SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA
CHO NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI
LẦN THỨ 28 – NĂM 2013
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ ” (Mt 28, 19)
Các bạn trẻ thân mến,
Cha gởi đến cho mỗi người trong các con lời chào đầy niềm
vui và yêu thương. Cha chắc chắn rằng nhiều người trong các con sau khi trở về
từ Ngày Quốc Tế Giới Trẻ ở Madrid 2011, còn “được bén rễ sâu và xây dựng
trong Chúa Kitô, được củng cố trong đức tin” hơn nữa (Cl 2, 7). Nơi các
giáo phận, năm nay chúng ta đã cử hành niềm vui là người kitô hữu, được gợi hứng
bởi chủ đề: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa!” (Pl 4,
4). Giờ đây, chúng ta chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp đến, sẽ được cử
hành tại Rio de Janeiro, ở Bra-xin vào năm 2013.
Trước tiên, Cha muốn lặp lại lời mời các con tham dự thật
nhiều vào biến cố quan trọng này. Bức tượng Chúa Kitô Cứu Thế nổi tiếng vươn
cao trên thành phố xinh đẹp Rio de Janeiro sẽ là biểu tượng
hùng hồn cho lời mời gọi này: đôi cánh tay rộng mở của Ngài là dấu chỉ đón tiếp
mà Chúa Kitô Cứu Thế sẽ dành cho tất cả những ai sẽ đến với Ngài và Trái Tim của
Ngài tượng trưng cho một tình yêu bao la Ngài dành cho mỗi người trong các con.
Hãy để Ngài lôi cuốn các con! Hãy sống kinh nghiệm gặp gỡ này với Chúa Kitô
cùng với nhiều bạn trẻ khác sẽ quy tụ về Rio de Janeiro trong
ngày gặp gỡ quốc tế sắp đến! Hãy để cho Ngài yêu thương các con và các con sẽ
là những chứng nhân mà thế giới đang cần đến.
Cha khuyến khích các con chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ ở Rio
de Janeiro, bằng việc suy niệm từ bây giờ chủ để của cuộc gặp gỡ này: “Anh
em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ ” (Mt 28, 19). Đó
là lời cổ vũ truyền giáo lớn lao mà Chúa Kitô đã để lại cho toàn thể Giáo Hội
và, sau 2000 năm, vẫn còn tính thời sự của nó.
Lời kêu gọi truyền giáo này giờ đây phải vang vọng cách mạnh
mẽ nơi tâm hồn các con. Năm chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ở Rio de Janeiro trùng
với Năm Đức Tin, mà khởi đầu nó, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã làm việc về chủ đề
“Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin”. Vì thế, các bạn trẻ thân mến,
Cha vui mừng vì các con cũng được liên kết với nhiệt huyết truyền giáo này của
toàn thể Giáo Hội: làm cho Chúa Kitô được nhận biết là một dâng hiến cao quý nhất
mà các con có thể làm cho người khác.
1. Một lời mời gọi cấp bách
Lịch sử đã cho chúng ta thấy có biết bao bạn trẻ đã đóng góp
cách cao thượng, qua việc quảng đại trao ban chính mình, cho sự ngự trị của Nước
Thiên Chúa và cho việc phát triển thế giới này bằng việc loan báo Tin Mừng. Bằng
một nhiệt huyết lớn lao, họ đã mang Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu
lộ trong Chúa Kitô, với những phương tiện và những điều kiện thấp kém hơn nhiều
với những phương tiện mà chúng ta có được hôm nay. Chẳng hạn, Cha nghĩ đến Chân
phước José de Anchieta, một tu sĩ trẻ dòng Tên, người Tây Ban Nha, vào thế kỷ
XVI, đi truyền giáo ở Bra-xin khi chưa đến tuổi 20, và đã trở thành một đại
tông đồ của Thế Giới Thứ Ba. Nhưng Cha cũng nghĩ đến tất cả những ai trong các
con quảng đại trao ban chính mình vì công cuộc truyền giáo của Giáo Hội: Cha đã
là một chứng nhân đầy thán phục cho điều đó vào dịp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ ở
Madrid, cách riêng dịp Cha gặp gỡ các tình nguyện viên.
