Niềm hy vọng chữa lành

12/05/2020


NIỀM HY VỌNG CHỮA LÀNH

Lm. Joseph Hoàng Ngọc Dũng

Nhu Cầu Chữa Lành Của Chúng Ta

Có quá nhiều những nỗi đau thương trên thế giới cần được chữa lành. Chúng ta chỉ cần thoáng nhìn những gì đang diễn ra chung quanh ta. Hiện tượng toàn cầu nóng lên gây ra những thay đổi bất thường như hạn hán, lũ lụt, khiến người ta không còn khả năng dựa trên kinh nghiệm để dự đoán đúng về thời tiết nữa; hậu quả là mất mùa, đói kém; hận thù được thanh toán bằng những hành vi tội ác; mạng sống con người xem chừng như bị coi rẻ; rồi những hành vi vô luân xảy ra liên tục như hiếp dâm, lạm dụng phụ nữ, trẻ em; những hình thức nghiện ngập, và con số những bệnh nhân tâm thần tăng lên. Những hình ảnh này ít nhiều đã gây phiền nhiễu nơi tâm trí của chúng ta.

Nhìn thấy một thế giới đầy những vấn nạn, nhiều người trong chúng ta vẫn tưởng rằng những tương giao cá nhân riêng tư của ta có thể thoát khỏi những rắc rối trong vòng xoáy của toàn cầu. Nhưng không, chính mỗi người chúng ta đang chứng kiến sự tác động hỗ tương này.

Chúng ta nhận thức rằng thỉnh thoảng có những người đã làm cho ta bị suy sụp, khiến cho ta thất vọng, và gây tổn thương nơi ta. Nếu chúng ta có một cái nhìn trung thực, chúng ta có thể nhận thức rằng còn có nhiều vết thương khác cần được chữa lành nơi chính bản thân ta và trong các mối tương giao của ta.

Thậm chí ngay cả khi chúng ta không sao tránh được những quan hệ ít nhiều cũng gây rắc rối cho ta, thì chúng ta vẫn mong sao những mối tương giao này được diễn ra lành mạnh. Chúng ta có thể xin lỗi, tha thứ, thỏa thuận, hợp tác và mơ ước. Chúng ta có thể hy sinh để duy trì mối quan hệ sao cho đúng hợp, hơn là chỉ nghĩ đến việc thể hiện đúng bản bản thân. Và chúng ta có thể có được niềm hy vọng để chữa lành.

Từ Con-Tim-Đến-Con-Tim[1]

Mối tương giao cảm-xúc-của-con-tim là điều ràng buộc chúng ta với người khác. Trong các mối tương giao từ-con-tim-đến-con-tim, chúng ta mở lòng mình ra với người khác. Nhưng, việc cởi mở cõi lòng này cũng đồng nghĩa là việc ta chấp nhận rủi ro: chấp nhận người khác vào trong thế giới riêng của bản thân sẽ khiến ta dễ bị họ gây ra những tổn thương; cũng đồng nghĩa là ta trao cho người khác sức mạnh có thể gây thương tích nơi ta. Khi họ gây tổn thương, ta thường xuyên phủ nhận nỗi đau. Một đứa trẻ nói “không có đau đâu mà” trong khi nước mắt tuôn chảy; hay ai đó vẫn cứ ngân nga điệp khúc “gậy gộc hay gạch đá mới làm gãy xương, chứ lời nói thoảng qua sẽ không bao giờ gây cho tôi đau đớn”. Thế nhưng, một cách rõ ràng khi đưa ra những phủ nhận này, xem chừng như ta đang “cố chịu đấm ăn xôi” để rồi ta có thể tiếp tục bám víu vào những người mà ta đang gắn bó, thậm chí cả khi họ gây thương tích cho ta.

Đôi khi, những vết thương chưa lành của ta lại trở thành nguyên nhân khiến ta lại gây thương tích nơi người khác. Ví dụ, một người cha trong gia đình, khi ông còn nhỏ, bản thân ông không được cha mẹ coi trọng, có thể dẫn đến việc hiện nay ông hết sức nghiêm khắc đòi hỏi các con của ông trong sự nỗ lực sao cho ông được các con kính trọng. Điều này biểu hiện khao khát tìm kiếm sự bù đắp cho những tổn thương mà cha mẹ đã gây ra nơi cá nhân ông vào thời thơ ấu. Ông có thể gọi đó là việc nghiêm khắc dạy dỗ cho các con có được thái độ “tôn trọng người khác”. Một ví dụ khác, một người mẹ không nhận được sự yêu thương nồng ấm từ cha mẹ của bà. Để thỏa mãn nhu cầu bù đắp tình yêu thương của bản thân, bà có thể mong đợi sự chăm sóc đặc biệt từ các con của bà. Trong khi cố gắng nhằm xoa dịu nỗi đau của bản thân, bà vô tình đòi hỏi từ con cái những gì bà khao khát từ cha mẹ. Khi các bậc cha mẹ mang những vết thương chưa được chữa lành, họ sẽ chuyển di cùng một thương tích tương tự như thế qua những hành vi họ cư xử với các con.

