MỤC SUY NIỆM

Nhờ cầu nguyện, Hội thánh nhìn thấy Chúa đang hiện diện và hành động trong lịch sử

(Bài giảng Giáo lý của Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI về sách Khải Huyền)

Anh chị em thân mến,

Giáo Hội tiến bước trong lịch sử, tham dự vào lịch sử theo kế hoạch của Chúa. Khi lắng nghe sứ điệp của Gioan được người đọc trình bày, cộng đoàn đã nhìn lại nhiệm vụ của mình cộng tác vào việc mở mang Nước Chúa như những “tư tế của Thiên Chúa và Đức Kitô” (Kh 20, 6; 1, 5; 5, 10) và hướng đến thế giới con người. Ở đây xuất hiện hai lối sống có quan hệ biện chứng với nhau: lối sống thứ nhất có thể gọi là “hệ thống của Đức Kitô” và cộng đoàn vui mừng vì được thuộc về hệ thống này, còn lối sống thứ hai là của “hệ thống thế gian, đối lập với Nước Trời và Giao ước, chịu tác động của Sự Dữ, vốn đánh lừa con người và mong muốn lập ra một thế giới trái với ý muốn của Đức Kitô và Thiên Chúa” (x. Ủy ban Tòa Thánh về Thánh kinh, Thánh kinh và Luân lý. Nguồn gốc trong Thánh kinh về hành động Kitô hữu, số 70). Cộng đoàn cần phải đọc được ý nghĩa sâu xa của lịch sử mình đang sống và biết dùng đức Tin học cách nhận định các biến cố để cộng tác bằng hành động nhằm mở mang Nước Chúa. Việc đọc, nhận định và hành động được gắn liền với cầu nguyện.

Trước hết, trong phần đầu của sách Khải huyền, sau lời kêu gọi tha thiết của Đức Kitô, Đấng đã bảy lần nói: “Ai có tai, hãy nghe điều Thần Khí nói với Hội Thánh” (x. Kh 2, 7.11.17.29; 3, 6.13.22), cộng đoàn được mời gọi lên Trời nhìn hiện thực bằng đôi mắt Thiên Chúa. Ở đây chúng ta gặp lại ba biểu tượng, những điểm tham chiếu, để từ đó đọc lịch sử. Những biểu tượng này là: ngai Thiên Chúa, Con Chiên và quyển sách (Kh 4, 1 - 5, 14).

Ngai là biểu tượng thứ nhất, nơi ngự của một nhân vật Gioan không miêu tả, bởi Ngài vượt trên mọi diễn tả của con người. Ông chỉ có thể gợi lên xúc cảm về vẻ đẹp và niềm vui khi đến trước mặt Ngài. Nhân vật bí ẩn này là Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đấng toàn năng, đã không chịu giam mình nơi cõi Trời nhưng đến ở bên và liên kết với con người. Thiên Chúa đã làm cho tiếng nói của mình, được biểu tượng bằng sấm sét, dù bí nhiệm nhưng có thật, cảm nhận được trong lịch sử. Có những yếu tố khác nhau, 24 kỳ lão và 4 sinh vật, xuất hiện quanh ngai Thiên Chúa, không ngừng chúc tụng vị Chúa duy nhất của lịch sử. Như vậy, biểu tượng thứ nhất là chiếc ngai.

Biểu tượng thứ hai là quyển sách, chứa đựng kế hoạch của Thiên Chúa về các biến cố và con người được niêm phong với bảy con dấu và không ai có thể đọc được. Trước cảnh con người không thể hiểu thấu chương trình của Chúa, Gioan buồn đến rơi nước mắt. Tuy nhiên đã có phương dược chữa con người khỏi lạc lối trước bí nhiệm của lịch sử: có một người mở được quyển sách và tỏ lộ ý nghĩa của sách.

Và đây là biểu tượng thứ ba: Đức Kitô, Chiên Con được sát tế khi Hiến mình làm của lễ trên Thập giá nhưng hiện đang đứng, dấu chỉ Người đã sống lại. Đích thực đây là Chiên Con, Đức Kitô đã chết và phục sinh, Đấng đang từ từ mở ấn niêm phong và tỏ lộ chương trình của Thiên Chúa, ý nghĩa sâu xa của lịch sử.

Những biểu tượng này nói lên điều gì?

Chúng nhắc chúng ta nhớ lại đâu là con đường để biết cách đọc ra những sự kiện lịch sử và cuộc sống của chúng ta. Khi ngước mắt nhìn cõi Trời cao của Chúa, kết hợp mật thiết và mở lòng trí hướng về Đức Kitô khi cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn, chúng ta học đổi mới cách nhìn và hiểu được ý nghĩa chân thực nhất của mọi sự việc. Cầu nguyện giống như cửa sổ mở ra để chúng ta đưa mắt hướng nhìn về Chúa, không những nhắc chúng ta nhớ mục đích mình đang hướng tới mà còn để cho ý Chúa soi sáng con đường trần thế của mình, giúp chúng ta tập trung và quyết tâm bước đi trên con đường đó.

