SỰ CHUYỂN HÓA CỦA LỚP TỪ NGỮ CÔNG
GIÁO VÀO TIẾNG VIỆT TOÀN DÂN
(Trên cơ sở ngữ liệu
một số tác phẩm văn học hiện đại Việt Nam)
Linh mục Giuse Vũ Văn Khương
WGPHP (06.06.2023) –
Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu về sự chuyển hóa của một số từ ngữ
Công giáo tại Việt Nam vào lớp từ ngữ tiếng Việt toàn dân, qua ngữ liệu của một
số tác phẩm văn học hiện đại Việt Nam. Nghiên cứu vừa là tiếng nói về sự tương
tác giữa ngôn ngữ - văn hóa Việt với Công giáo, vừa là một “bước thử” cho hướng
nghiên cứu tương đối mới trong lĩnh vực ngôn ngữ tôn giáo.
1. Công giáo bắt nguồn
từ Trung Á, vùng đất Israel và Palestine ngày nay, nhưng ngay từ ra đời đã phát
triển mạnh mẽ ở châu Âu, đến độ được coi là thiết lập nên nền văn minh Kitô giáo tại châu lục này. Vì thế, khi vào Việt Nam (đầu thế kỷ XVI), dù mang nguồn gốc châu Á, nhưng tôn giáo này bị
gọi là Hoa Lang đạo, với cách hiểu ban đầu là đạo của người Bồ Đào Nha, nhưng sau hiểu theo nghĩa rộng là đạo của người Tây phương. Từ ngữ này phản
ảnh sự “xa lạ” phân biệt Tây phương và Đông phương, mà Việt Nam thì thuộc văn
hóa Đông phương. Quả vậy, nếu mang những thuộc tính của tôn giáo này đối chiếu
với văn hóa bản địa đã được tiếp xúc với Tam Giáo (Nho, Phật, Lão) thì giáo
nghĩa của Công giáo hoàn toàn mới mẻ. Đấy là chưa nói đến sự khác biệt ngôn ngữ
của các nhà truyền giáo. Vậy, làm thế nào để tôn giáo này được đón nhận? Cần có
một quá trình hội nhập giáo nghĩa qua trung gian ngôn ngữ. Nói cách khác, sự tiếp
nhận văn hóa và giáo nghĩa Công giáo vào văn hóa bản địa, cũng chính là sự chuyển
hóa các từ ngữ Công giáo từ ngôn ngữ của cộng đồng xã hội cá biệt (biệt ngữ)
vào trong ngôn ngữ của cộng đồng lớn hơn, thậm chí là ngôn ngữ toàn dân. Cho đến
nay, hoạt động chuyển hóa này ít được nghiên cứu đối với các từ ngữ Công giáo tại
Việt Nam.
2. Cơ sở lí thuyết
a. Khái niệm biệt
ngữ
Theo tác giả cuốn Từ vựng
ngữ nghĩa tiếng Việt xuất bản năm 1981, biệt
ngữ (còn gọi là các tiếng xã hội) bao gồm các đơn vị từ vựng được sử dụng
trong phạm vi một tập thể xã hội nhất định. Có hai loại biệt ngữ: Thứ nhất là hệ
thống tên gọi chính thức của các sự vật hiện tượng …thực có trong tập thể xã hội
đó, chẳng hạn: ngai vàng, tàn, lọng, cung
…trong triều đình phong kiến. Những biệt ngữ này có tính toàn dân cao hơn,
dễ dàng được toàn thể xã hội sử dụng khi cần thiết; Thứ hai là những tên gọi chồng
lấn lên tên gọi chính thức, để sử dụng trong phạm vi tập thể xã hội với mục
đích phân biệt tập thể xã hội này với tập thể xã hội khác. Ví dụ: trẫm (tôi, ta), ngự thiện (việc ăn uống của vua) … [Đỗ Hữu Châu (1981): 236-237].
