảm trái ngược nhau: sợ hãi và yêu mến, ngỡ
ngàng và cuốn hút. Thiên Chúa mặc khải chính Ngài như một mầu nhiệm “uy nghi và
hấp dẫn”, “uy nghi vì sự vĩ đại của Ngài”, “hấp dẫn vì lòng nhân hậu của Ngài”.
Khi ánh sáng của Thiên Chúa lần đầu tiên chiếu vào ngài, Thánh Augustinô thú nhận:
“Tôi run rẩy vì tình yêu và nỗi sợ” và thậm chí cả những tiếp xúc sau đó với
Chúa cũng khiến ngài “vừa run rẩy vừa rực cháy”.
Có lẽ Hàn Mạc Tử vừa bị cuốn hút trước sự uy nghi và vĩ đại của Thiên
Chúa, ‘Cả trời say’, vừa ngỡ ngàng trước lòng nhân hậu của Ngài, ‘nhuộm một màu
Trăng’. Thi nhân không thể nói nên lời trước những mầu nhiệm cả thể mà Thiên
Chúa tỏ mình cho ông. Một phúc hạnh quá lớn lao, vượt trên cả những điều ông mơ
ước hay nghĩ tưởng đến, ‘Và cả lòng tôi chẳng nói rằng’, và ‘Không một tiếng gì
nghe động chạm’.
Phải chăng với những câu thơ này, Hàn Mạc Tử đang trải nghiệm một tiến
trình tâm linh đi từ sự ngây ngất ‘Cả trời say’, đến thinh lặng ‘chẳng
nói rằng’, rồi đi vào cô tịch ‘Không nghe động chạm’. Tiến
trình tâm linh này như đưa linh hồn thi nhân vào một giấc ngủ thánh thiêng. Một
giấc ngủ siêu nhiên mà sự tác động của thế giới tự nhiên bên ngoài không còn ý
nghĩa, bởi vì, ‘Không một tiếng gì nghe động chạm’.
Tác giả Bình Nhật Nguyên đã tinh tế và khéo léo mượn hình ảnh lòng mẹ,
là nơi nuôi sống và bảo vệ sự sống của người con, để giúp cộng đoàn thấu hiểu
và cảm nhận được phần nào trải nghiệm tâm linh của Hàn Mạc Tử; trải nghiệm về sự
cô tịch kết hiệp khi linh hồn được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, được ở
trong cung lòng Thiên Chúa.
Thật vậy, các tứ thơ của Hàn Mạc Tử đã diễn tả trải nghiệm về sự cô tịch
kết hiệp khi linh hồn được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, được ở trong cung
lòng Thiên Chúa, được kín múc dòng sữa linh thiêng và Sự Sống Thần Linh trác
tuyệt. Sự kết hiệp thánh thiêng này vượt lên trên những cảm xúc thể lý, đến nỗi
các giác quan không còn nhận thức được những sự kiện bên ngoài, ‘Không một
tiếng gì nghe động chạm’, và dù cho vật đổi sao dời cũng không làm cho linh
hồn xao lãng trong sự kết hiệp thân mật với Tình Yêu Tuyệt Mỹ, với Sự Sống Thần
Linh của Thiên Chúa. Và hơn cả lòng mẹ, tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa mới
thực sự là thuẫn đỡ khiên che, bảo vệ linh hồn thoát khỏi những nguy biến để
linh hồn luôn say giấc bình yên, ‘Dẫu là tiếng vỡ của sao băng’.
Tác giả Bình Nhật Nguyên lại dẫn cộng đoàn vào huyền nhiệm Kitô giáo bằng
việc minh họa khổ thơ thứ 4 của Hàn Mạc Tử qua Thánh Lễ.
Quả thật, không có điều gì có thể ‘choàng’ nổi những nhịp rung tâm linh
mà linh hồn các tín hữu được diễm phúc, kết hiệp nên một với Đấng Tình Yêu
trong tận đáy linh hồn mình, khi ‘chạm’ đến Thánh Thể.
Sự ‘rúng động’ toàn châu thân trước nguồn hoan lạc thần linh này, làm ‘Cả
trời say nhuộm một màu trăng’, khiến nó vượt xa mọi nguồn hạnh phúc, xa vời với
một khoảng cách không lường được, đến nỗi không thể tìm được một hình ảnh
nào để so sánh; vì thế ‘cả lòng tôi chẳng nói rằng’, và linh hồn giờ đây triền
miên trong cô tịch, quên lãng cả thế giới, và tất cả là thinh lặng ‘Không một
tiếng gì nghe động chạm/ Dẫu là tiếng vỡ của sao băng…’
Để kết thúc phần trình bày, tác giả Bình Nhật Nguyên đã gửi đến cộng
đoàn lời khuyên của Đức Giêsu cùng với lời thơ của Hàn Mạc Tử, và mong mỗi người
đừng bao giờ mệt mỏi trong việc tìm kiếm Thiên Chúa:
“Các con hãy lui vào nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!” (Mc 6,31). Đức Giêsu biết chúng ta đang mệt
mỏi, lo lắng, tính toán với bao dự định sắp tới. Nào ai dám quả quyết, mọi sự sẽ
xuôi may và an bình trong những ngày tháng tới. Vì thế hãy vào ‘một nơi hoang vắng’,
‘Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều’; ở đó, lòng kề lòng, Ngài sẽ thầm thì với
chúng ta; nói cho chúng ta về tình yêu và kế hoạch của Ngài dành cho từng người,
‘Để nghe dưới đáy nước hồ reo’.
Hãy dừng lại một chút cho lòng mình lắng xuống mỗi khi bắt đầu công việc,
‘Để nghe tơ liễu run trong gió’; dành cho Chúa một chút thời gian khi vừa bắt đầu
một ngày sống; hỏi ý Chúa một chút trước khi quyết định một điều gì, ‘Như đón từ
xa một ý thơ’... Tóm lại, hãy dành cho Chúa một chỗ trong đời sống. ‘Một nơi
hoang vắng’ là điểm hẹn tuyệt vời chúng ta cần và Thiên Chúa cũng ưa thích, ‘để
xem Trời giải nghĩa yêu’.
