Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ 43: 1-1-2010

“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”

(Giuse Trần Đức Anh OP chuyển ý)

1. Nhân dịp đầu năm mới, tôi muốn gửi những lời cầu chúc an bình nồng nhiệt nhất đến tất cả các cộng đoàn Kitô, các vị lãnh đạo quốc gia, những người nam nữ thiện chí trên toàn thế giới. Tôi đã chọn đề tài cho Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ 43 này là: “Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”. Sự tôn trọng thiên nhiên rất quan trọng vì “sự sáng tạo là khởi đầu và là nền tảng của mọi hoạt động của Thiên Chúa” (1) và việc bảo tồn công trình này ngày nay trở thành điều thiết yếu đối với sự sống chung hòa bình của nhân loại. Thực vậy, nếu vì sự tàn ác của con người đối với con người, có nhiều đe dọa đang đè nặng trên hòa bình và sự phát triển nhân bản toàn diện chân thực - như chiến tranh, các cuộc xung đột quốc tế và miền, những vụ khủng bố và vi phạm các quyền con người -, thì những đe dọa do sự lơ là, - nếu không muốn nói là sự lạm dụng - đối với trái đất và các tài nguyên thiên nhiên do Thiên Chúa ban, cũng không kém phần đáng lo âu. Vì lý do đó, điều rất quan trọng là nhân loại canh tân và củng cố “giao ước giữa con người và môi sinh, giao ước này phải phản ánh tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc và là mục đích của chúng ta” (2).

2. Trong Thông điệp “Bác ái trong chân lý” tôi đã nhấn mạnh rằng sự phát triển con người toàn diện có liên hệ chặt chẽ với các nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ của con người với môi trường thiên nhiên, vốn được coi như một món quà của Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người và việc sử dụng món quà này bao gồm một trách nhiệm chung đối với toàn thể nhân loại, đặc biệt là đối với những người nghèo và các thế hệ mai sau. Ngoài ra tôi đã ghi nhận rằng một khi người ta coi thiên nhiên, và nhất là con người, chỉ là kết quả của tình cờ và của định mệnh thuyết tiến hóa, thì sẽ có nguy cơ làm suy giảm ý thức trách nhiệm (3). Trái lại, nhìn nhận thiên nhiên như một món quà của Thiên Chúa ban cho nhân loại sẽ giúp chúng ta hiểu ơn gọi và giá trị của con người. Cùng với tác giả Thánh Vịnh, chúng ta có thể ngưỡng mộ tuyên xưng rằng: “Khi ngắm nhìn trời, công trình của tay Chúa, mặt trăng và các vì sao mà Chúa đã tạo dựng, con người có là chi để Chúa nhớ đến, phàm nhân có là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,4-5). Ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên giúp chúng ta nhìn nhận tình yêu của Đấng Tạo Hóa, Tình Yêu đã “chuyển động mặt trời và các vì sao khác”, như thi hào Dante Alighieri đã mô tả (4).

3. Cách đây 20 năm, khi chọn đề tài cho Ngày Hòa Bình thế giới là “Hòa bình với Thiên Chúa, hòa bình với toàn thể công trình tạo dựng”, ĐGH Gioan Phaolô 2 đã lưu ý về quan hệ giữa chúng ta, trong tư cách là thụ tạo của Thiên Chúa, với vũ trụ bao quanh chúng ta. Người viết: “Ngày nay, càng ngày người ta càng ý thức rằng hòa bình thế giới cũng đang bị đe dọa vì sự thiếu tôn trọng thiên nhiên”. Và Người viết thêm rằng không được bóp nghẹt “lương tâm môi sinh”, trái lại cần phải tạo điều kiện để nó phát triển và trưởng thành, bằng cách tìm được kiểu diễn tả thích hợp trong các chương trình và các sáng kiến cụ thể” (5). Các vị Tiền Nhiệm khác của tôi cũng đã nói về quan hệ giữa con người và môi sinh. Ví dụ, hồi năm 1971, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Thông điệp Rerum novarum (Tân Sự), của Đức Lêô 13, Đức Phaolô 6 đã nhấn mạnh rằng: “Sự khai thác thiên nhiên bừa bãi có nguy cơ phá hủy thiên nhiên và con người trở thành nạn nhân của sự suy thoái thiên nhiên như thế”. Và Người thêm rằng như thế, “không những môi sinh vật chất trở thành một đe dọa trường kỳ với sự ô nhiễm và rác rưởi, các thứ bệnh mới, khả năng hủy hoại hoàn toàn, nhưng cả khung cảnh con người, mà con người không còn làm chủ được cũng bị thương tổn, và như thế nó tạo ra cho tương lai một môi trường mà con người không thể chấp nhận được: đây là vấn đề xã hội có chiều kích to lớn liên hệ tới toàn thể gia đình nhân loại” (6).

