SỨ ĐIỆP MÙA CHAY CỦA ĐỨC THÁNH CHA

NĂM 2012

“Chúng ta hãy quan tâm đến nhau, để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành” (Dt 10,24)

Anh chị em thân mến,

Một lần nữa Mùa Chay cho chúng ta cơ hội suy tư về điều cốt yếu của đời sống Kitô hữu là đức bác ái. Đây là thời gian thuận tiện để, nhờ Lời Chúa và các bí tích trợ giúp, chúng ta đổi mới hành trình đức tin, trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Hành trình này được ghi dấu bằng kinh nguyện và chia sẻ, bằng thinh lặng và chay tịnh, trong khi chờ đợi niềm vui Phục Sinh.

Năm nay, tôi muốn đề nghị một vài suy tư dưới ánh sáng một bản văn Kinh Thánh ngắn trích trong Thư gửi tín hữu Do Thái: “Chúng ta hãy quan tâm đến nhau để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành”. Câu này nằm trong đoạn văn được tác giả Sách thánh dùng để khuyến khích tín thác vào Chúa Giêsu Kitô là vị Thượng Tế, Đấng đã đem lại cho chúng ta ơn tha thứ và mở ra con đường đến với Thiên Chúa. Việc đón nhận Chúa Kitô sẽ sinh hoa trái là một đời sống theo ba nhân đức đối thần, đó là: đến cùng Chúa “với lòng chân thành và đức tin trọn vẹn” (c.22), vững vàng “tuyên xưng niềm hy vọng” (c.23) và chuyên chăm thực thi “đức bác ái và các việc lành” (c.24) cùng với anh em mình. Tác giả Sách thánh cũng khẳng định rằng để nâng đỡ lối sống theo Tin Mừng này, điều quan trọng là tham dự phụng vụ và cầu nguyện chung, hướng đến mục tiêu cánh chung là hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa (c.25). Ở đây tôi muốn suy tư về câu 24, câu này đưa ra một giáo huấn ngắn gọn, quý giá và luôn thời sự về ba khía cạnh của đời sống Kitô hữu: đó là quan tâm đến tha nhân, nâng đỡ nhau và sự nên thánh của bản thân.

1. “Chúng ta hãy quan tâm”: trách nhiệm đối với anh chị em mình

Yếu tố đầu tiên là lời mời gọi “hãy quan tâm”. Động từ Hy lạp dùng ở đây là katanoein, có nghĩa là quan sát tỉ mỉ, chăm chú, theo dõi kỹ lưỡng, kiểm tra điều gì. Chúng ta gặp động từ này trong Tin Mừng, khi Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy “quan sát” chim trời, tuy chúng chẳng lo lắng gì, nhưng vẫn được Chúa Quan Phòng ân cần chăm sóc (x. Lc 12,24), và hãy “nhận ra” cái xà trong mắt mình trước khi nhìn thấy cọng rơm trong mắt của người anh em (x. Lc 6,41). Chúng ta cũng thấy động từ này trong một đoạn khác của Thư gửi tín hữu Do Thái, như lời mời gọi hãy “ngắm nhìn Chúa Giêsu” (3,1), là Tông đồ và là Thượng tế của niềm tin của chúng ta. Vì thế, động từ mở đầu lời nhắn nhủ này mời gọi hãy chăm chú nhìn người khác, trước tiên là nhìn Chúa Giêsu, rồi quan tâm đến nhau, chứ đừng tỏ ra như người xa lạ, dửng dưng về số phận anh chị em mình. Tuy nhiên, chúng ta thường sống ngược lại: dửng dưng và thờ ơ, những thái độ vốn phát sinh từ tính ích kỷ nhưng lại đội lốt “tôn trọng sự riêng tư của người khác”.

Ngày nay cũng vậy, lời Chúa kêu gọi mọi người chúng ta quan tâm đến nhau. Ngày nay Chúa cũng đòi chúng ta phải là những “người trông coi” anh chị em mình (x. St 4,9), xây dựng những tương quan ân cần đối với nhau, quan tâm đến hạnh phúc và hạnh phúc trọn vẹn của tha nhân.