Trong tâm tình cảm mến và tri ân, người viết cũng muốn hiệp cùng tác giả
Bình Nhật Nguyên trong lời cầu nguyện:
Ôi lạy Thiên Chúa Tình Yêu, Người muốn con đừng bận tâm với những cảm
xúc phàm trần, nhưng hãy say trong Thần Khúc của Người. Thần Khúc đó giúp con
chiêm ngưỡng được Vẻ Đẹp của Người, cảm nếm được Tình Yêu của Người. Vẻ Đẹp và
Tình Yêu đang âm thầm biến đổi con trở nên giống Người, mà không gì có thể ngăn
cản được, ‘Dẫu là tiếng vỡ của sao băng’. Amen
Nối tiếp chương trình, Linh Mục Phêrô Khắc Đỗ đã trình bày đề tài: “Lời
Với Chúa - Lời Thơ Như Lời Kinh Trong Đời Sống Tâm Linh”.
Đây là một đề tài rộng nên tác giả giới hạn đời sống tâm linh ở chiều
kích cảm nghiệm về cõi thần linh siêu việt, nhờ đó giúp con người tiến bước
trên con đường trọn lành với mục đích tối hậu là được kết hiệp mật thiết với
Thiên Chúa Ba Ngôi. Tác giả đã dành rất nhiều thời gian tâm huyết để tham khảo
và trích dẫn những lời thơ của các Thánh, cũng như của các nhà thơ Công giáo để
giới thiệu đến cộng đoàn 94 bài thơ; trong đó phần ‘Đích điểm của đời sống tâm
linh’ với 26 bài, và phần ‘Thi ca góp phần biểu đạt kinh nghiệm tâm linh’ 68
bài.
Trước hết, tác giả mời cộng đoàn tìm hiểu Tổng Quan về Đời Sống
Tâm Linh như là “mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa”. Mối
tương quan này đạt tới cao điểm khi con người tiến tới việc kết hiệp với Thiên
Chúa, hiệp thông với Chúa. Việc kết hiệp với Chúa có thể đạt được bằng nhiều
cách: hiểu biết Chúa, kết hợp tâm tình, sự thần hóa, việc Thiên Chúa ngự trong
linh hồn, nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô…
Sau đó, tác giả trình bày các phương thế trong đời sống tâm linh.
Việc kết hiệp với Chúa:
- Biết Chúa: bao hàm sự nhận biết và yêu mến Chúa, như
chóp đỉnh của hành trình tâm linh.
“Con yêu Chúa, chỉ vì con yêu Chúa
Không phải vì vui, vì dễ, vì gần
Con yêu Chúa bằng tâm hồn bé nhỏ
Như ánh mặt trời tỏa nắng trên sông.”
(Con yêu Chúa, Đa Minh Thiên Sa)
- Kết hợp tâm tình: Sự kết hôn huyền nhiệm giữa linh hồn với
Thiên Chúa (ngôn sứ Hôsê; Ep 5,21-30; thánh Gioan Thánh Giá, thánh Têrêsa
Avila...), sự kết hiệp ý chí, nghĩa là hòa hợp ý mình với ý Chúa, tuân hành ý
Chúa trong mọi sự.
“Ôi đêm! Ngươi đã hướng dẫn ta!
Ôi đêm! Đáng yêu hơn rạng đông!
Ôi đêm! Ngươi đã phối hợp
Đức Tình Quân với Tình Nương
Một Tình Nương đã được biến đổi nên Tình Quân!”
(Đêm dày, Thánh Gioan Thánh Giá)
- Thần hóa: giúp con người được thông phần bản tính Thiên Chúa, trở thành con Thiên Chúa, đón nhận ánh sáng đức tin để mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn.
“Lạy Chúa,
Con không gọi tên Ngài, vì Ngài chẳng có tên
Nhưng con tin Ngài, vì Ngài là tất cả
Ngài hiện hữu trong mọi ánh trăng đêm
Và nói năng trong mỗi hòn sỏi đá...
...Ngài ở trong con với từng nhịp tim hơi thở
Xin cho con tan biến trong Ngài luôn
Để hưởng Ngài trong vinh quang vạn thuở”
(Vì Ngài là tất cả, Xuân Ly Băng)
- Thiên Chúa ngự trong linh hồn: diễn tả việc linh hồn
cảm nghiệm được sự hiện diện thân tình của Thiên Chúa, nhờ đó cảm nghiệm được mầu
nhiệm hiệp thông nội tại nơi cung lòng Ba Ngôi, nghĩa là cuộc đối thoại thân
tình giữa Ba Ngôi Chí Thánh. Một khi linh hồn đã cảm nghiệm được sự hiện diện
tuyệt đối của Thiên Chúa, tự khắc tiếng lòng sẽ reo vui hớn hở vì mối dây thần
linh thân tình ấy.
“À ơi tim vói Vô Biên
Nghe hồn thánh thót vọng Miền Tuyết Trinh
Ơi à tim ứa muôn kinh!
Hồn đong Sự Thật hái Tình mọng nguyên”
(Điệu ru nguyện cầu, An Thiện Minh)
- Nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô: Sự biến đổi này làm
cho con người thông phần vào tương quan phụ tử thần linh giữa Chúa Cha và Chúa
Con, để họ trở nên “những người con trong Người Con” (Rm 8, 14-17).
“Giêsu tình ái của con ôi!
Con muốn yêu hơn hết mọi người
Tim Chúa, tim con nên một khối
Yêu đi, yêu mãi, chỉ yêu thôi”
(Tình tôi, Vũ Đình Trác)
Việc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô được đẩy lên đỉnh điểm khi
được Ngài chiếm hữu trọn vẹn, và linh hồn chẳng còn khao khát điều chi ngoài
Ngài.
“Con có Trái tim Người với Thánh Nhan
Ánh mắt Người dịu hiền khiến con bị thương tích
Con hôn lên đôi môi thần thánh của Người
Con yêu Người và chẳng muốn gì hơn
Ôi Giêsu!”