4. Tuy tránh không đi vào các giải pháp kỹ thuật chuyên biệt, Giáo Hội, trong tư cách là “chuyên gia về nhân đạo”, mạnh mẽ lưu ý về tương quan giữa Đấng Tạo Hóa, con người và thiên nhiên. Năm 1990, Đức Gioan Phaolô 2 đã nói về “cuộc khủng hoảng môi sinh” và nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng này chủ yếu có tính chất luân lý đạo đức, Người chỉ rõ “sự cấp thiết về luân lý cần phải có một tình liên đới mới” (7). Lời kêu gọi này ngày nay càng khẩn cấp hơn, đứng trước những triệu chứng ngày càng gia tăng về một cuộc khủng hoảng mà nếu không nghiêm túc cứu xét thì thật là vô trách nhiệm. Làm sao chúng ta có thể tỏ ra dửng dưng trước những vấn đề xuất phát từ các hiện tượng như sự thay đổi khí hậu, nạn sa mạc hóa, sự suy thoái và mất khả năng sản xuất của những vùng nông nghiệp rộng lớn, sự ô nhiễm sông ngòi và các mạch nước, sự nghèo nàn hóa đặc tính sinh vật khác biệt (biodiversità), sự gia tăng thiên tai, nạn tàn lụi rừng cây tại những vùng xích đới và nhiệt đới? Làm sao không để ý tới một hiện tượng đang lan rộng, đó là “những người tị nạn về môi sinh”: tức là những người vì môi trường sinh sống bị xuống cấp, nên họ buộc lòng rời bỏ môi trường ấy, kể cả của cải, để ra đi, đương đầu với những nguy hiểm và bao nhiêu điều bất trắc của tình trạng bị bó buộc tản cư? Làm sao không phản ứng trước những xung đột hiện nay và những cuộc xung đột có thể bùng nổ vì sự tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên? Tất cả những vấn đề ấy có ảnh hưởng sâu đậm tới việc thực thi các quyền con người, tới lương thực, sức khỏe và sự phát triển”.

5. Tuy nhiên, cần phải xét rằng cuộc khủng hoảng môi sinh không thể được thẩm định tách biệt khỏi những vấn đề gắn liền với nó, vì nó liên hệ sâu đậm với chính ý niệm về sự phát triển và nhân sinh quan, cũng như những quan hệ của con người với đồng loại và thiên nhiên. Vì thế, điều khôn ngoan là duyệt lại một cách sâu rộng và sáng suốt kiểu mẫu phát triển, cũng như suy tư về ý nghĩa nền kinh tế và các mục tiêu của nó, để sửa sai những gì trục trặc và thiếu quân bình. Tình trạng sức khỏe môi sinh của trái đất đang đòi hỏi điều đó; và nhất là cuộc khủng hoảng về văn hóa và luân lý của con người cũng đòi phải xét lại như vậy, vì từ lâu đã có những triệu chứng hiển nhiên ở các nơi trên thế giới về cuộc khủng hoảng ấy (8). Nhân loại đang cần được canh tân sâu đậm về văn hóa, cần tái khám phá những giá trị họp thành nền tảng vững chắc cho một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Những tình trạng khủng hoảng mà nhân loại đang trải qua, dù thuộc lãnh vực kinh tế, lương thực, môi sinh hay xã hội, xét cho cùng, đều là một cuộc khủng hoảng luân lý có liên hệ với nhau. Những tình trạng ấy bó buộc phải suy nghĩ lại con đường chung của con người. Đặc biệt chúng bó buộc phải chấp nhận một lối sống điều độ và liên đới, với những qui luật và hình thức dấn thân mới mẻ, tin tưởng và can đảm dựa trên những kinh nghiệm tích cực đã thực hiện và quyết liệt loại bỏ những kinh nghiệm tiêu cực. Chỉ như thế cuộc khủng hoảng hiện nay mới trở thành cơ hội để phân định và đưa ra những kế hoạch mới.