Khái niệm chuyển di sự đổ vỡ từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo là một ý tưởng cổ xưa. Chẳng hạn, Thánh Kinh nói về những tội của người cha được truyền lại cho con cháu.Tất nhiên, điều này không chỉ xảy ra giữa cha mẹ và con cái. Những đau đớn chưa được chữa lành vẫn có thể gây tác động hủy hoại bất cứ ai can dự ít nhiều vào trong những mối tương quan.

Chúng Ta Được Chữa Lành Như Thế Nào?

Di sản thương tích gây ra nơi ta khiến ta có thể cảm thấy như đang phải mang vác gánh nặng nề. Làm thế nào chúng ta có thể cảm nhận được năng lượng sẵn sàng sống hết lòng trong những tương giao lành mạnh? Chúng ta có thể làm gì để chúng ta sẽ không gây thương tích cho những người mà chúng ta quan tâm chăm sóc? Có cách nào để chữa lành vết thương mà ta đã thừa hưởng từ gia đình không?

Thương tích trong ta luôn thúc đẩy nhu cầu cần được chữa lành. Đồng thời, lại có một nghịch lý diễn ra nơi ta, ta cảm thấy lo sợ khi phải đối diện với những tổn thương chưa được chữa lành của chính bản thân. Thế nhưng chính khi ta can đảm nhìn nhận những vết thương của chính mình, đó lại là bước khởi sự cho tiến trình chữa lành được bắt đầu.

Trong bài nói chuyện ngày 24/9/2015 với đề tài Gia Đình, Mái Ấm Cho Những Trái Tim Bị Thương Tích tại Đại Hội Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia (Hoa Kỳ), Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, đã trích dẫn thư gửi tín hữu Do thái chương 10, cho thấy Đức Kitô đã trở nên một vị Thượng tế thập toàn và biết cảm thương, một người anh nhân hậu, vì Ngài đã chịu thử thách mọi bề như chúng ta, Ngài trải qua tất cả những đau thương của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Và Ngài đã biến đổi những đau thương ấy thành chiến thắng của tình yêu. Chính vì vậy mà Đức Kitô phục sinh vẫn mang dấu vết của những thương tích. Những thương tích ấy sẽ không biến mất. Quả thực, chính Đấng bị thương tích đã cứu độ chúng ta. Bởi thế, vì tất cả chúng ta đều mang những vết thương, nên những thương tích của chúng ta sẽ làm cho chúng ta thành những nẻo đường dẫn tới sự hiểu biết, giàu lòng trắc ẩn, liên đới và yêu thương. Và chính mỗi người chúng ta sẽ được tình yêu Chúa chữa lành, đồng thời Ngài cũng trao ban sức mạnh của Thánh Thần, làm cho chúng ta trở nên những môn đệ của Ngài. Từ kinh nghiệm được ơn chữa lành, chúng ta lại trở nên những người tiếp tục thực hiện sứ mạng chữa lành cho những anh chị em khác đang cần đến sự trợ giúp của chúng ta. Như Chúa Giêsu đã từng sai mười hai tông đồ ra đi và chỉ thị rằng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy (Mt 10:7-8),” Ngài cũng vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta.

Bên cạnh yếu tố ân sủng chữa lành mà mỗi cá nhân có những trải nghiệm đặc thù, các nhà tâm lý cũng nỗ lực đưa ra những phương thế hỗ trợ cho tiến trình này. Trong Hành Trình Của Con Tim (Journeys by Heart), Rita Nakashima Brock mô tả tiến trình chữa lành gồm ba bước, trong đó chúng ta (i) nhớ lại chúng ta đã bị tổn thương như thế nào, (ii) chúng ta bộc lộ cảm xúc qua cơn giận vì những gì đã xảy ra với chúng ta, và (iii) đau buồn về sự mỏng giòn dễ vỡ của chúng ta.