(Khúc ca của Céline, Têrêsa Hài Đồng Giêsu)
Các phương thế trong đời sống tâm linh:
Nhằm giúp tăng trưởng đời sống tâm linh, tác giả đã đưa ra các phương thế:
cầu nguyện, thực tập nhân đức và khổ chế:
- Cầu nguyện: cầu nguyện đích thực chính là kết hiệp với
Thiên Chúa bằng trót cả tâm tình ý chí, như là “cảm nghiệm thân mật với
Thiên Chúa”, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, không chỉ
như phương tiện mà còn cấu thành bản chất của đời sống tâm linh.
“Hồn ơi, em cứ lặng thinh
Mà nghe Chúa khẽ tỏ tình yêu em”
(Sính lễ, Trăng Thập Tự)
Cầu nguyện còn là phương thế hữu hiệu giúp chống trả cám dỗ.
“Nếu đời ta không còn cầu nguyện
Sẽ khác nào thuyền gác mái trên sông
Tự cuốn theo sóng nước xuôi dòng
Đâu cần phải quỷ ma nào cám dỗ”
(Cầu nguyện, Đình Chẩn)
- Thực hành nhân đức và khổ chế: chính ngọn Lửa Mến sẽ
giúp thanh tẩy tâm hồn đang rộng mở cho ơn thánh, nhờ đó có thể vượt qua mọi trở
ngại thiêng liêng để trở nên con người mới:
“Hãy mở cửa lòng ta
Để Chúa vào ở với
Cả một trời hương hoa
Cả một mùa xuân mới
Chúa sẽ thanh luyện em
Chết đi con người cũ
Một người mới lớn lên
Trong hào quang rực rỡ”
(Trong cô tịch, Xuân Ly Băng)
Các giai đoạn của tiến trình đời sống tâm linh
Tiếp đến, tác giả trình bày và trích dẫn thi ca để cộng đoàn hiểu các
giai đoạn trong tiến trình của đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh là một sự sống
và do đó phải mang đặc tính lớn lên, đi tới. Sự tiến triển này không chỉ tùy
thuộc vào cố gắng của con người, nhưng còn nhờ ơn thánh Chúa. Nói cách khác,
hành trình tâm linh là kết quả của việc hợp tác của con người với ơn
thánh.
“Biết truy tầm, biết yêu thiện mỹ
Khiến con người bền bỉ tiến luôn
Tiến lên cho tới ngọn nguồn
Càn khôn vũ trụ, và muôn ước nguyền
Con người là giống thần tiên
Buồn trong sa đọa, muốn lên vĩnh hằng”
(Sáng tạo, Hoàng Diệp)
Quả vậy, bởi con người luôn ấp ủ trong lòng khát vọng hướng tới Vô Biên,
nên hành trình tâm linh là kết quả của việc hợp tác của con người với ơn thánh.
“Dắt con theo Chúa đi nào
Đèo cao dốc hẹp lối vào tương lai
Hạt sương hòa với nắng mai
Nhắc con có Chúa một hai cũng liều
Lá run nhẹ giữa lòng chiều
Gọi con ở với tình yêu đời đời”
(Ở lại, Trăng Thập Tự)
Dựa theo truyền thống từ tác giả Điônysiô Areopagita (tk V), thần học
Kitô giáo quen chia hành trình tâm linh thành ba chặng: thanh luyện (via
purificativa), chiếu sáng (illuminativa) và kết hiệp (unitiva).
Với mục tiêu kết hiệp với Thiên Chúa, ba chặng này diễn tả tiến trình từ chỗ
thanh luyện những sự bất toàn, tiến qua việc chiếu sáng nhờ đức tin, và đạt đến
tột đỉnh là sự chiêm ngắm Thiên Chúa. Hai giai đoạn đầu được đặt tên là “tu đức”
(ascetica), trong đó con người nắm vai trò chủ động; giai đoạn thứ ba được
đặt tên là “thần bí” (mystica), trong đó con người phó mặc cho Thánh Thần
dẫn dắt.
- Giai đoạn thanh luyện:
Linh hồn không còn cảm thấy những an ủi khả giác khi cầu nguyện hay “đêm
tối tinh thần” là cuộc thanh luyện đau đớn hoặc từ ngoại giới (thất bại, sỉ nhục,
vu khống, bệnh tật) hoặc từ nội giới (các cám dỗ về ba nhân đức tin-cậy-mến).
(Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nếm thử cực hình đó trong 18 tháng cuối đời.)
“Người ẩn nơi nao, hỡi Người Yêu Dấu?
Mà bỏ em rên rỉ!
Như một con nai, Người trốn biệt,
Mặc cho em bị thương,
Em chạy ra, gọi với theo Người, thì Người đã đi”
(Khúc Linh Ca, đoản khúc 1, thánh Gioan Thánh Giá)
- Giai đoạn chiếu sáng: tập trung vào việc bắt chước Chúa
Giêsu là Ánh Sáng thế gian qua việc thực tập các nhân đức.
“Vọng lên âm hưởng của tâm linh
Thơ nhịp sắc hương cõi hữu hình
Mầu nhiệm đức tin lần chuỗi hạt
Hiến dâng Thiên Chúa điệu giao tình”
(Thơ hiến dâng, Võ Long Tê)
- Giai đoạn kết hiệp: được coi là tột đỉnh của đường trọn
lành. Ở chặng này, linh hồn đã quen sống kết hiệp với Thiên Chúa, Lòng mến Chúa
mang lại cho họ ánh sáng và an vui, dưới tác động ân sủng của Thánh Thần.
“Con đắm chìm trong Vực Thẳm Yêu
Hiến mình làm lễ vật toàn thiêu
Cháy bừng Lửa Mến cho điên dại
Hồn xác say mê chết cũng liều!”
