SỨ ĐIỆP MÙA CHAY CỦA ĐỨC THÁNH CHA

NĂM 2020

“Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20)

Anh chị em thân mến,

Năm nay, một lần nữa, Chúa lại ban cho chúng ta một thời gian thuận tiện để canh tân tâm hồn chuẩn bị mừng mầu nhiệm lớn lao về sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, viên đá góc của đời sống Kitô hữu chúng ta - cá nhân cũng như cộng đoàn. Trí và tâm chúng ta luôn phải trở lại với Mầu nhiệm này. Quả vậy, Mầu nhiệm này không ngừng lớn lên trong chúng ta, theo như chúng ta để cho sức thiêng của Mầu nhiệm ấy dẫn dắt, cũng như chúng ta gắn bó với Mầu nhiệm ấy khi tự do và quảng đại đáp lại.

1. Mầu nhiệm phục sinh, nền tảng của sự hoán cải

Niềm vui của người Kitô hữu tuôn trào từ việc lắng nghe và đón nhận Tin mừng về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu: đó là kérygma. Kérygma tóm kết Mầu nhiệm về một tình yêu “có thật, chân thực và cụ thể đến mức đem đến cho chúng ta một tương quan đầy đối thoại chân thành và hiệu quả. (Tông huấn Christus vivit, 117). Ai tin vào lời loan báo này cũng đều bác bỏ lời dối trá nói rằng sự sống của chúng ta là từ chính chúng ta, đang khi thực sự sự sống ấy sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa Cha, từ thánh ý của Ngài muốn cho chúng ta được sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Ngược lại, nếu chúng ta nghe theo tiếng nói quyến rũ của “cha kẻ dối trá” (Ga 8,44), chúng ta có nguy cơ rơi vào vực thẳm vô nghĩa, và sống cảnh địa ngục ngay ở đây trên trái đất này, như nhiều biến cố bi thảm theo kinh nghiệm của cá nhân cũng như cộng đồng nhân loại đã chứng minh điều ấy một cách đáng buồn.

Vậy trong Mùa Chay năm 2020 này, tôi muốn chia sẻ với mọi Kitô hữu những gì tôi đã viết cho người trẻ trong Tông huấn Christus vivit: “Con hãy nhìn vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy luôn để mình được cứu độ lần này đến lần khác. Và khi con đi xưng thú tội lỗi của mình, con hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn giải thoát con khỏi lỗi tội. Hãy chiêm ngắm Máu Người đổ ra với tình yêu lớn lao như thế, và hãy để mình được tẩy sạch bởi máu ấy. Nhờ đó con sẽ có thể được tái sinh luôn mãi” (số 123). Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện quá khứ: nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nó luôn là hiện tại, cho phép chúng ta lấy đức tin mà nhìn và chạm vào thân xác của Chúa Kitô nơi biết bao người đau khổ.

2. Tính cấp thiết của hoán cải

Thật là hữu ích khi suy ngẫm sâu sắc hơn về Mầu nhiệm Phục sinh, mà nhờ đó, Lòng thương xót của Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta. Thật vậy, chúng ta chỉ có thể trải nghiệm lòng thương xót khi “đối diện” với Đức Chúa bị đóng đinh và sống lại, “Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Một cuộc đối thoại chân thành giữa những người bạn. Đó là lý do tại sao cầu nguyện lại rất quan trọng trong Mùa Chay. Còn hơn cả một bổn phận, cầu nguyện diễn tả nhu cầu của chúng ta muốn đáp lại tình yêu của Thiên Chúa vốn luôn đi trước và trợ giúp chúng ta. Thật vậy, người Kitô hữu cầu nguyện mà vẫn luôn ý thức mình được yêu thương dù không xứng đáng. Cầu nguyện có thể có nhiều hình thức, nhưng điều thực sự đáng kể dưới mắt Thiên Chúa là lời cầu nguyện đi sâu vào cõi lòng chúng ta và cuối cùng làm cho con tim cứng cỏi của chúng ta trở nên mềm mại, để biến cải con tim ấy ngày càng thuận theo Chúa và theo ý Chúa.

Trong thời gian thuận lợi này, chúng ta hãy để cho mình được dẫn đưa như dân Israel ở trong sa mạc (x. Hs 2,16), để cuối cùng có thể nghe được tiếng nói của Đấng Phu Quân của chúng ta, để làm cho tiếng nói ấy vang lên trong chúng ta sâu lắng hơn và sẵn sàng bước theo tiếng nói ấy. Càng để cho lời ấy thấm nhập, chúng ta càng trải nghiệm được lòng thương xót nhưng không của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vậy chúng ta đừng để thời gian ân sủng này trôi qua vô ích, với ảo tưởng tự phụ rằng chúng ta có thể tự mình ấn định thời gian và cách thức trở về với Ngài.

