SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHO NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ 57
Ngày mồng 01 tháng 01 năm 2024
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ HÒA BÌNH
Nhân dịp đầu Năm Mới, thời gian ân sủng mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta, tôi muốn ngỏ lời với Dân Chúa, với các quốc gia, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, với các nhà lãnh đạo các tôn giáo và xã hội dân sự, và tất cả mọi người nam nữ thời đại chúng ta. Xin gửi đến mọi người lời chúc hoà bình tốt đẹp nhất.
1. Tiến bộ khoa học và công nghệ là con đường dẫn đến hòa bình
Kinh Thánh chứng thực rằng Thiên Chúa đã ban Thánh Thần của Ngài cho con người để họ được “khéo tay, giỏi giang và lành nghề mà làm mọi công việc” (Xh 35,31). Trí thông minh của con người là đặc điểm thể hiện phẩm giá mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta; Ngài là Đấng đã tạo nên chúng ta theo hình ảnh và giống như Ngài (x. St 1,26), để chúng ta có thể đáp lại tình yêu của Ngài một cách có ý thức và tự do. Cách riêng, khoa học và công nghệ minh hoạ phẩm chất cơ bản này trong mối quan hệ với trí tuệ con người; đó là những thành quả tuyệt vời đến từ tiềm năng sáng tạo của con người.
Trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, Công đồng Vatican II đã nêu lại sự thật này, khi tuyên bố rằng “bằng lao động và tài trí, con người đã luôn cố gắng phát triển thêm mãi cuộc sống của mình” [1]. Khi con người, “với sự trợ giúp của công nghệ”, nỗ lực biến “trái đất thành nơi cư ngụ xứng đáng cho toàn thể gia đình nhân loại” [2], họ thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa và cộng tác với ý muốn của Ngài để hoàn thiện công trình sáng tạo và kiến tạo hoà bình giữa các dân tộc. Những tiến bộ của khoa học và công nghệ, khi góp phần làm cho xã hội loài người thêm trật tự, hiệp thông huynh đệ và tự do, sẽ thúc đẩy nhân loại tiến bộ hơn và biến đổi thế giới.
Chúng ta thật sự vui mừng và biết ơn trước những thành tựu đầy ấn tượng của khoa học và công nghệ, vì nhờ đó biết bao tai hoạ trước đây từng gây tác hại và đau khổ cho con người nay đã được khắc phục. Đồng thời, những tiến bộ khoa học-kỹ thuật, khi cho con người được quyền kiểm soát thực tế vốn trước nay chưa từng có, lại đang đặt vào tay con người rất nhiều chọn lựa, bao gồm cả những chọn lựa có thể gây nguy hiểm cho sự sống còn của chúng ta và cho ngôi nhà chung của chúng ta [3].
Vì thế, những tiến bộ nổi bật trong công nghệ mới về thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số, mang lại những cơ hội gây phấn khích cũng như những rủi ro nghiêm trọng, có tác động lớn đến việc theo đuổi công lý và hòa hợp giữa các dân tộc. Do đó, có một số câu hỏi cấp bách cần phải đặt ra. Đâu là hậu quả trong trung và dài hạn của những công nghệ kỹ thuật số mới này? Và chúng sẽ có tác động thế nào đến cuộc sống cá nhân và xã hội, đến sự ổn định và hòa bình thế giới?
2. Tương lai của trí tuệ nhân tạo: giữa hứa hẹn và nguy cơ
Tiến bộ trong công nghệ thông tin và sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số trong những thập niên gần đây đã bắt đầu tạo ra những biến đổi sâu sắc trong xã hội toàn cầu và những năng động khác nhau của nó. Các công cụ kỹ thuật số mới thậm chí đang thay đổi bộ mặt của truyền thông, hành chính công, giáo dục, tiêu dùng, tương tác cá nhân và vô số khía cạnh khác trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Hơn nữa, nhờ nhiều thuật toán khác nhau, các công nghệ này có thể trích xuất dữ liệu từ các dấu chân kỹ thuật số còn lưu lại trên khắp Internet, để kiểm soát các thói quen tinh thần và tương quan của chúng ta cho mục đích thương mại hoặc chính trị mà chúng ta thường không hay biết, do đó hạn chế việc chúng ta thực hiện quyền tự do lựa chọn một cách có ý thức. Trong một không gian như không gian web, với đặc trưng quá tải thông tin, người ta có thể cấu trúc luồng dữ liệu theo các tiêu chí lựa chọn mà không phải lúc nào người dùng cũng nhận ra.