Yêu thương nhau là một điều răn trọng đại, đòi hỏi chúng ta ý thức trách nhiệm đối với những người –cũng như chúng ta– là thụ tạo và là con Thiên Chúa. Một khi là anh chị em với nhau trong tư cách nhân loại, và nhiều khi cả trong đức tin, chúng ta phải nhận ra tha nhân thực sự là một cái tôi khác của mình, được Chúa rất mực yêu thương. Nếu chúng ta vun trồng cái nhìn này –xem tha nhân như anh chị em mình–, thì tình liên đới, sự công chính cũng như lòng khoan dung và thương xót sẽ tự nhiên trào dâng nơi tâm hồn chúng ta. Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô VI đã khẳng định rằng thế giới ngày nay đau khổ chủ yếu là vì thiếu tình huynh đệ: “Xã hội con người đang bệnh nặng. Nguyên do không phải vì tài nguyên cạn kiệt hoặc vì một số người nắm độc quyền thao túng, cho bằng vì thiếu tình huynh đệ giữa con người với nhau và giữa các dân tộc với nhau” (Thông điệp “Phát triển các dân tộc”, số 66).

Quan tâm đến người khác hàm ý muốn điều thiện hảo cho họ về mọi phương diện: thể lý, luân lý và tinh thần. Nền văn hóa hiện đại dường như đã đánh mất ý thức về thiện và ác, đang khi cần phải mạnh mẽ lặp lại rằng điều thiện vẫn hiện diện và sẽ thắng vì Thiên Chúa là “Đấng tốt lành và làm điều thiện” (Tv 119,68). Làm điều thiện là biết khơi lên, bảo vệ và thăng tiến sự sống, tình huynh đệ và hiệp thông. Như thế trách nhiệm đối với tha nhân có nghĩa là muốn và làm điều thiện hảo cho họ, mong ước họ cũng sẵn sàng đón nhận điều thiện và những đòi hỏi của điều thiện. Quan tâm đến tha nhân có nghĩa là ý thức được những nhu cầu của họ. Kinh Thánh cảnh giác về mối nguy cơ con tim chúng ta có thể trở nên chai cứng vì một thứ “hôn mê tinh thần”, làm chúng ta tê liệt trước những đau khổ của tha nhân. Thánh Luca thuật lại hai dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra để làm ví dụ. Trong dụ ngôn người Samaritanô tốt bụng, vị tư tế và thầy Lêvi “đi tránh qua một bên”, dửng dưng đối với người bị cướp bóc lột và đánh đập (x. Lc 10,30-32). Trong dụ ngôn người phú hộ và Lazarô, người phú hộ chẳng hề quan tâm đến Lazarô nghèo khó đang đói gần chết ngay trước cửa nhà mình (x. Lc 16,19). Cả hai dụ ngôn đều cho thấy điều trái ngược với sự “quan tâm”, với cái nhìn yêu thương và cảm thông. Điều gì ngăn cản cái nhìn nhân đạo và yêu thương ấy đối với anh chị em chúng ta? Thường thì đó là sự giàu có vật chất và cuộc sống thừa mứa, nhưng cũng có thể là khuynh hướng đặt tư lợi và những bận tâm của mình lên trên hết. Không bao giờ chúng ta được phép không biết “tỏ lòng thương xót” người đau khổ. Không bao giờ chúng ta được để cho con tim mình bị những quyền lợi và những mối bận tâm của mình phủ lấp đến độ không nghe được tiếng kêu của người nghèo. Tâm hồn khiêm tốn và kinh nghiệm bản thân về đau khổ sẽ có thể thức tỉnh nơi chúng ta ý thức về sự thương xót và cảm thông. “Người công chính quan tâm đến quyền lợi kẻ nghèo, điều đó, ác nhân sao hiểu nổi!” (Cn 29,7). Như thế ta hiểu được mối phúc của “những người khóc lóc” (Mt 5,5), vì quả thực họ là những người có cái nhìn vượt ra khỏi chính mình để cảm thông nỗi đau của tha nhân. Đến với tha nhân và mở rộng con tim cho nhu cầu của họ sẽ trở thành cơ hội để được cứu độ và hưởng phúc thật.