Biệt ngữ đối lập với ngôn ngữ toàn dân. Ngôn ngữ toàn dân là vốn từ chung của tất
cả những người nói tiếng Việt không phân biệt địa phương và nhóm xã hội. Trong
khi biệt ngữ chỉ là hiện tượng thuộc phạm vi sinh hoạt của một tập thể xã hội.
b. Tính biệt ngữ
của lớp từ ngữ Công giáo
Công giáo là một tôn
giáo. Tôn giáo thì có hệ thống giáo điều và có tổ chức giáo hội. Thói quen người
ta thường phân biệt giáo hội và xã hội, nhưng thực ra, giáo hội cũng là một tập
xã hội, nhưng là tập thể xã hội của những người có chung đặc điểm tôn giáo là
Công giáo. Tập thể nào thì cũng có nhu cầu giao tiếp giữa các thành viên trong
tập thể. Và để giao tiếp, bên cạnh các lớp từ ngữ thông thường như của các cộng
đồng ngôn ngữ thông thường, tập thể xã hội có chung đặc điểm tôn giáo này còn
mang một lớp từ vựng chuyển tải những khái niệm, sự vật, hiện tượng …liên quan
đến phạm vi sinh hoạt tôn giáo của mình, chẳng hạn như: Thiên Chúa, Mình Thánh, Bí tích, Linh mục… Những đơn vị từ vựng này
có thể là những tên gọi chính thức của các sự vật, hiện tượng riêng trong Công
giáo, ví dụ: giáo xứ, ban hành giáo, mục
vụ…; cũng có thể là những tên gọi chồng lấn lên các tên gọi khác để phản
ánh cùng một khái niệm, ví dụ: kẻ liệt (tức
là “người bệnh, người già trong cơn nguy tử”), việc xác (tức là “việc lao động chân tay”), cứng lòng (tức là thái độ “bướng bỉnh”)….[Đỗ Hữu Châu (1981): 237].
Những đặc điểm này thỏa mãn các tiêu chí biệt ngữ của lớp từ vựng Công giáo.
Tuy nhiên, như các lớp
biệt ngữ khác, lớp từ ngữ Công giáo tại Việt Nam, ban đầu xuất hiện trong chu cảnh
không gian tôn giáo với tư cách là những biệt
ngữ, sau đó đi vào trong sinh hoạt đời thường của người Công giáo, rồi vượt
ra khỏi lĩnh vực đời thường đi ngôn ngữ toàn dân, mà trong đó ngôn ngữ văn học
nghệ thuật là một ví dụ.
3. Sự chuyển hóa của lớp từ ngữ Công giáo vào
trong tiếng Việt toàn dân
3.1. Sự chuyển
hóa vào tiếng Việt toàn dân của nhóm từ ngữ Công giáo chỉ hệ thống cấp bậc, chức
danh trong Giáo hội Công giáo
Hệ thống cấp bậc trong
Giáo hội Công giáo, từ ngữ chuyên môn gọi là hệ thống phẩm trật trong Giáo Hội. Hệ thống phẩm trật Công giáo gồm
hai bậc chính là giáo sĩ và giáo dân. Hàng giáo sĩ là những người có chức thánh
chia theo ba hạng: Giám mục, Linh mục và Phó tế. Các Linh mục khi được giao quyền
coi sóc giáo xứ thì được gọi là Cha chính
xứ, hoặc Cha xứ. Phương ngữ Trung
và Nam Bộ gọi là Cha chánh xứ, hoặc Cha sở:
Thằng Vui nó vào nhà chung lấy cả năm trăm bạc
của tao gửi cha xứ rồi. Cha xứ hỏi
nó, nó bảo lấy tiền để làm vốn sang Lào buôn bán. Vậy mợ mày bây giờ nghĩ sao? (NNTA).
Ngày kia tôi cùng cha sở ra đất thánh mà viếng nhà thờ Tử Đạo, vì có ông bà tôi nằm đấy. (TLP).
Trong giao tiếp, thông
thường người giáo dân gọi Giáo hoàng, Hồng y và Đức ông theo chức danh kết hợp
với kính từ “Đức”, chẳng hạn: Đức giáo hoàng,
Đức hồng y, Đức ông; trong khi đó, Giám mục, Linh mục lại được gọi là Đức cha và cha, chứ không gọi theo chức danh, với dụng ý thân mật hơn. Tuy
nhiên, nếu trong chu cảnh giao tiếp thân mật, tất cả các chức danh từ Linh mục
trở lên đến Giáo hoàng đều có thể được gọi là cha.
Rồi năm tôi lên 9 lên 10, bà nội tôi đã khảo tôi đủ các
kinh để đi xưng tội lần đầu với một cha
người Tây. (MTTV).
