Tôi không có ý định dự đoán phán quyết của Giáo Hội về Đức Gioan Phaolô II, vì chỉ mình Giáo Hội mới có thể làm điều này mà thôi. Dưới đây đơn giản là một vài gợi ý của tôi rút ra từ những quan sát và suy tư về cuộc đời của ngài.
Trước hết là sự quan tâm của công chúng dành cho Đức Gioan Phaolô II. Theo dòng thời gian, nhiều người, bao gồm cả những nhân vật nổi tiếng đều bị quên lãng. Nếu các bạn muốn, một ngày nào đó, hãy cố gắng ngừng lại trước đống đổ nát ở Palatine (một lâu đài cổ xưa nguy nga, tráng lệ) ở Rôma. Đây từng là nơi sinh sống của những người tự cho mình là thần thánh, làm rung chuyển thế giới, những con người chỉ với một cử chỉ có thể buộc quân đội động binh và nhiều người phải thay đổi chỗ ở (ví dụ như cuộc kiểm tra dân số của Caesar Augustô thời Chúa Giêsu đã làm cho cả Đế quốc phải di chuyển). Ngày hôm nay, Palatine không còn gì hết, ngoại trừ đống hoang phế bị tàn phá bởi lịch sử và lãng quên của con người. Nhưng điều khác thường lại xảy ra với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngày tháng trôi qua, ký ức và tình cảm đối với ngài vẫn tiến triển, lòng ngưỡng mộ và thái độ biết ơn ngài vẫn gia tăng. Nhiều con đường và quảng trường được mang tên ngài. Trong khi ấy, các sử gia và chuyên viên lưu trữ văn thư nỗ lực hết sức để biên soạn một bản đánh giá, dù tạm thời và chưa đầy đủ, về cuộc đời của ngài. Từng đoàn tín hữu mộ mến vẫn lũ lượt kéo đến ngôi mộ khiêm tốn của ngài trong lòng đất trên đồi Vatican, giống như ngôi mộ của Đức Phaolô VI và của thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên. Những chuyện đang xảy ra ở đây không thể phủ nhận được.
Liệu chúng ta có thể phác hoạ những điểm nổi bật cho thấy sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II hay không?
Theo tôi, Đức Giáo Hoàng là người cam đảm trong một thời đại đầy sợ hãi, và ngài phải được nhìn nhận vì nhân đức trổi vượt này. Luôn tỏ ra quyết đoán và kiên định giữa một kỷ nguyên đầy sự thoả hiệp và bất ổn trường kỳ, ngài thực sự noi theo giáo huấn của Đức Giêsu:
Điều Thầy nói với anh em trong bóng tối, thì hãy nói ra giữa ánh sáng; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy rao giảng trên mái nhà (x. Mt 10, 27). Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Phần anh em, ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, chính anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ. Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối bỏ Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối bỏ người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. (x. Mt 10, 27- 33)
Đức Giáo Hoàng là người can đảm bảo vệ hoà bình trước những sóng gió chiến tranh dồn dập. Ai lại không nhớ những lời lẽ tha thiết thường được Đức Gioan Phaolô II nhắc lại, bất kể người ta có chấp nhận lắng nghe hay không? Đôi khi, ngài giống như một ngôn sứ lên tiếng trong một sa mạc đầy dửng dưng. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng không thoái chí, ngài vẫn tiếp tục lên tiếng như thể được Thần Khí của Chúa Giêsu thúc đẩy từ sâu thẳm tâm hồn.
Chúng ta không khỏi ngưỡng mộ và xúc động trước lời kêu gọi của Đức Thánh Cha ngày 16 tháng 03 năm 2003 khi ngài kết thúc kỳ tĩnh tâm vào đầu Mùa Chay. Từ cửa sổ phòng làm việc, ngài đã lớn tiếng kêu gọi, không chút sợ hãi:
Tôi biết! Tôi biết chiến tranh khủng khiếp dường nào! Do đó, bổn phận của tôi là phải nói cho những người [tin vào chiến tranh] rằng: chiến tranh làm tăng sự hận thù và không thể giải quyết được vấn đề.