“Quan tâm đến nhau” cũng bao hàm việc quan tâm đến thiện ích thiêng liêng của nhau. Ở đây, tôi muốn lưu ý một khía cạnh của đời sống Kitô giáo mà tôi cho rằng đã bị lãng quên: đó là sự sửa lỗi huynh đệ nhắm đến ơn cứu rỗi đời đời. Nói chung ngày nay chúng ta rất nhạy cảm với khái niệm về từ thiện và quan tâm đến hạnh phúc về thân xác và vật chất của tha nhân, nhưng lại hầu như hoàn toàn im lặng về trách nhiệm tinh thần đối với anh chị em mình. Thái độ ấy không có trong Giáo Hội sơ khai và trong các cộng đoàn thực sự trưởng thành về đức tin; các cộng đoàn ấy không chỉ quan tâm đến sức khỏe thể xác của anh chị em mình, mà cả sức khỏe tâm hồn và vận mệnh tối hậu của họ nữa. Kinh Thánh dạy chúng ta: “Hãy khiển trách người khôn ngoan thì họ sẽ yêu mến con. Hãy khuyên bảo người khôn ngoan để họ càng khôn ngoan hơn; hãy dạy dỗ người công chính để họ hiểu biết thêm” (Cn 9,8tt). Chính Chúa Kitô dạy chúng ta phải khiển trách người anh em đang phạm tội (x. Mt 18,15). Động từ dùng cho sự sửa lỗi huynh đệ - elenchein - cũng là động từ chỉ sứ vụ ngôn sứ của các Kitô hữu, tố cáo một thế hệ chiều theo điều ác (x. Ep 5,11). Truyền thống của Giáo Hội đã kể việc “răn bảo kẻ có tội” là một trong những việc bác ái về phần linh hồn. Điều quan trọng là phải khôi phục chiều kích này của đức bác ái Kitô giáo. Không được im lặng trước sự ác. Ở đây tôi nghĩ đến những Kitô hữu, vì nể nang người khác hay chỉ vì muốn yên thân, họ lại chiều theo não trạng phổ biến, thay vì phải cảnh giác anh chị em mình về những lối suy nghĩ và hành động trái ngược với sự thật và không theo con đường sự thiện. Nhưng nếu phải lên tiếng khiển trách, thì người Kitô hữu không hề bị thúc đẩy bởi tinh thần kết án hoặc tố cáo, mà luôn được tình yêu và lòng từ bi thôi thúc, phát xuất từ mối quan tâm thực sự đối với thiện ích của người khác. Thánh tông đồ Phaolô nói: “Nếu ai trong anh em bị bắt gặp phạm lỗi, thì anh em là những người có Thánh Thần hãy lấy tinh thần dịu dàng mà sửa chữa người ấy; và anh em hãy coi chừng đừng để mình cũng bị cám dỗ như vậy” (Gl 6,1). Trong một thế giới mang đậm ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, cần phải tái khám phá tầm quan trọng của sự sửa lỗi huynh đệ, để cùng nhau nên thánh. Kinh Thánh nói rằng ngay cả “người công chính cũng sa ngã 7 lần” (Cn 24,16); mà tất cả chúng ta đều là người yếu đuối và thiếu sót (x. 1 Ga 1,8). Vì thế, thật là rất hữu ích khi chúng ta giúp đỡ người khác và để người khác giúp đỡ mình ngõ hầu biết được sự thực về bản thân mình, cải tiến cuộc sống và bước đi ngay thẳng hơn theo đường lối Chúa. Chúng ta luôn cần đến ánh mắt nhìn yêu thương và sửa dạy, nhận biết và thấu hiểu, phân định và tha thứ (x. Lc 22,61), như Chúa đã và đang làm với mỗi người chúng ta.

2. “Quan tâm đến nhau”: ơn huệ hỗ tương

Việc “trông coi” tha nhân tương phản với não trạng chỉ thu hẹp cuộc sống vào chiều kích trần thế mà không nhìn cuộc sống ấy trong viễn tượng cánh chung và lại chấp nhận bất kỳ chọn lựa luân lý nào nhân danh tự do cá nhân. Một xã hội như xã hội của chúng ta có thể trở nên đui mù trước những đau khổ thân xác cũng như những đòi hỏi của cuộc sống về tinh thần và luân lý. Nhưng cộng đoàn Kitô hữu không được sống như vậy! Thánh tông đồ Phaolô khuyên chúng ta theo đuổi “con đường đưa đến bình an và xây dựng lẫn nhau” (Rm 14,19), vì lợi ích cho tha nhân, “để nâng đỡ nhau” (15,2), và không phải tìm điều lợi cho riêng mình, nhưng “cho nhiều người khác, để họ cũng được cứu độ” (1 Cr 10,33). Việc sửa lỗi và khuyên nhủ nhau trong tinh thần khiêm tốn và bác ái như thế phải là lối sống của cộng đoàn Kitô hữu.