3. Thiên Chúa say mê đối thoại với con cái của Ngài

Chúng ta không bao giờ được coi việc Chúa một lần nữa cho chúng ta thời gian thuận tiện để hoán cải là điều đương nhiên. Cơ hội mới này khơi lên tâm tình biết ơn nơi chúng ta và lay động chúng ta ra khỏi tính ù lì. Mặc dù sự ác, đôi khi là bi thảm, vẫn có đó trong cuộc sống của chúng ta cũng như trong cuộc sống của Giáo hội và thế giới, cơ hội này được ban để chúng ta hoán cải cho thấy ý muốn kiên định của Thiên Chúa là không cắt đứt cuộc đối thoại cứu rỗi của Ngài với chúng ta. Nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, “Đấng đã biến Người thành tội lỗi vì chúng ta” (x. 2 Cr 5,21), ý muốn này khiến Chúa Cha trút lên Con của Ngài mọi tội lỗi của chúng ta, đến nỗi “Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình”, như Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói (x. Thông điệp Deus caritas est, 12). Quả vậy, Thiên Chúa cũng yêu thương kẻ thù của Ngài (x. Mt 5,43-48).

Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa muốn thiết lập với mỗi người qua Mầu nhiệm Phục sinh của Con Ngài không phải như cuộc đối thoại được được cho là của những cư dân Athens, là những người “chỉ dành thời gian để tán gẫu hay nghe ngóng điều mới lạ” (Cv 17,21). Kiểu tán gẫu ấy, với tính tò mò trống rỗng và hời hợt, là điển hình của tính thế gian trong mọi thời và, trong thời đại của chúng ta, nó cũng có thể dẫn đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông cách sai lạc.

4. Giàu có để chia sẻ, chứ không phải để giữ cho riêng mình

Đặt mầu nhiệm vượt qua vào trung tâm cuộc sống có nghĩa là tỏ lòng thương xót những vết thương của Chúa Kitô chịu đóng đinh mà chúng ta nhận ra nơi nhiều nạn nhân vô tội của các cuộc chiến tranh, của các cuộc tấn công vào sự sống, từ khi còn trong lòng mẹ cho đến tuổi già, dưới vô số hình thức bạo lực, trong các thảm họa môi trường, trong sự phân phối không đồng đều tài nguyên của Trái đất, trong nạn buôn người đủ kiểu và trong miếng mồi nhử của lợi nhuận vô độ, vốn cũng là một hình thức thờ ngẫu tượng.

Ngày nay cũng vậy, điều quan trọng là phải kêu gọi những người có thiện chí chia sẻ của cải của họ với những người túng thiếu nhất, như một hình thức của cá nhân tham gia xây dựng một thế giới công bình hơn. Việc chia sẻ trong tình bác ái làm cho con người trở nên người hơn, trong khi việc tích trữ có nguy cơ làm cho người ta trở nên xấu xa, khi giam hãm con người trong sự ích kỷ. Chúng ta có thể và phải đi xa hơn nữa, khi xem xét các chiều kích cấu trúc của kinh tế. Vì lẽ đó, vào Mùa Chay năm 2020 này, tôi đã mời các nhà kinh tế trẻ, các doanh nhân và những người làm thay đổi thế giới, tham dự một cuộc họp ở Assisi từ ngày 26 đến 28 tháng Ba với mục đích đóng góp vào việc phác hoạ một nền kinh tế công bằng và toàn diện hơn nền kinh tế hiện nay. Như Huấn quyền của Giáo hội đã lặp lại nhiều lần, chính trị là một hình thức bác ái cao vời (x. Piô XI, Diễn văn với các Thành viên Liên đoàn Đại học Công giáo Ý, 18 tháng 12 năm 1927). Cũng có thể nói như thế về kinh tế, nếu nền kinh tế ấy tham gia dựa trên chính tinh thần Phúc âm này, đó là tinh thần của Tám mối Phúc thật.

Tôi cầu xin Đức Trinh nữ Maria rất thánh chuyển cầu cho Mùa Chay sắp tới, để chúng ta đón nhận lời mời gọi giao hòa với Thiên Chúa, để chiêm ngắm Mầu nhiệm Phục sinh và hoán cải, đi vào cuộc đối thoại cởi mở và chân thành với Thiên Chúa. Như thế, chúng ta sẽ trở nên những gì mà Chúa Kitô đòi hỏi các môn đệ của Người: muối đất và ánh sáng thế gian (x. Mt 5,13-14).

Phanxicô
Ban hành tại Roma, gần Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 7 tháng Mười 2019,
Lễ Đức Mẹ Mân côi

Chuyển ngữ: Minh Đức
WHĐ (24.02.2020)