Bậc giáo dân là những
tín hữu không có chức thánh, phân biệt với bậc giáo sĩ. Ví dụ: Trừ những việc sưu thuế, tạp dịch là những
việc họ cùng chịu chung với dân lương, còn thì giáo dân nhất nhất cái gì cũng theo ước lệ riêng... (TCM).
Trong bậc giáo dân có
những người dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa, sống đời tu trì, gọi là các tu
sĩ. Các tu sĩ nam được gọi là thầy, các tu sĩ nữ thì thường được gọi là xơ (sơ), dì (dì phước). Ví dụ: Mấy
hôm nay, chợp được cơ hội Bính đã đẻ và đẻ con giai và nhà đương lo lắng khốn đốn
không biết thu xếp ra sao, phó lý đã lên tỉnh lấy thêm của em năm chục đồng bạc
nữa bảo phải mua ngay đứa bé không Bính cho bà xơ mất. (BV).
Để trợ giúp công việc
cho các linh mục chính xứ, ở Việt Nam, người ta thiết lập một đoàn thể đặc biệt
gọi là Ban hành giáo. Người đứng đầu Ban hành giáo gọi là trùm cả, hay ông trùm: (...) Họ ăn họp, khao vọng riêng với nhau, đặt
ra những tước vụ riêng. Ông trùm bên
họ, cũng như người lí trưởng bên dân. (TCM).
Dưới ông trùm có ông quản giáo lo công việc dạy dỗ trẻ em: Dưới ông trùm, đến ông quản giáo, trông coi việc dạy trẻ học
kinh. Sau cùng đến ông sơ, tức là những ông đã đỗ bằng Sơ học yếu lược, và đã nộp
lệ và làm rượu trình bằng … (TCM).
Cạnh quản giáo là trưởng giáo, người trợ lí cho trùm
họ về nội tự hoặc ngoại tự: (...)
Nhưng thôi, từ ngày mai trở đi, sau khi dứt đi khỏi đứa bé và được hàng chục bạc,
bố mẹ Bính sẽ vừa hết cả lo sợ ngả vạ vừa được món tiền mừng chân Trưởng giáo và ăn tiêu, sự tính toán ấy
thật khôn khéo quá chừng! (BV).
3.2. Sự chuyển
hóa vào tiếng Việt toàn dân của nhóm từ ngữ Công giáo chỉ hệ thống các cấp hành
chính và đoàn thể trong Giáo hội Công giáo
Giáo Hội Công giáo được
tổ chức thống nhất như một nhà nước mang tính chất quốc tế. Nhà nước ấy có tên
gọi là Giáo Hội hay Hội Thánh, thủ đô là Tòa thánh Vatican. Trên thực tế, Vatican
là một quốc gia được thế giới công nhận:
(...), chỉ còn mỗi cái mê say được sống với những
giọt khí huyết của mình nảy nở, và sau đấy về chầu Chúa thì được đủ các phép lề
lối Hội thánh, và được hưởng đủ mọi
sự đóng góp của hàng giáp, của nhà thờ. (NNTA)
Cấp hành chính nhỏ hơn
trong Giáo hội là các giáo tỉnh, giáo phận, giáo hạt, giáo xứ và giáo họ hay họ đạo có thể gọi tắt là họ.
Về cấp độ sinh hoạt thì họ đạo giống
như một làng của người Việt, không kể số nhân khẩu ít hay nhiều. Ví dụ: Họ đạo Lưu An có tất cả chừng sáu chục suất đinh.
Sáu mươi suất đinh tập họp lại với nhau, thành một cái làng nhỏ trong cái làng
to. Trừ những việc sưu thuế, tạp dịch là những việc họ cùng chịu chung với dân lương, còn thì giáo dân nhất nhất cái gì
cũng theo ước lệ riêng. (TCM).
Nếu một họ đạo lớn thì
sẽ có thêm các giáo khu hoặc hàng giáp như là một xóm của làng người
Việt: (...) chỉ còn mỗi cái mê say được sống
với những giọt khí huyết của mình nảy nở, và sau đấy về chầu Chúa thì được đủ
các phép lề lối Hội thánh, và được hưởng đủ mọi sự đóng góp của hàng giáp của nhà thờ. (NNTA).
