Đức Thánh Cha gặp người tị nạn
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỊ NẠN
LẦN THỨ 108 NĂM 2022
(Chúa nhật, 25.09.2022)
Xây dựng
tương lai cùng với người di cư và tị nạn:
“Trên đời này, chúng ta không có thành trì bền
vững, nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai” (Dt 13,14).
Anh chị em thân mến!
Ý nghĩa tối hậu trong “cuộc hành trình” của
chúng ta trên trần gian này là tìm kiếm quê hương đích thực, nghĩa là Nước
Thiên Chúa do Chúa Giêsu Kitô khai mở, sẽ được thực hiện trọn vẹn khi Người trở
lại trong vinh quang. Nước của Chúa tuy chưa hoàn thành, nhưng đã hiện diện nơi
những ai đón nhận ơn cứu độ. “Nước Thiên Chúa ở trong chúng ta. Dù vẫn còn tính
cánh chung, dù là tương lai của thế giới, của nhân loại, nhưng đồng thời Nước
Thiên Chúa vẫn ở trong chúng ta”[1]
Thành tương lai là một “thành có nền móng do
chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng” (Dt 11,10). Thiên Chúa dự kiến một công
trình xây dựng bền bỉ, theo kế hoạch đó tất cả chúng ta đều cảm thấy bản thân
mình phải góp phần. Đó là một nỗ lực miệt mài nhằm hoán cải bản thân và biến đổi
thực tại, cho ngày càng phù hợp hơn với kế hoạch của Thiên Chúa. Những thảm kịch
lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng mục tiêu của chúng ta, là Giêrusalem Mới, “là
nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại” (Kh 21,3) còn xa chúng ta lắm. Dẫu vậy,
chúng ta không được nản lòng. Dưới ánh sáng của những gì chúng ta đã học biết
được trong thời gian gần đây qua những nỗi thống khổ, chúng ta được kêu gọi tiếp
tục dấn thân để xây dựng một tương lai phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa hơn,
xây dựng một thế giới nơi mọi người có thể sống trong hòa bình và phẩm giá.
“Chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công
lý ngự trị” (2Pr 3,13). Công lý là một trong những thành tố làm nên Nước Thiên
Chúa. Trong nỗ lực hằng ngày tìm ý Chúa, chúng ta phải xây dựng công lý bằng sự
kiên nhẫn, hy sinh và quyết tâm, để tất cả những ai đói khát công lý đều được
thỏa lòng (x. Mt 5,6). Công lý Nước Chúa phải được hiểu là sự thực hiện kế hoạch
trật tự và hài hòa của Thiên Chúa, theo đó, trong Chúa Kitô đã chết và sống lại,
một lần nữa mọi thụ tạo lại trở nên “tốt đẹp” và nhân loại lại trở nên “rất tốt
đẹp” (x. St 1,1-31). Nhưng để sự hòa hợp kỳ diệu này ngự trị, con người cần phải
đón nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô, đón nhận Tin Mừng tình yêu của Người, để xóa
bỏ những bất bình đẳng và kỳ thị trong thế giới hiện nay.
Không ai bị loại trừ. Kế hoạch của Thiên Chúa
về cơ bản là đón nhận và ưu tiên cho những người ở vùng ngoại vi của cuộc hiện
sinh. Trong số đó có nhiều người di cư và tị nạn, những người phải di tản và là
nạn nhân của nạn buôn người. Nước Thiên Chúa phải được xây dựng cùng với họ, vì
nếu không có họ thì đó không phải là Nước Trời mà Thiên Chúa muốn. Việc đón nhận
những người dễ bị tổn thương nhất là điều kiện cần thiết để trở nên công dân trọn
vẹn của Nước Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa phán: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc,
hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập
địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là
khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau
yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36).
Xây dựng tương lai cùng với di dân và người tị
nạn cũng có nghĩa là công nhận và đánh giá cao những gì mà mỗi người trong họ
có thể mang lại cho tiến trình xây dựng. Tôi thích cách tiếp cận hiện tượng di
dân được phản ánh trong thị kiến của ngôn sứ Isaia, theo đó khách ngoại kiều
không bị xem là kẻ xâm lược và phá hoại, nhưng là những người lao động sẵn sàng
tái thiết thành luỹ Giêrusalem mới, là Giêrusalem luôn luôn mở rộng cho muôn
dân (x. Is 60,10-11).
Thị kiến này cũng cho thấy, khi nhập cư, các
khách ngoại kiều sẽ mang lại sự phú túc đầy dư: “Nguồn giàu sang sẽ đổ về biển
cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi” (Is 60,5). Thật vậy, những bài
học lịch sử cho chúng ta biết rằng sự đóng góp của các di dân và người tị nạn
là nền tảng giúp nền kinh tế và xã hội chúng ta phát triển. Điều này ngày nay vẫn
đúng. Sự lao tác, khả năng cống hiến, sức trẻ và nhiệt tình của họ sẽ làm cho
các cộng đồng đón tiếp họ được thêm thịnh vượng. Nhưng đóng góp này có thể lớn
hơn nhiều nếu được trân trọng và hỗ trợ qua các chương trình có mục tiêu rõ rệt.
