CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 3 CHÚA PHỤC SINH NĂM A
Bài 10: SỰ KIỆN “HIỆN RA” TRONG TRÌNH THUẬT KINH THÁNH

Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

WGPSG (19.04.2023) - Tân Ước kể lại hơn 10 lần Đức Giê-su Phục Sinh đã hiện ra với nhiều người, không chỉ trong 40 ngày Người lưu lại trần gian trước khi biến cố Thăng Thiên, mà sau này Người còn hiện ra với tông đồ Phao-lô nữa (x. 1 Cr 15,5-8).

Trong ba Chúa Nhật đầu của Mùa Phục Sinh, các bài Tin Mừng thuật lại những lần “hiện ra” của Chúa Giê-su sau khi Người sống lại : Với các phụ nữ ra viếng mộ Chúa, với hai môn đệ trên đường Em-mau, với các môn đệ trong nhà tiệc ly, hay với các môn đệ ở Biền Hồ Ti-bê-ri-a.

Việc “hiện ra” có tầm quan trọng cho đức tin của Hội Thánh thời sơ khai, là một chứng tích mạnh mẽ để củng cố niềm tin của các tông đồ và môn đệ vào Chúa Phục Sinh, vì thế thánh Phao-lô đã cẩn thận liệt kê những lần “hiện ra” của Chúa Phục Sinh : “Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi” (1 Cr 15,5-8).

Từ ngữ “hiện ra” dễ làm người ta liên tưởng đến những chuyện cổ tích thần thoại, ví dụ như, một người ăn ở hiền lành gặp cảnh cùng cực bất công, được ông Bụt hay bà Tiên hiện ra giúp đỡ. Văn phong kể truyện thường mang màu sắc thần kỳ, khiến người ta ngỡ ngàng sợ hãi. Có những cuộc hiện ra trong Cựu Ước được miêu tả theo cách uy nghi này.

Các sách Tin Mừng thì kể lại những lần Chúa Phục Sinh hiện ra bằng một lối văn nhẹ nhàng, trong những khung cảnh tự nhiên và thân ái, nhưng mang tính mặc khải rất quan trọng.

Trước khi nói về sự hiện ra của Đức Ki-tô trong Tân Ước, chúng ta xem trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Ít-ra-en qua những lần hiện ra với các tổ phụ và những người lãnh đạo dân Chúa như thế nào ?

Một điều đáng nói là trong ngôn ngữ Kinh Thánh, không có thuật ngữ “hiện ra” mà chỉ có động từ “thấy” trong tiếng Híp-ri cũng như Hy-lạp.

Trong tiếng Híp-ri, động từ ra-ah (rāʾāʰ רָאָה) có nghĩa là thấy, nhìn thấy. Nhưng con người làm sao có thể thấy Thiên Chúa được, vì Kinh Thánh nói : “Con người không thể thấy Thiên Chúa mà vẫn sống”(Xh 33,20). Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, Thiên Chúa cho con người được thấy Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, động từ ra-ah (rāʾāʰ רָאָה) được dùng hơn 1.200 lần, nhưng chỉ có 24 lần ở dạng thụ động, kèm theo giới từ êl (ʾel אֶל) hoặc  (bǝ בְּ), nghĩa là “cho (ai đó) nhìn thấy và được dịch là “hiện ra với (x. St 12,7 ; 17,1 ; 18,1 ; 26,2 ; Xh 3,2.16 ; 4,1.5 ; 16,10 ; Tl 6,12 ; Ds 14,10 ; 1 V 3,5 ; 9,2 ; Gr 31,3 v.v...). Trong Cựu Ước có một đôi lần Kinh Thánh dùng kiểu nói : Thiên sứ của ĐỨC CHÚA (Xh 3,2 ; Tl 6,12) hoặc Vinh quang ĐỨC CHÚA (Lv 9,6 ; Ds 16,19) cũng là chính ĐỨC CHÚA hiện ra.

Bản Bảy Mươi (LXX) và các tác giả Tân Ước, đặc biệt là thánh Lu-ca và thánh Phao-lô, đã dùng động từ hô-ra-o (ὁραω) cũng có nghĩa là thấy, nhìn thấy, đặt ở thể thụ động thành op-thê (ὠφθή) nhưng mang nghĩa chủ động nên được dịch là hiện ra (x. Lc 24,34 ; Cv 7,2.30 ; 13,31 ; 1 Cr 15,5.6.7.8). Còn thánh Mác-cô và thánh Gio-an dùng động từ pha-ne-rô-o (φανεροω), cũng ở thể thụ động và có nghĩa là tỏ mình ra cho các môn đệ (x. Mc 16,12.14 ; Ga 21,1.14).

