THẦY CSABA BÖJTE, DÒNG PHAN-XI-CÔ NÓI: “CHÚNG TA HÃY DÁM YÊU THƯƠNG NHAU”
WHĐ (09.9.2021) - Những
ai đã biết thầy Csaba hay đã trực tiếp nghe thầy diễn thuyết, thì đều biết rằng
thật khó để viết về thầy, đơn giản vì không thể dùng lời nói để diễn tả hết
tình yêu, sự điềm tĩnh, niềm vui, và tính khiêm nhường nơi thầy, cũng như những
gì thầy luôn luôn chiếu tỏa ra. Thế nhưng, bây giờ chúng ta cố gắng tóm lược lại
bài nói chuyện của thầy trong ngày thứ hai của Đại hội Thánh Thể tại Trung tâm
Hội nghị và Triển lãm Hungexpo, Thủ đô Budapest. Điều chắc chắn là: người ta sẽ
cảm nhận được sau bài diễn thuyết kéo dài một giờ đồng hồ “Mọi thứ thực sự là
quá đơn giản”. Vâng, nếu bạn làm theo giới răn độc nhất: giáo huấn về tình yêu.
Ảnh minh họa:
Thầy Csaba Böjte diễn thuyết tại Đại hội Thánh Thể, ngày 07.9.2021
Khi thầy bước vào hội trường lớn, một tràng pháo tay vang rền
hân hoan chào đón thầy. Thầy bắt đầu với vẻ khiêm tốn và nở nụ cười nói: “Người
ta không nên ca tụng ngày sống trước buổi tối. Điều gì xảy ra nếu anh chị em
không thích điều tôi nói ra đây? Anh chị em sẽ vỗ tay cách vô ích…”
Và thầy bắt đầu nói.
Cách đây 2000 năm, Chúa Giê-su đã để lại một giới luật: giới
luật yêu thương. Đây chính là sứ điệp chính trong bài nói chuyện của thầy. Thầy
Csaba nhấn đi nhấn lại và mở đầu bài nói chuyện, thầy khuyến khích mọi người
hãy dám yêu thương, dám bước đi trên con đường yêu thương.
“Vì con đường này thì chật hẹp và dốc, nên ít người đi, nhưng nó lại dẫn
đến sự sống đời đời!”,
Thầy dòng Phan-xi-cô đã nói thế, và cũng nhấn mạnh rằng:
“Chúa Giê-su không chỉ rao truyền, nhưng Ngài còn thực hành giới luật yêu
thương.”
Ngài đặt giới luật yêu thương vào bối cảnh của thế kỷ 21, và
hỏi những câu hỏi mà chắc chắn nhiều người đã thắc mắc trong nhiều tháng (nhiều
năm) trước đây: “thánh ý Chúa trong thời đại dịch corona là gì, nhiều trận lũ lụt,
nhiều trận hỏa hoạn, hay thậm chí là xung đột ở Afghanistan?”
“Câu trả lời đã có
cách đây 2000 năm, khi Cha Trên Trời phán cùng Chúa Giê-su ‘Hỡi Con của Ta, hãy
đi và giải thích cho họ biết rằng sống yêu thương thì tốt hơn là đầu tư chi phí
cho chiến tranh.’ Có thể, Chúa Giê-su đã trả lời ‘Phải chăng điều đó giống như
con cưỡi một con ngựa chết?’ Thế nhưng, Chúa Giê-su đã không nói thế, Người
đã dám một mình đến thế gian vào Ngày Lễ Giáng Sinh. Đức Giê-su Ki-tô đã dám cứu
chuộc thế gian bằng lời hứa và niềm hy vọng, bởi lẽ Người tin tưởng chúng ta.
Cha trên trời chắc chắn không trao cho Người những nhiệm vụ bất khả thi, và Người
biết điều đó.”
Thầy Csaba khẳng định: sứ vụ công khai của Chúa Giê-su không
bắt đầu bằng việc quy thuận đề xuất của EU nhằm phát triển hạ tầng cơ sở, hầu cứu
độ thế gian, nhưng bằng việc mời gọi hai học trò, là Gioan và An-rê, đến và xem
nơi Người ở. Thầy Csaba nhấn mạnh:
“Dự án của Thiên Chúa có thể trở thành hiện thực.”
Thiên Chúa không thể không sờ thấy được và không phải là một
điều gì đó trừu tượng. Chúa Giê-su cũng là một con người, Người là một bé thơ,
Người chơi bóng đá, Người có những người bạn. Và Người không chỉ rao giảng giới
luật yêu thương, nhưng Người còn THI HÀNH giới luật ấy nữa. Đây là giới luật
duy nhất mà Ông Chủ đưa ra. Ngay cả khi bị treo trên thập giá, Người đã nói
“Xin đừng nổi giận với họ, vì họ không biết việc họ làm.” Người có thể đã nói
‘tôi đã rao giảng cách vô ích; hãy để ai muốn cứu độ thế gian làm việc đó.’
