Ồ! Hẳn họ đã có những cuộc trò chuyện này với Mẹ Maria

Meg Hunter-Kilmer
Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch từ aleteia.org

WHĐ, 24-05-2020 - Vào những ngày cuối tháng Năm này, tháng dành riêng kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội và cũng là Mẹ của chúng ta, đồng thời trong những ngày chuẩn bị lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta được kêu mời chiêm ngưỡng Mẹ, để cho Mẹ dạy bảo chúng ta về Chúa Giê-su, Con Mẹ, và chuẩn bị trái tim cùng tâm trí chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần, như Mẹ đã thực hiện cho các Thánh Tông đồ nơi cộng đoàn Hội Thánh sơ khai. Mẹ sẽ giúp biến đổi mỗi người chúng ta nên chứng nhân cho Lời của Thiên Chúa và cho Tình Yêu của Đấng đã nói với các Tông đồ khi xưa, cũng là với chúng ta hôm nay, “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (Mát-thêu 28: 19-20)[1]

Nhóm mười hai có lẽ hầu như không biết gì về Mẹ Maria trước khi Mẹ đứng dưới chân Thập giá của Con Mẹ. Nhưng trong chín ngày này, họ đã học được cách nhận lấy Mẹ Maria làm Mẹ.

Photo: Meg Hunter-Kilmer

Trong chín ngày qua, những người Công giáo trên toàn thế giới đã cầu nguyện và làm tuần chín ngày (tuần cửu nhật) cầu xin Chúa Thánh Thần, chín ngày cầu nguyện là khoảng thời gian giữa ngày Thứ Năm mừng Chúa Giê-su Lên Trời (nếu không được chuyển sang ngày Chủ nhật) và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Tuần chín ngày này bắt nguồn từ việc các Tông đồ tuân giữ mùa Phục sinh đầu tiên: giữa lễ Chúa Giê-su Lên Trời 40 ngày sau lễ Phục sinh và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 50 ngày sau lễ Phục sinh, nhóm mười hai tập trung tại phòng trên[2] với Đức Trinh Nữ Maria và một số tín hữu khác, chờ đợi đón nhận Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu đã hứa.

Trong khoảng thời gian chín ngày im lặng này khi Chúa Giê-su không còn hiện diện thể lý với họ và Chúa Thánh Thần chưa đến để an ủi họ, họ có thể đã dành hàng giờ mỗi ngày để đọc Kinh thánh và cầu thay nguyện giúp cho Giáo hội còn non nớt và cho thế giới. Nhưng có lẽ các Tông đồ đã không cầu nguyện 18 giờ một ngày. Ở phòng trên, các ngài có nhiều thời giờ để nói chuyện.

Và điều này có thể cho chúng ta một manh mối về lý do tại sao Chúa Giêsu bỏ các Tông đồ lại trong vùng đất “không người” đó suốt chín ngày, không bước đi bên cạnh Chúa Con cũng không tràn đầy Chúa Thánh Thần. Ở đó, trong khoảng thời gian gián đoạn đó, các Tông đồ cảm thấy xa Chúa, và họ tìm đến Mẹ của Chúa.

Sự hiện diện của Mẹ Maria ở phòng trên là lần xuất hiện cuối cùng của Mẹ trong Kinh thánh, và sự hiện diện đó còn hơn cái gật đầu đồng ý chấp nhận để cho Gioan chăm sóc người phụ nữ mà Chúa Giêsu giao phó cho ông (Gioan 19: 26-27). Mẹ Maria ở đó vì một mục đích: trở thành mẹ của các Tông đồ và nữ vương của họ.

Thánh Giêrônimô nói, “Mẹ Maria vẫn còn ở với các Tông đồ một thời gian trên trần gian sau khi Con của Mẹ về Trời để Mẹ có thể hướng dẫn họ đầy đủ hơn, vì Mẹ đã nhìn thấy và giải quyết mọi việc một cách thuần thục hơn, và do đó Mẹ có thể diễn đạt mọi sự tốt hơn”.

Trong những ngày đó, hẳn Mẹ đã kể biết bao chuyện! Quả thật là một điều ngạc nhiên khi Thánh Mát-thêu chia sẻ rất ít về thời kỳ thơ ấu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng của mình còn Thánh Gioan thì không. Các Ngài đã biết mẹ của Đấng mình yêu dấu, được gần gũi với Mẹ trong một tuần rưỡi (còn Gioan thì trong nhiều năm sau đó). Nhưng đó không phải là thông lệ của các nhà viết tiểu sử cổ đại, họ không thuật lại hết mọi khía cạnh thời thơ ấu của đối tượng, vì vậy chúng ta chỉ còn lại một vài câu chuyện, hầu hết được đưa ra bởi Thánh Luca, là người hẳn đã phải trải qua một khoảng thời gian nào đó với Đức Mẹ.