Ngày nay, nhiều người trẻ nghi ngờ cách sâu xa về sự tốt
lành của cuộc sống và tìm cách làm thế nào tiến tới trong cuộc đời. Cách chung
chung hơn, khi đối diện với những khó khăn hiện nay mà thế giới đang trải qua,
nhiều người trẻ đã tự vấn: chúng ta phải làm gì ? Ánh sáng của đức tin sẽ
soi sáng cho sự tối tăm này và làm cho chúng ta hiểu rằng mọi cuộc sống đều có
một giá trị vô giá bởi vì nó là hoa trái của tình thương của Thiên Chúa. Ngài
cũng yêu thương những người đã xa rời Ngài và đã quên Ngài. Ngài kiên nhẫn chờ
đợi. Vả lại, Ngài đã trao ban Con của Ngài, Đấng đã chết và phục sinh, để giải
thoát chúng ta hoàn toàn khỏi sự dữ. Và Chúa Kitô đã sai các môn đệ của Ngài để
mang cho mọi dân tộc tin vui cứu độ và sự sống mới này.
Trong sứ mạng Phúc Âm hóa của mình, Giáo Hội cũng tin cậy
vào các con. Các bạn trẻ thân mến, các con là những nhà truyền giáo đầu tiên giữa
các bạn đồng lứa của các con. Kết thúc Công đồng chung Vatican II, mà chúng ta
đang mừng kỷ niệm 50 năm, Tôi tớ Chúa là đức Phaolô VI đã gởi cho các bạn trẻ của
toàn thế giới một sứ điệp được bắt đầu như thế này: “Sau hết Công Ðồng muốn
gửi cho các bạn thanh niên và thiếu nữ toàn thế giới bức sứ điệp sau cùng vì
chính các bạn sắp được nhận lấy ngọn đuốc từ tay phụ huynh và sẽ sống trong thế
giới vào lúc diễn ra những biến đổi vĩ đại nhất của lịch sử. Chính các bạn,
trong khi thừa hưởng phần tốt nhất của gương sáng và giáo huấn nơi cha mẹ cũng
như thầy dạy, các bạn đang tiến tới việc kiến tạo xã hội ngày mai: các bạn sẽ tự
cứu được mình hay sẽ bị tiêu diệt cùng với xã hội ấy.» Và ngài đã kết thúc
bằng lời mời gọi này: “Hãy nhiệt tâm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cái
thế giới của đàn anh các bạn!» (Sứ điệp của đức Phaolô VI gởi cho giới
trẻ, 8.12.1965).
Các bạn trẻ thân mến, lời mời gọi này vẫn còn tính thời sự rất
cao! Chúng ta đang trải qua một giai đoạn rất đặc biệt của lịch sử nhân loại.
Tiến bộ kỹ thuật đã mang lại cho chúng ta những khả năng tương tác chưa từng có
giữa những con người và giữa các dân tộc. Nhưng việc toàn cầu hóa những
trao đổi mà chúng ta nhận thấy sẽ chỉ thành công và chỉ làm cho nhân loại lớn
lên trong chừng mực nó được xây dựng không phải trên chủ nghĩa duy vật, nhưng
trên tình yêu, là thực tại duy nhất có khả năng đổ đầy tâm hồn con người và nối
kết các dân tộc. Thiên Chúa là tình yêu. Người nào lãng quên Thiên Chúa thì
không có hy vọng và không thể yêu thương đồng loại của mình. Vì thế, điều cấp
bách là làm chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa, để mỗi người có thể sống nhờ
đó. Ơn cứu độ của nhân loại và ơn cứu độ của mỗi người chúng ta có quan hệ đến
điều đó. Người nào hiểu được sự cần thiết này chỉ có thể thốt lên với thánh
Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!» (1Cr 9,
16).
2. Hãy trở nên môn đệ của Thầy
Lời kêu gọi truyền giáo này cũng được nói với các con vì một
lý do khác: các con cần đến điều đó cho hành trình đức tin cá nhân của các con.