Chúng ta cần nhớ rằng nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ không xa rời thực tế và “trung lập” [4], nhưng chịu ảnh hưởng của văn hóa. Vì là những hoạt động hoàn toàn của con người, nên hướng đi của chúng phản ánh những lựa chọn được điều kiện hoá bởi các giá trị cá nhân, xã hội và văn hóa ở mỗi thời đại. Kết quả được tạo ra cũng vậy: chính vì là thành quả của những cách thức riêng qua đó con người tiếp cận với thế giới xung quanh, nên chúng luôn mang chiều kích đạo đức, liên kết chặt chẽ với các quyết định của những người lập kế hoạch thử nghiệm và định hướng cho sản xuất tới những mục tiêu nào đó.
Đây cũng là trường hợp của các hình thức trí tuệ nhân tạo. Cho đến nay, chưa có một định nghĩa thống nhất về trí tuệ nhân tạo trong thế giới khoa học và công nghệ. Bản thân thuật ngữ này, hiện đã được sử dụng phổ biến, bao gồm nhiều ngành khoa học, lý thuyết và kỹ thuật có mục đích làm cho máy móc vận hành bằng cách mô phỏng hoặc bắt chước khả năng nhận thức của con người. Đặc biệt, cách nói “các hình thức trí tuệ”, ở số nhiều, có thể giúp nhấn mạnh khoảng cách không thể vượt qua giữa các hệ thống ấy với con người, dù chúng có tuyệt vời và mạnh mẽ đến đâu: cuối cùng, chúng chỉ là những “mảnh rời”, theo nghĩa là chúng chỉ có thể bắt chước hoặc mô phỏng một số chức năng nào đó của trí thông minh con người. Việc sử dụng số nhiều cũng cho thấy thực tế là các thiết bị này rất khác nhau và chúng nên luôn được coi là những “hệ thống kỹ thuật mang tính xã hội”. Bởi lẽ tác động của bất kỳ thiết bị trí tuệ nhân tạo nào – dù có dùng công nghệ cơ bản gì đi nữa – cũng phụ thuộc không những vào thiết kế kỹ thuật của nó mà còn vào mục tiêu và lợi ích của chủ sở hữu và nhà phát triển cũng như các tình huống mà nó sẽ được sử dụng.
Do đó, trí tuệ nhân tạo phải được hiểu như một thiên hà những thực tại khác nhau. Chúng ta không thể tiên thiên cho rằng việc phát triển trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần mang lại thiện ích cho tương lai nhân loại và hòa bình giữa các dân tộc. Kết quả tích cực ấy chỉ có thể đạt được nếu chúng ta chứng tỏ mình có khả năng hành động có trách nhiệm và tôn trọng các giá trị cơ bản của con người như “hòa nhập, minh bạch, an ninh, công bằng, bảo mật và đáng tin cậy” [5].
Cũng không đủ nếu cho rằng chỉ cần những người thiết kế các thuật toán và công nghệ kỹ thuật số cam kết hành động có đạo đức và có trách nhiệm. Cần tăng cường hoặc, nếu cần thiết, thành lập các cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra các vấn đề đạo đức nảy sinh trong lĩnh vực này và bảo vệ quyền của những người sử dụng các hình thức trí tuệ nhân tạo hoặc bị ảnh hưởng bởi hình thức này [6].
Do đó, việc phổ biến rộng rãi công nghệ phải đi đôi với việc đào tạo thích hợp về trách nhiệm đối với sự phát triển công nghệ trong tương lai. Tự do và chung sống hòa bình bị đe dọa khi con người sa vào cơn cám dỗ ích kỷ, tư lợi, tham lam và ham muốn quyền lực. Vì thế, chúng ta có nhiệm vụ mở rộng tầm nhìn và đưa nghiên cứu khoa học-kỹ thuật hướng tới việc theo đuổi hòa bình và công ích, nhằm phục vụ sự phát triển toàn diện của các cá nhân và cộng đồng [7].