6. Nơi nguồn gốc của điều mà chúng ta gọi là “thiên nhiên”, theo nghĩa vũ trụ, chẳng có một “chủ ý yêu thương và sự thật” hay sao? Thế giới này “không phải là sản phẩm của một sự tất định, một định mệnh mù quáng hay tình cờ nào đó... Thế giới có nguồn gốc từ ý chí tự do của Thiên Chúa, Đấng muốn cho các loài thụ tạo được tham phần vào sự hiện hữu, sự khôn ngoan và tốt lành của Ngài” (9). Sách Sáng thế, trong những trang đầu tiên, dẫn chúng ta tới dự phóng khôn ngoan về vũ trụ, là kết quả tư tưởng của Thiên Chúa, và nơi tột đỉnh của công trình sáng tạo ấy có người nam và người nữ, họ được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, để “làm đầy trái đất” và “cai quản nó” như “người quản lý” của chính Thiên Chúa (Cf St 1,28). Sự hòa hợp giữa Đấng Tạo Hóa, nhân loại và thiên nhiên, mà Kinh Thánh mô tả, đã bị phá hủy vì tội của Adam và Eva, của người nam và người nữ, họ ham muốn chiếm đoạt địa vị của Thiên Chúa, từ chối không coi mình là thụ tạo của Ngài. Hậu quả là cả nghĩa vụ “cai quản”, vun trồng và gìn giữ trái đất” của con người cũng bị biến thái và nảy sinh cuộc xung đột giữa con người và phần còn lại của thiên nhiên (Cf St 3,17-19). Con người để cho mình bị lòng ích kỷ thống trị, mất ý thức về mệnh lệnh của Thiên Chúa, và trong tương quan với thiên nhiên, con người xử sự như kẻ khai thác bóc lột, muốn thi hành một sự thống trị tuyệt đối trên thiên nhiên. Nhưng ý nghĩa đích thực của mệnh lệnh đầu tiên của Thiên Chúa, được sách Sáng thế nêu bật, không phải chỉ là một sự trao ban quyền bính, nhưng đúng hơn là một lời kêu gọi lãnh nhận trách nhiệm. Vả lại, triết lý khôn ngoan của những người xưa nhìn nhận rằng thiên nhiên mà chúng ta được sử dụng không phải “như một đống đồ phế thải tung tóe đây đó” (10), còn Mạc Khải Kinh Thánh cho chúng ta hiểu rằng thiên nhiên là món quà của Đấng Tạo Hóa, Ngài đã thiết lập những trật tự nội tại cho nó, để con người có thể rút ra từ đó những đường hướng cần thiết hầu “bảo tồn và vun trồng thiên nhiên” (Cf St 2,15) (11). Tất cả những gì hiện hữu đều thuộc về Thiên Chúa, Ngài ủy thác chúng cho con người, nhưng không phải để con người sử dụng chúng một cách độc đoán. Và khi con người, thay vì chu toàn vai trò cộng tác viên của Thiên Chúa, lại thay thế Thiên Chúa, thì rốt cục con người sẽ tạo nên sự nổi loạn của thiên nhiên, “thiên nhiên bị con người thống trị độc đoán thay vì được cai quản” (12). Vì vậy, con người có nghĩa vụ cai quản thiên nhiên trong tinh thần trách nhiệm, bảo tồn và vun trồng nó (13).