Chân Phước Gioan-Phaolô II đã viết: “Đức tin lớn lên khi ta ban tặng nó”
(Thông điệp Redemptoris Missio, số 2). Chính khi loan báo Tin Mừng
mà các con bén rễ sâu trong Chúa Kitô và trở nên những kitô hữu trưởng thành. Sự
dấn thân truyền giáo là một chiều kích thiết yếu của đức tin: ta không thể là một
tín hữu đích thực mà không loan báo Tin Mừng. Và việc loan báo Tin Mừng là hệ
quả của niềm vui đã gặp gỡ Chúa Kitô và đã nhận ra nơi Ngài là đá tảng trên đó
cuộc sống của chúng ta được xây dựng. Khi dấn thân phục vụ người khác và loan
báo Tin Mừng cho họ, cuộc sống của các con, rất thường bị phân tán giữa những
hoạt động khác, sẽ tìm thấy sự thống nhất trong Chúa. Các con sẽ xây dựng bản
thân, sẽ lớn lên và sẽ trở nên luôn luôn phong phú hơn trong đời sống nhân bản.
Nhưng trở thành nhà truyền giáo có nghĩa là gì ? Trở
thành nhà truyền giáo trước tiên giả thiết chính mình trở thành người môn đệ của
Chúa Kitô, không ngừng lắng nghe tiếng gọi bước theo Ngài, tiếng gọi nhìn lên
Ngài: “Hãy trở nên môn đệ của Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng trong
lòng” (Mt 11, 29). Bởi thế, một người môn đệ, đó là người lắng nghe Lời
Chúa Giêsu (x. Lc 10, 39), nhìn nhận Ngài như là người Thầy Nhân Lành, Đấng đã
yêu thương chúng ta cho đến độ dâng hiến mạng sống mình. Vì thế, đối với mỗi
người trong các con, đó là mỗi ngày để cho Lời Chúa uốn nắn bản thân: Lời Chúa
sẽ làm cho các con trở thành bạn hữu của Chúa Giêsu, có khả năng dẫn đưa các bạn
trẻ khác vào trong tình bạn này với Ngài.
Cha khuyên các con nhớ lại những ân huệ nhận được từ Thiên
Chúa để đến lượt các con thông truyền chúng. Hãy học đọc lại lịch sử bản thân của
các con, cũng hãy ý thức về gia sản tuyệt vời nhận được từ các thế hệ đã qua:
biết bao tín hữu đã thông truyền cho chúng ta đức tin cách can đảm, đôi khi
đương đầu với những thử thách cam go và những thiếu hiểu biết. Hãy luôn nhớ rằng
chúng ta thuộc về một chuỗi bao la những người nam và người nữ, họ đã thông
truyền chân lý đức tin cho chúng ta và tin cậy vào chúng ta để người khác lãnh
nhận nó. Trở thành nhà truyền giáo giả thiết hiểu biết gia sản làm nên đức tin
của Giáo Hội này: Các con phải biết những gì các con tin, để có thể loan báo
nó. Như Cha đã viết trong phần giới thiệu cuốn YouCat, sách giáo lý
của giới trẻ mà Cha đã trao cho các con vào dịp gặp gỡ quốc tế tại Madrid, “các con phải biết đức tin của mình cách chính xác như một chuyên viên tin học biết rõ hệ điều hành của một máy vi tính ; các con phải biết đức tin như một nhạc sĩ biết bản nhạc của mình ; vâng, các con phải bén rễ sâu xa trong đức tin hơn thế hệ cha mẹ của các con, để có thể kháng cự cách mạnh mẽ và quả quyết trước những thách đố và những cám dỗ của thời đại này” (Bênêđictô XVI, Introduction
au YouCat).
3. Các con hãy ra đi!
Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi truyền giáo với lệnh truyền
này: “Các con hãy đi khắp thế gian. Hãy loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.
Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16, 15-16).