Nhưng Người đã không nói thế, Người tin cậy họ cả khi bị treo trên thập giá,
Người vẫn tin họ, tin chúng ta.”
Phải chăng điều này vẫn
tiếp diễn sau 2000 năm?
Thầy Csaba nói rằng có, vì nơi nào có tình yêu, nơi đó có đối
thoại, tình liên đới, và lòng thương xót. Thầy nghĩ chúng ta rất may mắn khi ở
Âu Châu, vì chúng ta có một truyền thống Ki-tô giáo vô cùng sinh động. “Ở Âu Châu, ngay cả khi anh
chị em không đến nhà thờ, thì anh chị em vẫn bén rễ sâu trong Ki-tô giáo. Thậm
chí những ai không có tương quan với Ki-tô giáo cũng được thấm nhuần giới luật
yêu thương. Chúng ta không chịu đựng những người thiếu suy nghĩ, thô lỗ, hay
tàn ác. Vì sao thế? Tất cả đều phát xuất từ giáo huấn của Đức Giê-su Ki-tô.”
Đề cập đến tình cảnh ở Afghanistan, thầy nói: 50000 “người
kiên quyết ủng hộ lập trường” đang cố áp đặt ý thức hệ của mình lên 40 triệu
dân, đó là lý do vì sao 5 triệu dân đã phải trốn khỏi đất nước. Trái lại, 500
triệu dân của lục địa có thể đàm phán trong hòa bình để tìm cách đi đến cuộc bầu
cử ở Âu Châu, thiểu số có thể chấp nhận quan điểm của đa số, và “chúng ta không
giết nhau” thầy Csaba nói như thế.
Trong số những điểm khác, thầy Csaba Böjte nói đến tầm quan
trọng của việc xưng tội, việc gạt sang một bên những lo lắng của con người, những
than phiền, sự kiên nhẫn, và, như thầy nói “tin vào chiến thắng sau cùng của
tình yêu” và “dám bày tỏ tình yêu của chúng ta cho nhau”. Thầy Böjte cũng khẳng
định: ngày hôm nay, than phiền, rên rỉ, luôn luôn bới lông tìm vết, và phê bình
nhau. Về điểm này, thầy nói “tôi tin rằng ngàn năm trước ở Carpathian Basin,
không người Hungary nào đã sống tốt.”
“Nếu có ai đang gặp rắc
rối, chúng ta sẽ giúp đỡ họ.”
Thầy nhớ lại năm 1993, khi thầy chăm lo cho những trẻ mồ côi
đầu tiên ở Transylvania.
“Ở Rumani, có một cuộc
khủng hoảng kinh tế và nhiều trẻ em đang ăn xin trước cửa nhà thờ. Tôi tự hỏi
‘Tôi có thể làm gì trong một tình huống như thế?’. Chúng tôi đã chăm lo cho các
trẻ em đầu tiên. Trước hết, chúng tôi chỉ cho chúng ăn và tắm rửa cho chúng,
sau đó chúng tôi đã làm những lán trại để trú ngụ trong một tuần lễ. Các trẻ em
đã hỏi trại này có thể kéo dài thời gian hơn không. Đã 30 năm, trại đó vẫn còn
tiếp tục hoạt động.”
Hungary đã cung cấp nhiều sự trợ giúp cho các trẻ em mồ côi ở
Transylvania suốt 30 năm qua, thầy đã tỏ lòng biết ơn về điều đó. “Đó là một điều
lớn lao để cảm nghiệm tình liên đới.”
Mười điều mà bạn có
thể không biết về thầy Csaba:
1. Trước khi dấn thân vào việc phụng sự Chúa, thầy đã học tập
để trở thành một thợ sửa điện ô-tô, và thậm chí còn làm thợ mỏ nữa.
2. Dưới nền chuyên chính Ceausescu, thầy đã bí mật vào Dòng
Phan-xi-cô và đã học tại Gyulafehérvár (Alba Iulia) và Estergom trước khi được
chịu chức vào năm 1989.
3. Năm tới sẽ là kỷ niệm lần thứ 30 thầy Csaba chuyển tới
Déva, nơi mà thầy bắt đầu sứ vụ đặc biệt cho trẻ em.
