THÁNG HOA: “LẠY MẸ XIN YÊN ỦI”
Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 09/05/2020
WHĐ, 09-05-2020
- Mặc dù nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã tiến hành nới lỏng
các biện pháp cách ly phong tỏa sau khi đã phần nào khống chế được sự lây lan
của virút Corona, nhưng các sinh hoạt xã hội và giáo hội vẫn chưa thể hoàn toàn
trở lại bình thường vì sự thận trọng cần thiết trong quá trình giải quyết hậu
quả của đại dịch Covid-19. Tin vui mừng bắt đầu được loan đi vì Thánh lễ có sự
tham dự của giáo dân bắt đầu được tái lập tại các giáo phận trong nước nhưng
các lễ hội đông đúc vẫn tiếp tục nằm trong diện cần phải được hạn chế. Đang khi
đó trên thế giới tại một số nơi khác với sự hiện diện đông đảo của bà con người
Việt như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Úc thì lệnh nới lỏng các biện pháp khống chế sinh
hoạt tôn giáo cộng đồng vẫn nằm trong sự cân nhắc dè dặt của chính quyền dân
sự. Do đó mùa hoa năm nay cho đến thời điểm này có thể được xem là mùa hoa
“chay”. “Chay” về hình thức, “chay” trong tinh thần và “chay” cả trong hệ quả
đi kèm. Trước tình cảnh không mấy sáng sủa do dịch bệnh gây ra, chúng ta không
quên chạy đến cầu khấn cùng Mẹ Maria bằng lời ca quen thuộc do Linh Mục Nguyễn
Khắc Xuyên viết: “Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn. Mẹ từ bi xin xóa những
nỗi u buồn.” Khi chạy đến cùng Mẹ trong đại dịch chúng ta không những được ơn
an ủi mà còn được ơn soi sáng. Mùa hoa “chay” không hẳn là một thiệt thòi nhưng
trái lại mùa hoa năm nay đích thực là một ân ban Mẹ ưu ái tặng ban cho những ai
chạy đến cùng Mẹ.
“Chay”
về Hình Thức
Sở
dĩ gọi là mùa hoa “chay” là vì mùa hoa năm nay thiếu đi những cuộc rước long
trọng và những điệu vũ tiến hoa công phu đặc sắc. Hằng năm, các xứ đạo thường
chu đáo lên kế hoạch cho tháng hoa kính Đức Mẹ từ rất sớm. Các khâu chuẩn bị từ
xây dựng kịch bản, chọn lựa con hoa, tập hát, tập múa, chọn ngày dâng hoa…
thường được các cộng đoàn lên kế hoạch tỉ mỉ chi tiết. Tại một số nơi, nhất là
các xứ đạo thuộc miền Bắc Việt Nam, bà con giáo dân hay nói đúng hơn mọi thành
phần dân Chúa đều hăng hái tham gia trong việc tổ chức dâng hoa Kính Đức Mẹ.
Hơn một tháng rưỡi qua, việc tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các Bí Tích trong
mùa Covid đã là điều vô cùng khó khăn huống chi là việc tổ chức dâng hoa kính
Đức Mẹ. Cho dù lệnh nới lỏng các biện pháp đối phó dịch bệnh vừa được công bố
và tình hình tương lai có phần khởi sắc nhưng chúng ta vẫn nhận thấy rằng ít
nhất tuần lễ vừa rồi, tuần đầu tiên của tháng Năm đã lặng lẽ trôi qua không kèn
không trống, không cờ không kiệu, không hoa năm sắc không nến sáng hương trầm.
Xét về hình thức, rõ ràng tháng hoa năm nay yên ắng trầm lặng. Gọi là tháng hoa
“chay” là vì lẽ ấy.
Đối
với những tấm lòng mộ đạo của đông đảo bà con giáo hữu khắp cả nước Việt Nam
thì những thiếu vắng này chắc chắn để lại một khoảng trống vô cùng lớn lao
trong trái tim của họ. Nỗi nhớ nhung của những giáo dân coi trọng việc dâng hoa
kính Đức Mẹ lớn đến độ họ phải tìm về với quá khứ, xem lại những thước phim lưu
niệm tháng hoa của những năm về trước. Nhớ nhung tiếc nuối là điều có thật. Tuy
nhiên, mùa hoa thiếu thốn những buổi dâng hoa cộng đồng không hẳn là điều gì đó
tệ hại đáng khắc phục. Mùa hoa “chay” xét cho cùng lại là một cơ hội quý báu để
các tín hữu biết tìm hiểu điều Chúa muốn hơn là điều bản thân họ muốn. Thiên
Chúa có đường lối của Thiên Chúa. Cách thế Người bù đắp cho những ai trông cậy
vào Người thì vượt sức chúng ta nghĩ đến: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết
mấy: Hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người. Kính sợ Chúa đi đoàn dân thánh hỡi vì
ai kính sợ Chúa chẳng thiếu thốn chi…Ai tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì” (Tv
34, 9-11). Tìm kiếm thánh ý Chúa không những giúp chúng ta dễ dàng vượt qua
nghịch cảnh trước mắt mà còn giúp chúng ta sớm đạt tới tầm cao trong đời sống
đức tin.
