NHỮNG ĐỨC TÍNH CĂN BẢN CỦA NGƯỜI
PHỤC VỤ
Aug. Trần Cao Khải
Phục vụ là sử dụng
khả năng, sức lực, tài khéo của mình để làm những công việc vì lợi ích chung
hay giúp đỡ người khác thông qua những việc thiết thực nhờ đó con người và cuộc
sống của họ được thăng tiến mọi mặt. Nói cách nôm na, phục vụ là giúp đỡ, là
làm đầy tớ, là bạn đồng hành chăm lo người khác và quan tâm đến những nhu cầu
thiết thực của họ.
Ta có thể thấy, trong gia đình ông bà cha mẹ phục vụ con cháu, anh chị em phục vụ lẫn nhau, con cháu phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Ngoài xã hội, mỗi người là một thành phần đóng góp công sức phục vụ nhân quần xã hội. Trong Hội thánh, trong cộng đoàn lớn nhỏ, mỗi người là một chi thể sống và làm việc vì lợi ích cho tập thể.
Vậy thì ai cũng
là một người phục vụ. Nhưng để trở thành người phục vụ tốt, gương mẫu, xứng
đáng thì chúng ta cần hội đủ một số đức tính căn bản, chẳng hạn như khiêm tốn,
quảng đại, tế nhị, tận tâm và hy sinh quên mình.
Sau đây chúng ta
thử bàn về những đức tính này dưới ánh sáng của Tin Mừng Kitô giáo.
Khiêm tốn
Khiêm tốn là đức
tính hàng đầu của người phục vụ. Khiêm tốn không phải là khúm núm, e dè, tự hạ
thấp mình nhưng là chấp nhận mình là bạn hữu thiết thân, là người đồng hành của
người khác, sẵn sàng tôn trọng và quý mến người khác vì họ là đối tượng đáng để
ta tự nguyện dấn thân phục vụ.
Chúa Giêsu đã khẳng
định: “Hãy học với tôi, vì tôi có
lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Đối với Chúa, những người địa vị
càng cao, chức tước càng lớn, quyền hành càng to thì càng phải khiêm tốn.
Chúng ta biết rằng,
Đức Giêsu tuyển chọn
môn đệ để phục vụ Nước Trời thì đó không phải để các ông làm quan cai trị thiên hạ, nhưng là làm đầy tớ phục
vụ dân Thiên Chúa. Ngài đã nhấn mạnh: “Anh em biết: những người được coi là thủ
lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt
trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn
làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em
thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục
vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người”
(Mc 10, 42-45).
Trong đời sống Kitô
hữu, chúng ta rất dễ bị cám dỗ có những suy nghĩ và hành động ngược lại với đức
tính khiêm nhường. Bắt đầu từ vợ chồng, cha mẹ trong gia đình, cho đến các chức
sắc trong cộng đoàn, cho đến các mục tử trong Hội thánh… đều có lúc mắc phải bệnh
quan liêu, cửa quyền, thống trị.
ĐGM Bùi Tuần,
trong tuyển tập “Hành trình Phục sinh” đã viết như sau: “Người phục vụ là người thường được ưa thích. Nhưng đừng quên điều này:
Phục vụ mà kiêu căng sẽ không là phục vụ của người môn đệ Đức Kitô. Phục vụ với
lòng tự cao tự đại là một xúc phạm. Phục vụ mà tưởng rằng chỉ là cho đi mà
không là nhận lãnh cũng là một sai lầm. Phục vụ mà cho rằng chỉ có mình là
đúng, là tốt, là cần, sẽ là một thảm họa. Nhưng phục vụ với một dáng vẻ khiêm
nhường câu nệ hình thức cũng rất xa lạ với Phúc Âm…”. [1]
Thực vậy, Chúa
Giêsu luôn là tấm gương khiêm nhường phục vụ cho tất cả chúng ta.
“Là những người
được kêu gọi tiếp nối sự phục vụ cứu độ của Đức Giêsu, chúng ta cũng tiếp nối
tính cách ‘tự hủy’ của Người trong suốt cuộc đời mình. Một sự phục vụ đích thực
không thể phục vụ từ trên, nhưng là sự phục vụ từ dưới, như một người tôi tớ.
Vì thế, đừng quan
trọng hóa bản thân mình, đừng coi mình hơn người khác hoặc muốn ngang hàng với
người khác, ‘đừng cho mình là khôn ngoan’, ‘đừng tự cao tự đại, nhưng
ham thích những gì hèn mọn’ (Rm 12, 16). Hãy tập sống âm thầm, quên
mình, nhận lấy thân phận thấp hèn, “coi người khác trọng hơn mình”.