Thật can đảm! Vào giây phút đó, cách thức phát biểu của Đức Thánh Cha đã đi ngược lại với một xu thế rất mạnh trong xã hội, nhưng Đức Gioan Phaolô II nhiều lần không ngại đi ngược với xu hướng của đám đông. Ngài luôn hiên ngang và trung thành với bổn phận với tư cách là người Tôi Tớ của Chân lý, Chân lý mà Chúa Giêsu trao lại cho Hội Thánh, và đặc biệt, cho người được mệnh danh là Đá Tảng.
Đã hơn một lần, khi nghe những lời nói của Đức Gioan Phaolô II, trong đầu tôi xuất hiện lời khẳng định từ vị Tông đồ Phaolô: “Vì chúng tôi không có thể làm gì chống lại sự thật, nhưng chỉ có thể hoạt động cho sự thật” (2 Cr 13, 8). Tôi cũng áp dụng cho triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II những điều mà vị tông đồ Dân Ngoại đã nói về những khó khăn trong sứ vụ:
Hành trình nhiều chuyến, nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, nguy hiểm trong sa mạc, nguy hiểm ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Vất vả mệt nhọc, thức đêm thường xuyên, đói khát, ăn chay thường xuyên, chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! Có ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Có ai vấp ngã mà lòng tôi không cháy bừng? (x. 2 Cr 11, 26-29)
Đức Gioan Phaolô II là người can đảm bảo vệ gia đình trong một thời đại đã đánh mất ý thức về sự phối hợp không thể thay thế giữa vợ-chồng và cha-mẹ. Với cái nhìn ngôn sứ, Đức Wojtyla nhạy bén nhận ra rằng ngày hôm nay phẩm giá của gia đình đang bị đe doạ. Qua tình yêu thuỷ chung, người nam và người nữ làm thành một gia đình, trở thành chiếc nôi cho sự sống và là môi trường không thể thay thế để đời sống con người được lớn lên và phát triển.
Tôi nghĩ rằng Đức Gioan Phaolô II cảm thấy bị tổn thương sâu sắc khi được tin Nghị viện Châu Âu không đi đến được sự đồng thuận về giá trị của gia đình. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, nó cho thấy thái độ mất nhận thức ở Châu Âu. Có lẽ được thúc đẩy bởi vấn đề khẩn cấp này, Đức Giáo Hoàng đã cho mọi người thấy ngài là vận động viên bảo vệ gia đình. Ngày Quốc tế các gia đình, Năm Thánh Gia đình, những thông điệp thường xuyên được gửi đến cho các cặp vợ chồng là hoa trái của tình yêu không gì lay chuyển ấy. Đồng thời, đây cũng là những cách thức nhằm tái thông truyền cho con người và chính phủ các quốc gia về những giá trị để hình thành một nền văn minh đích thực. Nếu gia đình tan vỡ, xã hội còn lại gì. Nếu gia đình biến mất, con đường nào sẽ hướng dẫn những đứa con trong hành trình cuộc đời của chúng?
Đức Gioan Phaolô II hiểu tất cả điều này, vì thế ngài kiên tâm giảng dạy và đào sâu những giá trị của gia đình. Có thể trong một vài năm hay nhiều thập kỷ, chúng ta mới có thể đánh giá rõ hơn công trình mà Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện để phục hồi phẩm giá của gia đình giữa bóng tối của tâm thức hiện đại.
Đức Giáo Hoàng là người can đảm bảo vệ phẩm giá của sự sống. Mọi con người dù thuộc màu da nào – màu trắng, màu đen hay màu vàng, dù mạnh khỏe hay khiếm khuyết, dù giàu sang hay đơn nghèo, đều phải được bảo vệ từ lúc thụ thai cho đến khi lìa đời. Tông huấn Evangelium Vitae là một văn kiện đặc biệt về cả ý tưởng và lẫn tâm tình. Đức Gioan Phaolô II luôn luôn tìm mọi cách có thể để cho thấy bảo vệ sự sống không phải chỉ là nguyên tắc của tôn giáo, không phải là một sự can thiệp tôn giáo trong lĩnh vực hoạt động chính trị; nhưng là một lý lẽ tinh tế và chặt chẽ như là nền tảng cho sự đồng hiện hữu dân sự. Thêm nữa, nếu quyền sống không được đảm bảo, thì liệu rằng các quyền khác có được đảm bảo hay không? Đức Gioan Phaolô II đặc biệt chú trọng đến chủ đề này, và trái tim cao thượng của ngài luôn luôn sẵn sàng bảo vệ bất cứ khi nào quyền sống bị lâm nguy.