Phúc Âm hóa, đó là mang Tin Mừng cứu độ cho người khác và
Tin Mừng này là một con người: Chúa Giêsu Kitô. Khi tôi gặp Ngài, khi tôi khám
phá tôi được Thiên Chúa yêu mến dường nào và được Ngài cứu độ, thì lúc đó nảy
sinh trong tôi không chỉ ước muốn, nhưng còn sự cần thiết làm cho người khác nhận
biết Ngài. Khởi đầu Tin Mừng của thánh Gioan, chúng ta nhận thấy làm thế nào
An-rê đã gặp gỡ Chúa và vội vã dẫn em mình là Simon đến với Chúa Giêsu (x. Ga
1, 40-42). Việc Phúc Âm hóa luôn khởi đi từ sự gặp gỡ với Chúa Giêsu. Ai đã đến
gần Ngài và đã cảm nghiệm được Tình Yêu của Ngài đều muốn chia sẻ ngay vẻ đẹp của
sự gặp gỡ này và niềm vui nảy sinh từ tình bạn này. Càng biết Chúa Kitô, chúng
ta càng ước muốn loan báo Ngài. Càng nói với Ngài, chúng ta càng ước muốn nói về
Ngài. Càng được Chúa Kitô chinh phục, chúng ta càng ước muốn dẫn người khác đến
với Ngài!
Nhờ Bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta tái sinh trong đời sống
mới, Chúa Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta và nung đốt tâm trí và tâm hồn chúng
ta. Chính Ngài làm cho chúng ta biết Thiên Chúa và luôn dẫn dắt chúng ta tiến
xa hơn trong tình bạn với Chúa Kitô. Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta
làm điều thiện, phục vụ tha nhân, trao hiến bản thân. Nhờ Bí tích Thêm Sức,
chúng ta được gia tăng sức mạnh nhờ các ân huệ của Chúa Thánh Thần để làm chứng
cho Tin Mừng cách càng ngày càng trưởng thành hơn. Vì thế, Thánh Thần tình yêu
chính là linh hồn của việc truyền giáo: Ngài thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính
mình để “ra đi” và loan báo Tin Mừng. Các bạn trẻ thân mến, hãy để cho sức mạnh
của tình yêu Thiên Chúa thực hiện: hãy để cho tình yêu này hành động để chiến
thắng khuynh hướng khép kín nơi chính mình, mỗi người khép kín nơi những vấn đề
của mình và nơi những thói quen của mình. Các con hãy can đảm “lên đường”, ra
khỏi chính mình để “ra đi” gặp gỡ tha nhân và dẫn đưa họ đến gặp gỡ Thiên Chúa.
4. Đến với muôn dân
Chúa Giêsu đã sai các môn đệ ra đi để làm chứng cho sự hiện
diện cứu độ của Ngài cho muôn dân, bởi vì Thiên Chúa, vì tình yêu tràn trề của
Ngài đối với con người, muốn tất cả mọi người đều được cứu độ và không một ai bị
hư mất. Qua hy tế tình yêu của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã mở ra con đường
để mọi người có thể biết Thiên Chúa và bước vào sự hiệp thông tình yêu với
Ngài. Và Ngài đã hình thành một cộng đoàn các môn đệ để mang Tin Mừng cứu độ
cho đến tận cùng trái đất, để đạt tới người nam và người nữ của muôn nước và của
mọi thời. Chúng ta hãy làm cho ước muốn này của Thiên Chúa thành ước muốn của
chúng ta!
Các bạn trẻ thân mến, các con hãy mở mắt và nhìn xung quanh
các con: nhiều người trẻ đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống của mình. Các con hãy ra
đi! Chúa Kitô cũng cần đến các con. Các con hãy để cho tình yêu của Ngài dẫn dắt;
hãy trở thành những dụng cụ của tình yêu bao la này để tình yêu đó có thể đạt tới
mọi người, cách riêng những người đang “ở xa”. Một số người đang ở xa về mặt địa
lý, một số khác đang ở xa vì nền văn hóa của họ không để chỗ cho Thiên Chúa, số
khác đang ở xa vì họ vẫn còn chưa đón nhận Tin Mừng cách cá nhân. Một số khác nữa
đang ở xa bởi vì, dù đã lãnh nhận đức tin, họ vẫn sống như thể Thiên Chúa không
hiện hữu. Chúng ta hãy mở tâm hồn cho mọi người; chúng ta hãy tìm cách bước vào
đối thoại với họ, trong sự đơn sơ và sự tôn trọng lẫn nhau. Một cuộc đối thoại
như thế, nếu được xâm chiếm bởi một tình bạn đích thực, sẽ mang lại hoa trái. “Các
dân nước” mà chúng ta được sai đến này không chỉ là các nước trên thế giới,
nhưng còn là những nơi mà chúng ta đang sinh sống: các gia đình của chúng ta,
các khu phố, những nơi học tập và làm việc, các nhóm bạn bè, những nơi giải
trí. Việc vui tươi loan báo Tin Mừng nhắm đến tất cả những không gian mà chúng
ta đang sinh sống đây, không có giới hạn nào.
