Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh năm 2022: gần gũi, nghèo khó và cụ thể
THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH NĂM 2022: GẦN GŨI, NGHÈO KHÓ VÀ CỤ THỂ
Vatican News Tiếng Việt
Vatican News (24.12.2022) - Thánh Lễ
đêm Giáng Sinh tại đền thờ Thánh Phêrô được Đức Thánh Cha cử hành vào lúc 7 giờ
30 tối thứ Bảy, 24/12, cùng với rất đông các tín hữu bên trong đền thờ lẫn bên
ngoài quảng trường thánh Phêrô qua các màn hình lớn.
Bài giảng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh của Đức Thánh
Cha Phanxicô
Đêm nay, điều gì vẫn còn nói với cuộc sống chúng
ta? Hai thiên niên kỷ sau khi Chúa Giêsu giáng sinh, sau nhiều lễ Giáng sinh được
tổ chức với đồ trang trí và quà tặng, sau quá nhiều chủ nghĩa tiêu dùng che khuất
mầu nhiệm mà chúng ta cử hành, có một nguy cơ rằng: chúng ta biết nhiều điều về
Lễ Giáng sinh, nhưng lại quên mất ý nghĩa của nó. Vậy, làm thế nào để tìm lại ý
nghĩa của Lễ Giáng Sinh? Và trên hết, tìm kiếm nó ở đâu? Tin Mừng về sự giáng
sinh của Chúa Giêsu dường như đã được viết để nói về điều này: để dẫn chúng ta
trở lại nơi Thiên Chúa muốn.
Thật ra, Tin Mừng bắt đầu với một hoàn cảnh
tương tự như của chúng ta: mọi người đều bận rộn và bận rộn với một sự kiện
quan trọng sẽ được tổ chức, cuộc đại điều tra dân số, đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị.
Theo nghĩa này, bầu khí khi đó tương tự như bầu khí bao trùm chúng ta ngày nay
vào dịp lễ Giáng sinh. Nhưng câu chuyện Tin Mừng tự tách ra khỏi bối cảnh thế tục
đó: “tách ra” khỏi những hình ảnh để tập chú vào một thực tại khác. Câu chuyện
tập trung vào một đối tượng nhỏ bé, có vẻ tầm thường, nhưng được nhắc đến ba lần,
nơi đó các nhân vật chính quy tụ: đầu tiên là Đức Maria đặt Chúa Giêsu “trong
máng cỏ” (Lc 2,7); sau đó là các thiên thần loan báo cho các mục đồng “một trẻ
sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (c. 12); rồi đến các mục đồng, những người
nhìn thấy “Hài nhi nằm trong máng cỏ” (c. 16). Máng cỏ: để khám phá lại ý nghĩa
của Giáng sinh, chúng ta phải nhìn vào đó. Nhưng tại sao máng cỏ lại quan trọng
như vậy? Bởi vì đó là dấu hiệu, không phải ngẫu nhiên, mà Chúa Kitô bước vào bối
cảnh thế giới này. Đó là cách mà Người tỏ lộ để tự giới thiệu mình, cách mà
Chúa sinh ra trong lịch sử để làm cho lịch sử được tái sinh. Vậy máng cỏ muốn
nói với chúng ta điều gì? Ít nhất là ba điều: gần gũi, nghèo khó và cụ thể.
Sự gần gũi
1. Sự gần gũi. Máng cỏ được sử dụng
để đưa thức ăn đến gần miệng và để ăn nhanh hơn. Do đó, nó có thể tượng trưng
cho một khía cạnh của con người: sự phàm ăn trong việc tiêu thụ. Bởi vì, trong
khi những con vật trong chuồng nhai ngốn thức ăn, thì con người trên thế giới,
khao khát quyền lực và tiền bạc, cũng nút chửng những người hàng xóm, anh chị
em của mình. Có bao nhiêu cuộc chiến! Và ở bao nhiêu nơi, ngay cả ngày nay,
nhân phẩm và tự do bị chà đạp! Và bao giờ nạn nhân chính của sự phàm ăn của con
người cũng là những người mong manh, yếu đuối. Ngay cả Giáng Sinh này, một nhân
loại ham mê tiền bạc, quyền lực và vui thú không dành chỗ cho những người bé nhỏ,
cho biết bao trẻ thơ chưa chào đời, cho những người nghèo khổ và bị lãng quên,
như đã làm đối với Chúa Giêsu (x. câu 7). Trước hết tôi nghĩ đến những trẻ em bị
nút chửng bởi chiến tranh, nghèo đói và bất công. Nhưng Chúa Giêsu đến ngay tại
đó, một hài nhi nằm trong máng cỏ của sự lãng phí và bị ruồng bỏ. Nơi Người, trẻ
thơ của Bêlem, có mọi trẻ em. Và có một lời mời nhìn vào cuộc sống, chính trị
và lịch sử qua con mắt của trẻ em.