Chúng ta hẳn còn nhớ Đức Giáo Hoàng đã bất ngờ nổi giận tại Thung lũng Temple gần Agrigento[1]. Bằng lời lẽ đáng kính như Amốt, cung giọng hùng hồn như Hôsê và ngôn ngữ sống động như Isaia, ngài đã hô lớn trước sự kinh ngạc của đám đông đang hiện diện: “Hỡi những người Mafia, hãy sửa đổi lại cuộc sống của quý vị. Một ngày nào đó quý vị sẽ phải tính sổ trước mặt Thiên Chúa vì những việc mình làm.” Vào lúc đó, mọi người nhận ra rằng ngài đang đối diện với hiểm nguy; và có thể sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Nhưng Đức Gioan Phaolô II luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống của ngài. Trong suốt triều đại giáo hoàng, ngài thường giẫm nát đầu rắn độc và thuồng luồng[2], nhưng hoàn toàn tín thác vào sự nâng đỡ và che chở của Chúa.
Cùng lúc, Đức Giáo Hoàng cũng lên tiếng bảo vệ sự sống huyền nhiệm và bất khả xâm phạm của con người. Ngài nhắc lại cho chúng ta rằng biện minh cho việc tấn công vào sự sống con người ngay từ khi chào đời hoặc khi chết là mở lối biện minh cho bất cứ một bạo lực nào trong mọi giây phút hiện hữu của con người.
Ngài hiểu rất rõ và thường lặp lại nhiều lần với cảm xúc đau xót: Sự xúc phạm ghê gớm đối với sự sống con người do chế độ độc tài thế kỷ XX gây ra là hậu quả của sự nhận thức sai lầm về bản chất con người. Điều này có nghĩa là các nhận thức này xuất phát từ những sai trái về giá trị nhân vị. Chính điều này dẫn đến phân biệt đối xử con người, quyết định ai nên sống hay phải chết, ai có nhiều nhân phẩm hay ít hơn bằng một cách thức hiểm ác và độc đoán. Cũng trong lĩnh vực này, chúng ta sẽ dần dần nhận ra hoạt động của Đức Thánh Cha thật sáng suốt và dưới sự quan phòng của Thiên Chúa.
Đức Giáo Hoàng là người can đảm tìm kiếm người trẻ và trò chuyện với họ. Khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài, dường như Giáo Hội không còn nói ngôn ngữ của giới trẻ và không tín nhiệm thế hệ trẻ nữa. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không chấp nhận quan điểm này. Ngài biết rằng nếu không có Chúa Kitô, người trẻ sẽ không bao giờ tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời, và sẽ không bao giờ cảm nghiệm được thực tại quyến rũ của tình yêu vốn là hồng ân, chứ không phải là một ý tưởng thoáng qua buộc mỗi vật và mỗi người dành lấy cho riêng mình. Đức Giáo Hoàng tìm kiếm người trẻ, và các bạn trẻ nhận ra ngài là một người bạn, một người bạn đích thực và chân thành, không hy sinh những chuẩn mực nhằm mục đích lôi kéo người nghe, một người bạn không giảm thiếu thách đố của Tin Mừng để được người ta ưu thích, một người bạn không dùng thuật hùng biện để dành được những tràng vỗ tay tán thưởng của người trẻ.
Tuy nhiên, người trẻ lại luôn dành cho ngài những tràng vỗ tay tự phát và nồng nhiệt – một sự ủng hộ mạnh mẽ làm nhụt chí những người dự đoán về sự sụp đổ của Giáo Hội và biến mất của Kitô giáo.
Những người trẻ rất yêu mến Đức Giáo Hoàng. Họ xem ngài như một người cha luôn biết cách sửa dạy con cái vào những thời điểm thích hợp, bởi vì ngài biết cách yêu thương chân thật và trung tín.
Tôi thật ngây thơ khi lo lắng rằng làm thế nào ngài có thể chào đón những người trẻ đang có mặt tại quảng trường thánh Phêrô để khai mạc ngày Quốc tế Giới Trẻ giữa cái nóng tháng 8 năm 2000! Một giọng nói âm vang nội lực bất ngờ cất lên: “Các con tìm ai?” Tôi nhớ rằng cả những giám mục chúng tôi cũng ngạc nhiên và bị lôi cuốn bởi sức hút của vấn nạn đầy thách thức này. Đức Giáo Hoàng giải thích rằng ngài không muốn hạ thấp những chuẩn mực nhằm lôi kéo giới trẻ, nhưng mời gọi các bạn trẻ hãy vươn lên để theo đuổi những giá trị và ý nghĩa cao cả của cuộc sống.