7. Rất tiếc là chúng ta phải nhìn nhận rằng một số đông người tại các quốc gia và miền khác nhau trên trái đất ngày càng cảm thấy khó khăn lớn vì sự cẩu thả hoặc từ khước của nhiều người không chăm sóc môi sinh trong tinh thần trách nhiệm. Công đồng chung Vatican 2 đã nhắc nhở rằng “Thiên Chúa đã dành trái đất và tất cả những gì chứa đựng trong đó cho tất cả mọi người và mọi dân tộc được sử dụng” (14). Vì thế, gia sản thiên nhiên thuộc về toàn thể nhân loại. Nhưng nhịp độ khai thác hiện nay đang làm một số nguồn tài nguyên bị lâm nguy không những cho thế hệ hiện tại, nhưng nhất là cho các thế hệ tương lai (15). Vì thế, ta dễ nhận thấy sự suy thoái môi sinh thường là do sự thiếu những chính sách sáng suốt hoặc do sự theo đuổi những lợi lộc kinh tế một cách thiển cận, và đáng tiếc thay, những chính sách này thường trở thành một đe dọa nghiêm trọng đối với thiên nhiên. Để chống lại hiện tượng ấy, dựa trên sự kiện “mỗi quyết định kinh tế đều có một hậu quả luân lý” (16), cần làm sao để hoạt động kinh tế tôn trọng môi sinh nhiều hơn. Khi ta sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cần quan tâm bảo tồn chúng, và dự trù cả những tổn phí - về mặt môi sinh và xã hội - những tổn phí này cần được coi như một mục quan trọng trong các tổn phí của hoạt động kinh tế. Cộng đồng quốc tế và các chính quyền quốc gia có nhiệm vụ đưa ra những chỉ dẫn đúng đắn để chống lại một cách hữu hiệu những cách thức khai thác môi sinh có hại cho nó. Để bảo vệ môi sinh, để bảo tồn các nguồn tài nguyên và khí hậu, một đàng cần phải hành động trong sự tôn trọng các qui luật được xác định rõ ràng về mặt pháp lý và kinh tế, và đàng khác cần để ý đến tình liên đới phải có đối với những người cư ngụ tại các vùng nghèo hơn trên trái đất và các thế hệ tương lai.

8. Thực vậy, dường như cần cấp thiết đạt tới một tình liên đới chân thành giữa các thế hệ. Không thể dồn cho các thế hệ tương lai những tổn phí do việc sử dụng các tài nguyên môi sinh chung: “Trong tư cách là những người thừa kế của các thế hệ trước đây và được hưởng công trình của những người đồng thời, chúng ta có nghĩa vụ đối với tất cả mọi người và không thể không quan tâm tới những người sẽ đến sau chúng ta để nới rộng gia đình nhân loại. Tình liên đới đại đồng, vốn là một sự kiện và là một điều ích lợi cho chúng ta, cũng là một nghĩa vụ. Đây là một trách nhiệm của các thế hệ hiện tại đối với các thế hệ tương lai, và cũng là trách nhiệm của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế” (17). Việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải làm sao để những lợi ích hiện thời không kéo theo những hậu quả tiêu cực cho các sinh vật, con người và những vật khác, hiện tại và tương lai; việc bảo tồn tài sản riêng không ngăn cản tiêu đích chung của các tài nguyên cho tất cả mọi người (18); sự can thiệp của con người không được làm thương tổn sự phong phú của trái đất, để mưu ích ngày nay và trong tương lai. Ngoài sự liên đơn chân thành giữa các thế hệ, cũng cần tái khẳng định nghĩa vụ luân lý cấp thiết phải canh tân tình liên đới trong cùng thế hệ với nhau, đặc biệt là trong các quan hệ giữa những quốc gia đang trên đường phát triển và những nước công nghệ cao: “Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ không thể tránh né cần tìm ra những con đường chính thức để qui định sự khai thác các tài nguyên không thể hồi lại, với sự tham gia của các nước nghèo, để cùng nhau lập kế hoạch cho tương lai” (19). Cuộc khủng hoảng môi sinh chứng tỏ cần cấp thiết có một tình liên đới được thể hiện trong không gian và thời gian. Thực vậy, điều quan trọng là nhìn nhận trách nhiệm lịch sử của các nước công nghệ trong số các nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng môi sinh hiện nay. Các nước kém phát triển hơn, và đặc biệt là các nước đang trổi lên, cũng không được miễn chuẩn trách nhiệm đối với thiên nhiên, vì tất cả đều có nghĩa vụ dần dần chấp nhận các biện pháp và chính sách môi sinh hữu hiệu. Điều này có thể thực hiện dễ dàng hơn nếu người ta bớt những tính toán vụ lợi trong việc viện trợ và thông truyền kiến thức cũng như sử dụng các kỹ thuật tôn trọng môi sinh hơn.