Nhớ Lại

Bước đầu tiên trong tiến trình chữa lành là nhớ lại ta đã bị tổn thương như thế nào. Nhớ về nỗi đau của ta đôi khi cũng đau đớn như lần đầu tiên chúng ta bị thương tích. Vì vậy, chúng ta thường cho rằng mình đừng nên nhớ đến những vết thương này bằng cách tự nhủ thầm với bản thân rằng: “vết thương ấy thuộc về quá khứ rồi”, “điều gì đã trôi qua, hãy để chúng qua đi, không khơi dậy lại nữa”, “đừng hối tiếc về những gì đã mất”, “quên đi quá khứ để vui sống”.

Nhiều người trong chúng ta muốn quên đi những cảm xúc mà chúng ta đã từng trải qua, chẳng hạn cảm xúc bị ba mẹ bỏ rơi lúc còn thơ bé. Ví dụ, anh A đã từng trải nghiệm cảm xúc về sự vắng mặt của cha mình – một người cha tham công tiếc việc. Anh A có thể trách cha mình rằng đã không ở bên cạnh anh lúc anh còn bé, nhưng anh không muốn nhớ đến cảm xúc của cha đã gây ra cho anh nỗi đau đớn đến mức nào về sự vắng mặt của ông. Không muốn lặp lại sai lầm của cha mình, anh A sẽ sắp xếp dành nhiều thời gian cho con cái. Đáng buồn thay, anh A sẽ dễ dàng cho con mình lượng thời gian của anh hơn là trao ban sự hiện diện mang lại sự ấm áp yêu thương mà các con thật sự mong đợi. Bao lâu anh A không muốn nhớ lại nỗi đau thương mà anh đã từng chịu đựng khi bị cha bỏ rơi, thì anh sẽ vẫn bị mắc kẹt trong việc thể hiện cảm xúc với chính bản thân mình và với những người khác, cụ thể là các con của anh.

Mỗi chúng ta đều có khả năng để nhớ lại. Trong ký ức, chúng ta thu thập những bức ảnh chụp lại những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc sống của ta. Một số người trong chúng ta lại thấy mình bị cuốn hút hết lần này đến lần khác vào trong những hình ảnh đau thương. Điều thu hút sự chú ý của ta vào những tổn thương này lại trở thành niềm hy vọng chữa lành. Khi chúng ta bước theo niềm hy vọng mà ta mang vào trong trí nhớ, chúng ta đang thực hiện bước đầu tiên trong hành trình chữa lành bản thân và hòa giải với người khác.

Cơn Giận

Bước thứ hai trong tiến trình chữa lành là hãy để cho ta trải qua cảm xúc của cơn giận vì đã bị thương tích. Giận là cảm xúc hữu ích mà nhờ đó báo động cho ta biết khi những điều không đúng nào đó đã xảy ra, và những điều ấy đã không đúng với ai. Rất tiếc là cơn giận thường bị phán xét bởi một cáo buộc sai lầm.

Ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến người khác tức giận, và chắc chắn bản thân ta cũng đã từng nổi giận không lúc này thì lúc khác. Thường chúng ta được khuyên nhủ rằng cơn nóng giận là cảm xúc tiêu cực nên kiềm chế. Thế nhưng trong thực tế, chúng ta thường cảm thấy mình có lý do chính đáng để nổi giận, ví dụ như làm sao ta lại không giận khi chứng kiến hay có liên hệ với một người có hành động không phù hợp với đạo đức, công bằng. Các chuyên gia tâm lý thuộc Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ đều cho rằng nóng giận là cảm xúc lành mạnh của con người và hoàn toàn bình thường. Dường như quan điểm này cũng hợp lý, vì chính thánh tông đồ Phao-lô cũng đã nhìn nhận là đôi lúc người ta cũng phải trải qua cảm xúc nóng giận. Ngài khuyên: “Có nóng giận, thì sao cho đừng mắc tội… (Ê-phê-xô 4, 26)” Vấn đề là chúng ta biểu lộ cơn giận của mình như thế nào để không trở nên cớ vấp phạm, gây tổn thương, hoặc mắc thêm lỗi thiếu bác ái.

Cơn giận là một cảm xúc mạnh đến mức một số người trong chúng ta sợ phải trải nghiệm nó. Chúng ta có thể sợ rằng trải nghiệm cơn giận sẽ chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn qua việc gây tổn thương cho chính mình hoặc gây ra cho những người khác. Vì vậy, để bảo vệ bản thân và những người chúng ta yêu thương, chúng ta cố gắng bỏ qua, “nhắm mắt làm ngơ” những cảm xúc tức giận. Nhưng càng phớt lờ, cơn giận tìm cách biểu lộ ra qua những hình thức khác là những cơn la hét giận dữ[2], gây hấn - thụ động[3], hoặc trầm cảm.