“Chay”
trong Ý Hướng
Chay
tịnh và khổ chế không phải là thực hành tâm linh chỉ riêng người Công giáo thực
hiện. Thực tế cho thấy tín đồ nhiều tôn giáo khác cũng ăn chay và thực hành khổ
chế. Tuy nhiên các Kitô hữu ăn chay không phải vì chúng ta có ý khinh miệt thể
xác, lại càng không phải vì lý do muốn dứt bỏ thân xác vật chất mà Thiên Chúa
dựng nên. Dựa vào giáo huấn Thánh Kinh và Thánh Truyền, các tín hữu Công Giáo
nhận ra một sự thật căn bản nơi thể xác của con người. Con người chúng ta ai
cũng muốn sống và để sống được chúng ta cần phải ăn. Sự đói khát của ăn vật
chất khiến con người nhận ra một nỗi khát khao khác còn sâu xa hơn, đó chính là
khát khao Đấng ban sự sống. Chúng ta còn nhớ Kinh thánh có lời dạy rằng: “Người
ta sống không nguyên bởi cơm bánh nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa
phán ra” (x. Mt 4, 4). Quả vậy, một khi con người không còn biết khao khát
Thiên Chúa và dại dột chối bỏ thân phận thụ tạo của bản thân thì ngay tức khắc
con người rơi vào tình trạng lệch lạc và thái quá. Thực tế cho thấy những kẻ tự
phụ đề cao sự thành công của bản thân đến độ “coi trời bằng vung” (biểu hiện
của nếp sống thái quá) lại chính là những người dễ chè chén say sưa (biểu hiện
của lối sống hưởng thụ lệch lạc). Một khi đã thẳng thừng chối bỏ vai trò của
Thiên Chúa trong cuộc đời họ thì những người này cũng chẳng coi ai ra gì. Họ
sẵn sàng phớt lờ sự đói khát cơ cực của anh chị em túng thiếu cơ bần ở cạnh
ngay bên (x. Dụ Ngôn Ông Nhà Giàu và Anh La-da-rô nghèo khó, Lc 16, 19-31).
Chối
bỏ sự lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa, con người cũng cắt bỏ tình liên đới với đồng
loại bằng cung cách sống sa hoa lệch lạc. Chính vì hiểu như thế, nên người Công
Giáo chúng ta dùng chay tịnh và khổ chế để nhắc nhớ thân phận thụ tạo của mình.
Ăn chay hãm mình là phương thế giúp chúng ta trước hết khiêm tốn nhìn nhận sự
yếu hèn của phận người để luôn nhớ rằng lúc nào chúng ta cũng cần đến ơn Chúa
sau là để nhắc nhở bản thân cần lưu tâm đến anh chị em xung quanh. Ý nghĩa đích
thực của chay tịnh đã được diễn tả cô đọng trong phụng vụ Thánh Lễ Mùa Chay:
“Lạy Chúa, Chúa đã muốn chúng con dùng việc hãm mình mà tạ ơn Chúa, để nhờ đó
chúng con là những người tội lỗi giảm bớt được tính kiêu căng và khi giúp nuôi
dưỡng những kẻ túng thiếu, chúng con trở nên những người biết noi theo lòng
nhân hậu của Chúa” (x. Lời Tiền Tụng Mùa Chay III trong sách Lễ Rôma). Theo ý
nghĩa đó, mùa hoa “chay” không chỉ là vì một vài thiếu thốn nơi các hoạt động
lễ nghi bên ngoài, nhưng chính là ý hướng tích cực bên trong. “Chay” để nhớ đến
Chúa và quan tâm đến lợi ích của tha nhân. Những ngày còn lại của mùa hoa năm
nay cho dù có những buổi dâng hoa hoành tráng hay không rồi thì cũng sẽ để lại
dấu ấn đẹp đẽ nơi tâm hồn các tín hữu nếu ai ai cũng biết dâng lên Mẹ
những đóa hoa lòng tươi thắm: đó là những tấm lòng từ bi bác ái sùng kính Mẹ
không chỉ trên môi miệng nhưng bằng hành động-thực thi lời Mẹ nhắn nhủ: “Người
bảo gì các con hãy làm theo” (x. Ga 1, 5).