Phẩm giá nội tại của mỗi con người và tình huynh đệ gắn kết chúng ta như những thành viên của một gia đình nhân loại phải là nền tảng cho sự phát triển của các công nghệ mới và đóng vai trò là tiêu chí không thể bác bỏ trong việc lượng giá chúng trước khi sử dụng, nhờ thế công nghệ kỹ thuật số mới có thể tiến bộ theo hướng tôn trọng công lý cách thích đáng và góp phần xây dựng hòa bình. Những phát triển công nghệ không dẫn đến cải thiện phẩm chất cuộc sống của toàn nhân loại, trái lại còn làm cho những bất bình đẳng và xung đột thêm trầm trọng, sẽ không bao giờ có thể được coi là tiến bộ thực sự [8].
Trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Những thách đố mà nó đặt ra không chỉ là về kỹ thuật mà còn liên quan đến cả nhân chủng học, giáo dục, xã hội và chính trị. Chẳng hạn, trí tuệ nhân tạo hứa hẹn làm việc đỡ vất vả, sản xuất hiệu quả hơn, vận chuyển dễ dàng hơn và có thị trường năng động hơn cũng như cách mạng trong việc thu thập, tổ chức và xác minh dữ liệu. Chúng ta cần nhận thức được những biến đổi nhanh chóng hiện đang diễn ra và cần quản lý chúng theo hướng bảo vệ các quyền cơ bản của con người đồng thời tôn trọng các thể chế và luật lệ thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện. Trí tuệ nhân tạo phải phục vụ tiềm năng tốt nhất của con người và những khát vọng cao nhất của chúng ta chứ không cạnh tranh với chúng.
3. Công nghệ của tương lai: máy móc “tự học”
Theo nhiều hình thức khác nhau, trí tuệ nhân tạo dựa trên kỹ thuật học máy (machine learning techniques), mặc dù còn đang ở giai đoạn sơ khởi, nhưng cũng đã tạo ra những thay đổi đáng kể đối với cơ cấu xã hội và gây ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, hành vi xã hội và việc xây dựng hòa bình.
Những phát triển như học máy hoặc học sâu (deep learning) đặt ra những vấn đề vượt khỏi lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật, đồng thời liên quan đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa cuộc sống con người, về việc xây dựng kiến thức và khả năng lý trí đạt được chân lý.
Chẳng hạn, một số thiết bị có khả năng tạo ra các văn bản mạch lạc về ngữ pháp và ngữ nghĩa nhưng không bảo đảm về độ tin cậy. Người ta nói rằng chúng gây “ảo giác”, tức là đưa ra những khẳng định thoạt nhìn có vẻ hợp lý nhưng lại vô căn cứ hoặc bộc lộ thành kiến. Điều này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng khi người ta dùng trí tuệ nhân tạo trong các chiến dịch tung tin sai lệch để lan truyền tin giả và khiến cho truyền thông ngày càng không đáng tin. Các công nghệ này có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho những lãnh vực khác như quyền riêng tư, quyền sở hữu dữ liệu và tài sản trí tuệ. Chúng ta có thể kể thêm những hậu quả tiêu cực khác của việc lạm dụng các công nghệ này, chẳng hạn như nạn phân biệt đối xử, can thiệp vào tiến trình bầu cử, thiết lập xã hội giám sát, loại trừ kỹ thuật số và làm trầm trọng thêm tình trạng cá nhân ngày càng mất kết nối với xã hội. Tất cả những yếu tố này có nguy cơ dung dưỡng xung đột và cản trở hòa bình.
4. Cảm thức về giới hạn trong mô hình kỹ trị
Thế giới này quá rộng lớn, đa dạng và phức tạp, nên chúng ta không thể biết hết và phân loại rốt ráo được. Trí khôn con người không bao giờ có thể múc cạn sự phong phú của nó, ngay cả khi có các thuật toán tiên tiến nhất trợ giúp. Các thuật toán như vậy không đưa ra những dự báo chắc chắn về tương lai mà chỉ là những ước tính thống kê gần đúng. Không phải mọi thứ đều có thể đoán trước được, không phải mọi thứ đều có thể tính toán được; rốt cuộc, “thực tại lớn hơn ý tưởng” [9]. Cho dù khả năng tính toán của chúng ta có phi thường đến đâu thì vẫn sẽ luôn có một phần dư ra không thể nắm bắt và thoát khỏi mọi nỗ lực định lượng.
