NHỮNG BIỂU TƯỢNG CỦA
KITÔ GIÁO SƠ KHAI
Tý Linh (theo Caroline Becker, Aleteia 12.02.2022)
Trước Chiếu chỉ Milan năm 313 sau Chúa Giêsu, một Chiếu chỉ
cho phép các Kitô hữu tự do thực hành tôn giáo của mình trong đế quốc, các Kitô
hữu đã phải cách sống kín đáo để tránh bị bách hại. Lúc đó, các biểu tượng trở
nên một phương tiện giao tiếp tuyệt vời.
Nếu họ không có quyền quy tụ để cử hành trong cộng đoàn, thì
họ vẫn có thể chôn cất người chết của mình cách xứng đáng. Và chính ở đó, trong
lòng các hang toại đạo, mà Kitô giáo được thể hiện cách hữu hình.
Nghệ thuật Kitô giáo được nảy sinh trong một khung cảnh tang
lễ. Trên các bức tường và các ngôi mộ, các Kitô hữu đã khắc những biểu tượng từ
Thánh Kinh và cả được sử dụng phổ biến thời đó bởi xã hội Hy-La. Một cách khéo
léo để sống kín đáo nhưng vẫn biểu lộ việc họ thuộc về Chúa Kitô. Những ví dụ rất
đẹp vẫn còn có thể thấy được trong các hang toại đạo ở Rôma.
Dưới đây là một số biểu tượng được các Kitô hữu sơ khai sử dụng :
Cây nho
Trong Thánh Kinh, không thiếu cây nho. Biểu tượng thiên sai
rất mạnh mẽ, cây nho đã xuất hiện từ sách Sáng Thế Ký khi No-ê trồng cây nho đầu
tiên, gợi nhớ về khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Tượng trưng cho Đấng Thiên
Sai, là cây nho phì nhiêu và cứu độ, cây nho cũng tượng trưng cho dân được tuyển
chọn, được vun trồng bởi người trồng nho là Chúa Kitô. Chúa Kitô nói: “Thầy
là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà
không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt
tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15, 1-2).
Chrisme (chữ viết tắt của Ἰησοῦς Xριοτόs (Giêsu
Kitô)):
Được hình thành từ các chữ cái đầu trong tiếng Hy Lạp của Ἰησοῦς
Xριοτόs : I (iota) và X (khi) hay đôi khi từ các chữ cái đầu của từ
Xριοτόs (Kitô): X (khi) và P (rhô), “Chrisme” xuất hiện dưới triều đại
hoàng đế Constantin. Truyền thống kể rằng hoàng đế đã giương nó lên ngọn cờ của
mình trong trận chiến thắng Milvius vào năm 312. Là biểu tượng thực sự của các
hoàng đế Kitô giáo, tuy nhiên, biểu tượng này có một nguồn gốc lâu đời hơn vì
nó từng được sử dụng nơi người Hy Lạp, viết tắt của từ χρηστός / khrēstós, và
chỉ có nghĩa là “hữu ích, điềm tốt lành”.
Alpha và Omega
Chữ cái đầu tiên và cuối cùng của bảng chữ cái Hy Lạp, Alpha
và Omega nhắc nhớ rằng Thiên Chúa là khởi đầu và tận cùng của mọi sự. “Đức
Chúa là Thiên Chúa phán: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và
đang đến, là Đấng Toàn Năng.””, thánh Gioan viết trong sách Khải Huyền
(Kh 1,8). Biểu tượng này, được vẽ ở nến phục sinh được thắp vào đêm vọng Phục
Sinh, đã từng được dùng nơi các Kitô hữu đầu tiên. Người ta thường nhận thấy nó
được liên kết với biểu tượng “Chrisme”.
Cá
Đối với các Kitô hữu đầu tiên, cá trực tiếp gợi lên Chúa
Kitô. Từ cá trong tiếng Hy Lạp “Ichthus” cũng là từ viết tắt của
thành ngữ “Ίησοῦς Χριστός, Θεοῦ Υἱός, Σωτήρ”
(“Giêsu-Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ”). Ký hiệu này nhanh chóng trở thành
phương tiện cho các Kitô hữu nhận ra nhau trong khi vẫn giữ kín đáo. Do đó, nó
có mặt khắp nơi trên nhiều mặt nền, đặc biệt các đài tưởng niệm người chết.
