Bia kỷ niệm cha A-lịch-sơn Đắc-lộ hiện được lưu giữ tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội
SỐ PHẬN TẤM BIA
VÀ DANH XƯNG “ÔNG TỔ CHỮ QUỐC NGỮ”
CỦA CHA ALEXANDRE DE RHODES
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
WGPQN (03.5.2022) - Lòng biết ơn (gratitude) là một đức tính (virtue), một bổn phận (duty) hay cả hai? Đối với Marcus Tullius Cicero (106-43 trước Công nguyên) – một triết gia, nhà hùng biện và lý luận chính trị Roma – “lòng biết ơn” không chỉ là một đức tính cao trọng nhưng còn là mẹ của các đức tính khác (Gratus animus est una virtus non solum maxima, sed etiam mater virtutum onmium reliquarum); còn đối với triết gia Aristotle thì đó là một món nợ (debt) vì ông tin rằng cảm thấy biết ơn ai nghĩa là cảm thấy mình mắc nợ người đó.
“Lòng biết ơn” trong tiếng Anh là “gratitude” (tiếng Hy Lạp là χάρις, tiếng Latinh là gratia), và từ này đến từ gốc tiếng Latinh là “gratus” có nghĩa là “vui lòng, chào mừng, sẵn sàng tiếp nhận”. Gratus cũng là từ gốc của những hạn từ liên quan như ân huệ (grace), số tiền nhỏ để tặng cho người giúp mình (gratuity) và sự miễn phí (gratis), tất cả những từ này đều nói lên những trạng thái, hành động và những ý nghĩ tích cực.
Từ “gratitude” trong tiếng Pāli là kataññū, nghĩa là “biết những gì mà người khác làm cho mình”, đồng thời những người nhận biết và đánh giá cao sự giúp đỡ hay phục vụ của người khác cũng được gọi là kataññū. Trong các kinh Phật cổ xưa cũng nói rằng người tốt là người biết ơn hoặc lòng biết ơn hoàn toàn ở cấp độ của một thiện nhân.[1] Mahāmaṅgala sutta (Kinh đại phúc đức) nhìn nhận lòng biết ơn là một trong những nguyên nhân để đạt được sự thịnh vượng, sự thành công, và sự vô ơn là một trong những ngăn trở để đạt đến jhāna (Thiền). Hơn thế nữa, đây là một đức tính cao quý của người cao thượng – theo Đức Phật - bởi vì chẳng những là người tốt không thôi mà phải là người cao quý, cao thượng (noble person) thì mới để tâm đến và biết ơn vì những ân huệ mà mình nhận được từ tha nhân (A noble person is mindful and thankful of the favours he receives from others – The Buddha).
Và để tỏ lòng biết ơn những người có công lao trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ mà cha Alexandre de Rhodes là “vị đại diện”, một “đài kỷ niệm cha A-lịch-sơn Đắc-lộ” đã được khánh thành tại Hà Nội, vào lúc 5 giờ chiều ngày 29/5/1941. “Bên đền Bà Kiệu, xế cửa đền Ngọc Sơn, tấm bia kỷ niệm ông Alexandre de Rhodes đã cao xây dưới bốn mái, chiếc phương đình theo lối kiến trúc Đông phương… ông Alexandre de Rhodes đã sống lại với dân Hà thành giữa bầu không khí ngưỡng mộ truy tư đầy vẻ trang nghiêm cảm động trong lễ khánh thành đài kỷ niệm ở Phố bờ Hồ Hoàn Kiếm”[2] “có quan toàn quyền Decoux và hầu khắp thân hào thành phố đến dự”. Trong buổi lễ, ông Bernard de Feyssal đã tóm tắt quá trình lập quỹ xây dựng đài kỷ niệm, bắt đầu từ khoảng năm 1923-1924 với thiếu tá Bonifacy, một người yêu mến sử Việt, và ông Henri Cucherousset, chủ nhiệm báo Éveil Économique de l’Indochine. Trong buổi lễ có các bài diễn thuyết của Đức cha Nguyễn Bá Tòng, ông Ngô Tử Hạ là chủ nhà in và ông Nguyễn Văn Tố là Hội trưởng Hội Trí Tri và Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, tất cả đều nói lên công lao của cha Alexandre de Rhodes hay A-lịch-sơn Đắc-lộ trong tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ.[3] Tuy nhiên - như triết gia Thomas Paine đã nói – “thời gian tạo ra nhiều biến đổi hơn là lý lẽ!”.