Từ bỏ như vậy không làm mình giảm giá, nhưng là trở nên sáng giá theo ước muốn
của Đức Kitô.
Chỉ khi ta hạ
mình xuống, người khác mới được nâng lên; chỉ khi ta chịu nhỏ xuống, người khác
mới có thể lớn lên; chỉ khi ta thành người nghèo khó, người khác mới trở nên
giàu có; chỉ khi ta chấp nhận bị khinh khi, người khác mới được tôn trọng; chỉ
khi ta chịu kém cỏi, người khác mới được khôn ngoan”. [2]
Quảng đại
Một đức tính khác
của người phục vụ cũng rất quan trọng, đó là sự quảng đại. Quảng đại là mở rộng
lòng ra để đón nhận tha nhân, là cho đi mà không cần nhận lại. Đó là phục vụ không
tính toán, không tư lợi, không vị kỷ.
Chúng ta thử xem,
trong gia đình cha mẹ phục vụ con cái có bao giờ đòi hỏi quà cáp bồi dưỡng,
lương lậu hay trả công gì đâu. Họ yêu thương con cái như trời bể. Yêu thương vô
điều kiện. Yêu thương vô giá. Đó là mẫu gương về một sự phục vụ quảng đại và
bao dung.
Thánh Phaolô cũng
luôn nhắc nhở rằng phục vụ là biểu lộ tình yêu không ích kỷ, không tìm tư lợi,
nhưng tìm lợi ích của người khác, không tìm kiếm mình, nhưng là hiến mình. Người
Kitô hữu có nhiều cơ hội để thực hiện Lời Chúa về phục vụ. Từ khi có dịch cúm
Covid-19, nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân tại nhiều nơi trên thế giới,
đã can đảm dấn thân xông vào vùng dịch để phục vụ, bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh
và tử vong.
Tại Bergamo (Ý),
vùng bị nhiễm coronavirus nặng nhất, trong một tuần giáo phận đã mất 6 linh mục
và 14 linh mục khác phải nhập viện. Một dấu hiệu mà theo giám mục Beschi, “Chúng ta không tách rời cộng đoàn chúng ta
ngay cả trong cái chết”.
Trong vòng một tuần
mà giáo phận Bergamo mất 6 linh mục, dấu hiệu cho thấy Giáo hội cũng không
thoát được căn bệnh này. Đức Giám mục Francesco Beschi, giáo phận Bergamo cho
biết: “Con số các linh mục đã qua đời trong tuần này và các linh mục nhập viện
thật là cao”, 14 linh mục đang được điều trị ở bệnh viện vì Covid-19. Ngài nói
trên đài InBlu của
Tòa Giám mục Ý: “Chúng ta không tách rời
cộng đoàn chúng ta ngay cả trong cái chết”.
Ngoài ra, tin
cũng cho hay hôm thứ sáu 20-3, khu vực Lazio của Ý đã thông báo rằng 59 nữ tu
thuộc hai tu viện ở Roma đã được xét nghiệm dương tính với coronavirus. Trong số
các nữ tu có kết quả xét nghiệm dương tính, 40 nữ tu thuộc tu viện dòng Tiểu Muội
thánh Camillô ở Grottaferrata, ngoại ô Roma, và 19 nữ tu đến từ tu viện dòng thánh
Phaolô ở Roma, hiện có tất cả 21 Nữ tu.
Mới đây nhất là
tin cho hay Đức cha Angelo Moreschi, 67 tuổi, một nhà truyền giáo người Ý hoạt
động truyền giáo tại Ethiopia, là giám mục Công giáo đầu tiên qua đời vì đại dịch
virus corona. Ngài qua đời ngày 25-3 vừa qua tại thành phố Brescia, ở vùng
Lombardy của Ý, nơi là tâm điểm của đại dịch ở châu Âu.
Đặc biệt là trường
hợp linh mục Giuseppe Berardelli 72 tuổi, sống tại thị trấn Casnigo ở tỉnh
Bergamo, vùng Lombardy miền bắc Ý. Cha Berardelli bị nhiễm virus Corona chủng mới
gây bệnh Covid-19 và được giáo dân mua cho một máy thở để điều trị. Tuy nhiên,
vị linh mục này đã không sử dụng được nữa và để lại cho một bệnh nhân Covid-19
trẻ tuổi hơn. Cha Berardelli qua đời tại bệnh viện vào ngày 24-3-2020. Quả là một
nghĩa cử cao vời.