Cha muốn chỉ ra hai lãnh vực trong đó sự dấn thân truyền
giáo của các con đặc biệt được đòi hỏi. Phạm vi tông đồ đầu tiên là thế giới
truyền thông xã hội, cách riêng thế giới internet. Các bạn trẻ rất
thân mến, như Cha đã từng có cơ hội nói với các con điều này, “hãy dấn thân
đưa vào trong nền văn hóa của lãnh vực truyền thông và thông tin mới mẻ này những
giá trị mà cuộc sống của chúng con dựa vào! (…) Hỡi các bạn trẻ, chính nơi
những người trẻ các con, hầu như tự nhiên đồng cảm với các phương tiện
truyền thông mới mẻ này, mà cách riêng bổn phận Phúc Âm hóa
“châu lục kỹ thuật số” này thuộc về các con” (Bênêđíctô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội,
24.5.2009). Vì thế, các con hãy sử dụng phương tiện truyền thông này cách khôn
ngoan, tránh những cạm bẫy gắn liền với internet, cách riêng nguy
cơ lệ thuộc, nguy cơ lẫn lộn thế giới thực và thế giới ảo, thay thế cuộc gặp gỡ
và đối thoại trực tiếp với người ta bằng những tiếp xúc trên web.
Lãnh vực thứ hai là lãnh vực du hành. Ngày nay, càng ngày
nhiều bạn trẻ có cơ hội du hành, hoặc để học hành, hoặc để làm việc, hoặc để giải
trí. Cha cũng nghĩ đến tất cả các phong trào di trú, trong đó hàng triệu người
di chuyển và thay đổi vùng sống hay đất nước vì những lý do kinh tế và xã hội.
Những hiện tượng này cũng có thể trở thành những cơ hội quan phòng để loan truyền
Tin Mừng. Các bạn trẻ thân mến, đừng sợ làm chứng cho đức tin của các con trong
những khung cảnh này. Thông truyền niềm vui gặp gỡ với Chúa Kitô: đó là món quà
tuyệt vời mà các con có thể làm cho những người đón tiếp các con.
5. Hãy làm cho trở thành môn đệ!
Cha chắc chắn rằng, ít ra là một lần, các con đã gặp khó
khăn trong việc làm cho bạn bè của các con cảm nghiệm về đức tin. Chắc chắn các
con đã ghi nhận có nhiều bạn trẻ, đặc biệt trong một số giai đoạn của cuộc đời,
đang nuôi dưỡng ước muốn nhận biết Chúa Kitô và sống những giá trị của Tin Mừng,
nhưng lại cảm thấy bất lực và không xứng hợp. Làm gì đây?
Trước tiên, chúng ta phải gần gũi họ và qua chứng tá đơn sơ
của chúng ta, Chúa sẽ có thể chạm đến tâm hồn của họ. Việc loan báo Tin Mừng
không được giảm thiểu thành chỉ còn nói về Thiên Chúa, nhưng bao hàm toàn bộ cuộc
sống và được thể hiện bằng những cử chỉ yêu thương. Chính tình yêu của Chúa
Kitô được tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta trở nên những tông đồ.
Vì thế, tình yêu của chúng ta phải giống với tình yêu của Ngài. Như người
Samaritanô nhân hậu, chúng ta phải luôn quan tâm đến những người chúng ta gặp gỡ,
biết lắng nghe, hiểu biết, giúp đỡ. Chỉ như thế chúng ta mới có thể dẫn đưa những
người đang tìm kiếm chân lý và ý nghĩa của cuộc sống của họ đến nhà Thiên Chúa
là Giáo Hội, ở đó họ sẽ tìm thấy niềm hy vọng và ơn cứu rỗi (x. Lc 10, 29-37).