Số phận “phủ phàng” của tấm bia kỷ niệm A-lịch-sơn Đắc-lộ.
“Cái bia dựng đây có ý ghi chép cái sự nghiệp cụ Đắc-lộ đối với việc truyền bá chữ Quốc ngữ trong buổi sơ khai” (cụ Nguyễn Văn Tố) và cũng là để “tiêu biểu một cái đức tính đáng quý của dân tộc Việt Nam xưa nay không bao giờ quên những cái ơn nghĩa thật là ơn nghĩa” (cụ Ngô Tử Hạ). Thế nhưng, một thời gian sau ngày khánh thành, số phận của tấm bia đã hoàn toàn khác với “cái đức tính đáng quý của dân tộc Việt Nam xưa nay”! “Tấm bia đá đến năm 1957 thì bị gỡ bỏ và mất tích đến năm 1992 thì mới tìm lại được.”[4]
“Không biết ai đã phá bỏ nhà bia này? Tấm bia đã từng làm đe ghè của mấy anh thợ khoá rồi làm bàn của bà bán nước chè chén, rồi lang thang phiêu bạt ra tận bờ sông Hồng. Vào thập niên 80 trên vị trí này đã dựng tượng đài: "Cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh" và người ta cũng quên luôn nhà bia đó”.[5] Không biết độ chính xác đến đâu, nhưng chúng ta cũng có thêm nhiều thông tin chi tiết hơn về tấm bia. “Đêm ngày 9/10/1984, xe cẩu, công nhân kéo đến bia Alexandre de Rhodes rồi người ta dùng cần cẩu loại nhỏ cẩu tấm bia mang quẳng ra mép hồ xí nghiệp Cơ khí 204 (ngoài đê sông Hồng). Tấm bia nằm đó không lâu thì một ông xích lô ở ngõ Pháo Đài (…) phát hiện ra tấm đá to lại bằng phẳng liền gọi vợ con lại và nhờ đám bạn xích lô mang về lát chỗ rửa rau vo gạo”.[6] Được một thời gian, trong nhà có nhiều người đau ốm. Ông đi xem thầy và thầy phán là trong nhà có đồ thờ cúng lạ. Thế là ông lại đem tấm bia bỏ lại bờ đê, trước cửa nhà máy Nước đá. Năm 1992, một chủ hàng cửa sắt là ông Nguyễn Việt Minh lên chợ Đồng Xuân mua vật liệu, đến đúng trước cửa nhà máy Nước đá (Phố Trần Quang Khải), … ghé xe vào gần bờ đê và vô tình ông thấy phiến đá phẳng bị cỏ phủ lên. Tò mò, lật đám cỏ ra và cỏ đất bám trên mặt ông giật mình vì đó là tấm bia Alexandre de Rhodes. “Từng làm việc ở Bảo tàng ông hiểu nếu mang về nhà không kín đáo có thể bị kết tội chiếm đoạt di tích cho dù nó nằm ở bờ đê. Đêm muộn ông nhờ Hùng "toét" lái xe chở về và phải thuê cửu vạn bí mật khiêng vào đặt lên chỗ cống không có nắp. Không một ai trong khu nhà ông biết. Phần tiếng Pháp trên tấm bia đã bị bào mòn, nhưng phần chữ Việt thì còn nguyên.... Khi nghe tin Hội nghị Pháp ngữ tổ chức tại Hà Nội (1997), cũng biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt coi trọng di sản văn hóa nên ông nhờ người báo cáo lên Bộ Văn hóa - Thông tin. Sau đó Bộ cử người xuống và mang đi”.[7] Hiện nay, “tấm bia này đang được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội lưu giữ (sẽ chuyển giao cho Bảo tàng Hà Nội).[8]
Cha A-lịch-sơn Đắc-lộ (Alexandre de Rhodes) là “ông tổ chữ Quốc ngữ”?