9. Chắc chắn một trong những vấn đề chính mà cộng đồng quốc tế cần giải quyết là vấn đề các nguồn năng lượng, bằng cách xác định những kế hoạch chung và dài hạn để thỏa mãn các nhu cầu năng lượng của thế hệ hiện tại và tương lai. Với mục đích ấy, các xã hội kỹ thuật tân tiến cần tỏ ra sẵn sàng cổ võ lối sống điều độ, giảm bớt nhu cầu năng lượng và cải tiến các điều kiện sử dụng chúng. Đồng thời, cần cổ võ việc nghiên cứu và ứng dụng các năng lượng ít ảnh hưởng hơn tới môi sinh hơn, và cần “tái phân phối các nguồn năng lượng trên trái đất, làm sao để các nước không có cũng có thể được hưởng” (20). Vì vậy, cuộc khủng hoảng môi sinh là cơ hội lịch sử để đề ra một câu trả lời tập thể nhắm biến cải kiểu mẫu phát triển hoàn vũ theo chiều hướng tôn trọng hơn đối với thiên nhiên và phát triển con người toàn diện, theo giá trị của đức bác ái trong chân lý. Vì thế, tôi cầu mong có sự chấp nhận một kiểu mẫu phát triển dựa trên đặc tính trung tâm của con người, sự thăng tiến và chia sẻ công ích, trách nhiệm, ý thức về sự cần thiết phải thay đổi lối sống và sự khôn ngoan thận trọng, là nhân đức chỉ dẫn những hành vi cần thực hiện ngày nay, tiên liệu những gì có thể xảy ra ngày mai (21).

10. Để hướng dẫn nhân loại tiến về sự quản trị môi sinh và các tài nguyên của trái đất một cách lâu bền, con người được mời gọi sử dụng trí thông minh của mình trong lãnh vực nghiên cứu khoa học và kỹ thuật và trong việc ứng dụng những khám phá từ đó mà ra. “Tình liên đới mới” mà Đức Gioan Phaolô 2 đã đề nghị trong Sứ điệp nhân ngày Hòa Bình Thế giới năm 1990 (22), và “tình liên đới hoàn vũ” mà chính tôi đã nhắc đến trong Sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2009 (23), là những thái độ thiết yếu để hướng dẫn những nỗ lực bảo vệ thiên nhiên, qua một hệ thống quản lý các tài nguyên trái đất có phối hợp hơn trên bình diện quốc tế, nhất là trong lúc người ta thấy ngày càng hiển nhiên sự liên hệ chặt chẽ giữa cuộc chiến đấu chống suy thoái môi sinh và sự thăng tiến phát triển con người toàn diện. Đây là một động thái (dinamica) không thể bỏ qua, xét vì “sự phát triển nhân bản toàn diện không thể xảy ra nếu không có sự phát triển tình liên đới của nhân loại” (24). Ngày nay có bao nhiêu khả năng khoa học và những phương thức có tiềm năng đổi mới, nhờ đó có thể mang lại những giải pháp thỏa đáng và hài hòa cho quan hệ giữa con người và môi sinh. Ví dụ, cần khuyến khích các nghiên cứu nhắm tìm ra những phương thức hữu hiệu nhất để khai thác tiềm năng lớn lao của năng lượng mặt trời. Cũng cần chú ý như thế đối với vấn đề nước trên thế giới và hệ thống thủy địa (idrogeologico) trên hoàn cầu, chu kỳ của hệ thống này có tầm quan trọng hàng đầu đối với sự sống trên trái đất và sự ổn định của nó đang có nguy cơ bị đe dọa trầm trọng vì những thay đổi khí hậu. Cũng cần tìm kiếm những kế hoạch thích hợp để phát triển nông thôn, qui trọng tâm vào các tiểu nông dân và gia đình họ, cũng như cần đề ra những chính sách thích hợp để quản lý rừng cây, loại bỏ các đồ phế thải, đề cao giá trị của sự hợp lực hiện hữu giữa việc chống lại thay đổi khí hậu và chiến đấu chống nghèo đói. Cần có những chính sách quốc gia có tầm mức rộng lớn, được bổ túc bằng sự dấn thân của quốc tế, nhắm mang lại những lợi ích quan trọng, nhất là về trung hạn và dài hạn. Tóm lại, cần ra khỏi tiêu chuẩn thuần túy thị trường để cổ võ những hình thức sản xuất nông nghiệp và công nghệ tôn trọng trật tự thiên nhiên và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mọi người. Cần đương đầu với vấn đề môi sinh không phải chỉ nghĩ đến viễn tượng kinh hoàng mà sự suy thoái môi sinh có thể gây ra; động lực thúc đẩy giải quyết vấn đề này phải dựa trên sự tìm kiếm một tình liên đới đích thực theo chiều kích hoàn cầu, dựa theo các giá trị bác ái, công lý và công ích. Đàng khác, như tôi đã có dịp nhắc nhở, “kỹ thuật không bao giờ chỉ là kỹ thuật thuần túy. Nó biểu lộ con người và khát vọng phát triển của con người; nó diễn tả lòng mong ước của tâm trí con người muốn dần dần vượt thắng một số sự lệ thuộc vật chất. Vì thế, kỹ thuật cũng thuộc về mệnh lệnh “hãy vun trồng và bảo tồn trái đất” (Cf St 2,15) mà Thiên Chúa ủy thác cho con người, và nó phải nhắm củng cố giao ước giữa con người và môi sinh được kêu gọi phản ánh tình thương sáng tạo của Thiên Chúa” (25).