(Khúc ca Phượng Hoàng, Khắc Đỗ)
Hiện nay, dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, nhiều tác giả đề nghị
bổ sung thêm chiều kích tông đồ (truyền giáo) trên con đường tiến tới sự trọn
lành; nghĩa là muốn san sẻ tình yêu của Chúa cho mọi người, muốn phục vụ mọi
người vì lòng mến Chúa, và muốn cho Thiên Chúa được mọi người yêu mến. Lòng mến
Chúa nồng nàn sẽ trào tràn ra việc yêu thương phục vụ tha nhân, bởi lẽ đời sống
theo Thần Khí sẽ đưa con người dấn thân vào mối tương giao với anh chị em mình.
“Tôi tìm tôi giữa chợ đời
Thấy mình phiêu bạt, chơi vơi lạc loài
Cố vươn xa cõi trần ai
Đi tìm Thượng Đế - bóng Ngài cao xa
Nửa đời tìm kiếm bôn ba
Tôi quay về lại mái nhà nhân gian
Tôi tìm bè bạn, tha nhân
Tôi vui mừng gặp một lần cả ba”
(Tôi tìm, Nghinh Nguyên)
Như vậy, hiệp thông cũng là căn tính của đời sống tâm linh. Có thể nói đời
sống tâm linh tồn tại, sinh động và đạt đích điểm khi nối kết với Thiên Chúa là
nguồn sống thần linh, và do đó cũng sống trong mối hiệp thông với tha nhân. Đời
sống tâm linh không dừng lại ở cá nhân “người đắc đạo” nhưng mở ra theo hướng
hiệp thông.
“Chúa ơi triệu bến cô liêu
Đã làm trái đất quá nhiều khổ đau
Sống đời là để thương nhau
Bởi tình yêu Chúa ngàn sau vĩnh hằng”
(Giao khúc tình yêu, Trần Vạn Giã)
Cái hay của Lm Khắc Đỗ là dẫn dắt cộng đoàn từ những khái niệm tâm linh
đến các phương thế trong đời sống tâm linh, rồi tới các giai đoạn của tiến
trình đời sống tâm linh. Mỗi vấn đề đưa ra đều có dẫn giải và minh họa bằng những
tứ thơ hay và sâu lắng, khiến những khái niệm trừu tượng, những tiến trình tâm
linh như khô khan bỗng mát dịu với gió, hương và nhạc. Một đề tài rộng và lớn
nhưng được tác giả tóm lược, đúc kết bằng những mô thức rất cô đọng và dễ hiểu,
cùng với cách diễn đạt lưu loát, sinh động giúp cộng đoàn như bắt được dòng chảy
tâm linh đang tràn ra theo từng tứ thơ minh giải bay bổng. Điều này đã gây ấn
tượng rất mạnh cho cộng đoàn, biểu hiện qua những tràng pháo tay thật vang dội.
Tiếp đến, Lm Khắc Đỗ trình bày và đi sâu vào chiều kích ứng dụng của thi
ca trong việc biểu đạt kinh nghiệm tâm linh.
Thi ca góp phần biểu đạt kinh nghiệm tâm linh
Nếu từng lời thơ ra đời được ví như “Lời Với Chúa”, thì mỗi tiếng lòng
thi ca quả đã góp phần ấn tượng trong việc biểu đạt kinh nghiệm tâm linh. Đó
không đơn thuần là lời thơ của cảm xúc, kỹ thuật, ngôn ngữ, thi pháp, mà còn là
lời kinh tâm tình được gạn đục khơi trong trên tiến trình kết hiệp với Thiên
Chúa.
Tác giả dẫn chứng những lời thơ có thể góp phần và đã góp phần ra sao
trong việc biểu đạt kinh nghiệm thiêng liêng vừa phong phú vừa sâu sắc, dựa
trên ba chặng truyền thống thanh luyện - chiếu sáng - kết hiệp của hành trình đời
sống tâm linh vừa trình bày phần trên.
Lời trên đường thanh luyện
- Nỗi khắc khoải hiện sinh: Câu nói bất hủ của Thánh
Augustinô “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn
chúng con còn khắc khoải khôn nguôi cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa”. Tư
tưởng này đã gợi cảm hứng cho nhiều thi sĩ Công giáo suy tư về thân phận con
người mỏng giòn hữu hạn đặt trong tương quan với thần linh và với chính
nó.
“Phải hồn con khai sinh từ vĩnh cửu?
Xác mong manh mà ngưỡng vọng Vô biên
Thân cát bùn mà mang nét siêu linh
Nên nhớ mãi một quê hương bất tử.”
(Ngưỡng vọng vô biên, Mai Thành)
Lời thơ của những vui buồn sướng khổ hay thăng trầm của kiếp người dường như
chỉ có thể lắng vơi khi trở thành “Lời Với Chúa”:
“Khi đau khổ con nhìn lên Thánh Giá
Khi buồn phiền con tìm đến nguồn thơ
Khi đau thương con lại đến nhà thờ
Nhìn lên Chúa thấy vơi dần cay đắng”
(Khi đau khổ nhìn lên, Vũ Huyền Dư)
Trong bối cảnh này, tưởng cũng cần nói đến một mảng thơ đặc sắc, đó là
những lời mô tả về một cuộc chiến giữa “hai nửa hồn”. Thơ ở đây đã trở thành tiếng
thầm thĩ cầu nguyện, là tiếng độc thoại với nội tâm mà chính tác giả đã trò
chuyện thân thương với Chúa.
“Ôi lạy Chúa, cuộc đời ngàn dâu bể
Con quỳ đây trong tiếng khóc linh hồn
Tim xuyến xao một lòng mến sắt son
Đêm thanh tĩnh, tiếng nội tâm khắc khoải
Bao mâu thuẫn, bao đảng bè, trường phái
Dấy trong con, tranh giành mỗi phút giây
Lúc vội vàng, mê mải, lúc ngất ngây
Khi thanh thản, vô tư, khi mạnh mẽ...”
(Hai nửa, Khắc Đỗ)
Lời thơ ở đây đã được tận dụng triệt để nhằm “thay lời muốn nói” khi cầu
nguyện, từ đó tâm tư của mỗi người được bộc lộ ngang qua bức chân dung tinh thần
đó:
“Lòng ơi lòng, sao ta dám tin em
Khi em đã biết giả vờ thánh thiện
Lòng ta ơi, thôi đi, đừng ngụy biện
Mãi tìm mình, sao gặp được Trời Cao?”
