SỨ ĐIỆP MÙA CHAY CỦA ĐỨC THÁNH
CHA
NĂM 2010
“Sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện
nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô” (x. Rm 3, 21-22)
Anh chị em thân mến!
Mỗi năm, vào dịp
Mùa Chay, Giáo Hội lại mời gọi ta chân thành xem xét lại cuộc sống của mình dưới
ánh sáng những lời dạy của Tin Mừng. Năm nay, tôi muốn đề nghị với anh chị em một
vài suy tư về chủ đề lớn công bằng, bắt đầu từ khẳng định của Phaolô: “Sự công
chính của Thiên Chúa đã được thể hiện nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Ki-tô” (x. Rm
3, 21-22).
Công bằng: “dare
cuique suum” [trả cho mỗi người những gì thuộc về người đó]
Trước hết, tôi muốn
xem xét ý nghĩa của từ ngữ “công bằng”, trong sự sử dụng thông thường ngụ ý “trả
cho mỗi người những gì thuộc về người đó”, theo thuật ngữ nổi tiếng của
Ulpianus, một luật gia La Mã ở thế kỷ thứ ba. Tuy nhiên, trong thực tế, định
nghĩa cổ điển này không nêu rõ những gì “thuộc về người đó” cần được trả cho mỗi
người. Điều mà con người cần nhất thì pháp luật lại không thể đảm bảo được cho
người đó. Để sống cuộc sống đầy đủ, cần thiết một cái gì đó sâu sắc hơn, chỉ có
thể được cấp như một món quà: ta có thể nói rằng con người sống bởi tình yêu mà
chỉ có Thiên Chúa mới có thể thông ban bởi vì Người đã tạo ra con người theo
hình ảnh và họa ảnh của Người. Của cải vật chất chắc chắn là hữu ích và cần thiết
– thật vậy, chính Chúa Giêsu đã chăm lo chữa các bệnh nhân, đã nuôi các đám
đông đi theo Người và, chắc chắn, Người lên án sự dửng dưng mà ngày nay vẫn còn
khiến cho hàng trăm triệu người phải chết vì thiếu thực phẩm, nước và thuốc men
– thế nhưng, đức công bằng “phân phối” không trả cho con người toàn bộ những gì
“thuộc về người đó”. Con người ta vốn đã cần cơm bánh, thì lại càng cần Thiên
Chúa gấp bội. Thánh Augustinô nhận xét: “nếu công bằng là nhân đức trả cho mỗi
người những gì thuộc về người đó… thì công bằng của con người ở đâu, khi mà con
người đào thoát khỏi Thiên Chúa đích thực?” (De Civitate Dei, XIX, 21).
Nguyên nhân của bất
công là gì?
Thánh sử Máccô chép
lại cho ta những lời sau đây của Chúa Giêsu trong cuộc tranh luận vào thời đó về
những gì là tinh sạch và những gì là ô uế: “Không có cái gì từ bên ngoài vào
trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ
con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng
người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7, 14-15; 20-21). Vượt quá vấn đề tức thời
về thức ăn, ta có thể tìm thấy nơi phản ứng của những người Biệt phái một cám dỗ
thường xuyên nơi con người: chỉ ra nguồn gốc của sự dữ nơi một nguyên nhân bên
ngoài. Nhiều ý thức hệ hiện đại tận căn gốc giả định trước rằng: vì sự bất công
đến “từ bên ngoài”, nên để cho công bằng ngự trị, chỉ cần loại bỏ các nguyên
nhân bên ngoài ngăn cản việc thực hiện công bằng là đủ. Cách suy nghĩ này –
Chúa Giêsu cảnh báo – là ngây thơ và thiển cận. Sự bất công, hậu quả của sự dữ,
không chỉ đến từ những nguyên nhân bên ngoài; nguồn gốc bất công nằm trong tâm
hồn con người, nơi tìm thấy những hạt giống của một sự cộng tác bí ẩn với sự dữ.