Trước hết chúng ta cần phân biệt hai nghĩa của hạn từ mà chúng ta quan tâm: nghĩa cứng (hard meaning) và nghĩa mềm (soft meaning).
Tùy theo cách sử dụng, một từ có thể có nghĩa cứng và nghĩa mềm. Chẳng hạn, trong khoa xã hội học và tâm lý xã hội học, “ý niệm “socialization” có hai nghĩa – nghĩa cứng và nghĩa mềm. Theo nghĩa cứng, “socialization” có nghĩa là “sự chuyển biến một cá nhân vô xã hội (asocial) thành một hữu thể xã hội bằng cách làm cho thấm nhuần những lối suy nghĩ, cảm nghĩ và cách hành xử nào đó”[9] … Nghĩa mềm của “socialization” có thể được định nghĩa là sự tái hòa nhập xã hội, vì thế, đó là tiến trình in sâu những lối suy nghĩ, cảm nghĩ và hành xử nào đó khác với những gì ở bên trong của một cá nhân. Đây là trường hợp của những cá nhân vượt sang một nền văn hóa khác bằng cách thay đổi nhóm thân thuộc của mình …”.[10] Cũng thế, nói về ý niệm “chance”, Aristotle công nhận có hai nghĩa của hạn từ này. “Trước tiên là nghĩa cứng của nó (là cơ hội theo nghĩa vật chất) và sau đó là nghĩa mềm (sự may mắn, như là cội nguồn của sự dồi dào nội tâm nhờ hành động đạo đức)”.[11]
Như vậy, danh xưng “ông tổ chữ Quốc ngữ” mà một số người đời sau thường gán cho cha Alexandre de Rhodes - trong điều kiện mà ngài chưa bao giờ tự nhận danh xưng ấy và không còn cơ hội nào để cải chính với kẻ hậu sinh - cũng có cả nghĩa cứng lẫn nghĩa mềm.
Nghĩa cứng. Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh, tổ (祖) là “người xướng đầu ra một học thuyết hay một tôn giáo”. Từ định nghĩa này, cụm từ “ông tổ chữ Quốc ngữ” có nghĩa là người “xướng đầu” ra chữ Quốc ngữ, hay “người đầu hết, là người sáng lập, gây dựng nên chữ Quốc ngữ”. Đây là nghĩa cứng của cụm từ và khó lòng mà hiểu cha Alexandre de Rhodes là “ông tổ chữ Quốc ngữ” theo nghĩa này. Chính cha Alexandre de Rhodes trong lời tựa cuốn từ điển của mình đã nhắc đến những người khác, những người bản xứ và cha Francisco de Pina đã giúp đỡ ngài học tiếng Việt “Trong công việc này ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi đã lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh, thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ-đào thuộc hội dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thày dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ này mà không dùng thông ngôn”.[12] Đồng thời, ngài cũng tuyên dương công lao của các thừa sai Dòng Tên khác, đặc biệt là cha Gaspar do Amaral với cuốn từ điển tiếng Việt và cha Antonio Barbosa với cuốn từ điển tiếng Bồ: “Tôi cũng sử dụng nhiều công trình của nhiều cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của cha Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn tự điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng Annam, ông sau bằng tiếng Bồ-đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm”.[13] Từ điển Việt–Bồ–La (Diccionário anamita-português-latim) của cha Amaral và Từ điển Bồ–Việt (Diccionário português-anamita) của Barbosa được cho là đã thất truyền.[14] Một sự khiêm nhường và liêm chính trí thức!