(Sau phút tìm mình, Trăng Thập Tự)
Đó còn là kinh nghiệm của nỗi day dứt giằng xé nội tâm sau mỗi lần sa
ngã:
“Chúa biết con mỗi lần vấp ngã
Là y như hồn vắng tư bề
Những vòng gai, lưỡi đòng, năm dấu
Nửa cõi thiên đàng, nửa bến mê”
(Gửi cây nến phục sinh, Lê Đình Bảng)
Và rồi cuộc tranh đấu thiêng liêng đó chỉ kết thúc nhờ được ân sủng Chúa
thanh tẩy và kết hợp.
“Một nửa đi hoang, một nửa Người
Hai nửa viên thành để là tôi
Nửa tôi không thể hư hoang nữa
Vì có nửa Người thánh hiến tôi”
(Hai nửa viên thành để là tôi, Cao Danh Viện)
Khát vọng tìm gặp một Thiên Chúa Vô Biên cũng đồng thời đòi hỏi con người
phải biết nhận ra Ngài ngay trong cái hữu hạn của cõi hiện sinh này.
“Con là cánh hạc mỏng trong sương
Trời đất mênh mang lẽ dặm trường
Khắc khoải hồn con tìm ý Chúa
Phận người lưu lạc chốn tha hương”
(Cánh hạc trong sương, Vũ Thủy)
- Khi bước đi trong đêm tối đức tin: linh hồn cảm thấy
chới với, lạc lõng…nhiều vị thánh ghi nhận lại, đó là những cơn thử thách lớn
lao trong tâm hồn, và chính tác giả cũng đã qua trải nghiệm thiết thực
đó:
“Lạy Chúa nhiều khi con kiệt sức
Chan hòa huyết lệ, vã mồ hôi
Lâu đài đêm tối đang thôi thúc
Nhắm mắt xuôi chân giữa cảnh đời”
(Nỗi niềm, Khắc Đỗ)
Quả thật, Thiên Chúa vẫn muôn đời bí mật. Thế nên linh hồn không tránh
khỏi những thổn thức khi đứng trước nỗi cô tịch tối đen trong cung thánh của
lòng người:
“Rừng âm u quán trọ con một mình
Con thắc mắc nhưng không lời đáp trả
Chúa như chết, chết thật trên thập giá
Chiều âm thầm trĩu nặng một niềm thương”
(Chiều bên quán trọ, Nguyễn Tầm Thường)
Lạ lùng thay, “mầu nhiệm đức tin” luôn giúp linh hồn nhận thấy được chút
Ánh Sáng le lói cuối đường hầm trong đêm tối. Niềm khao khát vươn chạm tới Vô
Biên dường như không hề bị dập tắt bởi những cơn thử thách trên đường thanh luyện.
Có nhiều lời thơ đã góp phần biểu đạt kinh nghiệm tâm linh này hết sức xúc động:
“Con yếu đuối nhưng sao Ngài hy vọng
Luôn tin con hơn là chính con tin
Thiên Chúa ơi đừng ép, cho con xin
Con lắm tội, chỉ bôi nhơ danh Chúa”
(Con luôn bất xứng, Đoàn Xuân Dũng)
Lời khi được chiếu sáng
Ở chặng này, lời thơ được diễn tả như lời mời gọi linh hồn “rũ bùn đứng
dậy sáng lòa” để cho nhân đức tỏa chiếu Nguồn Ánh Sáng Vĩnh Cửu là chính Chúa.
Khi đó, từng tiếng lòng thốt lên cũng chính là những lời ngợi khen, tôn vinh,
chúc tụng, cảm tạ quyền năng Chúa, và là lời tuyên tín hùng hồn nhất vào Đấng
đã “chiếu ngời ánh quang vinh” trên linh hồn.
“Đừng mê ngủ, đứng lên hồn ta hỡi
Dẫu thấy mình còn hôi hám bùn nhơ
Vì hào quang chói lọi của Kim Ô
Làm tiêu tán hết những gì nguy hại”
(Thánh Thi Kinh Sáng mùa Vọng, Hoàng Kim)
- Lời tuyên xưng đức tin:
Có thể nói thơ ca chính là lời sống động của bản trường ca vĩ đại được
xướng ngâm lên bởi Nguồn Thơ Tuyệt Đối Vĩnh Hằng là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba
Ngôi, Đấng luôn hiện diện nơi vũ trụ vạn vật và nơi cung thánh lòng người. Do
đó, thơ ca đích thực nhất thiết phải dẫn đưa con người đến với Đức Tin, qua đó
đến gần Thiên Chúa hơn. Đó là sứ mạng cao cả của nghệ thuật thơ ca nói chung và
đặc biệt của thơ ca nhà Đạo.
“Tôi tin, chỉ có thế thôi
Trao tay cho Chúa, mặc Người dẫn đi
Đi đâu tôi chẳng biết gì
Như mây theo gió, như chì theo phao
Tin là chẳng hiểu làm sao
Cách nào cũng được, đường nào cũng xuôi
Miễn là Người nắm tay tôi...”