Về phần họ, giới trẻ hiểu rằng con người cao niên này biết được bí quyết cho cuộc sống của tuổi trẻ và họ đã bắt đầu lưu tâm và suy nghĩ.
Vào buổi tối trong giờ canh thức cầu nguyện trên cánh đồng rộng lớn ở Tor Vergata, một điều khác nữa đã xảy ra sẽ không bao giờ bị quên lãng, bởi vì nó là một dấu hiệu về mối tương quan đặc biệt giữa Đức Giáo Hoàng và người trẻ. Trong khi bầu trời bình yên của Rôma vang lên những bài hát của những cộng đoàn giới trẻ đến từ khắp năm châu, thì một thanh niên bất ngờ nhảy qua hàng rào bảo vệ, thoát khỏi sự truy bắt của cảnh sát, và chạy nhanh tới Đức Giáo Hoàng. Cụ già và một người trẻ nhìn nhau hồi lâu, sau đó họ ôm chầm lấy nhau giống như người cha ôm lấy con mình. Một cảm xúc dâng trào trong tim mọi người ở đó – Tôi đã khóc.
Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng là người can đảm trong lúc bệnh tật và cả khi cận kề cái chết. Trong lúc bệnh tật, Đức Giáo Hoàng mất dần đi phẩm chất xuất sắc của mình, nhưng ngài không bao giờ che giấu điều ấy. Chắc hẳn ngài sẽ phải trả giá rất nhiều, nhưng ngài không muốn được bảo vệ để tránh cái nhìn của người khác. Ngài sống bệnh tật cách công khai và biến nó thành một bài giảng gây xúc động trái tim nhân loại.
Từ nhiều nơi đã xuất hiện nhiều lời yêu cầu thiếu tôn trọng và cố chấp đòi Đức Thánh Cha phải từ chức, và tôi nghĩ điều này thực sự làm ngài bị tổn thương.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quyết định không bước xuống khỏi thập giá; tuy nhiên, ngài phải sử dụng đến chút sức lực cuối cùng. Tôi còn có thể nhìn thấy Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng riêng vào ngày thứ Tư cuối cùng của cuộc đời ngài. Ngài cố gắng nhiều lần, tập trung sức lực để bộc bạch vài lời tâm tư, nhưng không có âm thanh phát ra từ đôi môi run rẩy. Tuy nhiên, trong triều Giáo Hoàng dài của ngài, thứ Tư đó lại là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất, sâu sắc nhất, lay động lòng người nhất. Đức Thánh Cha đã nói với mọi người bằng ngôn ngữ thinh lặng đầy sức thuyết phục: Để nên giống Chúa Giêsu, chúng ta phải yêu thương cho đến giây phút cuối cùng, đến độ trao cả mạng sống cho Người, Đấng ban sự sống của Người cho chúng ta.
Đức Giáo Hoàng tìm ở đâu nguồn sức mạnh này?
Ngài tìm thấy trong một Đức tin luôn được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện liên lỉ. Người ta đã nói với tôi rằng trong những chuyến tông du đầy vất vả và thường xuyên trên khắp thế giới, Đức Gioan Phaolô II thường thức dậy sớm hơn mọi người và phủ phục cầu nguyện trước Nhà Tạm. Giống như ông Môsê, khuôn mặt của ngài toả ra ánh sáng.
Đức hồng y Andrea Deskur, một người bạn của Đức Giáo Hoàng từ thuở thiếu thời, đã từng nói với tôi rằng cần phải giúp đỡ Hồng y Wojtyla trong những chuyến thăm thường xuyên của vị này ở Roma, ngài cho rằng cần phải thay đổi sàn nhà nguyện. Thật vậy, Hồng y Andrea Deskur đã nhiều lần trông thấy vị Giáo Hoàng tương lai phủ phục cầu nguyện dưới sàn nhà lạnh lẽo. Để tránh ảnh hưởng sức khỏe cho con người đạo đức này, ngài đã thay thế đá lát cứng bằng chất liệu gỗ.