Trong máng cỏ của sự từ chối và thiếu thốn,
Thiên Chúa đã tự đặt mình: Người đến đó, bởi vì ở đó có những vấn đề của nhân
loại, sự dửng dưng do sự vội vàng phàm ăn của sở hữu và tiêu thụ. Chúa Kitô được
sinh ra tại đó và chúng ta tìm thấy Người ở đó trong máng cỏ. Người đến ở nơi đựng
thức ăn để biến mình thành thức ăn của chúng ta. Thiên Chúa không phải là người
cha phá huỷ con cái mình, nhưng là người Cha, trong Chúa Giêsu, biến chúng ta
thành con cái của Người và nuôi dưỡng chúng ta bằng sự dịu dàng. Người đến để
lay động trái tim chúng ta và nói với chúng ta rằng sức mạnh duy nhất có thể
thay đổi dòng chảy lịch sử là tình yêu. Người không còn xa cách và uy quyền,
nhưng trở nên gần gũi và khiêm nhường; Người, Đấng ngự trên trời, đã để mình nằm
trong máng cỏ.
Anh chị em thân mến, đêm nay Thiên Chúa đến gần
chúng ta vì Người quan tâm đến chúng ta. Từ máng cỏ, như lương thực cho cuộc sống
chúng ta, Người nói với mỗi người: “Nếu con cảm thấy bị nhai ngốn bởi các sự kiện,
nếu con bị cảm giác tội lỗi và bất xứng của mình nuốt chửng, nếu con khao khát
công lý, thì Ta, Thiên Chúa, ở cùng con. Ta biết những gì con đang sống, Ta đã
kinh nghiệm nó tại nơi máng cỏ đó. Ta biết những đau khổ của con và lịch sử của
con. Ta sinh ra để nói với con rằng Ta đang và sẽ luôn ở bên cạnh con.” Máng cỏ
Giáng Sinh, thông điệp đầu tiên của một Thiên Chúa bé thơ, nói với chúng ta rằng
Người ở với chúng ta, yêu thương chúng ta và tìm kiếm chúng ta. Hãy can đảm
lên, đừng để mình bị khuất phục bởi sợ hãi, cam chịu, nản lòng. Chúa sinh ra
trong máng cỏ để tại đó chúng ta được tái sinh, tại chính nơi chúng ta nghĩ
mình đã bi đát đến tận cùng. Không có sự dữ nào, không có tội lỗi nào mà Chúa
Giêsu không muốn và không thể cứu mỗi người. Giáng sinh có nghĩa là Thiên Chúa
đang ở gần, làm tái sinh sự tin tưởng!
Sự nghèo khó
2. Máng cỏ Bêlem, hơn cả sự gần gũi, còn nói với
chúng ta về sự nghèo khó. Thật vậy, không có nhiều thứ xung quanh máng
cỏ ngoài những cây bụi, một số động vật và một số thứ khác. Mọi người đang ở
trong khách sạn ấm áp, không phải nơi chuồng vật lạnh lẽo của nhà trọ. Nhưng
Chúa Giêsu đã được sinh ra ở đó và máng cỏ nhắc nhở chúng ta rằng xung quanh
Người không có gì khác ngoài những người yêu mến Người: Mẹ Maria, Thánh Giuse
và một số mục đồng; tất cả những người nghèo, hiệp nhất bởi tình cảm và sự ngạc
nhiên, không phải bởi sự giàu có và những khả năng xuất chúng. Do đó, máng cỏ
nghèo mang đến sự giàu có thực sự của cuộc sống: không phải tiền bạc và quyền lực,
mà là các tương quan và con người.
Và con người đầu tiên, sự giàu có đầu tiên,
chính là Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta có muốn ở bên Người không? Chúng ta có đến
gần Người không, chúng ta có yêu mến sự nghèo khó của Người không? Hay chúng ta
thích ở lại thoải mái trong sở thích của mình? Trên hết, chúng ta có đến thăm
Người tại nơi Người ở, tức là trong máng cỏ nghèo nàn của thế giới chúng ta
không? Ở đó Người hiện diện. Và chúng ta được kêu gọi để trở thành một Giáo hội
thờ phượng Chúa Giêsu khó nghèo và phục vụ Chúa Giêsu nơi người nghèo. Như một
vị giám mục thánh thiện đã nói: “Giáo hội ủng hộ và chúc lành cho những nỗ lực
biến đổi các cơ cấu bất công và chỉ đặt ra một điều kiện: những biến đổi xã hội,
kinh tế và chính trị mang lại lợi ích đích thực cho người nghèo” (O.A.
Romero, thông điệp mục vụ cho năm mới, ngày 1/1/1980). Dĩ nhiên, thật
không dễ dàng để rời bỏ sự ấm áp nồng nhiệt của thế gian để ôm lấy vẻ đẹp trơ
trụi của hang đá Bêlem, nhưng chúng ta hãy nhớ rằng không có một Giáng Sinh thực
sự nếu không có người nghèo. Không có họ, chúng ta cử hành Giáng sinh, nhưng
không phải là Giáng sinh của Chúa Giêsu. Anh chị em thân mến, Thiên Chúa nghèo
trong lễ Giáng Sinh: hãy làm tái sinh lòng bác ái.