3.3. Sự chuyển
hóa vào tiếng Việt toàn dân của nhóm lớp từ ngữ Công giáo chỉ hệ thống các nghi
lễ và sinh hoạt phụng tự Công giáo
Trong sinh hoạt tôn
giáo của người Công giáo, bảy bí tích (còn gọi là phép) rất quan trọng. Các bí tích trải dài tiệm tiến trong đời sống
người tín hữu. Để trở thành người có đạo, một người phải lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy hay còn gọi là Phép rửa tội. Phép rửa tội ví như việc một người được sinh ra về mặt đạo: Lọt
lòng mẹ, tôi đã được ôm đến Nhà thờ chịu
phép rửa tội và nhận lấy tên Thánh là Giu minh ghê. (MTTV).
Bí tích Giải tội ban ơn tha tội giúp người tín hữu được chữa
lành bệnh tật phần hồn, ví như trong đời sống tự nhiên con người đau ốm thì cần
phải chữa bệnh. Người lãnh nhận Bí tích Giải tội gọi là người đi xưng tội, tức
xưng cáo các tội mình đã phạm cho Linh mục thay mặt Chúa được quyền tha tội. Ví
dụ: Rồi năm tôi lên 9 lên 10, bà nội tôi đã khảo tôi đủ các kinh để đi xưng tội lần đầu với một cha người Tây.
(MTTV).
Sau khi xưng tội rồi thì mới được lãnh nhận Bí tích Mình
Thánh Chúa, người giáo dân quen gọi là chịu
lễ, người lương dân quen gọi là ăn
bánh thánh: Cả đêm ấy tới sáng sau,
tôi chỉ được xúc miệng chứ không được uống nước, rồi cùng bà tôi đến Nhà thờ đi
lễ chịu Mình Thánh Chúa lần đầu. (MTTV).
Lớn hơn, đến khi lập gia đình, hai người nam nữ được lãnh nhận
Bí tích Hôn phối để được chính thức là vợ chồng hợp pháp theo luật Giáo Hội: Mà thật,
tháng sau, người con gái dì Liễu và tôi đến bàn thờ để chịu phép hôn phối. (TLP).
Trung tâm đời sống phụng tự của người Công giáo là thánh lễ, còn gọi ngắn gọn là lễ hay lễ Mixa: Nhưng rồi dì cũng khuây dần. Dì theo mẹ tôi đi
nhà thờ học kinh và “các lễ” cầu cho
được rỗi các linh hồn. (DH).
Một số từ ngữ đặc
trưng khác diễn tả hoạt động tôn giáo của người Công giáo cũng được tìm thấy
trong các tác phẩm văn học khảo sát, như: đọc
kinh (cầu nguyện bằng các bài kinh soạn sẵn), nguyện ngắm (cầu nguyện và suy ngắm), lần chuỗi (vừa đọc kinh Kính mừng vừa di chuyển các hạt trong chuỗi,
tương ứng mỗi kinh một hạt), làm dấu
(nói tắt của kinh Làm dấu thánh giá),
hát vãn (lối hát kinh đặc trưng của người Công giáo Việt Nam gần giống như hát
chầu văn). Ví dụ: Bính ngẩng đầu bỡ
ngỡ nhìn, lắng tai nghe: tiếng đọc kinh
đâu đây nhẹ nhàng vang trước gió lạnh, réo rắt và thấm thía.” (BV); Dì với tôi đọc kinh và hát vãn với
nhau suốt ngày. (DH).
3.4. Sự chuyển
hóa vào tiếng Việt toàn dân của nhóm từ ngữ Công giáo chỉ hệ thống các cơ sở tôn
giáo và đồ vật phụng tự Công giáo
Người ta thường chú ý
đến sự khác nhau về niềm tin tín ngưỡng và các nghi lễ giữa các tôn giáo. Nhưng
tìm hiểu, chúng ta nhận thấy ngay cả các từ ngữ chỉ cơ sở và đồ vật phụng tự giữa
các tôn giáo cũng có sự khác nhau, trường hợp có thể giống về tên gọi nhưng lại
không có sự trùng khớp về nội hàm ý nghĩa. Dưới đây là một số từ ngữ loại này
được đưa vào các tác phẩm văn học để giúp đến gần với người đọc toàn dân:
- Mà thật, tháng sau, người con gái dì Liểu và
tôi đến bàn thờ để chịu phép hôn phối.
(TLP)
Bàn thờ: Bàn
thấp để linh mục dâng lễ, khác với bàn thờ ở các gia đình Việt Nam thường lắp
trên cao để đặt lễ vật dâng kính tổ
tiên hoặc thần linh.