Theo thời gian, tiếng Latinh thay thế tiếng Hy Lạp, nên biểu tượng trở nên ít
rõ ràng hơn và thánh giá bằng đầu được ưu tiên hơn biểu tượng cá.
Con Công
Hiếm hơn trong biểu tượng Kitô giáo, con công đôi khi được
coi như là biểu tượng về sự bất tử, được thánh Augustinô khuyến khích. Ngài đã
chỉ ra trong tác phẩm Thành Đô của Thiên Chúa rằng thịt của con chim này không
bị hư hỏng, theo hình của thân xác của Chúa Kitô ở trong mộ. Với nhiều
màu sắc và đuôi hình chòm sao, nó cũng gợi lên bầu trời đầy sao và dàn hợp xướng
của các thiên thần. Nếu, trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, hình ảnh của
nó là tích cực, thì vào khoảng thế kỷ X, hình ảnh của nó đã xấu đi khi các giáo
sĩ nhìn thấy nơi nó một hình ảnh hư danh tự hào về bộ lông của mình.
Chim bồ câu
Là loài chim được gắn liền với thần Vệ nữ trong thần thoại cổ
đại, chim bồ câu đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của Kitô giáo về Chúa
Thánh Thần. Một chọn lựa được giải thích bởi đoạn Tin Mừng về Chúa Giêsu chịu
phép rửa: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên
Người” (Ga 1, 32). Là biểu tượng tuyệt vời của hơi thở thần linh, chim bồ
câu còn được gắn liền với hòa bình, sự trong sáng và sự trong trắng. Trong đoạn
Thánh Kinh của sách Sáng Thế Ký với ông No-ê, nó là sứ giả mang lại niềm hy vọng
mới cho nhân loại.
Chim phượng hoàng
Là con chim thần thoại, chim Phượng hoàng được sinh ra từ
trí tưởng tượng của con người. Sức mạnh biểu tượng của nó đã được sử dụng vào
thế kỷ VIII trước Chúa Giêsu, khi nhà thơ Hy Lạp Hésiode so sánh tuổi thọ của
nó với tuổi thọ của con người. Biểu tượng của vĩnh cửu, câu chuyện về chim Phượng
hoàng được kể trong cuốn Physiologus, sách ngụ ngôn đầu tiên về các
con vật trong Kitô giáo. Bị đốt cháy trên bàn thờ, chim phượng hoàng tái sinh
ngày hôm sau từ đống tro tàn của nó dưới hình thức một chú chim nhỏ. Rất nhanh
chóng, các Kitô hữu liên kết nó với cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô và cả
với sự sống đời đời được hứa cho mọi người.
Mỏ neo
Biểu tượng của đức tin và niềm hy vọng vào sự Phục sinh, biểu
tượng mỏ neo xuất hiện từ thế kỷ thứ III trên các ngôi mộ và các bức bích họa của
các hang toại đạo. Đôi khi được liên kết với cây thánh giá hay con cá, việc sử
dụng nó nhắc lại những lời nói của thánh Phaolô trong Thư gởi tín hữu Do Thái:
“Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của
tâm hồn” (Dt 6, 19).
Mục Tử nhân lành
Với chiên trên vai, hình ảnh Mục Tử nhân lành nhắc nhớ hình ảnh của Chúa Kitô Đấng Cứu Độ. Ngài là Đấng tập hợp các con chiên lạc. Chính Chúa Kitô đã giới thiệu mình như thế: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11).
Được tìm thấy nơi
các hang toại đạo, biểu tượng này đã được sử dụng trong bối cảnh lễ tang của thời
Rôma và tượng trưng cho người đưa đò của các linh hồn, người đồng hành với họ đến
thế giới bên kia.
Người đang cầu nguyện
Biểu tượng người đang cầu nguyện chỉ một người cầu nguyện, đứng
hay quỳ, hai tay dang rộng và hướng lên trời như một dấu cầu nguyện. Được
biểu tượng nhiều hơn dưới các nét nữ tính, đối với các Kitô hữu đầu tiên, biểu
tượng người cầu nguyện minh họa sự chiến thắng của sự sống trên sự chết. Đôi
khi được đồng hóa với người chết được chôn trong mộ, người cầu nguyện đôi khi
có dấu hiệu đặc trưng nào. Lúc đó, nó đơn giản được đồng hóa với đức tin hay với
Giáo hội nói chung.