Đây là tiềm năng vô cùng lớn, sẵn sàng trở thành hiện thực, chỉ cần được trao
cơ hội.
Ngôn sứ Isaia còn tiên báo rằng cư dân của
Giêrusalem mới sẽ luôn mở rộng cửa thành, để dân các nước cùng với quà tặng có
thể tiến vào: “Các cửa thành ngươi sẽ luôn luôn mở rộng, ngày đêm không đóng lại
bao giờ, để người ta đem nộp cho ngươi của cải muôn dân” (60,11). Sự hiện diện
của người di cư và tị nạn được coi là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội
phát triển văn hóa và tinh thần đối với mọi người. Nhờ họ, chúng ta có dịp hiểu
rõ hơn về thế giới và muôn vàn vẻ đẹp của nó. Tình người trong chúng ta được
thêm triển nở để rồi chúng ta cùng nhau xây dựng “cái chúng ta” rộng lớn hơn. Sự
mở ra đón nhận lẫn nhau đó góp phần tạo ra môi trường trao đổi hiệu quả giữa
các quan điểm và truyền thống khác nhau, nhờ đó tâm trí mở rộng tới những chân
trời mới. Chúng ta cũng sẽ khám phá ra sự phong phú chứa đựng trong các tôn
giáo và truyền thống tâm linh chưa được chúng ta biết đến, và điều này thúc đẩy
chúng ta đào sâu những niềm xác tín của chính mình.
Trong thành Giêrusalem mới của muôn dân, đền
thánh Chúa được điểm tô bởi những của lễ từ các nước mang lại: “Mọi chiên dê của
Kêđa sẽ được tập trung lại nơi ngươi, cừu tơ của Nơvagiốt sẽ được ngươi dùng
vào việc tế tự: chúng sẽ được dâng tiến trên bàn thờ để làm của lễ đẹp lòng Ta.
Ta sẽ làm cho nhà vinh hiển của Ta càng thêm vinh hiển” (60,7). Trong viễn cảnh
này, sự nhập cư của các di dân và người tị nạn Công giáo sẽ tiếp thêm sinh lực
cho Hội thánh nơi các cộng đoàn chào đón họ. Họ thường là những người mang lại
sức sống năng động cho cộng đoàn và là những người linh hoạt làm cho các buổi cử
hành được sinh động. Chia sẻ những cách thế thể hiện đức tin và lòng sùng kính
khác nhau được xem là cơ hội đặc biệt để sống trọn vẹn hơn tính công giáo của
Dân Thiên Chúa.
Anh chị em, đặc biệt các bạn trẻ thân mến! Nếu
chúng ta muốn cộng tác với Cha Trên Trời trong việc xây dựng tương lai, chúng
ta hãy cùng nhau thực hiện điều này với anh chị em di cư và tị nạn của chúng
ta. Hãy xây dựng tương lai ngay hôm nay! Vì tương lai bắt đầu từ hôm nay và bắt
đầu từ mỗi chúng ta. Chúng ta không thể đùn đẩy cho các thế hệ tương lai trách
nhiệm phải quyết định ngay bây giờ, để kế hoạch của Thiên Chúa dự định cho thế
giới có thể được thực hiện và Vương quốc công lý, huynh đệ và hòa bình của Người
được hiển trị.
Lời
nguyện
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở thành những
người mang niềm hy vọng,
để nơi nào có bóng tối, nơi đó ngự trị ánh
sáng của Chúa,
và nơi nào buông xuôi cam chịu, nơi đó tái
sinh niềm tin vào tương lai.
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở thành khí
cụ công bình của Chúa,
để nơi nào có oán ghét loại trừ, nơi đó triển
nở tình huynh đệ, và nơi nào ngút ngàn tham lam, nơi đó gia tăng tinh thần chia
sẻ.
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con
trở thành người xây dựng Nước Chúa, cùng với
người di cư, tị nạn và tất cả cư dân ở vùng ngoại vi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết rằng tốt đẹp
dường bao
khi hết thảy mọi người đều sống với nhau như
anh chị em. Amen.
PHANXICÔ
Lm.
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
Chuyển ngữ từ: vatican.va (09.05.2022)
Trích Bản tin Hiệp
Thông / HĐGMVN, Số 131
(Tháng 9 & 10 năm 2022)
WHĐ (12.05.2022)
(Cập nhật lúc 15h00 ngày 11.01.2023)
[1] Thánh Gioan-Phaolô II, Diễn văn dịp viếng thăm giáo xứ các thánh
Phanxicô Assidi và Catarina Xiêna (giáo xứ thuộc Giáo phận Roma), quan thầy
nước Ý, ngày 26 tháng 11 năm 1989.