- Ai xuống Bà Rịa mà có đi qua đất thánh ở trong Cát của làng Phước Lễ.
(TLP)
Đất thánh: nghĩa trang chôn cất những người Công
giáo qua đời, còn gọi là vườn thánh.
Thấy tôi khóc nhiều quá và dỗ mãi cũng không
nín, bà tôi cũng khóc theo: - Mợ Vui – gọi theo tên tục thầy tôi – thằng Vui nó
vào nhà chung lấy cả năm trăm bạc của
tao gửi cha xứ rồi. (NNTA)
Nhà chung: Danh từ có
từ thế kỉ XVII do các cha người Bồ Đào Nha đặt để chỉ nơi sinh sống của một
nhóm tu sĩ Công giáo tối thiểu là ba người, dưới sự lãnh đạo của một vị bề
trên.
Bà tôi nhìn Chúa Giêsu rầu rĩ mệt lả dang hai
cánh tay rỉ máu trên cây thánh giá hồi
lâu rồi từ từ cúi xuống hôn mẫu ảnh
nhỏ, tròn bằng bạc ở tràng hạt. (NNTA)
Cây thánh giá: Vốn là dụng cụ hình chữ thập
dùng để thi hành án tử hình dưới thời đế quốc La Mã. Dụng cụ này gọi là “(cây)
thập (tự) giá” (crux). Riêng cây thập tự giá là dụng cụ tử hình Chúa Giêsu thì
được gọi là “(cây) thánh giá”; Mẫu ảnh: Ảnh nhỏ in/khắc hình/tượng Chúa Giêsu
hoặc các vị thánh, thường được làm phép để người tín hữu đeo trên mình; Tràng hạt: Dây nối các hạt với nhau để đếm số kính khi đọc kinh Văn Côi. Một
tràng thường gồm 50 hạt nhỏ tượng trưng cho 50 kinh Kính Mừng.
3.5. Sự chuyển
hóa vào tiếng Việt toàn dân của nhóm từ ngữ Công giáo chỉ hệ thống các danh từ
riêng và các khái niệm thần học Công giáo
Thầy Lazarô
Phiền (Tên truyện ngắn của
Nguyễn Trọng Quản)
Lazarô: Tên một nhân vật được nhắc đến trong dụ ngôn của
Đức Giêsu, chép trong Kinh Thánh Tân Ước.
Người Công giáo có tập
tục chọn tên một vị thánh cho người được rửa tội gia nhập đạo. Tên này gọi là
tên rửa tội hay tên thánh.
Vì có người đoán rằng: Tây qua sẽ binh vực những
người theo đạo Da tô mà giết những
người chẳng theo đạo ấy. (TLP).
Da Tô hay Gia Tô: Phiên âm Hán Việt
của tên gọi Jesu (Giêsu): 耶 /Ye/ âm Hán Việt đọc là Gia, 蘇 /Su/ âm Hán Việt đọc là Tô. Cách dùng Gia Tô chỉ do những người ngoài Công giáo sử dụng.
Bà tôi nhìn Chúa Giêsu rầu rĩ mệt lả dang hai cánh tay rỉ máu trên cây thánh
giá hồi lâu rồi từ từ cúi xuống hôn mẫu ảnh nhỏ, tròn bằng bạc ở tràng hạt. (NNTA)
Chúa Giêsu: tiếng Do Thái là Yehoshua (יהושע
– có nghĩa "Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ"), thường gọi tắt là Yeshua
(ישוע). Các ngôn ngữ khác thường mượn cách gọi tắt trong sử dụng. Theo niềm tin
của người Kitô giáo, Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người.
Ngài sinh sống và lập đạo tại Israel. Ngày giáng sinh của Chúa Giêsu được đặt
làm ngày khởi đầu của kỷ nguyên Công giáo (Công nguyên).
Dì thấy đi đạo cũng vui. Dần dần người ta dạy
cho dì biết có một Đức Chúa Lời dựng
nên trời đất, muôn vật và loài người ta, Đức
Chúa Lời có Ba Ngôi và Ngôi Thứ Hai ra đời lấy tên là Giêsu; Đức Chúa Giêsu chịu đóng đanh trên cây thánh giá để chuộc tội cho thiên hạ… (DH)
Đức Chúa Lời: “Lời” hay “Blời” là âm Việt cổ của “Trời”. Đức
Chúa Lời là Ngôi Thứ Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài sinh hạ làm
người, lấy tên là Đức Giêsu Kitô.