Các bạn trẻ thân mến, các con đừng quên rằng cử chỉ tình yêu
đầu tiên đối với tha nhân hệ tại chia sẻ với họ nguồn mạch niềm hy vọng của
chúng ta: ai không trao ban Thiên Chúa thì trao ban quá ít! Chúa Giêsu truyền
cho các tông đồ của Ngài “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”, và Ngài
nói tiếp: “làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần và dạy
cho họ giữ mọi giới răn mà Thầy đã ban cho các con” (Mt 28, 19-20). Do đó,
những phương tiện mà chúng ta có để “làm cho trở thành môn đệ” chủ yếu
là Bí tích Rửa Tội và dạy giáo lý. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta phải dẫn đưa
những người mà chúng ta Phúc Âm hóa đến gặp gỡ Chúa Kitô hằng sống, cách riêng
trong Lời Ngài và trong các Bí tích: nhờ vậy họ sẽ có thể tin vào Ngài, nhận biết
Ngài và sống nhờ ân sủng của Ngài. Cha muốn rằng mỗi người tự đặt ra những câu
hỏi sau: Tôi đã dám đề nghị Bí tích Rửa Tội cho những bạn trẻ vẫn còn chưa lãnh
nhận nó không? Tôi đã mời người ta bước theo một hành trình khám phá đức tin
Kitô giáo chưa? Các bạn trẻ thân mến, đừng sợ đề nghị cho các bạn của các con
cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần: Ngài sẽ dẫn đưa các con
luôn luôn sâu xa hơn trong sự hiểu biết và trong tình yêu của Chúa Kitô và Ngài
sẽ làm cho các con có năng lực sáng tạo trong việc thông truyền Tin Mừng.
6. Được củng cố trong đức tin
Đối diện với khó khăn của sứ vụ Phúc Âm hóa, đôi khi các con
bị cám dỗ nói như ngôn sứ Giêrêmia: “Ôi, lạy Chúa là Thiên Chúa, con đây còn
quá trẻ, con không biết ăn nói!” Nhưng với các con, Chúa cũng luôn trả lời:
“Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi» (Gr 1,
6-7). Mỗi lần các con cảm thấy không xứng hợp và không xứng tầm với sứ mạng
loan báo và làm chứng đức tin, các con đừng sợ. Quả thế, trước tiên việc Phúc
Âm hóa không phải là sáng kiến của chúng ta và trước tiên nó không lệ thuộc vào
tài năng của chúng ta, nhưng là một lời đáp trả tin tưởng và vâng phục trước tiếng
gọi của Thiên Chúa. Do đó, việc Phúc Âm hóa trước tiên được xây dựng trên sức mạnh của
Ngài chứ không phải trên sức mạnh của chúng ta. Chính
thánh Phaolô đã cảm nghiệm được điều đó: “Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng
trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên
Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4, 7).
Vì thế, Cha khuyến khích các con bén rễ sâu trong đời sống cầu
nguyện và trong các Bí tích. Việc Phúc Âm hóa đích thực luôn nảy sinh từ việc cầu
nguyện và được cưu mang bởi việc cầu nguyện. Trước tiên, chúng ta phải nói với
Thiên Chúa để có thể nói về Thiên Chúa. Trong việc cầu nguyện, chúng ta dâng
lên Chúa những con người mà chúng ta được sai đến. Chúng ta xin Ngài chạm đến
tâm hồn của họ. Và chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần biến chúng ta trở thành những
khí cụ của ơn cứu rỗi của Ngài cho những người này. Chúng ta cầu xin Chúa Kitô
đặt trên môi miệng chúng ta những lời của Ngài và xin Ngài biến chúng ta thành
những chứng nhân cho tình yêu của Ngài. Và, cách rộng lớn hơn, chúng ta phó
thác cho Chúa toàn thể sứ mạng của Giáo Hội, theo lệnh truyền rõ ràng của Chúa
Giêsu: “Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt
9, 38). Các con hãy biết tìm thấy nơi Bí tích Thánh Thể nguồn mạch đời sống đức
tin và chứng tá kitô hữu của các con, bằng việc chuyên cần tham dự thánh lễ
Chúa Nhật và trong chừng mực mà các con có thể tham dự các thánh lễ trong tuần!