Tác giả Thánh vịnh cay đắng thừa nhận điều này: “Người thấy cho: lúc chào đời
con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51,7). Thật vậy,
con người trở nên yếu đuối bởi một ảnh hưởng mãnh liệt, làm thương tổn khả năng
hiệp thông với người khác. Tự bản chất, vốn mở ra cho sự chia sẻ tự do, con người
lại khám phá nơi mình một trọng lực lạ làm cho con người khép kín nơi chính
mình, và khẳng định mình ở trên và đối kháng với những người khác: đây chính là
sự ích kỷ, hậu quả của tội nguyên tổ. Ađam và Evà, bị sự dối trá của Satan quyến
rũ, chụp lấy trái cây huyền bí bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, đã thay thế
lôgích tin tưởng vào Tình Yêu bằng lôgích nghi ngờ và cạnh tranh; thay thế
lôgích đón nhận và mong chờ trong sự tin tưởng nơi Ai Khác bằng lôgích cướp đoạt
và tự tung tự tác (x. Stk 3, 1-6) để rồi cảm nghiệm hậu quả là một cảm giác lo
âu và bất an. Làm thế nào con người có thể tự giải thoát khỏi xu hướng ích kỷ
này và cởi mở bản thân cho tình yêu?
Công bằng và
Sedaqah
Tại tâm điểm sự
khôn ngoan của Ítraen, ta tìm ra một mối liên hệ sâu xa giữa niềm tin vào vị
Thiên Chúa “nâng kẻ yếu đuối lên từ bụi đất” (Tv 113, 7) và sự công bằng đối với
cận nhân. Từ trong tiếng Hípri chỉ nhân đức công bằng, sedaqah, diễn tả
nhân đức này một cách tuyệt vời. Quả thế, sedaqah, một mặt, nghĩa là chấp
nhận hoàn toàn ý muốn Thiên Chúa của Ítraen; mặt khác, sự công bằng đối với cận
nhân (x. Xh 20, 12-17), đặc biệt là đối với người nghèo khổ, ngoại kiều, kẻ mồ
côi và người góa bụa (x. Đnl 10, 18-19). Nhưng hai ý nghĩa này được liên kết với
nhau bời vì, đối với người Ítraen, cho người nghèo chỉ là hoàn lại những gì họ
nợ Thiên Chúa, Đấng chạnh thương trước sự khốn quẫn của dân Người. Chẳng phải
ngẫu nhiên mà việc ban Lề Luật cho Môisê, ở núi Sinai, đã diễn ra sau cuộc vượt
qua Biển Đỏ. Việc lắng nghe Lề Luật tiên vàn đòi hỏi phải có niềm tin vào Thiên
Chúa, Đấng đầu tiên đã “nghe tiếng kêu” của dân Người và đã “xuống giải thoát
chúng khỏi tay người Ai Cập” (x. Xh 3, 8). Thiên Chúa lưu tâm đến tiếng kêu của
những người cùng khốn và, ngược lại, đòi hỏi được lắng nghe: Người đòi công lý
cho người nghèo (x. Hc 4, 4-5.8-9), ngoại kiều (x. Xh 22, 20), người nô lệ (x.
Đnl 15, 12-18). Để bước vào trong sự công bằng, cần phải rời khỏi ảo tưởng tự
mãn, sự khép kín sâu xa, chính là nguồn gốc bất công. Nói cách khác, điều cần
thiết là một cuộc “xuất hành” còn sâu xa hơn cả cuộc xuất hành mà Thiên Chúa đã
thực hiện với Môisê, một cuộc giải phóng tâm hồn, mà Lề Luật tự sức nó vô
phương thực hiện. Như thế, liệu con người có còn một niềm hy vọng nào cho công
lý không?