“Ông thầy thuốc Nguyễn Văn Thinh không là thánh. Ngày mai là ngày ông được ra thề
với các quan Tây. Đó là điều kể ra cũng không thú vị gì…” (NTC).
Thánh: Từ ngữ trong Thánh Kinh có nghĩa là tách ra khỏi những gì phàm tục, thuộc về thần
linh. Vậy nên, một người được gọi là thánh là không còn vướng bận gì việc
thế gian nữa mà hoàn toàn thuộc về Chúa.
“(...) Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... (ĐT).
Tình bác ái: dịch từ Caritas
tiếng La Tinh, nghĩa là tình yêu
thương. Khái niệm tình bác ái gần
tương đương với khái niệm lòng từ bi
của đạo Phật.
Ông Xuân đến làm gì khuya khoắt thế? Hay là có
sự thay đổi ý kiến gì của ông quan thấy
Pháp chăng? (NTC)
Quan thầy: Người làm chủ mình. Trong Công giáo, quan
thầy là vị thánh mà người tín hữu chọn khi chịu Bí tích Thánh Tẩy gia nhập
đạo để vị ấy bào vệ, giúp đỡ và cầu bầu cùng Chúa cho mình.
3.6. Sự chuyển
hóa vào tiếng Việt toàn dân của lớp từ ngữ Công giáo chỉ hệ thống các từ ngữ
trong sinh hoạt thường ngày
Ông già tôi là người đạo dòng tử tế. (TLP)
Đạo dòng: Người có đạo nhiều đời, còn gọi là đạo gốc
Rồi năm tôi lên 9 lên 10, bà nội tôi đã khảo tôi đủ các kinh để đi xưng tội lần đầu với một cha người Tây. (MTTV).
Khảo kinh: Kiểm tra xem đã thuộc kinh chưa.
Thấy phó lý cũng là người làng và họ hàng giàu
có lại không phải là người đi đạo
nên bố mẹ Bính càng yên tâm. (BV)
Đi đạo: có (theo) đạo Công giáo.
“(...) Thì cũng như trăm nghìn gia đình chỉ ngoan đạo bề ngoài, gia đình Bính bao
năm được người làng khen là êm ấm đáng làm mẫu mực nhưng thực chẳng có lấy một
chút gì yên vui, thuận hòa, đạo đức bên trong. (BV)
Ngoan đạo: Có đời sống gương mẫu tuân giữ tốt các giới luật
Công giáo.
“(...) Thì Chúa sẽ ban ơn cho tôi giữ đạo nên ở đời này cho ngày sau được
lên nước thiên đàng vui vẻ đời đời” (BV)
Giữ đạo: Sống tuân giữ các giới luật Công giáo.
(...) chỉ còn mỗi cái mê say được sống với những
giọt khí huyết của mình nảy nở, và sau đấy về
chầu Chúa thì được đủ các phép lề lối Hội thánh, và được hưởng đủ mọi sự
đóng góp của hàng giáp, của nhà thờ. (NNTA)
Về chầu Chúa: Chết. Người Công giáo quan niệm chết không phải
là hết, nhưng là được về với Chúa, được chầu kiến dung nhan Chúa.
Bính cố ngước mắt trông chung quanh và ngoài đường
thì không thấy một bóng người. Bính che mặt nghiến chặt hai hàm răng, nghẹn
ngào ấp úng: - Giêsu cứu chữa con! (BV)
Giêsu cứu chữa con: Lời nguyện tắt thành như câu cửa miệng của người
Công giáo kêu xin Chúa cứu giúp khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
Bính xanh mắt lên trông gian buồng âm u giữa buổi
trưa mùa thu trong sáng, và ú ớ nói những tiếng nho nhỏ trong cổ họng như một
người bị cơn mê bóp nghẹt: - Giêsu ma… Con
chết mất! Lạy Chúa con. Không!…
Không!… (BV)
Giêsu Ma: Nói tắt của từ ngữ Giêsu Maria Giuse là tên của Chúa Giêsu, Đức mẹ Maria và Thánh
Giuse. Người ta thường kêu danh ba Đấng này khi kinh ngạc hoặc gặp khó khăn, hoạn
nạn.