Tôi xin tóm kết bằng cách phải nói đến lòng sùng kính Đức Mẹ của Đức Gioan Phaolô II. Những năm 1965 – 1975 tựa như một “mùa đông lạnh lẽo” đối với Mẹ Maria. Dường như nhiều người đang cố làm sao đẩy Đức Mẹ ra bên lề, (theo cách họ nói) nhằm phục hồi vai trò trung tâm cho Đức Kitô. Lập luận này không đúng đắn, bởi vì Con và Mẹ không thể có tính loại trừ, nhưng luôn đi cùng nhau. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm sáng tỏ vai trò của Đức Maria trong Giáo Hội bên cạnh Đức Kitô. Thật vậy, chính bằng cách bắt đầu với Đức Giêsu mà người ta đến với Mẹ Maria. Chính bằng cách bắt đầu với Đức Giêsu mà người ta khám phá sự hiện diện của Mẹ và sứ vụ không thể nào thay thế của Mẹ. Đây không phải là thay chỗ cho Con, nhưng là sứ vụ mang chúng ta đến với Con của Mẹ.
Đức Gioan Phaolô II luôn tinh tế, thấu hiểu và có trực giác trong mối tương quan đối với sự hiện diện và sứ mệnh của Mẹ Maria.
Huy hiệu giám mục và giáo hoàng của ngài đã thể hiện lòng sùng kính này: chữ M nổi bật lên trên nền xanh, theo sau là tiếng thưa của người con đối với Mẹ: Totus tuus.
Thật là đẹp biết bao, đẹp theo cách nói của con người và đẹp theo cách nói của Kitô giáo.
Khi xem xét lại các hoạt động và cử chỉ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, suy niệm những bài diễn văn và tài liệu của ngài, người ta nhận ra rằng tâm tình của ngài dành cho Mẹ Maria là nguồn cảm hứng đặc trưng cho cuộc hành trình của ngài theo Chúa Giêsu.
Ngày 04 tháng 06 năm 1979, khi thực hiện chuyến hành hương đầu tiên đến Jasna Góra, Đức Giáo Hoàng đã phó thác Giáo Hội cho Mẹ Maria. Với những lời đầy xúc động, ngài nói:
Có biết bao nhiêu vấn đề! Thưa Mẹ, chắc hẳn con phải dâng lên cho Mẹ trong cuộc gặp gỡ này, con xin liệt kê từng vấn đề một. Con phó thác tất cả cho Mẹ, bởi vì Mẹ biết rõ hơn chúng con và Mẹ có thể chăm nom tất cả.
Thưa Mẹ! Vì thế, con đã hiện diện trong nơi thánh thiêng này. Nơi đây ôm ấp không chỉ nước Ba Lan mà còn toàn thế giới, mở rộng đến mọi quốc gia và châu lục trong trái tim từ mẫu của Mẹ. Con xin dâng lên Mẹ toàn thể Giáo Hội mà trong ấy trước hết, con là tôi tớ đầu tiên, và con phó thác Giáo Hội cho Mẹ với một sự tin tưởng không hề lay chuyển!
Trong những chuyến tông du không mệt mỏi qua nhiều châu lục, Đức Giáo Hoàng luôn chiêm ngắm Đức Maria. Chính từ Mẹ mà ngài học biết và công bố vẻ đẹp của lòng trung tín với Chúa và với Tin Mừng của Người. Cũng từ nơi Mẹ, ngài học cách lắng nghe và chuyển trao niềm hy vọng của lời kinh Magnificat. Nhờ Mẹ, ngài học cách làm cho Chúa Kitô trở thành trung tâm điểm toàn bộ hoạt động mục vụ của ngài, bởi vì Đức Maria luôn nói với chúng ta: “Người bảo gì, thì hãy làm theo” (Ga 2, 5).