Ngoài ra, lượng dữ liệu khổng lồ được trí tuệ nhân tạo phân tích tự nó không bảo đảm tính khách quan. Khi các thuật toán ngoại suy thông tin, chúng luôn có nguy cơ bóp méo thông tin, bởi lẽ chúng tái hiện lại những bất công và định kiến của môi trường nơi chúng xuất phát. Chúng càng trở nên nhanh hơn và phức tạp hơn thì ta càng khó lý giải hơn vì sao chúng lại tạo ra được kết quả như vậy.
Những cỗ máy “thông minh” có thể thực hiện các nhiệm vụ được giao với hiệu quả cao hơn bao giờ hết, nhưng mục đích và ý nghĩa hoạt động của chúng còn phải được xác định hoặc chấp thuận bởi những con người vốn sở hữu cả một thế giới giá trị của riêng họ. Có các nguy cơ đó là những tiêu chí làm cơ sở cho một số quyết định sẽ trở nên kém rõ ràng, trách nhiệm ra những quyết định đó bị che khuất và các nhà sản xuất có thể trốn tránh nghĩa vụ hành động vì lợi ích của cộng đồng. Theo một nghĩa nào đó, điều này được hệ thống kỹ trị ủng hộ, vốn là hệ thống gắn kết kinh tế với công nghệ và ưu tiên cho tiêu chí hiệu quả, với xu hướng bỏ qua bất cứ điều gì không liên quan đến lợi ích trước mắt của nó [10].
Điều này sẽ khiến chúng ta ngẫm nghĩ về một điều thường bị bỏ qua trong não trạng hướng tới hiệu quả và kỹ trị hiện nay của chúng ta, là điều có tính quyết định đối với sự phát triển cá nhân và xã hội, đó chính là “cảm thức về giới hạn”. Con người được xác định là có sinh có tử, mà lại nghĩ đến việc vượt qua mọi giới hạn nhờ công nghệ, thế nên trong nỗi ám ảnh muốn kiểm soát mọi thứ, chúng ta có nguy cơ mất kiểm soát chính mình; trong khi kiếm tìm sự tự do tuyệt đối, chúng ta có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của một “chế độ độc tài công nghệ”. Nhận biết và chấp nhận những giới hạn của con người như những thụ tạo là điều kiện cần thiết để đạt tới, hay đúng hơn, để đón nhận sự viên mãn như một món quà. Trong bối cảnh ý thức hệ của mô hình kỹ trị lấy cảm hứng từ giả định về khả năng tự cung tự cấp của Prometheus, những bất bình đẳng có thể gia tăng quá mức, kiến thức và của cải tích lũy trong tay một ít người, và những rủi ro nghiêm trọng sẽ xảy ra cho các xã hội dân chủ và sự chung sống hòa bình [11].
5. Những vấn đề nóng về đạo đức
Trong tương lai, độ tin cậy của người nộp đơn xin vay vốn, sự phù hợp công việc của một cá nhân, khả năng tái phạm của người bị kết án, quyền được tị nạn chính trị hoặc trợ giúp xã hội đều có thể được xác định bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo. Các cấp độ trọng tài khác nhau mà những hệ thống này đưa ra thì thiếu sót nên rất dễ dẫn đến các hình thức thành kiến và phân biệt đối xử: các sai sót mang tính hệ thống có thể dễ dàng nhân lên, không chỉ tạo ra những bất công trong các trường hợp cá nhân mà, do hiệu ứng domino, còn tạo ra các hình thức bất bình đẳng xã hội thực sự.
Đôi khi, các hình thức trí tuệ nhân tạo dường như có khả năng tác động đến các quyết định cá nhân qua các lựa chọn được xác định trước, gắn liền với các cơ chế kích thích và can ngăn, hoặc qua một hệ thống hướng dẫn con người lựa chọn dựa trên việc xử lý thông tin. Những hình thức thao túng hoặc kiểm soát xã hội này đòi hỏi phải được chú ý và giám sát cẩn thận, đồng thời hàm ý rằng người sản xuất, người sử dụng và các cơ quan chính phủ đều có trách nhiệm pháp lý rõ ràng.