(Tin là, Xuân Ly Băng)
Và một khi hồn thơ của thi sĩ đã vươn chạm tới được Nguồn Thơ Siêu Việt,
thì bấy giờ lời thơ sẽ trở thành những lời kinh trong ngần tiến dâng Thượng Đế
để:
“Xin hát một lời kinh dâng Thượng Đế
Lời kinh riêng trong sâu thẳm tim người
Lời kinh riêng chân thật của đời
Mong ánh sáng cuối chân trời tuyệt vọng”
(Thưa Thượng Đế, Phanxicô)
- Lời kinh ngợi khen:
Khi dùng lời thơ để biểu đạt kinh nghiệm tâm linh, dường như Thơ cũng
bao gồm các tính chất của Kinh: Đọc Thơ, ngâm Thơ như đọc Kinh, thưa Kinh. Bởi
thế, Lời Thơ Kinh chính là ngôn ngữ của tán tụng, ngợi khen:
“Cao vời Đức Chúa toàn năng
Muôn khen vạn chúc con dâng ngợi Ngài
Vinh quang danh dự rạng ngời
Xin dâng Chúa Cả muôn đời hiển vinh”
(Bài ca Mặt Trời, thánh Phanxicô Assisi, Trăng Thập Tự dịch thơ)
Lời Thơ Kinh ngợi khen trước hết bắt nguồn từ chính mầu nhiệm hiện hữu từ
hư vô mà Thiên Chúa Tạo Hóa đã đoái thương trao ban cho con người thụ tạo và tiếp
tục vang vọng thành bài ca tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân vũ lộ Ngài tuôn đổ cho hồn
người.
“Đội ơn lòng Chúa bao dung
Đã gọi tôi giữa muôn trùng hư vô
Cầm bằng là chuyện trong mơ
Thật tình, tôi chẳng bao giờ hiểu ra
Bởi từ bụi cát sương sa
Bỗng dưng tôi được làm hoa làm người
Trầm mình trong giếng sâu khơi
Của kho nguồn đạo Chúa Trời riêng ban”
(Chúa ở trong tôi, Lê Đình Bảng)
Đặc biệt, trong sâu thẳm của Thơ Kinh, linh hồn còn được diễm phúc gặp gỡ
chính Đấng là nguồn mạch và đối tượng của lời ngợi khen ấy, nhờ đó mạnh dạn bộc
lộ niềm đoan hứa tin yêu của mình:
“Tôi đến đây tìm Người trong tĩnh mạc
Và gặp Người trong Giáo Hội hoan ca
Khuya sáng trưa chiều, như tằm mải nhả tơ
Dệt dòng khẩn nguyện, tán dương không ngơi nghỉ”
(Tôi đến đây tìm Người, Mai Thành)
Lời vươn đến hiệp nhiệm
- Gặp gỡ và trò chuyện với Chúa:
Giáo phụ Giovanni Cassiano đã nói: ”Tột đỉnh của đường trọn lành
là biến tất cả đời sống với mọi nhịp đập của con tim chúng ta trở thành lời cầu
duy nhất không ngưng nghỉ.” Quả vậy, trên hành trình kết hiệp nên một
với Chúa, lời thơ cũng chính là “Lời Với Chúa”, gặp gỡ và trò chuyện với Chúa tức
là lời cầu nguyện liên lỉ. Ở đây dường như không còn phân biệt đâu là lời thơ,
đâu là lời cầu nguyện nữa.
“Này, tôi đến và thân thưa cùng Chúa
Này, muôn kinh cầu nguyện của lời thơ...
... Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện
Hồn reo vui trong từng chữ, từng lời”
(Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện, Lê Đình Bảng)
Thậm chí đời sống tâm linh của mỗi người đôi khi còn phải tự làm “rỗng”
chính mình, để tạo chỗ trống cần thiết cho ơn thánh lấp đầy:
“Đời tôi căn phòng rỗng
Bồi hồi những khát khao
Xin Người như gió lộng
Cứ hồn nhiên ùa vào
Khung đời tôi đã trống
Chờ Người về qua đây
Con tim tôi đã rỗng
Đợi Người thương đổ đầy”
(Rỗng, Cao Gia An)
Ở trải nghiệm Nhiệm hiệp, những “đêm tối của thinh lặng” (có thể khởi đi
từ đêm tối của thời gian vật lý) thực sự cần thiết để giúp linh hồn có thể lắng
nghe tiếng Chúa.
“Con biết nói gì với Chúa đây
Thế nhân bao hệ lụy giăng đầy
Cho con lặng lẽ về bên Chúa
Giữa niềm cô tịch của hôm nay”
(Bên đời thinh lặng, Song Lam)
Hồn thơ hạnh phúc là bởi được Chúa ở kề bên, dắt dìu từng bước tình yêu.
“Tôi xin Người nắm tay tôi
Lối nào Chúa dẫn lên đồi ước mơ?
Thương tôi bé bỏng ngây thơ
Người dìu lối tắt, ai ngờ: tình yêu!”
(Đường nhỏ, Đỗ Thảo Anh)
- Kinh nghiệm thần bí
Nói tới kinh nghiệm thần bí trong tiến trình Nhiệm hiệp, có thể
nói (lời) thơ chính là một trong những con đường tuyệt vời tuyệt vời nhất để
giúp người ta cảm nghiệm Thiên Chúa. Đạo cũng thật sự là Thơ, vì chính Thiên
Chúa Vô Biên Tuyệt Đối đã đến với nhân thế bằng con đường của Thơ, của hình ảnh,
của tượng trưng.
Những hình ảnh tượng trưng như thế trong ngôn ngữ thơ Đạo nói chung dường
như nằm ở tầng sâu nhất của trải nghiệm tâm linh. Ở đó, linh hồn không chỉ khắc
khoải khôn nguôi khi ngưỡng vọng Vô Biên, mà còn thổn thức đến mê sảng trong việc
xác định căn tính của mình khi đặt trong tương quan với thế giới thần thiêng.
“Hồn là ai? Là ai? Tôi chẳng biết
Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng”
(Hồn là ai, Hàn Mạc Tử)
Kinh nghiệm thần bí này cũng đòi hỏi sự cộng tác của con người: linh hồn
phải chấp nhận cởi bỏ con người cũ của tội lỗi để biết mặc lấy nguồn sống mới
là chính Chúa như đích điểm của hành trình tâm linh.
“Đừng để sự gì làm bạn lo lắng
Đừng để điều chi làm bạn hoảng sợ
Tất cả mọi sự kìa đang qua đi
Thiên Chúa vẫn không bao giờ thay đổi
Kiên trì giúp ta đạt được tất cả
Có Thiên Chúa, ta chẳng thiếu thốn gì
Chỉ mình Người lấp đầy tâm hồn ta”
(Thánh nữ Têrêsa Avila)
Với kinh nghiệm thần bí, ta thấy thơ thực sự đã góp phần cực kỳ hữu hiệu trong việc biểu đạt và trải nghiệm đời sống tâm linh, nhất là khi linh hồn đã tiến tới mức độ đi sâu vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa, được ơn kết hiệp nên một và được thông chia sự sống thần linh của Thiên Chúa.
