SỨ ĐIỆP MÙA CHAY CỦA ĐỨC THÁNH CHA

NĂM 2023

Khổ chế trong Mùa Chay: một con đường hiệp hành

Anh chị em thân mến!

Các Phúc Âm Matthêu, Máccô và Luca đều tường thuật sự kiện Chúa Giêsu hiển dung. Trong sự kiện này, chúng ta thấy phản ứng của Chúa đối với việc các môn đệ không hiểu Ngài. Quả vậy, trước đó ít lâu, đã xảy ra cuộc xung đột gay gắt giữa Thầy và Simon Phêrô, vì sau khi tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, Phêrô đã phản đối lời loan báo về cuộc khổ nạn và thập giá của Người. Chúa Giêsu đã mạnh mẽ quở trách ông: “Satan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (Mt 16,23). Rồi, “sáu ngày sau, Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi riêng ra một nơi, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1).

Bài Tin Mừng Chúa Hiển Dung được công bố vào Chúa nhật II Mùa Chay hằng năm. Thật vậy, trong suốt mùa phụng vụ này, Chúa đem chúng ta đi với Người và tách chúng ta riêng ra một nơi. Ngay cả khi các hoạt động thường ngày của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải ở lại những nơi quen thuộc, sống cuộc sống thường ngày lặp đi lặp lại và đôi khi nhàm chán, thì trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi lên “núi cao” với Chúa Giêsu, để trải nghiệm cuộc sống khổ hạnh đặc biệt với Dân Thánh của Chúa.

Khổ chế Mùa Chay là một nỗ lực, luôn được ân sủng soi dẫn, để vượt thắng tình trạng thiếu đức tin và thái độ từ chối bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Đây đúng là những gì Phêrô và các môn đệ khác cần có. Để đào sâu hiểu biết của chúng ta về Thầy, để hiểu biết và đón nhận trọn vẹn mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa – được thực hiện trong sự tự hiến hoàn toàn nhờ tình yêu – chúng ta phải để cho Người dẫn dắt mình, tách biệt và đưa chúng ta lên cao, bằng cách thoát khỏi những điều tầm thường và phù phiếm. Phải lên đường, một con đường leo dốc, đòi hỏi nỗ lực, hy sinh, tập trung, giống như một cuộc leo núi. Những điều kiện này cũng rất quan trọng đối với tiến trình Thượng Hội đồng mà Giáo hội chúng ta đã bắt đầu. Sẽ rất hữu ích khi chúng ta suy tư về mối tương quan giữa khổ chế Mùa Chay và kinh nghiệm hiệp hành.

Trong lần “tĩnh tâm” trên núi Tabor này, Chúa Giêsu đem theo ba môn đệ, họ được chọn để chứng kiến một sự kiện độc đáo. Người muốn kinh nghiệm ân sủng này không mang tính cá nhân, nhưng được chia sẻ, vả lại, toàn bộ đời sống đức tin của chúng ta cũng là như thế. Chúng ta phải cùng nhau bước theo Chúa Giêsu. Và cũng vẫn cùng với nhau, như là Giáo hội lữ hành trong thời gian, mà chúng ta sống Năm phụng vụ trong đó có Mùa Chay, bằng cách đồng hành với những người mà Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta như những người bạn đường. Tương tự với việc Chúa Giêsu và các môn đệ lên núi Tabor, chúng ta có thể nói rằng hành trình Mùa Chay của chúng ta là “hiệp hành”, bởi vì chúng ta đang cùng nhau bước đi trên cùng một con đường, như những môn đệ của một vị Thầy duy nhất. Hơn nữa, chúng ta biết rằng chính Người là Con Đường, và vì thế, dù trong hành trình phụng vụ hay trong tiến trình Thượng Hội đồng, Giáo hội không làm gì khác hơn là tiến vào mầu nhiệm Chúa Kitô Cứu Thế ngày càng sâu xa và trọn vẹn hơn.

Và bây giờ chúng ta đi lên đỉnh cao. Phúc âm thuật lại rằng Chúa Giêsu “biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2). Đây là “đỉnh cao”, là mục tiêu của cuôc hành trình. Kết thúc cuộc leo núi, khi đang ở trên núi với Chúa Giêsu, ba môn đệ được ơn nhìn thấy Người trong vinh quang, rạng ngời ánh sáng siêu nhiên – không phải là ánh sáng đến từ bên ngoài, nhưng tỏa ra từ chính Người. Vẻ đẹp thiêng liêng của thị kiến này vượt trội hơn rất nhiều so với nỗi nhọc mệt của các môn đệ khi họ lên núi Tabor. Cũng như đối với bất kỳ cuộc leo núi khó khăn nào, cần phải nhìn chăm chú vào đường đi đang khi leo núi; nhưng bức tranh toàn cảnh mở ra ở cuối đường sẽ gây bất ngờ và là phần thưởng cho chúng ta với vẻ đẹp diệu kỳ. Tiến trình Thượng Hội đồng cũng thường tỏ ra gian truân và đôi khi có thể khiến chúng ta nản lòng. Nhưng điều chờ đợi chúng ta ở cuối đường chắc chắn thật kỳ diệu và gây ngỡ ngàng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý Chúa và sứ mạng của chúng ta trong việc phụng sự Vương quốc của Ngài.