11. Một điều ngày càng rõ ràng là đề tài suy thoái môi sinh đặt vấn đề về thái độ của mỗi người chúng ta, lối sống và những kiểu mẫu tiêu thụ và sản xuất đang thịnh hành, thường không thể chấp nhận được về phương diện xã hội, môi sinh và cả về kinh tế nữa. Ngày nay người ta thấy cần phải có một sự thay đổi não trạng thực sự, thúc đẩy mọi người chấp nhận một lối sống mới “theo đó sự tìm kiếm chân, thiện, mỹ và sự hiệp thông với tha nhân để cùng nhau tăng trưởng trở thành những yếu tố xác định sự chọn lựa tiêu thụ, tiết kiệm và đầu tư” (26). Càng ngày cần phải giáo dục về việc xây dựng hòa bình đi từ những chọn lựa có chiều kích rộng lớn, trên bình diện bản thân, gia đình, cộng đoàn và chính trị. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ và săn sóc thiên nhiên. Trách nhiệm này không có biên giới. Theo nguyên tắc phụ đới, điều quan trọng là mỗi người dấn thân theo bình diện tương ứng với mình, hoạt động để vượt thắng sự ưu tiên dành cho tư lợi. Các chủ thể khác nhau trong xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ có vai trò gây ý thức và huấn luyện. Các tổ chức này đang quyết liệt và quảng đại dấn thân phổ biến trách nhiệm môi sinh, trách nhiệm này ngày càng phải đi kèm sự tôn trọng “môi sinh nhân sự” (ecologia umana). Ngoài ra, cần nhắc nhở trách nhiệm của các cơ quan truyền thông trong lãnh vực này, bằng cách đề nghị những kiểu mẫu tích cực cần noi theo. Quan tâm chăm sóc môi sinh đòi phải có một cái nhìn xa và bao quát về thế giới; một nỗ lực chung và trách nhiệm để đi từ thái độ chỉ chú tâm đến những lợi lộc ích kỷ của đất nước tiến tới một cái nhìn ngày càng bao gồm những nhu cầu của mọi dân tộc. Ta không thể dửng dưng đối với những gì xảy ra quanh chúng ta, vì sự suy thoái của bất kỳ miền nào trên trái đất cũng ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Những quan hệ giữa các cá nhân, các nhóm xã hội và quốc gia, cũng như những quan hệ giữa con người và môi sinh, được kêu gọi đón nhận đặc tính tôn trọng và “bác ái trong chân lý”. Trong bối cảnh rộng rãi ấy, điều đáng mong ước hơn bao giờ hết là người ta cụ thể hóa và đạt được sự đồng thuận trong những cố gắng của cộng đồng quốc tế nhắm dần dần giải trừ võ trang hạt nhân và tiến tới một thế giới không còn loại võ khí này, nguyên sự hiện diện của các võ khí hạt nhân cũng đe dọa sự sống của trái đất và tiến trình phát triển toàn diện của nhân loại hiện tại và tương lai.