Việc phụ thuộc vào các quy trình tự động phân loại cá nhân, chẳng hạn sử dụng rộng rãi biện pháp giám sát hoặc áp dụng các hệ thống tín nhiệm xã hội, cũng có thể có tác động sâu sắc đến cơ cấu xã hội bởi cách xếp hạng công dân. Những quy trình phân loại nhân tạo này cũng có thể dẫn đến xung đột quyền lực, vì chúng không chỉ liên quan đến người dùng ảo mà cả người thật. Thái độ tôn trọng cơ bản đối với phẩm giá con người đòi chúng ta phải từ chối việc dùng một bộ dữ liệu để xác định tính duy nhất của con người. Không được dùng thuật toán để xác định cách chúng ta hiểu về nhân quyền, để gạt bỏ các giá trị cốt lõi của con người như lòng trắc ẩn, lòng thương xót và sự tha thứ hoặc để loại trừ khả năng thay đổi và giã từ quá khứ của một cá nhân.
Trong bối cảnh này, chúng ta cũng không thể không xét đến tác động của công nghệ mới trong lĩnh vực công ăn việc làm. Các hoạt động trước đây chỉ dành riêng cho nhân lực nay nhanh chóng bị các ứng dụng công nghiệp của trí tuệ nhân tạo thay thế. Ở đây cũng vậy, có mối nguy cơ lớn về lợi ích không tương xứng dành cho một số người với cái giá phải trả là sự bần cùng hóa của nhiều người. Sự tôn trọng phẩm giá của người lao động và tầm quan trọng của việc làm đối với phúc lợi kinh tế của cá nhân, gia đình và xã hội, đối với sự ổn định công việc và mức lương công bằng, phải là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế khi các hình thức công nghệ này ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nơi làm việc của chúng ta.
6. Liệu chúng ta có biến gươm đao thành cuốc thành cày được chăng?
Ngày nay, khi nhìn ra thế giới xung quanh, chúng ta không thể thoát khỏi những vấn nạn đạo đức nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực vũ khí. Khả năng tiến hành các hoạt động quân sự với hệ thống điều khiển từ xa đã làm giảm nhận thức về sức tàn phá của các hệ thống vũ khí ấy, cũng như về trách nhiệm khi sử dụng chúng, góp phần đưa đến cách tiếp cận các thảm kịch to lớn của chiến tranh thậm chí còn lạnh lùng và bàng quan hơn trước. Việc nghiên cứu các công nghệ mới xuất hiện trong lĩnh vực được gọi là Hệ thống vũ khí giết người tự động, bao gồm cả việc vũ khí hóa trí tuệ nhân tạo, đã gây ra mối lo ngại nghiêm trọng về mặt đạo đức. Hệ thống vũ khí tự động không bao giờ có thể là chủ thể chịu trách nhiệm về mặt đạo đức. Khả năng phán xét về luân lý và ra quyết định về mặt đạo đức vốn là đặc quyền của con người không chỉ là một tập hợp phức tạp các thuật toán, và khả năng đó không thể bị giản lược thành việc lập trình một cỗ máy, dù “thông minh” đến đâu đi nữa thì vẫn là một cỗ máy. Đó là lý do các hệ thống vũ khí bắt buộc phải được con người giám sát thích đáng, thực chất và chặt chẽ.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua trường hợp các loại vũ khí tinh vi có thể rơi vào tay kẻ xấu, tạo điều kiện cho các cuộc tấn công khủng bố hoặc các can thiệp nhằm gây bất ổn cho các thể chế của các hệ thống chính phủ hợp pháp. Tóm lại, thế giới không cần những công nghệ mới góp phần cho sự phát triển bất công của thị trường và nạn buôn bán vũ khí, với hậu quả là thúc đẩy sự điên rồ của chiến tranh. Làm như vậy, không chỉ trí thông minh mà ngay cả trái tim con người cũng có nguy cơ ngày càng trở nên “nhân tạo”. Những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất thay vì được sử dụng để dễ dàng giải quyết các xung đột bằng con đường bạo lực, thì nên được sử dụng để mở đường cho hòa bình.