Những gương sáng
về sự hy sinh quên mình phục vụ bất chấp sự nguy hiểm tột cùng của virus corona
thì rất nhiều không sao kể hết. Bên cạnh những người mà chúng ta biết được, còn
có rất nhiều tấm gương khác, đó là những người sống âm thầm, phục vụ âm thầm và
chết âm thầm.
Quả thực, những tấm
lòng quảng đại trong phục vụ đã thể hiện rõ nét lòng mến Kitô giáo: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của
Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm
giáo?” (Rm 8, 35).
Tế nhị
Tế nhị là sự khôn
khéo, cân nhắc, thận trọng trong lời nói và hành động của ta, khi tiếp xúc cũng
như khi phục vụ tha nhân. Nhiều người rất tốt, rất nhiệt tình nhưng vì thiếu tế
nhị nên dễ dàng đánh mất thiện cảm và làm hỏng việc.
Thực vậy, “Có những điều người ta thể hiện rất khôn nhưng không
khéo nên dễ gây đụng chạm, đổ vỡ. Có những điều người ta rất thông thạo nhưng không
tinh tế sẽ làm mất hòa khí và gây ra mặc cảm cho người khác. Có những điều
cần phải nói lý lẽ nhưng nếu không nhã nhặn sẽ biến
thành việc tranh chấp, hơn thua”. [3]
Sự tế nhị trong
phục vụ luôn được thể hiện qua việc nghĩ tốt và tôn trọng người khác.
Trước hết, ta cần
tôn trọng người được phục vụ. Dù mình là ai, chức vụ, địa vị ra sao, giàu có
quyền lực thế nào thì cũng không nên coi thường, khinh chê người khác. Nếu ta
có thái độ hống hách, ăn nói trịch thượng, thì sẽ làm cho người mà ta đang giúp
đỡ, phục vụ mang mặc cảm sợ hãi, tự ti và nhút nhát. Chúng ta hãy chứng tỏ mình
cao thượng, biết người biết ta và luôn làm cho người khác được an tâm hài lòng.
Thi sĩ R. Tagore nói: “Lòng nhân ái và lối
ứng xử nhẹ nhàng là biểu hiện của một tâm hồn cao thượng”.
Bên cạnh đó, ta
cũng cần luôn nghĩ tốt về người khác. Nghĩ tốt không phải là che đậy sự thật không
tốt về người khác nhưng là cảm thông với con người và hoàn cảnh cụ thể của họ.
Từ ý nghĩ bên trong, chúng ta sẽ có thái độ ứng xử thích hợp bên ngoài.
“Chúng ta học được
điều này nơi Chúa Giêsu, một thái độ hết sức tế nhị: khi đối diện với người phụ
nữ ngoại tình (Ga 8, 2-11), Ngài đã hạ mắt nhìn xuống để chị không phải ngượng;
Chúa cúi xuống để chị được ngước lên; Chúa yên lặng để phẩm giá làm người của
chị được lên tiếng; và Chúa lên tiếng để đám đông nhận ra con người của họ nơi
con người của chị.
Đối với Chúa, thái độ trước tiên không phải là xét đến vấn đề tội lỗi,
nhưng là vấn đề nhân phẩm phải được bảo vệ và phục hồi. Thái độ tế nhị như vậy là mở ra cho mình và người
khác một cơ hội lớn lên trong đời sống tinh thần. Mọi thái độ khinh khi và làm
nhục người khác đều là bất nhân, cho dù họ có hư hèn và bệ rạc đến đâu đi nữa.
Giá trị đời sống của một con người không thể đánh giá qua một vài hành vi bất
chính của họ. Nếu không, chính thái độ thiếu tế nhị của chúng ta mới là bất
chính”. [3]
Khi phục vụ,
chúng ta cũng nên lưu ý tới những điều mà Chúa Giêsu đã lên tiếng cảnh báo
trong Tin Mừng, chẳng hạn thích phô trương, thích kể công, thích khoe khoang, giúp
đỡ người này mà muốn tỏ ra cho người khác biết (x. Mt 6, 3). Hoặc cố gắng làm
những việc tốt nhưng lại tỏ vẻ mình đạo đức (x. Mt 6, 2-6). Hoặc nỗ lực thực hiện
những điều hay nhưng lại tỏ lộ mình tài giỏi (x. Lc 18, 9-14).
