SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
ĐƯỢC KÝ BỞI ĐỨC HỒNG Y PIETRO PAROLIN, QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH,
GỬI TỚI HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH NĂM 2025 “AI VÌ CÔNG ÍCH”
[Geneva, ngày 10 tháng 7 năm 2025]
Nhân danh Đức Thánh cha Lêô XIV, tôi xin gửi lời chào thân ái đến quý tham dự viên Hội nghị Thượng đỉnh “Trí tuệ nhân tạo vì công ích” (AI for Good) năm 2025, do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) tổ chức, với sự hợp tác của các cơ quan khác thuộc Liên hiệp quốc khác và đồng tổ chức của Chính phủ Thụy Sĩ. Vì Hội nghị lần này trùng với dịp kỷ niệm 160 năm thành lập ITU, tôi xin chúc mừng tất cả quý thành viên và nhân viên của tổ chức vì những nỗ lực và cam kết không ngừng trong việc thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu, nhằm đưa lợi ích của các công nghệ truyền thông đến với mọi người trên khắp thế giới. Việc kết nối gia đình nhân loại qua điện báo, phát thanh, điện thoại, truyền thông kỹ thuật số và vệ tinh luôn đặt ra những thách thức, đặc biệt tại các vùng nông thôn và khu vực có thu nhập thấp, nơi vẫn còn khoảng 2,6 tỷ người chưa được tiếp cận với các công nghệ truyền thông.
Nhân loại đang đứng trước một ngã rẽ, đối diện với tiềm năng to lớn do cuộc cách mạng kỹ thuật số do Trí tuệ Nhân tạo (AI) mang lại. Tác động của cuộc cách mạng này rất sâu rộng, đang chuyển đổi các lĩnh vực như giáo dục, lao động, nghệ thuật, chăm sóc sức khỏe, hành chính, quân sự và truyền thông. Sự chuyển mình mang tính thời đại này đòi hỏi đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và khả năng phân định, để đảm bảo rằng AI được phát triển và sử dụng vì công ích, xây dựng những nhịp cầu đối thoại, thúc đẩy tình huynh đệ, và bảo đảm rằng nó phục vụ cho lợi ích của toàn thể nhân loại.
Khi AI ngày càng có khả năng tự động thích ứng với nhiều tình huống bằng cách đưa ra những lựa chọn thuần túy kỹ thuật dựa trên thuật toán, thì điều thiết yếu là phải suy xét đến các hệ quả mang tính nhân học và đạo đức của nó, những giá trị đang bị đặt vào thử thách, cùng với các bổn phận và khuôn khổ pháp lý cần thiết để bảo vệ những giá trị ấy. Thật vậy, mặc dù AI có thể mô phỏng một số khía cạnh của tư duy con người và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể với tốc độ và hiệu quả vượt trội, nhưng nó không thể tái tạo sự phân định luân lý hay khả năng thiết lập các mối tương quan đích thực. Do đó, sự phát triển của các tiến bộ công nghệ như thế phải luôn đi đôi với việc tôn trọng các giá trị nhân văn và xã hội, khả năng phán đoán với một lương tâm ngay thẳng, cũng như sự trưởng thành trong trách nhiệm nhân bản. Không phải ngẫu nhiên mà thời đại đổi mới sâu rộng này thúc đẩy nhiều người suy tư về ý nghĩa của việc làm người, và về vai trò của nhân loại trong thế giới.
Tuy trách nhiệm về việc sử dụng hệ thống AI một cách đạo đức khởi đi từ những người phát triển, quản lý và giám sát các hệ thống đó, thì những người sử dụng chúng cũng chia sẻ phần trách nhiệm này. Vì thế, AI đòi hỏi một sự quản trị đạo đức thích đáng, cùng với những khuôn khổ pháp lý đặt con người làm trung tâm, vượt lên trên các tiêu chí đơn thuần của tính hữu dụng hay hiệu suất. Tựu trung, chúng ta không bao giờ được đánh mất mục tiêu chung là góp phần kiến tạo “tranquillitas ordinis – sự an hòa của trật tự”, như Thánh Augustinô đã định nghĩa (De civitate Dei), đồng thời cổ vũ một trật tự tương quan xã hội mang tính nhân văn hơn, cũng như một xã hội hòa bình và công chính, phục vụ cho sự phát triển toàn diện của con người và lợi ích của đại gia đình nhân loại.
Nhân danh Đức Thánh cha Lêô XIV, tôi muốn nhân dịp này khích lệ quý vị hãy tìm kiếm sự minh định về đạo đức và thiết lập một hệ thống quản trị AI phối hợp ở cả cấp độ địa phương lẫn toàn cầu, đặt nền tảng trên sự công nhận chung về phẩm giá vốn có và các quyền tự do cơ bản của con người. Đức Thánh cha sẵn lòng bảo đảm với quý vị lời cầu nguyện của ngài trong hành trình dấn thân vì công ích của quý vị.
Hồng y Pietro Parolin
Quốc vụ khanh Toà Thánh
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (10/07/2025)