SỨ ĐIỆP MÙA CHAY CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NĂM 2019
“Muôn loài thụ tạo những trông ngóng nhìn thấy con cái Thiên Chúa được vinh hiển” (Rm 8,19)
Anh chị em thân mến,
Mỗi năm, qua Mẹ Giáo hội, Thiên Chúa lại “ban cho chúng ta mùa hân hoan này để chúng ta dọn mình mừng mầu nhiệm Vượt Qua với tâm trí đã được đổi mới… khi chúng ta nhớ lại những biến cố lớn lao đã đem lại cho chúng ta đời sống mới trong Chúa Kitô” (Kinh Tiền tụng Mùa Chay I). Vì thế chúng ta bước đi trên hành trình từ Phục Sinh năm này đến Phục Sinh năm khác hướng đến ơn cứu độ viên mãn mà chúng ta đã lãnh nhận nhờ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô – “vì nhờ cậy trông mà chúng ta đã được cứu độ” (Rm 8,24). Mầu nhiệm cứu độ này, đã hoạt động nơi chúng ta trong cuộc sống trần gian, là một tiến trình năng động bao trùm lịch sử cũng như toàn thể thụ tạo. Như Thánh Phaolô nói, “muôn loài thụ tạo những trông ngóng nhìn thấy con cái Thiên Chúa được vinh hiển” (Rm 8,19). Trong viễn cảnh này, tôi muốn đưa ra một vài suy tư để đồng hành với anh chị em trên hành trình hoán cải Mùa Chay sắp tới.
1. Thụ
tạo được cứu độ
Cử
hành Tam nhật Vượt qua về cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, đỉnh
cao của năm phụng vụ, kêu gọi chúng ta hằng năm thực hiện một hành trình dọn
mình, bởi biết rằng đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô (x. Rm 8,29) là một món
quà vô giá của lòng Chúa thương xót.
Khi
chúng ta sống như con cái của Thiên Chúa, như những người được cứu chuộc, được
Chúa Thánh Thần hướng dẫn (x. Rm
8,14) và biết nhìn nhận và vâng nghe luật Chúa, khởi đi từ luật được ghi khắc
trong tâm hồn và trong tự nhiên, chúng ta
cũng đem lại lợi ích cho công trình sáng tạo bằng cách cộng tác vào công cuộc
cứu độ các thụ tạo. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô nói rằng các thụ tạo trông
ngóng nhìn thấy con cái Thiên Chúa được vinh hiển; nói cách khác, tất cả những
ai được hưởng ân sủng mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu có thể cảm nghiệm được
ân sủng ấy sẽ thành toàn trong việc cứu độ chính thân xác con người. Khi tình yêu của Chúa Kitô biến đổi cuộc sống của các
thánh trong tinh thần, thể xác và linh hồn, các ngài ca tụng Chúa. Qua cầu nguyện,
chiêm niệm và nghệ thuật, các ngài cũng đưa các thụ tạo khác vào lời ca tụng ấy,
như chúng ta thấy Thánh Phanxicô Assisi đã diễn tả một cách tuyệt vời trong
“Bài ca Vạn vật” (x. Laudato Si’,
87). Tuy nhiên, trong thế giới này, sự hài hòa mà ơn cứu độ tạo nên luôn bị đe
dọa bởi sức mạnh tiêu cực của tội lỗi và sự chết.
2. Sức
mạnh hủy diệt của tội lỗi
Thật
vậy, khi chúng ta không sống như con cái Thiên Chúa, chúng ta thường cư xử theo
cách triệt hạ người thân cận và các thụ tạo khác – kể cả chúng ta – vì chúng ta
bắt đầu nghĩ, với ý thức ít nhiều, rằng chúng ta có quyền sử dụng chúng theo ý
mình. Khi ấy, tính vô độ chiếm ưu thế: chúng
ta bắt đầu sống một cuộc sống vượt quá những giới hạn mà chính thân phận và bản
tính con người của chúng ta đặt ra. Chúng ta
chiều theo những ham muốn bất kham mà Sách Khôn ngoan coi là điển hình của kẻ
vô đạo, tức là những người hành động mà chẳng nghĩ gì đến Chúa hoặc hy vọng cho
tương lai (x. 2,1-11). Nếu chúng ta không chuyên tâm hướng về lễ Phục sinh, về
chân trời Phục sinh, thì não trạng diễn tả trong những khẩu hiệu này sẽ thống
lĩnh: “Tôi muốn có mọi thứ và tôi muốn có
ngay bây giờ!”, “Quá nhiều thì cũng chẳng
bao giờ đủ”.
Gốc rễ
của mọi sự dữ, như chúng ta biết, là tội lỗi, mà từ khi xuất hiện lần đầu, nó
đã phá vỡ sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa, với những người khác và với
chính thiên nhiên, mà chúng ta liên kết với nó theo một cách cụ thể qua thân
xác của chúng ta. Sự rạn nứt mối hiệp thông với Thiên Chúa cũng huỷ hoại mối
tương quan hài hòa của chúng ta với môi trường mà chúng ta được kêu gọi để sống,
đến nỗi khu vườn đã trở nên nơi hoang địa (x. St 3,17-18). Tội lỗi đưa con người đến chỗ coi mình là chúa tể của
tạo thành, coi mình là chủ nhân tuyệt đối của nó và sử dụng nó, không phải theo
mục đích mà Đấng Tạo Hóa đã muốn mà theo lợi ích của riêng mình, gây thiệt hại
cho các thụ tạo khác.