Chúa Kitô, Công lý
của Thiên Chúa
Tin Mừng Kitô giáo
trả lời là có trước sự khao khát công lý của con người, như Thánh Phaolô khẳng
định trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa
đã được thể hiện mà không cần đến Luật… người ta được Thiên Chúa làm cho nên
công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế,
bất luận là ai. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên
Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ
công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người
làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin” (3, 21-25). Thế thì,
công lý của Chúa Kitô đâu? Trước tiên, đó là một công lý xuất phát từ ân sủng,
nơi con người không tự cứu độ, không tự cứu chữa cho chính mình và cứu chữa những
người khác. Sự kiện việc thục tội được thực hiện trong “máu” của Chúa Kitô có
nghĩa rằng những lễ hy sinh của con người không giải thoát con người khỏi gánh
nặng của những lỗi lầm của mình, nhưng nhờ hành vi yêu thương của Thiên Chúa là
Đấng tự cởi mở cho đến tột độ, cho đến độ mang nơi bản thân Người “lời nguyền”
đã được dành cho con người để trả lại cho con người “phúc lành” của Thiên Chúa
(x. Gl 3, 13-14). Nhưng điều này gây nên ngay lập tức một sự phản đối: đây là
loại công lý nào khi mà người công chính chết cho kẻ có tội và kẻ có tội lại
lãnh nhận phúc lành thuộc về người công chính? Phải chăng điều này không có
nghĩa là mỗi người lãnh nhận cái trái ngược với “những gì thuộc về người đó”?
Trên thực tế, ở đây, ta khám phá ra công lý của Thiên Chúa khác biệt sâu xa với
công lý của con người. Thiên Chúa đã trả thay cho ta cái giá trao đổi nơi người
Con của Người, một giá thực sự quá mức. Trước công lý của Thập Giá, con người
có thể nổi loạn vì công lý này cho thấy con người không phải là một hữu thể tự
túc, nhưng cần đến Một Ai Khác để tự thể hiện bản thân một cách trọn vẹn. Hoán
cải theo Chúa Kitô, tin vào Tin Mừng, cuối cùng ra nghĩa là thế này: thoát ra
khỏi cái ảo tưởng tự mãn, khám phá và chấp nhận sự cần thiết của mình – cần thiết
người khác và Thiên Chúa, sự cần thiết ơn tha thứ của Người và tình bằng hữu với
Người. Như thế, ta hiểu rằng đức tin hoàn toàn không phải là điều gì đó tự
nhiên, dễ dãi, hiển nhiên: cần khiêm tốn để chấp nhận rằng Một Ai Khác giải
thoát tôi khỏi “cái tôi”, ban cho tôi cách nhưng không “cái của Người đó”. Điều
này được thực hiện một cách đặc biệt trong các bí tích Hòa Giải và Thánh Thể.
Nhờ hành động của Chúa Kitô, ta có thể bước vào trong một công lý “lớn nhất”,
công lý của tình yêu (x. Rm 13, 8-10), công lý mà, trong mọi trường hợp, đều tự
coi mình là người mang nợ hơn là chủ nợ, bởi vì đã lãnh nhận nhiều hơn những gì
mình có thể mong đợi. Được củng cố bằng chính kinh nghiệm này, người Kitô hữu
được mời gọi đóng góp vào việc xây dựng những xã hội công bằng nơi mà tất cả mọi
người đều lãnh nhận cái cần thiết để sống theo phẩm giá đích thực của nhân vị
và là nơi mà công bằng được sinh động hóa bởi tình yêu.
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay lên đến đỉnh cao trong Tam nhật Vượt qua, trong đó, cả năm nay nữa, ta
sẽ cử hành mầu nhiệm công lý của Thiên Chúa – sự tròn đầy đức ái, sự trao ban,
ơn cứu độ. Ước gì thời gian sám hối này, đối với mỗi người Kitô hữu, là một khoảng
thời gian hoán cải đích thực và hiểu biết sâu xa mầu nhiệm Chúa Kitô đã đến để
thực hiện mọi công lý. Với những tâm tình này, tôi thân ái ban Phép lành Tòa
thánh cho tất cả anh chị em.
Vatican, 30 tháng
10 năm 2009
BÊNÊĐICTÔ XVI, Giáo
hoàng