Thiên Chúa dùng cách nào hướng dẫn cộng đoàn Kitô hữu đọc ra ý nghĩa sâu xa của lịch sử?

Trước hết Chúa mời gọi cộng đoàn hãy lấy tinh thần thực tế mà xem xét hiện thực chúng ta đang sống. Vì vậy, Chiên Con mở bốn ấn niêm phong đầu tiên quyển sách và Hội Thánh nhìn thấy thế giới mình được đưa vào, một thế giới với nhiều yếu tố tiêu cực. Có những sự dữ con người đã làm, chẳng hạn dùng bạo lực vì tham vọng chiếm đoạt, thống trị người khác, đến nỗi giết nhau (ấn thứ hai); hoặc bất công, bởi con người không tôn trọng lề luật được ban cho (ấn thứ ba). Sau đó thêm vào những sự dữ ấy là những sự dữ con người phải chịu như sự chết, đói khát, bệnh tật (ấn thứ tư).

Trước những thực tế bi đát này, cộng đoàn Hội Thánh được mời gọi đừng bao giờ để mất niềm hy vọng, tin tưởng chắc chắn rằng mẽ bề ngoài có vẻ toàn năng của Sự Dữ sẽ đụng phải sự toàn năng đích thực của Thiên Chúa. Ấn niêm phong thứ nhất được Chiên Con mở ra quả thật đã chứa đựng thông điệp này. Gioan thuật lại: “Tôi thấy: kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang cung. Người ấy được tặng một triều thiên và ra đi như người thắng trận, để chiến thắng” (Kh 6, 2). Sức mạnh của Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người. Sức mạnh này không chỉ để cân bằng mà còn đánh bại sự dữ. Màu trắng gợi lên sự Sống lại: Thiên Chúa gần gũi đến mức Người bước xuống tận cõi tối tăm của sự chết để dùng ánh quang rạng ngời sự sống thần linh của Ngài mà chiếu sáng cõi tối tăm. Ngài đã nhận lấy sự dữ thế gian để dùng lửa tình yêu mà thanh luyện nó.


Bốn người cỡi ngựa trong chương 6 của sách Khải Huyền của Gioan

Việc đọc ra ý nghĩa thực tại sẽ giúp người Kitô hữu được thăng tiến như thế nào?

Sách Khải huyền cho chúng ta biết việc cầu nguyện sẽ giúp mỗi người chúng ta và cộng đoàn nuôi dưỡng cái nhìn về ánh sáng và về niềm hy vọng sâu xa. Sách Khải huyền mời chúng ta đừng để cho sự dữ khuất phục được mình nhưng lấy sự lành chiến thắng sự dữ, nhìn lên Đức Kitô bị đóng đinh và đã sống lại, Đấng đưa chúng ta vào chiến thắng của Người.

Giáo Hội sống trong lịch sử. Giáo Hội không khép mình lại nhưng can đảm đối diện với con đường giữa những khó khăn và đau khổ, mạnh mẽ khẳng định cuối cùng sự dữ không thắng được sự lành, bóng tối không che khuất được ánh quang rạng ngời của Thiên Chúa. Đối với chúng ta, đó là điểm quan trọng. Là Kitô hữu, chúng ta không bao giờ được bi quan. Chúng ta biết rõ, trong hành trình cuộc sống, chúng ta thường gặp phải bạo lực, sự dối trá, ghen ghét, bách hại nhưng chúng ta không nản lòng. Trên hết chính việc cầu nguyện dạy chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ của Thiên Chúa, thấy Ngài hiện diện và ra tay hành động, hơn nữa dạy chúng ta biết trở nên ánh sáng sự lành, chiếu tỏa niềm hy vọng và làm dấu chỉ chiến thắng thuộc về Thiên Chúa.

Viễn cảnh này dẫn chúng ta đến với việc tạ ơn, chúc tụng Thiên Chúa và Chiên Con: 24 vị kỳ lão và 4 sinh vật cùng hát lên “bài ca mới” tôn vinh công trình của của Đức Kitô Chiên Con, Đấng “đổi mới mọi sự” (Kh 21, 5).

Nhưng trước hết phải nài xin Chúa đổi mới. Đến đây ta thấy một đặc điểm khác của cầu nguyện: phải tha thiết nài xin Chúa ban cho Nước Chúa ngự đến, cho con người có tâm hồn biết vâng theo sự cai quản của Chúa, để cho ý Chúa hướng dẫn đời mình và cuộc sống trên trần gian.