Các môn đệ của Chúa, được kết hiệp với Chúa Kitô nhờ Thánh Thể, sống trong tình bằng hữu liên kết họ với nhau như những chi thể của một thân thể. Điều này có nghĩa là tha nhân thuộc về tôi; và cuộc sống, phần rỗi của họ có liên quan tới cuộc sống và phần rỗi của tôi. Ở đây chúng ta chạm đến một yếu tố sâu xa của sự hiệp thông: cuộc sống của chúng ta có liên quan tới cuộc sống của người khác, cả trong điều tốt cũng như điều xấu. Tội lỗi và hành vi yêu thương đều mang chiều kích xã hội. Trong Giáo Hội là Nhiệm thể của Chúa Kitô có sự hỗ tương ấy: cộng đoàn không ngừng thống hối và cầu xin ơn tha thứ vì những tội lỗi của các thành viên, nhưng cũng luôn vui mừng vì các mẫu gương nhân đức và bác ái giữa cộng đoàn. Thánh Phaolô nói: “Các chi thể đều chăm sóc cho nhau” (1 Cr 12,25), vì chúng ta là một thân thể. Thực thi bác ái đối với anh em, biểu lộ qua việc bố thí –một thực hành tiêu biểu trong mùa Chay, cùng với kinh nguyện và chay tịnh– bắt nguồn từ thực tế cùng thuộc về một thân thể ấy. Khi quan tâm cụ thể đến những người nghèo khổ nhất, các Kitô hữu có thể cho thấy mình đang thuộc về một thân thể duy nhất là Giáo Hội. Quan tâm đến nhau tức là nhìn nhận điều thiện hảo mà Chúa làm nơi tha nhân và cùng với họ cảm tạ Thiên Chúa Toàn năng nhân hậu vì những kỳ công ân phúc mà Người không ngừng thực hiện nơi con cái mình. Khi người Kitô hữu nhận ra Chúa Thánh Thần hoạt động nơi tha nhân, thì họ không thể không vui mừng và tôn vinh Chúa Cha trên trời (x. Mt 5,16).

3. “Để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành”: cùng nhau tiến bước trên đường nên thánh

Những lời này của Thư gửi tín hữu Do Thái (10,24) thúc đẩy chúng ta suy tư về ơn gọi nên thánh dành cho mọi người, về cuộc hành trình liên lỉ trong đời sống thiêng liêng, khao khát những ân sủng lớn lao và một đức bác ái còn cao cả và đem lại hoa trái nhiều hơn (x. 1 Cr 12,31–13,13). Sự quan tâm đến nhau phải thúc đẩy chúng ta tiến đến một tình yêu ngày càng hữu hiệu, tình yêu ấy “như ánh bình minh, rực rỡ huy hoàng đến khi ngày tỏ rạng” (Cn 4,18), cho chúng ta sống mỗi ngày như thể được tham dự trước vào ngày bất diệt đang chờ đợi chúng ta trong Thiên Chúa. Thời gian được ban cho chúng ta trong cuộc sống này thật là quý giá để chúng ta phân định và chu toàn các việc lành trong tình yêu Thiên Chúa. Như thế chính Giáo Hội không ngừng tăng triển để đạt tới tầm vóc trưởng thành trọn vẹn của Chúa Kitô (x. Ep 4,13). Việc chúng ta khuyên bảo và khích lệ nhau đạt tới đức ái vẹn toàn và chu toàn các việc lành nằm trong viễn ảnh tăng trưởng năng động ấy.

Tiếc thay vẫn luôn có cám dỗ sống nhạt nhẽo, bóp nghẹt Thánh Thần, từ chối đầu tư những nén bạc chúng ta được giao để sinh lợi cho bản thân và cho tha nhân (x. Mt 25,25tt). Tất cả chúng ta đều nhận được những kho tàng tinh thần hay vật chất để chu toàn kế hoạch của Thiên Chúa hầu mưu ích cho Giáo Hội và để cứu rỗi bản thân chúng ta (x. Lc 12,21b; 1 Tm 6,18). Các bậc thầy về tu đức nhắc nhớ chúng ta rằng trong đời sống đức tin ai không tiến sẽ thụt lùi. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi ấy –mà ngày nay càng hợp thời hơn bao giờ hết–, đó là hướng đến “mức độ cao trong đời sống Kitô hữu” (Tông thư Ngàn Năm mới đang đến, số 31). Khi khôn ngoan nhìn nhận và tuyên phong một số Kitô hữu gương mẫu là Chân phước và là Thánh, Giáo Hội cũng nhằm khơi lên ước muốn noi gương nhân đức của các ngài. Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta “hãy thi đua kính trọng nhau” (Rm 12,10).

Trong một thế giới đòi hỏi các Kitô hữu đổi mới chứng tá về tình yêu thương và lòng trung thành với Chúa, mong sao mọi người chúng ta cảm thấy nhu cầu cấp bách phải cùng nhau thi đua thực hành bác ái, phục vụ và các việc lành (x. Dt 6,10). Lời kêu gọi này đặc biệt thôi thúc trong thời gian thánh chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh. Cùng với lời cầu chúc một Mùa Chay thánh thiện và sinh hoa kết quả, tôi phó thác tất cả anh chị em cho lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh chị em.

Vatican, ngày 3 tháng 11 năm 2011

Bênêđictô XVI, giáo hoàng

Chuyển ngữ: Đức Thành

WHĐ (11.02.2012)