Tận tâm
Khi nói đến đức
tính tận tâm hay tận tụy ta liên tưởng tới sự nhiệt tình và sự chu đáo. Người
ta thường nói, “tận tâm phục vụ, nhiệt tình phục vụ hay phục vụ chu đáo”. Nói tắt,
đó là hết lòng phục vụ.
Trong đời sống thực
tế, ta thấy việc hết lòng phục vụ không phải là dễ.
Chẳng hạn ca dao
VN có câu: “Cha mẹ nuôi con bể hồ lai
láng/ Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”. Sự tận tâm, tận tụy của chúng ta
khi phục vụ phải xuất phát từ tấm lòng chân thực, chứ không thể là một sự đóng
kịch, giả hình, che mắt thiên hạ.
Một ví dụ khác về
sự quan trọng của việc tận tâm phục vụ.
Cộng đoàn tín hữu
là một gia đình trong đó linh mục được sai đến để chăm sóc, lo lắng và làm
gương. Ngài xác tín tuyệt đối việc ngài đến là “để phục vụ”. Người phục vụ luôn luôn là người chịu thiệt thòi, lo
trước cái lo của dân Chúa và vui sau cái vui của họ. Nếu ngày đưa đón cha về nhận
giáo xứ mới, lòng đầy nỗi hân hoan, vui sướng bao nhiêu thì những ngày sau đó,
là một núi công việc đang chờ bàn tay của linh mục. Nỗi lo lắng của ngài không
phải là an hưởng bản thân mà là gánh vác công việc cộng đoàn, ở đó bao con người
đang mong đợi và cần sự hiện diện của ngài.
Đặc biệt, linh mục
sẽ phải thao thức về nhu cầu thiêng liêng của cộng đoàn, qua đó ngài biết nên
làm gì và làm như thế nào để họ “được sống
và sống dồi dào”. Sự hy sinh của linh mục không chỉ là chịu đựng một vài
khó khăn trong vấn đề ăn uống, nhà ở, phương tiện này nọ mà là “chỉ có một sự cần”, đó là làm sao mình
phải bé nhỏ, tiêu hao đi để cho Đức Kitô lớn lên trong cộng đoàn. Làm sao để
Tin Mừng thực sự lan tỏa trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hội-đoàn-nhóm tín hữu.
Làm sao hạn chế được những chia rẽ, bất hòa, hành xử cục bộ, bè phái... để mọi
người sống hiệp nhất yêu thương như Chúa đã dạy.
Nguyên chỉ với những
thao thức đó thôi, linh mục cũng đã phải “tự tiêu hao” biết bao dự phóng, bao
sáng kiến, bao lo toan, bao kế hoạch riêng tư...Nói cách khác, khi lo cho người
khác được lớn lên, linh mục sẽ hy sinh chính bản thân ngài. Đó đích thực là sự
tận tâm phục vụ của mục tử.
Một vị giám mục
đã chia sẻ, “Tôi nhận ra ơn gọi của người
môn đệ Đức Kitô. Ơn gọi này không chỉ là truyền bá Tin Mừng, quy tụ dân Chúa,
thông báo ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể, mà còn là hiến tế chính mình trong cuộc đời. Hiến tế bằng tình yêu và hi
sinh. Cho dù một cách nào đó, người môn đệ Chúa sẽ phải chịu đóng đinh vào
thánh giá, phải chịu cho trái tim mình bị đâm, để những giọt máu và nước sau cùng
trong đó cũng đành đổ ra hết...” [4]
Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã nói “Hoa quả của đức tin là tình yêu, hoa quả của tình yêu là phục vụ và hoa quả của phục vụ là bình an”. Một tình yêu đích thực sẽ luôn làm nảy sinh sức sống mãnh liệt giúp cho việc phục vụ đạt tới cùng đích cuối cùng. Vị mục tử phục vụ cộng đoàn sẽ luôn dõi theo gương Ðức Giêsu Kitô là Đấng đã coi sự phục vụ như một luật nền tảng, hoặc đúng hơn, một lối sống, một gương mẫu cho mọi mối tương giao trong Hội thánh và trong xã hội con người./.
________________
[1] ĐGM GB Bùi Tuần,
Hành trình Phục Sinh, Gp LX 1997 trang 110-111
[2] DẤN THÂN PHỤC VỤ TRONG TINH THẦN TỪ BỎ, gplongxuyen.org
[3] ubmvgiadinh.org
[4] ĐGM GB Bùi Tuần, Tĩnh tâm LM , Gp Long Xuyên tháng 6-2002