Một
khi luật của Thiên Chúa, luật yêu thương, bị loại bỏ, thì luật mạnh được yếu
thua sẽ thắng thế. Tội lỗi tiềm ẩn trong lòng con người (x. Mc 7,20-23) mang
hình dạng của thói tham lam và tìm kiếm an nhàn cách vô độ, thiếu quan tâm đến thiện ích của người khác và thậm chí của
chính mình. Nó dẫn đến việc bóc lột thiên
nhiên, cả con người lẫn môi trường, do sự thèm muốn vô độ vốn coi mọi ham muốn
như một quyền và chẳng sớm thì muộn sẽ hủy diệt tất cả những gì nằm trong tầm
tay của nó.
3. Sức
mạnh chữa lành của lòng thống hối và ơn tha thứ
Thụ tạo
rất cần đến sự vinh hiển của con cái Thiên Chúa, là những người đã trở nên “thụ
tạo mới”. Vì “ai ở trong Đức Kitô thì đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái
mới đã có đây rồi” (2Cr 5,17). Thật vậy,
khi được vinh hiển, chính thụ tạo có thể
mừng lễ Vượt qua, mở ra cho một trời mới đất mới (x. Kh 21,1). Con đường đến
với lễ Phục sinh đòi hỏi chúng ta canh tân bộ mặt và con tim Kitô hữu của mình
nhờ việc ăn năn, hoán cải và tha thứ, để sống trọn vẹn ân sủng dồi dào của mầu
nhiệm Vượt qua.
Thái
độ trông ngóng này, niềm trông đợi này của toàn thể thụ tạo, sẽ được viên mãn khi
con cái Thiên Chúa được vinh hiển, nghĩa là khi
các Kitô hữu và mọi người quyết tâm đi vào “cơn đau chuyển dạ” của lòng hoán cải.
Mọi thụ tạo đều được kêu gọi, cùng với chúng ta, “thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảnh
hư nát để được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm
8,21). Mùa Chay là một dấu chỉ bí tích của cuộc hoán cải này. Mùa Chay mời gọi
các Kitô hữu thể hiện mầu nhiệm Vượt qua cách
sâu xa và cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của mình, trước
hết bằng việc ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.
Chay tịnh nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và
với mọi thụ tạo: từ cơn cám dỗ muốn “ngấu nghiến” mọi thứ để thỏa mãn lòng tham đến chỗ sẵn sàng hy sinh vì tình yêu, vốn có thể
lấp đầy con tim trống rỗng của chúng ta. Cầu
nguyện dạy chúng ta từ bỏ tôn thờ ngẫu tượng và thói tự mãn, đồng thời nhìn
nhận rằng chúng ta cần đến Chúa và lòng thương xót của Ngài. Làm việc bác ái giúp chúng ta thoát khỏi
sự điên rồ của việc tích trữ mọi thứ cho bản thân mình với ảo tưởng có thể bảo
đảm một tương lai vốn chẳng thuộc về chúng ta. Và như thế, để tái khám phá niềm
vui của kế hoạch Thiên Chúa đã dành cho thụ tạo và cho mỗi người chúng ta, chính
là yêu mến Chúa, yêu thương anh chị em và toàn thế giới, để gặp được hạnh
phúc thực sự của chúng ta nơi tình yêu ấy.
Anh
chị em thân mến, thời gian “chay tịnh” 40 ngày mà Con Thiên Chúa đã trải qua ở hoang địa thiên nhiên nhằm làm cho nơi ấy
lại trở thành khu vườn hiệp thông với Thiên Chúa như trước khi có tội nguyên tổ
(x. Mc 1,12-13; Is 51,3). Mong sao Mùa Chay năm nay của chúng ta sẽ là một hành
trình trên cùng con đường ấy, mang lại niềm hy vọng của Chúa Kitô cho mọi thụ tạo,
để thụ tạo “thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát, được cùng với con cái Thiên
Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21). Chúng ta đừng để cho mùa ân sủng
này qua đi cách vô ích! Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta cất bước trên con
đường hoán cải thực sự. Chúng ta hãy từ bỏ thói ích kỷ và chỉ biết đến mình, để
hướng về sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy gần gũi với những người anh
chị em của chúng ta đang túng thiếu, chia sẻ với họ của cải tinh thần và vật chất.
Như thế, khi đón nhận cuộc vinh thắng của Chúa Kitô đối với tội lỗi và sự chết
vào trong đời sống của chúng ta một cách cụ thể, chúng ta cũng sẽ chiếu tỏa quyền
năng có sức biến đổi của chiến thắng ấy cho mọi loài thụ tạo.
Vatican, ngày 4 tháng Mười 2018
Lễ thánh Phanxicô Assisi
Phanxicô
Chuyển ngữ: Minh Đức