Chính lòng sùng kính này đã làm cho cử chỉ của Đức Giáo Hoàng thêm rõ ràng và cảm động khi ngài đã tới Fatima để tạ ơn Đức Maria sau vụ tấn công bi thương ngày 13 tháng 05 năm1981. Trong tâm tình ấy, ngài dâng lên Mẹ viên đạn đã không giết chết ngài. Tâm tình con thảo đối với Mẹ đã giải thích cho những cuộc hành hương thường xuyên của ngài đến những đền thánh của Mẹ Maria, nơi đó “chúng ta được kín múc Đức tin từ Mẹ” (Thư kỷ niệm 700 năm Đền thánh Loreto). Đồng thời, lòng sùng kính đó cũng phản ánh lý do Đức thánh Cha luôn nắm chặt chuỗi Mân côi trong tay như giúp ngài cảm thấy sự vững vàng và dịu hiền của Mẹ Maria. Lòng sùng kính làm rõ hơn cho sự trung tín của ngài với buổi đọc kinh Truyền tin, nhờ đó, lời kinh được đưa đến các đường phố, quảng trường và mọi vùng thôn quê trên toàn thế giới. Ngày 13 tháng 05 năm 2000, tôi đã hiện diện ở Fatima, và luôn ghi khắc trong tâm hồn mình khoảnh khắc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong chân phước cho hai trẻ chăn chiên ở Fatima là Jacinta và Francisco, trước sự hiện diện của Lucia, cô gái chăn chiên thứ ba và cùng với đám đông rất lớn (trong đó có nhiều người đi bộ) đến từ khắp nơi trong đất nước Bồ Đào Nha và những nơi xa xôi trên thế giới.
Lời kinh Magnificat lúc ấy thật tuyệt diệu. Lời ngợi khen trải qua bao thế hệ dường như đang trực tiếp có thể đụng chạm được và như mới tức thì. Trên cánh đồng rộng lớn Cova da Iria, muôn ngàn khuôn mặt được mặt trời chiếu sáng đang di chuyển như một con sóng được hơi thở thần khí của Thiên Chúa thổi vào. Đó là những con người nhỏ bé thuộc về Mẹ Maria và là những người bé nhỏ mà Mẹ nói đến trong lời kinh Magnificat. Họ là những người hèn mọn phải ngủ ngoài trời vì không đủ tiền vào khách sạn sang trọng. Trong giây phút đó, những người hèn mọn này cảm thấy họ là hiện thân trong lời kinh của Đức Mẹ.
Từ cảm xúc đổi thành ngạc nhiên khi cuối nghi thức tuyên phong chân phước cho hai mục đồng, Đức hồng y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Toà thánh, đã nhân danh Đức Giáo Hoàng phát biểu:
Như anh chị em đã biết, mục đích của chuyến viếng thăm Fatima là để phong chân phước cho hai trẻ mục đồng. Tuy nhiên, ngài cũng muốn chuyến hành hương này là một cử chỉ biết ơn đối với Đức Trinh Nữ Maria vì Mẹ đã bảo vệ ngài trong những năm trên cương vị giáo hoàng. Sự bảo vệ này dường như cũng được nối kết với phần ba của bí mật Fatima.
Bản văn chứa đựng một thị kiến tiên tri tương tự như những sự kiện được miêu tả trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, bản văn không miêu tả rõ ràng, chi tiết các sự kiện trong tương lai, nhưng tổng hợp và cô đọng những sự kiện nền tảng thống nhất trải dài qua thời gian trong một sự tiếp nối, lâu dài và không rõ ràng. Kết quả là văn bản này phải được giải thích dưới khía cạnh biểu tượng.
Trước hết, thị kiến Fatima liên quan đến cuộc chiến tranh do hệ thống vô thần khơi lên nhằm chống lại Giáo Hội và Kitô giáo. Thị kiến miêu tả những đau đớn mà những chứng nhân của Đức tin đã phải chịu trong những năm cuối của thiên nhiên kỷ thứ hai. Đây chính là Đàng Thánh giá dài vô tận được hướng dẫn bởi các vị Giáo Hoàng thế kỷ XX.
Theo lời giải thích của những mục đồng mà sau này được xác định bởi sơ Lucia, “vị Giám Mục áo trắng” cầu nguyện cho các tín hữu chính là Đức giáo Hoàng. Khi ngài đem tất cả sức lực để đi con đường thập giá của mình trước những thi thể của các anh hùng tử đạo, thì chính ngài cũng đã ngã xuống đất, dường như đã chết, dưới loạt đạn nổ.
Sau vụ ám sát ngày 13 tháng 05 năm 1981, đối với Đức Thánh Cha, rõ ràng là cánh tay hiền mẫu đã hướng đường đi của viên đạn, bàn tay ấy có thể làm cho Đức Giáo Hoàng “đang gần kề cái chết” được dừng lại trước ngưỡng cửa cái chết[3]. Trong một dịp viếng thăm Rôma của một vị sau này là giám mục giáo phận Leiria Fatima, Đức Giáo Hoàng đã quyết định trao cho vị này viên đạn vẫn găm lại trong xe Jeep sau vụ tấn công, để được lưu giữ trong đền thánh. Theo lệnh của vị giám mục, sau này viên đạn đã được đính vào vương miện tượng Đức Mẹ Fatima.