4. Khách trọ đầu tiên của nhà Déva chính là một bé gái được
tìm thấy ở trạm xe lửa. Thứ hai là một bé gái chỉ mới 8 tuổi được giao cho thầy
Csaba và đồng nghiệp của thầy chăm sóc. Bé gái và mẹ của bé không cửa không
nhà, và bé gái bị người mẹ bỏ lại sau khi họ bị lạnh cóng tại ga xe lửa. Bà hứa
sẽ quay lại đón bé, nếu bà tìm được một chỗ nương thân. Điều này thực tế đã xảy
ra - một thập niên sau bà đã xuất hiện.
5. Căn nhà trong 6 năm, mà giờ đây càng nhiều khách trọ hơn,
đã hoạt động mà không có giấy tờ hợp pháp, vì không có luật pháp nào quy định
hoạt động của hội đoàn. Điều này không phải là không có sự liều lĩnh, vì sau
khi thiết lập, cảnh sát đã lui tới nhiều lần để yêu cầu thầy Csaba chuyển những
đứa trẻ đến giáo xứ, nhưng thầy đã từ chối không để bất cứ đứa trẻ nào phải ra
đường ở hoặc đuổi chúng đi.
6. Trong chuyến thăm viếng Rumani, ĐTC Gioan Phao-lô II đã
yêu cầu nhà nước trả lại ba tài sản, trong đó có tu viện của Dòng Phan-xi-cô ở
Déva, cho Giáo hội. Các tu sĩ đã bị chế độ Cộng sản trục xuất khỏi Déva năm
1948, và tài sản của họ bị quốc hữu hóa. Vào năm 1992, các tu sĩ Phan-xi-cô đã
lấy lại nhà cửa, nhưng phải đợi mãi đến 5 năm sau đó, nhà nước mới chính thức
trao trả.
7. Vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Đức Ki-tô lần thứ 2000, các
tu sĩ Phan-xi-cô, và thầy Csaba Böjte đã ước mơ không phải là dựng một bức tượng,
nhưng là cung cấp nơi ăn chốn ở, cùng sự chỉ dẫn về luân lý cho nhiều trẻ em
nghèo. Họ đã áp dụng và đã dành đấu thầu, để trùng tu Tu viện ở Broos, và Nhà
Trẻ thánh Ê-li-sa-bét đã ra đời. Hội đồng Giám mục Hungary đã mở chiến dịch có
tên gọi “Chia sẻ lương thực cho người đói khát!”, và họ đã gây được một quỹ cho
các trẻ em mồ côi ở Transylvania. Từ quỹ lạc quyên này, họ đã mua được căn nhà ở
Szováta (Sowata). Quà tặng từ 1% thuế thu nhập cá nhân có thể xây dựng một căn
nhà khác.
8. Một lời khuyên để không cần thiết phải làm cho mọi thứ trở
nên phức tạp: “nếu một bông hoa héo tàn, hãy tưới nước cho nó! Nếu một chú chim
nhỏ va đập vào cánh cửa sổ trong tiết trời giá lạnh, hãy cho nó ăn. Nếu có ai
đó cần giúp đỡ, hãy cầm tay anh ta mà đỡ dậy, ít là hãy trêu chọc anh ta, làm
cho anh ta cười, hãy lau khô dòng lệ của anh ta! Nếu anh ta không hiểu gì, thì
hãy giải thích cho anh ta! Chúng ta hãy dám, không chỉ trao ban những món quà,
nhưng còn trở nên những món quà của Thiên Chúa, trở thành phúc lành của Chúa.”
9. Chúng ta nên nhìn cuộc đời, tình cảnh của mình thế nào
đây? “Tại Đại hội Thánh Thể lần trước, có người nói tôn giáo đang bị phê bình,
nhưng thử hỏi có bao nhiêu bạn trẻ đến tham dự vào năm 1938! Vâng, nhưng sau đó
vào năm 1939 và 1940, những bạn trẻ này đã quá nghẹn ngào khi Âu Châu đã trở
thành đống gạch vụn. Có lẽ, ngày nay ít người trẻ đến nhà thờ hơn, nhưng anh chị
em không thể dễ dàng thuyết phục họ đừng xâm lược đất nước khác bằng cách chĩa
súng. Thế giới đang tươi sáng, tôi nghĩ thế. Có thể là có ít lòng đạo đức mô phạm
hơn, nhưng nếu anh chị em đối xử với một con chó hay một con mèo cách tàn ác
như con người đã xử với nhau cách đây không lâu, thì anh chị em càng bị khiển
trách vì điều đó. Thực sự, tôi cảm thấy rằng thế giới này ngày càng trở nên đẹp,
mở ra và tiến triển.”
10. Sự nghèo khổ có ý nghĩa gì với Csaba Böjte? “Khi tôi đến một nơi nào đó mà không có trẻ em, tôi cảm thấy mình giống như một kẻ hành khất. Tôi cảm thấy túng nghèo.”
Cát Bụi, SSS theo hungarytoday.hu (07.9.2021)