HỘI ĐỒNG TOÀ THÁNH VỀ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

SỨ ĐIỆP GỬI QUÝ PHẬT TỬ NHÂN DỊP ĐẠI LỄ VESAKH
Năm 2009 - Phật lịch 2553

“Các Kitô hữu và Phật tử đối thoại trong việc làm chứng cho tinh thần nghèo khó”

Các bạn Phật tử thân mến,

1. Lễ Vesakh sắp tới là một dịp thuận lợi đối với tôi để bày tỏ với các bạn, nhân danh Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn, lời chúc mừng chân thành và thân thiện nhất của chúng tôi: ước gì một lần nữa đại lễ này mang lại niềm vui và sự thanh thản cho tất cả các Phật tử trên toàn thế giới! Việc cử hành thường niên đại lễ này cho người Công giáo cơ hội chào mừng các bạn bè cùng những người láng giềng Phật tử của mình và nhờ đó, củng cố các mối tương quan bằng hữu sẵn có, đồng thời thiết lập thêm những quan hệ mới. Những dấu chỉ thân hữu này giúp chúng ta chia sẻ với nhau những niềm vui, hy vọng và kho tàng tinh thần của chúng ta.

2. Đang khi chúng tôi cảm thấy thân cận với các bạn Phật tử, thì có một điều ngày càng sáng tỏ hơn là: khi cộng tác với nhau mà vẫn trung thành với truyền thống riêng của mỗi bên, chúng ta không chỉ có thể đóng góp cho thiện ích của cộng đồng của mình, mà còn cho toàn thể cộng đồng nhân loại. Chúng ta ý thức về những thách đố đặt ra cho mình: một đàng là nạn nghèo đói ngày càng lan rộng dưới nhiều hình thức khác nhau, và đàng khác, là việc theo đuổi cách vô độ sự chiếm hữu của cải vật chất và theo đuổi bóng tối tràn lan của chủ nghĩa duy tiêu thụ.

3. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nêu lên gần đây, có hai loại nghèo khó khác nhau: một sự nghèo khó “tự chọn” và một thứ nghèo khó “phải loại trừ” (Bài giảng ngày 1.1.2009). Đối với người Kitô hữu, sự nghèo khó tự chọn là cái nghèo cho phép chúng tôi bước theo Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó, người Kitô hữu sẵn sàng đón nhận những ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Đấng vốn giàu sang đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để cho chúng ta được nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người (x. 2 Cr 8, 20). Trước hết, chúng tôi hiểu nghèo khó đây là sự từ bỏ cái ngã của cá nhân, nhưng đồng thời cũng là việc chấp nhận cái ngã như bản thân chúng tôi là, với các tài năng lẫn giới hạn của mình. Đó là một nghèo khó tạo nên nơi chúng tôi ước muốn lắng nghe Thiên Chúa cũng như anh chị em, trong tinh thần cởi mở và tôn trọng họ như những cá nhân. Chúng tôi đánh giá cao mọi tạo vật, kể cả những thành quả do lao công của con người, nhưng chúng tôi được hướng dẫn thực hiện điều đó với sự tự do và lòng biết ơn, sự quan tâm và lòng tôn trọng, cùng với một tinh thần siêu thoát khiến chúng tôi sử dụng của cải trần thế này như thể “không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2 Cr 6, 10).

4. Đồng thời, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng lưu ý rằng: “có một thứ nghèo nàn, một sự bần cùng, mà Thiên Chúa không muốn và phải “chống lại” điều đó; một thứ nghèo nàn ngăn cản con người và các gia đình sống đúng phẩm giá của họ; một thứ nghèo nàn xúc phạm đến công bằng và bình đẳng, như thế là đe dọa đến cuộc sống chung hòa bình”. Hơn nữa, “nơi các xã hội giàu có và tiến bộ, có những hiện tượng bị gạt sang bên lề xã hội, nghèo nàn về tương quan, luân lý và tinh thần: đó là những người mất định hướng nội tâm, đang chịu nhiều hình thức bất ổn khác nhau dù cho được sung túc về kinh tế” (Sứ điệp ngày Thế giới Hòa bình 2009, số 2).

5. Các bạn Phật tử thân mến, đang khi người Công giáo chúng tôi suy tư về ý nghĩa của sự nghèo khó, thì chúng tôi cũng lưu tâm đến kinh nghiệm tinh thần của các bạn. Chúng tôi muốn cám ơn chứng tá truyền cảm của các bạn về thái độ vô trước[1] và mãn nguyện. Quý tăng, ni cũng như nhiều Phật tử nhiệt tâm trong các bạn đã chọn sống nghèo khó “tự chọn”, một sự nghèo khó có sức nuôi dưỡng cái tâm của con người, khi giúp người ta hiểu sâu xa hơn về ý nghĩa cuộc đời và thúc đẩy thiện chí dấn thân của tất cả cộng đồng nhân loại. Một lần nữa, chúng tôi xin gửi đến các bạn những lời chào mừng nồng nhiệt và xin chúc tất cả các bạn một lễ Vesakh/Hanamatsuri tốt đẹp!

Hồng y Jean-Louis Tauran
Chủ tịch

Tổng Giám mục Pier Luigi Celata
Thư ký

Chuyển ngữ: Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn TGP. Sài Gòn

WHĐ (14.04.2009)

 


[1] Còn gọi là “vô trứ” (asangha), nghĩa là không mê, không chấp (x. Đoàn Trung Còn, Phật học Từ điển, Q. III, tr. 666).