Nghĩa mềm. Trong lễ khánh thành Đài kỷ niệm cha Cha A-lịch-sơn Đắc-lộ ngày (29/5/1941), các diễn giả đã ghi nhận công lao của ngài qua bài diễn thuyết của mình, ngắn gọn và súc tích. Chúng ta lược qua các bài diễn thuyết.
Bài diễn thuyết của Đức cha Nguyễn Bá Tòng phần lớn nói về tiểu sử và “tinh thần tông đồ” của ngài. Thế nhưng đây là “vấn đề tôn giáo” “tuy đấy chính là công nghiệp của ngài”. Bỏ qua “vấn đề tôn giáo”, Đức cha Tòng nhấn mạnh rằng: “Ta cũng công minh mà nhận cha De Rhodes là một bậc ân nhân của nòi giống Lạc Hồng. Cái công vĩ đại của ngài đối với con Rồng cháu Tiên, là ở chỗ đã đem học lực uyên thâm hợp với tài ngữ pháp mà cấu tạo nên bộ chữ Quốc ngữ của chúng ta bây giờ”. Như vậy, Đức cha Tòng nói ngài là “người có công”. Công lao ngài ở chỗ nào? 1/ “chính ngài đã sửa, chữa lại công sáng kiến của các vị thừa sai Bồ Đào, Ý và Tây Ban Nha trước ngài. Ngài đã thêm bớt và quy định thành nên bộ chữ hoàn toàn”. 2/ “Chính ngài là người thứ nhất đã in sách bằng chữ Quốc ngữ. Quyển Yếu lý đạo Công giáo (Catéchisme) bằng tiếng Latinh và Annam, ngài đã soạn ra và đứng trông coi nhà in Bộ Truyền Giáo Roma đúc chữ Quốc ngữ và in ra, năm 1651. Quyển Tự điển nói trên cũng do nhà in ấy xuất bản do quyền ngài kiểm soát”.
Tóm lại, cha Alexandre de Rhodes là “người có công” vì “cái bộ chữ đó tuy là sự nghiệp của nhiều vị thừa sai người Âu, nhưng cha De Rhodes chiếm một phần quan trọng nhất. Ngài đã làm hoàn thành và đem ra ứng dụng bộ chữ phôi thai từ trước, là nhờ cái thiên tài ngữ khoa của ngài”.
Trong bài diễn thuyết của mình, cụ Nguyễn Văn Tố gọi cha Alexandre de Rhodes là “nhà trước thuật”, với “cái công lớn đem truyền bá chữ Quốc ngữ, là chữ viết tiếng nước nhà, là chữ mà chỉ phải học có hai ba tháng là đọc được viết được” và cũng là người “xuất bản trước tiên – vào khoảng năm 1654 – một quyển giáo lý quốc âm và một quyển tự vị tiếng ta”. Tuy ngài không phải là người phát minh ra chữ Quốc ngữ, nhưng “cái công truyền bá chữ Quốc ngữ lúc ban đầu không phải là nhỏ, có lẽ chẳng kém gì cái công của những bậc đã phát minh ra chữ Quốc ngữ, tức là những vị cố đạo Bồ Đào Nha và những giáo sĩ Việt Nam mà sử học chưa cho biết rõ”. Và cụ cũng đánh giá luôn là “Cái công ấy cũng ngang với công của ông Hàn Thuyên về đời nhà Trần mà người ta thường gọi là ông tổ chữ Nôm”. Cụ gọi Hàn Thuyên là “ông tổ chữ Nôm” mặc dù Hàn Thuyên không phải là người sáng tạo ra chữ Nôm mà chỉ là người “giỏi thơ Nôm. Ông được xem là người phát triển, phổ biến chữ Nôm của Việt Nam”.[15]