12. Giáo Hội có một trách nhiệm đối với thiên nhiên và cảm thấy phải thi hành trách nhiệm ấy, cả trong lãnh vực công cộng, để bảo vệ đất đai, nước và không khí là những món quà Thiên Chúa Tạo Hóa dành cho tất cả mọi người, và nhất là để bảo vệ con người chống lại nguy cơ hủy diệt chính mình. Thực vậy, sự suy thoái thiên nhiên có liên hệ chặt chẽ với nền văn hóa hình thành sự sống chung của con người, vì thế, “khi môi sinh nhân sự” được tôn trọng trong xã hội, thì cả môi sinh thiên nhiên cũng được lợi ích theo” (27). Ta không thể đòi người trẻ tôn trọng môi sinh, nếu họ không được giúp đỡ, trong gia đình và xã hội, để tôn trọng chính bản thân họ: cuốn sách thiên nhiên thực là duy nhất, về phương diện môi sinh cũng như về phương diện luân lý đạo đức bản thân, gia đình và xã hội (28). Các nghĩa vụ đối với môi sinh xuất phát từ những nghĩa vụ đối với con người xét nơi chính bản thân và trong quan hệ với tha nhân. Vì thế, tôi vui lòng khuyến khích việc giáo dục về trách nhiệm môi sinh, - như tôi đã nói đến trong Thông điệp “Bác ái trong chân lý”, - để bảo tồn một “môi sinh đích thực về nhân sự” và tiếp đến tái quyết liệt củng cố tính chất bất khả xâm phạm của của sự sống con người trong mọi giai đoạn và trong mọi hoàn cảnh, củng cố phẩm giá của con người và sứ mạng không thể thay thế được của gia đình, trong đó người ta giáo dục về tình yêu đối với tha nhân và tôn trọng thiên nhiên (29). Cần bảo tồn gia sản nhân sự của xã hội. Gia sản các giá trị này có nguồn gốc và được ghi trong luật luân lý tự nhiên, vốn là nền tảng sự tôn trọng con người và thiên nhiên.

13. Sau cùng không nên quên sự kiện rất quan trọng là bao nhiêu người tìm được yên hàn và an bình, cảm thấy được đổi mới và nâng đỡ khi họ tiếp xúc trực tiếp với vẻ đẹp và sự hài hòa của thiên nhiên. Vì thế, có một thứ hỗ tương: khi ta chăm sóc thiên nhiên, thì chúng ta nhận thấy rằng qua thiên nhiên, Thiên Chúa cũng chăm sóc chúng ta. Đàng khác, một quan niệm đúng đắn về quan hệ của con người với môi sinh không đưa tới sự tuyệt đối hóa thiên nhiên và cũng không coi nó quan trọng hơn chính con người. Sở dĩ Huấn Quyền của Hội Thánh tỏ ra dè dặt đối với một quan niệm về môi sinh theo xu hướng coi môi sinh và sinh vật là trung tâm, là vì quan niệm ấy loại bỏ sự khác biệt về thực thể và cứu cánh giữa con người và các sinh vật khác. Như thế, trong thực tế người ta loại bỏ căn tính và vai trò cao trọng hơn của con người, và cổ võ một quan niệm “cá đối bằng đầu” về phẩm giá của mọi sinh vật. Và thế là người ta chiều theo một thứ chủ thuyết phiếm thần mới, với những sắc thái tân ngoại giáo, coi ơn cứu độ con người xuất phát từ thiên nhiên mà thôi, thứ thiên nhiên được hiểu theo nghĩa hoàn toàn duy tự nhiên. Trái lại, Giáo Hội mời gọi đặt vấn đề một cách quân bình, trong niềm tôn trọng qui luật mà Đấng Tạo Hóa đã ghi khắc nơi công trình của ngài, khi ủy thác cho con người vai trò gìn giữ và quản trị thiên nhiên trong tinh thần trách nhiệm, vai trò mà con người không được lạm dụng, và cũng không thể từ khước. Thực vậy, cả lập trường chống lại sự tuyệt đối hóa kỹ thuật và quyền năng của con người, cũng có thể trở thành là một sự xâm phạm không những chống lại thiên nhiên, nhưng còn làm thương tổn chính phẩm giá con người.

