NHẬT KÝ VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG
Bài 1: Quảng Trường Đầy Ắp Và Quảng Trường Trống Rỗng

Federico Lombardi, S.J.
Lm. Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn dịch từ vaticannews.va

Chúng tôi đăng bài đầu tiên trong loạt bài tựa đề “Nhật ký về cuộc khủng hoảng” do cha Federico Lombardi biên soạn. Dịch coronavirus đã làm trống rỗng các quảng trường, kể cả “Quảng trường của Đức Giáo hoàng”, vốn là trái tim của một cộng đoàn hoàn vũ. Hôm nay, Đức Phanxicô nói với một quảng trường được quy tụ bởi các phương tiện truyền thông, tại đó các tâm tình của trắc ẩn, chờ mong, hy vọng gặp gỡ nhau.

Trong thời kỳ này, hàng triệu triệu người ở Ý và trên thế giới đã và đang theo dõi những buổi cầu nguyện được Đức Giáo hoàng cử hành qua truyền hình và các phương tiện truyền thông điện tử. Mức độ theo dõi rất cao. Không nên ngạc nhiên. Tình trạng này tự nhiên bù đắp cho sự tham dự thể lý và những liên hệ mà chúng ta phải từ bỏ. Ngoài ra và hơn nữa, nó dẫn đến sự tìm kiếm lời nói và hình ảnh đáp ứng với những chờ đợi sâu xa mong được an ủi, tìm kiếm ánh sáng trong thời điểm tối tăm, sự trấn an giữa thời kỳ bấp bênh.

Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô bắt đầu cử hành thánh lễ buổi sáng tại nhà khách Santa Marta với một nhóm các tín hữu - một trong những đổi mới đầu tiên và đặc trưng nhất của triều đại Giáo hoàng này - đài truyền hình TV2000 đã sớm xin trực tiếp truyền hình để nhiều người có cơ hội theo dõi giờ phút cầu nguyện cảm động với Giáo hoàng. Tôi nhớ rõ rằng lúc đó tôi đã nói điều này với chính Giáo hoàng và suy nghĩ xem có nên chấp thuận hay không. Kết luận khi đó là không trực tiếp truyền hình thánh lễ, bởi vì, khác với các buổi cử hành công cộng, ĐGH muốn duy trì một đặc tính thân mật và riêng tư, giản dị và tự nhiên, vị chủ tế và cộng đoàn không phải cảm thấy mình đang ở dưới cái nhìn của thế giới. Chắc chắn, có thể truyền đi những ý tưởng và hình ảnh ngắn về bài giảng và buổi lễ, nhưng không truyền đi trọn vẹn buổi lễ. Thật vậy, không thiếu nhiều dịp khác, đại chúng có thể theo dõi Đức Giáo hoàng, khi ngài chủ ý nói với những người hiện diện nhưng cả với quần chúng đông đảo hơn qua truyền thanh, truyền hình hoặc phương tiện truyền thông khác.
 
Nay hoàn cảnh đã thay đổi. Nơi nhà nguyện Santa Marta, không có cộng đoàn tín hữu, dù nhỏ thế nào đi nữa, và thánh lễ của Giáo hoàng - ngài cử hành gần như một mình - đã được truyền hình trực tiếp và được rất đông người theo dõi, họ nhận được từ đó sự đỡ nâng và an ủi, họ hiệp thông với ngài trong kinh nguyện và được mời “rước lễ thiêng liêng” vì họ không thể gần bên để rước Mình Thánh Chúa. Mầu nhiệm cử hành vẫn y như vậy, nhưng cách tham dự đã thay đổi. Trong khi giảng, Đức Thánh cha Phanxicô thích nhìn vào mắt những người hiện diện và đối thoại với họ. Bây giờ cái nhìn và giọng nói của ngài được kỹ thuật làm trung gian, nhưng chúng cũng có khả năng đánh động tâm hồn. Cộng đoàn không còn hiện diện về mặt thể lý nữa, nhưng họ có đó và hiệp nhất thực sự, qua con người của vị chủ tế, quanh Chúa, Đấng chết và sống lại.

Tương tự và thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa, đó là kinh nghiệm của Đức Thánh cha khi nói và cầu nguyện trong Vương cung thánh đường hoặc tại chính Quảng trường Thánh Phêrô hoàn toàn trống rỗng. Đã bao nhiêu lần, trong những năm qua, chúng tôi đã đưa ra những con số rất lớn các tín hữu hiện diện: 50, 100, 200 nghìn người... trên toàn quảng trường, thậm chí cả Đại lộ Hòa Giải cho đến tận bờ sông Tevere. Địa điểm của các cuộc họp không thể đếm được. Trong thế kỷ qua, chúng ta đã dần dần học cách thêm vào sự hiện diện thể lý ấy rất nhiều người khác, qua đài phát thanh, sau đó qua truyền hình, rồi đó đến các phương tiện truyền thông mới đã nới cộng đoàn tham dự tới các nơi khác trên thế giới. Phép lành ”Urbi et Orbi”, ”cho thành Roma và thế giới”.

Đặc biệt, Đức Gioan Phaolô II, với lời chúc mừng Giáng sinh và Phục sinh bằng hàng chục ngôn ngữ, đã làm chúng ta hiểu rằng cộng đoàn lớn tụ tập tại Quảng trường là trung tâm, trái tim của một cộng đoàn rộng lớn hơn nhiều, lan rộng khắp các châu lục, nhưng có cùng một ước muốn được lắng nghe một sứ điệp cứu độ qua tiếng nói của Đức Thánh cha.

Bây giờ chúng ta đã thấy quảng trường hoàn toàn trống rỗng, nhưng cử tọa rộng lớn hơn, cử tọa này không hiện diện về mặt thể lý nhưng hiện diện trong tinh thần và có lẽ còn đông hơn và liên kết nồng nhiệt hơn so với những dịp khác. Đức Thánh cha có thể một mình ở Quảng trường Thánh Phêrô, cũng như trong Nhà nguyện Santa Marta, nhưng Giáo Hội, cộng đoàn các tín hữu hoàn vũ thì rất thực sự và hiệp nhất nhờ những mối liên kết có gốc rễ sâu trong đức tin và nơi trái tim của con người.
 
Quảng trường trống rỗng, nhưng nơi đó ta cảm nhận được sự hiện diện rất đông đảo và là nơi gặp gỡ của những liên hệ tâm linh yêu thương, lòng trắc ẩn, đau khổ, ước mong, chờ đợi, hy vọng ... Đó là một dấu hiệu mạnh mẽ về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng giữ cho “Nhiệm Thể” của Đức Kitô được hiệp nhất. Một thực tại tâm linh đích thực, được biểu hiện khi cộng đoàn tụ họp nhau, nhưng không phải chỉ liên kết và giới hạn vào sự hiện diện thể lý, và điều lạ thường là, trong những ngày này ta có thể cảm nghiệm một cách mạnh mẽ và rõ ràng hơn điều ấy. “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu... ai sinh ra bởi Thần Khí thì cũng vậy”, Chúa Giêsu đã nói như thế với Nicôđêmô trong một buổi tối.

Nguồn: giaophanphucuong.org