Những sự kiện tiếp nối năm 1989 đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản vốn chủ trương đẩy mạnh chủ nghĩa vô thần ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu. Vì điều này, Đức Thánh Cha thành tâm cảm tạ Đức Mẹ. Trong nhiều nơi khác trên thế giới, những vụ tấn công chống lại Giáo Hội, chống lại các Kitô hữu cùng với gánh nặng đau khổ vẫn tiếp diễn một cách bi thảm. Thậm chí nếu những biến cố liên quan đến phần ba bí mật Fatima bây giờ dường như là một phần của quá khứ thì lời kêu gọi ăn năn sám hối của Đức Trinh Nữ Maria vào đầu thế kỷ XX vẫn còn hợp thời và cấp bách cho đến ngày nay. Đức Trinh Nữ của sứ điệp dường như đã đọc dấu hiệu của thời đại chúng ta với một sự thấu hiểu đặc biệt. Lời mời gọi ăn năn khẩn thiết của Mẹ Maria Rất Thánh không là gì ngoài việc biểu lộ sự quan tâm hiền mẫu của Mẹ đối với số phận gia đình nhân loại, luôn cần phải ăn năn và xin ơn tha thứ.[4]
Để các tín hữu có thể biết rõ hơn sứ điệp của Đức Trinh Nữ Fatima, Đức Giáo Hoàng đã trao cho Bộ Giáo lý và đức Tin công bố phần ba bí mật Fatima kèm theo một lời giải thích hợp lý.
Vào lúc đó, tôi đã nhận thức rõ ràng biến cố Fatima không phải là lý do sùng kính Đức Trinh Nữ Maria của Đức Gioan Phaolô II. Thật là sai trái khi nghĩ điều này bởi vì chân lý đi theo một đường lối khác. Lòng sùng kính Đức Maria là lý do và là lời giải thích cho những sự kiện của Fatima. Bởi vì Đức Giáo Hoàng rất yêu mến Đức Maria và đã thưa với Mẹ Totus tuus. Qua biến cố Fatima, Mẹ đã làm cho ngài cảm thấy tất cả chân lý và sự dịu dàng từ mẫu của Mẹ.'
Vì thế, lòng sùng kính Đức Maria của Đức Gioan Phaolô II đã xuất hiện trước biến cố ngài bị tấn công và sứ điệp Đức Maria ban cho các mục đồng được nối kết với nhau; do đó, không phụ thuộc vào biến cố Fatima. Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ hoàn toàn được đặt trên nền tảng Tin Mừng, trên Lời Chúa. Trong tông thư Tertio Millennio Adveniente – Ngàn năm thứ Ba đang tới, ngài viết:
Lời đáp của Mẹ Maria đối với Sứ thần không chút lưỡng lự: “Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: ‘Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời thiên sứ nói.’ Rồi thiên sứ từ biệt ra đi.” (Lc 1,38). Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, lời đáp trả lại phụ thuộc vào lời đồng thuận của một thụ tạo đến như vậy (số 2).
Trong việc sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, Đức Gioan Phaolô II đã cho thấy ngài là một người trung tín, một tôi tớ can đảm và đích thực của Chân lý như sách Khải Huyền đã nói.
Vì lý do này, lòng biết ơn của chúng ta ngày hôm này phải mạnh mẽ hơn và được bảo đảm hơn. Mỗi khi suy niệm kinh Mân côi và đọc kinh Kính mừng, một lời tung hô tự phát nảy ra từ tâm hồn của chúng ta: Totus tuus, Maria.
Đây chính là di sản về Đức Maria mà Đức Gioan Phaolô II đã để lại cho chúng ta.
Nguồn: daminhvn.net (22/10/2024)
_______
[1] Đảo Sicily, trung tâm hoạt động của Mafia.
[2] x. Tv 91, 13.
[3] Đức Gioan Phaolô II, Suy niệm với các giám mục Ý từ bệnh viện Gemelli (Insegnamenti, tập 17/1,1994, tr. 1061).
[4] Đức Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày Quốc tế Bệnh nhân 1997, số 1.