Không chỉ là những câu chuyện, Mẹ có thể chia sẻ sự khôn ngoan, có thể chỉ ra những lời tiên tri về Đấng Messia trong Cựu Ước hoặc làm sáng tỏ những câu chuyện dụ ngôn khó hiểu hơn của Chúa Giê-su. Mẹ có thể kể lại những lời Chúa Giê-su nói, với một tâm trí không bị che mờ bởi tội lỗi và giải thích lời Chúa Giê-su tốt hơn cả Thánh Augustinô hay Thánh Tô-ma Aquinô, Mẹ là người biết Ngôi Lời đã trở thành nhục thể một cách mật thiết hơn bất cứ ai.

Mẹ cũng có thể khuyến khích họ mỗi khi nỗi sợ hãi của họ thắng thế, hoặc giải tán những cuộc cãi vã giữa những người đàn ông này, vì họ có những kinh nghiệm sống trong quá khứ và tính cách khác nhau đến như vậy. Theo như những gì chúng ta biết, Mẹ đã không đi đây đi đó nhiều trong khi các tông đồ nay đây mai đó với Chúa Giê-su, chỉ dừng lại một hoặc hai lần trong sứ vụ công khai của Ngài. Các tông đồ có lẽ hầu như không biết gì về Mẹ Maria trước khi Mẹ đứng dưới chân Thập giá của Con Mẹ. Nhưng trong chín ngày này, chín ngày chờ đợi quyền năng Chúa Thánh Thần từ trên cao ngự xuống trên họ, các tông đồ đã học được cách nhận lấy Mẹ Maria làm Mẹ và làm nữ vương của mình là như thế nào.

Sau ngày Chúa Thánh Thần ngự xuống, các Tông đồ bắt đầu ra đi đến tận cùng trái đất. Tô-ma tìm đường đến Ấn Độ, Ba-thô-lô-mê-ô tới Armenia, Phi-líp-phê đến Ba Tư và Phê-rô, tất nhiên, đến Roma. Nhưng một truyền thống đạo đức từ ít nhất là vào thế kỷ thứ tư cho rằng khi Đức Mẹ chuẩn bị rời khỏi thế gian này, từng Tông đồ đã được Chúa Thánh Thần bắt kịp dù ở bất cứ vùng đất nào mà ông đang truyền giáo và ông được đưa trở về với Mẹ Maria để tất cả các ông có thể nói lời tạm biệt với Mẹ của họ trước khi Mẹ được đưa lên trời cả hồn và xác.

Mẹ Maria ngự trị trên thiên đàng với tư cách là Nữ vương các thánh Tông đồ, Nữ vương các thánh Tiên tri và Nữ vương các thánh Tử vì Đạo, nhưng trên hết, Mẹ là mẹ của họ, người phụ nữ đã cầu nguyện cho họ, đã nói với họ về Cứu Chúa của họ, đã khuyên bảo họ và sửa dạy họ. Khi chúng ta hình dung ra mối quan hệ này, chúng ta bắt đầu nhận ra mối quan hệ mà Mẹ Maria muốn có với chúng ta, không chỉ là người mẹ của người bạn thân nhất của chúng ta, nhưng như một hiền mẫu hay một người mẹ dưỡng nuôi. Mẹ muốn trở thành người mẹ thực sự của chúng ta, ngồi bên chúng ta, lắng nghe chúng ta và nhắc nhở cho chúng ta biết chúng ta là ai và Chúa Giêsu là ai.
Sức mạnh của các Tông đồ trước tiên đến từ ân ban của Thiên Chúa, qua việc họ bước đi với Chúa Giêsu, qua việc họ đón nhận các Bí tích và qua mối quan hệ của họ với Chúa Thánh Thần. Nhưng khả năng của họ bước theo Chúa Giêsu cũng là từ những lời cầu nguyện và hướng dẫn của Đức Trinh Nữ Maria, bắt đầu trong chín ngày đó ở phòng trên.

Xin cho chúng ta, là những người thường xuyên cảm thấy xa cách Thiên Chúa, luôn được trở về với sự hiện diện của Thiên Chúa bằng tình yêu của Mẹ Ngài và của chính chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, Nữ vương các thánh Tông đồ và Mẹ của Giáo hội, xin cầu cho chúng con.

________

[1] Lời dẫn của người chuyển ngữ.

[2] ND: “the Upper Room”.