Hoa
Trái của Mùa Hoa “Chay”
Mùa
hoa về giữa lúc nhân loại còn hoang mang vì vẫn phải tiếp tục đương đầu với
dịch bệnh hoặc ít là phải đối phó với hậu quả của nó. Từ đầu tháng Năm đến giờ,
con cái Mẹ khắp nơi đã không thể tổ chức các cuộc dâng hoa long trọng trong
ngày khai mạc tháng kính Đức Mẹ. Nhưng thay vào đó, lòng thảo hiếu đối với Mẹ
như được nâng lên một bậc khi được diễn tả bằng những phương thế khác, những
việc làm đặt nặng giá trị tinh thần hơn vật chất. Hướng về tháng Đức Mẹ, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã viết thư kêu gọi các Kitô hữu khắp nơi tái khám phá nét
đẹp của Kinh Mân Côi, tái thiết lập việc đọc kinh chung nơi các gia đình và
thắt chặt thêm tình liên đới với các nạn nhân của virút Corona bằng cách cầu
nguyện cho họ nhiều hơn nữa. Tiếp nối lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, các Hội
Đồng Giám Mục nhiều nơi trên thế giới lần lượt tuyên bố sẽ cử hành nghi thức
dâng hiến đoàn chiên quốc gia họ cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria vào ngày đầu
tháng Năm. Các vị chủ chăn có ý giúp chúng ta xác quyết hơn vào ơn bảo trợ đặc
biệt của Mẹ và kêu gọi đoàn dân Chúa sớm quay về đón nhận lòng thương xót hải
hà của Thiên Chúa. Những lời Mẹ nhắn nhủ khi xưa tại Fatima sau những tháng
ngày bị lãng quên nay đã được nhiều người nhắc lại. Gần đây, có rất nhiều người
kể cả các bạn trẻ cũng đã thành tâm thực hành lời Mẹ truyền dạy: Cải thiện bản
thân, tôn sùng trái tim Mẹ và năng lần chuỗi Mân Côi. Đây quả là những hoa trái
thiêng liêng tốt đẹp đang từng ngày trổ sinh từ những tâm hồn màu mỡ đượm thắm
tinh thần chay tịnh đó là hy sinh và bác ái.
Tháng Hoa năm
nay, giáo hữu Việt Nam khắp nơi có thể thay những tràng hoa ngũ sắc bằng tâm
tình khiêm tốn cầu nguyện, liên đới hiệp thông và bác ái yêu thương. Đoàn con Việt Nam cũng có thể
dâng lên Mẹ bầu khí linh thiêng của giờ kinh gia đình, hơi ấm chứa đựng trong
những gói quà cứu trợ, những lời kinh Kính Mừng, những nén nhang cầu cho những
người quá cố ra đi trong cô quạnh vì bị cách ly, tất cả những nghĩa cử này như
kết thành một vũ khúc tiến hoa đặc sắc chúng ta thành tâm dâng lên Mẹ trong
hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Mùa hoa “chay” chính là mùa hoa thấm đượm lòng
mến Chúa yêu người. Và như thế tháng hoa “chay” sẽ rất ấn tượng vì đầy ắp những
cử chỉ quan tâm, động viên, san sẻ. Chúng ta cũng không rằng tâm tình chay tịnh
là bước quan trọng chuẩn bị cho niềm vui phục sinh. Vì vậy, hôm nay, với tin
vui vì các sinh hoạt tôn giáo cộng động tại Việt Nam đã được khôi phục lại,
chúng ta lại càng phải thực hiện nhiều hoa hy sinh hơn để tạ ơn Chúa và tri ân
Mẹ. Chúng ta đã nhận được “niềm an ủi thật sự” từ Thiên Chúa qua bàn tay Mẹ
Maria thì đến phiên mình, chúng ta cũng cần trao ban cho nhau niềm an ủi
ấy.
Sau cùng, để củng cố lòng yêu mến của chúng ta đối với Mẹ Maria, chúng ta hãy thực hiện lời khuyên của các Đấng bản quyền là tiếp tục lần chuỗi thật nhiều để cầu nguyện cho toàn thế giới sớm thoát nạn Covid-19. Ngoài Kinh Mân Côi, Thánh Bê-na-đô còn chia sẻ một bí quyết khác khá đơn giản nhưng hiệu nghiệm, đó là năng kêu cầu thánh danh Mẹ Maria với trọn niềm tin tưởng cậy trông. “Lạy Đức Nữ Trinh Maria, hạnh phúc thay người mến mộ thánh danh Mẹ vì ơn phúc Mẹ sẽ yên ủi linh hồn kẻ ấy” (theo Thánh Bê-na-đô, Tuyển tập Thánh Thi Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Thi 1). Chúng ta cùng nhắc đến tên Mẹ với lòng trìu mến thảo hiền để cảm nhận vòng tay âu yếm an ủi của Mẹ qua bài hát ÔI MARIA.