Hãy thường xuyên chạy đến với Bí tích Hòa Giải: đó là nơi gặp gỡ quý báu với
lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đang đón tiếp chúng ta, tha thứ cho chúng
ta và đổi mới tâm hồn chúng ta trong tình yêu. Các con đừng do dự lãnh nhận Bí
tích Thêm Sức nếu các con chưa lãnh nhận nó, các con hãy chuẩn bị cho Bí tích
này cách cẩn thận và dấn thân! Cùng với Bí tích Thánh Thể, Bí tích Thêm Sức là
Bí tích tuyệt vời của sứ mạng, nó ban cho chúng ta sức mạnh và tình yêu của
Chúa Thánh Thần để không sợ hãi tuyên xưng đức tin của chúng ta. Cha khuyến
khích các con thực hành chầu Thánh Thể: tĩnh lặng lắng nghe và đối thoại với
Chúa Giêsu đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể trở thành điểm xuất phát cho
một nhiệt huyết truyền giáo mới.
Nếu các con nghe theo những lời khuyên bảo này, thí chính
Chúa Kitô sẽ ban cho các con trung thành trọn vẹn với Lời của Ngài và làm chứng
cho Ngài cách thẳng thắn và can đảm. Đôi khi các con sẽ được mời gọi chứng tỏ sự
kiên trì, đặc biệt khi Lời Thiên Chúa khơi lên những khép kín hay những đối lập.
Ở một số vùng trên thế giới, các bạn trẻ kitô hữu đang đau khổ do không thể làm
chứng cách công khai cho đức tin vào Chúa Kitô vì thiếu tự do tôn giáo. Và một
số người thậm chí đã trả giá bằng chính mạng sống của mình cho việc thuộc về
Giáo Hội. Cha khuyến khích các con kiên vững trong đức tin, xác tín rằng Chúa
Kitô đang ở bên cạnh các con trong mỗi thử thách. Ngài đang lặp lại với các con:
“Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ
điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở
trên trời thật lớn lao!” (Mt 5, 11-12).
7. Với toàn thể Giáo Hội
Các bạn trẻ thân mến, để kiên vững trong việc tuyên xưng đức
tin Kitô giáo nơi các con được sai đến, các con cần đến Giáo Hội. Chúng ta
không làm chứng cho Tin Mừng một mình. Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi truyền
giáo cùng nhau. Lời kêu gọi “Hãy làm cho trở thành môn đệ” của Ngài ở số
nhiều. Chính luôn luôn như là những thành phần của cộng đoàn kitô hữu mà chúng
ta làm chứng. Và sứ mạng của chúng ta được phong nhiêu nhờ sự hiệp thông mà
chúng ta sống trong Giáo Hội: chính tình yêu chúng ta có đối với nhau, mà người
ta sẽ nhận biết rằng chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu (x. Ga 13, 35). Cha ca
ngợi Thiên Chúa vì công trình Phúc Âm hóa quý báu của các cộng đoàn kitô hữu, của
các giáo xứ và của các phong trào trong Giáo Hội của chúng ta. Những hoa trái của
sứ mạng này thuộc về toàn thể Giáo Hội: Chúa Giêsu đã nói: “kẻ này gieo, người
kia gặt” (Ga 4, 38).
Về phương diện này, Cha chỉ có thể tạ ơn Chúa vì hồng ân rất
lớn của các nhà truyền giáo, những người hiến dâng toàn bộ cuộc sống của mình
cho việc loan báo Tin Mừng ở mọi chân trời góc bể. Cũng thế, Cha chúc tụng
Thiên Chúa vì các linh mục và những người sống đời thánh hiến, đang hiến thân
mình cách vô vị lợi để Chúa Kitô Giêsu được loan báo và được yêu mến. Và ở đây,
Cha mong ước khích lệ các bạn trẻ, những người cảm thấy được Thiên Chúa kêu gọi, dấn
thân cách nhiệt tình trong các ơn gọi này: “Cho thì có phúc hơn là nhận!” (Cv
20, 35). Những ai đã từ bỏ mọi sự để bước theo Ngài, Chúa Giêsu đã hứa cho họ
được gấp trăm và sự sống đời đời! (x. Mt 19, 29).