Trong thị kiến của sách Khải huyền, có một chi tiết quan trọng tiêu biểu cho lời cầu xin: với tiếng đàn hòa cùng lời ca, “hai mươi bốn vị kỳ lão”“bốn sinh vật” đang cầm trong tay “những chén vàng đầy hương” (Kh 5, 8a) được sách giải thích “là những lời cầu nguyện của các thánh” (Kh 5, 8b), là những người được gặp lại Chúa, đồng thời cũng là chính chúng ta trên đường lữ hành. Chúng ta thấy, trước ngai Thiên Chúa có một thiên thần cầm bình hương vàng, không ngừng tay bỏ hương vào bình, đó chính là những lời cầu nguyện của chúng ta cùng với hương thơm ngào ngạt được tiến dâng Thiên Chúa (Kh 8, 1-4).

Đó là cách nói biểu tượng diễn tả mọi lời cầu nguyện của chúng ta -với mọi giới hạn, khó khăn, nghèo nàn, khô khan, bất toàn- được thanh tẩy và đến thẳng với trái tim Chúa. Vì thế, chúng ta cần biết chắc rằng không có lời cầu nguyện nào vô ích hay không cần thiết. Không lời cầu nguyện nào bị tiêu tan. Những lời cầu nguyện sẽ tìm được lời đáp lại, dù đôi khi bí nhiệm, bởi Thiên Chúa là Tình yêu và là Đấng Xót thương vô hạn. Thánh Gioan viết: “Rồi thiên thần cầm bình hương, lấy lửa trên bàn thờ bỏ đầy vào và ném xuống đất. Liền có tiếng sấm, tiếng sét, ánh chớp và động đất” (Kh 8, 5). Hình ảnh này có nghĩa là Thiên Chúa không bỏ ngoài tai mọi lời chúng ta kêu cầu. Ngài can thiệp và khiến trần gian cảm nhận được quyền năng và tiếng Ngài phán ra. Chúa làm cho hệ thống của Sự Dữ phải run sợ và bị lật nhào. Trước sự dữ, ta thường thấy mình chẳng thể làm được gì, nhưng chính việc cầu nguyện là sự đáp trả đầu tiên có hiệu quả nhất chúng ta có thể mang lại và giúp chúng ta càng thêm quyết tâm truyền bá sự lành mỗi ngày. Quyền năng của Thiên Chúa biến đổi sự yếu đuối của chúng ta trở nên sung mãn (x. Rm 8, 26-27).

Tôi muốn dùng cuộc đối thoại cuối cùng (Kh 22, 6-21) để kết luận. Chúa Giêsu nhắc lại nhiều lần: “Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến!” (Kh 22, 7-12). Lời quả quyết này không những chỉ ra viễn cảnh thời sau hết mà còn là triển vọng đương thời: Chúa Giêsu đang đến và thiết lập nơi cư ngụ của Người nơi những ai tin và đón nhận Người. Bởi vậy, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, cộng đoàn lặp lại với Chúa Giêsu lời mời khẩn thiết xin Chúa đến gần hơn: “Xin Chúa ngự đến” (Kh 22, 17a). Cộng đoàn như “tân nương” (Kh 22, 17) thiết tha mong cuộc hôn nhân được nên trọn. Lời nài van được nhắc lại lần thứ ba: “Amen! Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”, rồi người đọc sách dùng kiểu nói thể hiện sự hiện diện này để kết luận: “Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu ở cùng tất cả mọi người” (Kh 22, 21).

Sách Khải huyền, với sự phức tạp của những biểu tượng, giúp chúng ta được tham dự vào một lời cầu nguyện hết sức phong phú. Thật vậy, chúng ta cũng được nghe, được chúc tụng, tạ ơn, chiêm ngắm và xin Chúa ban ơn tha thứ cho mình.

Cấu trúc của lời kinh phụng vụ cộng đoàn cao đẹp này cũng là lời kêu gọi mạnh mẽ hãy tiếp tục khám phá khả năng biến đổi phi thường của Bí tích Thánh Thể. Tôi đặc biệt mời gọi anh chị em hết sức trung thành với việc tham dự thánh lễ Chúa nhật. Ngày của Chúa, Chúa nhật, thực sự là tâm điểm của tuần lễ!

Sự phong phú của lời cầu nguyện trong sách Khải huyền gợi chúng ta nghĩ đến viên kim cương với các góc cạnh rất hấp dẫn, nhưng sự quý giá lại thuộc về độ thuần khiết ở giữa lõi. Vì vậy, những hình thức được gợi lên từ lời cầu nguyện trong sách Khải huyền làm ngời lên tính cách quý giá độc đáo và khôn tả của Đức Giêsu Kitô.

Cảm ơn anh chị em.

Ngày 12.9.2012
Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI

G.B. Vương Nghi chuyển ngữ 
Nguồn: Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 73 (Tháng 11 & 12 năm 2012)