“Cho con gối đầu vào ngực Chúa
Ngon giấc nồng say, giấc nồng say
Ấm áp đời con trong cánh tay
Rót bên tai lời tình khe khẽ
Hát nữa đi, đừng thôi! Chúa nhé!
Cho con ngon giấc tới bình minh
Đêm rất xinh, ngày sẽ rất xinh
Con hạnh phúc, đời luôn có Chúa”
(Cho con gối đầu vào ngực Chúa, Cao Huy Hoàng)
Sau cùng, trong giây phút linh hồn dường như đã “chết lặng” khi đón nhận
“cái chạm nhẹ” của Thiên Chúa, đang ngất ngây vì được Đấng Vô Biên yêu thương
quá đỗi, nhiều khi ngôn ngữ thơ cũng trở nên bất lực trong việc diễn tả niềm hạnh
phúc ấy.
“Tôi định viết nốt bài thơ bỏ dở
Nhưng không thành, lại dang dở đôi câu
Vì tình yêu thăm thẳm tựa biển sâu
Niềm cảm xúc trào lên như sóng vỗ
Xuống một hơi... sợ tâm hồn tan vỡ
Vì tình yêu, đôi lúc chỉ nhìn nhau
Là không nói, là lặng ngồi... suy nghĩ
Là vui cười, là khóc lóc khổ đau
Là tất cả, lại không là tất cả
Ôi Tình yêu, ôi huyền nhiệm Tình yêu
Tôi dành để... một bài thơ bỏ dở”
(Bài thơ bỏ dở, Bạch Lạp)
Tác Giả Lm Khắc Đỗ đã kết thúc phần trình bày bằng tâm tình gửi qua bài
thơ, cùng với lời mời gọi người tín hữu trong thế giới tục hóa hôm nay, biết đi
sâu vào huyền nhiệm Thiên Chúa, nhất là qua con đường thơ Đạo, để dù sống ở trần
gian mà cõi lòng vươn chạm tới Trời cao, vì biết rằng linh hồn luôn được chính
Đấng Vô Biên hiện diện và yêu thương, ngay trong những nhọc nhằn của phận người.
“Từng giây phút đời con là phép lạ
Chút hồn thơ hằng vươn hướng lên cao
Mà hồng ân mưa móc cứ dạt dào
Tay bé mọn hứng tham lam, chẳng đủ!
Và lời này rằng:
Xin chắp cho con cánh Phượng Hoàng
Thỏa niềm ước vọng hướng Tôn Nhan
Bay về Tổ Ấm Thần Linh mãi
Thiếp ngủ an bình giữa Ánh Quang
Con hằng khao khát Phượng Hoàng ơi!
Bay tới Tình Yêu tự Mặt Trời
Lửa Mến cho con thành tất cả
Bến Mơ viên mãn đến muôn đời”
Người viết cũng mong rằng nỗi thao thức này sẽ là động lực để mỗi người
chúng ta ngày thêm thăng tiến trên hành trình đời sống tâm linh, sao cho hồn
thơ không ngớt ngân vang “Lời Với Chúa”.
Sau khi giải lao với việc trao đổi về thì ca trong tình thân hữu, cộng
đoàn tiếp tục chương trình với phần thảo luận thật sinh động, với từng câu hỏi
được chuyển tay đến các tác giả.
Tác giả Bình Nhật Nguyên đã trả lời những câu hỏi như sau:
- Làm cách nào để biết đó là một trải nghiệm tâm linh? Để trả lời cho
câu hỏi này xin đưa ra một vấn nạn đó là chúng ta sẽ không biết một trải nghiệm
tình yêu, nếu chúng ta không yêu và chúng ta sẽ không hiểu một tình yêu hôn
nhân Kitô giáo, nếu chúng ta chưa thật sự sống tình yêu đó theo gương Thầy Chí
Thánh.
Cũng thế, chúng ta sẽ biết đó là một trải nghiệm tâm linh khi chúng ta
thật sự khao khát và ao ước sống với, sống vì và sống trong Thiên Chúa, cụ thể
là với Chúa Kitô.
- Môi trường và điều kiện nào để (thuận tiện) cho các trải nghiệm tâm
linh bừng tỏa? Trải nghiệm tâm linh không phải là một giây phút nào đó mà là cả
đời sống của mình kết hợp với Thiên Chúa. Tất cả mọi lao động của chúng ta
trong ngày, đều là môi trường để trải nghiệm đời sống tâm linh. Như châm ngôn của
Dòng Xitô - Ora et Labora (cầu nguyện và lao động). Mục đích: Giúp thánh hoá bản
thân theo gương gia đình Nazareth trong cầu nguyện và hy sinh, hầu góp phần vào
việc cứu rỗi các linh hồn.
- Trong môi trường sinh hoạt thường nhật: Người thầy
thuốc đang chăm sóc bệnh nhân là đang cầu nguyện và trải nghiệm tâm linh, vì tất
cả những phương thế chữa trị người bệnh đã được thực hiện nhưng việc được chữa
lành hoàn toàn là do Đấng Toàn Năng. Khi nhận thức điều này đối với từng bệnh
nhân, người thầy thuốc đang trải nghiệm tâm linh thật sâu lắng.
- Với Lê Đình Bảng, “Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện/ Hồn reo
vui trong từng chữ từng lời/ Trong đất mầu đương vỡ vạc sinh sôi/ Trong cây lá
vươn sức dài vai rộng.” Khi đặt bản thân và công việc trong sự hiện diện
của Thiên Chúa, tất cả bản thân và công việc được thánh hóa và khởi hứng sáng tạo
trong nhịp điệu của Chúa Thánh Thần và đó là giây phút kết hiệp đậm sâu với
Thiên Chúa.