Ở một khía cạnh tích cực hơn, nếu trí tuệ nhân tạo được sử dụng để thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, nó có thể mang lại những đổi mới quan trọng trong nông nghiệp, giáo dục và văn hóa, nâng cao mức sống cho toàn thể các quốc gia và các dân tộc, cũng như gia tăng tình huynh đệ nhân loại và tình bằng hữu xã hội. Cuối cùng, cách chúng ta sử dụng trí tuệ nhân tạo để đón nhận những anh chị em nhỏ bé nhất, những người dễ bị tổn thương và những người thiếu thốn nhất, sẽ là thước đo thực sự cho tình nhân loại của chúng ta.
Quan điểm nhân đạo đích thực và mong muốn tương lai thế giới tốt đẹp hơn tất nhiên sẽ dẫn đến nhu cầu phải có một cuộc đối thoại liên ngành nhằm phát triển các thuật toán cách đạo đức – (l’algor-etica) – trong đó các giá trị sẽ định hướng cho các công nghệ mới [12]. Cũng cần xem xét các vấn đề đạo đức ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu và tiếp tục qua các giai đoạn thử nghiệm, thiết kế, sản xuất, phân phối và tiếp thị. Đây là cách tiếp cận đạo đức khi lập kế hoạch, trong đó chính các tổ chức giáo dục và những người ra quyết định nắm giữ vai trò thiết yếu.
7. Những thách đố đối với giáo dục
Việc phát triển một nền công nghệ tôn trọng và phục vụ phẩm giá con người rõ ràng có liên hệ với các tổ chức giáo dục và thế giới văn hóa. Bằng cách mở rộng thêm các khả năng giao tiếp, công nghệ kỹ thuật số đã mang lại cho chúng ta những cách gặp gỡ mới. Tuy nhiên, vẫn cần phải tiếp tục suy ngẫm về các loại tương quan mà chúng ta đang hướng tới. Những người trẻ của chúng ta đang lớn lên trong môi trường văn hóa tràn ngập công nghệ, và điều này không thể không là những thách đố đối với các phương pháp giảng dạy, giáo dục và đào tạo của chúng ta.
Việc giáo dục cho biết cách sử dụng các hình thức trí tuệ nhân tạo trước hết phải nhằm mục đích thúc đẩy tư duy phê phán. Người dùng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ, cần phát triển khả năng phân định trong việc sử dụng dữ liệu và nội dung được thu thập trên web hoặc do hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo ra. Các trường học, đại học và hiệp hội khoa học được mời gọi giúp cho sinh viên và các chuyên gia nắm bắt các khía cạnh xã hội và đạo đức của việc phát triển và sử dụng công nghệ.
Việc đào tạo cách sử dụng các phương tiện truyền thông mới cũng phải xét đến, không chỉ thông tin xuyên tạc, “tin giả”, mà còn cả việc tái phát đáng lo ngại “những nỗi sợ hãi do tổ tiên truyền lại… vốn có thể ẩn nấp và lan truyền đằng sau các công nghệ mới” [13]. Đáng buồn thay, một lần nữa chúng ta lại phải chiến đấu chống “cơn cám dỗ tạo ra nền văn hóa xây tường, dựng lên những bức tường, … ngăn cản chúng ta gặp gỡ các nền văn hóa khác và các dân tộc khác” [14], đồng thời phải phát triển tinh thần chung sống hoà bình và huynh đệ.
8. Những thách đố đối với sự phát triển luật pháp quốc tế
Quy mô toàn cầu của trí tuệ nhân tạo cho thấy rõ rằng, bên cạnh trách nhiệm của các quốc gia có chủ quyền trong việc quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ở trong nước, các tổ chức quốc tế có thể đóng vai trò quyết định trong việc đạt được các thỏa thuận đa phương cũng như điều phối việc áp dụng và thực thi các thỏa thuận ấy [15]. Về vấn đề này, tôi kêu gọi cộng đồng các quốc gia trên toàn cầu hợp tác với nhau để thông qua một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc nhằm quản lý việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo dưới nhiều hình thức. Tất nhiên, mục tiêu của quy định không chỉ nhằm ngăn chặn các thực hành có hại mà còn khuyến khích các thực hành tốt, bằng cách ủng hộ các phương pháp tiếp cận mới có tính sáng tạo cũng như thúc đẩy các sáng kiến cá nhân hoặc tập thể [16].