Cha cũng tạ ơn Chúa vì những giáo dân tận tâm sống đời thường
của mình như là một sứ mạng, ở nơi họ hiện diện, trong gia đình và nơi làm việc
của họ để Chúa Kitô được yêu mến và được phục vụ, và để Nước Thiên Chúa được lớn
lên. Cách riêng Cha nghĩ đến những ai đang làm việc trong lãnh vực giáo dục, y
tế, doanh nghiệp, chính trị và kinh tế, và trong nhiều lãnh vực khác của sứ vụ
tông đồ giáo dân. Chúa Kitô cần đến sự dấn thân và chứng tá của các con. Ước gì
không có gì – dù là những khó khăn hay những thiếu hiểu biết – làm cho các con
từ bỏ việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô trong những nơi các con sống: mỗi
người các con đều quý giá trong bức tranh ghép to lớn của việc Phúc Âm hóa!
8. “Lạy Chúa, này con đây!”
Các bạn trẻ thân mến, để kết thúc, Cha muốn khích lệ các con
lắng nghe tận sâu thẳm tâm hồn các con lời Chúa Kitô mời gọi loan báo Tin Mừng
của Ngài. Như bức tượng vĩ đại Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio cho thấy rõ, Trái Tim của
Ngài cháy lửa yêu mến đối với mọi người, không phân biệt, và đôi tay rộng mở của
Ngài muốn vươn tới mọi người. Các con hãy trở nên trái tim và đôi tay của Chúa
Giêsu! Hãy ra đi làm chứng cho tình yêu của Ngài, hãy là những nhà tân truyền
giáo được thúc đẩy bởi tình yêu và ý thức đón tiếp! Hãy bước theo mẫu gương của
những nhà truyền giáo lớn của Giáo Hội như thánh Phanxicô Xaviê và nhiều vị
khác.
Lúc kết thúc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ ở Madrid, Cha đã vui mừng
chúc lành cho một vài bạn trẻ thuộc các châu lục khác nhau ra đi truyền giáo. Họ
đại diện cho rất nhiều bạn trẻ mà, theo chân ngôn sứ Isaia, nói với Chúa: “Này
con đây, xin hãy sai con!” (Is 6, 8). Giáo Hội tin tưởng vào các con và cám
ơn các con cách sâu xa vì niềm vui và sự năng động mà các con mang lại cho Giáo
Hội. Hãy thể hiện mọi tài năng của các con cách quảng đại để phục vụ cho việc
loan báo Tin Mừng. Chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần được ban cách phong phú
cho những ai chấp nhận, với tâm hồn khiêm nhường, sẵn sàng cho việc loan báo
Tin Mừng. Và các con, các con đừng sợ: Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ thế gian, hằng ở
với chúng ta, suốt mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20).
Lời kêu gọi mà Cha nói với tất cả các bạn trẻ trên toàn thế
giới, mang một nét nổi bật đặc biệt cho các con, hỡi các bạn trẻ của Châu Mỹ
Latinh thân mến. Quả thế, vào dịp Đại Hội Nghị lần thứ V của hàng Giám mục Châu
Mỹ Latinh diễn ra ở Aparecida năm 2007, các Giám mục đã đưa ra một “sứ mạng
châu lục”. Và các bạn trẻ, đại diện cho đa số dân chúng của châu lục này, tạo
nên một tiềm năng quan trọng và quý giá đối với Giáo Hội và xã hội. Do đó, các
con hãy là những nhà truyền giáo đầu tiên! Và, khi Ngày Quốc Tế Giới Trẻ diễn
ra ở Châu Mỹ Latinh, Cha khuyến khích tất cả các bạn trẻ của châu lục này: hãy
thông truyền cho các bạn bè của các con trên toàn thế giới sự nhiệt huyết của đức
tin nơi các con!
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Ngôi Sao của công cuộc Tân Phúc Âm
Hóa, cũng được kêu xin dưới danh xưng Đức Bà Aparecida và Đức
Bà Guadalupe, đồng hành với mỗi người các con trong sứ mạng làm chứng cho
Tình Yêu của Thiên Chúa!
Cha hết lòng ban phép lành Tòa Thánh cho mỗi người trong các
con.
Vatican, 18.10.2012
BÊNÊĐÍCTÔ XVI
Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vatican.va
Nguồn: xuanbichvietnam.wordpress.com