- Trong môi trường Phụng vụ thánh: ngoài Thánh Lễ là đỉnh điểm
của phụng vụ Kitô giáo, chuỗi Mân côi cũng là một phương thế trải nghiệm đời sống
tâm linh. Hàn Mạc Tử đã dùng những tứ thơ tuyệt vời để biểu đạt các trải nghiệm
tâm linh khôn thấu của mình qua Thánh Lễ, rước lễ, yêu mến Thiên Chúa, Mẹ Maria
và Chuỗi Mân Côi.
“Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị/ Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một nạm hào quang/ Tôi no rồi ơn võ lộ hoà chan.
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ/ Ngọc Như Ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh/ Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh”
- Làm thế nào để một người không tôn giáo cảm nhận được một sức sống tâm
linh hiện hữu trong cuộc đời của họ? Một trong những phương thế có thể dùng đó
là thi ca, vì thi ca là một chất liệu nhẹ nhàng và hữu hiệu có thể để biểu đạt
phần nào những ẩn kín của tâm hồn và những khôn tả của nhịp tâm linh, do đặc
tính cô đọng, dùng ít từ, có nhịp điệu của âm nhạc và có độ mở rất rộng với các
hình ảnh tượng trưng đầy biểu cảm.
Khi hát bài “Biển Nhớ” của Trịnh Công Sơn, chúng ta đặt mình vào tâm trạng
của “Người Cha nhân từ” đợi chờ và gọi mãi tên người con trong vang vọng của
nghìn trùng nhớ thương và “Đứa con hoang đàng” trong ‘nhịp chân bơ vơ của
hồn liễu rũ lê thê’, tức khắc những ca từ đầy thơ và nhạc này như được thổi
một sức sống mới và bừng nhịp tâm linh mà chính tác giả nhiều khi chưa nhận thức
được hết.
Ngày mai em đi/ biển nhớ tên em gọi về
gọi hồn liễu rũ lê thê/ gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi/ đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
sỏi đá trông em từng giờ/ nghe buồn nhịp chân bơ vơ
Ngày mai em đi/ biển nhớ em quay về nguồn
gọi trùng dương gió ngập hồn/ bàn tay chắn gió mưa sang
Nếu người tín hữu dùng những tâm tình trên để khai triển điểm nhấn của một
bài ca hay bài thơ như bài “Biển Nhớ”, có lẽ người không tôn giáo có thể cảm nhận
được một sức sống tâm linh hiện hữu ngay trong cuộc đời của họ.
Khi dùng thi ca để biểu đạt tâm linh, chúng ta cứ biểu đạt một cách bình
thường với tâm tình chân thật của trái tim cháy bỏng với Thiên Chúa, rồi Chúa sẽ
ban cho họ ơn của Ngài theo ý Ngài muốn.
Tiếp đến là câu trả lời của tác giả Lm Khắc Đỗ:
- Để lời thơ thành lời cầu nguyện là khi cả hai tương tác hòa quyện vào
nhau. Giá trị thẩm mỹ của lời thơ phải có nhưng đừng bao giờ quá lệ thuộc vào
nó. Mức độ hoàn hảo của giá trị thẩm mỹ là khi không còn bận tâm đến ngôn từ,
luật lệ. Khi thi pháp đã ngấm vào máu thịt của mình, cùng với tâm tình cực kỳ
sâu sắc thì đích thực lời thơ chính là lời cầu nguyện.
- Làm công tác truyền giáo qua con đường thơ ca là việc tốt lành, rất cần,
rất nên và phải tận dụng vì vừa đảm bảo tính thẩm mỹ nghệ thuật, vừa biểu lộ đức
tin của mình. Đôi khi một vài bài thơ nổi tiếng xúc động có thể chạm vào tâm hồn
những anh chị em lương dân.
- Làm thế nào diễn đạt hấp dẫn và có sức gợi mở trong ngôn từ, thì tuỳ
khả năng Chúa ban cho mỗi người, chúng ta cứ làm theo cách của mình không cần
phải gò bó quá, điều quan trọng thơ ca nhà đạo là đảm bảo Đức tin mình trong
đó.
Kết thúc chương trình, An Thiện Minh đúc kết về hai bài tham luận của
Bình Nhật Nguyên và Lm. Khắc Đỗ như những cung điệu thanh thoát trong thinh lặng
và cô tịch, giúp cộng đoàn mở các “nút thắt” tâm linh và cảm hưởng một vài nét
biến tấu tâm linh của những nhịp lòng cá vị chạm đến Vô Biên. An Thiện Minh
cũng thay mặt cho ĐXTSG, cám ơn quý cha, quý tác giả, Học viện Mục vụ và cộng
đoàn đã hiệp hành với ĐXTSG, trong việc hiệp thông chia sẻ thi ca trong cảm
nghiệm tâm linh.
“Ngọn gió thần linh của Chúa Thánh Thần thật đáng khao khát biết bao!
Mỗi linh hồn hãy cầu xin Ngài thổi qua khu vườn mình
Để hương thơm thần linh của Thiên Chúa lan tỏa”.
Thánh Gioan Thánh Giá – (CaB 17,9)
Hình 1. Chào đón khách mời
Hình 2. Cha Vinh Sơn Nguyễn Hoàng Lê Nguyên khai mạc
Hình 3. Thầy Phêrô Đỗ Tiến Thành – MC Dẫn chương trình
Hình 4. Các tham dự viên
Hình 5. Các tham dự viên
Hình 6. Tác giả Giacôbê Bình Nhật Nguyên
Hình 7. Tác giả Lm. Phêrô Khắc Đỗ
Hình 8. Tham dự viên đặt câu hỏi thảo luận cho tác giả Bình Nhật Nguyên
Hình 9. Tham dự viên đặt câu hỏi thảo luận cho tác giả Lm. Khắc Đỗ
Hình 10. An Thiện Minh tổng kết và nói lời cảm ơn
Hình 11. Tặng hoa cho các tác giả
Hình 12. Cộng đoàn chụp hình lưu niệm
Nguồn: tgpsaigon.net (24.11.2023)