Nhưng vẫn còn có hướng giải quyết. Khi chúng ta trải nghiệm và hiểu được cơn giận, điều này không phá hủy các mối quan hệ; hoàn toàn ngược lại, nó còn cứu giúp những mối quan hệ ấy. Khi chúng ta trải qua cơn giận, chúng ta có thể can đảm trực diện với các mối quan hệ. Chính tại thời điểm này, ta hãy dành thời gian để nhìn nhận các vấn đề, các mối tương quan một cách sâu xa hơn.Việc nhìn bao quát điều đang diễn ra chắc chắn sẽ giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc của mình, và rồi ta sẽ nhận ra phương thế để thể hiện việc quan tâm chăm sóc cho bản thân cũng như cho người khác. Và khi chúng ta đạt được khả năng kiểm soát và sử dụng cơn giận của mình một cách khôn ngoan và có tính xây dựng, thay vì trút cơn tức giận vào người khác, thì chính cơn giận sẽ là động lực thúc đẩy ta làm thế nào để chữa lành thay vì gây thêm đau đớn.

Đối với hầu hết chúng ta, trong thực tế, việc xem cơn giận như là một người bạn quả thật là điều hết sức căng thẳng. Vậy chúng ta hãy xuất phát từ khởi điểm rất hữu ích này là đón nhận cảm xúc của cơn giận như là niềm hy vọng để điều chỉnh cho mọi sự trở nên đúng đắn. Khi chúng ta có khả năng đón nhận cơn giận bằng sự hiểu biết, chúng ta có thể sử dụng những cảm xúc của cơn giận để giúp chúng ta chữa lành.

Đau Buồn

Bước thứ ba trong tiến trình chữa lành là đau buồn về sự đổ vỡ của ta. Đôi khi điều này xem chừng như gây ra nơi ta sự thất vọng. Bạn có thể hỏi: Làm thế nào để tôi có thể vượt qua được những năm tháng bị loại trừ bởi chính người phối ngẫu, người mà đã không hề trao cho tôi bất cứ cử chỉ biểu lộ sự ấm áp hay cảm xúc thương yêu nào? Giờ đây, làm sao để tôi có thể làm bất cứ điều gì cho cha mẹ tôi, những người mà đã từng không hề yêu tôi? Làm sao tôi có thể chữa lành vết thương khi con tôi hoặc một người bạn của tôi đã không hề thậm chí muốn nói chuyện với tôi? Thật là rất dễ bị mắc kẹt nơi những mất mát đau đớn như thế này, mà dường như không thể chữa lành.

Giống như cơn giận, đau buồn đã phải chịu mang tiếng xấu và hầu hết chúng ta không biết làm gì với nó. Khi chúng ta cảm thấy đau buồn, điều này thúc đẩy ta đối diện với những mất mát; và phản ứng của ta thường là thoái lui.Những người mang trong tâm trí ý nghĩ tích cực có thể cho rằng đối diện với nỗi đau buồn là cách để hy vọng, nhưng rồi đôi khi xem chừng như cũng cảm thấy vô vọng.

Vậy, niềm hy vọng ở đâu? Đau buồn có thể mở ra cho chúng ta hy vọng. Trong trải nghiệm của thánh Phê-rô, sau khi chối Thầy Giê-su, thánh Mát-thêu thuật lại cho chúng ta biết: “Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết (26, 75).” Trải qua cảm xúc đau buồn này đã giúp Phê-rô nhận chân lại thân phận thực tế của mình: “… vì con là kẻ tội lỗi (Lu-ca 5, 8),”để từ đó ông hy vọng đón nhận ơn tha thứ của Thầy Chí Thánh, và ông đã được chữa lành. Khi chúng ta đau buồn, chúng ta đối diện với thực tế rằng chúng ta không thể chiếm hữu được mọi thứ theo như cách thức mà ta mong muốn. Nhận ra thực tế về những gì mà ta không thể có được, chúng ta mới bắt đầu thấy ra những gì chúng ta đang có. Đau buồn gỡ ta ra khỏi gọng kìm về những mong muốn bất khả thể nơi ta, để rồi chúng ta có thể nắm bắt được những khả năng thực tế. Mong ước kìm giữ ta, khiến ta bị mắc kẹt trong những thương tích; đau buồn giải thoát niềm đam mê và sáng tạo cho tình yêu và công việc của ta được triển nở.

Chốn An Toàn Để Chữa Lành

Một khi chúng ta đã bị thương tích, chúng ta không muốn bị tổn thương thêm một lần nữa. Chúng ta cần một cảm giác an toàn trước khi có thể tìm ra con đường của mình thông qua việc nhớ lại những ký ức riêng có, đấu tranh để đón nhận và kiểm soát cơn giận, và những mất mát do đau buồn.