4. Kết luận
1) Cũng như các lớp biệt
ngữ khác, từ ngữ Công giáo có xu hướng
chuyển hóa vào tiếng Việt toàn dân, cộng tác trong việc làm tròn sứ mệnh giao
tiếp của tiếng Việt toàn dân, vì đều là một bộ phận của tiếng Việt nói chung.
2) Trong phạm vi
nghiên cứu sự chuyển hóa vào tiếng Việt toàn dân của lớp từ ngữ Công giáo tại
Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có những từ ngữ không thay đổi về ý nghĩa tôn
giáo, ví dụ: cha sở, đất thánh, Thiên
Chúa, đạo dòng…; nhưng cũng có những từ ngữ thay đổi ý nghĩa trong tôn
giáo. Ví dụ: Xưng tội vốn là biệt ngữ
Công giáo có nghĩa “người giáo dân kể tội với linh mục trong một nghi thức tôn
giáo để được tha tội” khi đi vào từ ngữ toàn dân đã có sự thay đổi về nghĩa thành
“tự kể tội với người khác (không phải trong nghi thức tôn giáo và không phải để
được tha tội)”, Quan thày từ ý nghĩa
“vị thánh mà người tín hữu nhận khi Rửa tội để bảo trợ mình” khi đi vào từ ngữ
toàn dân có nghĩa là “người (có thể là người thường mà không cần phải là vị
thánh) có khả năng nâng đỡ mình”, Đất hứa
từ ý nghĩa “miền đất Canaan mà Thiên Chúa hứa cho dân tộc Do Thái” trong từ ngữ
toàn dân có nghĩa là “nơi hoặc điểm đến mơ ước”….
3) Chúng tôi cũng nhận
thấy những đặc điểm Việt hóa khi tiếp nhận các từ ngữ nước ngoài trong lớp từ
ngữ Công giáo tại Việt Nam, chẳng hạn như tác động đơn âm tiết hóa, giản lược
các phụ âm kép, âm tiết hóa các âm tiết phụ âm của tiếng châu Âu… Do giới hạn
và phạm vi của bài viết, tác giả mong có dịp nghiên cứu các vấn đề trên, góp phần
bổ sung cho mảng nghiên cứu về từ ngữ tôn giáo nói chung và từ ngữ Công giáo
nói riêng.
NGỮ LIỆU
1. TLP: Truyện ngắn Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản
(đăng trên: http://dienvan.space/van-hoc-nam-bo/thay-lazaro-phien/thay-lazaro-phien/.html).
2. MTTV: Truyện ngắn Một tuổi thơ văn Nguyên Hồng, Nxb. Kim Đồng, 2016.
3. NNTA: Hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Nxb.
Văn Học, 2016.
4. BV: Tiểu thuyết Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, Nxb. Văn Học,
2010.
5. TCM: Truyện ngắn Tư cách mõ của Nam Cao, in trong “Tuy
ển tập Nam Cao”, Nxb. Văn Học, tái bản năm 1996.
6. DH: Truyện ngắn Dì Hảo Nam Cao, in trong “Tuyển tập
Nam Cao”, Nxb. Văn Học, tái bản năm 1996.
7. NTC: Truyện ngắn Nỗi truân chuyên của khách má hồng của Nam
Cao, in trong “Tuyển tập Nam Cao”, Nxb. Văn Học, tái bản năm 1996.
8. ĐT: Truyện ngắn Đời Thừa của Nam Cao, in trong “Tuyển
tập Nam Cao”, Nxb. Văn Học, tái bản năm 1996.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Đình Bảng (2010), Văn
học Công giáo Việt Nam - những chặng đường, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
2. Các sách kinh nguyện của các giáo phận Hải Phòng, Bùi
Chu, Thái Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn (xuất bản nhiều thời kì khác nhau).
3. Đỗ Hữu Châu (1981), Từ
vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
4. Mai Ngọc Chừ; Vũ
Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến (1997), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Crystal, David (1966), “Language and religion”. In:
Sheppard, Lancelot (Ed.): Twentieth
century Catholicism. New York: Howthorn Books.
6. Nguyễn Thiện Giáp (1998), Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
7. Hội đồng giám mục Việt Nam (2011), Từ điển Công giáo 500 mục từ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
8. Nguyễn Văn Khang (2012), Ngôn ngữ học xã hội, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
9. Roland Jacques (2007), Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học – cho đến
năm 1650, Nxb KHXH, Hà Nội.
Nguồn: gphaiphong.org