Cuối cùng là bài diễn thuyết của cụ Ngô Tử Hạ đáng cho chúng ta quan tâm. Cụ đã cho cha Alexandre de Rhodes là người “tuyên bố ra chữ Quốc ngữ” và hai lần gọi là “ông tổ chữ Quốc ngữ”. Tuy nhiên, cách dùng từ “ông tổ” của cụ Ngô Tử Hạ ở đây không liên quan gì đến “người xướng đầu” hay “người đầu hết, là người sáng lập, gây dựng nên chữ Quốc ngữ” gì hết bởi vì ngay sau đó cụ cũng đã xác định ngay rằng: “Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ cố nhiên cũng như mọi sự phát minh khác không phải công sức của một người. Nhưng Đức A-lịch-sơn Đắc-lộ có nhiều sách để lại làm di tích cũng như người đã hoàn thành. Vậy kỷ niệm Đức A-lịch-sơn Đắc-lộ tức là kỷ niệm một vị đại biểu cho tất cả mọi người đã có công trong việc đặt ra và sửa chữa chữ Quốc ngữ trước nay”. Từ rất sớm, ngay từ đầu thập niên 1940, người ta đã xem việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là một công trình tập thể chứ không đợi đến mãi sau này mới được các học giả đánh giá lại. Và có thể nói cụ Ngô Tử Hạ đã hiểu cụm từ “ông tổ chữ Quốc ngữ” theo nghĩa mềm.
Như vậy, cha Alexandre de Rhodes được (cụ Ngô Tử Hạ và một số người khác) gọi là “ông tổ chữ Quốc ngữ” theo nghĩa mềm của từ ngữ, vì:
1/ “Chính ngài là người thứ nhất đã in sách bằng chữ Quốc ngữ” (Đức cha Tòng). “Người xuất bản trước tiên – vào khoảng năm 1654 – một quyển giáo lý quốc âm và một quyển tự vị tiếng ta” (cụ Nguyễn Văn Tố). Người “có nhiều sách để lại làm di tích” (cụ Ngô Tử Hạ). Người “tuyên bố ra chữ Quốc ngữ” (cụ Ngô Tử Hạ). “Người đã xuất bản được quyển sách Bổn và quyển tự vị tiếng Việt Nam, tiếng Bồ-đào-nha và tiếng La-tinh là những sách Việt Nam dịch âm theo chữ La-tinh xuất bản trước tiên, nên tên Người cùng lưu truyền với cái công phát minh ra chữ Quốc ngữ” (Bia kỷ niệm).
2/ “Sửa, chữa lại công sáng kiến của các vị thừa sai Bồ Đào, Ý và Tây Ban Nha trước ngài. Ngài đã thêm bớt và quy định thành nên bộ chữ hoàn toàn”, “Ngài đã làm hoàn thành và đem ra ứng dụng bộ chữ phôi thai từ trước, là nhờ cái thiên tài ngữ khoa của ngài” (Đức cha Tòng). “Người đã hoàn thành” (Ngô Tử Hạ), “tập đại thành”[16] hay người “điển chế hóa” chữ Quốc ngữ.
3/ Một vị đại biểu cho tất cả mọi người đã có công trong việc đặt ra và sửa chữa chữ Quốc ngữ trước nay (cụ Ngô Tử Hạ).