Qua việc tìm hiểu về từ ngữ được tác giả Kinh Thánh dùng để tường thuật những lần Thiên Chúa hay Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra, chúng ta rút ra những nhận xét sau :

1. Thiên Chúa cho con người được thấy Thiên Chúa, chứ không phải con người có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa ; cũng không phải do trí tưởng tượng tạo ra. Đặc biệt là với Đức Giê-su Phục Sinh : Việc hiện ra do sáng kiến của Chúa và phải qua một dấu chỉ, các môn đệ mới nhận ra Chúa. Như hai môn đệ trên đường Em-mau, trò chuyện với một người mới quen trong suốt quãng đường dài, chỉ đến khi đồng bàn, qua cử chỉ bẻ bánh, hai ông mới chợt nhận ra Chúa (x. Lc 24,30-31). Bà Ma-ri-a Mác-đa-la chỉ nhận ra Chúa với giọng nói quen thuộc gọi chính tên bà, mà ban đầu bà tưởng đó là người làm vườn (x. Ga 20,14-16). Với một mẻ lưới đầy ắp cá, thánh Gio-an nhận ra Chúa, mà lúc đầu các môn đệ tưởng đó cũng là một ngư phủ như các ông (x. Ga 21,4-7).

2. Việc hiện ra của Thiên Chúa, của Chúa Giê-su không phải để thoả mãn tính hiếu kỳ của con người, cũng không phải để mê hoặc hay hù doạ con người. Việc hiện ra luôn kèm theo một sứ mạng được giao phó : Áp-ra-ham được Chúa hiện ra bảo ông phải rời bỏ quê hương xứ sở, để đến một miền đất được ban và để trở nên tổ phụ của một dân (St 12,1-7) ; Mô-sê được Chúa hiện ra trao sứ mạng giải phóng dân Ít-ra-en khỏi nô lệ Ai-cập (Xh 3,2-10) v.v…

Những lần hiện ra của Chúa Giê-su với các môn đệ còn mang một ý nghĩa quan trọng hơn : Trước hết là, Chúa Phục Sinh hiện ra với một thân xác còn mang những dấu tích của cuộc thương khó, Người còn cho phép ông Tô-ma rờ vào những vết thương để kiểm chứng (x. Ga 20,19-20.27) ; với thân xác thật sự, Chúa Giê-su đã “cầm khúc cá nướng mà ăn trước mặt các môn đệ” (x. Lc 24,39-43) ; thân xác của Chúa Giê-su trong cuộc sống trần gian và thân xác Phục Sinh chỉ là một, nhưng nay là “thân xác có thần khí” (1 Cr 15,44), hay “thân xác vinh hiển” (Pl 3,21). Chúa Giê-su Phục Sinh vượt trên mọi chi phối bởi không gian và thời gian. Vì thế khi các tông đồ đang tụ họp trong căn phòng cửa còn đóng kín, thì Chúa Giê-su Phục Sinh hiện đến giữa các ông (x. Ga 20,19).

Cũng như thời Cựu Ước, Chúa Giê-su hiện ra không chỉ để củng cố đức tin của các tông đồ và các môn đệ, mà còn giao phó sứ mạng cho các ngài : Đi rao giảng và dạy dỗ muôn dân (Mt 28,19-20), làm cho người ta tin và chịu phép rửa để được cứu độ (Mc 16,14-16), trao ban quyền tha tội (Ga 20,21-23), giao phó việc chăm sóc đoàn chiên của Chúa (Ga 21,15-17). Đặc biệt là cuộc hiện ra với thánh Phao-lô trên đường đi Đa-mát (Cv 9,1-22), Chúa Giê-su Phục Sinh đã biến đổi một Sao-lô đi bắt bớ các tín hữu Chúa, trở nên một tông đồ và thánh nhân đã để lại cho Giáo Hội một kho tàng giáo lý sâu sắc, qua những lá thư ngài viết cho các giáo đoàn cũng như cho những cá nhân.

Có lẽ một đôi khi chúng ta tự hỏi, suốt gần 2.000 năm qua, Hội Thánh gặp bao nhiêu sóng gió, và rất nhiều người mất đức tin, tại sao Chúa không hiện ra để củng cố niềm tin của Hội Thánh, làm cho Hội Thánh chiến thắng mọi trở ngại để phát triển tốt đẹp hơn ? Tin Mừng đã trả lời cho chúng ta rằng : Chúa vẫn luôn hiện diện trong Hội Thánh bằng thể thức khác mà chỉ có đức tin mới nhận ra Người, chính Người đã chẳng hứa sẽ ở cùng Hội Thánh mọi ngày cho đến tận thế đó sao ? (Mt 28,20), và chúng ta tuy không được nhìn thấy Chúa hữu hình, nhưng chúng ta lại là những người có phúc nếu chúng ta có đức tin, vì trong lần hiện ra với đầy đủ các tông đồ, Chúa Giê-su Phục Sinh đã tuyên bố : “Phúc thay những người không thấy mà tin ! (Ga 20,29).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh,

Trên hành trình theo Chúa, rất nhiều khi chúng con cảm thấy chao đảo và nản chí. Xin Chúa hãy đến đồng hành với chúng con và lấy Lời của Ngài mà sưởi ấm tâm hồn chúng con, để như hai môn đệ trên đường Em-mau năm xưa, lòng chúng con cũng được bừng cháy lên mỗi khi nghe Lời Chúa. Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố của đời thường để luôn tín thác và sống đẹp lòng Chúa. A-men.

Nguồn: tgpsaigon.net