Cuối cùng, trong khi tìm kiếm các mô hình mẫu mực có thể cung cấp hướng dẫn đạo đức cho các nhà phát triển công nghệ kỹ thuật số, điều không thể thiếu là phải xác định các giá trị nhân văn là nền tảng cho các nỗ lực xã hội trong việc thiết lập, áp dụng và thực thi các khuôn khổ pháp lý thiết yếu. Khi soạn thảo các hướng dẫn đạo đức cho việc phát triển các hình thức trí tuệ nhân tạo, không được bỏ qua việc xem xét các vấn đề sâu sắc hơn liên quan đến ý nghĩa của đời sống con người, việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người và việc theo đuổi công lý và hòa bình. Tiến trình phân định về mặt đạo đức và pháp lý này có thể cho thấy đây là cơ hội quý báu để cùng nhau suy tư về vai trò của công nghệ trong đời sống cá nhân và cộng đồng, cũng như việc sử dụng công nghệ có thể góp phần tạo ra một thế giới công bằng và nhân đạo hơn như thế nào. Vì thế, trong các cuộc tranh luận về quy định đối với trí tuệ nhân tạo, phải nghe tiếng nói của tất cả những ai liên quan, gồm cả người nghèo, những người thấp cổ bé miệng thường không được lắng nghe trong các tiến trình ra quyết định toàn cầu.
* * *
Tôi hy vọng rằng suy tư trên đây sẽ khuyến khích những nỗ lực nhằm bảo đảm rằng cuối cùng các hình thức trí tuệ nhân tạo được phát triển là để phục vụ tình huynh đệ và hòa bình của con người. Đó không phải là trách nhiệm của một số người mà là của toàn thể gia đình nhân loại. Thật vậy, hòa bình là thành quả của những mối tương quan nhìn nhận và đón tiếp người khác trong phẩm giá bất khả nhượng của họ, là thành quả của việc hợp tác và dấn thân tìm kiếm sự phát triển toàn diện cho mọi cá nhân và mọi dân tộc.
Khởi đầu Năm mới, tôi nguyện cầu cho các hình thức trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chóng mà không làm tăng thêm những bất bình đẳng và bất công hiện đã quá nhiều trong thế giới ngày nay, nhưng sẽ giúp chấm dứt chiến tranh và xung đột, đồng thời giảm bớt những nỗi khổ đau đang đày đọa gia đình nhân loại chúng ta. Nguyện xin cho các Kitô hữu, cho các tín đồ của các tôn giáo khác và cho những người nam nữ thiện chí cộng tác với nhau cách hài hòa để nắm bắt các cơ hội và đương đầu với những thách đố của cuộc cách mạng kỹ thuật số, đồng thời chuyển trao cho các thế hệ tương lai một thế giới liên đới, công bằng và hòa bình hơn.
Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2023
PHANXICÔ
Trích Bản tin Hiệp thông / HĐGMVN, số 139 (tháng 01 & 02 năm 2024)
(Cập nhật lúc 09g30 ngày 17.06.2024)
_____
[1] Số 33.
[2] Ibid., 57.
[3] X. Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 104.
[4] X. ibid., 114.
[5] Diễn văn với các tham dự viên “Đối thoại Minerva” (27/3/2023).
[6] X. ibid.
[7] X. Sứ điệp gửi Chủ tịch điều hành cuộc họp “Diễn đàn Kinh tế Thế giới” tại Davos (12/1/2018).
[8] X. Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 194; Diễn văn với các tham dự viên Hội thảo “Công ích trong thời đại kỹ thuật số” (27/9/2019).
[9] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (24/11/2013), 233.
[10] X. Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 54.
[11] X. Gặp gỡ những người tham gia Phiên họp toàn thể của Học viện Giáo hoàng về Sự sống (28/2/2020).
[12] X. ibid.
[13] Thông điệp Fratelli Tutti (3/10/2020), 27.
[14] Ibid.
[15] X. ibid., 170-175.
[16] X. Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 177.