Theo dòng lịch sử, người Việt sử dụng 3 hệ chữ là chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Chữ Hán được Sĩ Nhiếp – một quan thái thú nhà Hán - đưa vào Việt Nam và được cho là người đầu tiên mở đường cho Nho học ở Việt Nam. Ông được suy tôn là Nam Giao học tổ (南郊學祖). Từ chữ Hán, người Việt sáng tạo ra chữ Nôm. Ông Hàn Thuyên không phát minh ra chữ Nôm nhưng là người phát triển, phổ biến chữ Nôm, được suy tôn là “ông tổ chữ Nôm”. Cha Alexandre de Rhodes, vì những lý do (1), (2) và (3), được suy tôn là “ông tổ chữ Quốc ngữ” hay “ông triệu tổ chữ Quốc ngữ” (Bernard de Feyssal) theo nghĩa mềm của từ và cũng là để so sánh với công lao của ông Sĩ Nhiếp và ông Hàn Thuyên, được suy tôn là những “ông tổ” chữ Hán và chữ Nôm. Hán và Nôm, hai hệ chữ này ngày nay không còn được người Việt sử dụng nữa, nhưng các “ông tổ” vẫn được thờ cúng tại đền hay được đặt tên đường trên khắp đất nước. Chữ Quốc ngữ hiện được mọi người Việt sử dụng và được cho là “công cụ giúp cho dân tộc ta cất cánh, giúp nhân dân ta vượt khỏi rào cản về ngôn ngữ mà vươn xa hội nhập với nền văn minh của thế giới!” (Gs. Hoàng Chương).[17]
“Chúng ta hết thảy, không phân giai cấp, không biệt tư tưởng, không phân biệt tín ngưỡng, chúng ta chỉ lấy tư cách là người Nam Việt với nhau, mà ghi công một vị - chẳng kỳ vị đó là một nhà chính trị, một nhà phú hương, hay một vị thừa sai – tuy là người ngoại quốc nhưng đã đem tất cả nghị lực tài ba hy sinh cho nòi giống chúng ta. Ghi công một người đã đem đến cho chúng ta một cái cơ quan mở đàng cho bước văn minh chúng ta đang hưởng ngày nay và con cháu chúng ta sẽ còn hưởng mãi mãi ở dưới trời Nam này, tức là cha De Rhodes vậy” (Đức cha Tòng). “Bốn bể anh em không phân chủng tộc và tôn giáo, đến đây chỉ do tấm lòng kỷ niệm một bậc đáng kỷ niệm mà thôi” (Ngô Tử Hạ) và tấm lòng ghi ơn này “tiêu biểu một cái đức tính đáng quý của dân tộc Việt Nam xưa nay không bao giờ quên những cái ơn nghĩa thật là ơn nghĩa” (Ngô Tử Hạ).
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tất cả những ai đang sử dụng “chữ Quốc ngữ” là đang ăn một thứ quả! “Biết ơn là dấu hiệu của những tâm hồn cao thượng” (Aesop).
Nguồn: gpquinhon.org
[1] A I 62; 153.
[2] Hoa Bằng & Tiên Đàm, “Ông Alexandre de Rhodes (1591-1660)”, trong Tri Tân Tạp Chí, số 2-10, Juin, 1941, tr. 3-5.
[3] Cả ba bài diễn thuyết được in lại trong Trung hòa nhật báo, Số 2547, 7 Tháng Sáu 1941, và được trang https://gpquinhon.org/q/ đưa lên trong mục “Ôn cố tri tân”.
[7] Ibid.
[8]https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/chuyen-it-biet-ve-tam-bia-tuong-niem-a-de-rhodes-tai-ha-noi-n20191202073837133.htm
[9] Chelcea, S. & Ilut, Enciclopedie de psihosociologie, București, Editura Economică, 2003, tr. 332.
[10] Patricia-Luciana Runcan, Applied Social Psychology, Cambridge Scholars Publishing, 2014, tr. 9.
[11] John Dudley, Aristotle's Concept of Chance: Accidents, Cause, Necessity, and Determinism, Suny Press, 2012, tr. 372.
[12] Alexandre de Rhodes, Từ điển Annam – Lusitan – Latinh, Viện Khoa học Xã hội, 1991, tr. 3, phần dịch tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính.
[13] Ibid.
[16] Kết quả của việc tập hợp những cái hay, cái đẹp tự cổ chí kim rồi đúc kết lại một cách có hệ thống (Đại từ điển tiếng Việt – GSTS. Nguyễn Như Ý, Nxb Văn hóa Thông tin, 1999)