14. “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”. Sự tìm kiếm hòa bình từ phía mọi người thiện chí chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhờ cùng nhìn nhận quan hệ không thể tách rời giữa Thiên Chúa, con người và toàn thể thiên nhiên. Được Mạc Khải của Chúa soi sáng và noi theo Truyền Thống của Giáo Hội, các tín hữu Kitô đóng góp phần của mình. Họ nhìn vũ trụ với các kỳ công dưới ánh sáng hoạt động sáng tạo của Chúa Cha và công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, Đấng đã dùng cái chết và sự sống lại của Ngài mà hòa giải cùng Thiên Chúa, “mọi sự trên trái đất cũng như trên trời” (Cl 1,20). Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại, đã ban cho nhân loại Thần Trí Thánh Hóa của ngài, hướng dẫn con đường lịch sử, trong khi chờ đợi ngày quang lâm của Chúa, khai mạc “trời mới đất mới” (2 Pr 3,13), trong đó công lý và hòa bình sẽ hiển trị vĩnh cửu. Vì thế, bảo vệ môi sinh thiên nhiên để kiến tạo một thế giới hòa bình, đó là một nghĩa vụ của mỗi người. Đó là một thách đố cấp thiếp cần phải đương đầu với một quyết tâm chung và được đổi mới; đó là một cơ hội Chúa quan phòng ban để trao cho các thế hệ trẻ viễn tượng một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người. Ước gì các vị lãnh đạo các quốc gia và những người ở mọi cấp độ quan tâm đến số phận của nhân loại hãy ý thức điều này: việc bảo tồn thiên nhiên và thực hiện hòa bình là những thực tại có liên hệ mật thiết với nhau! Vì thế, tôi mời gọi tất cả các tín hữu hãy dâng lời khẩn nguyện nồng nhiệt lên Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa toàn năng và là Cha từ bi, xin Chúa làm cho tâm hồn mỗi người nam nữ đón nhận và sống lời kêu gọi khẩn thiết: Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình hãy bảo tồn thiên nhiên.

Vatican ngày 8 tháng 12 năm 2009

Biển Đức 16, Giáo Hoàng

------------------------------------------------------

Chú Thích:

1. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, n.198

2. Biển Đức 16, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới, 2008, n.7.

3. Cf. n.48

4. Divina Comedia, Paradiso, XXXIII, 145

5. Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới, 1-1-1990, n.1

6. Tông Thư Octogesima adveniens, n.21

7. Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới, n.10

8. Cf. Biển Đức 16, Thông Điệp “Bác ái trong chân lý”, n.32

9. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, n.295

10. Eraclito di Efeso (khoảng 535 a.C đến 475 trước a.C), Mảnh 22B124, trong H. Hiel-W, Kranz, Die Fragmente der Vorsokratiker, Weidmann, Berlin 1952.6)

11. Cf Biển Đức 16, Thông Điệp “Bác ái trong chân lý”, n.48

12. Gioan Phaolô 2, Thông Điệp “Năm Thứ 100”, n.37 13. Biển Đức 16, Thông điệp “Bác ái trong chân lý”, n.50

14. Vui mừng và Hy vọng, n.69

15. Cf Gioan Phaolô 2, Thông điệp “Mối quan tâm về các vấn đề xã hội”, n. 34

16. Biển Đức 16, Thông Điệp “Bác ái trong chân lý”, n.37

17. Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa bình, Toát yếu đạo lý xã hội của Giáo Hội, n.467, cf. Phaolô 6, Thông điệp “Phát triển các dân tộc”, n.17

18. Cf. Gioan Phaolô 2, Thông điệp “Năm thứ 100”, nn. 30-31,43

19. Biển Đức 16, Thông Điệp “Bác ái trong chân lý”, n.49

20. Ibid.

21. Cf. Thánh Tômaso Aquino, S. Th, II-II, p.49,5

22. Cf. n.9

23. Cf n.8

24. Phaolô 6, Thông điệp “Phát triển các dân tộc”, n,43

25. Biển Đức 16, Thông Điệp “Bác ái trong chân lý”, n.69

26. Gioan Phaolô 2, Thông điệp “Năm thứ 100”, n.36

27. Biển Đức 16, Thông Điệp “Bác ái trong chân lý”, n.51

28. Cf. Ibid., nn.15.51

29. Cf. Ibid. nn.28,51.61; Gioan Phaolô 2, Thông điệp “Năm thứ 100”, nn.38,39

30. Biển Đức 16, Thông Điệp “Bác ái trong chân lý”, n.70