Kinh nghiệm của các môn đệ trên núi Tabor càng thêm phong phú khi, bên cạnh việc Chúa Giêsu biến hình, còn có sự xuất hiện của ông Môsê và ông Êlia là hiện thân của Lề luật và các Ngôn sứ (x. Mt 17,3). Nét mới mẻ của Đức Kitô là kiện toàn Giao ước Cũ và các lời hứa; nét mới mẻ này không thể tách rời khỏi câu chuyện lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài và cho thấy ý nghĩa sâu xa của câu chuyện ấy. Tương tự như vậy, tiến trình Thượng Hội đồng bắt nguồn từ truyền thống của Giáo hội, đồng thời, mở ra cho điều mới mẻ. Truyền thống là nguồn cảm hứng để tìm kiếm những con đường mới, đồng thời tránh những cám dỗ đối nghịch của thói trì trệ và thử nghiệm ngẫu hứng.

Hành trình khổ chế trong Mùa Chay, cũng như tiến trình Thượng Hội đồng, cả hai đều có mục tiêu là sự biến hình, trên bình diện cá nhân và giáo hội. Sự biến hình ở cả hai bình diện này là sự biến hình rập khuôn theo Chúa Giêsu và diễn ra nhờ ân sủng của mầu nhiệm Phục sinh của Người. Để cuộc biến hình này có thể thành hiện thực nơi chúng ta trong năm nay, tôi muốn đưa ra hai “con đường” hay hai “chỉ dẫn” phải theo để cùng lên núi với Chúa Giêsu và cùng với Người đạt tới đích điểm.

Con đường đầu tiên liên quan đến mệnh lệnh mà Thiên Chúa Cha ngỏ với các môn đệ trên núi Tabor, khi họ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình. Tiếng từ trong đám mây phán ra: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 5). Vì thế, chỉ dẫn đầu tiên rất rõ ràng: vâng nghe Chúa Giêsu. Mùa Chay là thời gian ân sủng theo như mức độ chúng ta lắng nghe Đấng nói với chúng ta. Nhưng Người nói với chúng ta như thế nào? Trước hết, Người nói với chúng ta qua Lời Chúa mà Giáo hội cho chúng ta nghe trong Phụng vụ: chúng ta đừng để Lời ấy rơi vào hư không. Nếu không thể tham dự Thánh lễ thường xuyên, chúng ta hãy đọc các Bài đọc Kinh thánh hằng ngày, kể cả nhờ sự trợ giúp của internet. Ngoài Kinh Thánh, Chúa còn nói với chúng ta qua các anh chị em, nhất là qua những khuôn mặt và câu chuyện của những người cần được giúp đỡ. Nhưng tôi cũng muốn thêm vào một khía cạnh khác, rất quan trọng trong tiến trình Thượng Hội đồng: lắng nghe anh chị em trong Giáo hội thường cũng chính là lắng nghe Chúa Kitô, việc lắng nghe lẫn nhau này là mục tiêu chính trong một vài giai đoạn, nhưng dù sao, đó vẫn luôn là điều thiết yếu trong phương pháp và cung cách của một Giáo hội hiệp hành.

Khi nghe tiếng Chúa Cha, “các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm đến các ông và bảo: Trỗi dậy đi, đừng sợ! Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi” (Mt 17,6-8). Đây là chỉ dẫn thứ hai cho Mùa Chay này: đừng ẩn náu nơi một thứ tôn giáo được tạo nên từ những sự kiện phi thường, những kinh nghiệm ấn tượng, vì sợ phải đối mặt với thực tế đầy vất vả hằng ngày, với biết bao khó khăn và mâu thuẫn. Ánh sáng mà Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ là việc tham dự trước vào vinh quang phục sinh, vinh quang mà chúng ta phải hướng tới, khi bước đi theo Người, “chỉ một mình Người mà thôi”. Mùa Chay hướng về Lễ Phục Sinh: “tĩnh tâm” tự nó không phải là mục đích, nhưng giúp chúng ta sống cuộc khổ nạn và thập giá bằng đức tin, đức cậy và đức mến, để đạt tới phục sinh. Cũng vậy, trên tiến trình Thượng Hội đồng, khi Chúa ban ơn cho chúng ta cảm nghiệm được vài tâm tình hiệp thông sâu xa, chúng ta đừng tưởng rằng mình đã đến đích. Khi đó, Chúa lặp lại với chúng ta lần nữa rằng: “Hãy trỗi dậy, đừng sợ!” Chúng ta hãy xuống núi và ước mong sao ân sủng mà chúng ta trải nghiệm sẽ nâng đỡ để chúng ta trở thành những người xây dựng tính hiệp hành trong cuộc sống đời thường nơi các cộng đoàn của chúng ta.

Anh chị em thân mến, Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cùng với Chúa Giêsu sống khổ chế trong Mùa Chay này, để cảm nghiệm được vẻ rạng ngời thần linh của Người và nhờ đó được củng cố trong đức tin, tiếp tục bước đi cùng với Chúa Giêsu, là vinh quang của dân Người và ánh sáng của các dân tộc.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 25 tháng 1 năm 2023, lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Phanxicô

Chuyển ngữ: Minh Đức
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 134 (Tháng 3 & 4 năm 2023)
WHĐ (17.02.2023)


(Cập nhật lúc 14h55, ngày 05.3.2023)