Tính cụ thể
3. Như thế chúng ta đi đến điểm cuối cùng: máng
cỏ nói với chúng ta về tính cụ thể. Thật vậy, một hài nhi nằm trong
máng cỏ tượng trưng cho một khung cảnh ấn tượng, thậm chí là mộc mạc. Nó nhắc
nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã thực sự trở nên xác phàm. Và do đó, để nói về
Người, các lý thuyết, những tư tưởng đẹp đẽ và những tình cảm sùng kính thì
không đủ. Chúa Giêsu sinh ra trong sự khó nghèo, sẽ sống nghèo và chết nghèo.
Người không có nhiều diễn văn về cái nghèo, nhưng Người đã sống cái nghèo đó
cho đến cùng vì chúng ta. Từ máng cỏ cho đến thập giá, tình yêu của Người dành
cho chúng ta là hữu hình, cụ thể: từ khi sinh ra cho đến khi chết, người con của
bác thợ mộc đã ôm lấy sự thô ráp của gỗ, cái xù xì của kiếp nhân sinh của chúng
ta. Người không yêu chúng ta bằng lời nói, Người không yêu chúng ta như trò
đùa!
Và do đó, Người không hài lòng với vẻ bề ngoài.
Người không chỉ muốn những ý muốn tốt, Người đã trở nên xác thịt. Người được
sinh ra trong máng cỏ, Người muốn một đức tin cụ thể, được tạo nên từ sự thờ
phượng và lòng bác ái, chứ không phải những lời xầm xì và vẻ bề ngoài. Người, Đấng
nằm trần trụi trong máng cỏ và sẽ nằm trần trụi trên thập giá, đòi chúng ta sự
thật, để đi đến thực tại trần trụi của mọi sự, để đặt những lời bào chữa, biện
minh và giả hình dưới chân máng cỏ. Người được Mẹ Maria dịu dàng quấn trong tấm
tã, muốn chúng ta mặc lấy tình yêu. Thiên Chúa không muốn vẻ bề ngoài, mà muốn
sự cụ thể. Chúng ta đừng để Giáng Sinh này trôi qua mà không làm điều gì tốt đẹp.
Vì đây là lễ của Người, là sinh nhật của Người, chúng ta hãy cho Người những
món quà mà Người yêu thích! Thiên Chúa cụ thể trong Lễ Giáng Sinh: nhân danh
Người, chúng ta hãy làm sống lại một chút hy vọng nơi những người đã đánh mất
nó!
Lạy Chúa Giêsu, chúng con nhìn ngắm Chúa nằm
trong máng cỏ. Chúng con thấy Chúa thật gần, luôn luôn gần bên
chúng con: tạ ơn Chúa. Chúng con nhìn thấy Chúa nghèo, để dạy chúng con rằng sự
giàu có thực sự không phải ở vật chất, mà ở con người, đặc biệt là nơi những
người nghèo. Chúng con xin lỗi Chúa nếu chúng con không nhận ra Chúa và phục vụ
Chúa trong họ. Chúng con thấy Chúa cụ thể, bởi vì tình yêu của Chúa dành cho
chúng con là cụ thể: xin giúp chúng con dành cuộc đời và sự sống cho đức tin của
chúng con. Amen.
Nguồn: vaticannews.va/vi
- Tôi là nữ tỳ của Chúa (25.03.2023 – Lễ Truyền Tin) ( 24/03/2023)
- Ông này là Đấng Kitô (25.3.2023 – Thứ Bảy Tuần 4 MC) ( 24/03/2023)
- Giờ của Người chưa đến (24.03.2023 – Thứ Sáu Tuần 4 Mùa Chay) ( 23/03/2023)
- Chúa Cha làm chứng cho tôi (23.03.2023 – Thứ Năm Tuần 4 Mùa Chay) ( 22/03/2023)
- Dưới ánh sáng Lời Chúa 05: Mù lòa – Chúa nhật IV Mùa Chay A ( 21/03/2023)
- Không thể làm gì tự mình (22.03.2023 – Thứ Tư Tuần 4 Mùa Chay) ( 21/03/2023)
- Chúa Nhật 4 Mùa Chay A (19.3.2023) – Cần ngạc nhiên và thay đổi cách nhìn ( 20/03/2023)
- Muốn trở nên lành mạnh (21.03.2023 – Thứ Ba Tuần 4 Mùa Chay) ( 20/03/2023)
- Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Buổi cử hành sám hối «24 giờ cho Chúa» năm 2023 ( 19/03/2023)
- Con ông sống (20.03.2023 – Thứ Hai Tuần 4 Mùa Chay) ( 19/03/2023)