Trong tiếng Anh, người ta có câu “Home is where the heart is” nhà là nơi con tim hiện diện, và nhà có thể là nơi an toàn để chữa lành. Nhưng, đối với một số người trong chúng ta, nhà là nơi chúng ta bị tổn thương, và thương tích đã không hề dừng lại. Ít là tại thời điểm khởi sự cho tiến trình chữa lành, nhà không phải là chốn đủ an toàn.

Khi nhà không là chốn an toàn, một cộng đồng đức tin có thể cung cấp một chốn để trú ẩn. Giáo hội có truyền thống nhớ đến những ai đang mang trong mình những thương tích và cung cấp sự an toàn để chữa lành[4]. Nhưng, nếu ta tập trung vào đau khổ của người khác nhằm để chuyển hướng sự chú ý khỏi nỗi đau của chính bản thân mình, thì đó chỉ là hành động tránh né việc chữa lành bằng một giải pháp “ăn liền” tạm bợ cho niềm hy vọng. Hầu như trong các giáo xứ nhu cầu cần trợ giúp để chữa lành đã vượt quá khả năng cung ứng của các vị mục tử và các vị đồng sự. Vì thế cần xây dựng các cộng đồng đức tin Kitô hữu nhỏ, và nếu những cộng đồng nhỏ này hoạt động một cách hữu hiệu, sẽ trở thành những nguồn lực chữa lành rất lớn.

Và rồi, đôi khi chúng ta cần tìm một nơi chốn mới trong cuộc sống của mình để dành cho việc chữa lành, nơi ấy sự đổ vỡ của chính ta sẽ là trung tâm của câu chuyện và là nơi ta sẽ không bị thương tích thêm một lần nữa.

Không Ai Chữa Lành Một Mình

Khi chúng ta thực sự vật lộn với một điều gì đó, theo bản năng chúng ta biết tầm quan trọng của việc cần có một người để trao đổi, trò chuyện. Người ta thường có khuynh hướng tìm đến với một đối tác thân thiết, một thành viên gia đình, một người bạn, hoặc một mối tương giao trong mục vụ.

Một mối tương quan tâm lý trị liệu có thể cung cấp một chốn an toàn, riêng tư, nơi có người đồng hành, nâng đỡ, và trợ giúp ta. Các nhà trị liệu có kỹ năng giúp người ta nhìn vào bản thân mình một cách trung thực, nhận ra tầm quan trọng của những trải nghiệm đau đớn, và nhìn thấy những lựa chọn mở ra cho họ.Vì thế, trong một số trường hợp việc đến gặp một nhà tham vấn, trị liệu là điều cần thiết trong tiến trình chữa lành của ta.

Ân Sủng Tuyệt Vời

Tất cả chúng ta đều bị tổn thương bởi những thương tích xảy ra trong cuộc sống. Một khi đã bị tổn thương, nhiều người trong chúng ta đưa ra phán quyết: như thế là quá đủ cho tôi. Chúng ta có thể bị mắc kẹt ở giữa những thương tích, hoặc ta chọn ở vị thế cho rằng đó không phải là lỗi của tôi. Điều này không đem lại hiệu quả gì cả. Cho dẫu chúng ta không có trách nhiệm trong việc gây ra tổn thương bởi vì là do người khác, nhưng chúng ta phải có trách nhiệm trong việc đón nhận sự giúp đỡ để chữa lành bản thân mình và các mối tương giao của ta.

Không ai khác có thể làm thế cho ta công việc chữa lành đặc thù của riêng ta, ngay cả Thiên Chúa vì như Thánh Augustinô đã từng nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”. Nhưng, thật là một ân sủng tuyệt vời khi chúng ta có thể nhớ lại, trải nghiệm cơn giận và đau buồn theo một cách thức để chữa lành. Nhờ ân sủng này, chúng ta tìm thấy niềm hy vọng của mình để chữa lành và tăng trưởng mạnh mẽ tại những vết thương mà đã từng gây đau đớn cho ta.

WHĐ, 12-05-2020
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN Số 111 (Tháng 3 & 4, năm 2019)


[1] Trong Anh ngữ “heart-to-heart”

[2] Có thể minh họa trong trường hợp một đứa bé “làm mình làm mẩy” vì cha mẹ không chiều theo ý nó.

[3] Một dạng hành vi lặp đi lặp lại của việc biểu lộ cảm xúc tiêu cực, giận dữ một cách gián tiếp thay vì công khai giải quyết chúng.

[4] Xin đọc lại trong kinh: Thương người có 14 mối, thương xác 7 mối, thương linh hồn 7 mối.

LỊCH PHỤNG VỤ